Dịu Dàng Đến Vô Cùng

Chương 20

TIỀN BA, cậu bạn học cùng trường mời Carol ăn cơm, để tỏ lòng mến khách của chủ nhà. Carol đưa từ trong nước sang cho cậu ta nào là trà, khăn lụa toàn tơ, nghe nói đây là những mặt hàng rất được ưa chuộng ở Mỹ.

 

Đến nhà Tiền Ba Carol mới biết, cậu ta tuy là bạn học cùng trường, nhưng lại không nhận ra sân bay đón. Cậu ta đã có bạn gái tên là Ái Kì, học kinh tế, hai người đã sống chung với nhau. Chắc chắn cậu ta không thể ba giờ sáng ra khỏi chăn ấm để đi một trăm dặm Anh đón cô. Từ đây suy ra, có thể chứng minh Jason chưa có bạn gái, điều đó khiến Carol rất vui.

 

Carol đưa quà đến cho Tiền Ba, Ái Kì nhận lấy, nhìn quà, khịt mũi, nói:

 

- Không biết trong nước nghe tin ở đâu cứ nghĩ bọn này ở Mỹ khoái những thứ này lắm hay sao – Nói xong, cô ta ấn những thứ đó vào tay Carol. - Đằng ấy cầm lấy, bọn mình không dùng đâu.

 

Carol cảm thấy rất khó xử, nhận lại quà cũng không tiện, mà không nhận lại cũng không tiện. Có một người bạn khác cùng đến chơi liền giải vây giúp, nói với Ái Kì:

 

- Đằng ấy nhận đi, cứ coi như tấm lòng tốt của người ta, nếu không dùng, đem biếu các bạn Mỹ cũng tốt chứ sao, đầy người Mỹ thích thứ này.

 

Ái Kì miễn cưỡng nhận. Carol rất cảm kích người đã giải vây, quay sang nói chuyện với chị ta. Chị này tên là Tôn Huệ Luân, học cùng với Ái Kì, tuổi cũng phải ngoài ba mươi, có một đứa con lên năm, đứa bé chạy chơi trong nhà, chị cứ phải nhắc nhở thằng con:

 

- Đa Đa, đừng chạy nhảy, chạy nhiều toát mồ hôi rồi cảm, suyễn đấy con ạ.

 

Chỉ một tiếng “suyễn” làm Đa Đa không chạy nhảy nữa, nhưng thằng bé chẳng ngồi yên được lâu, chỉ một lúc sau lại chạy nhảy. Huệ Luân đành phải vừa nói chuyện với Carol, vừa giữ thằng con, để nó không nghịch ngợm.

 

Carol thấy Huệ Luân lớn hơn mình không bao nhiêu, không biết nên gọi thế nào cho tiện. Huệ Luân nói:

 

- Mình đặt cái tên Sally, tùy đấy mà gọi.

 

Huệ Luân thấy Carol là sinh viên mới, liền giới thiệu căn hộ mình sắp cho thuê, bảo mình ở trong khu nhà dành cho những người đã có gia đình của trường, hai phòng, chỉ có sinh viên cùng con mới được ở. Huệ Luân cùng với con ở phòng lớn, còn một phòng nhỏ muốn cho thuê lại. Huệ Luân đã ly hôn, chồng cũ ở trong nước, tiền trợ cấp rất ít, học bổng của Huệ Luân không nhiều, nhà chỉ dùng một nửa, còn một nửa muốn cho thuê lại. Hơn nữa, con chị ta còn nhỏ, phải ở cùng mẹ, phòng nhỏ thành ra lại thừa.

 

Carol nhìn Đa Đa, nghĩ bụng thằng nhỏ này suốt ngày chạy nhảy, sống với nó làm sao học nổi? Cô nói:

 

- Em đã có chỗ ở, hơn nữa cũng ký hợp đồng thuê sáu tháng rồi, bây giờ không có cách nào dọn đi nổi.

 

- Em giúp chị hỏi xem chỗ em có ai muốn thuê lại không? - Huệ Luân nói – Nhà của trường tuy không mới, nhưng tiện, điện thoại, truyền hình, internet bao gồm trong tiền thuê nhà, rẻ hơn thuê bên ngoài.

 

Carol nhận hỏi giúp sinh viên mới đến, cô tỏ ra quan tâm, hỏi:

 

- Chị sống một mình với con nhỏ, lại học tiến sĩ, chắc vất vả lắm nhỉ?

 

- Vất vả không thôi còn khá, Đa Đa ban ngày ở trường, chỉ lo nó ốm, nó có chứng hen, lên cơn hen rất nặng, thường thường đêm hôm khuya khoắt vẫn phải đưa nó đến bệnh viện. Mình lại không biết lái xe, rất may có Jason ở bên cạnh là người đồng hương, chịu khó giúp đỡ, dù đêm hôm gọi là anh ấy giúp đưa đi bệnh viện ngay.

 

Carol ngớ ra, hỏi:

 

- Anh Jason ở gần nhà chị ạ? Jason nào nhỉ? Có phải là anh Giang Thành không ?

 

- Đúng đấy, em quen anh ấy à ?

 

- Anh ấy đón em từ sân bay về. – Carol vội nói với Huệ Luân. - Chị đừng cho ai thuê nhà vội nhé, em về sẽ bàn với chủ nhà thứ hai xem sao, để xem em có thể trả lại hay không, nếu trả lại được em sẽ đến thuê chỗ chị.

 

Huệ Luân vui mừng nói :

 

- Chị cứ để lại cho em. Rất nhiều người sợ trẻ con làm ồn, nhưng thật ra thằng nhỏ nhà chị không làm ồn. Chị cũng rất chú ý không để nó quậy phá. Nếu em dọn đến đấy chị sẽ dạy em cách thổi cơm, giúp em thổi cơm.

 

Đang nói thì Tiền Ba đi tới nói chuyện với Carol, mới nói được vài câu thì Ái Kì gọi anh đi bổ dưa hấu. Carol cảm thấy Ái Kì đề phòng, vừa thấy Tiền Ba đi tới nói chuyện liền gọi Tiền Ba đến giúp. Có thể vì thiên tính của nữ sinh viên, bản thân thích một nam sinh viên liền cảm thấy dưới bầu trời nay đều thích anh kia, đều mong có được cục bảo bối của mình. Carol nghĩ bụng, Tiền Ba có là gì ? Tuy người cao nhưng tướng mạo bình thường, đầu lại hói, hơn nữa đang có hiện tượng phát phì, liệu có đáng phải đề phòng đến thế không ?

 

Bỗng nghĩ, nếu Jason là bạn trai của mình, liệu mình có cần đề phòng những bạn gái khác không nhỉ ? Anh ta liệu có đi đón những bạn gái khác như đón mình hay không ? Carol cảm thấy anh sẽ như thế, vì anh hình như là con người như thế, Lôi Phong sống. Carol đùa thầm, nhưng Lôi Phong của người ta lùn, mắt ti hí, không đẹp trai, người ta muốn giúp ai thì giúp, trở thành gương mẫu thì cứ việc, không thể giúp ai đến độ thầm yêu được đâu. Jason không đủ khả năng ấy, dựa vào đâu anh trở thành Lôi Phong sống được chứ ? Anh vừa đẹp trai vừa ân cần giúp đỡ một cô gái, liệu cô ta không động lòng hay sao ? Mình đâu có giúp ai ? Mình cứ gây rắc rối làm gì.

 

Carol nghĩ, nếu anh là bạn trai của mình, mình sẽ quy định cho anh, không được ra sân bay đón nữ sinh viên, chỉ được đón nam, nhưng bây giờ nam quan hệ với nam cũng không an toàn, không khéo sẽ đồng tính luyến ái. Vậy dứt khoát không cho anh đi sân bay đón bạn, nếu đi thì mình phải ngồi ghế bên cạnh. Rồi cô lại vui vẻ nghĩ, điều này hình như chứng minh anh chưa có bạn gái, nếu không hôm ấy bạn gái anh sẽ không cho anh đi đón.

 

Hôm sau, Carol lấy cái áo của Jason ra, định giặt. Cô mặc cái áo này lúc đổ bệnh, nếu không giặt cứ đem trả anh thì rất không nên. Cái áo không nên giặt bằng máy, cô giặt bằng tay, đầu tiên treo lên vòi hoa sen, một lúc sau nước nhỏ xuống, cô đem ra phơi ở ban công. Buổi chiều, ông Turner, chủ nhà, hết giờ về trước, thấy cái áo phơi ở ban công liền gõ cửa phòng Carol, hỏi có phải cô phơi cái áo kia không. Cô gật đầu, không ngờ cái áo lại có thể làm phiền chủ nhà phải đến thăm tệ xá như vậy.

 

Ông Turner nói với Carol, áo quần giặt xong nên cho vào máy sấy sấy cho khô, không nên phơi ở ban công, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp chung.

 

Carol nghe không hiểu được hết, nhưng đại thể biết rằng không được phơi quần áo ở ban công. Cô rất ngượng, mặt đỏ bừng lên, nói đã rõ, từ nay sẽ không phơi như thế nữa. Cô thầm trách Siêu không dặn cô.

 

Trước khi đi, ông Turner thấy Carol đỏ mặt, ngượng không có nơi trốn, muốn làm dịu bầu không khí, ông liền nói :

 

-Tôi cũng có một cái áo giống như thế, là phần thưởng của nhà trường thưởng cho phụ huynh của học sinh giỏi, vừa thấy cứ ngỡ là của tôi.

 

Ông ta chỉ vào ba chữ CMS, giải thích đó là ba chữ đầu của từ Collins Middle School - Trường Trung Học Collins - con ông ta trước kia học ở trường trung học này, hiện tại đã lên trung học phổ thông rồi.

 

Carol cảm thấy chân lạnh buốt, cô chỉ vào mấy chữ trên áo, khẽ hỏi :

 

- Cái này có ý nghĩa gì ?

 

Ông Turner giải thích, cuối cùng cô đã hiểu ý của những chữ đó, không có gì hài hước, chỉ là câu rất bình thường : “Con tôi được bầu làm học sinh tiên tiến toàn trường”, dịch thẳng ra là: “Con tôi được lên bảng danh dự của nhà trường”.

 

Carol hỏi tiếp:

 

- Chỉ có phụ huynh mới được mặc cái áo này thôi à?

 

- Không phải phụ huynh nào cũng được mặc đâu. – Ông Turner rất tự hào. - Chỉ ai có con được lên bảng danh dự của trường thôi.

 

Carol ngớ người ra, không nhớ ông Turner còn nói những gì nữa, không biết ông ra về từ lúc nào, chỉ trông thấy dòng chữ kia hình như mỗi lúc một to ra, đâp vào mắt: “Con rôi được lên bảng danh dự của trường Trung học Collins”. Điều ấy chứng tỏ Jason đã có con, và con lại đang học trung học nữa. Hèn gì anh hiểu tâm lý nữ sinh viên đến vậy! Carol không muốn tin đó là sự thật. Trông anh không có vẻ là có con là một học sinh trung học. Đúng vậy, có một số đàn ông trông rất trẻ, nhưng là một học sinh trung học phải mười mấy tuổi chứ? Vậy thì anh bao nhiêu tuổi? Bốn mươi chưa? Cô nhớ lại cái vẻ bề ngoài của anh, thật khó nói, có lẽ anh đã bốn mươi, nếu chỉ nhìn vào cặp mắt của anh, có thể cho rằng anh đã bốn mươi.

 

Carol lại nghĩ, anh là hàng xóm của Sally, ở trong khu gia đình, chỉ sinh viên có con nhỏ mới được ở đấy. Lúc ấy đã nghe nói nhưng không chú ý, vì ở trong khu này không có nghĩa là có vợ, có chồng. Nếu dọn vào ở chung với căn hộ của Sally, như vậy cô cũng vào ở trong khu gia đình rồi. Nhưng cái áo khoác này đã làm sáng tỏ sự việc, anh là người đã có vợ, hơn nữa lại có con, cho nên hôm ấy một mình anh lên lầu lấy đồ dùng xuống mà không mời cô lên.

 

Carol rất tức giận, tại sao anh lại như thế? Giấu mình sự việc lớn, nhẫn cưới cũng không đeo, như vậy không phải là giả dối ư? Cần phải có một bộ luật buộc đàn ông đã có vợ trên áo phải ghi chữ “M”[1], hoặc trước ngực đeo tấm thẻ ghi rõ “đã có vợ”, tốt nhất trên mặt ghi dòng chữ “Người đã có vợ” để các cô gái ngốc nghếch nhìn là biết ngay anh ta không phải là trai tân.

 

Nghĩ một lúc, lại cảm thấy anh ta không có làm gì sai, anh không giấu giếm điều gì, cái áo này bỏ trong xe anh lấy đắp cho cô chứng tỏ anh không giấu giếm. Cô không thể vừa gặp đã hỏi ngay anh có gia đình chưa, anh cũng không thể vừa gặp đã khai ra “tôi có gia đình rồi”. Chính là bản thân Carol nghĩ anh là người chưa có vợ, không hỏi rõ đã chui ngay vào tròng.

 

Carol cảm thấy chuyện này không thể không hỏi thẳng anh, nếu không, dù có chết cũng không tin nổi anh đã có vợ, hơn nữa lại có con học trung học phổ thông. Nhưng cô không biết phải hỏi thế nào, nghĩ một hồi lâu mới ra. Cô gọi điện thoại cho anh, bảo với anh:

 

- Cái áo khoác của anh còn ở chỗ em, lúc nào anh đến lấy? Là của anh hay của ai? Nếu là của anh, cứ để đây không sao, nhưng nếu là của người khác thì lấy về trả cho người ta.

 

Trong điện thoại Jason chỉ “ờ” một tiếng, rồi nói:

 

- Không sao, áo của anh, cứ để đấy, không cần phải lấy ngay, bao giờ anh có việc tiện thể ghé qua lấy cũng được.

 

Carol cúp ngay máy, không còn hy vọng, cái áo là của anh, chính miệng anh nói ra điều ấy.

 

____________________________________

 

[1] Viết tắt của từ married – đã kết hôn - ND

back top