Cuộc sống ở Bắc Tống

Chương 255: Hai tờ khế ước

Chương 255: Hai tờ khế ước
Hai anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi tới Đông Kinh xong, vì Trương Trọng Vi bản thân là quan viên, lại quen biết phủ doãn phủ Khai Phong, bởi vậy không ra đánh trống kêu oan mà đệ thiếp mời trực tiếp vào hậu nha.
Phủ doãn nghe Trương Bá Lâm kể lại vụ án, cả giận. “Lại có thứ cuồng đồ như thế, dám cả gan lừa thân thích của quan viên triều đình ngay dưới chân thiên tử?”. Gọi sư gia, bảo ông này cầm khế bán mình của Lâm nương tử đi điều tra.
Sư gia vào phòng văn kiện một lát, sau đó quay lại bẩm báo. “Phủ doãn, tờ khế bán mình này rất kì quái”.
Phủ doãn hỏi. “Kì quái ở chỗ nào?”.
Sư gia đưa ra một tờ khế bán mình khác, nói. “Phủ doãn, ngài xem, đây là giấy mua bán nô dịch chúng ta lưu trữ, bên trên đã đóng ấn tín của quan phủ”. Nói xong trình ra tờ thứ hai. “Phủ doãn, ngài đối chiếu nhìn xem”.
Phủ doãn chiếu theo lời sư gia, đặt hai tờ giấy bán mình trên bàn, song song với nhau, cẩn thận đối chiếu thì phát hiện ra chỗ kì quái, hai tờ khế bán mình đều bán chung một nô dịch là Lâm nương tử, nhưng cái có đóng ấn tín của quan phủ, tên của chủ nhân là họ Cổ chứ không phải Phương thị.
Phủ doãn giơ tay vẫy hai anh em Trương Trọng Vi tới gần, cho bọn họ cũng nhìn. “Tuy nói khế bán mình dù chưa có quan phủ đóng ấn vẫn được công nhận, nhưng nếu xuất hiện đồng thời thì đương nhiên chỉ có cái đã đóng ấn là chuẩn, huống chi tờ khế của nhà họ Cổ ghi ngày mua đã là năm năm trước đây”.
Trương Bá Lâm kinh ngạc thốt lên. “Chiếu theo như vậy, Lâm nương tử mà mẹ tôi mua hoá ra là nô đã có chủ?”.
Phủ doãn gật đầu, lại hảo tâm nhắc nhở bọn họ. “Lừa tiền bạc coi như việc nhỏ, cẩn thận nhà họ Cổ cáo ngược lại hai anh là lừa gạt nô dịch nhà họ”.
Trương Trọng Vi hỏi. “Không biết nhà họ Cổ này sống ở nơi nào?”.
Phủ doãn sai sư gia tra cứu, nói ra địa chỉ, hoá ra chính là Cổ lão gia, hàng xóm cũ của Trương Trọng Vi, phóng hoả bị bắt, vừa mới được thả ra.
Trương Trọng Vi nói. “Chúng tôi và Cổ lão gia không oán không cừu, hơn nữa ông ta là thương hộ, có cho mượn mấy lá gan cũng không dám vu cáo thân thích tri huyện, trừ phi về sau ông ta không muốn buôn bán gì nữa”.
Phủ doãn cho rằng Trương Trọng Vi nói có lý, liền hảo tâm giúp. “Không bằng ta gọi hắn tới chỗ này dùm anh, hỏi rõ ràng ngay ở đây luôn?”.
Trương Trọng Vi đang định đồng ý, lại bị Trương Bá Lâm chọt sau lưng, đành phải uyển chuyển cự tuyệt ý tốt của phủ doãn, bảo rằng hiện tại nhanh chóng tìm ra người môi giới và Lâm nương tử bắt về quy án quan trọng hơn. Phủ doãn đương nhiên đồng ý, trải giấy mài mực tại chỗ để Trương Trọng Vi vẽ lại hình dáng Lâm nương tử, tức khắc sai người đi lùng bắt, lại nói Trương Trọng Vi chuyển lời cho Phương thị cũng vẽ cả tranh người môi giới nữa.
Trương Trọng Vi tạ ơn phủ doãn, cùng Trương Bá Lâm cáo từ đi ra, hỏi. “Vì sao ca ca không cho phủ doãn mời Cổ lão gia đến?”.
Trương Bá Lâm nói. “Quan nha nhiều người, đây cũng không phải chuyện gì tốt đẹp, cần gì làm ồn ào cho lời đồn bay xa. Cổ lão gia kia là hàng xóm cũ của cậu, không phải ai xa lạ, lén tìm tới hỏi là được, chẳng lẽ ông ta không nể mặt tri huyện?”.
Trương Trọng Vi theo anh trai, hai người đi đến ngõ Châu Kiều, gõ cửa nhà họ Cổ, không ngờ tiểu nha hoàn mở cửa xong thông báo cho bọn họ rằng Cổ lão gia đã ra ngoài buôn bán, không ở nhà.
Trương Trọng Vi ngẫm nghĩ, nói. “Nương tử nhà ta và Đinh phu nhân nhà các người quen biết nhau, muốn mời Đinh phu nhân tới nhà trò chuyện, làm phiền thông báo một tiếng”.
Tiểu nhà hoàn lại nói. “Phu nhân đã sớm về quê Tứ Xuyên, không ở đây, trong nhà chỉ có hai di nương, hai vị quan nhân có gặp mặt không?”.
Trương Bá Lâm gặp nha hoàn nói chuyện ngây thơ, cười rộ lên. “Chúng ta cũng không phải kẻ háo sắc, gặp di nương nhà các người làm chi”.
Nha hoàn đỏ mặt rụt ra sau, muốn đóng cửa, Trương Trọng Vi vội gọi lại, cho mấy văn tiền, hỏi thêm. “Nhà ngươi có phải có một di nương họ Điền không?”.
Tiểu nha hoàn đáp. “Có phải người trên trán bị vết sẹo không?”.
Trương Trọng Vi cũng gật đầu. “Đúng vậy…”. Chàng định nói tiểu nha hoàn gọi Điền thị ra, nhưng sợ đồn đãi khó nghe, vì vậy thay đổi suy nghĩ. “Không có chủ nhân ở nhà thì thôi, quên đi”.
Tiểu nha hoàn thấy bọn họ không nhắn gì nữa, liền đóng cửa lại.
Trương Bá Lâm hỏi Trương Trọng Vi. “Nếu Điền thị ở trong này sao không gọi ra hỏi một chút, xem Lâm nương tử kia rốt cuộc có gì cổ quái?”.
Trương Trọng Vi trả lời. “Chúng ta hai người đàn ông tới gặp thiếp thất nhà người ta, chọc người đời lắm miệng sao, cứ về trước, để nương tử em đến hỏi thăm”.
Trương Bá Lâm đồng ý, hai người lên ngựa dẹp đường hồi phủ, vì trong lòng vướng bận, lại muốn nhanh chóng phi về, lại xốc lên một đám bụi khác hun mắt Phương thị, chọc bà ta chửi ầm lên lần nữa.
Trương Trọng Vi về đến nhà, thuật lại cho Lâm Y tình huống bọn họ thăm dò được ở phủ Khai Phong, mong nàng đến nhà Điền thị cẩn thận hỏi xem.
Lâm Y cực không vui ý, nói. “Em giúp đỡ chấm dứt việc này xong, để thím đưa thiếp thất vào nhà chúng ta?”.
Trương Trọng Vi an ủi nàng. “Chỉ cần ta không có tâm tư đó, cho dù thiếp vào cửa còn không phải tuỳ vào em đùa nghịch?”.
Lâm Y để ý nhất là thái độ của chàng, thấy chàng tâm ý kiên quyết, ngữ khí chắc nịch, liền cao hứng, nói. “Cũng đúng, bán trao tay thiếp nói không chừng còn kiếm được khoản bộn”.
Trương Bá Lâm tiến vào, trước thay Phương thị xin lỗi nàng, lại thỉnh cầu nàng giúp đỡ, vào thành hỏi thăm tin tức từ Điền thị. Vẫn là Trương Bá Lâm cư xử khôn khéo, một phen nhận lỗi làm Lâm Y tiêu mất cơn giận, gọi thím Dương dặn dò mấy câu, bảo thím chuẩn bị cỗ kiệu tiến vào thành Đông Kinh.
Thím Dương lĩnh mệnh, kêu hai gia đinh nâng kiệu nhỏ trong nhà ra, hướng về kinh thành. Cỗ kiệu bỏ trống, thím có thể ngồi nhưng vội vã làm việc, ngại chậm, bởi vậy cùng đi với kiệu phu cho nhanh chân.
Đi đường chậm hơn cưỡi ngựa nhiều, nửa đường gặp phải Phương thị. Thím Dương biết vì sao bà ta ngồi ở đây, trong lòng bật cười, nghĩ bụng nếu Lâm nương tử thật sự lạc đường thì sao người môi giới cũng biến mất? Rõ ràng là một âm mưu, Phương thị ôm hy vọng nên nhìn không ra. Thím lo lắng Phương thị ngồi đây phơi nắng lâu gặp chuyện không may, liền tiến lên nói. “Nhị phu nhân, hai thiếu gia đã lên phủ Khai Phong báo án, phu nhân trở về đi thôi”.
Phương thị đã phơi nắng đến đầu choáng não trướng, nghe lời thím nói, đứng lên đi về hướng Tường Phù. Thím Dương biết Lâm Y bây giờ không muốn gặp bà ta, vội vươn tay ngăn cản. “Nhị phu nhân, nhìn phu nhân đầu đầy mồ hôi, mau lên kiệu ngồi, tôi đưa phu nhân về nhà”.
Bấy giờ Phương thị mới để ý có cỗ kiệu, mừng rỡ, sảng khoái lên ngồi, từ từ nhắm hai mắt lại, thiếp đi một lúc. Tới lúc bà ta cảm giác được kiệu ngừng, mở mắt ra, phát hiện mình đang ở hậu viện sau tửu lâu nhà họ La, đành phải xuống khỏi, ỷ vào Trương Lương còn chưa biết, mạnh mẽ đi vào.
Thím Dương đi vào hành lễ chào Trương Lương, lại ra kêu kiệu phu xuất phát đi ngõ Châu Kiều. Thím gõ cửa nhà họ Cổ, nói với tiểu nha hoàn mở cửa. “Phu nhân nhà chúng ta mới làm mấy bộ xiêm y, mời Điền di nương nhà các người thừa dịp hừng đông qua nhìn một cái, chậm chạp trời tối sợ nhìn không rõ”.
Tiểu nha hoàn hỏi. “Không biết phu nhân nhà ai vậy?”.
Thím Dương đáp. “Là Lâm phu nhân nhà họ Trương ở Tường Phù”.
Tiểu nha hoàn do Đinh phu nhân lưu lại, cũng biết Lâm Y, hiểu được quan hệ của nàng và Điền thị, cười nói. “Thì ra là phu nhân tri huyện Tường Phù, để nô tỳ vào thông báo”.
Tiểu nha hoàn đi vào, tìm được Điền thị đang giận dỗi với một thiếp khác, chuyển lời của thím Dương. Điền thị bây giờ là thiếp nhà thương hộ, địa vị thấp kém, có phu nhân tri huyện cho mời thật là hãnh diện, sao lại không đi, vội vàng thay đổi váy áo gặp khách, lại cắm cây trâm bạc mạ đồng lúc trước Lâm Y trả lại cho cô ta, ra cửa gặp thím Dương.
Thím Dương cúi người đi nửa lễ với cô ta, mời lên kiệu, nói. “Phu nhân nhà tôi đang chờ di nương”.
Điền thị thấy thím Dương có vẻ không muốn nói chuyện, hơi thất vọng, im lặng lên kiệu.
Phương thị mắc mưu mất cả đống tiền, Trương Bá Lâm là người sốt ruột nhất, bởi vì số tiền đó nếu không lấy lại được, chính anh ta phải đứng ra trả cho Trương Bát nương, bởi vậy nôn nóng đứng ở cửa viện chờ Điền thị, vừa thấy cỗ kiệu xuất hiện liền chạy như bay vào thông báo Lâm Y.
Lâm Y có thể lý giải tâm tình của anh ta, cũng thật đáng thương thay cho anh ta, tạm gác lại sự căm ghét Phương thị qua một bên, sửa soạn tâm tình gặp Điền thị.
Điền thị vì hai quan tiền và cây trâm bạc còn lại nên vẫn cảm kích Lâm Y vô cùng, vừa vào cửa liền nói cảm tạ đủ kiểu. Lâm Y không rảnh ôn chuyện với cô ta, đợi trà bưng lên xong liền đề cập thẳng vấn đề. “Lần trước phu nhân nhà cô đến, nói Lâm nương tử lạc đường, nay tìm được chưa?”.
Điền thị không biết vì sao Lâm Y lại quan tâm đến một đứa thiếp nhà họ Cổ, nhưng vẫn nói thật. “Chưa từng, lão gia vội vã buôn bán, không có thời gian đi tìm cô ta”.
Lâm Y lại hỏi. “Cô ta một mình ra ngoài đi dạo bị mất tích?”.
Điền thị thần bí nói. “Đâu phải mất tích, thiếp nghe nha hoàn kể cô ta chịu không nổi lão gia đánh đập, chạy trốn ra”.
Cổ lão gia đánh Lâm nương tử? Lâm Y không thấy lạ, sở dĩ Cổ lão gia vướng vào lao ngục toàn bộ đều do Lâm nương tử ban tặng, phỏng chừng sớm đã hận thấu xương, khó khăn thoát khỏi ngục, đương nhiên phải đánh cho hả giận.
Điền thị tò mò hỏi. “Lâm phu nhân hỏi cái này làm chi?”.
Lâm Y cười. “Cô không hiểu, lúc ta còn ở khu đông cổng Chu Tước, từng là hàng xóm với cô ta, biết cô ta còn sớm hơn biết Đinh phu nhân kia”.
Thì ra là người quen cũ, quan tâm cũng không có gì lạ, Điền thị không nghĩ nhiều, hỏi tiếp. “Nghe nói Lâm phu nhân vừa may váy áo mới? Ắt hẳn bộ nào cũng tinh xảo”.
Lâm Y nhớ tới cái cớ mời cô ta đến, vội gọi Thanh Mai lấy vài món xiêm y ra cho cô ta xem, cuối cùng tặng cô ta cái áo cánh, nói. “Nếu có tin tức về Lâm nương tử, nhớ nói cho ta một tiếng, ta là hàng xóm cũ, vẫn mong ngóng cô ta lắm”.
Điền thị mừng rỡ, nhận lấy quà tặng, miệng liên tục đồng ý. Lâm Y sai Thanh Mai tiễn cô ta ra ngoài, ngồi kiệu quay về Đông Kinh.
Điền thị vừa đi, Trương Bá Lâm và Trương Trọng Vi liền đi ra khỏi buồng trong, may mắn nói. “Xem ra chuyện Lâm nương tử lừa gạt không liên quan tới Cổ lão gia”.
Trương Bá Lâm đưa một quan tiền cho Lâm Y, nói. “Làm em dâu tiêu phí”.
Lâm Y ngẩn ra, nhận ra đây là tiền trả cho cái áo cánh ban nãy, sẵng giọng. “Một cái áo mà thôi, cũng không phải tơ lụa, đáng để Đại ca làm như thế này?”.
Trương Bá Lâm biết nàng không phải người keo kiệt, bằng không đã đòi tiền xây học quán từ lâu, vì vậy cảm tạ nàng, giữ tiền lại.

back top