Cữu Chưởng Huyền Công

Chương 19: Không chốn dung thân - Kiếp họa trùng trùng

Vị Phong lầm lũi bước trên quang lộ. Trong chàng là một nỗi buồn nặng trĩu. Nỗi buồn khởi sinh từ sự thay đổi của Tần Á Mỵ. Không phải vì chàng chẳng còn chút tình vấn vướng với Tần Á Mỵ, vì chàng cảm thấy trơ trụi giữa cõi đời này thì đúng hơn. Vị Phong nhủ thầm: “Biết đến bao giờ ta mới có thể trút được vết nhơ trên người để lấy lại sự trong sạch cho bản thân mình.”

 

Những ý niệm đó, tạo ra trong chàng một cảm giác trống vắng lạ thường. Một sự trống vắng để biến thành nỗi bi quan về một ngày mai u ám và mờ mịt.

 

Vị Phong muốn đi tìm Cốc Khụ, nhưng chẳng biết Cốc Khụ đang ngụ ở đâu. Cõi võ lâm Trung Thổ quá mênh mông đối với chàng, còn Vị Phong chỉ là một con thuyền không định hướng.

 

Với những ý niệm mơ hồ, Vị Phong chẳng biết mình đi đâu. Hoàn cảnh của chàng lúc này, chẳng khác nào một con thú đang bị săn đuổi. Bị săn đuổi cho đến khi chẳng còn một sinh lộ để náu thân. Chàng đúng là kẻ không còn chỗ dung thân trong cõi đời này.

 

Ý niệm đó khiến Vị Phong bất giác buông tiếng thở dài nhủ thầm: “Ta đúng là kẻ bất tài vô dụng. Bản thân ta còn không thể rũ bỏ được vết nhơ trên người thì làm sao nói đến chuyện trả thù cho những người nghĩa đệ và Di tỷ tỷ.”

 

Vị Phong dừng chân dưới một tán cây đại thụ, dựa người vào thân cây. Chàng nhẩm nói:

 

- Khắc Vị Phong… Ngươi đúng là kẻ vô dụng nhất trên đời này. Ngươi sinh ra trong cõi đời này chỉ để làm con thú hoang bị người ta săn đuổi. Ngươi không phải là một con người bởi vì ngươi là kẻ vô dụng, kẻ bất tài. Tại sao trên thế gian này lại có một Khắc Vị Phong. Chàng đập mạnh tay vào tán cây.

 

- Tại sao ngươi sinh ra và tồn tại để làm gì chứ? Phải chăng ngươi tồn tại trên thế gian là để cho thiên hạ miệt thị và chà đạp?

 

Chàng nhìn vào thân cây đại thụ như nhìn vào tấm gương đồng.

 

- Phải vậy không… Khắc Vị Phong… Phải vậy không. Ngươi chỉ là một con thú bị săn đuổi, phải không?

 

Chàng gục đầu vào tán cây với nỗi khát vọng dâng ngập tâm tưởng mình và gậm nhấm nỗi thất vọng đó.

 

Một đạo cuồng phong cuốn tới khiến những chiếc lá khô trên tán cây đại thụ rào rào trút xuống người Khắc Vị Phong. Đạo cuồng phong lạ thường đó cắt đứt những ý tưởng trong đầu Vị Phong, buộc chàng phải quay lại với thực tại.

 

Khắc Vị Phong từ từ quay lại.

 

Đập vào mắt chàng là nhân dạng một vị đạo cô tuổi ngoài ngũ tuần cùng ba vị tiểu ni.

 

Vị đạo cô có chân diện nghiêm khắc đến lạnh lùng. Một khuôn mặt khe khắt mà Vị Phong không muốn giáp mặt trong lúc này.

 

Vị Phong toan mở miệng nói thì vị đạo cô đã lên tiếng trước:

 

- Đạo vương Khắc Vị Phong. Hẳn ngươi đã biết vì sao bần ni truy tìm ngươi rồi chứ.

 

Buông một tiếng thở dài, Vị Phong nói:

 

- Phải chăng sư thái nghĩ tại hạ là người giết Diệp Diệp nên tìm tại hạ.

 

- Ngươi là kẻ bại hoại của Dương Châu mà cả võ lâm khi nghĩ đến tên ngươi, ai cũng đều phẫn nộ.

 

Vị Phong lắc đầu:

 

- Bại hoại…

 

Chàng cười khẩy rồi hỏi vị đạo cô:

 

- Khắc Vị Phong đã làm gì mà sư thái cho tại hạ là kẻ bại hoại.

 

Chàng gằn giọng nói tiếp:

 

- Cho dù tại hạ có là kẻ bại hoại cũng không liên can đến sư thái.

 

- Diệu Tĩnh ta là người hành đạo trên giang hồ đâu thể để cho một kẻ bại hoại như Khắc Vị Phong tác oai, tác quái được chứ.

 

Chàng nghe Diệu Tịnh sư thái thốt ra câu này không sao dằn được cơn phẫn uất dâng tràn trong tâm trí gằn giọng nói:

 

- Hóa ra Diệu Tịnh sư thái muốn làm người hành đạo, cứu giúp bá tánh nên mới truy tìm Khắc Vị Phong?

 

Diệu Tịnh sư thái gật đầu:

 

- Không sai.

 

Vị Phong cười khẩy rồi nói:

 

- Diệu Tịnh sư thái tìm Vị Phong để làm gì nào?

 

- Nếu ngươi biết quay đầu phục thiện, bần ni sẽ tha chết cho ngươi. Nhưng phải theo bần ni đến Dương Châu mình chịu sự phán quyết của bá tánh Dương Châu.

 

- Hai điều kiện sư thái đưa ra, Khắc Vị Phong đều bị dồn vào tử lộ.

 

Chàng lắc đầu đáp:

 

- Khắc Vị Phong không thể chấp nhận hai điều kiện đó được. Mong sư thái miễn cho Khắc Vị Phong phải chìu theo ý của người.

 

Giũ ngọn phất trần, Diệu Tịnh sư thái nói:

 

- Đạo vương Khắc Vị Phong… Ngươi không có sự lựa chọn nào khác đâu mà phải theo ý của bần ni.

 

Vị Phong cau mày gắt giọng nói:

 

- Tại hạ có là kẻ bại hoại, đê tiện và bỉ ổi thì sư thái cũng không có quyền sai khiến tại hạ. Sư thái muốn tìm kẻ bại hoại hãy đi mà hỏi Vạn Xuân trang chủ.

 

Chân diện Diệu Tịnh sư thái sa sầm. Người gắt giọng nói:

 

- Đạo vương Khắc Vị Phong… Ngươi đã buộc bần ni phải ra tay khắc chế ngươi.

 

Nói dứt lời Diệu Tịnh sư thái nhìn lại ba vị tiểu ni đứng sau lưng mình.

 

- Tịnh Nghi, Tịnh Vân, Tịnh Ngọc… Bắt Đạo vương cho Sư thái.

 

Ba vị tiểu ni đồng loạt ôm quyền:

 

- Tuân lệnh sư thái.

 

Ba vị tiểu ni cùng lắc người đến Khắc Vị Phong bao quanh chàng. Họ đồng loạt rút trường kiếm phát động trận pháp Lưỡng Nghi Bát Quái Kiếm. Cả một màn kiếm quang do ba vị tiểu ni Hằng Sơn phát ra kết thành một mạng lưới thiên la địa vọng, chụp lên Vị Phong.

 

Những tưởng đâu Khắc Vị Phong sẽ bị khắt khe ngay bởi vòng lưới kiếm ảnh trùng điệp của Tịnh Nghi, Tịnh Vân và Tịnh Ngọc, nhưng thật bất ngờ chỉ với những bước đi như nước chảy mật trôi, chàng đã thoát ra khỏi màn kiếm quang trùng điệp kia. Chàng bước ra khỏi vùng kiếm quang đó mà tưởng như kẻ du lãng chẳng chút khó khăn gì.

 

Diệu Tịnh sư thái buột miệng thốt:

 

- Y…

 

Diệu Tịnh sư thái không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên bởi chứng nghiệm bộ pháp thần kỳ của Khắc Vị Phong mà thốt ra câu nói đó. Tịnh Nghi, Tịnh Vân và Tịnh Ngọc vừa dùng trận pháp vây lấy Vị Phong cũng phải thu hồi kiếm. Cả ba không khỏi ngạc nhiên với bộ pháp thần kỳ của chàng. Không chỉ đối phương thoát được ra khỏi Lưỡng Nghi Càn Khôn Kiếm Pháp mà còn khiến cho cả ba người phải hoa mắt với bộ pháp đó.

 

Diệu Tịnh sư thái phán lệnh:

 

- Lui lại.

 

Tịnh Nghi, Tịnh Vân và Tịnh Ngọc đồng lui lại sau lưng Diệu Tịnh sư thái. Diệu Tịnh sư thái định nhãn nhìn Khắc Vị Phong nghiêm giọng hỏi:

 

- Khắc Vị Phong Đạo vương… Ngươi vừa dùng tà thuật gì vậy?

 

- Tại hạ có cần nói cho sư thái biết không?

 

Thở hắt ra một tiếng, Khắc Vị Phong nói:

 

- Sư thái chỉ nên biết tại hạ có tà thuật… Thì nên tránh xa tại hạ là đủ rồi. Sư thái đừng truy sát kẻ bại hoại đê tiện này nữa.

 

Hừ nhạt một tiếng, Diệu Tịnh sư thái gằn giọng nói:

 

- Khắc Vị Phong… Ngươi nghĩ có tà thuật rồi bần ni sợ ngươi.

 

Chàng khoát tay:

 

- Tại hạ không nghĩ sư thái sợ tại hạ. Tại hạ nghĩ khác.

 

- Ngươi nghĩ gì?

 

- Tại hạ nghĩ sư thái là kẻ háo danh.

 

Đôi uy nhãn của Diệu Tịnh sư thái dựng đứng lên, mở to hết cỡ nhìn chàng. Người rít giọng nói:

 

- Đạo vương Khắc Vị Phong… Ngươi nói sao… Bần ni là kẻ háo danh sao? Bần ni trừng trị một kẻ bại hoại như ngươi mà là kẻ háo danh à?

 

- Thế sư thái có chắc chắn Khắc Vị Phong này là kẻ bại hoại không?

 

Sắc diện Diệu Tịnh sư thái đỏ bừng thẹn thùng. Người miễn cưỡng nói:

 

- Ngươi là kẻ băng hoại cả võ lâm đều biết.

 

- Cho là như vậy đi… Thế sư thái giết được hay bắt được tại hạ được gì nào. Tât nhiên được sự ngưỡng mộ của giới võ lâm giang hồ. Muốn kẻ khác ngưỡng mộ mình, không phải là kẻ háo danh à. Hay sư thái đang muốn tạo dựng thanh thế và tiếng tăm như Thượng Quan Đại Phu?

 

Vị Phong hừ nhạt gắt giọng hỏi:

 

- Ai cũng muốn mình được như Thượng Quan Đại Phu tiên sinh, nhưng tại hạ thì không. Tại hạ không muốn mình giống như vị tiên sinh tiếng tăm lừng lẫy đó đâu… Và trong mắt tại hạ cũng không có vị kỳ nhân Thượng Quan Đại Phu mà giới võ lâm của các người ngưỡng mộ ca tụng.

 

Diệu Tịnh sư thái khoát tay, lắc đầu nói:

 

- Bần ni thế thiên hành đạo, đâu cần để tai đến những lời nói gian trá của ngươi.

 

- Tại hạ cũng không muốn sư thái phải nghe những lời nói của mình. Nghe hay không là quyền của sư thái. Còn tại hạ và sư thái chẳng có quan hệ gì. Không thù, không oán, không ân không nghĩa và cũng không từng quen biết nhau. Sư thái đừng làm khó Khắc Vị Phong này.

 

- Nói thế ngươi muốn bần ni để yên cho ngươi chứ gì?

 

- Đúng… Sư thái không làm gì được Khắc Vị Phong này đâu.

 

- Hồ đồ. Bần ni không tin không khắc chế được ngươi.

 

Lời còn đọng chên cửa miệng. Diệu Tịnh sư thái giũ mạnh hữu thủ. Một đạo khí kình xô tới Khắc Vị Phong.

 

Không dùng bộ pháp Vô Ảnh cước né tránh mà Vị Phong dùng chưởng đón thẳng đỡ thẳng lấy chưởng khí của Diệu Tịnh sư thái.

 

- Ầm…

 

Chàng dùng chưởng đón thẳng đỡ thẳng lấy chưởng công của vị Sư thái Hằng Sơn phái vì muốn chứng nghiệm nội lực của mình.

 

Khi chưởng ảnh của chàng chạm vào khí kình của Diệu Tịnh sư thái mới hối hận. Sau tiếng sấm chưởng dữ dội, thân pháp Khắc Vị Phong bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất, đẩy ngược về phía sau, va lưng vào tán cây đại thụ.

 

- Huỵch…

 

Chàng có cảm tưởng kinh mạch mình bị đứt đoạn, khí huyết nhộn nhạo, mắt hoa đầu ù, lục phủ ngũ tạng lộn nhào cuối cùng phún ra một bụm máu rưới đỏ mắt đất trước mũi giày.

 

Diệu Tịnh sư thái nhìn Vị Phong nói:

 

- Đạo vương… Ngươi đã biết phận mình rồi chứ?

 

Câu nói này của vị Sư thái Hằng Sơn phái khiến Vị Phong phẫn uất. Chàng ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt sư thái Diệu Tịnh nói:

 

- Tại hạ biết phận thì đã sao nào?

 

- Ngươi còn chưa biết quỳ xuống ư?

 

- Nếu không thì sao nào?

 

Hừ nhạt một tiếng, Diệu Tịnh sư thái nói:

 

- Tiểu tử bỉ ổi… bần ni buộc ngươi phải nằm xuống.

 

Cùng với lời nói đó, Diệu Tịnh sư thái lắc vai lướt đến. Ngọn phất trần được Diệu Tịnh sư thái dồn công lực vào, biến thành một chiếc bút cứng như sắt điểm tới yết hầu của Vị Phong.

 

Ngọn phất trần vừa điểm tới thì Vị Phong đã thi triển Vô Ảnh cước lách tránh. Nội lực của chàng không thể so sánh bằng với Diệu Tịnh sư thái nhưng Vô Ảnh cước thì vẫn có uy lực vô biên khác thường, khiến cho đầu ngọn phất trần không thể đâm trúng chàng. Khắc Vị Phong mũi phất trần điểm vào tán cây đại thụ.

 

- Chát.

 

Lá cây rào rào tuôn xuống bởi sự chấn động dữ dội khi tiếp ngọn phất trần của vị sư thái Hằng Sơn phái. Mặc dù tránh được chiêu công của Diệu Tịnh sư thái, nhưng xương sống Khắc Vị Phong cũng gai lạnh bởi uy lực của chiêu công đó.

 

Chàng nghĩ thầm: “Nếu như mình không tụ thành thuật Vô Ảnh cước thì chắc chắn đã mất mạng bởi chiêu công này rồi. Tại sao vị sư thái đây lại muốn giết mình bằng được chứ.”

 

Ý niệm còn đọng trong đầu chàng thì áp lực của ngọn phất trần lại ập tới, Vị Phong không chút chần chừ thi triển Vô Ảnh cước. Diệu Tịnh sư thái lại công hụt chàng. Thân pháp của Khắc Vị Phong lúc ẩn, lúc hiện, huyền diệu vô biên khiến cho Diệu Tịnh sư thái cũng phải hoa mắt. Công liền một lúc ba mươi chiêu, tất cả những chiêu thức đều là sở học đắc ý nhất của Diệu Tịnh sư thái nhưng tuyệt nhiên chẳng có chiêu nào khả dĩ chạm được đến chéo y của chàng chứ đừng nói là những tử huyệt trên người Vị Phong.

 

Mặc dù là người chủ động công kích Khắc Vị Phong nhưng Diệu Tịnh sư thái lại là người bị tổn hao nguyên ngương thần khí, trong khi đó, ngược lại Khắc Vị Phong càng thi triển Vô Ảnh cước kỳ diệu hơn.

 

Nhân dạng của chàng lúc bên trái lúc bên phải, lúc biến hóa thành muôn vạn chiếc bóng khiến cho sư thái hoa mắt. Lúc đầu còn hoa mắt nhưng rồi sau đó thì không còn định thần làm chủ được mình. Diệu Tịnh sư thái cứ như bị nhân dạng huyền vi, biến hóa của Khắc Vị Phong thâu tóm lấy thần nhãn mà làm cho người choáng váng rơi vào cảnh giới hư thực không làm chủ được mình.

 

Công tiếp mười chiêu nữa thì Diệu Tịnh sư thái loạng choạng, rồi ôm lấy đầu.

 

- Ôi cha…

 

Thốt ra câu nói đó, Diệu Tịnh sư thái thối liền năm bộ, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm mặt. Mặc dù bị chaóng váng, hoa mắt, ù tai nhưng Diệu Tịnh sư thái vẫn không thể thu hồi uy nhẫn mà cứ đăm đăm nhìn vào cõi hư vô trước mặt mình.

 

Vị Phong thu hồi Vô Ảnh cước chắp tay sau lưng nhìn Diệu Tịnh sư thái. Khi chàng không thi triển Vô Ảnh cước nữa, Diệu Tịnh Sư thấi mới lấy lại thần thức và rùng mình một cái.

 

Sư thái Diệu Tịnh chau mày gắt giọng nói:

 

- Tiểu tử, bản lĩnh tán công của ngươi cũng khá lắm, nhưng ngươi không thể thoát khỏi sự trừng trị của chánh đạo võ lâm đâu.

 

- Tại hạ nghĩ một thời gian nào đó mình sẽ không bị săn đuổi như bây giờ.

 

Buông tiếng thở dài, Vị Phong nói tiếp:

 

- Ai cũng có quyền săn đuổi tại hạ, nhưng tại hạ xin sư thái đứng bắt chước người ta đi săn Khắc Vị Phong này.

 

Chàng ôm quyền xá:

 

- Tại hạ cáo từ sư thái.

 

Vị Phong nói rồi dợm bước quay lưng. Chàng vừa quay lưng thì bất thình lình Diệu Tịnh sư thái vỗ mạnh chưởng vào cán ngọn phất trần. Một âm thanh khô khốc đập vào thính nhĩ của Vị Phong.

 

Nghe âm thanh khô khốc đó, Vị Phong giật mình. Chàng nghĩ thầm: “Ta sai rồi.”

 

Ý nghĩ còn đọng trong đầu chàng thì lưng Vị Phong có cảm giác rát buốt. Chàng chúi người đến trước, toan thi triển Vô Ảnh cước nhưng tứ chi mềm nhũn ra chẳng thể nào gượng được mà đổ sập xuống đất.

 

Chàng chỏi tay gượng đứng lên toàn thân chàng nóng hừng hực, tứ chi thì bủn rủn, tê rần như thể người mất hẳn sinh lực.

 

Diệu Tịnh sư thái chấp tay sau lưng bước đến trước mặt Khắc Vị Phong:

 

- Ngươi sẽ không thoát khỏi tay bần ni.

 

Vị Phong nhìn Diệu Tịnh sư thái bằng ánh mắt uất hận. Chàng lắc đầu nói:

 

- Sư thái có đáng là bậc trưởng bối không?

 

Sắc diện Diệu Tịnh sư thái đỏ rần khi phải nghe lời nói này của Khắc Vị Phong. Người cảm nhận chân diện nóng bừng như vừa phải hứng cả một gáo nước sôi vào ngay chánh diện.

 

* * *

 

Ngồi trên mạn thuyền, bó gối, Vị Phong ngắm nhìn con thuyền nan xa xa qua màn sương khói trên mặt nước Trường Giang. Từ trong khoang thuyền Tịnh Nghi bước ra, tiến bên chàng. Mặc dù nàng vẫn trang phục ni cô nhưng chân diện vẫn toát ra vẻ đài các, với phong thái của trang thiên kim lá ngọc cành vàng.

 

Vị Phong nhìn nàng.

 

Bước đến bên Vị Phong, Tịnh Nghi đưa chén cơm chay ra trước mặt chàng.

 

Nàng nhỏ nhẹ nói:

 

- Công tử hãy dùng chén cơm chay của tiểu ni.

 

Nhìn vào mắt nàng, Khắc Vị Phong từ tốn nói:

 

- Tại hạ là kẻ bại hoại mà vẫn được sư thái cho ăn cơm à.

 

Nàng lắc đầu:

 

- Cơm của Tịnh Nghi cho công tử.

 

Dung diện chàng lộ vẻ sững sờ. Chàng miễn cưỡng hỏi:

 

- Chén cơm này của ni cô?

 

Tịnh Nghi gật đầu.

 

Đôi chân mày Vị Phong nhíu lại:

 

- Sao ni cô chừa phần cơm của mình cho Khắc Vị Phong.

 

Vẻ bối rối lộ trên mặt Tịnh Nghi. Nàng miễn cưỡng đáp lời chàng:

 

- Tịnh Nghi biết công tử đã đói.

 

Nhếch hai cánh môi gượng cười, Vị Phong nói:

 

- Đúng là tại hạ đang đói, nhưng không dám nhận chén cơm này của ni cô.

 

- Sao công tử lại không nhận. Tiểu ni có lòng tốt với công tử mà.

 

- Tại hạ lấy làm lạ… Với một kẻ bại hoại, đê tiện và bỉ ổi như tại hạ mà cô nương đối xử tốt như vậy.

 

- Tiểu ni không muốn thấy người đau khổ thôi.

 

- Tấm lòng của ni cô dúng là tấm lòng của Bồ Tát. Vị Phong cảm kích vô cùng.

 

Chàng gượng cười rồi nói tiếp:

 

- Nhưng tại hạ không tiếp nhận chén cơm này của ni cô đâu.

 

- Công tử ngại à?

 

- Không phải tại hạ ngại trong chén cơm này có thuốc độc hay bất cứ thứ gì khác mà ngại khi tại hạ dùng chén cơm nàu rồi ni cô sẽ bị đói. Nhường chén cơm chi Vị Phong rồi ni cô lấy gì ăn.

 

- Tịnh Nghi không đói đâu… Công tử đừng ngại.

 

- Vị Phong cần một thứ khác hơn.

 

- Công tử cần gì?

 

- Nếu ni cô có lòng quảng đại của Bồ Tát thì hãy giải khai huyệt đạo cho tại hạ. Khắc Vị Phong này sẽ bồi đáp thịnh tâm Bồ Tát của ni cô.

 

Tịnh Nghi lắc đầu.

 

- Điều công tử xin, Tịnh Nghi không thể bồi đáp được.

 

Thở hắt ra một tiếng, Vị Phong hỏi:

 

- Tịnh Nghi sợ sư thái Diệu Tịnh qưở trách.

 

Tịnh Nghi gật đầu.

 

Buông tiếng thở dài, Vị Phong nói:

 

- Nếu ni cô Tịnh Nghi suy nghĩ sẽ thấy sư thái Diệu Tịnh như thế nào. Nếu như tại hạ đường đường chính chính bị sư thái thu phục thì chẳng nói làm gì, nhưng đằng này sư thái lại đánh lén sau lưng tại hạ mới có thể bắt được Khắc Vị Phong này. Ni cô nghĩ lại xem, hành động của sư thái có đúng không?

 

Chàng gượng cười rồi nói tiếp:

 

- Tại hạ không xem Hằng Sơn phái là chính phái, Diệu Tịnh là bậc trưởng bối thì đã không thất thủ để rồi phải ngồi đây chờ chén cơm của ni cô.

 

Nàng ngượng ngùng, cúi mặt nhìn xuống.

 

Vị Phong nhìn nàng nói tiếp:

 

- Ni cô Tịnh Nghi phóng thích cho tại hạ xem như đã lấy lại thể diện cho Hằng Sơn phái của sư thái. Còn nếu khăng khăng giữ tại hạ e rằng cái danh của Hằng Sơn sẽ mai một trong một sớm một chiều.

 

Nàng nhìn lại Vị Phong nhỏ nhẹ nói:

 

- Công tử… Tịnh Nghi chỉ có thể cho công tử chen cơm của mình chứ không thể giúp công tử đầo thoát được.

 

Chàng lắc đầu:

 

- Nếu không giúp tại hạ đào thoát… Tại hạ không dám nhận chén cơm của ni cô.

 

- Tịnh Nghi không phóng thích công tử bởi vì công tử là Đạo vương Khắc Vị Phong…

 

Vị Phong cướp lời nàng:

 

- Đạo vương Khắc Vị Phong là tên bại hoại.

 

Nàng gật đầu:

 

- Đúng như vậy. Phóng thích cho công tử, rồi công tử lại đi gieo họa cho bá tánh. Tội lỗi của công tử tạo ra khiến cho quỷ thần cũng phải phẫn nộ.

 

- Thế tại sao Tịnh Nghi ni cô không nghĩ, tại hạ là người bị hàm oan. Tại sao không nghĩ tất cả nhưũng gì người ta thêu dệt lên người Khắc Vị Phong này là những điều gian trá và đê tiện.

 

Chàng buông tiếng thở dài rồi nói:

 

- Nếu ta nói kẻ bại hoại và đê tiện là Thượng Quan Đại Phu tiên sinh. Ni cô có tin không?

 

Nàng lắc đầu:

 

- Không thể tin được lời của công tử.

 

- Tịnh Nghi không tin Thượng Quan Đại Phu là kẻ băng hoại sao lại tin vào lời dèm pha của thiên hạ cho Khắc Vị Phong là kẻ bỉ ổi chứ. Chẳng lẽ người có danh phận thì là kẻ hoàn hảo, còn người vô danh như Khắc Vị Phong lại là kẻ tiện nhân bỉ ổi sao?

 

Chàng nói rồi im lặng nhìn Tịnh Nghi.

 

Hai người đối mặt với nhau. Đôi mắt đượm nét buồn vời vợi của Khắc Vị Phong lọt vào hai con ngươi của nàng. Nàng bất giác nhẹ buông tiếng thở xa.

 

Vị Phong từ tốn nói:

 

- Nếu như trong thiên hạ này, bất cứ ai có được bằng chứng Khắc Vị Phong là người hãm hại Diệp Diệp tiểu thư… Thì tại hạ sẽ dâng đầu của mình cho người đó. Tại hạ cầu mong ni cô đừng tin vào những lời dèm pha xỏ xiên của bọn tiểu nhân gian trá, mà gán cho Khắc Vị Phong sự ô uế bại hoại.

 

Chàng nhẹ buông tiếng thở dài, nói tiếp:

 

- Ni cô hãy tin đi… Tại hạ không phải là kẻ bại hoại như người ta nói đâu. Khắc Vị Phong đang tìm cách lấy lại sự trong sạch của mình.

 

- Sự thật Khắc công tử không phải là kẻ bại hoại à?

 

- Tại sao tại hạ phải làm như vậy chứ. Nhưng bây giờ Khắc Vị Phong có nói thế nào thì Tịnh Nghi cũng không tin.

 

Nàng lưỡng lự nhìn chàng, nhu hoà nói:

 

- Công tử hãy dùng chén cơm này, rồi Tịnh Nghi sẽ vào xin với sư thái. Nếu như công tử khôg là con người đồi bại kia, nhứt định sư thái sẽ phóng thích cho công tử.

 

Vị Phong lắc đầu:

 

- Tịnh Nghi ni cô ngây thơ quá, Diệu Tịnh không bao giờ phóng thích tại hạ. Nói thật cho nàng biết… Cho dù Diệu Tịnh sư thái có đủ bằng chứng khẳng định tại hạ không phải là kẻ gieo nghiệp ác với Diệp Diệp thì cũng không phóng thích tại hạ đâu.

 

Đôi chân mày của Tịnh Nghi nhíu lại:

 

- Công tử nói vậy là sao?

 

Chàng gượng cười từ tốn nói:

 

- Tại hạ biết một điều chắc chắn rằng, Diệu Tịnh sư thái sẽ giao nộp tại hạ cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh. Nộp tại hạ cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh, Hằng Sơn phái lập được công lớn. Không chừng sẽ được Thượng Quan Đại Phu tiên sinh giúp cho phát dương quang đại trở thành thiên hạ đệ nhất phái nữa.

 

Tịnh Nghi lắc đầu:

 

- Công tử đừng nghĩ vậy… Sư thái không phải là người hám danh đâu.

 

- Tại hạ được quyền nghĩ sư thái là người hám danh chứ, cũng như Sư thái đã nghĩ Khắc Vị Phong này là kẻ thủ ác với Diệp Diệp tiểu thư.

 

Chàng nhếch môi mỉm rồi nói:

 

- Nói không có ý lập công với Thượng Quan Đại Phu tiên sinh. Diệu Tịnh sư thái đã không cố ý đánh lén từ phía sau tại hạ.

 

Tịnh Nghi đỏ mặt thẹn thùng.

 

Nàng miễn cưỡng nói:

 

- Sư thái chỉ muốn khắc chế công tử trừ họa cho bá tánh thôi.

 

- Nếu sư thái muốn thế thiên hành đạo, trừ gian diệt ác thì trước tiên phải có hành động quang minh chính đại chứ. Không có hành động quang minh chính đại thì đâu thể thế thiên hành đạo được. Không chừng ông trời cũng phải phẫn nộ khi nghe người ta mạo phạm đến sự thiêng liêng của đấng hóa công đó.

 

Chàng cắn răng trên vào môi dưới trang trọng nói:

 

- Tại hạ rất cảm kích tấm lòng từ bi của Tịnh Nghi ni cô, nhưng không thể tiếp nhận sự ban ân này. Nếu ni cô không thể phóng tích tại hạ thì hãy quay vào đi.

 

Tịnh Nghi bối rối nhìn chàng, Nàng miễn cưỡng nói:

 

- Công tử không nhận chén cơm của Tịnh Nghi à?

 

- Không. Ăn chén cơm của ni cô, tại hạ không thể trả lại. Bởi khi được trao vào tay Thượng Quan Đại Phu, tại hạ sẽ là một xác chết. Một xác chết thì không thể trả ân cho người gieo ân. Hay nhất là không nên nhận ăn, để rồi không phải trả lại cho người trong kiếp lai sinh.

 

Lời nói này của Vị Phong càng khiến Tịnh Nghi bối rối. Nàng còn đang bối rồi thì nghe tiếng tằng hắng.

 

Tịnh Nghi quay lại, thấy Diệu Tịnh sư thái đã bước ra khỏi khoang thuyền nhìn nàng.

 

Tịnh Nghi cúi đầu nhỏ nhẹ nói:

 

- Tịnh Nghi bái kiến sư thái.

 

Diệu Tịnh bước đến bên TỊnh Nghi.Nhìn qua mặt nàng, rồi chiếu uy nhãn xuống chén cơm đặt trước mặt Vi Phong. Diệu Tịnh gắt giọng nói:

 

- Ai đem cơm ra cho gã tiểu tử bại hoại này.

 

Tịnh Nghi bối rối:

 

- Chính Tịnh Nghi đem phần cơm của mình cho Khắc công tử.

 

Diệu Tịnh sư thái nhìn lại nàng hừ nhạt một tiếng rồi nói:

 

- Sư thái có bảo con đem cơm cho gã không?

 

Tịnh Nghi cúi mặt nhìn xuống sàn thuyền như thể người có tội.

 

Hừ nhạt một tiếng Diệu Tịnh nghiêm giọng nói:

 

- Hằng Sơn phái của ta không có thừa cơm để ban phát cho những gã đê tiện và bỉ ổi như Đạo Vương Khắc Vị Phong.

 

Vị Phong ngẩng lên nhìn sư thái Diệu Tịnh. Chàng từ tốn nói:

 

- Sư thái đừng nóng giận mà mất đi đạo hạnh người đã dày công vun đắp. Tại hạ chưa dùng cơm của Hằng Sơn phái của sư thái kia mà. Cơm của Hằng Sơn chắc chắn không còn dư để cho những chúng sinh thất cơ lỡ vận, nhưng sẽ có thừa để tiếp đãi những cao nhân như Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.

 

Chàng nheo một con mắt, biểu lộ sự khinh thị, nói tiếp:

 

- Sư thái hãy giữ lại chén cơm của Tịnh Nghi mà dâng hầu cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.

 

Chàng điểm nụ cười mỉm:

 

- Chắc chắn Thượng Quan Đại Phu tiên sinh sẽ ban thưởng hậu hỷ cho sư thái.

 

Chàng bật ra tiếng cười khan rồi nói tiếp:

 

- Nhận chén cơm này, không chừng Thượng Quan Đại Phu tiên sinh còn bồi đắp lại cho sư thái gấp bội phần.

 

Chàng ngẩng mặt nhìn bầu trời đang sẫm dần.

 

- Kẻ tu hành cũng bị vinh hoa lẫn danh tiếng làm cho mờ mắt ra đó.

 

Những lời nói của chàng khiến sắc diện của Diệu Tịnh sư thái tái hẳn lại.

 

- Tiểu tử… Ngươi ám chỉ ta.

 

Chàng cười gằn.

 

- Tại hạ nào dám ám chỉ ai: Phàm những kẻ có cái tâm u ám thì hay ngộ nhận lời nói của người khác.

 

Mặt Diệu Tịnh sư thái sa sầm. Người gay gắt nói:

 

- Bần ni có thể giết ngươi đó.

 

Vị Phong ngẩng lên nhìn vào mắt Diệu Tịnh sư thái. Chàng ôn nhu nói:

 

- Tại hạ đang ở trong tay sư thái, sư thái muốn lấy mạng lúc nào không được. Nhưng tại hạ nghĩ sư thái chưa muốn giết tại hạ đâu.

 

Diệu Tịnh sư thái cau mày:

 

- Bần ni muốn giết ngươi lúc nào không được chứ. Một kẻ bại hoại đê tiện và bỉ ổi như ngươi thì đến cả quỷ thần cũng căm phẫn. Bần ni có lấy mạng ngươi cũng vì bá tánh. Bần ni khai giới sát sinh lấy mạng một gã tiểu tử đê tiện bỉ ổi. Phật tổ cũng không trách bần ni đâu.

 

Vị Phong cười khẩy, ngửa mặt nói:

 

- Biết như vậy, sao sư thái còn chần chờ gì nữa mà chưa ra tay.

 

Đôi chân mày Diệu Tịnh sư thái nhíu lại.

 

Vị Phong nhướng mày.

 

- Vị Phong chính là hung thủ sát hại Diệp Diệp đó. Là kẻ bại hoại đó. Sư thái hãy xuống tay lấy mạng kẻ bại hoại này đi.

 

Diệu Tịnh gằn giọng nói:

 

- Tiểu tử thách thức bần ni à.

 

Vị Phong gật đầu:

 

- Đúng…

 

Diệu Tịnh lộ vẻ bối rối.

 

Vị Phong cười khẩy rồi nói:

 

- Sư thái không lấy mạng Khắc Vị Phong Đạo vương này đâu. Bởi vì Khắc Vị Phong biến thành một xác chết. Sư thái chẳng được gì cả. Còn Đạo vương Khắc Vị Phong sống, sư thái mới có cơ hội lập công lớn với Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.

 

Chàng cười khẩy:

 

- Tại hạ nói đúng chứ?

 

Mặt Diệu Tịnh sư thái sa sầm. Người từ từ dựng hữu chưởng.

 

Vị Phong không một chút e dè, nhìn thẳng vào mắt Diệu Tịnh sư thái.

 

Chàng điểm nụ cười mỉm biểu hiện sự khinh miệt của mình.

 

Vị Phong nói:

 

- Khắc Vị Phong sẵn sàng chết rồi đó. Mời sư thái cứ ra tay.

 

Tiếng nghiến răng bật ra từ cửa miệng Diệu Tịnh sư thái. Vẻ bất nhẫn lộ rõ trên mặt người, rồi bất ngời hữu chưởng của người giáng thẳng xuống đầu Vị Phong.

 

Tịnh Nghi buột miệng thốt:

 

- Sư thái…

 

Nhưng tưởng đâu chưởng công của Diệu Tịnh đã đập vỡ sọ Khắc Vị Phong nhưng rồi nó dừng lại ngay trên đỉnh đầu chàng. Vị Phong vẫn giữ vẻ bình thản, điểm nụ cười mỉm.

 

- Sư thái còn ngập ngừng gì nữa. Kẻ bại hoại Khắc Vị Phong đáng chết lắm.

 

Chàng vừa thốt dứt câu, Diệu Tịnh sư thái trở hữu chưởng tát vào mặt chàng.

 

- Bốp…

 

Nhận trọn một chưởng của Diệu Tịnh sư thái vào mặt, để lại dấu ấn chưởng đỏ ối, Khắc Vị Phong tối tắm mặt mày. Máu từ khoé miệng chàng trào ra. Mặc dù vậy chàng vẫn cương liệt, gắt giọng nói:

 

- Sư thái tặng một chưởng như thế, đâu thể lấy được mạng gã tiện nhân bỉ ổi này.

 

Diệu Tịnh sư thái hừ nhạt một tiếng nói:

 

- Bần ni để ngươi sống để Thượng Quan Đại Phu tiên sinh phán xử ngươi.

 

Vị Phong phá lên cười khanh khách. Chàng vừa cười vừa nói:

 

- Tại hạ đã đoán đúng tim sư thái rồi… Sư thái không giết tại hạ bởi vì còn có đệ tam nhân đằng sau lưng người. Đệ tam nhân đó chẳng phải ai khác mà chính là Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.

 

Hừ một tiếng, Diệu Tịnh sư thái nói;

 

- Ngươi muốn nói gì cũng được. Nhưng ngươi sẽ phải quy đầu thọ tội trước quần hùng võ lâm và Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.

 

- Đừng nói những lời đó với Khắc Vị Phong. Tại hạ đã hiểu sư thái đang làm tất cả để Thượng Quan Đại Phu tiên sinh đoái hoài đến sư thái.

 

Diệu Tịnh lườm chàng, rồi bưng lấy chén cơm trút qua mạn thuyền đổ xuống sông. Người vừa đổ chén cơm vừa nói:

 

- Tiểu tử không đáng dùng chén cơm của Hằng Sơn phái.

 

- Cơm của Hằng Sơn phái tại hạ không dám dùng đâu, chỉ sợ cho Tịnh Nghi không còn thứ gì để ăn buổi chiều nay thôi.

 

Chàng mỉm cười nhìn qua Tịnh Nghi. Nàng không khỏi bối rối và lúng túng khi nhận ánh mắt đó.

 

Diệu Tịnh sư thái quay lại Tịnh Nghi:

 

- Tịnh Nghi đừng buộc sư thái phải trừng phạt con vì sự độ lượng với gã tiểu nhân bỉ ổi này.

 

Nói rồi Diệu Tịnh sư thái đi thẳng vào trong khoang thuyền. Tịnh Nghi nhìn lại Vị Phong một lần nữa rồi bước theo chân Diệu Tịnh sư thái.

 

Tịnh Nghi bỏ đi rồi, Khắc Vị Phong mới dựa lưng vào mạn thuyền nhìn lên bầu trời đang sạm dần, cho đến khi những vì sao từ từ mọc ra. Chàng khẽ buông tiếng thở dài nghĩ đến lúc phải đối mặt với Thượng Quan Đại Phu mà nghĩ thầm: “Đúng là ta không còn chỗ để dung thân trong cõi đời này.”

back top