Ân Thù Kiếm Lục

Chương 1: Người áo trắng

Gió lạnh xé thịt da như dao cắt, từng đụn mây dày đặc cuộn chụp lên nhau...

 

Bên bờ Bột Hải sóng biển ì ầm, đợt đợt nối tiếp phủ lên gành đá...

 

Rốp!...

 

Một đợt sóng nhào lên, đẩy chiếc buồm đập vào ghềnh đá phát lên một tiếng khô khan, cột buồm gãy làm đôi tụt ra theo sóng nước.

 

Mặt biển đen ngòm vụt lóe lên hai ánh ngời ngời như hai vì sao lấp lánh di động lần lan vào bờ biển.

 

Nếu có ai chợt thấy nhất định sẽ cho đó là đôi mắt của Thần Biển báo hiệu cho nhân gian biết trước cơn thịnh nộ của phong ba...

 

Nhưng không, hai đóm sáng cao dần khi sát đến bờ, và khi đợt sóng cao nhất tụt xuống, hiện ra một người vận áo trắng, tóc lõa xõa phủ vai đứng thẳng mình lên, đôi mắt ngời chiếu sáng...

 

Thanh trường kiếm vỏ đen óng ánh được nắm chặt trong bàn tay trắng muốt, nhiều đường gân xanh rờn nổi lên cuồn cuộn, bộc lộ nội lực của kẻ cầm gươm và đồng thời cũng nói lên rằng giữa sóng biển muôn trùng dồn dập, người ấy bằng lòng bỏ tất cả những gì trên cõi đời này, chỉ trừ thanh trường kiếm ấy mà thôi!

 

Rõ ràng người áo trắng là kẻ bị đắm thuyền, nhưng không biết từ nơi đâu và từ lúc nào, đã nắm chặt thanh gươm vượt sóng nước vào bờ...

 

Chân đặt lên bãi cát chưa được mấy bước, thân ảnh người ấy vùng lảo đảo, nhưng chỉ thoáng qua, người áo trắng đã đứng thẳng mình lên một cách vững vàng, tia mắt như hai vì sao chiếu thẳng.

 

Hắn vừa đi vừa móc trong lưng ra một túi vải dầu, từ trong đó hắn lấy ra một tấm địa đồ và nhiều hàng chữ ghi chi chít.

 

Hắn xem qua và cuốn lại cho vào túi cẩn thận, vừa đi vừa lẩm bẩm :

 

- Lao Sơn... Phi Hạc môn Thanh Hạc Liễu Tòng...

 

Hắn cứ bước đều không để ý mọi vật chung quanh, nhưng lạ làm sao, nếu có ai đem thước ra đo dấu chân của hắn, chắc chắn sẽ kinh ngạc vô cùng, vì mỗi bước cách nhau đúng y một thước bảy tấc, không bước nào xê xích một ly!

 

Cứ như thế, hắn thẳng đến Phi Hạc môn.

 

Phi Hạc môn, một trang trại dưới chân Lao Sơn nằm chắn miền Đông Lỗ. Nó là một cơ nghiệp, một tông phái võ lâm, được dựng lên bởi bàn tay của Thanh Hạc Liễu Tòng, một nhân vật thành danh suốt bốn mươi năm mà Thập thất Hạc Trảo, Hóa Hạc chưởng và Hạc Vũ châm được thiên hạ mệnh danh là Tam tuyệt, một cái tên chấn động giang hồ.

 

Mặt trời đã xế sau rặng núi, người áo trắng không mau không chậm, bước đi vẫn đúng y một thước bảy tấc, thẳng vào Phi Hạc môn, đầu tóc vẫn lòa xòa quái dị...

 

Hai cánh cửa gỗ thật dày sơn màu đỏ chói đóng chặt im ỉm. Người áo trắng bước thẳng qua cùng một lượt với khung cửa đổ. Nếu không để ý, có thể nghĩ rằng tại khung cửa đổ người ấy bước qua, chứ không ai tưởng tượng được rằng kình lực từ bước đi của hắn đã làm cho khung cửa kiên cố ấy tróc ra một cách quá dễ dàng.

 

Bên trong, dưới hàng cổ thụ, có nhiều thanh niên đại hán, có lẽ là đám lực sĩ giữ cửa, thấy tình huống dị thường, cùng đứng phắt lên và cùng há hốc mồm kinh ngạc...

 

Như không cảm thấy việc làm của mình gây ra khinh động, người áo trắng cứ bước đều tới trước mặt đám đại hán và dừng lại nói bằng một cách chậm rãi từ từ :

 

- Liễu Tòng ở đâu? Gọi hắn ra đây!

 

Tiếng nói từng tiếng một rõ ràng lắm, nhưng người nghe vẫn thấy lạ, y như người nói có gì chận trong cổ họng lúc phát âm, một giọng nói khác thường.

 

Đám đại hán có lẽ là cao thủ Phi Hạc môn, và có lẽ bình thường họ cũng là tay kiệt liệt, nhưng lúc bấy giờ, lúc người áo trắng xuất hiện, họ bỗng đâm ra tái mặt, họ lừ mắt ra hiệu cho nhau và chậm rút lui.

 

- Chuyện gì mà kinh hoàng thế?

 

Tiếng quát như chuông gióng, làm cho đám đại hán đang hớt hải thụt lui vụt quay mình lại. Một lão già mặc cẩm bào, râu tóc bạc phơ đứng sững trước bệ thần.

 

Một trong đám đại hán cúi đầu run rẩy :

 

- Sư phụ... Sư phụ hãy xem... quỷ...!

 

- Nói bậy!

 

Lão già tóc bạc cau mày rầy át, nhưng ánh mắt ông ta cũng hơi sửng sốt trước trạng thái dị kỳ của người áo trắng.

 

Tuy nhiên, vẫn còn đúng phong độ của kẻ hào hùng, lão già tóc bạc vòng tay cố tạo vẻ ung dung :

 

- Bằng hữu là ai? Chẳng hay có chuyện chi quá bước đến tệ môn?

 

Người áo trắng bước từng bước một và cất giọng nói lạ lùng :

 

- Ông là Liễu Tòng?

 

Thanh Hạc Liễu Tòng đúng là lão già tóc bạc, ông ta vẫn giữ vẻ ôn tồn :

 

- Vâng, Liễu Tòng chính là lão phu!

 

Người áo trắng khẽ gật đầu :

 

- Tốt, tuốt kiếm ra!

 

Liễu Tòng nhướng mắt :

 

- Bằng hữu và họ Liễu này có thù oán ra sao?

 

Người áo trắng trả lời đặt một :

 

- Không!

 

Liễu Tòng nhếch môi cười :

 

- Vốn không từng quen biết, lại không có oán thù, thế tại sao mới gặp nhau lại đòi so kiếm?

 

Người áo trắng lạnh lùng :

 

- Thế ai bảo ông thành danh một bậc võ sư?

 

Liễu Tòng vặn lại :

 

- Chẳng lẽ những nhân vật thành danh trong chốn võ lâm, các hạ cũng đều cùng quyết đấu cả sao?

 

Môi điểm nụ cười kỳ dị, người áo trắng đáp từng tiếng một :

 

- Đúng, nhắm danh nhân trong võ lâm hiếu chiến, đó là mục đích của ta đến miền Đông này vậy!

 

Sắc diện đã dị kỳ, phát âm lại càng kỳ dị, cộng thêm nét cười quái lạ, người áo trắng quả là một kẻ khác thường.

 

Một luồng ớn lạnh chạy dài trong xương sống, nhưng Thanh Hạc Liễu Tòng vẫn ngửa mặt cười ha hả :

 

- Lấy sức của một mình, hướng thiên hạ võ lâm khiêu chiến, bằng hữu... bằng hữu định nói đùa đấy chứ?

 

Sắc mặt của người áo trắng vẫn lạnh như băng, hắn nói từng tiếng một :

 

- Tuốt kiếm ra!

 

Là một kẻ thành danh hiệp nghĩa và cũng là một người mà võ lâm nể mặt tôn sùng, sự việc xảy ra tuy rằng vô cớ nhưng dù sao sự khinh lờn đó cũng không dung thứ được. Thanh Hạc Liễu Tòng khẽ liếc ra sau, lập tức môn hạ hối hả dâng binh khí.

 

Món binh khí hơi có vẻ lạ thường, nó là một cặp côn ngắn, trên đầu giống như bàn tay úp khum khum năm móng ló ra y như móng hạc. Cặp Hạc Trảo này đã giúp Liễu Tòng danh dậy giang hồ, nhưng hiện tại trước một trạng huống lạ lùng do một nhân vật lạ lùng mang lại, làm cho đầu Hạc Trảo trên tay họ Liễu chợt thấy rung rung.

 

Tréo theo chữ Thập, một tay quày ngang, một tay trầm hẳn xuống, Liễu Tòng gằn giọng :

 

- Trừ Thập thất Hạc Trảo ra, trong này còn tàng ẩn Hạc Vũ châm chuyên đánh vào huyệt đạo, xin bằng hữu hãy lưu ý cho!

 

Trước hết nói rõ chỗ diệu dụng của món binh khí độc môn của mình, thâm ý của người lãnh tụ Phi Hạc môn không muốn âm thầm chiếm lấy thượng phong, đúng là con người chính đại. Và mở đầu bằng chiêu thức Thập Tự Giá bộc lộ đầy khí lực tiến có thế công, thối có thế thủ, họ Liễu đã giáo đầu một thế cực kỳ đẹp mắt.

 

Tia mắt nhìn như xoi vào cặp Hạc Trảo, người áo trắng khẽ gật gù :

 

- Nghe Trung Nguyên gần đây thêm mười ba món binh khí lạ lùng, không dè chạm chiến lần đầu khi đến miền Đông đã gặp ngay một món!

 

- Xin mời!

 

Khẽ gắt lên một tiếng, Liễu Tòng vụt thay đổi chiêu thức trảo bên trái đưa ra trước, trảo bên phải kéo ra sau, chân trái hơi co, chân phải duỗi thẳng lướt mình tới nhanh như gió cuốn.

 

Người áo trắng vẫn đứng thẳng mình như trụ, chẳng những trường kiếm không rút ra khỏi võ, mà đôi mắt lại sụp lim dim như một nhà sư nhập định.

 

Đảo luôn hơn mười bận, bao nhiêu lần dợm định tấn công nhưng thấy tư thế dị kỳ của người áo trắng làm cho Liễu Tòng chưa dám ra tay...

 

Màn đêm đã hoàn toàn phủ xuống, vầng trăng rọi ánh mập mờ, người áo trắng vẫn bất động như một bóng ma rờn rợn...

 

Vầng trán cao rộng của Liễu Tòng lấm tấm mồ hôi.

 

Hàng cao đệ Phi Hạc môn há hốc mồm quan sát, từng nhịp tim đập mạnh, không khí đứng lại nặng nề.

 

Thình lình, Liễu Tòng hú lên một tiếng như xé màn đêm, hai tay trảo nhoáng chóa mắt.

 

Thân ảnh Liễu Tòng vừa di động, bóng người áo trắng cũng cùng một lúc chớp lên. Hai bóng người như nhập một vào nhau xẹt thẳng lên như ngọn pháp thăng thiên và từ từ dạt ra rơi xuống.

 

Liễu Tòng trợn trừng đôi mắt, một đường máu ngay giữa Tam Tinh chạy dài xuống sóng mũi, rọc thẳng một đường tới rún, thẳng băng như sợi chỉ căng dài.

 

Chỉ một chớp mắt, ruột gan theo máu trào ra, Liễu Tòng từ từ bật ngửa.

 

Thanh trường kiếm trên tay người áo trắng hơi chúc nghiêng xuống đất, máu từng giọt nhỏ xuống ròng ròng.

 

Những kẻ đứng ngoài, khoé mắt trừng như muốn rách ra vì kinh dị.

 

Họ đều là hạng cao đồ Phi Hạc môn, võ công đều là bậc thành danh trong thiên hạ miền Đông Lỗ. Thế mà, không một ai thấy kịp người áo trắng đã sử dụng chiêu thế gì, cả đến việc tuốt kiếm ra khỏi vỏ bao giờ, họ cũng không nhận thấy.

 

Chỉ đến khi hai bóng người dang ra và dừng lại thì mới hay rằng sư phụ của họ đã tử thương, và điều kinh dị hơn hết là lối đánh của người áo trắng chỉ có một kiếm thôi, mà lại là một kiếm rọc thẳng băng như thước kẻ.

 

Đảo cặp mắt như điện lạnh qua khắp một vòng, người áo trắng chậm chạp tra gươm vào vỏ và quay mình đi thẳng ra ngoài, thần thái ung dung như lúc đi vô, và mỗi bước đúng y thước bảy tấc.

 

- Ác tặc, trả mạng cho thầy ta!

 

Tiếng thét ré lên cực kỳ bi thiết, một trong hàng cao đệ Phi Hạc môn nhún mình phóng vút theo.

 

Tiếp liền theo bốn người nữa, cũng trong hàng đại đệ tử của Liễu Tòng cùng một lượt ập ra...

 

Cả năm người ánh mắt đỏ rực vì đau thương, vì căm hận quyền chưởng cùng một lúc ập thẳng vào người áo trắng.

 

Công lực của họ cực kỳ thâm hậu, tuy không thể nói là nhất nhì trong vùng Đông Lỗ, nhưng được trui rèn công phu tại Phi Hạc môn, cả năm người nhập lại kình phong cuốn tới như nước vỡ bờ.

 

Người áo trắng vẫn ung dung đi tới, thanh trường kiếm chậm chạp rút ra khỏi vỏ và loáng ngược ra sau.

 

Một tiếng rú rạp lên, năm người cao đệ Phi Hạc môn ngã ngửa ra sau nhất loạt.

 

Không thể nhìn thấy kịp, một đường kiếm đưa ra sau lưng, nhưng lạ làm sao cùng một lúc, lại tẻ ra năm ngã, và thật là ngoài sức tưởng tượng của mọi người, năm người cao đệ Phi Hạc môn mỗi người đều bị một nhát kiếm đúng ngay giữa trán, rạch thẳng một đường xuống rún y như cái chết của Liễu Tòng.

 

Người áo trắng vẫn từng bước một đi luôn không hề quay lại, máu từ mũi kiếm rỏ xuống từng giọt theo đường.

 

Tất cả môn đệ Phi Hạc môn đều cảm thấy như chân mình mềm nhũn, không một ai nhấc được bước nào.

 

Tuy nói là từng bước nhưng chỉ thoắt cái, người áo trắng đã vọt ra ngoài mười trượng, và y như không nghe thấy tiếng rú, y như không hề hay biết đằng sau thêm năm mạng lìa đời.

 

Hắn vừa đi vừa rút cuộn giấy ra lẩm nhẩm :

 

- Mồng bảy tháng mười: Thanh Hạc Liễu Tòng. Mồng tám tháng Mười: Song Hoàn Triệu Sĩ Hồng. Mồng chín tháng Mười: Bát Tiên Kiếm Lý Thanh Phong. Mồng mười tháng Mười: Bát Thủ Phiến Kim Đại Phi.

 

Mười một tháng Mười: Tế Nam Bạch Tam Không...

 

Một trận gió cuốn mạnh qua, mây xám hụp xuống và từ không trung mưa trút ào ào, gió mưa từng chập rít lên, như báo hiệu hạn tử vong của những kẻ có tên trong sổ...

 

* * * Mười một tháng Mười.

 

Tại phủ Tế Nam, bầu trời u ám, mây đen giăng thấp, báo hiệu một cơn mưa to sắp đổ xuống thành. Trên con đường cái, từ xa tiến đến hơn mấy mươi người vận tang phục hộ tống bốn cỗ xe, mỗi cỗ xe tải một quan tài.

 

Đoàn xe tang đó từ hướng Đông đến Tế Nam, qua cửa thành theo đại lộ tiến vào, dừng lại trước cổng một tòa nhà to lớn.

 

Nơi cổng, có tám đại hán vận y phục đen, chừng như đứng sẵn tại đó từ lâu, chực chờ nghinh đón.

 

Người trong đoàn xe tang cũng như người tại cổng đều ngưng trọng thần sắc, ai ai cũng có vẻ vừa bi thương vừa phẫn hận.

 

Những người vận tang phục kề vai khiêng quan tài, theo tám đại hán áo đen qua cổng vào sân thẳng đến đại sảnh.

 

Nơi thềm đại sảnh có một lão nhân, thân vóc cao lớn, năm chòm râu dài, buông thõng qua ngực, vận áo rộng đen, tướng mạo hết sức thanh kỳ, đứng lặng nhìn họ.

 

Những người vận tang phục vừa trông thấy lão nhân, đồng đặt quan tài xuống, rồi đồng khóc rống lên, vừa khóc vừa gào :

 

- Bạch lão tiền bối ơi! Xin tiền bối nghỉ đến niềm thâm giao ngày cũ, tìm cách báo thù cho gia sư!

 

Lão nhân áo đen, trầm trầm gương mặt, từ từ bước xuống từng bậc thềm, từ từ vẫy tay, vừa ra hiệu cho bọn người vận tang phục đang quỳ mọp trên sân đứng lên, vừa bảo họ giở nắp quan tài.

 

Xác chết nằm trong quan tài không đắp điếm gì cả. Xác nào cũng mang một vết thương như nhau, vết thương do mũi kiếm quét từ giữa đôi mày ngang qua mũi xuống bụng. Nạn nhân mở trừng đôi mắt tuy còn màu trắng dã, nhưng khí hận bốc bừng.

 

Lão nhân áo đen chẳng để lộ một xúc động nào trên gương mặt, chỉ ngẩng đầu nhìn tám đại hán áo đen, bảo :

 

- Đóng cổng lại, đứng bên ngoài canh giữ, không để cho một ai ra vào!

 

Tám đại hán cúi đầu lãnh lịnh trở ra ngoài, đóng trái cánh cổng lại.

 

Lão nhân gầm đầu nhìn xuống đát, chấp tay sau lưng đi tới đi lui mãi, vừa đi vừa lẩm nhẩm một mình :

 

- Thanh Hạc Liễu Tòng, Song Hoàn Triệu Sĩ Hồng, Bát Tiên Kiếm Lý Thanh Phong, Bát Thủ Phiến Kim Đại Phi! Tất cả bốn người, trông mấy ngày liên tiếp bị sát hại! Hừ! Hừ, một sự kiện hi hữu trong võ lâm.

 

Nếu chẳng mắt thấy, tất khách giang hồ dù tai nghe cũng không ai tin nổi! Phải! Còn ai tin nổi một sự kiện như thế lại có thể xảy ra chứ?

 

Lão nhân áo đen là ai?

 

Lão là Minh Chủ võ lâm toàn hạt Sơn Đông họ Bạch tên Tam Không, ngoại hiệu Thanh Bình kiếm khách, từng nổi danh trên giang hồ là tay vô địch về kiếm pháp cũng như quyền thuật.

 

Lão cùng bọn Thanh Hạc Liễu Tòng là chỗ bằng hữu thâm giao, do đó sau khi các vị ấy tử nạn, bọn môn đồ mới đưa thi hài đến đây, thỉnh cầu lão tìm phương báo thù phục hận.

 

Lão đi tới đi lui một lúc, rồi dừng chân lại, hỏi qua tình hình. Bọn người vận y phục tang luân phiên thuật lại diễn tiến của sự việc.

 

Đại khái, chúng cho biết có một quái khách vận áo trắng xuất hiện đột ngột, hỏi qua loa mấy tiếng, rồi xuất thủ, nhưng chỉ với một chiêu kiếm thôi, là sư phó của gã gục liền. Quái khách áo trắng không nói một lời thừa, không làm một cử động dư, hạ sát sư phó họ xong là bỏ đi liền.

 

Thanh Bình kiếm khách Bạch Tam Không càng nghe càng ngưng trọng thần sắc, sau cùng lão lẩm nhẩm :

 

- Một chiêu trí mạng? Quái lạ thật! Bọn Thanh Hạc Liễu Tòng dù sao cũng chẳng đến đỗi hèn kém, không chịu được một chiêu? Quái khách áo trắng là ai? Hắn sử dụng môn công gì tuyệt diệu như thế?

 

Bên ngoài, tám đại hán áo đen, chính là tám đệ tử của Bạch Tam Không, còn suy tư về cái chết của bốn vị anh hùng, người nào cũng trầm trầm gương mặt. Họ chẳng tưởng nổi trên thế gian lại có người tài giỏi như quái khách.

 

Bỗng, trước tầm mắt họ, xa xa có một người vận áo trắng từ từ tiến về phía họ.

 

Một người áo trắng!

 

Tám đại hán cùng biến sắc. Họ đưa mắt nhìn nhau, nhưng khi nhìn ra trước mặt, người áo trắng đã đến nơi rồi.

 

Người đó mặt lạnh như tiền, đôi mắt sáng quắc đảo quanh họ một lượt, đoạn buôn cộc lốc :

 

- Vào gọi Bạch Tam Không ra đây!

 

Y không buông thừa một tiếng, câu nói vừa đủ diễn tả cái ý của y, chừng như bình sanh y chẳng chịu dư công làm việc gì vô ích, đến bước đi y cũng chẳng vội vàng. Vì không vội vàng nên y chẳng hề sử dụng đến thuật khinh công. Nếu lấy con mắt bình thường nhận xét y, tất phải nghĩ rằng y không phải là tay có võ công đáng sợ.

 

Cũng vì nhận xét như thế, nên tám đệ tử của Bạch Tam Không thầm nghĩ như nhau. Nếu tám người hợp sức lại, cùng một lúc tấn công y, chắc chắn là y khó tránh khỏi bị hạ.

 

Tuy nhiên, họ chưa dám xuất thủ, họ còn ngầm hỏi ý nhau. Người này đưa mắt nhìn người kia, nhưng người nào cũng sờ tay vào đốc thanh trường kiếm lủng lẳng bên hông.

 

Tên đại đệ tử họ Mạc tên Bất Khuất lạnh lùng thốt :

 

- Bằng hữu đã muốn gặp gia sư, thiết tưởng cũng chẳng khó khăn gì, bất quá bằng hữu làm cách nào vượt qua khỏi anh em tại hạ!

 

Soảng! Soảng!

 

Tám tiếng soảng vang lên gần như đồng thời phát xuất. Tám thanh trường kiếm rời khỏi vỏ, chớp ngời nơi tay họ. Tám thanh trường kiếm cùng chong ra, đồng một độ, chân họ đứng tấn cũng đồng một hình thức.

 

Giả dĩ họ lại giăng hàng ngang, không người nào chồm tới hoặc thụt lui, trông tư thế của họ, vô cùng ngoạn mục, nhưng chẳng kém kiêu hùng.

 

Họ tuốt kiếm, chực chờ, song chưa xuất thủ.

 

Người áo trắng lùi lại hai bước. Trong lúc lùi, một đạo bạch quang từ tay y lóe lên rồi tắt liền. Đạo bạch quang tắt lúc chân y chưa chạm đất, dù y chỉ lùi hai bước thôi.

 

Đạo bạch quang đó là làn chớp của thanh kiếm. Y vừa rút kiếm, vừa khoa lên, vừa lùi lại, vừa trụ bộ, vừa tra kiếm vào vỏ, ngần ấy động tác chỉ diễn ra trong một thoáng. Nhưng trong tay tả của y đã có một cành cây khô, do nhát kiếm vừa rồi tước đứt. Và chẳng rõ y chụp cành cây đó như thế nào, cả tám tên đệ tử của họ Bạch chẳng ai trông thấy cả.

 

Người áo trắng quắc mắt nhìn họ, trong ánh mắt hiện rõ niềm thương hại họ. Y bước tới hai bước, trao cành cây khô cho Mạc Bất Khuất, đoạn lạnh lùng nói :

 

- Mang vào, trao cho sư phó các ngươi!

 

Rồi y lặng lẽ bước đến phiến đá dựa cội cây gần đó, ngồi xuống, đưa ánh mắt mơ màng nhìn tận xa xăm...

 

Tám tên đệ tử họ Bạch sửng sốt nhìn nhau, chẳng ai hiểu ý tứ của y ra sao cả.

 

Mạc Bất Khuất cầm cành cây khô, lẩm nhẩm :

 

- Cái gì thế này?

 

Tên đệ tử thứ hai, họ Kim tên Bất Úy, buông một câu :

 

- Hay y ngán chúng ta?

 

Kim Bất Úy có thân vóc to lớn hơn các bạn đồng môn, tánh tình thô lỗ, hành động hồ đồ, lại nóng nảy, chừng như bình sanh hắn chỉ buông lung theo tính khí, chẳng bao giờ chịu dùng lý trí xét suy cả.

 

Nhưng tên đệ tử thứ ba, họ Công Tôn tên Bất Trí, trầm giọng thốt :

 

- Sự tình không phải đơn giản đâu, chúng ta phải vào trong bẩm báo với sư phụ mới được!

 

Công Tôn Bất Trí có thân hình vừa ốm vừa thấp, tâm cơ mưu trí có thừa. Bạch Tam Không đặt cho hắn cái tên Bất Trí là cốt cảnh cáo hắn đừng quá ỷ lại vào cái trí linh mẫn trong mọi trường hợp, bởi con người thích dùng trí thường đa nghi và kém thành thật.

 

Mạc Bất Khuất nhìn thoáng sang người áo trắng đang ngồi thừ trên phiến đá, khẽ gật đầu :

 

- Tam sư đệ nói phải! Chúng ta cần bẩm báo sư phụ, tùy người định đoạt!

 

Hắn quay mình, xô vẹt cánh cửa cổng, bước vào.

 

Vừa trông thấy hắn, Bạch Tam Không đã biết là quái khách áo trắng đến rồi, lão biến sắc mặt, hỏi nhanh :

 

- Y ở đâu?

 

Mạc Bất Khuất đáp :

 

- Còn ở bên ngoài. Y chẳng dám động thủ với bọn để tử mà chẳng dám ngang nhiên tiến vào, y chỉ tước một cành cây, bảo đệ tử mang vào trình sư phụ!

 

Bạch Tam Không cau mày, tiếp lấy cành cây. Thoạt đầu ánh mắt của lão còn chơm chớp, dần dần ánh mắt đó dán chặt vào cành cây, hay đúng hơn lão nhìn sững dấu kiếm chặt ngang cành cây, lão ngây người xuất thần.

 

Mạc Bất Khuất theo dõi từng biến chuyển trên gương mặt của lão, khởi sơ lão nhếch môi điểm phớt một nụ cười, chừng như hài lòng, chừng như tán thưởng đường kiếm chém rất sắc, dần dần lão ngưng trọng thần sắc, kế tiếp có vẻ sợ hãi, cuối cùng thì tay lão rung rung theo, hắn vô cùng kỳ quái, không dằn được tính hiếu kỳ, hỏi gấp :

 

- Sư phụ cho phép bọn đệ tử xuất thủ đuổi y đi chứ?

 

Bạch Tam Không trầm gương mặt quát :

 

- Câm ngay! Các ngươi muốn nạp mạng cho y phải không?

 

Mạc Bất Khuất lộ vẻ kinh dị :

 

- Nhưng...

 

Bạch Tam Không trừng mắt :

 

- Nếu y chẳng thương hại các ngươi, thì đừng nói là tám mạng các ngươi, dù có đông gấp mấy lần số đó cũng phải gục tại cổng rồi!

 

Mạc Bất Khuất bị sư phụ quở, cúi đầu nhưng lòng chưa phục.

 

Bạch Tam Không thở dài :

 

- Uổng công ta huấn luyện các ngươi, học tập bao nhiêu năm trời rồi vẫn chẳng có nhãn lực xét người, xét mình. Hãy ra ngoài đó, gọi tất cả sư đệ vào đây cho ta!

 

Mạc Bất Khuất trố mắt :

 

- Vào hết trong này, người áo trắng...

 

Bạch Tam Không quát chận :

 

- Nếu ý muốn vào dễ thường các ngươi ngăn chận được à? Y muốn ngồi đợi bên ngoài, thì chẳng bao giờ y vào, dù các ngươi bỏ trống cửa.

 

Lão dặn tiếp :

 

- Cứ mở toát cổng ra, cấm các ngươi đóng lại. Đóng cửa, chẳng ngăn được y, mà còn tỏ ra hèn nhát.

 

Mạc Bất Khuất còn làm sao cãi được lịnh của sư phụ? Hắn bước ra ngoài, gọi các sư đệ vào, hắn không quên nhìn thoáng sang quái khách áo trắng, thấy y vẫn ngồi bất động tại chỗ, không hề hướng mắt nhìn về phía cửa.

 

Bạch Tam Không trở vào đại sảnh, lại chiếc bàn có đầy đủ giấy bút và nghiêng mực, ngồi xuống viết một phong thư, niêm phong cẩn thận.

 

Trong lúc lão viết thư, các đệ tử đứng xa xa, lặng lẽ nhìn lão.

 

Phong thư niêm kỹ rồi, Bạch Tam Không đứng lên, day lại nhìn các đệ tử, đột nhiên quát lớn :

 

- Quỳ xuống!

 

Các đệ tử chẳng biết ý tứ sư phụ như thế nào, đồng riu ríu quỳ xuống, người nào cũng lộ vẻ kinh dị.

 

Lão nghiêm giọng hỏi :

 

- Giới luật thứ ba của bổn môn như thế nào?

 

Tất cả tám người đồng thanh đáp :

 

- Triệt để tuân sư mạng, ai phản bội sẽ bị trời tru đất diệt.

 

Bạch Tam Không gật gù, đoạn trầm gương mặt, gằn từng tiếng :

 

- Cuộc chiến hôm nay, thắng thì ta sống, bại thì ta chết. Dù ta thắng hay ta bại, các ngươi không được can thiệp! Các ngươi nghe rõ chứ, tuyệt đối không được vọng động xuất thủ.

 

Mạc Bất Khuất khẽ kêu lên :

 

- Trời! Sư phụ...

 

Bạch Tam Không khoát tay, hét :

 

- Lịnh của ta là thế, kẻ nào trái lịnh sẽ bị trời tru đất diệt. Các ngươi nghe chưa? Không kẻ nào được nói tiếng gì nữa!

 

Tám tên đệ tử gầm đầu, im lặng.

 

Bạch Tam Không trầm giọng tiếp :

 

- Nếu ta chết trong cuộc chiến này, thì từ Mạc Bất Khuất trở xuống, bảy người hãy chia tay nhau đến các phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi, Điểm Thương, Không Động, Hoa Sơn và Hoài Dương thuật rõ sự tình và xin nhập môn, và tiếp tục luyện võ. Chưởng môn các phái đó là bằng hữu của ta, các vị ấy sẽ thu nhận các ngươi. Hãy nhớ lời ta dặn, chuyên tâm khổ luyện, không được nghĩ ngợi gì đến các việc khác, nhất là việc báo thù cho ta!

 

Lão nhìn người đệ tử thứ tám, dừng lại một chút, rồi ngập ngừng :

 

- Còn ngươi...

 

Lão thở dài.

 

Người đệ tử đó họ Hồ, tên Bất Sầu, nghiêm sắc mặt, chờ nghe.

 

Một lúc lâu, Bạch Tam Không tiếp :

 

- Việc ta giao phó cho ngươi rất quan trọng, ta lo ngại từ đây ngươi sẽ không còn được an nhàn tự tại. Ngươi sẽ vất vả gian lao, lắm lúc lại phải đương đầu với nguy hiểm. Chẳng rõ ngươi dám thừa nhận không?

 

Hồ Bất Sầu quả quyết :

 

- Đệ tử dù nát thân cũng chẳng từ. Xin sư phụ cứ phân phó.

 

Hắn, thân ngắn, đầu to, trán rộng, mặt hắn luôn luôn tươi, tuy không cười vẫn trông như cười. Hắn thường ngày ăn và học chứ chẳng hề trò chuyện ba hoa như các bạn đồng môn, họ cho hắn là một người tích sự hơn hết.

 

Mạc Bất Khuất và sáu người kia, thấy sư phụ giao trọng trách cho hắn, vừa lấy làm lạ bất bình, chừng như ganh tỵ.

 

Mạc Bất Khuất cố lấy can đảm, ấp úng :

 

- Nếu đúng là việc trọng đại, tại sao sư phụ không giao phó cho bọn đệ tử thi hành, lại ủy thác cho hắn? Hoặc giả đệ tử, hoặc giả Công Tôn tam sư đệ, một trong hai chúng tôi có thể làm tròn nhiệm vụ sư phụ giao phó...

 

Bạch Tam Không khoát tay :

 

- Ngươi chẳng còn việc gì phải ở đây! Cút!

 

Rồi lão trao phong thư cho Hồ Bất Sầu, trầm giọng thốt :

 

- Nếu ta bại trong tay người áo trắng rồi, ngươi lập tức vào hậu viện, đưa Bửu nhi đến tận nơi ta đã ghi chú trên phong bì, giao Bửu nhi và phong thư này cho người đó, phần ngươi thì hãy tuân theo lời người đó, y bảo làm sao thì ngươi y theo làm vậy!

 

Nói được điều khó nói xong, sắc mặt của Bạch Tam Không dịu lại, giọng lão cũng dịu theo, lão tiếp :

 

- Vô luận là gặp điều gì quái dị ở nơi đó, ngươi cũng chẳng nên kinh hãi. Bây giờ thì ngươi có thể đi được rồi!...

 

Hồ Bất Sầu hỏi :

 

- Nhưng sư phụ chưa....

 

Bạch Tam Không cười khổ :

 

- Chưa giao chiến với người áo trắng? Ngươi cứ đi đi, sự việc sẽ diễn tiến đúng như ta dự liệu, chẳng có gì thay đổi cả!

 

Tuy lão đã quát bọn đệ tử lui ra, nhưng lúc đó tám người vẫn còn hiện diện, lão chẳng nhìn đến người nào, lạnh lùng với lấy thanh kiếm trên án thư, bước ra tiền sảnh, đến bên thềm, nhìn qua bốn cỗ quan tài, đoạn đến gần sờ tay lên nắp, rồi ngẩn mặt lên không, bật cười khanh khách, thốt :

 

- Con nhà võ, cái lý phải chết tại chiến trường, thì cái chết có gì đáng sợ đối với ta?

 

Lão bước đến cổng, ra ngoài, đi thẳng tới trước mặt người áo trắng, điềm nhiên cất tiếng :

 

- Các hạ vì nghiên cứu cái đạo của võ học, nên không ngần ngại giết người, tại hạ vì cái đạo của võ học, không màng sanh tử vì một cuộc chiến. Tuy hai phương tiện khác biệt, song vẫn cùng chung cứu cánh, song phương đều vì cái đạo của võ học cả. Cục diện ngày nay đặt chúng ta đối lập với nhau, dù các hạ có giết tại hạ, tại hạ chẳng hề oán hận các hạ.

 

Người áo trắng từ từ đứng lên, nghiêng mình thi lễ.

 

Bạch Tam Không lấy làm lạ hỏi :

 

- Các hạ còn phải thủ lễ nữa sao?

 

Người áo trắng mặt lạnh như tiền, gật đầu :

 

- Bắt buộc phải thế, bởi từ phương Đông đến Trung thổ, lần đầu tiên mới gặp một người như ngươi, xứng đáng là một nhân vật võ lâm! Ta phải chào, ta chào tư cách của ngươi!

 

Đây là câu nói dài nhất của y, từ lúc y trôi dạt vào bờ biển, trải qua bốn hôm, sát hại bốn nhân vật.

 

Bạch Tam Không trầm giọng :

 

- Đa tạ!

 

Người áo trắng trở lại thái độ cũ :

 

- Động thủ đi!

 

Bạch Tam Không tay hữu rút kiếm, tay tả còn nắm chiếc vỏ, buông gọn :

 

- Mời các hạ!

 

Liền theo đó, lão đưa cao thanh kiếm rồi đứng lặng.

 

Cục trường tịch mịch lạ lùng, một cây kim rơi cũng nghe rõ tiếng.

 

Bọn môn nhân của Liễu Tòng, Triệu Sĩ Hồng, Lý Thanh Phong và Kim Đại Phi hết sức kinh ngạc. Họ nhớ lại, lúc sư phụ họ giao thủ với người áo trắng, thì các vị đó không ngừng đảo bộ quanh đối phương, đảo bộ một lúc mới xuất thủ. Còn bây giờ, Bạch Tam Không chỉ cử gươm rồi bất động, thế là nghĩa gì? Tư thế đó, chiêu kiếm đó rất thông thường, tại sao Bạch Tam Không lại dùng để đối phó với người áo trắng?

 

Trời! Sư phụ sử dụng tuyệt chiêu, mà còn không thoát chết được với địch, Bạch Tam Không lại dùng chiêu tầm thường thì mong gì thủ thắng?

 

Giả sử người áo trắng chỉ nhích bước tới một chút, loang kiếm lên là Thanh Bình kiếm khách phải phơi thây trên nền đất, và chắc chắn vết thương cũng đồng dạng với vết thương của bốn người kia.

 

Nhưng trước một chiêu thức thông thường đó, người áo trắng không tiến tới, trái lại còn lùi một bước.

 

Thanh Bình kiếm khách Bạch Tam Không thấy đối tượng lùi, nên thu kiếm về, rồi đưa ra chiêu thứ hai, cũng bình thường như chiêu trước.

 

Bọn môn đồ đứng bên ngoài lại một phen kinh hãi.

 

Người áo trắng lại lùi thêm một bước, lùi rồi bất động, thần sắc vẫn lạnh lùng.

 

Chiêu kiếm của Bạch Tam Không công không mạnh, mà thủ cũng không kín đáo, hơn nữa phần dưới thân hình lại để hở lồ lộ nét sơ hở mà bất cứ đối phương nào cũng thấy thèm.

 

Nhưng người áo trắng không thèm. Chừng như lùi một bước chưa đủ, y lùi thêm hai bước nữa.

 

Bọn môn đồ bên ngoài chẳng hiểu làm sao cả, chúng đưa mắt nhìn nhau, tất cả đều có đồng một thắc mắc như sau: Sư phụ họ xuất độc chiêu, vừa xuất chiêu là người áo trắng phản công ngay. Bây giờ, Bạch Tam Không xuất chiêu thông thường, lại dùng hai lượt, thế mà người áo trắng chỉ có lùi và bất động.

 

Hai chiêu đó có mãnh lực gì, bức thoái đối phương?

 

Chúng không hiểu, song người áo trắng hiểu.

 

Chiêu thứ nhất của Bạch Tam Không là chiêu khởi đầu của Thanh Bình kiếm pháp, còn chiêu thứ hai cũng là chiêu khởi đầu, nhưng thuộc Uyên Ương kiếm pháp. Phàm trong giới kiếm thủ, khi nào luyện đến mức độ tinh vi, người ta mới dám sử dụng chiêu khởi đầu, vừa để chào đối thủ, vừa tỏ rõ cho đối thủ biết mình là tay kiếm uyên thâm, tỏ rõ như vậy mới xứng đáng là quân tử kiếm. Những chiêu khởi đầu không dùng để công ngay địch, tuy có sơ hở như vậy, song thực sự rất kín đáo, nếu đối phương cũng uyên thâm kiếm thuật, tất chẳng bao giờ hấp tấp thừa cơ nhào vô liền.

 

Còn một lý do khác khiến Bạch Tam Không sử dụng hai chiêu kiếm thông thường đó là hai kiếm pháp Thanh Bình và Uyên Ương vốn do một đôi vợ chồng cầm đầu phái kiếm biến chế ra trong sinh hoạt hàng ngày, vợ đối với chồng tất phải tay nâng ngang mày, chồng đối với vợ phải tròn lễ độ, cho nên hai kiếm pháp đó đều khởi đầu bằng chiêu Cử Án Tề My, để chứng tỏ sự tương kính nhau.

 

Bọn môn đồ sở học còn thiếu bạc, làm sao thấu đáo tinh lý bên trong, tự nhiên thấy làm lạ.

 

Ngoài ra, Bạch Tam Không còn một dụng ý sâu xa, mới sử dụng hai chiêu kiếm đó.

 

Lão nhận thấy bốn vị bằng hữu đều chết vì một thế kiếm duy nhất nhắm từ giữa đôi mày đi ngang mũi, xuống bụng, tất nhiên đối phương phải nhắm khoảng giữa đôi mi, và hộ vệ khoảng giữa đôi mi, lão mới thi triển chiêu Cử Án Tề My.

 

Nhưng đưa ra hai chiêu đó, lão chỉ thấy đối phương lùi lại rồi bất động chứ không lướt tới tấn công. Lão giật mình, chẳng biết cứ giữ tư thế đó mãi hoặc dùng đi dùng lại hai chiêu đó, bắt buộc lão đảo bộ bước tới, vung kiếm đánh ra chiêu thứ ba liền.

 

Chiêu thứ ba là một chiêu đắc ý nhất của lão trong kiếm thuật, tất nhiên phải ảo diệu vô tưởng, nhiều cao thủ trên giang hồ phải ngã gục trước mặt lão vì chiêu kiếm đó.

 

Với chiêu thứ ba, lão vẫn thừa sức phòng vệ khoảng giữa đôi mi.

 

Lạ lùng làm sao, người áo trắng vẫn lùi. Đến chiêu thứ tư của Bạch Tam Không, y cũng lùi luôn, y chỉ có lùi từ đầu cuộc đến giờ.

 

Bọn môn đồ đinh ninh Bạch Tam Không đã chiếm được ưu thế rồi, bất giác chúng reo hò lên, niềm hân hoan hiện rõ trong ánh mắt, trên gương mặt của họ.

 

Nhưng họ không hân hoan lâu nổi!

 

Tiếng reo hò vừa vang dội, dư âm còn văng vẳng trong không gian, một ánh sáng chớp lên, ánh sáng từ nơi người áo trắng xẹt tới Bạch Tam Không. Kế tiếp một tiếng reng chấn động cục trường. Tiếng reng ngân dài, rồi một làn sáng xanh bay vút lên không, uốn cầu vòng, cắm phập vào một thân cây cách đó khá xa.

 

Bạch Tam Không nắm chặt trong tay phần kiếm còn lại, chập choạng lùi mấy bước, miệng nhếch nụ cười thảm, buông khẽ mấy tiếng :

 

- Chiêu kiếm... tuyệt diệu...

 

Có lẽ lão định vớt câu với hai tiếng “vô cùng” cho trọn nghĩa, nhưng câu nói bỏ lửng ở chỗ đó, lão ngã ngửa người ra phía sau bất động.

 

Bọn môn đồ kịp nhận ra một vết thương từ giữa đôi mi kép ngang mũi, dài xuống bụng, đồng dạng với vết thương của sư phụ họ!

 

Họ xám mặt trố mắt, thừ người, trong phút giây khủng khiếp, chẳng có một phản ứng nào cả.

 

Người áo trắng lạnh lùng nhìn mũi trường kiếm dài sáu thước, mũi kiếm còn nhỏ máu ròng ròng. Cơn gió quét qua, thổi tung bay những sợi tóc xõa của lão, những sợi tóc vờn qua gương mặt lạnh lùng, trông y như một âm hồn trong lớp áo trắng.

 

Qua những giây phút hãi hùng, bọn Mạc Bất Khuất cùng rú lên một tiếng lớn, cùng nhào đến bên cạnh Bạch Tam Không, cùng rống lên thê thảm.

 

Riêng Hồ Bất Sầu cũng bước tới, nhưng đứng ngoài xa xa. Hắn lạy ba lạy, đưa tay vuốt mấy hạt lệ, đoạn quay mình bước vào.

 

Những bước tường sau lưng hắn ngăn chận tiếng khóc, tiếng than của các vị sư huynh hắn không còn vang đến tai hắn, nhờ vậy tâm thần đỡ bấn loạn phần nào.

 

Hắn đi thẳng vào hậu viện, ra đến hoa viên.

 

Trong hậu viện, có một cây ngô đồng, tàn rậm, dựa cội cây có kê một chiếc giường thấp. Hiện tại, một đồng tử vận áo gấm, trạc độ mười một mười hai, đang nằm đọc sách.

 

Hắn chăm chú vào quyển sách, đôi mắt đen láy mở to không chớp.

 

Bên cạnh hắn có chiếc mâm nhỏ, trong mâm có mấy loại trái cây, chừng như hắn mải mê đọc, quên cả ăn, số trái cây còn rất nhiều.

 

Hồ Bất Sầu đeo một bọc khá to nơi lưng, ung dung bước vào hậu viện, chưa tới gần, y đã gọi to :

 

- Bửu nhi!...

 

Đồng tử lặng thinh, mắt không rời quyển sách.

 

Hồ Bất Sầu lại gọi lượt nữa, rồi lượt nữa, đồng tử vẫn không nhúc nhích, mắt dán chặt vào quyển sách.

 

Hồ Bất Sấu thở dài, tuổi thơ nào biết gì? Nhà có đại tang mà hắn vẫn còn lơ lửng nơi chín tầng mây, nghĩ đáng thương hại biết bao!

 

Y bước đến sát chiếc giường, nắm cánh tay đồng tử giật giật. Đến lúc đó, đồng tử mơi day mặt qua, nhìn họ Hồ, khẽ cau mày gắt :

 

- Người ta đang xem sách, thúc thúc làm gì gọi ồn lên như thế?

 

Hắn tức thật, nhưng cái tức của trẻ nít, hắn cố làm oai, tỏ vẻ nghiêm, trách nhẹ họ Hồ, tự vi mình cũng là kẻ thành nhân rồi, hoặc giả hắn chỉ xem Hồ Bất Sấu hơn hắn độ vài tuổi, dù hắn gọi là thúc thúc.

 

Nhưng Hồ Bất Sấu không giận, dịu giọng hỏi :

 

- Ngoại công của ngươi bảo ta vào đây đưa ngươi đi dạo một lúc, ngươi có thấy hứng không?

 

Đồng tử là giọt máu duy nhất của con gái Bạch Tam Không tên là Bạch Man Sa, còn đồng tử lấy họ cha tên Phương Bửu Nhi.

 

Kết hôn với Phương Sư Hiệp, Bạch Man Sa cùng chồng rời gia đình xuất ngoại hành hiệp khắp bốn phương trời. Cả hai chỉ trở lại nhà Bạch Tam Không có một lần mà thôi, để ký thác Phương Bửu Nhi cho ngoại công hắn ngay từ lúc hắn chưa tròn tuổi, từ đó đến nay, chẳng hề về thăm con.

 

Xuất thân trong gia đình chuộng võ, Phương Bửu Nhi lại thích văn, nên chỉ mới có ngần ấy tuổi mà hắn ngày cũng như đêm, luôn luôn tay không rời quyển sách, lắm lúc đọc quên cả ăn. Hắn không giống như bao nhiêu trẻ đồng tuổi, chúng ham rong chơi nô đùa, còn hắn cứ miệt mài với bút nghiên sách vở.

 

Nghe Hồ Bất Sầu đề nghị xuất du, hắn lắc đầu :

 

- Tôi không đi đâu!

 

Rồi hắn nhìn vào quyển sách, chăm chú đọc tiếp, bỏ mặc Hồ Bất Sầu thở dài nhìn hắn.

 

Hồ Bất Sầu biết rõ tánh tình hắn. Tuy chuộng văn nhưng rất quật cường, bởi biết vậy, y không giận. Hắn có thể làm bất cứ việc gì hắn thích, dù khó khăn đến đâu, hắn cũng làm được, vui vẻ mà làm, nhưng đừng ai mong cưỡng ép hắn làm việc gì hắn không thích, vô ích, chẳng bao giờ hắn làm.

 

Hồ Bất Sầu phải lựa lời khích hắn, y thốt :

 

- Người xưa nói đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường là hai điều rất cần cho cái đạo làm người. Đọc nhiều sách để trau dồi kiến thức, đi nhiều dặm đường để chứng nghiệm kiến thức, ngươi không muốn mở rộng mắt nhìn đời sao? Như vậy có khác nào là một con mọt sách.

 

Đột nhiên, Hồ Bất Sầu làm sao cho hắn biết thảm trạng gia đình? Óc hắn còn non quá, cơn đại biết cố vừa qua gây ảnh hưởng tai hại nặng nề cho hắn, y phải cố dấu sự tình, gượng cười tươi đối thoại với hắn.

 

Bửu Nhi day qua Hồ Bất Sầu, suy nghĩ một lúc rồi đáp :

 

- Thúc thúc nói đúng! Tôi nên theo thúc thúc đi dạo một lúc. Nhưng trước khi đi, mình nên thu dọn mấy món này...

 

Thu dọn để làm gì nữa? Toàn khu gia cư lẫn cả tài sản đều phải bỏ phế, bỏ cả, thì sá gì mấy vật mọn này?

 

Y cười nhẹ, tiếp :

 

- Là nam tử, là trượng phu, nói đi là đi, nói ở là ở, cử động thác lạc, có bậc anh hùng hảo hán nào tha thiết với những vật nhỏ mọn ấy? Họa chăng có bọn phụ nữ mới luyến tiếc những tế nhuyễn như vậy thôi.

 

Bửu Nhi thoáng đỏ mặt, gật đầu :

 

- Thì đi! Mình đi ngay bây giờ!

 

Hắn cho mấy quyển sách vào trong áo, nhảy xuống giường điểm một nụ cười tiếp :

 

- Bất cứ nơi nào, thúc thúc dám đến là tôi vẫn đến được như thường!

 

Hồ Bất Sầu gật đầu :

 

- Nam tử chí tại bốn phưong, kể cả những hiểm ác nhất! Chúng ta đi ngay!

 

Họ vừa ra cửa đường sau, theo con đường nhỏ vào lòng thị trấn Tế Nam. Hồ Bất Sầu vừa lo vừa sợ. Lo vì hành trình vô định, sợ vì kẻ ác kia rất có thể theo dõi thực hành câu trảm thảo trừ căn. Tuy nhiên, ngoài mặt y luôn luôn tỏ ra tươi cười để giục lòng đồng tử, cho hắn nổi hứng lên, chịu đi xa với y.

 

Thời tiết lúc đó đã vào thu, không khí mát mẻ, nhưng chỉ đi độ một dặm đường, Bửu Nhi đổ mồ hôi như tắm.

 

Bỗng hắn dừng chân lại, chánh sắc thốt :

 

- Hồ thúc thúc to đầu nhưng lại nhỏ trí quá! Cứ thản nhiên bước đi quên rằng cái bước của con nhà văn không hòa nhịp nổi với cước lực của người luyện võ. Thiết tưởng thúc thúc chậm lại bằng tôi cũng chẳng hại gì, hơn là tôi phải nhanh bằng thúc thúc!

 

Thấy hắn giáo huấn nhẹ mình, Hồ Bất Sầu cười thầm, song y nghĩ ra cũng phải thương hại hắn, dù sao thì hắn đâu có chịu vất vả bôn ba bằng y. Y nghĩ :

 

- Song thân hắn đã biệt dạng phương trời, ngoại công hắn đã ra người thiên cổ, nếu ta không chiếu cố hắn, thì làm sao? Làm sao cho hắn?

 

Còn ai chiếu cố đến hắn?

 

Đưa tay chỉ một quán bán giải khát trước mặt, Hồ Bất Sầu thốt :

 

- Nếu thấy mệt, mình nên dừng chân lại nơi ngôi quán đó, nghỉ chân một lúc.

 

Đến quán, gọi trà xong, Hồ Bất Sầu để mặc Bửu Nhi ngồi đó, y bước ra ngoài lấy phong thư ra đọc mấy hàng chữ bên ngoài :

 

“Lưu bút lại cho Hồ Bất Sầu, cứ mở ra xem rồi thi hành đúng theo lời trong thư!”

 

Y vội bóc phong bì, đọc liền :

 

“Lúc ngươi đọc mấy dòng chữ này thì ta đã buông tay tắt thở dưới lưỡi kiếm của kẻ kia rồi. Nhìn nhát kiếm tước đoạn cành cây khô, ta đã biết kiếm pháp của người áo trắng cao hơn ta mấy bậc, trong võ lâm ngày nay há dễ có nhân vật nào khả dĩ đối địch lại hắn. Hắn từ phương Đông đến, chỉ có một ý chí quyết thắng tất cả cao thủ trên giang hồ, hắn xuất chiêu độc, đủ biết lòng dạ hắn rất độc, vì tâm độc nên hắn chẳng hề lưu tình trong mỗi cuộc chiến. Trong những ngày sắp đến, nếu chẳng có tay nào ức chế nổi hắn thì rồi đây chẳng biết còn bao nhiêu trăm ngàn cao thủ ngả gục trước kiếm pháp tuyệt độc của hắn! Ta vì muốn hạ sát hắn, nên phải tử chiến với hắn, dù có chết cũng đã làm tròn tâm nguyện đối với chánh nghĩa võ lâm.”

 

Hồ Bất Sầu lắc đầu thở dài, rồi đọc tiếp :

 

“Sau khi ta quyết tử chiến với hắn, ta nghĩ rất nhiều về Bửu Nhi.

 

Soát lại trong đệ tử, ta nhận thấy chỉ có ngươi rất đáng cho ta giao phó một nhiệm vụ. Nhiệm vụ đó là đưa Bửu Nhi đến bờ Đông Hải, ngươi phải tìm cho gặp chiếc thuyền to lớn buồm bằng gấm ngũ sắc, bằng bất cứ thủ đoạn nào, ngươi phải lên được trên thuyền, xin hội kiến với chủ nhân trao cành cây khô ta kèm theo đây cho người xem và tường thuật sự tình cho người nghe việc xảy ra như thế nào, cứ thuật y như vậy, không nên thêm bớt. Theo chỗ nhận xét của ta, trong thiên hạ ngày nay, may ra chỉ có chủ nhân chiếc thuyền ngũ sắc là có thể chế ngự người áo trắng. Chủ nhân chiếc thuyền sẽ bảo ngươi những gì cần làm, và ngươi phải làm theo những gì người bảo. Ghi nhớ! Ghi nhớ!”

 

Hồ Bất Sầu đọc xong bức thư, thở dài mấy lượt. Y khâm phục sư phó bình tĩnh vô cùng, cái chết kề bên mình mà vẫn viết ra được trọn ý, nét bút tự nhiên, không rối loạn!

 

Ngồi nơi bàn, đợi mãi mà chẳng thấy Hồ Bất Sầu trở vào, Bửu Nhi gọi :

 

- Thúc thúc đâu, nóng nảy gì lại chẳng ngồi yên được một chút để uống cạn chén trà? Hừ, luyện võ như thế, hóa ra phí ngày xanh quá!

 

Hồ Bất Sầu trở vào, điểm nhẹ một nụ cười :

 

- Luyện võ thì có gì phí ngày xanh? Võ cũng như văn, đều có cái hứng riêng biệt, đã có hứng thì chẳng bao giờ phí ngày xanh cả.

 

Thay vì đáp, Bửu Nhi lại tỏ ra vẻ trưởng thành, đầy kinh nghiệm, bĩu môi không nói tiếng gì.

 

Hồ Bất Sầu nhìn hắn, trầm ngâm một chút, rồi hỏi :

 

- Chừng như ngươi chẳng thích học võ, tại sao?

 

Bửu Nhi vừa đứng lên, vừa cười nhẹ, thốt :

 

- Có nói ra, thúc thúc cũng chẳng hiểu được nào! Thôi chúng ta tiếp tục cuộc du hành đi!

 

Hồ Bất Sầu thở dài, thầm nghĩ :

 

- “Ta e rồi đây ngươi không học võ cũng không được! Ngọn bút của ngươi không sắc bằng thép kiếm đâu!”

 

Bây giờ thì đã có hướng đi rồi, Hồ Bất Sầu chẳng còn hoang mang nữa, cứ theo hướng Đông thẳng tiến.

 

Đi, đành rằng phải có cước lực, nghị lực, nhưng hai yếu tố đó chưa hắn đủ để cho người hoàn tất cuộc hành trình. Bởi, cước lực và nghị lực chỉ chí mà không giúp thân, và người lữ khách nào cũng cần đến lộ phí.

 

Ra đi hấp tấp, Hồ Bất Sầu không chuẩn bị lộ phí dồi dào, thành ra khi gần đến bờ Đông Hải thì tiền nong sắp cạn.

 

Riêng y vất vả đói khát, đâu phải là một vấn đề? Song Bửu Nhi từ nhỏ đến lớn, sống sung túc, đến độ thừa thãi, y có thể để cho hắn kham khổ như y được chăng?

 

Do đó dần dần, y tự biết giảm khẩu phần của mình, để chu toàn cho Bửu Nhi được đầy đủ hơn. Y làm như thế, do lòng nhân hay vì cảm nghĩa sư tôn? Có lẽ do cả hai.

 

Rồi một hôm, họ đến bờ sông Đông Hải.

 

Khung trời lạ mở ra trước mắt, Phương Bửu Nhi thích thú cười luôn, trái lại Hồ Bất Sầu lại sầu rã ruột.

 

Y phải tìm cần, tìm nhợ, làm ngư phủ bất đắc dĩ.

 

Tại sao y phải làm ngư phủ bất đắc dĩ?

 

Muốn dọ thám trong rừng, không gì bằng làm tiều phu, muốn dọ thám trên mặt biển, không gì bằng làm ngư phủ.

 

Vừa lưu ý đến những con thuyền lui tới bờ Đông Hải, vừa kiếm được con cá để ăn, đỡ tốn hao trong khi tiền nong sắp cạn, Hồ Bất Sầu không còn phương pháp nào hữu hiệu và thiết thực hơn nữa.

 

Dụng tâm của Hồ Bất Sầu là thế, Phương Bửu Nhi nào có biết cho hắn đâu, cứ ngắm mây trông nước, đón gió nhìn cây, cởi mở tâm tư, hắn gọi Hồ Bất Sầu cợt một câu :

 

- Ngờ đâu thúc thúc cũng có cái hứng nhã khiết như thế!

 

Thời gian vào lúc hoàng hôn tàn, đêm xuống, xa xa nơi phương trời Tây, ráng muộn còn ửng đỏ, trên không sao sớm đã chớp đều trên mặt biển, đèn câu đã đốt sáng, đèn thuyền cũng đã chiếu sáng khắp đó đây.

 

Hồ Bất Sầu đã câu được ba con cá khá to, y nướng tươi tại chỗ, rồi cả hai dùng bữa cơm tối ngay tại bờ biển.

 

Phương Bửu Nhi ăn ngon quá, có lẽ bình sanh chưa bao giờ ăn được một bữa ngon như đêm nay.

 

Ăn xong hắn cười thốt :

 

- Trong sách người xưa có dạy, ăn no rồi nên nằm nghỉ. Bây giờ mình nên tìm khách sạn thuê phòng đi!

 

Hồ Bất Sầu trầm ngâm lâu lắm, sau cùng thở dài :

 

- Bửu Nhi! Từ nay trở đi, chúng ta không còn ngụ tại khách sạn nữa rồi!

 

Y nghĩ buông câu đó, y phải làm cho Bửu Nhi bất mãn, vì chẳng muốn cho Bửu Nhi bất mãn nên y do dự, cuối cùng y đành thốt ra, bởi chẳng có cách nào hơn, bởi trước sau gì cũng thốt câu đó.

 

Phương Bửu Nhi suy nghĩ một chút, đoạn cười nhẹ :

 

- Không ngụ tại khách sạn, thì trời làm màn, đất làm giường, cỏ non làm nệm, mình vẫn sống được như thường, huống chi trong khi chờ giấc ngủ, mình có thêm cái thú đếm sao...

 

Hồ Bất Sầu nhìn hắn :

 

- Ngươi có thể chịu đựng được cái kiếp màn trời chiếu đất nổi không?

 

Phương Bửu Nhi cười lớn hơn một chút nữa :

 

- Màn trời chiếu đất với phòng ấm giường êm, khác nhau ở điểm nào, khi nhắm mắt đưa hồn vào giấc mơ, là ngoại vật chẳng còn ảnh hưởng gì cả. Giả sử, tôi hiểu rằng trong chiếc bọc hành trang của thúc thúc, tiền nong đã cạn, giả sử tôi hiểu rằng hiện tại hai chúng ta phải ăn đường ngủ đất, thì tôi dù muốn dù không cũng chẳng nghĩ đến khách sạn?

 

Hồ Bất Sầu giật mình, ngán sự thông minh của hắn, song y lắc đầu cười khổ :

 

- Tuy nhiên...

 

Phương Bửu Nhi cũng lắc đầu :

 

- Chẳng sao cả, thúc thúc ạ! Bất quá, người đọc nhiều quyển sách tất phải hiểu nhiều sự đời, cho thúc thúc biết, đó chỉ là một cái hay trong muôn ngàn cái hay của sách vở. Văn có kém võ đâu?

 

Bỗng Hồ Bất Sầu biến sắc mặt, thấp giọng thốt gấp :

 

- Có tiếng y phục phất trong gió, chắc khách dạ hành nào đó sắp ngang qua đây, chẳng rõ khách có hảo ý hay ác cảm đối với chúng ta, vậy chúng ta hãy đề phòng!

 

Y đưa tay xoa xoa trên mặt đất, bốt một nắm bụi, trát lên mặt.

 

Phương Bửu Nhi thở dài :

 

- Những người theo nghiệp võ, sao cứ mỗi lúc phải đề phòng? Chẳng lẽ...

 

Hắn chưa dứt câu, hai bóng người đã xuất hiện trong màn đêm.

 

Người bên tả thốt :

 

- Thời khắc còn sớm quá! Mà ánh lửa kia chừng như khác biệt. Ta nghĩ, chẳng phải nơi đây đâu, vậy mà ngươi cứ giục ta đến đây.

 

Người bên hữu đáp :

 

- Vô luận như thế nào, mình cũng phải đến đây nghỉ chân một lúc.

 

Ngươi xem kìa, có ai vừa nướng cá đó...

 

Người đó bỏ lửng câu nói, ngồi ngay bên cạnh đống lửa, trước mặt Hồ Bất Sầu, trên đống lửa còn cá, y với lấy một con, đưa vào miệng cắn liền.

 

Y tự nhiên quá, tưởng chừng những con cá nướng là phần dành cho y.

 

Y cũng xem luôn Hồ Bất Sầu và Phương Bửu Nhi như những pho tượng vô tri giác, chẳng cần nhìn thoáng qua cả hai một cái.

 

Phương Bửu Nhi trừng mắt, gằn giọng :

 

- Hừ! Bằng hữu! Ít nhất cũng...

 

Hồ Bất Sầu nhanh tay bóp mạnh vào lưng hắn, ngầm bảo hắn đừng, đoạn trách hắn :

 

- Hai vị đại gia ăn cá của chúng ta là vinh hạnh cho ta lắm, ngươi trẻ nít biết gì lại dám hằn học?

 

Quả nhiên họ Hồ trách vờ để ve vuốt tự ái của kẻ kia, y chẳng sanh sự trong khi chưa cần thiết lắm, trong tình cảnh của y và Phương Bửu Nhi nhận được bao nhiêu có lợi bấy nhiêu, vừa dấu được hành tung.

 

Y điểm một nụ cười, hướng sang người lạ mặt tiếp nối :

 

- Hai vị cứ tự nhiên cho, những con cá nầy tiểu nhân nướng sẵn để cung kiến hai vị đấy!

 

Nướng sẵn để cung kiến? Y hớ rõ rệt, bởi làm sao y biết được hai người kia sắp đến đây mà nướng sẵn, dành phần? Vả lại y biết họ là ai, mà cất lòng cung hiến cái ăn?

 

Người bên tả bật cười âm trầm :

 

- Không ngờ một ngốc tử như ngươi lại có nhãn lực, biết xét người!

 

Hà hà, khá lắm, nếu chẳng vậy thì...

 

Người bên hữu miệng còn ngồm ngoàm cá, tiếp nối :

 

- Nếu chẳng vậy thì bọn ta sẽ nướng hai ngươi, ăn như ăn cá!

 

Phương Bửu Nhi sôi giận, cắn chặt hai hàm răng, ánh mắt bừng lửa đỏ, ánh mắt chớp luôn luôn, hắn nhìn người bên tả, như muốn vặn cổ y ngay.

 

Người bên tả, có gương mặt trắng bệch, màu trắng vô tình cảm, thân vóc y gầy đét, vận chiếc áo dài bằng gấm màu hồng, trông thoáng qua cũng có thể đoán thị hiếu của y là tửu sắc.

 

Người bên hữu dáng cao trên tám thước, cũng vận áo gấm, râu ngắn viền quanh cằm.

 

Cả hai đeo nơi lưng một chiếc bao chừng nặng lắm, mỗi người đều có một thanh đao lủng lẳng nơi hông.

 

Người râu ngắn ăn một lúc hết hai con cá nướng. Người ốm cao đứng một bên nhìn đồng bạn, lắc đầu thở dài :

 

- Ngươi...

 

Bỗng y quay phắt người lại, tay nắm chặc chuôi đao, hét lên :

 

- Kẻ nào đó?

 

Từ trong màn đêm, có tiếng lanh lảnh đáp vọng lại :

 

- Giang Bắc Nhất Trận Phong! Ta đi không tiếng, ta đến không tăm!

 

Câu đáp vừa buông dứt, một bóng người xuất hiện trước đống lửa còn cháy cao ngọn.

 

Người đó là một thiếu niên, xác ốm, trên lưng cũng có một chiếc bao như hai người kia.

 

Người râu ngắn múc múc xương cá trắng phếu, thấy hết thịt liền quăng xa xa, đoạn đưa tay áo lau vội mép cất tiếng cười ha hả :

 

- Tưởng ai! Không ngờ lại là Phong lão đệ! Lại đây, lại đây! Còn mấy con cá nướng đây, ăn với ta đi!

 

Người mới đến bật cười giòn :

 

- Từ xa, tiểu đệ trông thấy ánh lửa tưởng đâu là ngọn Linh Không Thần Hỏa, nên hối hả chạy đến. Bất ngờ lại gặp Bưu Hổ nhị vị nhân huynh!

 

Nghe nói đến bốn tiếng Linh Không Thần Hỏa, người râu ngắn thoáng biến sắc mặt, hấp tấp hỏi :

 

- Vậy ra Phong lão đệ có tiếp được Thần Mộc Lịnh nữa à? Chắc Phong lão đệ mang lễ vật đến đây phải không?

 

Y vừa nói, vừa đảo mắt nhìn quanh sợ có kẻ nghe ngóng.

 

Người mới đến chính là Nhất Trận Phong, mỉm cười đáp :

 

- Tiếp được Thần Mộc Lịnh rồi, tiểu đệ lo quấn lên, phải mất đến hai mươi hai đêm trọn, đánh cướp đúng hai mươi ba nhà mới thu thập một số lễ vật đạm bạc!

 

Người râu ngắn cũng cười, thốt :

 

- Chứ bọn ta lại sẵn bạc vàng châu báu gì? Cũng phải bố đầu nầy, hốt đầu kia, gom góp được phần nào, tuy chẳng xứng đáng lắm, song tạm gọi là khả quan.

 

Nhất Trận Phong khoát khoát tay :

 

- Đừng láo! Còn ai chẳng biết nhị vị nhân huynh tích trữ rất nhiều bảo vật bạc vàng? Thiết tưởng, có vật gì tiểu đệ mang hiến vật ấy, quyết chẳng vay mượn đâu mà hai nhân huynh sợ!

 

Cả ba cùng cất tiếng cười vang.

 

Phương Bửu Nhi nghe chúng đối thoại với nhau, bất giác sững sờ lâu lắm, hắn mới bấm khẽ Hồ Bất Sầu, rỉ bên tai y :

 

- Thì ra chúng là những tên cường đạo!

 

Hồ Bất Sầu gật đầu :

 

- Đại cường đạo nữa là khác! Chúng là những tay có hạng lắm. Phàm là khách giang hồ ai ai cũng nghe danh biết chúng! Chúng giết người không hề chớp mắt. Hai tên tới trước, một là Phấn Bưu, còn một là Thiết Hổ. Tên đến sau như chúng đã gọi nhau chính là Nhất Trận Phong. Phấn Bưu và Thiết Hổ, lập căn cứ tại Bạch Mã Sơn, còn Nhất Trận Phong thì hành tung vô định, này đây mai đó, lại độc lực hành nghề, chẳng gia nhập vào nhóm cường đạo nào cả.

 

Phương Bửu Nhi trầm ngâm một chút :

 

- Chúng từ những nơi riêng biệt bỗng nhiên đến đây cùng một lúc, không lẽ chúng có ước hẹn với nhau? Trong vùng nầy có nhà nào thừa tiền dư bạc mà chúng định đánh cướp chăng?

 

Hồ Bất Sầu lắc đầu :

 

- Chúng chẳng ước hẹn nhau mà cũng chẳng đánh cướp nhà ai quanh vùng này cả. Suy qua cuộc đối thoại của chúng, ta có thể đoán là chúng tiếp được tín vật của nhân vật nào đó vô cùng lợi hại, đòi chúng đến đây, nên tên nào cũng trang bị lễ vật chúc mừng, và nhân vật đó ước hẹn nơi nào phóng hỏa, chúng hãy đến nơi đó, cho nên thấy lửa nướng cá của chúng ta, chúng lầm rồi đồng đổ xô về đây!

 

Y trầm ngâm một lúc :

 

- Thần Mộc Lịnh! Thần Mộc Lịnh! Nhân vật nào có Thần Mộc Lịnh?

 

Hắn phải ghê gớm lắm mơi điều động nổi bọn đại cường đạo nầy!

 

Phương Bửu Nhi xì một tiếng :

 

- Ghê gớm gì? Bất quá cáo lão nào đó, chỉ là một con cáo già, cao thủ đoạn ngồi một chỗ, thu của bốn phương, có khác gì Đơn Hùng Tín ngày xưa ngồi không chia của.

 

Một cơn gió nhẹ chợt quét qua.

 

Phấu Bưu, Thiết Hổ và Nhất Trận Phong cùng đứng nhanh lên, cùng hướng mắt về một phía :

 

- Kẻ nào đó?

 

Không có tiếng đáp, nhưng có tiếng chân người. Tiếng chân vang lên trầm trọng, vì quá trầm trọng nên phải thận trọng.

 

Cả ba lộ vẻ khẩn trương ra mặt. Thiết Hổ nóng tính hơn hết, rút thanh đao dài bên hông cầm tay, hét to :

 

- Kẻ nào đó, nếu không chịu lên tiếng, đừng trách ta tàn nhẫn...

 

Y khỏi phải nôn nóng, câu nói của y chưa dứt tròn ý, một bóng người đã hiện rõ trong tầm mắt.

 

Người đó là một lão bà, vóc thấp, mập mạp, đầu bạc phơ, tóc rụng độ nửa, thành chiếc đầu gần như sói. Bà vận chiếc áo rộng, dài, bằng bố, khắp chiếc áo đều có túi, phỏng tính có hơn mười lăm mười sáu túi, hình thức bất đồng.

 

Tay bà cầm một chiếc trượng, dài độ chín thước, dĩ nhiên trượng phải cao hơn hình vóc của bà. Bà vừa đi vừa thở, ra dáng mệt nhọc lắm.

 

Bà cứ bước những bước chân chậm chạp, trầm trọng, tiến thẳng đến bên đống lửa, ngồi xuống tự lẩm nhẩm :

 

- Đêm thu mà gặp ngọn lửa như thế nầy, nghe ấm áp lạ! Khoái quá! Khoái quá!

 

Phương Bửu Nhi nhìn bà ta, nhận ra, gương mặt bà rất tròn, miệng tươi như có nụ cười gắn mãi mãi nơi vành môi, giọng nói của bà ấm dịu, thần thái bà rất an tường.

 

Hắn không khỏi lo sợ cho bà, hắn đoán chừng ba tên cường đạo thế nào cũng gây sự với bà, mà bà thì hiền lành như vậy, làm sao tránh khỏi thủ đoạn tàn độc của chúng?

 

Lão bà ung dung đưa tay vào một chiếc túi, lấy ra một trái đào, kè vào mủi ngửi. Chừng như bà thèm ăn lắm, nhưng lại tiếc, cứ ngửi mãi, ngửi một lúc rồi hạ xuống miệng, cắn một miếng, nhai nhóc nhách, mắt chớp sáng ngời ra vẻ thích thú lắm.

 

Bà ăn, chốc chốc lại chép chép miệng, tiếc từ một chút mùi thơm của quả đào thoát ra ngoài, bà thản nhiên ăn, tưởng chừng như chẳng hề trông thấy ba tên cường đạo lăm lăm vũ khí trong tay, đứng nhìn bà chẳng chớp mắt.

 

Chúng nhìn bà, gương mặt chúng dần dần biến sắc, chúng đưa mắt nhìn nhau, đột nhiên cùng tra vũ khí vào vỏ, cùng quỳ xuống.

 

Đến lúc đó thì chúng lộ vẻ kinh khiếp rõ rệt trên mặt. Chúng quỳ nhưng chẳng nói năng gì liền.

 

Mặc chúng quỳ, lão bà cứ ăn xong quả đào, bà ta lấy trong chiếc túi khác, một nắm hạt đào rang tiếp tục ăn.

 

Bà cũng chẳng buồn nhìn đến ba tên cường đạo.

 

Phương Bửu Nhi trông cái cảnh đó vừa buồn cười vừa kinh hãi. Hắn cười vì bọn cường đạo trước đó, hùng hổ làm sao, giờ chẳng khác nào những con mèo bị cắt tai. Hắn cười vì lão bà cao niên kỷ như thế đó, thích ăn vặt như trẻ nít, áo bà rất nhiều túi, nhưng chẳng chứa đựng gì khác hơn là những quả những hạt, cho bà ăn vặt...

 

Hắn kinh hãi vì bọn cường đạo là những hung thần ác sát, vậy mà gặp bà rồi, lại riu ríu quỳ xuống, tỏ vẻ ngoan ngoãn như chó con. Hẳn bà phải là một nhân vật thượng đỉnh trong giang hồ nên chúng mới kính nể đến độ đó.

 

Quỳ một lúc, chẳng thấy lão bà nhìn lại, chẳng nghe lão bà bảo gì, Thiết Hổ đặng hắng mấy tiếng, đoạn thốt :

 

- Anh em Bưu Hổ bái kiến Vạn lão phu nhân!

 

Lão bà day mặt về hướng chúng, nhướng mắt nhìn một lúc lâu, bà mới cười hì hì cất tiếng :

 

- À! Các ngươi chào ta phải không? Đứng dậy đi, ta già rồi, mắt đã mờ rồi, chẳng trông thấy gì rõ rệt! Thật ta có phần nào không phải đấy!

 

Bọn Thiết Hổ càng cúi đầu thấp hơn, Phấn Bưu ấp úng :

 

- Không rõ gần đây... Vạn đại hiệp...có được mạnh giỏi chăng?

 

Vạn lão phu nhân mỉm cười :

 

- Vạn đại hiệp nào? Trượng phu ta đã chết từ lâu... À! Các ngươi muốn hỏi đến đứa con trai vô dụng của ta phải chăng? Nó thì trời đánh cũng không chết, làm gì chẳng được mạnh giỏi? Khổ cái là từ ngày nó lấy vợ đến nay, chẳng còn săn sóc gì mẹ già của nó nữa!

 

Giọng nói, giọng cười của bà hiền từ quá, bà trách con trai nhưng ai lại chẳng biết bà trách yêu. Phương Bửu Nhi trông thấy bà bất giác liên tưởng ngay đến bà ngoại hắn...

 

Hồ Bất Sầu ngưng trọng thần sắc từ lúc Vạn lão phu nhân xuất hiện, y nhìn bà rất kỹ, một lúc lâu tự lẩm nhẩm :

 

- Vạn đại hiệp?... Vạn đại hiệp nào?... Hay là Vân Mộng đại hiệp Vạn Tử Lương, mà bà ta là mẹ của vị đại hiệp đó?...

 

Bọn Thiết Hổ đứng lên.

 

Vạn lão phu nhân mỉm cười hỏi :

 

- Trông tình hình các ngươi, ta đoán các ngươi vì tiếp Thần Mộc Lịnh mà đến đây có phải vậy không?

 

Thiết Hổ gật đầu :

 

- Đúng vậy!

 

Y đáp nhanh quá, Phấn Bưu muốn ngăn lại, nhưng không còn kịp nữa.

 

Vạn lão phu nhân thở dài :

 

- Chủ nhân Thần Mộc Lịnh thật ra đã làm một việc phi phận rồi đó!

 

Đã quy ẩn trong bao nhiêu năm, mà vẫn còn sử dụng uy tín ngày nào, tùy tiện phát lịnh điều động các ngươi, lão ấy cứ tưởng rằng mình vẫn còn là Minh Chủ Hắc đạo. Thành ra, các ngươi vất vả mang lễ vật bôn ba trên đường dài tìm đến đây, cống hiến cho lão!

 

Bà dừng lại một chút, đoạn tiếp hỏi :

 

- Mà các ngươi mang những món gì đó, có thể cho ta nhìn thấy được chăng?

 

Ba tên đại cường đạo nhìn nhau một thoáng, gương mặt tên nào cũng lộ vẻ khó khăn. Chúng còn do dự, Vạn lão phu nhân cười nhẹ thốt :

 

- Không lẽ cho ta xem một chút lại chẳng được sao?

 

Chúng còn làm sao hơn?

 

Phấn Bưu hấp tấp đáp :

 

- Vạn lão phu nhân đã dạy, tự nhiên chúng tôi phải vâng!

 

Rồi cả ba cùng hạ chiếc bao trên lưng xuống, cùng mở ra, tuôn những báu vật bên trong đổ bừa bãi trước ánh lửa hồng.

 

Những báu vật đó toàn là những món hi hữu trên thế gian, chớp ngời dưới ánh lửa. Phương Bửu Nhi dù sanh trưởng trong dư giả, cũng phải chóa mắt.

 

Tuôn những báu vật đó ra rồi, ba tên cường đạo cùng lộ vẻ cao ngạo, chúng cười nhẹ hỏi :

 

- Lão phu nhân xem, những vật nầy mang đến mừng Chủ nhân Thần Mộc Lịnh, có xứng đáng không?

 

Vạn lão phu nhân vẫn giữ nụ cười hiền hòa :

 

- Những báu vật đó, mang cống hiến cho bậc vua chúa, kể ra thừa xứng đáng nữa là khác, song...

 

Thiết Hổ vội hỏi :

 

- Song làm sao, hở phu nhân?

 

Vạn lão phu nhân điềm nhiên :

 

- Song đem cống hiến cho Chủ nhân Thần Mộc Linh, ta e quá đạm bạc.

 

Nhất Trận Phong biến sắc trước. Phấn Bưu và Thiết Hổ biến sắc sau.

 

Cả ba cùng trố mắt nhìn lão bà.

 

Lâu lắm, Thiết Hổ mới ấp úng :

 

- Đạm bạc?...

 

Vạn lão phu nhân gật đầu :

 

- Đạm bạc lắm. Trừ phi...ba phần gộp lại làm một, may ra khả dĩ tạm gọi là được! Thật tình ta chỉ sợ Chủ nhân Thần Mộc Lịnh bắt tội các ngươi khinh thường người!

 

Bà đưa tay vào một chiếc túi khác, lấy ra mấy trái ô mai rim đường híp mắt lại, vừa nhai vừa chép chép miệng. Bà thản nhiên ăn, thích thú ăn, tưởng chừng bình sanh không gì hấp dẫn bà bằng những quà vặt.

 

Phấn Bưu, Thiết Hổ cấp tốc thu xếp các món đồ của chúng vào bọc, cột dây cẩn thận, cho lên lưng, rồi lùi lại mấy bước.

 

Đột nhiên, Nhất Trận Phong giương đôi mắt, bắn tinh quang sáng ngời sang cả hai bên cười khanh khách :

 

- Vạn lão phu nhân đã nói thế, tại hạ tưởng hai vị nên làm phương tiện cho tại hạ là phải hơn!

 

Thiết Hổ cao giọng :

 

- Làm phương tiện như thế nào?

 

Nhất Trận Phong mỉm cười :

 

- Ba phần riêng rẽ chẳng phần nào đủ giá trị để cung hiến Chủ nhân Thần Mộc Lịnh, chi bằng hai vị nên nhường hai phần đó cho tại hạ, nhập với phần riêng, còn hai vị thì hãy trở về, sắm sửa phần khác tươm tất hơn. Như vậy là tiện lợi cho cả ba chúng ta.

 

Thiết Hổ hét to :

 

- Vô lý! Ngươi muốn cướp báu vật của anh em ta?

 

Nhất Trận Phong rít một tràng cười ghê rợn :

 

- Nhất Trận Phong này không đến nỗi có thái độ đó với các vị đâu, mà dù tại hạ muốn cướp, hai vị cũng chẳng ngăn cản được! Tại hạ mong hai vị nên thức thời một chút, thà đắc tội với hai vị, còn hơn là bị Chủ nhân Thần Mộc Lịnh quở trách.

 

Thiết Hổ quát lớn :

 

- Câm ngay! Ngươi làm gì nổi bọn ta mà dám cao ngạo?

 

Nhất Trận Phong trầm giọng :

 

- Thế là các vị nhất định bắt buộc tại hạ phải ra tay? Giả sử tại hạ lỡ giết chết các vị, thì chẳng hóa ra oan uổng cho các vị chăng?

 

Thiết Hổ sôi giận :

 

- Ngươi giết bọn ta hay bọn ta giết ngươi?

 

Câu nói vừa buông dứt, Phấn Bưu và Thiết Hổ cùng rút trường đao.

 

Nhất Trận Phong cười lạnh, tháo chiếc thắt lưng quét ra một vòng biến thành một trường thương rộng bản sáng như bạc.

 

Vạn lão phu nhân không nhìn đến họ nửa mắt, tự nhiên cắn ô mai nhai nhai, chép chép, mắt vẫn híp lại như thường. Gương mặt bà vẫn còn mãi vẻ tư tưởng hiền hậu, nơi khoé miệng nụ cười tươi vẫn gắn chặt như từ thuở nào, chẳng hề tắt.

 

Hồ Bất Sầu theo dõi diễn tiến của mọi người tại cục trượng, y thái độ thầm nghĩ :

 

“Lão bà nầy xem thì ôn nhu hòa dịu lắm, nhưng cái tâm của bà tàn độc làm sao! Chỉ dùng một câu ngắn ngủi, lại có thể khích cả ba cùng đưa nhau vào cuộc tử chiến! Người ta sắp đánh nhau trí mạng, mà bà vẫn thản nhiên được, nham hiểm thật.”

 

Biết vậy, họ Hồ dù can thiệp để ngăn chận một cuộc chiến vô lý cũng chẳng thực hiện ý muốn được, bởi còn bao nhiêu việc bên mình, mà toàn là những việc khẩn cấp, nếu rầy vào việc người, sự tình biết đến bao giờ dứt khoát, chẳng hóa ra chậm trễ việc mình sao?

 

Y đành bất động, chỉ lấy mắt nhìn.

 

Y bất động, song Phương Bửu Nhi không dằn được bất bình, hắn kêu lên :

 

- Lão thái thái đã xem lễ vật của người, tại sao không cho người xem lễ vật của thái thái? Như vậy có bất công chăng?

 

Vạn lão phu nhân mở mắt ra, cười nhẹ :

 

- Tiểu tử, ngươi nói gì đó?

 

Nhưng Phương Bửu Nhi không lập lại câu hỏi. Có lẽ hắn hỏi như thế, do một dụng ý nào khác hơn là muốn xem lễ vật của bà.

 

Và cái dụng ý của hắn, bọn Phấn Bưu, Thiết Hổ và Nhất Trận Phong hiểu rõ, họ là những tay lão luyện giang hồ, dù kém võ công chứ kinh nghiệm có thừa, so với bất kỳ ai.

 

Cả ba cùng thu võ khí, Phấn Bưu cười lớn thốt :

 

- Buồn cười thật!

 

Y không đợi hai người kia hỏi, cười tiếp luôn :

 

- Chúng ta toàn là những kẻ to đầu, cao tuổi, mà không nghĩ đến việc xem lễ vật của Vạn lão phu nhân, phải chờ một tiểu tử đề cập đến mới nhớ ra!

 

Nhất Trận Phong phụ họa :

 

- Phải đó! Chúng ta cần xem lễ vật của lão phu nhân như thế nào, để dùng làm tiêu chuẩn chu biện cho thích đáng!

 

Phấn Bưu còn đi xa hơn, không cần dè dặt sợ hãi như trước :

 

- Ta chỉ sợ lão phu nhân trong khi khẩn cấp, không kịp sắm sửa lễ vật, nên nảy sanh ác ý khích nộ chúng ta, cho chúng ta đánh toi mạng cướp phần của nhau, dĩ nhiên đánh mãi thì bọn chúng ta sẽ chết dần, cuối cùng thì bà ta chẳng cần phí sức lắm cũng hạ được kẻ sống sót, chiếm luôn cả ba phần. Như thế có phải khỏe chăng?

 

San bằng được bất hòa, ba tên cường đạo giờ đây liên kết với nhau, chúng cùng lùi lại ba bước, cùng đứng ngang nhau giăng thành hàng chữ nhất, cùng nhìn thẳng đến Vạn lão phu nhân.

 

Chúng không quên ngầm vận công, chuẩn bị ứng phó nếu Vạn lão phu nhân xuất thủ bất thình lình.

 

Vạn lão phu nhân khẽ thở dài, vẫn với giọng dịu hiền thốt :

 

- Các ngươi xem nhẹ ta quá! Đây các ngươi xem!

 

Bà ta đưa vào một chiếc túi, lấy ra một xâu mười hai hạt ngọc chói màu tím sậm, mỗi hạt to cỡ quả trứng chim câu.

 

Vốn là những tay lục lâm, cường đạo, bọn Phấn Bưu Thiết Hổ và Nhất Trận Phong còn lạ gì loại châu ngọc trên đời. Chúng xem ngọc còn tinh vi hơn thợ ngọc. Trông thấy mười hai viên ngọc của Vạn lão phu nhân tất cả cùng biến sắc mặt, cùng trố mắt, thừ người. Bình sanh chúng chưa từng trông thấy một loại ngọc nào vừa đẹp vừa to như thế.

 

Chúng muốn nhìn sát mắt nhưng còn dè dặt bước tới một bước, rồi ngập ngừng, rồi bước.

 

Vạn lão phu nhân cười nhẹ :

 

- Cứ bước tới mà xem, ta chẳng làm gì hại đến các ngươi đâu đừng ngại.

 

Chúng cùng bước tới, nghiêng mình nhìn, vừa nhìn vừa nói :

 

- Vô giá! Vô giá! Đáng thẹn cho chúng ta, bôn tẩu giang hồ trong bao nhiêu năm, thế mà tầm mắt vẫn còn hẹp, chưa từng trông thấy vật quý như thế này!

 

Bỗng hơn mười đạo hắc quang chớp lên, từ lòng bàn tay Vạn lão phu nhân bắn ra.

 

Dĩ nhiên, cái đích là ba tên cường đạo.

 

Hơn mười đạo hắc quang đó nhắm vào yếu huyệt của chúng lão vút tới.

 

Như chưa vừa lòng với bao nhiêu đạo Hắc quang đó, Vạn lão phu nhân cho tay vào túi áo, láy ra hạt đào, hạt hạnh nhân, hạt ô mai, lao vút theo. Thủ pháp của bà vừa nhanh vừa chuẩn, dù cho bọn Phấn Bưu có đề phòng cũng chẳng mong gì tránh kịp, huống hồ bà xuất thủ đột ngột.

 

Chúng có bao giờ tưởng những chiếc túi của bà ta, lại chứa toàn ám khí, mà ám khí chẳng phải là những vật chế luyện với hình thức riêng biệt như khách giang hồ thường dùng. Ám khí của bà là những món quà vặt, bình thường thì thưởng thức nó, khi cần thì bà dùng nó làm ám khí, thừa lợi hại hạ địch như những ám khí thực sự.

 

Vì chẳng ngờ như vậy, chúng lãnh đủ. Bất quá, chúng chỉ tránh né được một vài vật đầu tiên, song những hạt đào, hạt hạnh nhân, hạt ô mai bắn ra tới tấp, chúng làm sao tránh kịp?

 

Rồi ba tiếng rú vang lên, ba tên cường đạo ngã nhào một lượt. Mỗi tên hứng ít nhất cũng mười hạt, hạt nào cũng ấn sâu vào da thịt tưởng chừng như xác thân chúng có khảm những hạt đào, hạt hạnh nhân, hạt ô mai.

 

Hai tên kia có lẽ đã tắt thở, chỉ còn mỗi một mình Thiết Hổ, có sực chịu đựng khá, y phều phào hỏi :

 

- Bà đã có xâu ngọc đó, chưa đủ sao, còn bày kế lừa chúng tôi đoạt báu vật của chúng tôi? Dù sao, thủ đoạn của bà tàn độc quá.

 

Vạn lão phu nhân lắc đầu, thở dài :

 

- Bọn ngươi thật là ngu xuẩn! Trên thế gian này làm gì có ngọc màu tím?

 

Thiết Hổ sửng sốt, không rõ vì giận hay vì tức là mình ngốc, y nghe mồ hôi hạt, đượm đầy trán, rơi xuống áo ròng ròng. Một lúc sau, y cố gom toàn lực hỏi :

 

- Thế vật gì trong tay bà?

 

Vạn lão phu nhân cười nhẹ :

 

- Kẹo ô mai, sênh đường pha màu tím trông bóng ngời, món quà ta ưa thích nhất, bất cứ đến thị trấn nào, ta phải tìm mua cho kỳ được một mớ, bỏ trong túi ta ăn suốt ngày suốt đêm trừ lúc ngủ. Ngươi có quáng manh chăng mà không nhận ra?

 

Thiết Hổ giương tròn mắt, đôi tròng suýt lọt ra ngoài, hét lên một tiếng to :

 

- Tức chết ta thôi!

 

Rồi y nấc nấc mấy tiếng tắt lịm.

 

Vạn lão phu nhân nhìn ba xác chết nằm vật trên mặt đất, lại lắc đầu, lại thở dài :

 

- Đáng tiếc! Đáng tiếc!

 

Phương Bửu Nhi mục kích cảnh tình của ba tên cường đạo, không khỏi tức uất Vạn lão phu nhân xuất thủ tàn độc, sát hại ba mạng người như một trò đùa, hắn chưa nói gì, bà ta lại thở dài tiếc rẻ, hắn càng tức uất hơn thầm nghĩ :

 

- “Đã biết tiếc sao còn hạ thủ đoạn?”

 

Vạn lão phu nhân tặc lưỡi, tiếp nối :

 

- Ta chỉ còn có bao nhiêu đó thôi, chúng bắt buộc ta phải hủy hoại tất cả, đáng hận thật!

 

Bà đứng lên, bước tới cạnh các xác chết, vạch áo chúng gỡ từng hạt đào, hạt hạnh nhân, hạt ô mai lút sâu vào da thịt chúng. Hạt nào cũng có vấy máu, có hạt đọng chảy ròng ròng.

 

Bà quẹt những hạt đó trên áo chúng cho sạch máu, đoạn bỏ vào túi.

 

Phương Bửu Nhi vỡ lẽ, thì ra bà tiếc mấy món quà của bà, chứ chẳng tiếc mạng sống của bọn cường đạo.

 

Trời! Những hạt đó vấy máu tanh hôi, bà chỉ quẹt sơ cho khô rồi cất vào mình, định ăn bằng thích chứ chẳng bỏ. Hắn nghĩ đến điều đó, lợm giọng nôn khan, nhưng bụng hắn chứa đầy cá nướng, hắn vừa nôn bao nhiêu cá tuông ra rồn rột.

 

Hồ Bất Sầu lúc đầu nghe Phương Bửu Nhi hạch hỏi Vạn lão phu nhân đoán chắc sẽ có đại họa đến nơi, rồi bây giờ hắn lại nôn mửa, như vậy thế nào Vạn lão phu nhân cũng quở trách, mà bà ta quở trách thì chỉ còn có nước cúi đầu chờ bà ta giết, chứ chẳng còn làm gì khác nơi được, y sợ quá, vội bế xốc Phương Bửu Nhi lên, dợm chân chạy đi.

 

Một tràng cười ha hả vang lên, Vạn lão phu nhân đã đứng án trước mặt y rồi. Bà hỏi :

 

- Tiểu tử đó, con cái nhà ai, lại thông minh thế?

 

Hồ Bất Sầu không nói năng chi cả, xoay người nửa vòng, nhún chân vọt lên cao, xoay mình tạt qua, đáp xuống chạy đi liền.

 

Nhưng y vừa chấm chân xuống đất, Vạn lão phu nhân nhanh hơn, đã đáp xuống trước mặt y.

 

Bà cười gằn :

 

- Tại sao ngươi chạy trốn ta? Tiểu tử thông minh như thế kia, ta có lòng nào làm thương hại đến hắn sao?

 

Hồ Bất Sầu chẳng thế nào chạy khỏi tay bà được, đành đứng nguyên tại chỗ, suy nghĩ tìm cách đối phó.

 

Phương Bửu Nhi vùng vẫy, vuột khỏi tay Hồ Bất Sầu, hắn đứng thẳng người cất cao giọng hỏi :

 

- Đã không làm gì thương tổn đến tôi, lại không chịu phóng thích tôi, thế bà muốn làm gì tôi?

 

Vạn lão phu nhân cười dịu :

 

- Già như ta, thấy trẻ thông minh, ai mà chẳng mến, đã mến thì phóng thích làm sao được. Ít nhất ta cũng phải nâng niu một lúc chứ? Lại đây lại ăn quà với ta!

 

Bà lấy mấy hạt đào, hạnh nhân, ô mai vấy máu, trao cho Phương Bửu Nhi. Giết chết hắn, hắn chẳng bao giờ tiếp nhận đừng nói là ăn.

 

Vạn lão phu nhân cười lạnh :

 

- Tiểu tử không ăn mà được với ta à? Có vấy máu ăn càng ngon chứ sao?

 

Bà giết người, bà cưỡng ép người ăn những vật đẫm máu, vậy mà cử chỉ của bà hết sức dịu hiền, lời nói của bà hết sức êm nhẹ, gương mặt hết sức từ tường.

 

Phương Bửu Nhi giận quá mắng to :

 

- Lão yêu phụ! Lão độc bà! Lão quái vật! Cũng có ngày ngươi bị thiên hạ mổ bụng, moi tim lột da!

back top