Đau thương đến chết

Quyển 2 - Chương 30: Khai quật kho báu

Quyển 2 - Chương 30: Khai quật kho báu
Mùa đông năm nay đến sớm, nhưng lại có vẻ không sớm trôi đi. Trên đường phố của đô thị phồn hoa, gió lạnh như có cánh lượn qua khu rừng bê tông cốt thép tạt vào mặt người đi đường, khiến đôi mắt trong trẻo long lanh bị khô nhanh, khiến làn da mịn màng bị nứt nẻ, khiến con tim nồng nhiệt phải tái tê.
Tư Dao đang cất bước, nhưng không biết mình đang đi về hướng nào.
Có lẽ đi về hướng cái chết.
Cô vẫn không thể hoàn toàn tin những thông tin mà Chương Vân Côn cho biết, ngoài điều duy nhất và rõ ràng: đó là một tin xấu. Thường Uyển và cô sinh viên kia đều đột tử vì bệnh viêm cơ tim, họ đều đã từng đến hang Thập Tịch, ở mắt cá chân đều có hình quả tim vỡ.
Mắt cá chân của Tư Dao cũng có hình quả tim vỡ.
Chẳng khác nào cô đã bị tuyên án tử hình.
Theo Chương Vân Côn suy đoán, dấu vết đó có thể là vết răng của một loài động vật nhỏ nào đó. Khi mọi người lội nước trong hang, đều mãi xem những cỗ quan tài treo kỳ lạ nên không chú ý. Răng loài vật ấy có thể có chất gây tê nên người ta bị cắn mà vẫn không biết. Thực ra vết ấy rất nhỏ, không soi kính lúp thì rất khó nhìn ra.
Rất có thể con vật hoặc côn trùng kia khi cắn đã truyền một loại virút nào đó cho du khách vào hang quan tài treo.
Tư Dao cố nhớ lại trước khi chết, Thương Tiểu Mạn đã có một thời gian không được khoẻ; Thường Uyển cũng mệt nhọc, kéo cô đi cùng để khám bệnh, được kết luận là "nghi viêm cơ tim"; còn Viên Thuyên thì sao? Tư Dao nhớ Viên Thuyên đã viết trên blog rằng gần đây người rất khó chịu.
Mình cũng từng có cảm giác đó, tức ngực, hụt hơi, tim đập không đều... vẫn cho rằng đó là do sợ hãi. Rất có thể là viêm cơ tim cũng nên.
Mình nên làm gì đây?
Chương Vân Côn góp ý cô nên đi khám các vấn đề liên quan đến tim. Sẽ khá tốn kém đấy, nhưng không thể coi thường.
Nếu xác định rằng mình bị viêm cơ tim. Rồi sao nữa?
Vân Côn nói, hiện nay chưa có cách điều trị trực tiếp hữu hiệu đối với căn bệnh viêm cơ tim, chủ yếu vẫn là nghỉ ngơi điều dưỡng. Tuyệt đại đa số các ca viêm cơ tim đều sẽ dần dần tự khỏi. Nhưng Tư Dao có cảm giác rằng mắc bệnh viêm cơ tim do đã vào hang Thập Tịch, điều này cũng quái dị như chính cái hang đó – không dễ gì tự khỏi được! Nếu không, thì các bạn cô đã không lần lượt ra đi!
Mình sẽ chết như thế nào?
Đột tử.
Đột tử dường như là tất nhiên. Trong cuộc nói chuyện với Vân Côn, hai người cùng phân tích rằng, trong số những người từng vào hang Thập Tịch đã chết, chỉ trừ có Kiều Kiều là do Lâm Mang giết hại, còn lại đều có thể giải thích là đột tử. Anh sinh viên Trương Thông sau khi "chấm hết" tình yêu, đã bị chiếc xe tải đâm chết. Có người đã chứng kiến anh ta đứng im ở giữa đường, rất có thể là do tâm trạng bị xáo trộn, tim bị nghẽn đột ngột không bơm máu, tim bị liệt vì thế anh ta không kịp tránh chiếc xe tải đang lao tới. Trước cái chết bất ngờ của anh, cô người yêu trước đó tên là Phó Sương Khiết, hối hận tự trách mình; khi đi bơi, lặn xuống đáy hồ, đã đột tử; mà người ta chỉ coi là một tai nạn chết đuối. Lại còn một sinh viên chết ngạt do khí gas, xác nằm vật ra ở nhà bếp, trên bếp gas còn một soong mỳ đã bị đun cạn, rất có thể là do nấu mỳ bị trào nước, làm tắt bếp gas, định khoá gas lại nhưng đã chết đột ngột. Một sinh viên đang làm vệ sinh lau cửa kính ở ký túc xá bị rớt xuống tầng một, rất có thể là do đột nhiên nhịp tim rối loạn, nên mất thăng bằng rồI ngã xuống. Còn cô sinh viên đang thực tập trong một ca mổ, bất chợt ngã dúi về phía trước, bị con dao mổ đâm trúng cổ chết ngay lập tức, có thể nói là rất kỳ cục, nhưng nếu cô ấy cũng bị rối loạn nhịp tim hoặc đã đột tử rồi, thì mọi chuyện đều có thể giải thích.
Trong số các bạn của mình, Viên Thuyên chết vì tai nạn lái xe trên đường cao tốc. Liệu cô ấy có cảm thấy bị rối loạn nhịp tim, bị hụt hơi hoặc đau ngực, vì thế mà không điều khiển nổi xe nữa. Vì đường đông xe, cô ấy không thể đỗ vào lề đường, cuối cùng đã gây ra tai nạn? Tại sao cô ấy còn dùng đèn cảnh báo để đánh tín hiệu "Đau thương đến chết" bằng mã số điện báo? Có lẽ cô ấy đã cảm thấy cái chết là tất yếu, hay là đã nhìn thấy ông già mặc áo mưa?
Thương Tiểu Mạn trước lúc chết thì như hoá điên, liệu có phải cảm thấy tim mình rất không bình thường không? Hay là cũng nhìn thấy ông già mặc áo mưa? Tiểu Mạn là người rất mê tín, liệu có cho rằng ông già ấy là thần chết thật, nên mới muốn đỗ xe lại để nhìn cho rõ, nhưng hậu quả lại gây nên một bi kịch khủng khiếp? Có phải rối loạn nhịp tim sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, rồi sinh ra hành vi bất thường? Chương Vân Côn nói không thể là như vậy.
Cái chết của Lâm Mang thì xảy ra ngay trước mắt mình; anh ta bất chợt nổi xung, tay đang bị còng nhưng vẫn lao vào mình, Đồng Thụ và một cảnh sát nữa chạy vào ngăn chặn. Trong lúc giằng co thì chiếc còng tay đập vào đầu anh ta. Liệu có phải anh ta đã đột tử khi đang vật lộn nên mới không kiểm soát được bản thân không?
Ai có thể cho mình biết, mình sẽ chết như thế nào?
Còn về Lâm Nhuận, anh ấy cũng đã vào hang Thập Tịch, chắc là ở mắt cá chân cũng có hình quả tim vỡ.
Anh ấy đang đi làm, có lẽ đang họp nên không nghe điện thoại, không nghe di động. Tư Dao nhắn vào máy, dặn anh khẩn trương đi viện khám tim mạch.
Cô đã có suy nghĩ mới về bốn chữ "Đau thương đến chết".
Thật kỳ lạ, ông già mặc áo mưa ấy đang sắm vai gì trong câu chuyện này? Ông ta tung ra E-mail, để cho mình và mọi người trở thành vật hi sinh cho một trò độc ác? Hay là ông ta có ý bảo vệ mình và mọi người? Trước tiên là khuyên can đừng vào hang, về sau thì rất đau xót thương cảm có mặt ở các hiện trường?
Cũng chính ông ta đã vài lần cứu mình. Không phải ông ta thì có thể là ai?
Lại còn gia đình ông Lý Bá Thụy, cô em của Lịch Thu nữa. Họ cũng từng vào hang Thập Tịch, liệu có phải họ cũng đột tử vì viêm cơ tim không? Không thể. Vì trong cả hai nhóm người năm ngoái vào hang Thập Tịch, không có ai chết trùng ngày với người khác. Trừ phi, họ thuê tàu đi chơi, và cũng có hành vi bất thường – bệnh tim đột biến – như là Thương Tiểu Mạn.
Nghĩ đến đây Tư Dao thấy ớn lạnh.
Cô không đi bệnh viện mà ngồi xe điện ngầm trở về nhà.
Đi khám, nhận được kết quả "nghi viêm cơ tim", để làm gì? Để rồi sợ hãi suốt ngày đêm ư?
Nếu là cách đây vài tháng thì cô sẽ cực kỳ lo lắng, nhưng sau khi trải qua bao xáo trộn, đau buồn vì các bạn phải bỏ mạng, tận mắt chứng kiến những người vô tội bị sát hại, thần kinh của cô đã có phần tê liệt. Thực ra đó là một sự phản kháng lặng lẽ âm thầm.
Giữa ban ngày, cả ngôi nhà vắng lặng. Cô quyết định khám phá bức tường kép kia.
Mấy hôm nay cô như người bị bỏ bùa mê, toàn giam mình trong cái ngăn tường kép này.
Ngăn tường rộng một mét, sâu hai mét. Bò qua lối vào bí mật dưới sàn căn phòng của cô là vào được. Bên trong tối đen như mực, chỉ có thể dùng đèn pin chiếu sáng. Đáy của khoảng trống này là đỉnh của khối gỗ đã thả chạm xuống mặt sàn tầng hầm còn hai bên "tường" là những khung gỗ chất đủ các thứ.
Đập vào mắt cô là hai dãy các quả cầu pha lê, cả thảy gồm 20 quả.
Trong mỗi quả cầu pha lê đều có một mô hình xinh xắn thể hiện các kiến trúc khác nhau, hoặc là ngôi nhà ở hoặc là cao ốc đồ sộ... nóc nhà đều phủ một lớp bông tuyết.
Kích cỡ của các quả cầu này y hệt quả cầu mà Viên Thuyên đã cho cô. Thì ra chúng đều là của ông Lý Bá Thụy, chứng tỏ vị kiến trúc sư này rất có tình cảm với các tác phẩm của mình, đã mời thợ làm các mô hình rồi đặt vào quả cầu pha lê để kỷ niệm. Nếu đúng là thế thì mọi thứ đặt ở đây đều là đồ quý của ông Lý Bá Thụy.
Rõ ràng trước kia Viên Thuyên đã từng vào đây. Chưa biết chừng đám tiền khổng lồ kia cũng là chuyển từ đây ra!
Ông Bá Thụy là một kiến trúc sư tương đối thành đạt, làm ăn ở cả Âu Mỹ lẫn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông ta giàu có thì chẳng phải là điều lạ. Viên Thuyên đã phải chuyển tiền từ đây đi, vì chỉ có thể lợi dụng một khoảng thời gian ngắn khi đến xem nhà; rồi sẽ xử lý sau.
Vậy thì Viên Thuyên là hạng người tối mắt vì tiền, đã làm cái hành vi rất nên sám hối. Đồng thời, rất có thể Viên Thuyên đã phát hiện ra đầu mối quan trọng nào đó, rất có thể là liên quan đến "Đau thương đến chết", nên mới gửi cho mình quả cầu pha lê, gợi ý mình tìm ra bức tường kép này.
Kể từ đêm hôm nọ Tư Dao đã quyết tâm sẽ lần xem các thứ đặt trên hai cái giá này.
Nhưng ban ngày thì phải đi làm, buổi tối thì thời gian chỉ có hạn.
Mỗi lần vào bức tường kép này, cảm giác sợ hãi không gian khép kín lại tăng lên. Thậm chí đã vài lần cô thấy kinh hoàng, bủn rủn. Tuy nhiên cô vẫn giữ kín cái thông tin có tính đột phá này, không nói với bất cứ ai. Cô ngày càng nhận ra rằng, trong việc này càng nhiều người biết thì mình càng thêm mệt mỏi.
Kể cả Chung Lâm Nhuận cũng không được biết.
Cô luôn cảm thấy mình đã làm liên lụy đến anh, khiến anh bị giày vò cả thể xác lẫn tinh thần mà chưa biết phải làm gì để có thể bù đắp cho anh.
Mình phải gánh vác mọi chuyện ở đây.
Ngoài các quả cầu pha lê ra, còn có một số túi đồ ăn và chai nước khoáng. Tại sao ông Lý Bá Thụy lại dùng cái không gian quý giá để chứa mấy thứ rẻ tiền này?
Hay là ông có ý đề phòng chuyện bất trắc? Nếu gặp nguy hiểm, cả nhà ông sẽ tạm trốn vào đây, đã có đủ đồ ăn thức uống trong một thời gian nhất định?
Tư Dao chợt thất rùng mình.
Tại sao, tại sao phải lo xa dự phòng trước như vậy?
Chuyện này có nói lên điều gì về cái chết của cả nhà ông không, nếu nó là vụ giết người – như Lịch Thu đã phỏng đoán?
Chưa biết chừng, nếu lật giở toàn bộ cái không gian này thì sẽ tìm ra sự thật cũng nên?
Trên giá gỗ còn có một chùm chìa khóa và một giá chất giấy tờ với rất nhiều các kẹp văn bản. Cô nghĩ, chắc trong này phải có đầu mối quan trọng.
Cô lần giở các kẹp văn bản. Hôm qua cô đã xem một loạt các bản gốc thiết kế xây dựng và nhiều bản hợp đồng với các công ty, các cơ quan chính phủ ở khắp các châu lục. Đọc các hợp đồng, đủ thấy ông Lý Bá Thụy có thu nhập rất lớn. Tuy nhiên, cô không thấy bản hợp đồng nào ký với một đơn vị trong nước. Cô nghe nói chính ông đã thiết kế ngôi nhà này, đương nhiên đây chỉ là "chuyện vặt" nên không có lưu trữ ở đây. Cô lại giở xem vài kẹp văn bản khác, chứa các tài liệu về tài khoản, cổ phiếu, ngoại tệ... Ông ta toàn giữ ngoại tệ, có nhiều tài khoản ở ngân hàng liên doanh Trung Quốc với nước ngoài, có cả tài khoản cao cấp ở ngân hàng Thụy Sĩ.
Điều này chứng tỏ, ông ta không chỉ là nhân vật thuộc nhóm trung lưu tích lũy tài sản. Có lẽ Viên Thuyên đã nẫng tiền bạc của ông ta cất ở đây thật!
Ở giữa giá gỗ là vài khoang trống, đủ để chất bốn chiếc vali to vừa. Có lẽ đây vốn là chỗ để tiền.
Tư Dao định dùng thời gian ban ngày còn lại của hôm nay để xem nốt ba phần tư số tài liệu còn lại. Mai hoặc ngày kia cô sẽ đi viện xin khám tim mạch. Nếu đúng là cô khó mà thoát chết, thì dù biết kết luận ấy sớm hay muộn đôi ba ngày với cô cũng như vậy mà thôi.
Trong một kẹp giấy tờ khá nặng, Tư Dao được biết ông Lý Bá Thụy còn có một danh phận khác.
Ở đây toàn là các tài liệu liên quan đến một cái tên "Tập đoàn Đắc Quảng", gồm hợp đồng, xác nhận tiền gửI; còn có cả một số biên bản hội nghị, trong đó có tài liệu về ngôi nhà này. Thoạt xem qua Tư Dao tưởng ông Thụy đã thiết kế, đầu tư và thuê một đơn vị của công ty xây dựng khai thác địa ốc thuộc "Tập đoàn Đắc Quản" xây ngôi nhà này; nhưng đọc thêm một vài văn bản khác, Tư Dao dần dần hiểu ra rằng ông Thụy là một ủy viên của Hội đồng quản trị tập đoàn Đắc Quảng, tức là tương đương với một cổ đông lớn.
Ông Thụy có nhiều hoạt động kinh tế phức tạp như thế, thì phải chăng không thể nhìn nhận cái chết của ông ta một cách đơn giản?
Cô xem tiếp, thì thấy có hai kẹp chứa văn bản liên quan đến tập đoàn Đắc Quảng: hợp đồng, hợp đồng bổ sung, bản sao các E-mail giữa các bên. Những đám giấy tờ vốn rất vô vị, cô không định đọc bằng hết làm gì.
Do quanh năm làm việc với các loại văn bản chương trình đã tạo cho cô khả năng đọc lướt rất nhanh, nên cô bỗng thành tài, có thể đọc đồng thờI hai văn bản. Vậy là cô đọc mải miết.
Có một bản tiếng Anh, chắc là chính ông Thụy viết, ông đã học tập và làm việc ở Mỹ, nên quen dùng tiếng Anh, điều này cũng dễ hiểu nhưng giữa trang trước và trang sau ý không khớp nhau, rõ ràng là bị mất một trang. Có thể đây chỉ là ngẫu nhiên, nhưng ở một văn bản bổ sung khác cũng mất ít nhất một trang. Một điều đáng ngờ nhất là, có một bản phô-tô ghi chép về thu chi chỉ còn trang đầu và cuối. Tổng số tiền của các khoản ghi trong hai trang này chênh lệch rất xa so vớI tổng số kim ngạch ghi ở cuối cùng.
Tại sao lại mất mấy trang giữa này? Ngoài việc cất nhầm chỗ, liệu có uẩn khúc gì chăng? Ví dụ, đã bị cố ý đưa đi chỗ khác?
Tóm lại, văn bản bị mất liên quan đến "tập đoàn Đắc Quảng".
Tư Dao ra khỏi bức tường kép, lập tức mở máy tính lên mạng tìm trang web và thông tin về tập đoàn Đắc Quảng.Trụ sở tập đoàn này đặt tại một công ty khai thác địa ốc ở đảo Hải Nam. Khác với đầy rẫy các công ty địa ốc "ma", Đắc Quảng là một doanh nghiệp thật sự, đã khai thác và sở hữu hàng trăm toà nhà và khu dân cư. Công ty này thành lập năm 1998, năm 2002 có mặt ở Thâm Quyến; họ có thành tựu vượt trội, là một trong những ngôi sao của ngành địa ốc.
Những điều này càng dễ suy luận rằng nguồn gốc khoản tiền của Viên Thuyên phải có liên quan đến ông Lý Bá Thụy. Ông là một trong những cổ đông lớn của công ty địa ốc tầm cỡ, chỉ riêng lãi được chia hàng năm đã là con số kếch xù.
Liệu một công ty địa ốc nổi danh và đầy tiềm lực có liên quan gì tới cái chết của ông Lý Bá Thụy và "Đau thương đến chết" không? Khi Tư Dao cảm thấy hơi khô khan vô vị, định tự giải thoát, thì một ý nghĩ mạnh mẽ bỗng trỗi dậy. Ông Thụy là cổ đông của Đắc Quảng. Nếu công ty này liên quan đến cái chết của ông, thì có nhiều khả năng bắt nguồn từ sự bất hòa trong nội bộ lãnh đạo công ty. Ban lãnh đạo Đắc Quảng là những người như thế nào?
Trong phần tự giới thiệu tập đoàn Đắc Quảng có nêu vị chủ tịch hội đồng quản trị tên là Ưng Chí Hoành.
Tư Dao tiếp tục tìm kiếm thông tin về "Ưng Chí Hoành". Hàng nghìn trang viết hiện ra. Cô xem lướt, thấy phần lớn nói về quá trình "tay trắng làm nên" của Chí Hoành, bà đã viết nên "thần thoại Đắc Quảng". Chí Hoành không chỉ là một phụ nữ mạnh mẽ mà còn là một người vợ hiền và người mẹ đáng kính. Điều này tràn ngập trên các trang viết. Có vài bài còn xếp Chí Hoành vào nhóm "Mỹ nhân triệu phú".
Một nhân vật siêu hạng trên đời! Thật thế không?
Tính tò mò của Tư Dao càng tăng, cô nhấp vào một vài bài có liên quan đến Chí Hoành. Không thấy đăng ảnh. Cô lục tìm chức năng "ảnh", hàng loạt ảnh liên quan đến Ưng Chí Hoành hiện ra.
Một phụ nữ trung niên vẫn còn xuân sắc.
Trong khoảnh khắc, hình như óc Tư Dao đã bị rút hết toàn bộ huyết dịch, chỉ còn là một khoảng trống rỗng. Trước mắt cô một màu tối đen.
Không sao hiều nổi, tại sao... trời lại sập vào cái lúc rất không nên sập thế này?
Tất cả là vì... cô đã có lần gặp người phụ nữ trong ảnh.
Tại ngay ngôi nhà này.
Ưng Chí Hoành chính là bà mẹ của Chung Lâm Nhuận.

back top