Cờ Rồng Tay Máu

Chương 22: Nếu vì một mối tình

Độc Cô Ngọc nghe nói ngẩn người ra, vừa bực mình vừa lo âu, mãi không nói được nửa lời. Một ông già thứ hai khẽ thở dài xen lời nói :

 

- Xin tướng công đừng có trách cứ, chúng tôi cũng là bất đắc dĩ. Bằng không, trong chúng tôi bất cứ ai cũng có thể đưa tướng công qua sông được.

 

Người đó nói xong những người kia đưa mắt nhìn nhau một cái rồi lần lượt đi thẳng ra bờ sông.

 

Độc Cô Ngọc nhìn bọn người thuyền chài đi khỏi, trong lòng bực mình hết sức, định vào trong Long Hổ bảo hỏi cho ra lẽ nhưng chàng nghĩ lại Bùi Thiên Vân là anh em họ với anh em Gia Cát Đởm, mình không tiện lý luận với hắn đành phải cố nén lửa giận, gượng cười một tiếng quay người đi luôn.

 

Đi được một quãng, chàng quay đầu lại nhìn thấy bọn người đánh cá đã giương buồm rồi. Mặt sông tuy rộng nhưng những cảnh vật ở bên kia bờ đều trông thấy rõ, nhưng tiếc thay bên đó cũng không có một chiếc thuyền nào. Chàng đành phải chịu vậy.

 

Chàng vừa đi vừa nghĩ bụng :

 

“Không ngờ Bùi Thiên Vân mà là một tiểu nhân đê hèn, bụng dạ hẹp hòi đến như vậy. Dù y không bằng lòng ta, có thể kiếm ta khiển trách ngay tận mặt có hơn không, việc gì mà phải giở cái trò đê tiện như thế này. Nếu Độc Cô Ngọc ta không nghĩ tới mọi nhẽ mà cứ bắt ép bọn người thuyền chài đưa ta qua sông, chả lẽ Bùi Thiên Vân lại còn làm gì ta được hay sao?”

 

Chàng đang nghĩ ngợi thì bỗng thấy phía đằng trước ở bên trái có tiếng người rất lạnh lùng rót vào tai rằng :

 

- Bạn họ Đỗ, mời bạn tới đây nói chuyện.

 

Độc Cô Ngọc nghe nói ngẩn người ra và ngửng đầu lên nhìn mới hay người đó chính là Bùi Thiên Vân, Bảo chủ của Long Hổ bảo đang khoang tay đứng ở trước khu rừng lạnh lùng nhìn mình. Khi đối phương thấy mình ngửng đầu lên nhìn khẽ giơ tay lên vẩy một cái rồi quay người đi ngay vào trong rừng.

 

Độc Cô Ngọc thấy vậy lửa giận bốc lên đùng đùng, xếch ngược đôi lông mày kiếm lên, lớn bước đi theo ngay.

 

Chàng tưởng Thiên Vân xuất hiện ở nơi đây dụ mình vào trong rừng như vậy thể nào trong đó cũng có mai phục nhiều người để đợi chờ mình vào tới là vây đánh trả thù hộ hai đại hán đã bị mình đánh bại đêm hồi hôm.

 

Ngờ đâu sự thực lại trái hẳn. Khi Độc Cô Ngọc vào tới trong rừng chỉ thấy một mình Thiên Vân khoanh tay đứng chờ, vẻ mặt lạnh lùng. Còn bốn chung quanh không có người nào hết. Chàng rất hồ nghi nhưng vẫn làm ra vẻ ung dung tiến tới gần chắp tay vái chào và hỏi :

 

- Bùi bảo chủ gọi tại hạ vào trong rừng này định chỉ giáo gì thế?

 

Thiên Vân liếc nhìn chàng một cái, lạnh lùng đáp :

 

- Không dám! Bùi mỗ đang có việc muốn thỉnh giáo thì đúng hơn.

 

Độc Cô Ngọc ngẩn người ra hỏi lại :

 

- Tại hạ không dám! Có phải Bùi bảo chủ vì chuyện hồi hôm?

 

Thiên Vân bỗng cười khì và đáp :

 

- Chuyện nhỏ mọn ấy nói tới làm chi. Đó là chỉ tại chúng khi học võ không chịu khó chứ không thể trách cứ ai được?

 

Độc Cô Ngọc nghe thấy y nói như vậy càng ngạc nhiên thêm, và đỡ lời :

 

- Không ngờ Bùi bảo chủ lại rộng lượng đến như vậy, nếu là việc khác xin Bảo chủ cứ hỏi tại hạ đi?

 

Nhìn Độc Cô Ngọc một hồi, mặt của Thiên Vân bỗng lộ vẻ khác lạ. Y hơi chần chờ giây lát rồi mới đột nhiên lên tiếng hỏi :

 

- Dám hỏi bạn họ Đỗ quen biết biểu huynh muội của tại hạ vào hồi nào thế?

 

Độc Cô Ngọc không ngờ Thiên Vân lại hỏi đến vấn đề đó, và nhất thời chàng cũng không hiểu dụng ý của đối phương ra sao nên hơi trầm ngâm giây lát, liền hỏi lại :

 

- Chúng tôi mới quen biết nhau và trong một thời gian rất ngắn. Chẳng hay Bảo chủ hỏi như thế để làm chi?

 

Thiên Vân cười khẩy và hỏi tiếp :

 

- Mỗ hỏi như vậy tất phải có lý do riêng, chả hay lời nói của bạn có thực không?

 

Cố nén lửa giận xuống, Độc Cô Ngọc lạnh lùng đáp :

 

- Xưa nay tại hạ không quen nói dối, huống hồ việc này chả cần phải giấu diếm ai làm chi? Tin hay không thì tùy ở Bảo chủ!

 

Mặt hơi biến sắc, Thiên Vân lại cười khì và đỡ lời :

 

- Bạn nói như vậy thì mỗ tin bạn lắm. Vì anh em Gia Cát cũng nói như vậy!

 

Độc Cô Ngọc liền hỏi lại :

 

- Bạn đã biết như vậy, hà tất còn phải hỏi lại làm chi?

 

- Bùi mỗ muốn hỏi thử xem lời nói của đôi bên có khác nhau không?

 

- Sao Bùi bảo chủ lại để ý đến việc đó. Phải biết đó là chuyện riêng của anh em Gia Cát với tại hạ.

 

- Phải! Đó quả thực là việc riêng của bạn với anh em Gia Cát thực, nhưng chắc bạn không ngờ Gia Cát Quỳnh Anh lại là vị hôn thê của Bùi mỗ?

 

Độc Cô Ngọc nghe tới đó giật mình đến thót một cái, kêu “ồ” một tiếng và đỡ lời :

 

- Việc này quả thực tại hạ không biết...

 

Thiên Vân lạnh lùng ngắt lời :

 

- Bây giờ biết cũng chưa muộn.

 

- Tại hạ ngu muội, không hiểu Bảo chủ nói như thế có dụng ý gì?

 

- Bạn là người thông minh, hà tất phải giả bộ như thế?

 

- Bùi bảo chủ là cao nhân của võ lâm, bỗng dưng lại nói những chuyện ấy? Tại hạ với anh em Gia Cát tình cờ gặp gỡ mà quen biết nhau, sự giao hảo của anh em Gia Cát với tại hạ là thuộc loại quân tử chi giao. Hơn nữa, lúc mà mới quen biết, Gia Cát cô nương mặc quần áo nho phục, thoạt tiên tại hạ không biết cô ta là một vị cân quốc hồng phấn.

 

Thiên Vân cười khẩy đỡ lời :

 

- Bạn phản ứng khá nhanh. Bây giờ thì bạn đã biết hết chuyện rồi chứ?

 

- Phải! Bây giờ tại hạ đã biết rõ chuyện rồi!

 

- Bạn đã biết rõ chuyện thì hay lắm. Bạn là người thông minh, những việc này như thế nào chả cần mỗ phải nói nhìn nữa.

 

- Tốt hơn hết Bùi bảo chủ nên nói trắng ra thì hơn, vì tại hạ ngu muội lắm!

 

Nghe thấy Độc Cô Ngọc nói như vậy, mặt lại biến sắc, nhưng Thiên Vân đã cười khì ngay được và đáp :

 

- Nếu bạn vui lòng nghe thì tất nhiên Bùi mỗ cũng vui lòng tuân lệnh. Từ nay trở đi Bùi mỗ dám xin bạn coi anh em Gia Cát như người dưng, đoạn tuyệt giao hảo với họ!

 

Không sao nén được lửa giận, Độc Cô Ngọc lạnh lùng đáp :

 

- Thiết tưởng Bảo chủ không nên nói những lời lẽ này với tại hạ.

 

Hai mắt lộ hung quang, Thiên Vân nói tiếp :

 

- Bùi mỗ nhận thấy nói như thế này mới rất đích đáng.

 

Độc Cô Ngọc cười khẩy đáp :

 

- Tại hạ nhận thấy Bùi bảo chủ không có quyền can thiệp tới sự giao du bạn hữu của tại hạ. Đó là quyền tự do của tại hạ mà?

 

Thiên Vân nói tiếp :

 

- Phải, nhưng Bùi mỗ có quyền can thiệp tới bạn không được làm bạn với vị hôn thê của Bùi mỗ.

 

Thấy đối phương nói như vậy, Độc Cô Ngọc không biết nói năng ra làm sao nữa.

 

Vì chàng tự biết dù mình không có nghĩ vơ nghĩ vẩn gì hết nhưng bất cứ sao, Thiên Vân cũng có quyền ngăn cản không cho mình làm bạn với vị hôn thê của y. Nên chàng thở dài một tiếng rồi đáp :

 

- Phải, Bùi bảo chủ có quyền ấy thật. Nhưng tại hạ cũng cần phải nói cho Bảo chủ biết rõ là tại hạ giao du với anh em họ Gia Cát không hề có dây dưa chuyện nhi nữ tư tình ở bên trong.

 

Thiên Vân cười khẩy đỡ lời :

 

- Tại hạ rất muốn tin tưởng người khác, nhưng khốn nỗi, thái độ của Gia Cát Quỳnh Anh như vậy khiến Bùi mỗ không thể nào dám tin người khác được.

 

Cố nén lửa giận, Độc Cô Ngọc lạnh lùng nói tiếp :

 

- Tin hay không đó là quyền của Bảo chủ, còn tại hạ chỉ biết trên không hổ thẹn với trời, dưới không hổ thẹn với người. Vả lại tại hạ với anh em họ Gia Cát sau này cũng ít có cơ hội gặp lại nhau, Bảo chủ cứ dọ ý xem sẽ thấy tại hạ không nói ngoa.

 

Thiên Vân lại đỡ lời :

 

- Bạn nói rất phải. Bất cứ lúc nào Bùi mỗ cũng có thể trông thấy được hết. Nhưng nếu bạn không thi hành theo lời nói thì lúc ấy đừng có trách Bùi mỗ giở mặt vô tình đấy nhé?

 

Độc Cô Ngọc không sao nhịn được nữa, trợn ngược đôi lông mày kiếm lên, đang định nổi khùng nhưng sau chàng nghĩ lại và bụng bảo dạ rằng :

 

“Quý hồ ta đứng đắn và sau này hết sức lánh mặt anh em Gia Cát, không giao du với họ nữa thì làm gì có chuyện ấy lôi thôi xảy ra!”

 

Nghĩ tới đó, chàng thở dài thầm lạnh lùng nói tiếp :

 

- Tuy tại hạ chỉ là một tên nho sinh nghèo nhưng cũng biết trong võ lâm chú trọng nhất là chữ tín nghĩa. Đại trượng phu không nói thì thôi mà đã nói thì phải biết tự trọng. Bảo chủ cứ yên tâm.

 

Thiên Vân cười một tiếng rồi đỡ lời :

 

- Nhịn đau chặt đứt giây tình như vậy mỗ rất lấy làm cảm ơn. Bạn lo gì, trên thiên hạ này đâu đâu mà chả có ổ rơm. Một người có tài và anh tuấn như anh bạn thì đi tới đâu mà chả có hồng phấn cân quốc, còn đẹp gấp trăm lần Gia Cát Quỳnh Anh yêu đương.

 

Bị đối phương nói mỉa, lửa giận bốc lên đùng đùng, da mặt lúc trắng lúc đỏ, nhưng dù sao Độc Cô Ngọc vẫn cố nghiến răng chịu đựng.

 

Thiên Vân vừa nói xong chàng liền tủm tỉm cười và hỏi luôn :

 

- Bùi bảo chủ nếu không còn việc gì khác nữa thì tại hạ có một việc này muốn thỉnh giáo.

 

Cười giọng rất giảo hoạt và đểu cán, Thiên Vân hỏi lại :

 

- Có phải bạn muốn hỏi tại sao Bùi mỗ lại cấm những người đánh cá không được chở người qua sông phải không?

 

Độc Cô Ngọc gật đầu, cười khẩy đáp :

 

- Đâu dám. Quả thực tại hạ muốn biết rõ nguyên nhân ấy.

 

Thiên Vân cười ha hả và đỡ lời :

 

- Bây giờ Bùi mỗ tới đây là định tiễn bạn qua sông đấy.

 

Độc Cô Ngọc ngẩn người ra, lẳng lặng không nói năng gì hết. Thiên Vân để ý nhìn chàng và cười khì nói tiếp :

 

- Bùi mỗ đã sửa soạn sẵn thuyền để tiễn bạn qua sông rồi. Mời bạn đi cho.

 

Nói xong, y giơ tay ra hiệu mời rồi đi ra ngoài khu rừng trước.

 

Độc Cô Ngọc gượng cười một tiếng, đang định đi theo thì bỗng trong bụi rậm có tiếng cười rất khẽ vọng ra và có tiếng người nói rằng :

 

- Xin Đại bảo chủ hãy tạm ngưng bước.

 

Thiên Vân với Độc Cô Ngọc nghe thấy vội ngừng chân và quay người lại đã trông thấy một thư sinh áo trắng trông rất phong lưu, anh tuấn, không biết xuất hiện từ lúc nào và đang đứng ở chỗ cách hai người chừng năm trượng.

 

Độc Cô Ngọc nhận thấy người đó có vẻ quen lắm nhưng nhất thời không nghĩ ra được là ai nên chàng cứ đứng đờ người ra nhìn chứ không hề nói nửa lời.

 

Thiên Vân lạnh lùng nhìn người đó rồi lên tiếng hỏi :

 

- Bạn quý tính là gì? Gọi Bùi mỗ đứng lại muốn chỉ giáo gì thế?

 

Thư sinh áo trắng tủm tỉm cười đáp :

 

- Tiểu sinh họ Tư Đồ, không dám nhận hai chữ chỉ giáo đó, nhưng có một việc đang muốn thỉnh giáo Đại bảo chủ.

 

Độc Cô Ngọc nghe thấy hai chữ Tư Đồ giật mình đến phắt một cái, để ý nhìn kỹ mới nhận ra được thư sinh áo trắng ấy chính là Tư Đồ Sương.

 

Chàng mừng rỡ, tiến lên hai bước, đang định nói thì thư sinh ấy đã nhìn chàng mỉm cười nói trước :

 

- Bạn họ Đỗ làm ơn đợi chờ cho giây lát để tại hạ hãy nói chuyện với Đại bảo chủ này trước rồi chúng ta chuyện trò với nhau sau.

 

Độc Cô Ngọc biết nàng ta không muốn để cho ai biết rõ thân phận và lai lịch, nên chàng hơi ngần ngừ một chút, vội chắp tay vái chào và đáp :

 

- Tại hạ xin tuân lệnh.

 

Nói xong, chàng ngoan ngoãn lui ngay sang một bên. Thiên Vân thấy thế cười khẩy xen lời nói :

 

- Thế ra hai vị đã quen biết nhau?

 

Thư sinh áo trắng tủm tỉm cười đáp :

 

- Không những quen biết mà thôi, bạn họ Đỗ là chồng chưa cưới của Mân Tây bát động Động chủ Tư Đồ Sương. Còn tại hạ đây là anh của Tư Đồ Sương. Đáng lẽ tại hạ không muốn nói rõ cho Đại bảo chủ biết chuyện này.

 

Độc Cô Ngọc không ngờ Tư Đồ Sương lại nói như thế, chàng cuống lên, đang định lên tiếng giải thích thì thư sinh áo trắng lại nguýt chàng một cái, lắc đầu vừa cười vừa nói tiếp :

 

- Thế ra bạn lại còn không mặt dày bằng Đại bảo chủ? Người ta dám nhìn nhận có vị hôn thê, còn bạn sợ gì mà chả dám nhận?

 

Độc Cô Ngọc khóc giở mếu giở, muốn nói cũng không được. Đã nghe ra lời nói của thư sinh có gai góc nên Thiên Vân biến sắc mặt, cười gằn một tiếng và đỡ lời :

 

- Thế ra bạn Tư Đồ lại là anh của Tư Đồ động chủ đây? Bùi mỗ thất kính thật.

 

Nói xong, y lại chắp tay vái chào Độc Cô Ngọc và nói tiếp :

 

- Bùi mỗ không biết bạn họ Đỗ lại là vị hôn phu của Mân Tây Tư Đồ động chủ, thật là thất lễ quá.

 

Thư sinh nọ tủm tỉm cười và đỡ lời :

 

- Không dám!

 

Độc Cô Ngọc nhìn nhận cũng không phải, phản đối cũng không nên, ngượng vô cùng và cuống cả lên. Sau cùng chàng đành miễn cưỡng chắp tay vái chào thôi. Thư sinh liếc nhìn chàng một cái, tủm tỉm cười rồi quay lại nói với Thiên Vân tiếp :

 

- Bây giờ Đại bảo chủ đã biết rõ mọi sự rồi, chắc không còn lo ngại vị muội phu của tại hạ cướp mất vị hôn thê của Bảo chủ đấy chứ?

 

Thiên Vân ngượng vô cùng, mặt lúc đỏ lúc trắng, vội đáp :

 

- Không dám! Không dám! Bạn họ Đỗ đã có hôn ước với Tư Đồ động chủ thì Bùi mỗ đâu dám.

 

Thư sinh áo trắng đột nhiên cười khì, xua tay đỡ lời :

 

- Xin Đại bảo chủ đừng có khách sáo như thế nữa. Tiểu sinh có mấy lời muốn thưa cùng nhưng trước hết phải xin Đại bảo chủ thứ lỗi cho tiểu sinh trực ngôn đã.

 

Thiên Vân đáp :

 

- Có chuyện gì xin bạn Tư Đồ cứ việc nói thẳng, Bùi mỗ vui lòng rửa tai cung kính nghe.

 

Thư sinh gật đầu nói tiếp :

 

- Nếu vậy thư sinh mới dám nói thẳng...

 

Nói tới đó, chàng ta nghiêm nét mặt lại nói tiếp :

 

- Tình nhi nữ lạ lùng lắm, nhất là hai chữ tình cảm lại càng khó hiểu thêm. Có thứ gọi là nam tham nữ ái, tình chàng ý thiếp. Cũng có thứ gọi là ôm bệnh tương tư hay hai người cùng yêu nhau. Vị muội phu của tiểu sinh đây tuy trước kia là người rất phong lưu, đi đến đâu để lại mối tình đến đó, nhưng trước khi đính hôn với sư muội thì đã thay đổi hết thái độ và trở nên đứng đắng, đến nổi khiến ai cũng phải kính phục. Cho nên việc mà Bùi bảo chủ lo ngại, tiểu sinh không dám bảo đảm. Nhưng tiểu sinh dám táo gan kiến nghị, Bảo chủ cũng nên để ý đến vị hôn thê của Bùi bảo chủ quá đa tình, đem lòng mê người khác, chứ không thể nào trách cứ đối phương được.

 

Tất nhiên Thiên Vân phải hiểu. Tuy y hổ thẹn đến lửa giận bốc lên đùng đùng và sát khí cũng đã nổi lên rồi, nhưng lại sợ oai danh của Tư Đồ Sương mà đàng phải cố nén lửa giận xuống, lạnh lùng nói :

 

- Đa tạ Tư Đồ huynh đã dạy bảo như vậy, Bùi Thiên Vân này suốt đời không bao giờ dám quên.

 

Thư sinh mỉm cười nói tiếp :

 

- Bùi bảo chu khỏi cần phải khách sáo như thế nữa. Việc này coi như là xong. Nếu Bảo chủ không có việc gì khác thì làm ơn đưa hai chúng tôi qua sông.

 

Thiên Vân gượng cười đáp :

 

- Được, Bùi mỗ dẫn đường đi trước.

 

Nói xong, y quay người đi ra ngoài rừng ngay.

 

Thư sinh liếc mắt nhìn theo Thiên Vân rồi quay người lại tủm tỉm cười hỏi Độc Cô Ngọc rằng :

 

- Bùi bảo chủ đã chuẩn bị sẵn thuyền để đưa qua sông thật là hân hạnh cho chúng ta quá. Không đi ngay còn đợi chờ gì nữa?

 

Thấy Thiên Vân đi xa rồi, Độc Cô Ngọc hậm hực lườm Tư Đồ Sương một cái, đang định nói thì nàng ta đã đi tới gần kéo tay chàng tủm tỉm cười và khẽ nói :

 

- Có chuyện gì để xuống dưới thuyền rồi hãy nói sau. Đi thôi!

 

Bất đắc dĩ, Độc Cô Ngọc phải thở dài một tiếng rồi để mặc cho nàng ta lôi kéo đi.

 

Hai người vừa ra khỏi khu rừng đã thấy Thiên Vân đứng ở cạnh chiếc thuyền đánh cá ở chỗ cách hai người chừng hơn mười trượng.

 

Độc Cô Ngọc theo thư sinh áo trắng đi tới cạnh thuyền thấy hai người lái đò lại là hai đại hán lực lưỡng và vạm vỡ. Chàng biết ngay hai người này là người của Long Hổ bảo chứ không phải là dân thuyền chài.

 

Thiên Vân cười gằn một tiếng và nói :

 

- Đáng lẽ Bùi mỗ phải tiễn hai vị qua sông nhưng vì trong bảo có nhiều việc bận nên không thể nào tiễn được, mong hai vị lượng thứ cho.

 

Tại sao áo trắng mỉm cười đáp :

 

- Sao Bảo chủ lại nói thế? Chúng tôi được Bảo chủ sai người tiễn qua sông như thế này đã rất lấy làm hân hạnh rồi, đâu còn dám phiền Bảo chủ phải đíchưởng thân tiễn nữa? Hơn nữa, Bảo chủ là chủ của một bảo cao quý như vậy khi nào chúng tôi lại để chủ phải mạo hiểm chịu sóng gió như thế!

 

- Bạn Tư Đồ khéo nói bông thực, Bùi Thiên Vân tôi sinh trưởng ở trên mặt sông nước từ hồi nhỏ, lúc nào cũng làm bạn với sóng, đã chịu quen phong ba bảo táp rồi.

 

Huống hồ ngày hôm nay trời quang mây tạnh như thế này, không có một chút sóng gió nào, thực là lúc đi thuyền rất tốt... Thôi! Thiên Vân không dám làm mất thì giờ quý báu của hai vị, mời hai vị xuống thuyền cho.

 

Thư sinh áo trắng tủm tỉm cười và đáp :

 

- Cảm ơn Bảo chủ đã có lòng như vậy.

 

Nhưng chàng vẫn đứng yên, không hề xê dịch nửa bước.

 

Độc Cô Ngọc thấy thế ngẩn người ra nghĩ bụng :

 

- Có lẽ nàng ta muốn đỡ xuống thuyền chắc?

 

Chàng khẽ lắc đầu một cái, nhưng vẫn chìa tay ra đỡ lấy cánh tay của thư sinh nọ.

 

Thư sinh lườm chàng một cái rất tình tứ mỉm cười nói :

 

- Có phải xe ngựa đâu, tôi có thể xuống được.

 

Độc Cô Ngọc ngượng nghịu đến mặt đỏ bừng, không nói được nửa lời.

 

Thư sinh thấy thế tủm tỉm cười và nói tiếp :

 

- Đỗ huynh không nên hiểu lầm, hai chúng ta đều là thư sinh vô dụng, đâu dám để Bùi bảo chủ đặc biệt chở thuyền đưa chúng ta qua sông như thế? Đệ ở đây là đợi chờ thuyền của mình đấy chứ.

 

Độc Cô Ngọc ngẩn người chưa kịp lên tiếng thì Thiên Vân đã hơi biến sắc mặt, gượng cười đỡ lời :

 

- Bạn Tư Đồ hà tất phải khách sáo như thế, chả lẽ lại trách Bùi mỗ không đích thân tiễn hai vị qua sông như vậy là quá thất lễ hay sao?

 

Thư sinh nọ lắc đầu lia lịa đáp :

 

- Đâu có, hai chúng tôi đang cảm thấy thịnh tình của Bảo chủ như vậy chỉ dám tâm lỉnh thôi, chứ không dám nhận thực sự.

 

Thiên Vân lại biến sắc mặt, gượng cười nói tiếp :

 

- Nếu hai vị cứ cố chấp như thế, Bùi mỗ không dám miễn cưỡng.

 

Quả nhiên lúc ấy đằng xa có một chiếc thuyền đang lướt tới rất nhanh, Độc Cô Ngọc đã trông thấy rõ người cầm lái đứng ở đằng đuôi thuyền chính là ông già họ Trà. Chàng càng thắc mắc không hiểu, đưa mắt nhìn thư sinh.

 

Thiên Vân trông thấy ông già cầm lái ấy thành thuộc như vậy cũng phải kinh ngạc, liền hỏi :

 

- Ông cụ kia là ai? Sao lại có thủ pháp điều khiển chiếc thuyền một cách cao minh như thế?

 

Thư sinh khẽ cười và đỡ lời :

 

- Bảo chủ quá khen đấy thôi. Ở trước mặt Bảo chủ biểu diễn điều khiển thuyền như vậy có khác gì là múa rìu qua mắt thợ không? Ông cụ đó là phu xa của xá muội đó.

 

Thiên Vân ồ lên một tiếng, nói tiếp :

 

- Bùi mỗ ngưỡng mộ Mân Tây bát động có rất nhiều kỳ nhân dị sĩ đã lâu, ngày hôm nay mới được mục kích, quả thực không sai chút nào?

 

Thư sinh tủm tỉm cười đáp :

 

- Bảo chủ cứ quá khen đấy thôi. Mân Tây bát động đều là những kẻ thường tục, khi nào bằng được những kiện tướng của Long Hổ bảo, vừa dũng mãnh, thiện chiến, vừa sở trường cả thủy lục hai bên võ nghệ!

 

Thiên Vân nghe thấy thư sinh nói sở trường cả thủy lục hai môn võ nghệ liền biến sắc mặt, chỉ gượng cười thôi chứ không nói năng gì hết.

 

Lúc ấy chiếc thuyền nọ đã ghé vào bờ, ông già lão vọng hầu như không trông thấy mấy người đứng ở trên bờ, chỉ lái thuyền vào trong bờ rồi ngừng bơi chèo và đứng yên. Thư sinh vừa cười vừa nói với Thiên Vân tiếp :

 

- Cảm ơn Bảo chủ đã tiễn ra tại đây, tại hạ xin cáo biệt.

 

Nói xong chàng chắp tay vái chào một lượt rồi dắt tay Độc Cô Ngọc nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ đó.

 

Thiên Vân ở trên bờ sông nói lớn :

 

- Chúc hai vị thuận buồm xuôi gió, xin thứ lỗi Thiên Vân không thể tiễn hai vị xa thêm được.

 

Thư sinh ngó đầu ra ngoài khoang, vừa cười vừa đáp :

 

- Cảm ơn Bùi bảo chủ, chúng tôi không bao giờ dám quên lòng tốt tiễn ra tận thuyền của Bảo chủ đâu.

 

Chàng ta vừa nói xong thì chiếc thuyền đó đã đi như bay sang bờ sông bên kia luôn.

 

Chờ chiếc thuyền rời khỏi bờ xa rồi, Độc Cô Ngọc mới quay đầu lại nhìn Tư Đồ Sương và hỏi :

 

- Tôi thực không hiểu sao tại sao cô nương lại làm như thế?

 

Tư Đồ Sương nhìn mặt chàng một hồi, rồi tủm tỉm cười và đáp :

 

- Tôi cũng không hiểu tại sao lại làm như vậy, nhưng tôi chỉ biết làm như thế này là giảm bớt được rất nhiều phiền phức cho thiếu hiệp thôi.

 

Độc Cô Ngọc lại nói tiếp :

 

- Tại hạ với anh em Gia Cát giao hảo với nhau rất quân tử, bây giờ đã làm cho Thiên Vân hiểu lầm. Vì không muốn ảnh hưởng đến tình cảm của vợ chồng chưa cưới của người ta, tại hạ đành phải cương quyết đoạn tuyệt lai vảng với anh em nhà ấy. Tại hạ đã cảm thấy áy náy không yên rồi, mà cô nương lại còn nói...

back top