Ảo Ma Bộ Pháp

Chương 18: Không Động sơn

Để thôi, không phải bàn bạc về vấn đề này nữa, Tư Đồ Sương tay chỉ về phía trước, vụt kêu lên :

 

- Đã đến Không Động sơn rồi.

 

Cao Nhẫn và A Ngọc đưa mắt nhìn. Cách họ chừng hai tầm tên bắn là một cổng Tam Quan đồ sộ, chạy dài theo hai bên cổng Tam Quan, theo hình cách cung là hai dãy tường đá chạy dài, cao ước chừng ba trượng. Cổng thì cao hơn gấp rưỡi. Trên cổng, được khắc thật to hai chữ ‘Không Động’. Cả cổng lớn và hai cổng phụ đều đã đóng chặt, uy thế thật là sum nghiêm. Bề thế vững chắc. Địch nhân khó bề xâm nhập. Vượt tường thì với ba trượng cao, công lực phải tuyệt cao mới hòng vượt qua, bằng không chỉ có nước đứng nhìn.

 

Tiến đến sát bên cổng Tam Quan, đi gần đến cổng phụ bên hữu, Cao Nhẫn nắm lấy một vòng sắt, vỗ nhẹ vào cánh cỗng.

 

Cum... cum... cum...

 

Dựa vào tiếng kêu của cánh cửa cổng vang lên, đủ biết cánh cổng được chế tạo từ những cây thiết mộc thật là dày. Tiếng kêu trầm mà vang xa.

 

Đợi tiếng kêu vang đã êm dần, Cao Nhẫn vẫn chưa thấy ai xuất hiện, định vỗ lần nữa.

 

“Lần này phải mạnh tay hơn” Cao Nhẫn tự nhủ, thì trên cánh cửa cổng đã mở ra một lỗ vuông vức, cao hơn tầm một người đứng, từ lỗ hỗng này phát ra tiếng người hỏi :

 

- Ai đến? Xin hãy xưng danh.

 

Cao Nhẫn còn đang lưỡng lự thì Tư Đồ Sương đã nói :

 

- Tiềm Long bang, Tư Đồ Sương và thị tỳ...

 

Từ lỗ hỗng lại nghe tiếng người hỏi nữa :

 

- Còn một vị nữa là ai? Sao không xưng danh?

 

Tư Đồ Sương đáp nhanh :

 

- Tiểu Nhẫn, nghĩa đệ của Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình, Tôn đại ca.

 

Giọng nói kia lại vang lên, ngờ vực :

 

- Nghĩa đệ? Tôn đại ca bọn này làm gì có nghĩa đệ? Các vị nói chắc chứ?

 

Cao Nhẫn đành lên tiếng :

 

- Phiền túc hạ vào báo với Tôn đại ca, có Tiểu Nhẫn, Tư Đồ Sương và thị tỳ muốn bái phỏng Tôn đại ca.

 

Giọng nói kia im đi một lúc, rồi lại nói :

 

- Được rồi, phiền các vị đợi một chút.

 

A Ngọc xen lời :

 

- Mau mau! Xin mau lên kẻo bọn Võ Đang và Nga Mi kéo đến thì cả thì khốn!

 

Giọng nói kia lại vang lên hốt hoảng :

 

- Sao lại có Võ Đang và Nga Mi đâu đây? Được rồi! Các vị an tâm, mỗ sẽ dùng phi tiễn cấp báo! Không lâu lắm đâu.

 

Nhìn lại phía sau, vẫn không thấy tăm dạng của bọn người Võ Đang và Nga Mi đâu cả. Chắc họ không dám đuổi theo đến gần Không Động phái. A Ngọc bụm miệng cười khúc khích. Cao Nhẫn và Tư Đồ Sương an tâm đứng chờ.

 

Thảng nghe tiếng gió rít ở trên đầu, Cao Nhẫn và Tư Đồ Sương hốt hoảng nhìn lên. Khi thấy đó chỉ là một mũi tên được bắn lên trên không trung, xiên xéo xéo vào phía trong núi, cả hai mới biết mình đã có cử chỉ thất thố thì hơi bẽn lẽn. Rồi sau đó, nhìn theo mũi tên xé gió bay đi, kế tiếp, nhiều mũi tên nối tiếp nhau được bắn lên, càng lúc càng cao dần lên đỉnh núi.

 

Cao Nhẫn thầm phục cho sự sắp xếp khéo léo của quần hùng và người Không Động phái. Không cần phải trực tiếp sai người lên mãi tít trên núi để phi báo mà chỉ cần dùng các phi tiễn là người ở phía trên cao đã được báo tin một cách chính xác và nhanh nhẹn.

 

Vẫn đưa mắt nhìn lên đỉnh núi cao, Cao Nhẫn, Tư Đồ Sương và A Ngọc chợt thấy một chấm trắng nhỏ đang từ đỉnh núi phóng vù vù xuống. Tốc độ thật kinh người. Hoảng sợ cho người có thân pháp thần tốc như thế, nên Cao Nhẫn cố vận dụng nhãn lực nhìn xem đấy là ai.

 

Bất ngờ Cao Nhẫn lại cười lên một tiếng rồi nói :

 

- Tư Đồ tỷ tỷ và A Ngọc tỷ tỷ có nhìn được chấm trắng đấy là gì không?

 

Tư Đồ Sương và A Ngọc đồng thời lắc đầu, tỏ ý không thấy được.

 

Cao Nhẫn trả lời ngay cho hai người khỏi thắc mắc lâu :

 

- Đấy chỉ là con chim câu mà thôi!

 

Tư Đồ Sương hiểu ngay, nàng kêu lên kinh ngạc :

 

- Hay thật, lại có cả chim câu đưa tin.

 

Cao Nhẫn không hiểu, hỏi lại :

 

- Thế nào? Chim câu mà cũng biết đưa tin à?

 

Tư Đồ Sương gật đầu :

 

- Đệ đệ không biết sao? Chim câu do người nuôi dưỡng nên thông thuộc đường lối. Người ta chỉ cần buộc vào chân nó một đoạn trúc để một thư tín nào đó. Người nhận được chim câu, chỉ cần rút thư ra xem là được. Như thế mới gọi là chim câu đưa thư.

 

Càng nghe, Cao Nhẫn càng khâm phục, đang định hỏi thêm thì đã nghe từ trên lỗ hổng ở cánh cửa cổng có tiếng người nói vọng ra :

 

- Các vị còn ở đấy không? Tôn đại ca xin mời các vị vào.

 

Cánh cửa cổng phụ chợt mở ra, do nặng nể nên khi được mở ra, phát ra một loạt tiếng kêu.

 

Kẹt... kẹt...

 

Vánh cửa cổng chỉ được mở hé ra một ít, có bóng người thấp thoáng phía trong, người đó đang nhìn ra, vừa quan sát xung quanh ngoài cổng, vừa nhẩm đếm :

 

- Một, hai ba! Đúng rồi! Hãy mở rộng ra!

 

Đến lúc này cánh cửa cổng mới được mở rộng thêm, nhưng chỉ đủ cho một người bước vào.

 

Tư Đồ Sương vào trước, vừa bước vào đã nghe hỏi :

 

- Xin được hỏi, tiểu thư đây là...

 

Gật đầu, Tư Đồ Sương tiếp lời :

 

- Tư Đồ Sương, người của Tiềm Long Bang.

 

A Ngọc bước vào, hiểu thủ tục nên nói trước :

 

- A Ngọc, thị tỳ của Tư Đồ tiểu thư.

 

Sau khi A Ngọc đã được thông qua, Cao Nhẫn tiến lên, xưng danh trước khi bước vào :

 

- Tiểu Nhẫn, vô môn phá.

 

Người phía trong né đường, nhường cho Cao Nhẫn bước vào. Vừa đặt chân vào phía trong, đã nghe có người nói :

 

- Đã vào đủ, đóng cổng lại ngay.

 

Quay nhìn lại cánh cửa cổng to lớn, nặng nề đang được năm người dùng hết sức lực mà đẩy, khép lại dần dần.

 

Cao Nhẫn bước đến gần, đặt một tay vào cánh cửa cổng, mỉm cười nói khẽ :

 

- Cho phép tại hạ được giúp một tay!

 

Bọn người phía trong chưa kịp tỏ thái độ thì đã thấy cánh cửa cổng theo tay đẩy của Cao Nhẫn, khép thật nhẹ nhàng, mau chóng.

 

Một người từ phía sau Cao Nhẫn bước đến gần :

 

- Thiếu hiệp có nội công thật thâm hậu. Xin mời thiếu hiệp và nhị cô nương bước vào đây ngồi nghĩ chân chốc lát. Tôn đại ca có nhắn lời người sẽ đến ngay, do đường đi có hơi xa nên chậm tiếp nghinh, mong thiếu hiệp và nhị vị cô nương thứ lỗi!

 

Bọn ba người Cao Nhẫn hiểu ngay, một phần là Tôn Bình sẽ xuống tận nơi này để tiếp nghinh. Nhưng phần lớn là việc nhận diện. Nhưng qua sự sắp đặt kỹ lưỡng và cẩn thận ở nơi này mà mọi người đã thấy.

 

Nên bọn ba người Cao Nhẫn không oán trách sự chậm trễ này, mà tất cả đều an tâm ngồi nghỉ chân.

 

Nơi nghỉ chân là một khách đình đơn sơ nhưng không kém phần trang nhã. Trong khách đinh ngoài một bộ bàn ghế tầm thường thì không có thêm vật gì hết. Tuy nhiên, ở phía ngoài, xung quanh khách đinh được trồng nhiều loại hoa, tất cả đều là hoa rừng nhưng màu sắc rực rỡ, chỉ có vùng núi Không Động sơn này mới có, do đó, người ngồi nơi đây sẽ thấy thanh thãn, thư thái tâm thần.

 

Độ khoảng tàn một nén nhang, đã nghe có tiếng chân người bước vội đến. Cao Nhẫn nhìn ra, từ xa đã nhận thấy người sắp bước đến chính là Tôn Bình, Tôn đại ca người mà Cao Nhẫn đang trông mong được gặp.

 

Nỗi mừng làm cho Cao Nhẫn đứng bật dậy ngay, chạy nhanh ra phía trước, kêu toáng lên :

 

- Tôn đại ca! Tôn đại ca!

 

Còn Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình thấy một trang nam tử tuấn tú đang chạy đến đón mừng, lại kêu bằng Tôn đại ca, Tôn Bình chững ngay người lại, trố mắt kinh ngạc nhìn đăm đăm vào chàng thanh niên ấy.

 

Phía sau Tôn Bình có mấy người lúc nãy đã đưa bọn Cao Nhẫn vào khách đình. Họ không nhìn Cao Nhẫn mà lại quan sát sắc mặt của Tôn Bình, thấy thái độ của Tôn Bình, bọn họ hỏi dồn :

 

- Thế nào? Tôn đại ca, có phải là bạn không? Đại ca biết họ?

 

Cao Nhẫn cũng quan sát nét mặt của Tôn Bình, thấy vậy, Cao Nhẫn cười lên rồi lại hỏi :

 

- Tôn đại ca! Đại ca không nhận được đệ sao? Tiểu Nhẫn ngày nào của đại ca đây mà.

 

Tư Đồ Sương lúc này cũng đã tiến lại gần, cất giọng nói :

 

- Tôn tướng công! Thật sự tướng công không nhận đuợc bọn này sao?

 

Giọng nói của Tư Đồ Sương tuy nhẹ nhàng nhưng bao hàm ý trách móc.

 

Riêng Tôn Bình, đã bao năm rồi, nhưng lòng Tôn Bình không thể nào quên được hình bóng của Tư Đồ Sương, cũng như không sao quên được nghĩa đệ Tiểu Nhẫn. Giờ đây hội diện bất ngờ với Tư Đồ Sương càng khiến cho Tôn Bình thêm sửng sốt, và cái nhìn của Tôn Bình càng thêm ngẩn ngơ. Và cũng nhờ sự có mặt của Tư Đồ Sương đang đứng bên cạnh Cao Nhẫn, đã làm cho Tôn Bình nhận được Tiểu Nhẫn trong thân xác cao lớn của chàng thanh niên.

 

Tôn Bình nghiêng ngiêng đầu ngắm nghía, gật đầu nói :

 

- Đúng rồi! Đây không phải là Nhẫn đệ sao?

 

Tôn Bình nói khẽ, như tự nói mình nghe nhưng mọi người do đang theo dõi chờ xem thái độ của Tôn Bình nên đều nghe được.

 

Cao Nhẫn thấy Tôn Bình đã nhận ra được bèn xúc động kêu lên :

 

- Tôn đại ca! Tiểu Nhẫn nhớ nhung đại ca biết chừng nào!

 

Với tâm tình xúc động, câu nói này của Cao Nhẫn xuất phát từ đáy lòng, càng dễ làm cho Tôn Bình nhận rõ Nhẫn đệ hơn. Tôn Bình chạy ngay đến Cao Nhẫn, ôm choàng lấy hai vai, nói thật nhanh :

 

- Tiểu Nhẫn! Nhẫn đệ của ta đây mà! Ha ha... Nhẫn đệ còn sống đây sao? Thật hay là mộng hử?

 

- Thật, thật cả trăm ngàn lần! Tiểu Nhẫn bằng xương, bằng thịt của đại ca đây!

 

Cả hai ôm choàng lấy nhau, vỗ vào vai nhau bồm bộp, cười lên không ngớt. Mọi người chung quanh cảm động cho tình cảm thân thiết của hai người.

 

Tôn Bình xô nhẹ Cao Nhẫn ra, nhìn lại Cao Nhẫn rồi nói :

 

- Ối chà! Nhẫn đệ của ta nay lớn đến thế này! Cao hơn hẵn ta, thử hỏi, ta làm sao mà có thể nhận ra ngay được?

 

Vừa nói, Tôn Bình đưa mắt nhìn mọi người chung quanh như muốn phân bua. Chợt thấy Tư Đồ Sương, lúc này đã đứng tách ra xa, kề bên là một cô nương nữa. Tôn Bình nhớ lại, nãy giờ đã quá thất thố. Tiến nhanh lại gần chỗ Tư Đồ Sương, Tôn Bình vòng tay thi lễ nói :

 

- Vì mải vui mừng do gặp lại Nhẫn đệ, họ Tôn này có sơ sót phần lễ nghi, xin Tư Đồ tiểu thư châm chước! Mọi việc rồi sẽ nói đến sau, bây gờ xin mời tiểu thư quá bộ bước vào Nghinh Tân quán cho Tôn Bình này làm trọn chức trách của mình. Xin mời!

 

Quay lại ngoắc ngoắc Cao Nhẫn, Tôn Bình nói thêm :

 

- Nhẫn đệ, lại đây, chúng ta cùng đưa Tư Đồ tiểu thư đi nào!

 

Tôn Bình và Cao Nhẫn sánh vai đi trước, Tư Đồ Sương di sau, phía sau là A Ngọc luôn giữ đúng thân phận thị tỳ. Sau cùng là hai hán tử đi theo, nửa như đoạn hậu, nửa như đưa tiễn. Thấy thế, Tôn Bình khoác tay nói :

 

- Không cần đâu! Các ngươi hãy ở lại nơi này. Nhớ đừng quên trách nhiệm đó nhé!

 

Chỉ còn lại bốn người, quanh đi, quanh lại, tiến dần lên núi. Chỗ rộng thì cả bốn người cùng đi thành hàng ngang, chỗ hẹp thì hai người đi một hàng. Vừa đi vừa hàn huyên, chuyện thì dài khiến đường đi như ngắn lại. Đã đến Nghinh Tân quán mà chuyện chưa nói xong.

 

Bước vào Nghinh Tân quán, do mãi hỏi chuyện của Cao Nhẫn, Tôn Bình quên cả thân phận chủ nhân, không trà nước, không cả bánh trái.

 

Tư Đồ Sương và A Ngọc cũng không để ý đến việc này, vì cả hai cùng nghe thuật lại chuyện của Cao Nhẫn. Tuy lúc trước Cao Nhẫn đã có nói qua, nhưng không sao chi tiết bằng bây giờ. Họ không trách cứ gì Cao Nhẫn, vì họ biết, chính lúc này và ở nơi này, thật sự Cao Nhẫn mới có tâm kể rõ ngọn ngành, còn trước kia, tất cả còn phải lo bôn hành để đến được nơi đây.

 

Cao Nhẫn nhắc đến lần gặp Đinh Phượng, Tôn Bình đã vỗ bàn hét lên :

 

- Nhẫn đệ! Té ra Nhẫn đệ là trang hiệp khách hào hùng mà Phượng muội luôn miệng nhắc đến à? Chà! Chà! Khá lắm, chú em ta thật là khá lắm!

 

Thấy thần tình vui mừng thật sự cho việc hơn người của Cao Nhẫn nơi Tôn Bình, Tư Đồ Sương thấy hãnh diện cho thái độ chính nhân quân tử của chàng.

 

Tư Đồ Sương nói ngay thêm :

 

- Chưa hết đâu Tôn tướng công! Nhẫn đệ của chúng ta hiện nay đã lừng danh thiên hạ, khắp chốn võ lâm không ai mà không biết. Khắc tinh số một của Hiệp Thiên bang đấy.

 

- Có thật vậy không, Nhẫn đệ! Ối dà! Sao ta lại không hay biết gì cả?

 

Tôn Bình chắc lưỡi, hít hà, tiếc cho sự việc này.

 

Cao Nhẫn hơi thẹn, đầu cúi nhẹ xuống.

 

A Ngọc còn nói thêm :

 

- Thế Tôn tướng công có nghe ai nhắc đến Cao Nhẫn chưa?

 

Tôn Bình đáp ngay, không chần chừ :

 

- Cao Nhẫn à? Đương nhiên là có nghe chứ, tay này thì khá lắm, tại hạ đang ước ao gặp mặt một lần tay hiệp khách dám chọc trời khuấy đất này!

 

A Ngọc che miệng cười khúc khích, đưa tay chỉ Cao Nhẫn và nói :

 

- Đấy! Hắn đấy! Tướng công muốn gặp là gặp được ngay!

 

Tôn Bình đứng bật dậy ngay, lui lại hai bước, nhìn chằm chằm vào Cao Nhẫn, lúng túng nói :

 

- Là... là Nhẫn đệ à? Há.. há... há... Ha... ha... ha...!

 

Tôn Bình vui sướng quá, cười vang dậy, tiếng cười Tôn Bình lồng lộng tuôn ra khỏi phạm vi Nghinh Tân quán, làm khuấy động đến một số quần hùng đang ngụ ở dãy nhà phía sau Nghịnh Tân Quán.

 

Kinh ngạc, một số người đã ào ào chạy đến, có tiếng hỏi :

 

- Tôn thế điệt! Có việc gì mà thế điệt cười vui thế?

 

Cao Nhẫn nhìn ngay ra người vừa hỏi là Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh, nhưng Cao Nhẫn chưa dám đến chào vì ngại Lã bá bá không nhận được ngay. Còn đang chần chừ thì thấy Tôn Bình láy mắt ra dấu. Tôn Bình quay người sang và nói với Lã Nguyên Sinh :

 

- Lã thúc thúc! Thúc thúc đoán thử xem vị này là ai?

 

Hỏi xong, không đợi Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh trả lời, Tôn Bình đã nói luôn :

 

- Xin giới thiệu với mọi người, đây là Cao Nhẫn, hôm nay Cao Nhẫn thiếu hiệp đến tương trợ với chúng ta một phen.

 

Danh Cao Nhẫn mọi người đều đã nghe qua. Hôm nay lần đầu tiên thấy mặt, mọi người đều bất ngờ, không thể nào tin được Cao Nhẫn lại như thế này. Còn trẻ, rất trẻ tuổi mà danh đã vang rền như sấm.

 

Hồng Nhât Tảo Kiến Lã Nguyên Sinh đưa tay sửa lại bộ vị, vòng tay chào đón Cao Nhẫn, ông nói :

 

- Cao thiếu hiệp, hôm nay được Cao thiếu hiệp đến ra tay tương trợ, họ Lã này xin thay mặt võ lâm đồng đạo...

 

Cao Nhẫn tiến vội lên một bước, quỳ thụp xuống ngay, vừa nức nở khóc, Cao Nhẫn vừa nói :

 

- Lã bá bá! Lã bá bá không nhận ra Nhẫn điệt nhi ngày nào của bá bá ư? Điệt nhi là Tiểu Nhẫn đây!

 

Lã Nguyên Sinh tiến đến, cố nâng người Cao Nhẫn đứng lên, nhưng không được, nghe Cao Nhẫn nói vậy, Lã Nguyên Sinh đỡ mặt của Cao Nhẫn lên nhìn, đôi mắt già nua, nhăn nheo của ông đã ràn rụa nước mắt, Lã Nguyên Sinh lẩm bẩm :

 

- Tiểu Nhẫn! Nhẫn điệt nhi đây sao? Bá bá mừng lắm, vui mừng lắm! Nào! Đứng lên nào! Đại trượng phu há dễ dàng rơi lệ vậy sao? Đứng lên cho bá bá xem nào!

 

Lã Nguyên Sinh nói vậy mà nưuớc mắt ông ta vẫn cứ rơi. Mọi người đứng quanh cũng không cầm được nước mắt vui mừng.

 

Lã Nguyên Sinh vừa ngắm nhìn Cao Nhẫn vừa nói luôn miệng :

 

- Hơn năm năm rồi không được tin tức gì của Nhẫn nhi, ta cứ ngỡ... hà... hà...

 

Cười gượng gạo, ông ta lại nói :

 

- Mà thôi! Bây giờ gặp lại rồi! Ối chà! Nhẫn nhi là Cao Nhẫn, Cao Nhẫn chính là Nhẫn nhi đây sao? Không ngờ! Thật tình là ta không thể nào ngờ được!

 

Rồi Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh buông vội người Cao Nhẫn, ông lùi ra xa xa ngắm nhìn, rồi lại nói :

 

- Giống lắm! Trông giống lắm! Tướng mạo thật là không sai...

 

Nghe Lã Nguyên Sinh nói, Cao Nhẫn rất ngạc nhiên hỏi :

 

- Lã bá bá! Lã bá bá nói điệt nhi trông giống ai?

 

Lã Nguyên Sinh chận lời lại, ông nói tiếp ý nghĩ của mình :

 

- Nhưng họ Cao lại không phải. Sao lại thế này nhỉ?

 

Cao Nhẫn càng nghe, càng khấp khởi mừng, định bụng hỏi thêm mong có thể được biết chút ít gì về thân thế. Thình lình...

 

- Đâu? Vị nào là Cao Nhẫn đâu nào? Cho lão phu xem mặt cái!

 

Mọi người nhìn ra cửa vào Nghinh Tân quán, Cao Nhẫn cũng nuốt vội câu hỏi xuống, nhìn theo mọi người, thấy có một nhóm đông người lướt ào vào Nghinh Tân quán.

 

Dẫn đầu là một vị đại hiệp, phương phi lẫm liệt, râu tóc rậm rì, quăn như chỗi xễ, thân hình cao to, tay chân đi vung vẫy, nhìn nắm đấm của ông ta mà phát khiếp. Theo sau ông ta là một nhóm người, tuổi tác đều đã lớn, mỗi người mỗi dáng vẻ khác nhau, đặc biệt có cả một nhà sư, vận áo cà sa, đi chân trần, tay cầm thiền trượng...

 

Hồng Nhật Tảo Kiếm cũng đã nhìn thấy, vội nắm lấy tay Cao Nhẫn, tiến đến gần vừa nói :

 

- Lại đây! Để ta giới thiệu Nhẫn nhi với các vị võ lâm tiền bối!

 

Đưa tay chỉ lão già râu tóc rậm mà quăn, ông nói :

 

- Vị này là Thành Ngung, Chưởng môn Không Động phái, cũng là chủ soái của bọn ta!

 

Vòng tay xá một cái, Cao Nhẫn lên tiếng trước :

 

- Vãn bối đã từng hâm mộ danh của tiền bối! Nay được gặp thật là tam sinh hữu hạnh!

 

Mọi người, kể cả Lã Nguyên Sinh, thấy Cao Nhẫn chỉ thi lễ bình thường mà không lấy lễ tiểu bối mà ra mắt bậc trên trước thì có ý bất bình, cho Cao Nhẫn là phách lối. Nhưng họ nào biết, nếu nói vè thứ bậc thì Cao Nhẫn cũng là ngang bậc, nếu không nói là trên cả Chưởng môn một phái. Còn nếu xét về tôn ti thì nếu làm cho rõ ra, Cao Nhẫn còn trên xa bọn người Võ Thành Ngung. Hiểu được điều này nên từ khi bước chân vào giang hồ, Cao Nhẫn rất là cẩn thận, không để cho khó xử về sau. Ngay cả Võ Lâm nhị thần, tuổi đã ngoài bát tuần, Cao Nhẫn chỉ dám gọi là tiền bối, không dám lạm xưng là lão vì so với ân sư, thành danh đã ngoài trăm năm, môn hạ vẫn còn, thì những người có mặt ở đây đều đứng vào hàng điệt tôn.

 

Thấy ý bất bình của mọi người, Cao Nhẫn chỉ biết tỏ vẻ khiêm cung đúng mức, còn mọi người nghĩ sao thì nghĩ.

 

Thành Ngung tánh hợp với tướng người, ông cười xuề xòa nói :

 

- Vậy đây là Cao Nhẫn, Cao thiếu hiệp, rõ là hậu sinh khả úy, thiếu hiệp xứng là phụng giữa bầy gà. Ha... ha...

 

- Không dám! Tiền bối quá khen! Vãn bối không dám nhận.

 

Đưa tay chỉ hai người nữa, tuổi trạc ngoài bốn mươi, y phục chững chạc, phía sau lưng mỗi người đều có giắt một thanh kiếm. Ở đốc kiếm có chạm vài viên ngọc quý, ấp lánh hào quang. Lã Nguyên Sinh giới thiệu :

 

- Đây là Giang Nam song hùng, đương thời là đệ nhất danh kiếm đất Giang Nam.

 

Cao Nhẫn y phép, vòng tay thi lễ nói :

 

- Vãn bối là Cao Nhẫn, xin ra mắt nhị vị tiền bối!

 

Người lớn tuổi hơn trong Giang Nam song hùng đáp :

 

- Nghe nói Cao thiếu hiệp kiếm chưởng đều tinh thông, mong một lần được thiếu hiệp chỉ giáo.

 

Cao Nhẫn khiêm nhường nói :

 

- Vãn bối chỉ là võ lâm hậu học, vài ba đường kiếm, đâu dám làm bẩn mắt nhị vi tiền bối.

 

Lời nói khiêm cung, thái độ thập phần lễ phép khiến Giang Nam song hùng thấy hài lòng, gật gù không nói gì.

 

Chỉ đến hai lão già, tướng mạo thật là dữ tợn, tóc đã bạc phơ không bới gọn mà để xõa, cách vận y phục khác hẳn người Trung Nguyên, Lã Nguyên Sinh nói :

 

- Còn đây là Tái Bắc Quan Ngoại, Nhị lão Khương Châu. Danh đã vang động khắp vùng Tái Bắc.

 

Cao Nhẫn thi lễ nói :

 

- Được gặp nhị vị ở đây, vãn bối lấy làm vinh hạnh.

 

Một lão lên tiếng, giọng ồ ồ như lệnh vỡ :

 

- Tiểu tử ốm yếu thế! Nhắm chịu được mấy chưởng của lão gia?

 

Cao Nhẫn mỉm cười đáp :

 

- Xin nhị vị tha cho, vãn bối không dám đụng chưởng với nhị vị đâu! Xương của vãn bối còn non lắm!

 

Mọi người nghe Cao Nhẫn đáp, đồng thanh cười lên, thầm khen cho sự khéo léo của Cao Nhẫn.

 

Nấp phía sau hai lão Tái Bắc là một lão già quần áo không rách rưới mà có nhiểu miếng vải vụn đắp lên, Lã Nguyên Sinh định giới thiệu thì lão đã tiến lên nói :

 

- Khỏi giới thiệu. Ta và Cao thiếu hiệp đã quen từ trước rồi.

 

Lã Nguyên Sinh ngạc nhiên...

 

Cao Nhẫn cười thật tươi, thi lễ :

 

- Độc Mục Cái tiền bối, vậy là tiền bối đến Không Động trước vãn bối rồi.

 

Độc Mục Cái cười vui vẻ nói :

 

- Ta chỉ một thân một mình, sao lại không đi nhanh hơn thiếu hiệp. Thiếu hiệp còn phải...

 

Một mắt còn lại của lão nháy nháy, trông thật vui nhộn, mọi người nhìn theo ánh mắt của Độc Mục Cái thì thấy hiện diện ở đây còn có hai vi tiểu thư nữa.

 

Tôn Bình vội lên tiếng giới thiệu :

 

- Xin giới thiệu, vị này là Tư Đồ Sương, ái nữ của Tư Đồ bang chủ Tiềm Long bang. Hôm nay, Tư Đồ tiểu thư cùng thị tỳ đến góp phần cùng chúng ta quyết chống lại Hiệp Thiên bang.

 

Tư Đồ Sương vái chào khắp vòng, cố giữ giọng bình tĩnh :

 

- Tôn tướng công nói quá lời! Tiểu nữ đến đây, trước là xin tá túc, sau là nhờ các vị tiền bối và quần hùng một tay giúp tiểu nữ trả thù rửa hận! Tiểu nữ xin thâm tạ ân sâu này.

 

Mọi người đưa mắt nhìn cả hai mà thấy ái ngại cho phận nữ nhi của Tư Đồ Sương.

 

Để xóa tan bầu không khí đang trầm xuống, Cao Nhẫn đưa tay về phía nhà sư, thi lễ nói :

 

- Vãn bối chưa đuợc hân hạnh biết đến đại sư?

 

Vị đại sư chắp tay cúi đầu, niệm Phật hiệu :

 

- A di đà Phật! Tiểu thí chủ sao lại chóng quên, bần tăng pháp hiệu Thoát Trần, đã có duyên gặp tiểu thí chủ cách đây năm năm ở Đại Biệt sơn!

 

- Là đại sư?

 

Cao Nhẫn thảng thốt kêu lên, thảo nào Cao Nhẫn không nhận ra được, vì Thoát Trần đại sư năm năm trước chỉ xuất hiện vào lúc sau cùng, hơn nữa đại sư cũng không quyết liệt lắm trong việc truy đuổi Cao Nhẫn bằng Huyền Hạc đạo trưởng và Tâm Nguyệt sư thái.

 

Thoát Trần đại sư ngẩng đầu nhìn Cao Nhẫn :

 

- A di đà Phật! Chuyện năm năm trước chỉ là sơ xuất nhất thời của Thiếu Lâm. Mong thiếu hiệp bỏ qua đừng để tâm, Phật tổ sẽ độ trì cho thiếu hiệp.

 

A Ngọc đã biết rõ chuyện này, hơn nữa do còn căm ghét trước thái độ như kẻ cướp của Võ Đang và Nga Mi hai phái, nên nói chen vào :

 

- Đại sư nói thật dễ nghe! Bắt giữ người không được lại cho là lầm lỗi nhất thời...

 

Tư Đồ Sương đã vội quát lên :

 

- A Ngọc! Ngươi thật hồ đồ! Đâu đã đến lượt ngươi nói!

 

Cao Nhẫn cũng nói :

 

- A Ngọc tỷ tỷ xin bớt giận! Đại sư, chuyện đối với Thiếu Lâm, vãn bối sẽ không nói đến nữa, vì hiện tình lúc này, Thiếu Lâm và mọi người đều có chung một lý tưởng, một kẻ thù.

 

Thoát Trần đại sư nhắm mắt, cúi đầu :

 

- A di đà Phật! Lành thay! Lành thay! Tiểu thí chủ thật có lòng bồ tát! Bẩn tăng xin thay mặt phái Thiếu Lâm mà tạ tội cùng thiếu hiệp!

 

Ngoài số người được giới thiệu ở trên, cò có một số anh hùng, tuy võ công không bằng người, nhưng đều có tấm lòng cao cả, quyết vì chính nghĩa mà dũng cảm quên thân.

 

Chưởng môn phái Không Động lên tiếng :

 

- Trời bây giờ cũng đã tối, mời mọi người cùng bước qua đây dùng một tiệc rượu gọi là tiệc tẩy trần cho Cao thiếu hiệp và Tư Đồ Sương tiểu thư.

 

Quần hùng vui vẻ bước qua dãy thực phòng kế bên. Mọi người đang vui vẻ nâng ly thì nghe Độc Mục Cái lên tiếng yêu cầu :

 

- Cao thiếu hiệp, mọi người ở đây, trừ lão đây, chưa có ai biết được thần công của thiếu hiệp. Vậy mong thiếu hiệp nể mặt lão, diễn thử qua cho mọi người cùng thưởng lãm!

 

Tất cả mọi người nghe nói đều hoan nghinh, lớn tiếng hơn tất cả là Tôn Bình, Tư Đồ Sương và A Ngọc.

 

Thấy Cao Nhẫn lúng túng, Tôn Bình nói thêm vào :

 

- Nhẫn đệ! Sao Nhẫn đệ không để cho ta được một phen rửa mắt à?

 

Cao Nhẫn đành bấm bụng đứng lên nhìn quanh một lượt :

 

- Được các vị đây yêu vì. Cao Nhẫn tôi xin được múa rìu trước cửa Lỗ Ban!

 

Đưa mắt nhìn ở bàn kê gần phía trong cùng, nơi để một bầu rượu to. Cao Nhẫn nhớ lại cuộc biểu diễn thần công của Võ Lâm nhị thần, Cao Nhẫn gật đầu nói tiếp :

 

- Mượn hoa bàn thờ Phật mà hiến Phật, mong các vị đừng chê trách.

 

Ngữa tay, đưa về phía bầu rượu to, mọi người nhìn theo, chưa hiểu Cao Nhẫn đình làm gì thì nghe Cao Nhẫn quát :

 

- Lên!

 

Bầu rượu to được người nhấc lên, đã lơ lửng trên mặt bàn, cách mặt bàn cả thước mộc. Cao Nhẫn vẫy khẽ, bầu rượu đang lơ lững, từ từ bay về tay Cao Nhẫn. Giữ bầu rượu trên một tay, tay còn lại áp sát vào cổ bầu rượu, Cao Nhẫn nói :

 

- Xin mời mỗi người một ly, thay lễ vật diện kiến của Cao Nhẫn.

 

Nói xong, từ bầu rượu phún ra cả một chùm tia rượu. Ra khỏi miệng bầu, các tua rượu đồng phân ra, hướng về các chung rượu ở trước mặt mỗi người mà chảy vào. Có chung ở gần, có chung ở xa, mỗi chung ở mỗi nơi. Có chung đã vơi nửa, có chung đã gần cạn, nhưng lúc này có những chung đều đầy ắp rượu. Do vơi đầy khác nhau, có chung đầy trước, có chung sau.

 

Nhưng không một giọt rượu nào rơi trên bàn.

 

Mọi người đều bất ngờ trước thần công của Cao Nhẫn. tất cả đều ngồi nhìn trân trân vào chung rượu của mình. Chưa hết, khi đã rót đầy xong, thu các tia rượu trở lại bầu. Cao Nhẫn ném cái bầu rượu chếch ra phía cửa. Ra khỏi cửa, bầu rượu như được luồng gió nào đó cuốn bay ngược lên trên mái nhà. Cao Nhẫn nói :

 

- Không thể để kẻ có người không! Mời vị nào đó đang ở trên mái nhà, chung vui với mỗ một hớp rượu.

 

Đã bất ngờ lại càng thêm bất ngờ. Mọi người không thể nào tin, Không Động sơn được canh giữ nghiêm ngặt, lại có người có thể tiến vào, không một tiếng động, không một ai hay trừ Cao Nhẫn.

 

Mọi người chực phát tác lên, thì trên mái nhà đã có tiếng cười vọng xuống :

 

- Hảo tiểu tử! Biết lão gia thèm rượu đã đem tới tận tay! Chứ ai như cái tên Võ Thành Ngung keo kiệt kia, có rượu uống lại đành để lão gia chết thèm! Ha ha ha... khà!

 

Võ Thành Ngung mặt đỏ sọng lên.

 

Cao Nhẫn nghe tiếng khá thì hớn hở... kêu lên :

 

- Võ Lâm Thần Khất! Túy lão gia đã đến, sao không chịu vào?

 

Không lâu sau câu nói của Cao Nhẫn, Võ Lâm Thần Khất tay ôm bầu rượu, chân khệnh khạng bước vào Nghinh Tân quán.

 

Thành Ngung thấy đúng là Võ Lâm Thần Khất, đã lâu không được gặp mặt, vội bước nhanh đến, cung kính :

 

- Thật may được diện kiến tiền bối. Tiền bối chẳng khác nào thần long, được gặp mặt tiền bối lúc này, giang hồ có cơ được cứu vãn.

 

Võ Lâm Thần Khất, nghênh ngang tiến vào bàn tiệc, ngồi ngay ghế chủ vị mà lúc nãy Chưởng môn Không Động Võ Thành Ngung đã ngồi, tay khoát khoát, lão nói :

 

- Miễn! Miễn chào hỏi! Lão già Say ta chưa chết, các ngươi đã không phát sầu mà lại còn mừng ta được nữa ư? Ngươi vừa nói cái gì, giang hồ nào được cứu? Ai cứu? Hừm, mình không tự cứu lấy mình, còn cầu cạnh được ai!

 

Nhìn ngay vào con mắt còn lại của Độc Mục Cái, Võ Lâm Thần Khất tu một hớp rượu, nửa cười, nửa nghiêm, lão nói tiếp :

 

- Ta ăn xin, các ngươi là ăn mày, ngươi là Bang chủ có bắt tội lão già say này khoác áo ăn xin chăng?

 

Độc Mục Cái xoa xoa hai bàn tay vào nhau rồi nói :

 

- Nào dám! Ngược lại, Cái bang của kẻ hèn này nhờ danh của tiền bối được thơm lây! Cái bang còn mong được sự chỉ dạy của tiền bối!

 

Gật gật cái đầu tóc rối tung, lão nói thêm :

 

- Khá! Nói được như vậy là khá! Bây giờ ngươi đến nơi đây cũng là hành động khá! Chứ việc làm của Cái bang trước đây chẳng khác nào châu chấu đá xe! Kém trí, thật là kém trí!

 

Độc Mục Cái chỉ biết cúi đầu vâng dạ.

 

Nhìn quanh quần hùng đang có mặt, Võ Lâm Thần Khất lại nói :

 

- Việc đã như lửa xém chân mày, các người còn ngồi đây uống rượu được ư? Ta mà không vì thằng bé này đây - Tay lão đưa ra chỉ vào Cao Nhẫn, lão nói tiếp - thì ta không đến mà bảo cho các ngươi hay một việc.

 

Cao Nhẫn được lão chỉ ngay, đành phải thay cho mọi người :

 

- Lão gia! Có việc gì xin lão gia cứ nói!

 

Nhìn quanh một lượt nữa, lão mới đủng đỉnh nói :

 

- Ừm! Mọi người hãy chuẩn bị để tiếp nghinh khách không mời mà đến nhé! Ta thấy tiểu đạo sĩ Huyền Hạc đang trên đường đi đến đây, chắc có lẽ đã đến nơi rồi đó!

 

Quần hùng xôn xao, việc Huyền Hạc đạo trưởng, Chưởng môn phái Võ Đang thân hành đến Không Động sơn là điều mà mọi người không ngờ đến nhất. Lão đại trong Giang Nam song hùng sửa lại đốc kiếm, hỏi lớn tiếng :

 

- Huyền Hạc đạo trưởng đến đây với mục đích gì nhỉ?

 

Câu hỏi của lão đại, không ai trong quần hùng trả lời được, vì đấy là vấn đề mọi người cũng đang thắc mắc.

 

Đợi cho quần hùng suy nghĩ một lúc, Võ Lâm Thần Khất hắng giọng :

 

- E hừm! Chưa hết đâu...

 

Cao Nhẫn lên tiếng :

 

- Còn việc gì nữa thế lão gia?

 

Đáng lý, lão say để mọi người chờ đợi thêm nhưng thấy chính Cao Nhẫn hỏi, lão đành phải nói ngay :

 

- Cả một lũ bọn Hiệp Thiên bang cũng đã đến đây rồi!

 

- Sao?

 

Quần hùng tất cả đều lên tiếng thất thanh...

 

Thành Ngung trong cương vị chủ nhân, đứng lên định huy động mọi người chuẩn bị thì từ ngoài xa có một bóng người lướt nhanh tới Nghinh Tân quán. Thành Ngung đành không nói, chờ người đang đến hiện thân.

 

Trong chớp mắt, bóng người ấy đã hiện rõ, Cao Nhẫn nhận ra, mừng quá định kêu lên thì người ấy đã nói gấp với Thành Ngung :

 

- Sư phụ! Có Chưởng môn Võ Đang dâng thiếp bái sơn!

 

Giọng nói người này gấp gáp, hơi thở dập dồn nhưng âm thanh dễ nghe, vẫn cố giữ đủ lễ nghi với bậc trưởng thượng. Nói xong, bước lại gần hơn hai tay trình thiếp dâng lên.

 

Thành Ngung nhận thiếp, chưa xem thiếp đã lên tiếng :

 

- Được rồi! Phượng nhi con ra ngoài xem lại, chung quanh có động tĩnh gì không?

 

Thì ra người mới đến báo tin chính là Đinh Phượng, tiểu nữ đồ đệ của Chưởng môn Không Động phái.

 

Nghe sư phụ ra lệnh, Đinh Phượng vâng dạ, xoay người định đi thì một bóng người nữa đã kịp đến. Người này là một trang hán tử tuổi xấp xỉ gần ba mươi, vừa đến, người này đã nói ngay :

 

- Sư phụ, không cần phải cho tiểu muội đi nữa! Đổ đệ đến báo tin đây!

 

Nóng nảy, Thành Ngung quát :

 

- Có gì sao không nói ngay? Còn để các bậc võ lâm anh hùng phải chờ đợi!

 

Nghe sư phụ quát nạt, cả kinh, người này vội nói :

 

- Bẩm sư phụ, từ phía bắc, còn cách Không Động sơn không đầy một dặm có nhiều bóng người xuất hiện.

 

- Lãng Mẫn! Đồ nhi có xem đấy là những ai không?

 

Lãng Mẫn, đồ đệ thứ ba của Chưởng môn Không Động lúng túng thấy rõ, chưa kịp tìm cách trả lời cho xuôi, một lần nữa có bóng người xuất hiện. Lãng Mẫn nhìn thấy trước, cả mừng hỏi ngay :

 

- Nhị sư ca! Thế nào! Có xem được bọn họ là ai không? Mau nói cho sư phụ hay!

 

Người vừa đến, nghe Lãng Mẫn hỏi, khoát nhẹ tay, tiến từng bước nhanh gọn về hướng quần hùng. Xá một lễ vòng quanh, giọng sang sảng cất lên :

 

- Bẩm cáo cùng chư vị! Bọn người sắp đến là người Hiệp Thiên bang. Tiểu bối đã xem kỹ, thì thấy có đến ít nhất là mười lăm tên, trong đó có sáu tên Chuyên sứ do đều mặc áo tía nên dễ nhận ra.

 

Lời bẩm báo đầy đủ, rõ ràng, khúc chiết, làm quần hùng có mặt đều hài lòng.

 

Nhận được tin báo, mọi người đều tỏ ra khẩn trương. Thành Ngung cũng đâm ra bối rối, chưa biết tính sao. Ông đưa mắt nhìn Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh để hỏi ý. Hồng Nhật Tảo Kiếm nháy mắt về phía Võ Lâm Thần Khất.

 

Chưởng môn Không Động hiểu ý, hướng về Võ Lâm Thần Khất hỏi :

 

- Tiền bối! Bây giờ phải tính sao đây? Xin tiền bối cho biết cao kiến.

 

Võ Lâm Thần Khất không trả lời, lão nhìn Cao Nhẫn, hỏi :

 

- Thế nào, thằng bé! Ngươi có định kiến gì không?

 

Cao Nhẫn không ngờ Võ Lâm Thần Khất lại hỏi thế. Cao Nhẫn đỏ mặt, không biết trả lời sao.

 

Võ Lâm Thần Khất thét :

 

- Đã là nam nhi đại trượng phu, có gì ngươi cứ nói, sao lại rụt rè mất cả khí thế vậy?

 

Cao Nhẫn hắng giọng, lắc đầu :

 

- Lão gia, ở đây còn biết bao nhân vật tiền bối đã thành danh. Đâu cần đến ý của vãn bối.

 

Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh chen vào :

 

- Nhẫn nhi! Nhẫn nhi có ý thế nào? Cứ nói ra cho mọi người cùng nghe, đã có làm sao đâu?

 

Tam Thủ Thái Tuế cũng thúc hối :

 

- Nhẫn đệ có ý sao? Nói ra xem nào!

 

Thấy mọi người có vẻ chờ đợi, không muốn để mất thì giờ, Cao Nhẫn đáp :

 

- Được rồi, tiểu đệ xin nói. Chư vị tiền bối, theo ý vãn bối, ta tạm chia làm hai mặt. Một mặt, các vị tiền bối tiếp nghinh Chưởng môn Võ Đang, xem người đến đây có việc gì. Còn một mặt vãn bối xin cùng mọi người còn lại, tiến hành quan sát động tĩnh, xem bọn Hiệp Thiên bang định làm gì? Nếu có chi quan trọng sẽ cấp báo, rồi mọi người sẽ có quyết định sau.

 

Ý của Cao Nhẫn không lấy gì làm hay lắm. Nhưng hiện tình lúc này, ngoài cách này không còn cách nào khác.

 

Thành Ngung đành sắp xếp như vậy. Cho người đưa Huyền Hạc đạo trưởng vào Nghinh Tân quán. Còn lại, hầu hết đều là tuổi trẻ, quay người theo chân Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình ra ngoài, chia thành từng nhóm nhỏ để canh phòng và giám sát hành động bọn Hiệp Thiên bang.

 

Cao Nhẫn cũng động thân, tiến về hướng Đinh Phượng còn đang đứng đó. Vừa đến gần, Cao Nhẫn đã hỏi ngay :

 

- Đinh tiểu thư hồi sơn bao giờ? Đi đường có bình an không? Tại hạ cũng vừa mới đến, đang định hỏi thăm Tôn đại ca về tiểu thư.

 

Đinh Phượng thấy Cao Nhẫn thật tình lo lắng cho mình, khuôn mặt thoáng ửng đỏ, nàng đáp :

 

- Tiểu muội vẫn bình an! Đa tạ Cao huynh đã quan tâm. Tiểu muội đã hay tin Cao huynh đến Không Động nhưng vì còn trọng trách bên mình nên không thể nghinh đón được, xin Cao huynh đừng trách.

 

- Không có chi. Mà này, Đinh tiểu thư, tại hạ vẫn đang tìm tung tích bọn Thần Ưng tam tú, nhưng chưa có tin gì. Độc Mục Cái tiền bối có hứa lời sẽ tìm giúp. Tại hạ mong sớm có tin để báo ngay cho tiểu thư.

 

Đinh Phượng chớp chớp mắt phụng, xúc động vì sự quan tâm của Cao Nhẫn, nàng cúi khẽ đầu, đáp nhẹ :

 

- Đa tạ Cao huynh đã có lòng nghĩ đến tiểu muội.

 

- Đinh tiểu thư đừng nói vậy! Đây không phải là việc chung của chúng ta sao?

 

Cả hai cùng nói chuyện, đồng thời vẫn theo chân Tôn Bình tiến ra vọng gác gần cổng Tam Quan Không Động sơn.

 

Nhắc lại ở phía trong Nghinh Tân quán, Chưởng môn Không Động, Hồng Nhật Tảo Kiếm, Độc Mục Cái, Giang Nam song hùng, Tái Bắc Quan Ngoại nhị lão và quần hùng đều đang ngồi chờ Chưởng môn Võ Đang là Huyền Hạc đạo trưởng. Không thấy Võ Lâm Thần Khất đâu nữa.

 

Không bao lâu, nhị đồ đệ của Võ Thành Ngung, Chưởng môn Không Động đã đưa Huyền Hạc đạo trưởng đến Nghinh Tân quán. Mọi người đều đứng cả lên để tiếp nghinh. Chưởng môn Võ Đang đáp lễ, miệng cười vui, tuy đã có nhận xét thấy mọi người hẩu như không vui vẻ gì khi đón tiếp khách không mời mà tới.

 

Sau khi phân ngôi chủ khách, Thành Ngung hỏi liền :

 

- Đạo trưởng! Không hiểu ngọn gió nào đưa đạo trưởng di giá đến đây? Đạo trưởng đến có việc gì, xin cho biết.

 

Huyền Hạc đạo trưởng thấy chưa gì mà Chưởng môn Không Động đã hỏi ngay vấn đề chính, khiến lão thấy lúng túng, sau một vài tiếng tằng hắng, Huyền Hạc đạo trưởng mới mở lời :

 

- Võ huynh, và các vị đồng đạo võ lâm! Huyền Hạc này có ít lời muốn nói, nhưng lời thật thì khó nghe, mong Võ huynh và các vị tha thứ cho thì Huyền Hạc này mới dám nói.

 

Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh cười nhẹ, tay vuốt chòm râu dài :

 

- Hôm nay, sao Chưởng môn Võ Đang lại khách sáo vậy? Có vấn đề gì, xin Chưởng môn cứ nói, bọn hủ lậu này xin rửa tai nghe lời vàng ngọc.

 

Huyền Hạc đạo trưởng lấy mặt nghiêm, dọn giọng nói :

 

- Lã huynh đã nói vậy, Huyền Hạc xin nói... Tình hình võ lâm hiện nay, chư vị có ý kiến gì, cho Huyền Hạc biết?

 

Chung quanh, mọi người vẫn yên lặng. Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh đáp thay ý mọi người :

 

- Võ lâm hiện nay, tình hình thế nào mọi người đều rõ cả, hà tất Chưởng môn phải nêu ra. Có ý gì, xin Chưởng môn cứ nói thẳng!

 

- Được, bần đạo xin có sao nói vậy, theo bần đạo biết hiện nay trên giang hồ, ngoài Không Động, các vị đây, và một số ít người không đáng kể là còn đang cố gắng gượng chống đỡ tòa nhà võ lâm. Có đúng thế không?

 

Không ai đáp, Huyền Hạc đạo trưởng đành nói tiếp :

 

- Nhưng mà các vị đang gìn giữ một tòa nhà như thế nào? Bần đạo nói không sợ quá lời, chứ tòa nhà mà các vị đang cố gìn giữ, chỉ là một tòa nhà cỗ, đã mục nát sau những đoạn dài năm tháng chia năm xẻ bảy. Mọi người luôn xâu xé nhau, tranh cường, háo danh, giết chóc lẫn nhau!... Không! Xin mọi người bình tĩnh, nghe bần đạo nói hết đã...

 

Huyền Hạc đạo trưởng vội ra dấu và nói trấn an, khi thấy mọi người xôn xao, tỏ ý không tán đồng. Sau khi đã êm xuôi đâu đấy, Huyền Hạc đạo trưởng lại nói :

 

- Võ lâm chúng ta hiện nay đang cần hiệp nhứt lại, phải, cần một sự thống nhất, từ trên tới dưới, từ lớn đến nhỏ. Đương nhiên, mỗi bang phái, môn phái đều phải giữ lại như trước. Để phát huy truyền thống và nền võ học của bang phái và môn phái của mình. Cái điều mà chúng ta cần phải có ở đây là tinh thần hòa hợp. Sự thái hòa cho võ lâm Trung Nguyên. Mà muốn có thái hòa, phải hòa thương thật sự, phải hiệp nhất lại như một! Và đương nhiên cần phải có một người đứng ra làm chủ!

back top