Đạo Ma Nhị Đế

Chương 76: Mất trâu sửa chuồng

Âu Dương Ngọc Kỳ từ từ bước qua vọng cửa, vào trưởng lão viện.

Tám đệ tử dàn hầu nghinh đón. Họ đã hiểu rõ sự tình, và bắt đầu hận Châu trưởng lão lôi cuốn họ vào hành động phản nghịch.

Vừa lúc đó bên trong viện có tiếng cười vang lên, một đoàn người tiến ra, đi đầu là Tố Dung cô nương.

Nàng đang hân hoan đó, vừa gặp Âu Dương Ngọc Kỳ vụt òa lên khóc, nhào ngay vào lòng nàng.

Cả hai mừng mừng tủi tủi, không ai nói được tiếng nào. Nhưng những giọt lệ kia đã thay lời nói lên niềm tha thiết của họ.

Kế đến, Quân sơn dật tẩu Ngô Độc Hạo, Thiên du tử Huỳnh Ngươn Long và mười ba trưởng lão đồng bái kiến chưởng môn.

Âu Dương Ngọc Kỳ an ủi mỗi người một câu, đoạn cùng tất cả vào đại sảnh.

Lại tiếp nối lễ ra mắt của người trong viện với các vị trưởng lão tổ sư từ địa phủ trở về.

Ai ai cũng hân hoan, chỉ có Lý Giao thì bẻn lẻn, áy náy.

Từ Nhân Thọ mỉm cười, hỏi:

- Lý huynh còn nhớ chưởng kình của tiểu đệ vừa rồi chăng?

Lý Giao ấp úng:

- Từ sư đệ nhắc làm chi! Ngu huynh đáng tội lắm!

Lão hỏi lại:

- Hỏa dược dưới nền viện, sư đệ có nhớ đến không?

Từ Nhân Thọ bật cười ha hả:

- Hỏa dược dưới nền viện? Làm gì có hỏa dược?

Lý Giao giật mình:

- Thế...

Từ Nhân Thọ vẫn cười vang:

- Lịnh thì lịnh, thi hành thì không, làm gì có được?

Lão nghiêm giọng nói tiếp:

- Thực ra lão phu không chôn hỏa dược tại đây, mà chôn tại chánh điện, giả như chưởng môn không trở về thì số hỏa dược đó sẽ dành cho Châu trưởng lão.

Lý Giao rung người buột miệng thở dài:

- Thì ra ai ai cũng trung tâm thành ý, riêng có lão phu là có mắt như mù!

Âu Dương Ngọc Kỳ truyền lịnh cho Lý Giao và Từ Nhân Thọ đi mời Chung trưởng lão đến họp mặt.

Không lâu lắm, cả hai trở lại, có cả Chung trưởng lão.

Chung trưởng lão đã được họ tóm lược sự tình cho biết mới thức ngộ ra mình bị Châu trưởng lão lừa, nên đến nơi liền quỳ lạy chưởng môn tạ tội.

Thế là Âu Dương Ngọc Kỳ đã thu phục toàn bộ nhân số đệ tử Vô Vi phái lưu lại Thánh cung.

Nàng không tưởng là mọi diễn tiến quá dễ dàng và nhanh chóng như vậy, tự nhiên nàng cao hứng vô cùng.

Mà tất cả mọi người cũng cao hứng như nàng, họ đã kịp thời dừng bước quay đầu, tránh được hành động đáng tiếc, đắc tội với vong linh chư tổ.

Họ cùng bàn đến sự việc trong tương lai, trừng phạt thủ phạm, cảnh tỉnh những người còn lầm lạc, chấn chỉnh môn phong.

Bỗng Âu Dương Ngọc Kỳ hỏi Lý Giao:

- Thói thường trưởng lão làm cách nào để liên lạc với Châu trưởng lão tại Trung Nguyên?

Lý Giao đáp:

- Châu trưởng lão có lưu lại đây cho đệ tử hai con chim câu đặc biệt, nếu cần báo tin quan trọng và khẩn, thì cho các chim đó bay về.

Âu Dương Ngọc Kỳ lại hỏi:

- Còn như Châu trưởng lão muốn liên lạc Lý trưởng lão thì sao? Cũng dùng chim câu phải không?

Lý Giao gật đầu:

- Phải! Cứ ba tháng một lần, dù có việc, dù không, song phương đều thông tin tức cho nhau biết, trừ trường hợp đặc biệt thì phải thông báo cấp thời.

Âu Dương Ngọc Kỳ trầm ngâm một chút:

- Chắc Lý trưởng lão có hay trước cái tin bổn tòa hồi cung?

Lý Giao lại gật đầu:

- Có! Song tin tức không đề cập đến các vị tổ sư và trưởng lão, nhờ thế mà đệ tử mới có cơ hội ăn năn, trở về đường chánh.

Cái ý của lão là giả như lão hay trước Lữ Trường Lâm và Thôi Phúc còn sống, cùng theo Âu Dương Ngọc Kỳ trở về thì hẳn lão không xuất hiện, lão sẽ an bày một âm mưu khác.

Và như vậy là khó tránh những sự đáng tiếc.

Vừa lúc đó, một đệ tử mang vào một con chim câu đặc biệt, đồng thời báo trình:

- Có tin từ Trung Nguyên tới!

Lý Giao tiếp lấy, nhặt phong thơ cột nơi chân chim, không dám tự chuyên mở xem, dâng lên chưởng môn, thốt:

- Tin của Châu trưởng lão, trình chưởng môn xem qua!

Âu Dương Ngọc Kỳ mở thơ, nhìn qua một thoáng, điểm một nụ cười, thốt:

- Châu trưởng lão quả là tay lợi hại! Lão đã tra ra tên họ các vị tổ sư và trưởng lão sống sót từ địa phủ trở về! Rất tiếc cho lão là chậm mất thời cơ!

Nàng trao cho Lữ Trường Lâm, rồi tiếp:

- Châu trưởng lão rất lo ngại chúng ta trở về, nên giục Lý trưởng lão cho biết gấp sự tình ra sao? Sư tổ nghĩ xem, chúng ta có nên nhân cơ tựu kế chăng?

Lữ Trường Lâm xem thơ rồi đáp:

- Lão phu có kế này, có thể làm cho Châu Thiên Nhậm phải vỡ mật một phen. Nhất định là hắn không trở tay kịp!

Âu Dương Ngọc Kỳ gật đầu:

- Sư tổ là bậc tài trí hẳn kế phải cao thâm!

Lữ Trường Lâm tiếp:

- Cứ để cho Lý Giao báo cáo với hắn là chúng ta mắc mưu vào Viện trưởng lão, bị hỏa pháo nổ tung, chết không còn một mạng, được tin đó, hắn sẽ an lòng, không đề phòng bọn ta nữa, rồi bất thình lình chúng ta vào Trung Nguyên, tấn công thủ phủ. Thi hành kế đó, chúng ta cầm chắc cái thắng trong tay!

Âu Dương Ngọc Kỳ tán đồng ngay. Nàng hỏi ý kiến toàn thể.

Thôi Phúc trầm ngâm suy nghĩ một lúc, đoạn cất tiếng:

- Lý Giao có thể đề nghị với Châu Thiên Nhậm, là cái họa tâm phúc đã diệt trừ rồi thì nên giảm thiểu số người lưu lại Thánh cung. Thành phần giảm thiểu số sẽ được đưa về Trung Nguyên, tăng cường lực lượng Vô Cực phái. Chúng ta trà trộn trong thành phần giảm thiểu tránh được mọi nghi ngờ.

Lữ Trường Lâm bật cười ha hả:

- Thôi sư điệt có ý kiến rất hay! Phải đó, chúng ta cần dấu hành tung, và không biện pháp nào hữu hiệu bằng cách ấy!

Đoạn Âu Dương Ngọc Kỳ bảo Lý Giao thảo thư phúc đáp liền.

Sau cùng, họ bàn đến những chi tiết quanh hành trình trở lại Trung Nguyên.

Trước hết họ phải tranh thủ thời gian, bởi con đường dài vạn dặm, nếu ung dung tiến hành thì phải mất nhiều ngày tháng, mà sự tình không thể để lâu, càng để lâu càng dễ bị lộ.

Họ phải kiêm trình.

Hàng cao thủ thì kham vất vả bôn ba, còn hạng thấp kém làm sao đủ sức theo kịp?

Do đó họ quyết định để lại Thánh cung những người kém võ công, chỉ chấp thuận cho những tay khá lên đường.

Dĩ nhiên, Âu Dương Ngọc Kỳ lãnh đạo, còn các người khác là bọn Lữ Trường Lâm mười hai người, bọn trưởng lão bị giam cầm mười ba người, cùng Ngô Độc Hạc, Huỳnh Ngươn Long, Tố Dung cô nương, Lý Giao và Từ Nhân Thọ.

Tất cả là ba mươi hai người.

Cuộc thảo luận xong rồi, Âu Dương Ngọc Kỳ đứng lên, chỉnh sắc mặt, thốt:

- Bây giờ bổn tòa xin tuyên bố trưóc đông đủ các vị một điều quan trọng, mong các vị thuận ý thành toàn.

Mọi người không hiểu nàng muốn nói gì mà làm ra vẻ trịnh trọng cực độ, ai ai cũng giật mình.

Họ chờ nghe.

Âu Dương Ngọc Kỳ tiếp:

- Bổn tòa tiếp vị chưa được hai năm, là biến cố phát sanh, điều đó chứng tỏ bổn tòa còn nhỏ tuổi, chưa đủ oai vọng lãnh đạo một môn phái lớn. Vì tiền đồ của toàn thể, vì môn phong, bổn tòa quyết định bắt đầu từ phút giây này, nhượng vị lại cho Hội đồng trưởng lão, tự mình xem như kẻ có tội, chờ sau khi các vị trưởng lão chỉnh lý môn hộ, sẽ sẵn sàng thọ phạt theo nghị xử cộng đồng.

Lữ Trường Lâm lắc đầu, thở dài:

- Nói nhảm, thân phận một chưởng môn không cho phép nói những lời đầy tính khí trẻ con.

Âu Dương Ngọc Kỳ nghiêm giọng:

- Bổn tòa đã nghĩ kỷ về vấn đề này từ lâu và cũng từng biết dụng tâm của Châu trưởng lão đối với bổn tòa như thế nào. Châu trưởng lão là một người đa mưu túc trí, quyết đoán, nếu không có một người hậu thuẫn vững chắc thì chẳng khi nào dám làm cái việc thay bậc đổi ngôi như thế này, với con người đó, không phải là chúng ta hưng binh vấn tội, mà lại cúi đầu nhận tội ngay cho!

Dừng lại một chút, nàng tiếp:

- Giả như bổn tòa lấy tư cách chưởng môn, suất lĩnh các vị trưởng lão, đương đầu với họ Châu với mục đích là thanh lý môn phái, vạn nhất Châu trưởng lão cho rằng bổn tòa vì quyền lợi mà tranh chấp với lão, thì các vị sẽ có thái độ thế nào? Nếu có cuộc tương tranh, thì chẳng hóa ra Vô Vi phái chia đôi, mỗi bên giành một số người, người bên nào bênh vực bên đó, thành ra khó xử cho các vị biết bao.

Lữ Trường Lâm cười lạnh:

- Nếu Châu Thiên Nhậm hành động như vậy, lão phu trước hơn ai hết sẽ xuất thủ giết hắn.

Âu Dương Ngọc Kỳ thở dài:

- Như vậy là sư tổ chủ trương cực đoan, và các vị trưởng lão cũng khó tránh cái tiếng thiên vị!

Thôi Phúc chen vào:

- Điều cần là chúng ta lập tâm chánh đáng, hắn có nói gì mặc hắn.

Âu Dương Ngọc Kỳ trầm giọng:

- Song phương có thái độ tích cực, là phải có chiến đấu, và chính những đệ tử trong bổn phái phải ngã gục, làm con chốt lót đường cho cuộc cờ tương tàn tương sát! Đó là điều đại bất hạnh cho Vô Vi phái! Châu trưởng lão dù có chết cũng đáng tội của lão, còn các vị khác, họ có tội gì phải chịu tai họa?

Lữ Trường Lâm cãi:

- Cái tâm nhân từ, ai ai cũng có, nhưng vì cái tâm nhân từ mà để bại hoại cơ đồ của các vị tổ sư, thì đó là sự đáng trách! Chưởng môn muốn làm một cuộc thanh lý mà lại để nhân từ chi phối thì sự việc không lưỡng toàn được đâu! Lão phu nghĩ rằng muốn bảo vệ thinh danh của tiền nhân, chúng ta phải dùng biện pháp mạnh!

Âu Dương Ngọc Kỳ phân trần:

- Bổn tòa nhượng vị là áp dụng phương sách lưỡng toàn đó tổ sư! Thiết tưởng các vị nên chấp thuận lời thỉnh cầu của bổn tòa.

Lữ Trường Lâm chớp mắt:

- Lưỡng toàn như thế nào?

Âu Dương Ngọc Kỳ giải thích:

- Châu trưởng lão chỉ trích một bổn tòa, nếu bổn tòa nhượng vị, chờ các trưởng lão hội đồng nghị xử, còn việc thanh lý môn hộ thì do các vị đảm đương. Châu trưởng lão không còn lý do chống đối nữa, lão có thể tranh chấp với bổn tòa, chứ không thể phản kháng hội đồng trưởng lão. Lão căm hận, bất phục là do ý riêng của lão, còn các người theo lão, họ chỉ biết đạo lý thôi. Khi lão đuối lý rồi, các người kia sẽ bỏ rơi lão, lúc đó lão chỉ còn một mình, bắt buộc lão phải tuân phục các vị, trừ trường hợp lão phủ nhận môn phái. Trong trường hợp này, các vị có muốn dùng biện pháp mạnh cũng chẳng có ai dị nghị được.

Lữ Trường Lâm gật đầu.

Ai ai cũng khen ngợi Âu Dương Ngọc Kỳ có lòng nhân hậu, biết tránh cuộc tương tàn, bảo trì những phần tử ưu tú khỏi phải chết oan, mà thành ra thực lực của môn phái phải suy kém!

Từ khước quyền lợi, nghĩ đến tiền đồ của môn phái, nàng biểu hiện rõ tâm địa thuần mỹ, một con người như nàng phải cho là phi phàm.

Lữ Trường Lâm thở dài:

- Kỳ nhi! Luận về nhân tài, ngươi là người duy nhất trong bổn phái suốt trăm năm sau này, lão phu thành thật khâm phục ngươi đó. Vì tương lai bổn phái, ngươi cam tâm khuất phục, chẳng phải bất cứ ai cũng có thể chấp nhận một hy sinh cao cả như ngươi! Bất quá, khi cuộc thanh lý kết thúc rồi, ngươi sẽ...

Âu Dương Ngọc Kỳ reo lên, ngăn chận lão. Nàng không muốn cho lão dứt câu, bởi nàng biết lão sẽ nói gì, và cái điều lão nói ra không đúng với nguyện vọng của nàng hiện tại.

Nàng thốt:

- Đa tạ sư tổ chấp nhận lời thỉnh cầu của Kỳ nhi! Từ giây phúc này, Kỳ nhi sẽ không còn là chưởng môn nữa. Kỳ nhi phải làm lễ bái kiến các sư công, sư thúc, sư bá, với thân phận mới.

Nàng lần lượt lạy các vị trưởng lão, kể cả Lý Giao là người trước đó thân hành lịnh của nàng.

Ai trông vào nàng cũng xúc động, bồi hồi.

Riêng nàng thì vui thích vô cùng, trút bỏ gánh nặng trên vai, nàng nghe nhẹ người, lòng sảng khoái vô tưởng.

Nàng thoái vị, thì quyền lãnh đạo tạm thời do Lữ Trường Lâm chấp chưởng.

Đoàn người khởi hành, rời Cao Lương Sơn, trực chỉ Trung Nguyên.

Vào đến Trung Nguyên, họ nghe quần hùng tụ hội tại Mịch La. Họ đi thẳng đến đó.

Tiếp được tin của Lý Giao, Châu Thiên Nhậm đinh ninh là bọn Âu Dương Ngọc Kỳ đã chết hết.

Cho nên lão ta không tưởng nổi là bọn Âu Dương Ngọc Kỳ cũng có mặt tại Mịch La.

Châu chưởng môn không còn hậu hoạn, lão chú trọn tâm tư vào đại cuộc, trước hết lão trở mặt với Tào Duy Ngã, mạnh mẽ trách cứ lão âm mưu hãm hại quần hùng mà không chừa Vô Cực phái ra.

Lão sẵn sàng ứng phó nếu Tào Duy Ngã không nhân nhượng.

Đồng thời lão cho sứ giả tiếp xúc với Triệu Sĩ Nguyên, thuyết phục chàng, xoa diệu mọi hiềm khích.

Sứ giả của Châu Thiên Nhậm là Quách Khiêm.

Sau khi biết được Vô Vi Tiên Tử và bọn Lữ Trường Lâm đã trở lại Cao Lương Sơn, Quách Khiêm hấp tấp cáo từ Triệu Sĩ Nguyên định trở về đài trường, thông tri cho những vị trưởng lão bất mãn Châu Thiên Nhậm, bàn cách giải cứu vị chưởng môn tiền nhiệm.

Nhưng về đến nơi, Quách Khiêm chưa kịp trình báo kết quả của sứ mgạng, bỗng một đệ tử mang cho Châu Thiên Nhậm một con chim câu.

Lấy bức thơ nơi chân chim mở ra xem, Châu Thiên Nhậm biến đổi thần sắc liền.

Lão xé nát bức thơ, quăng lên không, chưa hết tức, lão lại vung tay đánh theo một chưởng, chưởng phong quét tới cuốn luôn những mảnh giấy vụn bay đi, tản mác quanh cao đài.

Không ai rõ trong thơ có gì, làm cho lão mất bình tĩnh như thế.

Quách Khiêm nóng lòng vì công việc của mình, định báo cáo công tác xong là liên lạc với các vị đồng môn, tìm cách giải cứu Vô Vi Tiên Tử, bất chấp Châu Thiên Nhậm đang bực tức, bước tới thốt:

- Chưởng môn...

Châu chưởng môn trầm gương mặt lạnh lùng gắt:

- Gấp chi thế?

Liền theo đó, Châu Thiên Nhậm gọi bốn đệ tử tâm phúc, dùng pháp truyền âm phân phó.

Bốn đệ tử lập tức rời đài trường.

Bây giờ lão mới hướng qua Quách Khiêm bảo:

- Ngươi đi mời gấp Tào lệnh chủ đến đây, cho lão ấy biết là ta có việc cần thương lượng.

Quách Khiêm còn nói gì được nữa? Pháp dụ của chưởng môn, dĩ nhiên là lão phải tuân hành, những gì muốn nói lão đành gát lại, miễn cưỡng bước đi.

Tình thế lúc đó giữa Vô Tình cung và Vô Cực rất căng thẳng, song phương như kiếm tuốt vỏ, cung thẳng giây.

Phải chịu mỉa mai qua mấy chặng đường, dù mỗi chặng chỉ là mấy thước, Quách Khiêm mới vào lọt vòng trong gặp mặt Tào Duy Ngã.

Tào Duy Ngã cười lạnh hỏi:

- Quý chưởng môn muốn dồn ép bổn lệnh chủ vào cái thế thù địch phải không?

Tuy bất bình với thái độ của Tào Duy Ngã, Quách Khiêm vẫn giữ tròn lễ, vái chào lão xong, thốt:

- Tệ chưởng môn kính mời lệnh chủ đến hội kiến, thảo luận điều quan trọng.

Tào Duy Ngã lấy làm lạ:

- Tôn giá đến đây ước hội với lão phu?

Quách Khiêm đã nói rõ ràng, thế mà Tào Duy Ngã còn gặn hỏi lại. Điều đó chứng tỏ lão ta cũng nóng hội kiến với Châu Thiên Nhậm.

Lão ta chỉ sợ Vô Cực phái trở mặt thực sự, bây giờ nghe nói là Châu Thiên Nhậm muốn gặp lão, tự nhiên lão vừa nôn nóng vừa hy vọng.

Nhưng Quách Khiêm đang có nhiều tâm sự, thì còn nghĩ gì đến ngoại cảnh mà phát hiện mọi biểu lộ trên gương mặt của lão ta?

Bất quá Quách Khiêm còn giữ được phần nào cái vẻ tự nhiên, tương đương tròn lễ vậy thôi, chứ thần trí của lão hướng nội hoàn toàn.

Lão đáp:

- Tại hạ vâng lệnh chưởng môn bổn phái đến thỉnh lệnh chủ.

Bỗng Tào Duy Ngã bật cười ha hả, hai tay chụp xuống đầu vài Quách Khiêm, tỏ lộ sự thân thiết phi thường, tiếp:

- Phiền cho Quách lão đệ quá chừng, phải vất vả đi tới đi lui như thế này, Quách lão đệ về báo cho Châu huynh biết, là lão phu đến ngay.

Quách Khiêm thầm nghĩ:

- Tại sao Tào Duy Ngã đáp ứng gấp thế? Lão không dè dặt lòng người à?

Lão cáo từ Tào Duy Ngã, trở về phục lịnh với Châu Thiên Nhậm.

Châu Thiên Nhậm lại bắt lão ta ở bên cạnh, không cho đi đâu cả, đồng thời ra lịnh cho tất cả những người khác, xuống bên dưới.

Như vậy là lão muốn trong cuộc hội đàm với Tào Duy Ngã, chỉ có mỗi một mình lão với Quách Khiêm mà thôi.

Không lâu lắm, Tào Duy Ngã đến.

Người chưa đến, tràng cười đã đến tai Châu Thiên Nhậm trước khi người đến rồi, một câu khách sáo vang lên:

- Châu huynh! Chúng ta giao hảo với nhau, tình đồng ruột thịt, tiểu đệ không hề cố kỵ những người trong quý phái, thì hà tất Châu huynh lại bảo họ rời xa?

Lúc đó những sư đệ và đệ tử của Châu Thiên Nhậm đã cách xa quá đài trường cao độ năm trượng, họ quy tụ lại một chỗ giữa đài trường.

Tào Duy Ngã tiếp luôn:

- Hãy gọi tất cả trở lại đi, Châu huynh!

Tào Duy Ngã không đến một mình, bên cạnh lão ta có Võ lâm nhất quái Cổ Kim Đồng.

Châu Thiên Nhậm điểm một nụ cười, bước ra nghinh tiếp, đồng thời buông một câu thâm hiểm:

- Hay quá! Hay quá! Khi người, khi ta!

Cái ý của lão muốn nói là nếu lão không ra lịnh cho các đồng môn đi xa thì chẳng khi nào Tào Duy Ngã dám đến đây mà chỉ mang theo có một người.

Tào Duy Ngã sợ Châu Thiên Nhậm thốt lên câu bóng gió bao hàm cái đó, nên phải tỏ ra cứng cỏi, ngờ đâu Châu Thiên Nhậm vẫn móc khéo như thường.

Hai con hồ ly gặp nhau, cả hai cùng móc, cùng cười vang để khỏa lấp cái đuôi chồn mà cả hai khó dấu.

Tào Duy Ngã bật cười ha hả, Châu Thiên Nhậm cũng cười ha hả, đúng là cười trừ với nhau.

Sau đó, Châu Thiên Nhậm ngưng cười, thách một câu:

- Giả như tiểu đệ điềm nhiên tọa thị, thì cái gã Triệu Sĩ Nguyên đó đã tạo nên khó khăn cho Tào huynh không ít!

Tào Duy Ngã nhìn qua Cổ Kim Đồng một thoáng, rồi đáp:

- Nếu hiểu rộng ra ngoài câu nói của Châu huynh thì lão phu nhận thấy Triệu Sĩ Nguyên không còn là một cây đinh trong con mắt của Châu huynh!

Cổ Kim Đồng dụ thuyết, Quách Khiêm du thuyết, Châu Thiên Nhậm biết mà Tào Duy Ngã cũng biết, không ai man trá được ai, có điều họ không rõ kết quả cuộc du thuyết của đối phương như thế nào.

Nhưng cứ theo khẩu khí của Tào Duy Ngã, thì cuộc du thuyết của Cổ Kim Đồng thất bại.

Châu Thiên Nhậm chừng như hiểu được điều đó, nên điểm một nụ cười tiếp:

- Bổn tòa thỉnh lệnh chủ đến đây là để kiểm điểm cái kết quả của cuộc tiếp xúc giữa chúng ta và Triệu Sĩ Nguyên. Chúng ta đừng dấu diếm nhau điều chi cả.

Tuy Châu Thiên Nhậm chưa nghe Quách Khiêm chánh thức báo cáo kết quả sứ mạng, song nhìn thần sắc của Quách Khiêm, lão đã đoán được phần nào.

Đoán được đại khái kết quả khả quan, lão không ngần ngại đi ngay vào việc.

Quách Khiêm kinh hãi, không rõ Châu Thiên Nhậm có ý từ gì lại đề cập đến một việc cần giữ bí mật.

Châu Thiên Nhậm day qua Quách Khiêm bảo:

- Hãy cho Tào lệnh chủ biết chúng ta đã nhổ cây đinh trong mắt rồi hay chưa.

back top