Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 31: Luyện tập đức nhẫn

Trí-Cao nhăn mặt không thèm để ý đến lời của anh em họ Dương:

 

- Thái-sư tuy không làm vua, nhưng uy trùm hoàn vũ, là em hoàng thượng, là thầy dạy của Thái- tử Nhật-Tông, mà y dám hỗn sao ?

 

- Y cũng dư biết thế. Nhưng vì y muốn cho cháu ngoại lên làm vua, thay thái tử Nhật-Tông. Muốn hạ Thái-tử thì phải hạ Thái-sư. Giản dị như vậy đó.

 

- Cháu nghĩ không dễ đâu! Đúng ra Thái-sư lên làm vua, nhưng vì người chưa có con, nên để cho anh ngồi vào ngôi báu, rồi sau này nhường cho con nuôi mình, cũng là con đẻ của anh. Hỏi ai có thế thay Thái-tử Nhật-Tông.

 

- Khổ một điều Dương hậu được hoàng-thượng cực kỳ sủng ái, bà luôn ở cạnh ngài, rồi tìm cách bôi bác Thái-tử.

 

- Cháu nghĩ vô ích. Vì Thái-tử là đệ tử yêu của tiên cô Bảo-Hòa. Nếu hoàng-thượng muốn truất ngôi Thái-tử của người, phải có ý kiến của tiên cô. Cháu nghe tiên cô yêu Thái-tử hơn yêu con, uốn nắn, dạy dỗ đủ điều. Người bắt Thái-tử nấu cơm, bổ củi, làm vườn, giặt quần áo, cầy ruộng, cuốc đất... lại còn bắt sống với dân cho biết dân tình. Thực từ khi lập quốc đến giờ, chưa một Thái-tử nào được huấn luyện chu đáo như vậy, hỏi Dương hậu tìm đâu ra lỗi của người mà dèm xiểm.

 

- Nhưng gã Dương điên khùng, nên mới cưỡng làm. Tuy nhiên y cũng có đôi chút kết quả.

 

Trí-Cao ngửa mặt lên trời than:

 

- Tiếc quá, phải chi những tiền nhân thế thiên hành đạo như đại hiệp Tự-An, Thông-Mai còn tại thế thì y đã mất mạng lâu rồi. Tần-vương Tự-Mai, đại y sư Lê Văn hiện đều ở xa. Chứ bốn vị ấy mà hiện diện thì tể tướng họ Dương đâu dám lôi thôi. Cháu thấy còn một nhân vật, có thể khiến chúng sợ, mà sao nhân vật này lại tiềm ẩn cuộc đời với cỏ cây như vậy?

 

- Ai?

 

-- Thưa thầy là đại hiệp Tôn Đản. Trong thời Thuận-Thiên có ba thiếu niên mà đức Thái-tổ nhà ta cực kỳ sủng ái là Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn. Ba vị đều trở thành nhân vật có tài kinh thiên động địa. Tự-Mai thành phò mã Tống, tước tới Tần-vương. Lê-Văn thành phò mã Thái, tước tới quận vương. Giá như đại hiệp Tôn Đản muốn làm quan, e đức Thái-tổ đã phong vương cho. Chẳng hiểu lý do nào, người lại làm căn nhà tranh bên hồ Tây, làm nghề trồng hoa, nuôi tằm, câu cá không lý gì đến cuộc đời. Ví như người mà ra tay, thì đâu kém hai vị Tự-Mai, Lê Văn?

 

- Cháu không biết đấy thôi. Sở dĩ đại hiệp Tôn-Đản bỏ về với cỏ cây, vì chiều theo ý của công chúa Ngô Cẩm-Thi. Xét lại, một nhà Tôn đại hiệp đều ra gánh vác giang sơn. Ông Tôn Trung-Luận hiện làm tổng trấn Nam-thùy giữ chức Tiết-độ sứ, tước Quốc- công đâu có nhỏ? Ba em của Tôn đại hiệp là Mạnh, Trọng, Quý đều làm đại tướng quân, tước phong hầu. Đúng ra đức Thái-tổ phong cho Tôn đại hiệp tước vương, thay Khai-Quốc vương trấn Trường-yên, nhưng công chúa Ngô Cẩm-Thi sinh ở đất Tống, nay mới được về đất Việt, nên thích ngao du tự tại. Vì vậy mà đại hiệp mới xin từ quan, cùng công chúa trồng hoa, nuôi tằm, câu cá.

 

- Cháu phải đi tìm Tôn đại hiệp, để người ra tay tính tội lão tể tướng họ Dương mới được.

 

Nghe Trí-Cao nói, thầy đồ rùng mình:

 

- Cậu yên tâm, ta bói thấy ông ấy vẫn còn đâu đó, chắc chưa ra tay đấy thôi.

 

Trí-Cao tỏ vẻ cương quyết:

 

- Cháu nghĩ đến chuyện thời Thuận-Thiên mà khoan khoái. Như tiên cô Bảo-Hòa ra tay xử tử quận chúa Hồng-Phúc. Ưng-sơn xử tử Đinh phi, toàn gia Vũ-Đức vương. Đại hiệp Thông-Mai xử tử toàn gia tên Đặng Đức-Kềnh. Giả như bây giờ đại hiệp Thông-Mai xuất hiện xử tử lão họ Dương.

 

Cô gái họ Dương chỉ tay vào mặt thầy đồ với Trí-Cao:

 

- Bọn mi là một tên thầy bói chết đói, một tên mọi, thì biết gì về chuyện thiên hạ, quốc gia đại sự mà bàn. Người phải biết rằng bên Thiên-triều, trên có thánh Thiên-tử trị vì, lại có các nho-thần uyên bác phò tá. Chúng ta là phiên thần, phải nhìn về đó mà cúi đầu thần phục. Như vậy trước được hưởng ân mưa móc phong tặng, sau là giữ được nước yên như bàn thạch. Nay các người bàn chuyện bạo thiên nghịch địa, đem quân phạm thiên cảnh. Việc này mà đến tai biên thần Thiên-triều, ắt thánh thiên tử nổi giận, đem quân xuống, thì Đại-Việt ta có còn không? Vì vậy Dương tể tướng ngồi cầm vận mệnh triều đình biết thức thời, sai sứ phủ phục trước Thiên-triều, để nước ta yên. Các người ngu si, không biết gì, mà nói xấu người.

 

Trí-Cao cũng không vừa:

 

- Cô nương nói lạ, cái gì là Thiên-triều ? Cái gì là thánh Thiên-tử. Từ xưa đến giờ đất Việt của người Việt. Đất Trung-nguyên của người Hoa, mấy nghìn năm đều như vậy cả. Sở dĩ ta phải nhận sắc phong là vì đất họ rộng, dân họ đông mà thôi. Nay từ Đại-liêu, Cao-ly, Tây-hạ đều hưng thịnh, tự đứng một góc trời. Tống phải thần phục Khất-đan, thì có còn tư cách để ta phải thần phục không ? Ta không nhân lúc này đòi lại cố thổ thì đợi lúc nào đây ? Cô nương cho rằng ta bàn chuyện nghịch thiên bạo địa, vậy có khác gì cô nương bảo vua An-Dương, vua Trưng, vua Ngô, vua Lê cùng chư vị anh hùng võ lâm thời Thuận-Thiên là nghịch tặc không? Cô nương liệu mà giữ mồm, kẻo...

 

- Mi nói gì?

 

- Kẻo toi mạng lúc nào không hay.

 

Thình lình cô gái họ Dương vung tay tát Trí-Cao một cái. Trí-Cao trầm người tránh khỏi. Cái tránh của y làm thấy bói lẫn cô gái đều bật lên tiếng Ủa kinh ngạc. Cô gái tát hụt tức qúa, tay rút kiếm đưa một chiêu vào giữa ngực Trí-Cao. Trí-Cao thấy chiêu kiếm hung hiểm, vội tung người lên cao tránh. Cô gái không tha, chĩa kiếm lên định chặt cụt chân đối thủ. Trí-Cao chơi vơi ở không gian, thấy sắp mất mạng, y kêu thét lên hãi hùng.

 

Lý-thường-Kiệt thấy vậy vội đẩy lên cao chiêu Ngưu tẩu như phi vào người Trí-Cao. Kình phong đưa Trí-Cao bật ra xa khỏi mũi kiếm. Cô gái buông kiếm, dùng hai tay chụp lấy hai xương quai xanh Thường-Kiệt, định bẻ gẫy. Vì hai người đứng gần nhau quá, nên Thường-Kiệt không tránh kịp, chàng dùng ngón tay điểm vào huyệt Khúc-Trì cô gái, lập tức cô ngã chúi người vào vai chàng. Tỵ hiềm nam nữ, Thường-Kiệt nhảy lui lại, nhưng không kịp, cô gái đã ngã vào ngực chàng. Chàng định đưa tay đỡ vào hai vai cô, rồi thuận tay giải huyệt cho cô, nhưng cô ngã xuống, nên tay chàng chụp đúng nhũ hoa của cô.

 

Kinh hãi chàng vội khai huyệt đạo cho cô, định nói lời xin lỗi, thì gã thanh niên họ Dương thấy em bị bại, y phóng tới, tay rút kiếm chĩa vào ngực Thường-Kiệt. Miệng mắng:

 

- Đồ vô lại! Ta phải giết mi.

 

Thường-Kiệt định phân trần, thì cô gái đã nhặt kiếm thúc vào hông chàng. Chàng vội trầm người tránh khỏi mũi kiếm anh em họ Dương.

 

Trí-Cao đứng ngoài quát lớn:

 

- Ngừng tay. Tại hạ muốn nói mấy lời.

 

Nhưng cô gái lên tiếng gọi:

 

- Đinh, Phùng hai vị ở đâu?

 

Từ ngoài, hai võ quan lạng mình chạy vào, hỏi:

 

- Tiểu thư, công tử, cái gì đã xẩy ra.

 

Cô gái khóc nức nở tay chỉ Trí-Cao, Thường-Kiệt:

 

-- Hãy bắt hai tên này cho ta.

 

Thoáng nhìn hai võ quan, Nhật-Tông đã nhận ra một người tên Phùng Lộc, một tên Đinh Luật hiện làm chức Đô-thống, trong đạo Thị-vệ Hoàng-cung. Sáu tháng trước, trong lần theo phụ hoàng xem đạo Thị-vệ thao luyện, chàng đã thấy mặt chúng. Nay một là vì chàng lớn lên, khuôn mặt thay đổi đi, hai là chàng trang phục như dân quê, nên hai người không nhận ra chàng.

 

Đinh Luật hất hàm hỏi Trí-Cao:

 

- Người vô lễ với tiểu thư, công tử đây, thì đến mười cái đầu người cũng không còn. Người có mau quỳ gối tạ lỗi không? Người tên gì?

 

Trí-Cao đáp:

 

- Tôi họ Nùng tên Trí-Cao. Tôi đàm luận với thầy đồ, rồi cô này hùng hổ đánh tôi, bất đắc dĩ tôi phải tránh. Tôi chẳng có tội gì, nên tôi không thể xin lỗi.

 

Phùng Lộc thấy Trí-Cao xử dụng võ công Sài-sơn đến trình độ tinh vi, còn Lý Thường-Kiệt xử dụng võ công Tản-viên vào hàng thượng thừa; y biết đây là danh môn đệ tử, y không muốn gây sự với chúng. Y chỉ Lý Thường-Kiệt:

 

- Người mau xin lỗi tiểu thư, bằng không ta phải bắt người đem về trị tội.

 

Nhật-Tông xen vào giữa Thường-Kiệt với viên võ quan:

 

- Đinh, Phùng, nhị vị là đô thống trong đội thị-vệ. Thị-vệ có nhiệm vụ canh phòng Hoàng-cung, tại sao lại đi tuân lệnh một cô gái điêu ngoa, đanh ác, rồi bắt người ? Nếu quan Tổng-lĩnh thị vệ biết được, thì liệu các vị có còn chỗ đội mũ không?

 

Giọng nói Nhật-Tông hết sức uy nghiêm, lại hơi quen, khiến hai võ quan khựng lại. Phùng Lộc chỉ Thường-Kiệt:

 

- Nhưng tên này phạm vào thân thể tiểu thư, ta phải bắt y.

 

Y chỉ vào Trí-Cao:

 

- Tên này nói lời phản nghịch cần phải bắt y trị tội.

 

Nhật-Tông không lùi bước, tay chỉ vào Thường-Kiệt:

 

- Được! Gã này là sư điệt của ta, là nghĩa tử của ta. Nếu y phạm tội là do gia pháp ta bất nghiêm, ta xin thay y đến cửa quan phủ Thăng-long đối chất chịu tội.

 

Rồi lại chỉ tay vào Trí-Cao:

 

- Y, y không hề nói lời nào phản nghịch cả. Các vị không thể bắt y.

 

Nhưng Phùng Lộc không coi lời Nhật-Tông vào đâu, y vung tay chụp Trí-Cao. Thấp thoáng một cái, Nhật-Tông đã xen giữa Phùng Lộc với Trí-Cao, miệng hô:

 

-- Ngừng tay.

 

Gã họ Dương rút kiếm chĩa thẳng vào ngực Nhật-Tông đưa một chiêu cực hiểm độc. Nhật-Tông chĩa tay điểm một Lĩnh-Nam chỉ, choang một tiếng, kiếm của gã họ Dương bị gẫy đôi.

 

Thình lình một bóng người chuyển động nhanh như điện chớp, tay y phẩy một cái, khiến Nhật-Tông bật lui liền hai bước. Người đó quát:

 

- Lĩnh-Nam chỉ! Người xử dụng Lĩnh-Nam chỉ bằng nội lực Đông-a. Ban nãy người xử dụng chiêu chưởng Hoa-sơn. Phải chăng người là đệ tử của Ưng-sơn song hiệp ?

 

Ưng-sơn song hiệp là biệt hiệu của Trần Tự-Mai cùng công chúa Huệ-Nhu. Trong suốt thời gian mười năm, lĩnh chức Ngô-quốc quận vương, tổng-trấn Nam-thùy, cặp vợ chồng này trị quân cực nghiêm. Bất cứ trộm- cắp, tham-quan, dù Hoa, dù Việt nếu phạm tội, trốn đâu cũng đều bị truy lùng đến cùng rồi trừng trị thẳng tay. Cho nên hắc, dù bạch, phe nào nghe đến Ưng-sơn song hiệp cũng ớn da gà.

 

Dù Bảo-Hòa đã dặn dấu căn cước. Nhưng Nhật-Tông được huấn luyên để trở thành ông vua. Vì vậy cử chỉ của chàng đường bệ, giọng nói uy nghiêm. Chàng đưa mắt nhìn lão già. Đó là một người gầy còm, da dăn deo, tóc trắng như cước, đôi mắt cực kỳ sáng. Chàng trả lời bằng giọng uy nghiêm:

 

- Ta rất thân với Ưng-sơn song hiệp, nhưng không phải là đệ tử của người. Chị gái ta là sư tỷ của Nam-hiệp.

 

Ý chàng muốn nói sự liên hệ giữa vua bà Bắc-biên Bình-Dương với Tần-vương Tự-Mai. Chàng chỉ vào Lý Thường-Kiệt:

 

- Nam-hiệp là sư thúc của gã con nuôi ta.

 

-- Vậy thì tốt quá! Ta đang muốn tìm tên ôn con Tự-Mai để đòi món nợ năm xưa, bây giờ y không có mặt ở đây, thì người thay thế cũng được.

 

Nói rồi y vung tay chụp Nhật-Tông, cái chụp kình lực mạnh không thể tưởng tượng được. Nhật-Tông lùi lại, tay ra chiêu Tứ ngưu phân thi đánh thẳng vào ngực người kia, chưởng phong ào ào tuôn ra. Người kia vội biến trảo thành quyền. Bộp một tiếng, Nhật-Tông bật lui lại sau hai bước. Chàng cảm thấy ngực đau nhức không thể tưởng tượng nổi. Hai gã Phùng, Đinh lạng người tới bắt lấy chàng trói lại.

 

Lý Thường-Kiệt quát lên một tiếng phát chưởng tấn công lão già, mong cứu Nhật-Tông. Lão già thấy chưởng phong hung dữ, vội lùi một bước, rồi vung tay đỡ. Bình một tiếng, lão già bật lên tiếng ái chà, tỏ vẻ đau đớn. Nhưng cũng như Nhật-Tông, hai lão Đinh, Phùng đã nhảy vào xuất chiêu bắt Lý Thường-Kiệt.

 

Bỗng có tiếng nói rất uy nghiêm:

 

- Xin ngừng tay.

 

Hoàng-Giang cư-sĩ chắp tay hướng lão già:

 

- Tại hạ mắt kém, nhận không ra, phải chăng lão tiên sinh đây cao danh quý tính là Đinh Kiếm-Thương, nức danh thiên hạ vào thời Thuận-thiên?

 

Lão già gật đầu:

 

- Lão phu ẩn tích hơn hai mươi năm, không màng đến việc thiên hạ, vì vậy không được biết cao danh của tiên sinh.

 

Tuy bị bắt trói, nhưng Lý Thường-Kiệt cười nhạt:

 

- Đinh Kiếm-Thương! Thì ra lão là sư phụ của trưởng lão Đinh Hiền trong Hồng-thiết giáo trước đây có đúng thế không?

 

- Không sai.

 

Hoàng-Giang cư sĩ hướng Đinh Kiếm-Thương xá một xá, rồi chỉ vào Nhật-Tông, Thường-Kiệt:

 

-- Không biết lão sư áp dụng võ đạo thế nào, mà ba người đánh một đứa trẻ như thế này.

 

Lão già hất hàm hỏi:

 

- Người là ai, mà dám chất vấn lão phu.

 

Gã họ Dương chắp tay:

 

- Sư phụ ! Người này là Hoàng-Giang cư sĩ, nhị đệ tử của Hồng-Sơn đại phu. Y được Hồng-Sơn sai lên vùng Bắc-biên mở trường dạy thuốc.

 

Lão già gật gù cái đầu:

 

- Thì ra thế. Hoàng-Giang đại y sư là nhân vật trọng kính của triều đình, cớ sao để đệ tử nói lời phản nghịch, phạm thượng?

 

Nùng Tồn-Phúc đến bên lão già, y cung tay:

 

- Lão tiên sinh, chẳng hay đứa con của bản chức đã nói những điều gì là phản nghịch? Khi y nói, thì lão tiên sinh không hiện diện. Không hiện diện thì sao lão tiên sinh có thể biết y nói gì mà kết tội y?

 

Lão Đinh- Kiếm-Thương thản nhiên:

 

- Không cần biết y nói gì, dù y nói lời trung nghiã, nhưng tiểu thư đây bảo là lời đại nghịch thì nó trở thành lời đại nghịch.

 

Chủ quán đã tới nơi, y chắp tay nói với lão Đinh Kiếm-Thương:

 

- Thưa tiên sinh, tôi dám quyết không bao giờ tiểu công tử đây nói lời phản nghịch.

 

Y chỉ Nùng Tồn-Phúc:

 

- Vị này hiện là một biên cương trọng thần, họ Nùng tên Tồn-Phúc, lĩnh hàm Thái-bảo, tước tới hầu, chức tới đại tướng quân, đang làm vua nước Trường-sinh bao gpm ba mươi sáu khê động sắc dân Nùng, danh người trấn thiên hạ trong những trận đánh với bọn quân Tống sang cướp biên giới trước đây.

 

Trước kia Nùng Dân-Phú được vua Bà là công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa cho thống lĩnh chín châu thuộc sắc dân Nùng. Nhưng trong đó năm châu thì các động chủ, trâu chủ theo Tống. Từ khi Nùng Dân-Phú qua đời, Nùng Tồn-Phúc lợi dụng Ngô-quốc quận vương tổng trấn Nam-thùy của Tống che chở, y bắt các châu động Nùng phải thống nhất lại, đặt dưới quyền Lý triều. Y lại được phò mã Thân Thiệu-Thái, công chúa Bình-Dương; phò mã Lê Thuận-Tông, công chúa Kim-Thành; phò mã Hà Thiện-Lãm, công chúa Trường-Ninh giúp đỡ tiến lên vùng Tây Tả-giang gom góp hơn ba mươi khê cộng Nùng. Vì vậy y nghiễm nhiên có địa vị ngang với vua bà Bình-Dương. Đất của y đặt tên là động Trường-sinh.

 

Dân số, tài nguyên động Trường-sinh lớn muốn hơn động Giáp, vì vậy triều đình coi như Trường-sinh là một nước riêng, tách hẳn với Bắc-biên của vua Bà Bình-Dương. Tồn-Phúc lại được đệ nhị đệ tử của Hồng-Sơn đại phu là Hoàng-Giang cư sĩ khuyến khích giúp đỡ, huấn luyện binh sĩ, tổ chức vũ bị, cho nên tiếng tăm của y vang dội.

 

Nghe chủ quán nói, lão già có hơi chột dạ, lão hỏi cô gái họ Dương:

 

- Tiểu thư! Tiểu thư chẳng nên chấp nhặt với một thiếu niên làm gì. Ta đi thôi.

 

Trí-Cao chỉ vào Thường-Kiệt, Nhật-Tông:

 

- Hai nhân huynh đây vì cứu mạng cho tiểu sinh mà phải dùng võ công. Xin lão tiên sinh tha cho.

 

Nhật-Tông nói với Trí-Cao:

 

- Nùng tiểu hữu. Người cứ để chúng bắt ta, chúng không dám làm hại ta đâu.

 

Thình lình thầy đồ đứng bật dậy, tay chỉ vào mặt Đinh Kiếm-Thương:

 

- Hồi nãy người nói rằng người muốn tìm Ưng-sơn song hiệp để trả hận phải không ? Ta là viên võ sĩ hầu cận của hai vị đó. Người có dám theo ta đi gặp Ưng-sơn song hiệp không?

 

Lão già cười nhạt:

 

- Dĩ nhiên ta muốn.

 

Thầy đồ khoan thai rời khỏi căn đại sảnh ra sân. Lão già theo bén gót. Mọi người đồng đi theo. Vừa tới sân, thầy đồ quát lên một tiếng rồi xuất chiêu chưởng. Chưởng phong làm mọi người nghẹt thở. Hoàng-Giang cư sĩ phải xuất một chiêu đánh tạt ngang để hoá giải kình lực, đẩy mọi người lui lại. Lão già vội xuống tấn, xuất chiêu đỡ. Ầm một tiếng, lão già choáng váng bật lui lại. Thầy đồ đánh tiếp một chiêu nữa, lão già kinh hãi vội nằm rạp xuống lăn đi mấy vòng để tránh áp lực. Ầm một tiếng, sân lủng một hố lớn sâu đến hơn gang tay.

 

Trong lúc mọi người đang kinh hoảng, thì thầy đồ nhấp nhô một cái,

 

tay vỗ lên đầu gã họ Dương, rồi biến mất.

 

Gã họ Dương trợn trừng mắt, chân tay cứng đơ. Cô gái chạy lại gọi:

 

- Anh ba, anh ba có sao không ?

 

Gã họ Dương từ từ ngã xuống đất. Hoàng-Giang cư sĩ chạy lại cầm mạch y, rồi lắc đầu:

 

- Thế là xong!

 

Bấy giờ mọi người mới để ý, thấy trên đỉnh đầu gã họ Dương bị một mũi phi tiễn bằng sắt cắm ngập vào não. Gã chết vì vết thương này. Lão già nhổ phi tiễn ra, bỗng mặt lão tái nhợt, chân tay run lật bật.

 

Cô gái hỏi:

 

- Sư phụ, cái gì vậy?

 

Lão già đưa mũi tên ra, trên mũi tên có khắc hình con chim ưng bay qua ngọn núi. Lão nói:

 

- Ưng sơn song hiệp.

 

Chủ quán chạy ra nói với lão già Đinh Kiếm-Thương:

 

- Xin tiên sinh tha cho hai tiểu công tử, vì họ vô tội.

 

- Vô tội! Thế người có biết công tử đây là ai không? Người chính là cháu đích tôn Dương tể tướng, và gọi Hoàng-hậu bằng cô ruột. Vụ này thực không nhỏ đâu. Ta phải đưa hai tên này về cho quan Tể-tướng để điều tra ra tung tích tên thầy đồ gian tế kia mới được.

 

Chủ quán nghe lão già nói mà phát run.

 

Lão già Đinh Kiếm-Thương cùng hai Đô-thống truyền bỏ Nhật-Tông, Thường-Kiệt lên xe, rồi ôm xác gã thanh niên, ra roi cho ngựa chạy đến bến thủy quân. Một chiến thuyền chờ ở đó bao giờ, xe chạy thẳng xuống.

 

Thủy quân bơi thuyền qua sông. Gió thổi, sóng vỗ ào ào, nhưng cô gái vẫn ôm xác anh khóc nức nở. Cô chỉ Thường-Kiệt nói với lão già:

 

-- Sư phụ. Xin sư phụ ném thằng ôn vật này xuống sông. Nó... nó vô phép với đệ tử.

 

Lão già dường như ớn Ưng-sơn song hiệp, nên nói lảng:

 

- Tiểu thư đừng nóng nảy, hai thằng nhỏ này rất quan trọng. Chúng là nhân chứng để chúng ta trình với Tể-tướng, hầu tìm ra tung tích thầy đồ.

 

Sự thực lão nghe Nhật-Tông nói Thường-Kiệt là sư điệt của Ưng-sơn Nam-hiệp tức Trần Tự-Mai. Mà Tự-Mai hiện tước phong tới Tần vương, cầm quân nghiêng nước bên Tống. Lão biết trước đây Ưng-sơn song hiệp giết cả nhà Vũ-Đức vương mấy trăm người, cả trâu bò, gà vịt, thế mà Thiên-Thành hoàng đế cũng im lặng không nói gì. Bằng như thầy đồ ban nãy là Tự-Mai, thì dù Tự-Mai giết gã giữa triều đình, e cũng không ai bắt lỗi cả. Lão đã tính trước: Giải Nhật-Tông, Thường-Kiệt trao cho Tể-tướng, như vậy lão sẽ phủi tay.

 

Cô gái họ Dương đưa mắt nhìn Thường-Kiệt, nghĩ đến lúc hai tay Thường-Kiệt chụp vào nhũ hoa mình, tự nhiên một cảm giác kỳ lạ chạy khắp người cô. Cô nghĩ:

 

- Gã này là cháu của Tần-vương Trần-tự-Mai thì thân phận đâu nhỏ. Không biết cha mẹ gã là ai, trông mặt mũi gã khôi ngô, tướng mạo hùng vĩ, giá mình có người chồng như vậy cũng không uổng đời người.

 

Trong khi cô gái họ Dương nghĩ ngợi, thì giọng nói rót vào tai Thường-Kiệt:

 

- Thường-Kiệt. Ta là thầy đồ đây. Cháu là học trò tiên cô Bảo-Hòa, vậy cháu có biết ta là ai không? Cháu dùng lăng không truyền ngữ trả lời ta đi.

 

Thường-Kiệt đưa mắt nhìn về hướng có tiếng nói, thì chỉ thấy một tên lính thủy quân ngồi ủ rủ ớ góc chiến thuyền. Biết là thầy đồ ẩn đã giả làm lính thủy. Chàng dùng lăng không truyền ngữ trả lời:

 

- Đệ tử không biết cao nhân là ai cả.

 

- Ta là bạn của phụ thân cháu là sư thúc của cháu đây. Trước kia sư phụ cháu với ta là chỗ thâm tình vô cùng. Sư phụ cháu kết anh em với ta, ta là em.

 

- Cháu xin ra mắt sư thúc. Từ sau trận Trường-yên, phụ thân tuẫn quốc, rồi cháu về phủ Khai-Quốc ở, nên không biết tin tức của bạn hữu phụ thân nhiều. Thế cao danh sư thúc là gì?

 

- Người cứ gọi ta là thầy đồ được rồi.

 

- Không biết sư thúc có gì dạy bảo cháu không?

 

- Có chứ. Ta sẽ dạy cháu rất nhiều. Từ nay ta theo sát bên cạnh cháu. Nhất định ta sẽ dạy cháu một bản lĩnh nghiêng trời lệch đất. Cháu yên tâm, không sợ gì cả. Ai đụng đến cháu, ta sẽ giết cả nhà nó, kể cả con chó, con mèo.

 

Thường-Kiệt nghe thầy đồ nói, mà chân tay run lên vì cảm động. Hình ảnh thời thơ ấu hiện về: Chàng được các sư thúc Thông-Mai, Tự-Mai, Lê Văn yêu thương vô bờ bến. Không lẽ thầy đồ là một trong các sư thúc ấy? Trong tâm chàng, hai sư thúc Tự-Mai, Lê Văn để lại nhiều tình cảm nhất. Nhưng hai vị đó hiện là phò mã, nghìn trùng cách biệt. Sư thúc Thông-Mai có lẽ qua đời rồi. Vậy vị này là ai?

 

Thuyền đã đến bến, lão Kiếm-Thương đánh xe, hai đô thống Phùng, Đinh cỡi ngựa đi hai bên. Xe chạy vào trong thành.

 

Bấy giờ là thời cực thịnh trị, nên thành Thăng-long mở cửa suốt đêm. Xe hướng phủ Tể-tướng chạy tới.

 

Khi Thiên-Thành hoàng đế còn là Khai-Thiên vương, đã có chính phi Triệu Liên-Phương cùng các bà Đinh, Mai, Vương phi. Chính phi Liên-Phương tự sát, nhưng được Thuận-Thiên hoàng đế ân xá, nên ngôi vị không mất, Nhật-Tông vẫn được giữ ngôi Thái-tử. Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh vẫn còn là công chúa. Trong trận Trường-yên, Đinh phi bị Ưng-hiệp Tự-Mai xử tử. Khi Khai-Thiên vương lên ngôi vua thì ngôi chính cung Hoàng-hậu vẫn bỏ trống. Mãi năm Ất-Hợi (1035) niên hiệu Thông-Thụy thứ nhì mới cưới con gái của Lại-bộ thượng thư Dương Đức-Thành là Dương Hồng-Hà và phong làm Hoàng-hậu. Nhờ con làm Hoàng-hậu, Đức-Thành được phong làm Tả bộc xạ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, chiêu văn quan đại học sĩ, Kinh-nam hầu. Tức là Tể-tướng.

 

Điều tréo cẳng ngỗng là Dương Bình, đại đệ tử của Hồng-Sơn đại phu, do võ nghiệp xuất thân, vào sinh ra tử bao phen, được phong làm Thái-tử thái phó, hữu bộc xạ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, trấn-quốc đại tướng quân, Thăng-long tiết độ sứ, Vạn-sơn công. Nếu bàn về tước thì Dương Bình tước Công cao hơn tước Hầu của Dương Đức-Thành. Nếu bàn về hàm, thì Thành là quốc trượng, cao hơn Thái-tử thái phó một bậc. Thành ra viên quan xếp chỗ thiết triều không biết để ai đứng trước, ai đứng sau. Cuối cùng phải hỏi Thái-sư Khai-Quốc vương. Thái-sư giải quyết bằng cách cho Dương Đức-Thành đứng đầu văn quan. Dương Bình đứng đầu võ quan.

 

Đức-Thành là văn quan, công danh của y lên đến tột đỉnh. Điều y sợ nhất là hoàng đế nghe theo Thái-sư Khai-Quốc vương đem quân Bắc chinh, thì quyền sẽ vào tay võ quan, nên y tìm đủ mọi cách làm nản lòng nhà vua cùng bách quan trong vấn đề đòi lại cố thổ Lĩnh-Nam. Con trai của y tên Dương Đức-Uy hiện lĩnh Lại-bộ tham tri (thứ trưởng nội vụ ngày nay). Nhân cuối năm, Đức-Uy cho con trai là Dương Đức-Khai với con gái là Dương Hồng-Hạc do viên gia tướng Đinh Kiếm-Thương dẫn về thăm quê ngoại.

 

Bây giờ thình lình giữa đêm, thấy Kiếm-Thương chở xác Đức-Khai về, thuật rõ bị người ta giết chết. Hung thủ để lại dấu hiệu là người của Ưng-sơn song hiệp. Tuy đau đớn cùng cực, nhưng Đức-Thành chết lặng giờ lâu. Từ trước đến giờ trong lòng y ngay ngáy lo sợ võ lâm sẽ giết y vì y chủ hoà. Nên y ra sức chiêu mộ võ sĩ phòng thân. Từ khi y chiêu mộ được Kiếm-Thương làm gia tướng, y nghĩ rằng bản lĩnh hắn vô địch, không ngờ chỉ một chiêu đã bại dưới chân tay Ưng-hiệp thì còn hy vọng gì. Y đâu biết rằng bản lĩnh như thầy đồ, thời ấy e khó có hai.

 

Y cho con trai đem xác cháu về nhà lo khâm liệm, rồi ngồi suy nghĩ:

 

- Ta hãy truyền giam hai thiếu niên này lại, để hôm sau giải vào triều cho Hoàng-đế tra xét, như thế dù Hoàng-đế xử thế nào, ta cũng không sợ Ưng-sơn trừng phạt.

 

Nghĩ vậy y cho hai gã đô thống Phùng, Đinh trở về, rồi gọi Hồng-Hạc vào hỏi chi tiết những việc xẩy ra ở bến đò Bắc-ngạn.

 

Y hỏi thư lại:

 

- Ngày mai hoàng thượng không thiết triều, bách quan phải sang phủ Thái-tử Khai-hoàng vương giải quyết mọi sự. Người đã thấy Khai-Hoàng vương về chưa?

 

- Hồi chiều tiểu nhân cho người sang dò la động tĩnh, thì chỉ nghe công chúa Bảo-Hòa nói đã cho Thái-tử với Lý Thường-Kiệt về trước rồi, mà sao chưa thấy tới.

 

Mỗi lần nghe đến tên Bảo-Hòa, Bình-Dương, Thiệu-Thái, trong lòng Đức-Thành lại muốn phát run, vì khi y tâu trình, đề nghị việc gì lên Hoàng-đế, mà trái với ý ba người này, thì y như trên từ Thái-sư cho tới các quan đều thuận theo ý họ. Y đã nghe Bảo-Hòa xử tử Hồng-Phúc, Thuận-Thiên hoàng đế không những không trách phạt, mà còn khen ngợi. Phò mã Thân Thiệu-Thái không giữ một chức tước gì của triều đình. Công chúa Bình-Dương làm vua Bắc-biên. Thế nhưng gần như mọi truyện trong nước đều do ba người này quyết định. Trong ba người, y ngán sợ nhất là vua bà Bình-Dương. Bà là tượng trưng cho một Quan-thế-âm, ôn nhu, từ tốn, khoan dung, từ bi, hỷ xả. Vì vậy vua bà được Hoàng-đế cực kỳ sủng ái, bất cứ bà tâu trình việc gì, Hoàng-đế đều nghe theo hết. Mà vua Bà chủ trương đòi lại đất tổ thời Lĩnh-Nam, điều mà y chống.

 

Ngày mai đây, y phải khải việc cháu nội bị giết với Khai-Hoàng vương, kẻ giết dường như liên quan tới Tần-vương Trần Tự-Mai. Mà Tần vương được Thái-sư, Bảo-Hòa, Bình-Dương, Thiệu-Thái cực kỳ yêu quý. Ban nãy y thấy hai tội phạm hơi quen mặt, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Y muốn thẩm vấn hai thiếu niên bị bắt để biết rõ nội vụ hơn.

 

Y vẫy một gia tướng đi theo xuống phòng giam. Trong phòng giam Nhật-Tông ngủ ngon lành, dường như không coi việc bị bắt giam ra gì cả. Y sang phòng Thường-Kiệt, thì chàng ta đang ngồi vận công.

 

Thường-Kiệt đã vận công xong, đưa mắt nhìn Đức-Thành. Đức-Thành hỏi:

 

- Thiếu niên kia, người tên gì?

 

- Tôi họ Ngô tên Tuấn.

 

- Người có biết kẻ giết cháu ta tông tích ra sao không?

 

- Tôi không biết. Tôi đoán rằng đó là một anh em kết nghĩa với Nam-hiệp

 

- Người là tòng phạm giết người, người không khai ra sát nhân, người sẽ bị tử hình.

 

- Tôi xin hỏi Tể-tướng, thế nào là tòng phạm? Tể-tướng có biết những gì xẩy ra trước khi Dương công tử bị giết không?

 

- Ta muốn người khai cho rõ.

 

Thường-Kiệt thuật tỷ mỉ mọi việc xẩy ra trong khách điếm một lượt. Đức-Thành suy nghĩ:

 

- Nếu ta không giết được hung thủ trả thù cho cháu ta, ít nhất ta cũng phải làm sao khiến Khai-Hoàng vương giết hai đứa này với cha con Nùng Tồn-Phúc, như vậy cho phe chủ chiến ê càng. Bằng không ta khó có thể ngồi ở ghế Tể-tướng được.

 

Nghĩ vậy, Đức-Thành ngồi viết một bức thư, rồi sai thị nữ nhập cung trao cho con gái là Thiên-Cảm hoàng hậu, để Hoàng-hậu tâu nhỏ với nhà vua rằng cha con Tồn-Phúc bàn truyện mưu phản, hai thiếu niên Ngô Tuấn với Lý Tông là đồng phạm.

 

Y lại giả một tờ hịch ký tên Nùng Tồn-Phúc kể tội triều Lý cướp ngôi vua của Lê Ngọa-Triều. Nay Tồn-Phúc cùng Hoàng-Giang cư sĩ quyết khởi binh để lập chính thống. Y mật gọi thư lại lên sao làm mười bản. Một bản gửi cho Hoàng-hậu, hầu mật tấu lên nhà vua. Còn chín bản, y gọi gia tướng, dặn đem dán ở khắp các cửa thành.

 

Hành sự xong xuôi, trở vào, thì tờ giấy nháp biến mất. Cho rằng tờ giấy đó lẫn vào với đám hịch gửi đi dán. Y yên tâm.

 

Sáng hôm sau, trời vừa bình minh, hai đô thống Phùng, Đinh tới trói Nhật-Tông với Thường-Kiệt bỏ sau xe Dương Đức-Thành, rồi họ cỡi ngựa theo sau xe y đến phủ Khai-Hoàng vương. Đây là lần đầu tiên Khai-Hoàng vương thiết tiểu triều, nên văn võ bách quan tề tựu rất sớm.

 

Cái tin cháu của quan Tả bộc xạ bị người của Ưng-sơn song hiệp giết đêm qua lan thực nhanh, khiến các quan bàn tán xôn xao. Những người làm bậy cảm thấy lo sợ không ít khi bóng dáng Ưng-sơn xuất hiện ngay ở kinh thành.

 

Giờ thiết triều đã điểm. Ba hồi trống, tiếp theo đội nhạc phủ Thái-tử đồng tấu nhạc. Các quan đứng vào chỗ. Vừa vào trong phủ, mặt Đức-Thành cau lại cực khó coi: Vì y là Tả-bộc xạ, mà phải đứng. Trong khi Dương Bình là hữu-bộc xạ lại được ngồi bên phải Thái-tử. Nguyên do, Dương Bình là quan Thái-phó, tức thầy dạy của Thái-tử. Chủ đạo tộc Việt cực kỳ trọng sư đạo nên có sự sắp xếp như thế.

 

Dương Bình cung tay nói:

 

_- Thưa chư vị đồng liêu, hôm nay là ngày Thái-tử thiết tiểu triều đầu tiên. Ty chức là Thái-phó, trách nhiệm ở đây, xin kính chào quý đồng liêu. Hy vọng quý đồng liêu ban cho những lời dạy dỗ.

 

Rồi ông truyền cung nữ dâng trà mời bách quan cùng uống.

 

Công chúa Bảo-Hòa từ trong bước ra. Quần thần cùng cúi đầu hành lễ. Bởi công chúa được phong là trưởng công chúa, tức là tước vị cao quý nhất, chỉ thua có Thái-hậu với Hoàng-hậu mà thôi. Công-chúa lại lập quá nhiều công với Đại-Việt, đương kim chưởng môn phái Tản-viên, sư phụ truyền võ cho Khai-Hoàng vương. Dương Bình cung kính thỉnh công chúa ngồi vào ghế bên phải của Thái-tử.

 

Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa, Vũ-vệ đại tướng quân Lê Phụng-Hiểu tiến đến trước công chúa quỳ gối khấu đầu:

 

- Đệ tử kính cẩn bái kiến sư mẫu. Vì đường xá xa xôi lâu ngày bọn đệ tử không lên Tản-lĩnh ra mắt được, nhưng trong lòng luôn tướng nhớ đến sư mẫu.

 

Bảo-Hòa vẫy tay:

 

- Miễn lễ. Cô ở trên Tản-lĩnh, lúc nào cũng mong nhị vị an khang hầu báo quốc, hộ dân. Nay cô có món quà này, ban cho nhị vị tướng quân, gọi là lao tưởng.

 

Công chúa xuất trong bọc ra hai chuỗi ngọc trai, ban cho hai đệ tử. Lê Phụng-Hiểu hiện được phong Thái-tử thiếu-sư, đồng tri khu mật viện, Thiên-trường tiết độ sứ, vũ-vệ đại tướng quân, Vạn-thảo hầu, kiêm thống lĩnh cấm quân. Lý-nhân-Nghĩa được phong Thái-tử thiếu bảo, khu mật viện sứ, Sơn-nam tiết độ sứ, hổ-uy đại tướng quân, Dục-thúy hầu, kiêm tổng quản thị vệ. Hồi hai người gặp công chúa ở Vạn-hoa sơn trang, được thu làm đệ tử, được truyền võ công Tản-viên. Nhờ võ công cao, lại là đệ tử của trưởng công chúa, hai người lập được không biết bao nhiêu công lao, hiện giữ chức cực tín cẩn của triều đình. Ai cũng khen : Tốt phước, được làm học trò tiên.

 

Hai người cung cung, kính kính lĩnh thưởng rồi lui về võ ban.

 

Dương Bình nói với quần thần:

 

_- Tiên cô Bảo-Hòa dạy rằng: Thái tử cùng sư điệt là Lý Thường-Kiệt đã lên đường lai kinh từ năm ngày rồi, không hiểu sao nay chưa thấy tới?

 

Ông nhìn Dương Đức-Thành:

 

- Đệ nghe tiểu công tử qua đời đêm qua ở Bắc-ngạn. Vậy sự thể ra sao, xin Quốc-trượng cho biết để quý đồng liêu cùng chia sẻ thương tâm. Đệ là Long-thành tiết độ sứ, đệ xin thụ lý vụ này.

 

Đức-Thành nghĩ thầm:

 

- Trong khi Khai-Hoàng vương chưa tới, ta cứ giao phạm nhân cho tên này, để y với bọn Ưng-sơn chém giết nhau cho vui.

 

Y trao cho Dương Bình tờ biểu:

 

- Đứa cháu nội của tôi đang trên đường từ Kinh-Nam tới Bắc-ngạn, thì gặp thầy đồ vô danh, hai cha con Nùng Tồn-Phúc, hiệp đảng bàn truyện phản nghịch. Cháu lấy chính đạo ra thống trách bọn chúng, rồi đi đến động thủ. Chúng cậy số đông, đánh bại gia tướng Đinh Kiếm-Thương với hai đô thống Phùng Lộc, Đinh Luật, sau ám toán cháu, rồi bỏ chạy. Tuy vậy tệ gia tướng cũng bắt sống được hai tên vô lại. Hiện tôi có giải chúng theo. Nay có quan Thái-phó là Long-thành tiết độ sứ đây, xin ngài xử cho.

 

Bảo-Hòa hỏi Phùng Lộc:

 

- Phùng đô thống. Võ công của người giết Dương công tử ra sao?

 

Phùng Lộc nghe Bảo-Hòa hỏi, y phát run:

 

- Khải công chúa, Nùng Tồn-Phúc dùng võ công Tây-vu, còn Nùng Trí-Cao dùng võ công gì tiểu nhân thực không hiểu. Còn hai đồ đảng đi theo, chúng dùng võ công... võ công Tản-viên.

 

Bảo-Hòa cười lạnh như tiền:

 

- Ta muốn hỏi cái người chỉ đánh một chiêu khiến Đinh Kiếm-Thương hút mất mạng kia? Y dùng võ công gì?

 

Phùng Lộc run run:

 

- Y dùng võ công hơi giống võ công Sài-sơn, dường như chiêu Thiên-vương trấn thiên.

 

Bảo-Hòa hỏi Dương Bình:

 

_Dương Thái-phó, Đinh Kiếm-Thương là sư phụ của ma đầu Đinh Hiền, võ công y cao thâm không biết đâu mà lường, vậy thì cái người xử dụng chiêu Thiên-vương trấn thiên hẳn công lực vô song. Không biết trong quý phái những ai có công lực như vậy?

 

Dương Bình đã đoán được phần nào những gì xẩy ra ở Bắc-ngạn, ông nói:

 

- Hiện trong bản phái, công lực cao như vậy chỉ có Thái sư-phụ, sư phụ, sư đệ Thông-Mai, Lê Văn mới đạt tới mức đó. Thái sư-phụ đã quy tiên. Sư phụ như chim hạc, nay đây, mai đó ắt không phải người. Sư đệ Thông-Mai thì tuyệt tích sau trận Trường-yên. Còn sư đệ Lê Văn, hiện là phò mã Xiêm, lâu lắm không về Đại-Việt.

 

Ông hướng hai viên đô thống Đinh Luật, Phùng Lộc:

 

- Như hai người nói, trong khi thảm kịch xẩy ra còn có cả sư phụ của Nùng Trí-Cao tức Hoàng-Giang cư sĩ. Ta giám quyết có sự hiện diện của sư đệ Hoàng-Giang, muôn ngàn lần Nùng Trí-Cao cũng không thể nói lời phản nghịch.

 

Dương Đức-Thành nói dỗi:

 

- Không lẽ cháu tôi tự nhiên lăn đùng ra chết chăng?

 

Y vẫy tay, Phùng Lộc mở cửa xe, giải Nhật-Tông cùng Lý Thường-Kiệt vào. Khi ba người bước qua ngưỡng cửa, các quan đồng la hoảng, vì họ nhận ra Nhật-Tông là Khai-Hoàng vương.

 

Nhật-Tông khoan thai bước vào giữa điện. Vương đưa mắt nhìn bách quan một lượt. Lễ quan phủ Khai-Hoàng tuy kinh hãi, nhưng vẫn hô lớn:

 

- Thái-tử giá lâm, hành lễ.

 

Các quan ngơ ngác nhìn nhau, họ không hiểu những gì đã xẩy ra. Nhật-Tông hỏi Dương Bình:

 

- Thưa thầy, Bắc-ngạn có phải thuộc phạm vi Thăng-long không? Thầy có phải là Thăng-long tiết độ sứ không? Tôi không biết mình bị tội gì, mà bị ma đầu Đinh Kiếm-Thương trói bỏ lên xe như con chó ghẻ? Không biết quan Tả-bộc-xạ lấy quyền gì mà trói tôi bỏ vào nhà tù suốt đêm qua đến giờ? Không lẽ đây là lễ nghi để Thái-tử thiết triều lần đầu chăng?

 

Bảo-Hòa gằn từng tiếng, nội công bà cao thâm khôn lường, nên âm phát ra lạnh như tiền:

 

- Dù Thái-tử không phải là trừ quân, thì đệ tử của tôi cũng không thể để cho người ta gọi là vô lại, gọi là gian nhân, gọi là nói lời phản nghịch rồi trói, rồi làm nhục như thế kia.

 

Dương Bình dường như đã biết trước những gì xẩy ra, ông hỏi Dương Đức-Thành:

 

- Xin Quốc-trượng dạy cho một lời.

 

Trong khi Đức-Thành lặng người đi thì Phùng Lộc kinh hãi, y quỳ mọp xuống đất hướng Nhật-Tông rập đầu binh binh:

 

- Khải vương gia, tiểu nhân chỉ biết tuân lệnh của Dương công tử, Dương tiểu thư mà thôi. Đây, mũi tên cắm lên đầu khiến Dương công tử bị thiệt mạng đây.

 

Bảo-Hòa cầm mũi tên, tâm tư bà rúng động, vì trên chuôi có khắc hình chim ưng bay qua núi. Bà nói:

 

- Cứ như mũi tên này, thì người ra tay không thể là Tần-vương Trần

 

Tự-Mai. Ta nghĩ có lẽ một người nào đó thuộc quyền của vương, chứ không phải vương. Ta ở cạnh vương một thời gian lâu, ta biết. Nếu vương mà ra tay thì từ Dương gia huynh đệ, Đinh Kiếm-Thương, hai Đô-thống, cho đến toàn gia, kể cả trâu bò, chó mèo, gà vịt cũng mất mạng rồi, chứ có đâu an toàn đến nay? Ta nghĩ chuyện này chưa hết đâu, nếu triều đình xử tội Dương gia đúng luật thì thôi, bằng thiên vị thì ta e tính mệnh toàn thể Dương gia khó toàn. Hỡi ơi! Dù vương hay người của vương đã ra tay, thì trên thế gian này chỉ có đại hiệp Tự-An, vương phi Thanh-Mai hay vua bà Bình-Dương cản được mà thôi.

 

Vừa lúc đó, lễ quan hô:

 

- Thái-sư giá lâm.

 

Mọi người kinh hoảng vội quỳ xuống hành lễ, kể cả Thái-tử. Chỉ có hai người được miễn mọi lễ nghi không phải quỳ gối là trưởng công chúa Bảo-Hòa với quan Thái-phó Dương Bình. Khai-Quốc vương vẫy tay miễn lễ cho mọi người.

 

Dương Đức-Thành quỳ gối khấu đầu:

 

- Thái sư. Mong Thái-sư nghĩ tới Thiên-Cảm hoàng hậu mà xử nhẹ cho lão thần đã thờ hai triều vua.

 

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Thái-tử, rồi chĩa ngón tay điểm véo véo hai tiếng, dây trói Nhật-Tông với Thường-Kiệt bị đứt rời. Vương nói với quần thần:

 

- Việc này liên quan tới Ưng-sơn song hiệp. Nếu không khéo xử thì e mấy nghìn người trong Dương phủ, toàn gia Đinh, Phùng khó toàn mạng. Vì phò mã Tự-Mai là nghĩa đệ của cô gia, cũng là nghĩa đệ của vua bà Bắc-biên thực. Nhưng y còn là nghĩa đệ của Tống đế, địa vị phò mã quá lớn, cô gia muốn can thiệp cũng phải có lý chứ không thể vượt qua luật nước. Cứ coi gương toàn thể nhân mạng trên ba trăm người của phủ Vũ-Đức vương, rồi Đinh phi, rồi hơn nghìn người của Tể-tướng Lã Di-Giản thì rõ. Đến Tống đế, đến hoàng huynh ta, mà cũng không qua cái lý được với y.

 

Vương thở dài:

 

- Y hành xử đúng luật lệ, đạo lý tộc Việt. Cái khó khăn, tế nhị là tước của Tự-Mai tới Tần-vương, ngang với Thái-sư Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm, cao hơn tước Giao-chỉ quận vương của hoàng huynh ta nhiều. Phải chi vương phi Thanh-Mai hiện diện ở đây, thì chỉ một bức thư viết cho Tự-Mai là xong.

 

Nhật-Tông ngồi vào ghế Thái-tử. Thái-sư Khai-Quốc vương vẫy tay:

 

- Nhật-Tông, ta mang Dương tể tướng, cùng Đinh, Phùng triều yết hoàng huynh để cứu mạng cho Dương gia. Cháu cứ thiết tiểu triều đi thì vừa.

 

Vừa lúc đó, thái giám hô lớn:

 

- Hoàng thượng giá lâm.

 

Các quan vội quỳ gối hành lễ, trừ Thái-sư được miễn. Thông-Thụy hoàng đế vẫy tay:

 

- Miễn lễ.

 

Mọi người đứng dậy. Nhà vua ngồi vào ghế của Thái-tử. Thái-sư Khai-Quốc vương cùng trưởng công chúa Bảo-Hòa ngồi hai bên. Nhà vua tuyên:

 

- Chú hai. Có chuyện lớn xẩy ra rồi, chú hai biết không?

back top