Động Đình Hồ Ngoại Sử

Chương 22: Động đình hồ ngoại sử

Trận đánh Trường-an kinh hồn động phách do Phương-Dung thiết kế, Điền Sầm, Tạ Phong, Công-tôn Khôi, Triệu Khuôn, Nhiệm Mãng, Công-tôn Tư và các anh hùng Lĩnh Nam chỉ huy, toàn thắng. Hán thiệt trên hai chục vạn quân, hàng mấy ngàn chiến tướng kinh nghiệm tử trận, khi thiết kế trận đánh, anh hùng Thiên-sơn, Lĩnh Nam chỉ muốn đánh chiếm Hàm-dương, Vị-nam, bức Quang-Vũ bỏ Trường-an, rút quân về giữ Lạc-dương, quần hùng đợi chiếm xong Hàm-dương, Vị-nam kéo quân về uy hiếp Trường-an. Trận Trường-an trong kế hoạch chỉ cầm chân lực lượng Hán, không ngờ lần đầu tiên đội thần nỏ Âu-Lạc xuất hiện, có Thần-tượng hộ tống đạt thắng lợi ngoài sự tưởng tượng, Công-tôn Tư ước tính trong bảy vạn Thiết-kị Hán có tới năm vạn bị Thần-nỏ bắn chết, hầu hết các chiến tướng chết vì tên. Còn đoàn Thần-hầu, Phương-Dung dặn Lục Hầu tướng giả leo lên thành đe dọa quân Hán. Không ngờ chúng được Thần-phong yểm trợ. Lọt vào thành, Lục Hầu tướng cùng hơn sáu trăm Thần Hầu tràn ngập Hoàng-cung khiến bọn Ngự-tiền thị-vệ không còn đủ sức bảo vệ cung quyến vợ con các vương, hầu, chúng phóng hỏa khắp nơi. Vì vậy lực lượng Thiên-sơn có mười vạn mà đánh hai mươi vạn quân Hán bỏ thành Trường-an chạy.

 

Đám anh hùng Tây-vu phần nhiều là trẻ con, tính Thiều-Hoa thích con nít, nàng săn sóc chúng như con đẻ, lại hay chuyện trò với chúng. Chúng tuy gọi nàng là sư-tỷ, nhưng tình cảm chúng coi nàng như mẹ, khi thấy nàng bị bắt, chúng đánh xả láng cứu nàng, Lục Sún cỡi trên sáu con voi đi đầu, phía sau Lục Phong Quận-chúa, Tây-vu Lục-hầu tướng reo hò xua Thần-phong, Thần-hầu đuổi theo.

 

Mặc dầu Phương-Dung cho đánh chiêng thu quân, chúng vẫn xua Thần-ưng, Thần-phong đuổi theo quân Hán, Công-tôn Tư sợ chúng có gì sơ xuất, đốc thúc Tạ Phong, Điền Sầm đem một đoàn Thiết-kị tiếp ứng, bên Hán đi đoạn hậu là Tần-vương Lưu Nghi, khi rời Trường-an trên trăm dặm, ngựa đói lè lưỡi, sĩ tốt mệt mỏi, ông cho đóng quân kiểm điểm binh mã: năm vạn Kị-binh, còn hơn vạn, vợ con tướng sĩ, của cải đều lọt vào tay Thục, Bộ-binh tan rã hoàn toàn. Cũng may vừa lúc đó, một huyện-lệnh nghe xa giá Quang-Vũ tới, sai xuất kho nuôi quân. Quân sĩ đốt bếp nấu nướng, chưa kịp ăn, bỗng chúng la hoảng chỉ lên trời, Tần-vương nhìn theo. Một đoàn Thần-ưng bay lượn vòng vòng.

 

Tần-vương chưa kịp phản ứng, thì hơn trăm thớt voi xuất hiện, quân sĩ kinh hoàng bỏ cả ngựa chạy vào thôn xóm, giữa lúc đó Phương-Dung đuổi tới, gọi Lục Sún trở về gấp, chúng đành líu ríu tuân lệnh.

 

Còn Phương-Dung trước chiến thắng vĩ đại, song nàng buồn muốn khóc, nàng tả xung hữu đột để bắt Quang Vũ đổi lấy Thiều Hoa, nhưng bị thất bại. Trở về trướng, nàng ôm đầu xúc động mạnh, từ ngày Đào Kỳ đi theo tiếng gọi phục-quốc, lúc nào nàng cũng thành công, lần thứ nhất bị thất bại, nàng bồi hồi, nước mắt những muốn chảy ra, nhưng nghĩ lại:

 

– Tiền cổ đến giờ, Hán cũng như Việt ta là nữ tướng đầu tiên đánh những trận long trời lở đất rồi đây muôn nghìn năm sau còn truyền tụng, nếu ta khóc thì còn gì nữ kiệt Lĩnh Nam nữa.

 

Vì vậy nàng không khóc, nàng đứng dậy đi thăm Tiên-yên nữ hiệp, bà đang ngồi nghiến răng vận công, trấn tỉnh cơn đau nhức, Phương-Dung đứng nhìn, không biết giải quyết sao.

 

Tối hôm đó Phương-Dung nhận được tin quân báo:

 

– Có sứ giả Trưng Nhị tới.

 

Phương-Dung truyền đón vào thì ra Sa-Giang, Vương Sa-Giang thấy Công-tôn Tư, quì mọp xuống làm lễ.

 

– Thần Sa-Giang xin tham kiến Thái-tử.

 

Công-tôn Tư không cho quì, cầm tay nàng bảo ngồi xuống bên cạnh, chàng nhìn Sa-Giang nói:

 

– Chắc Trưng Nhị cô nương giúp Thục tiếp thu được thành trì phía Đông rồi phải không ?

 

Sa-Giang nheo mắt cười, nàng vốn dĩ là một người giỏi âm nhạc, cử chỉ nhu hòa, tư thái phiêu hốt, bây giờ nheo mắt coi thật duyên dáng, Vương Sa-Giang hỏi:

 

– Sao sư-huynh biết rõ như thế ?

 

Công-tôn Tư cười:

 

– Gì mà ta không hiểu, này nhé, sư muội là võ tướng lại là tiên nga của âm nhạc. Người giỏi âm nhạc bao giờ cũng nhạy cảm, buồn vui không dấu nổi được ai, sư muội được Trưng cô nương sai đi, mặt tươi như hoa hải-đường, ta chắc mọi sự phải tốt đẹp lắm.

 

Sa-Giang đưa thư cho Phương-Dung, rồi nàng thuật lại mọi truyện.

 

Đoạn này thuật:

 

Trong khi trận Trường An diễn ra, thì cánh quân của Trưng Nhị, Hồ Đề, Trần Năng giúp Công-tôn Thiệu chiếm Kinh-châu.

 

Sau khi họp với anh hùng Lĩnh Nam ở Dương-bình quan, Trưng Nhị cùng mọi người trở về bản doanh Đặng Vũ ở Quảng-an, Đặng Vũ nóng lòng về việc tiến quân vào Thành-đô để làm chúa Ích-châu, y đón Trưng Nhị vào trướng hỏi:

 

– Tình hình thế nào? Chúng ta tiến vào Thành-đô được chưa?

 

Trưng Nhị thản nhiên cười:

 

– Tôi mừng cho tướng quân, Công-tôn Thuật cho sứ giả đến Tả tướng-quân Lĩnh-nam vương xin giả hàng, y cầu được ở lại Ích-châu, giữ gìn mồ mả tổ tiên, Nghiêm đại-ca tâu với Kiến-Vũ hoàng-đế, lệnh cho ngừng tiến quân.

 

Đặng Vũ nghe nói mặt buồn rầu rầu, y chỉ vào một người giới thiệu:

 

– Đây Phục-ba tướng-quân Mã Viện, phó nguyên-soái của tôi mới từ Kinh-châu đến.

 

Đặng Vũ theo Quang-Vũ từ khi khởi binh, y từng đánh trăm trận, công lao chỉ thua có Nghiêm Sơn, vì vậy Quang-Vũ cho y giữ chức Đại tư-mã, cai quản binh mã toàn quốc. Y được cử làm Nguyên-soái đánh Thục thống lĩnh binh mã Kinh-châu, Giang-đông, vì Quang-Vũ hứa rằng ai vào Thành-đô trước sẽ được phong làm chúa Ích-châu, bây giờ nghe Công-tôn Thuật đầu hàng, y buồn không tả được.

 

Trưng Nhị tiếp:

 

– Kiến-Vũ thiên-tử ngự ra Trường-an, ban thưởng tướng sĩ có công, ngài truyền bãi quân, Lĩnh-nam vương bảo tấu cho Đặng Đại tư-mã được phong tước Triệu-công, Thiên-tử chuẩn tấu, ban chỉ cho Đặng tư-mã kéo quân về bảo vệ Lạc-dương, trong lúc ngài xuất chinh ở Trường-an. Thiên-tử muốn cử một người trấn thủ Lương-châu, Vương tâu xin cho Mã tướng-quân vào chức đó, vì Lương-châu nơi biên địa phía Tây, coi như hàng rào bảo vệ Lạc-dương, tướng-quân với Thiên-tử là chỗ thâm tình sâu xa chốn hậu cung tình thân gần bằng Vương-gia với Thiên-tử. Nếu tướng-quân trấn thủ Lương-châu, một giải từ Lương-châu tới Trường-an, Lạc-dương được bảo vệ.

 

Lại Thế-Cường tiếp:

 

– Tướng quân có biết tại sao Vương-gia lại bảo tấu cho Ngô Hán làm chúa Ích-châu, mà không bảo tấu cho tướng-quân không ?

 

Mã Viện vỗ tay nói:

 

– Tôi hiểu! Tôi hiểu! Vương-gia sợ cho Ngô Hán trấn thủ Ích-châu, lỡ ra y thay lòng đổi dạ thực nguy cho Hán, vì vậy phải để tôi trấn thủ Lương-châu, hầu phòng Ngô Hán có gì, tôi từ Lương-châu chặn đầu y trước.

 

Hồ Đề cười:

 

– Tướng quân xứng đáng người thâm tình của thái-hậu vậỵ

 

Trưng Nhị móc binh phù của Nghiêm Sơn, trao cho Mã Viện:

 

– Đây lệnh của Vương-gia, tướng-quân tạm giao quyền chỉ huy cho tôi, khẩn cấp về Trường-an phục lệnh Thiên-tử nhận sắc phong. Khi tướng quân đến Lương-châu rồi, tôi mới trao quyền cho Ngô Hán.

 

Mã Viện mừng quá:

 

– Vương-gia thật cẩn thận và tin tưởng tôi, ngài đợi tôi tới Lương-châu rồi mới chịu để cho Ngô Hán trấn thủ Ích-châu, nhưng nghĩ cho kỹ các tướng trong triều, Hoàng-thượng với Vương-gia là nghĩa huynh đệ, Vương-gia cẩn thận như vậy mới phải.

 

Trưng Nhị đưa binh phù cho Đặng Vũ.

 

– Xin Đại tư-mã lên đường đi Lạc-dương ngay, Thiên-tử xuất chinh cần có người tim gan trấn thủ đế đô.

 

Đặng Vũ vội vã lên đường.

 

Mã Viện đánh trống họp các tướng sĩ, tuyên bố việc chinh phạt Thục hoàn toàn thành công, y về triều kiến Thiên-tử, y sẽ tấu cùng ngài ban thưởng các tướng, còn y được đi trấn nhậm Lương-châu.

 

Phật-Nguyệt hỏi Mã Viện:

 

– Phục-ba tướng-quân! Tướng quân một mình tới Lương-châu, liệu có giữ được đất này không? Lòng người khó dò, tại sao tướng quân không mang theo tướng sĩ, tham-quân thân tín ? Tại đây hết chinh chiến rồi, tướng quân mang theo bao nhiêu người chẳng được.

 

Mã Viện gật đầu tán thành:

 

– Cô nương nói chí phải.

 

Y tuyên bố việc về Trường-an yết kiến Hoàng-đế, y muốn một số tướng sĩ theo y đi Lương-châu, các tướng sĩ thân tín tình nguyện đi theo.

 

Trưng Nhị cho mời Tương-dương cửu-hùng là :

 

Phiêu-kị Đại tướng-quân Sầm Bành

 

Kiến-oai Đại tướng-quân Cảnh Yểm

 

Bô-lỗ Đại tướng-quân Mã Vũ

 

Chinh-lỗ Đại tướng-quân Tế Tuân

 

Chinh-di Đại tướng-quân Tang Cung

 

Phấn-uy Đại tướng-quân Lưu Hân.

 

Hổ-uy Đại tướng-quân Phùng Tuấn

 

Long-nhượng Đại tướng-quân Đoàn Chí

 

Chinh-viễn Đại tướng-quân Lưu Long.

 

Song chỉ có bảy tướng hiện diện, vắng mặt Sầm Bành, Tế Tuân, Trưng Nhị biết hai người tuân chỉ Mã thái-hậu thám thính anh hùng Lĩnh Nam, Tế Tuân đã bị Trần Năng dùng Lĩnh-nam chỉ giết, Sầm Bành bị Đào Kỳ đánh nát thây, sợ các tướng nghi ngờ, nàng nói:

 

– Sầm, Tề tướng-quân, nhận mật chỉ thái-hậu làm một việc khẩn, sẽ về sau.

 

Nàng tiếp:

 

– Lĩnh-nam vương tâu Thiên-tử phong cho các tướng tước hầu cử làm Thứ-sử, vậy các tướng về Trường-an cùng với Phục-ba tướng-quân ngay.

 

Đợi cho bọn Đặng Vũ, Mã Viện, Tương-dương thất hùng đi rồi, Trưng Nhị cho mời anh hùng Thiên-sơn vào trướng nghị sự.

 

Trưng Nhị lệnh cho hai mươi lăm tướng Thục, giả làm tướng Hán từ Hán-trung tới, thay thế cho các tướng theo Mã Viện đi.

 

Công-tôn Thiệu tước phong Trường-sa vương, am hiểu tình hình Kinh-châu bàn:

 

– Đất Kinh-châu gồm có chín quận, gần với chúng ta nhất là Kinh-châu, Tương-dương, Nam-quận, sau đó tiến về phía Đông là Di-lăng, nếu chiếm được bốn quận này, hai quận phía Đông và năm quận phía Nam như rắn mất đầu, chúng ta chỉ cần truyền một hịch là lấy được.

 

Trưng Nhị hỏi:

 

– Bao nhiêu quân Kinh-châu, Mã Viện đã đem theo hết, vì vậy chúng ta dùng binh phù của Vương-gia truyền cho các thái-thú rằng đã bình xong Thục, quân sĩ ca khúc khải hoàn. Tất cả Thái-thú không ngờ, ra ngoài thành đón, chúng ta bất thần chiếm thành dễ như trở bàn tay, song có điều chúng ta chỉ có năm ngày để làm mà thôi, vì Phương Dung đã ước hẹn các đạo quân Hán-trung, Lĩnh Nam rằng chúng ta vẫn dùng cờ Hán, đúng mười lăm ngày đổi cờ Thục, hôm nay đã là ngày thứ mười.

 

Lại Thế-Cường, lo xa, khôn ngoan ông bàn:

 

– Vậy bây giờ chúng ta truyền lệnh khẩn cấp đến các quận, huyện trên đường về Kinh-châu, cùng các châu, quận Kinh-sở rằng chinh Thục đã xong, Lĩnh-nam vương cho quân hồi hương khẩn cấp để binh sĩ được đoàn tụ gia đìng trong dịp đầu xuân, cần nhất điều quân sao cho cùng về tới bốn nơi: Kinh-châu, Tương-dương, Nam-quận và Di-lăng một lúc.

 

Công-tôn Thiệu bàn:

 

– Phàm dùng binh phải lo bảo vệ hậu quân cho vững, cần một người trấn thủ miền Đông Ích-châu để chúng ta tiến quân, điều này phi Vương hiền-đệ không xong.

 

Vương Nguyên khẳng khái nhận lời.

 

Trưng Nhị truyền lệnh:

 

– Trường-sa vương và Trấn-đông tướng quân Vũ Chu, quân Hán đã biết mặt, không thể xuất hiện, nên giả trang đi lẫn trong quân, sư bá Lại Thế-Cường có Vũ tướng-quân theo giúp tiến đánh Tương-dương, sư-thúc Trần Năng tiến đánh Nam-quận có Trường-sa vương giúp sức, còn lại Hồ Đề, An-viễn tướng-quân Hoài An, đô-đốc Phạm Sự và tôi đánh Kinh-châu, Phật Nguyệt cùng với Hổ-uy tướng quân Viên Kiệt đánh Di-lăng, chúng ta cùng giả ca khúc khải hoàn trở về. Tất cả các đạo tới nơi vào lúc chập choạng tối, các thái-thú ra đón không phòng bị, ta cho quân tiến vào thành, khi vào thành rồi bất thình lình bắt giam thái-thú, chiếm giữ thành, nếu thái-thú nào chịu đầu hàng thì tha, ai không chịu đầu hàng trả về Hán, chọc giận Hán-đế. Sau khi chiếm bốn quận rồi, tiến về phía Nam chiếm sáu quận còn lại.

 

Ngày hôm đó Trưng Nhị rút quân, quân sĩ nghe hết chiến tranh được trở về đồn trú tại quê hương là Kinh-châu, reo hò mừng rỡ, họ chuẩn bị gỡ lều trại, thu dọn vật dụng, lương thảo rất mau.

 

Trưng Nhị truyền giao thành lại cho quân địa phương trấn đóng, nhưng thực ra các đạo quân đó đều là quân Thục, giả mặc theo quân Hán nói rằng thừa lệnh Ngô Hán, tới tiếp nhận thành trì.

 

Trưng Nhị cho quân kị đi đường bộ, còn bộ-binh do thủy quân chuyên chở xuôi Trường-giang về phía Đông, thuyền đi mau như ngựa, chiều hôm sau về tới biên giới Kinh-châu, bây giờ Trưng Nhị mới cho chỉnh đốn lại hàng ngũ, chia làm bốn đạo, tiến về bốn quận.

 

Thứ-sử Kinh-châu, thái-thú ba quận Nam-quận, Tương-dương và Di-lăng nhận được binh phù của Tả tướng-quân nói rằng việc chinh phạt Thục hoàn tất. Phục-ba tướng quân Mã Viện cử đi trấn thủ Lương-châu, Phiêu-kị Đại tướng-quân Ngô Hán được cử trấn thủ Ích-châu, lệnh còn nói rằng: Thứ-sử, Thái-thú phải ra ngoài thành tiếp đón ủy lạo, khao thưởng đoàn quân viễn chinh trở về, binh phù còn nói rõ rằng quân các đạo trở về đến địa phận các nơi đúng vào ngày nào, giờ nào.

 

Từ lúc Mã Viện được lệnh mang tất cả quân mã Kinh-châu và chín quận trực thuộc Tây-chinh, trên từ Thứ-sử cho đến các Thái-thú, Huyện-lệnh, Huyện-úy đều lo sợ, ngày đêm tuyển binh huấn luyện, bổ xung số tử vong ở chiến trường, một mặt lo đốc thúc các nơi thu dụng lương thảo gửi ra mặt trận. Dân chúng khốn khổ vì phải nộp thuế nuôi quân, người đau khổ vì con em chinh chiến xa xôi, không biết ngày nào về, bây giờ nghe đoàn quân trở về là mừng lắm, chuẩn bị lễ khao quân thực hậu. Thứ-sử và các Thái-thú đều nghe nói có rất nhiều nữ tướng, võ công cực cao, dung nhan xinh đẹp từ Lĩnh Nam theo tòng chinh cũng trở về với quân Kinh-châu, họ cũng muốn ra đón xem mặt cho biết.

 

Họ không ngờ khi quân tới, họ ra tận ngoài thành tiếp đón, quân tướng vào trong thành rồi, chỉ một chiêu họ bị các nữ tướng bắt sống, quân sĩ tràn ra bốn mặt chiếm thành mau chóng, một mũi tên, một giọt máu không đổ, Thục chiếm được bốn thành dễ dàng, sau khi chiếm bốn quận bấy giờ Trưng Nhị mới cho kéo cờ Thục lên, các quân Vũ-lăng, Quế-dương và Nam-dương thấy các quận phía Bắc mất, đường liên lạc với Trung-nguyên bị cắt đứt, quân sĩ trong tay không còn, vì Mã Viện đã dốc quân chinh Tây hết, các Thái-thú đều đầu hàng, Thục cử Trường-sa vương Công-tôn Thiệu làm trấn thủ Kinh-châu.

 

Còn lại hai quận Trường-sa, Linh-lăng, hai Thái-thú không chịu đầu hàng, chỉnh đốn binh mã nghinh chiến.

 

Công-tôn Thiệu mời Trưng Nhị, anh hùng Lĩnh Nam họp bàn cách tiến đánh hai quận này, Thiệu hỏi:

 

– Thái-thú Trường-sa là Mã Anh, em ruột Mã Viện, trong tay có ba vạn binh, y tài kiêm văn võ như Mã Viện, lại là cháu của Thái-hậu, mẹ Hán Quang-Vũ, nên y không chịu đầu hàng, còn chỉnh đốn binh mã đánh lại Kinh-châu nữa.

 

Lại Thế-Cường hỏi:

 

– Mã Anh có được lòng tướng sĩ không ?

 

Công-tôn Thiệu nói thực:

 

– Y cũng như Mã Viện có tài dùng binh, biết an ủi sĩ tốt, được lòng dân chúng, bên trong lại được Thái-hậu và Quang-Vũ tin cẩn, uy thế của y rất mạnh.

 

Hồ Đề thắc mắc:

 

– Thành Trường-sa địa thế ra sao ?

 

Thành Trường-sa dài hơn mười dặm, hào sâu, rộng, lũy rất cao, tuy nhiên ở vùng đồng bằng không hiểm trở mấy, trong thành có Tượng-quận tam-anh võ công tuyệt vời.

 

Phật-Nguyệt hỏi Vũ Chu:

 

– Vũ tướng-quân, võ công của Tượng-quân tam-anh so với tướng-quân như thế nào ?

 

Vũ Chu lắc đầu:

 

– Tôi chưa đấu với họ, nên không rõ, nghe đâu họ là người đất Tượng-quận, võ đạo, hiệp nghĩa nổi tiếng, người cầm đầu là Hàn Bạch, nội công thâm sâu không biết đâu mà lường, người thứ nhì là Vương Hồng chưởng lực hùng hậu, người thứ ba là Chu Thanh kiếm thuật thần thông. Hàn Bạch giữ chức Đô-úy, Vương Hồng giữ chức Đô-sát còn Chu Thanh giữ chức Trấn Viễn tướng-quân.

 

Công-tôn Thiệu hỏi Trưng Nhị:

 

– Trưng cô nương! tôi nghe anh hùng Lĩnh Nam dù Quế-Lâm, dù Nam-hải, dù Giao-chỉ cũng đều nuốt hận vong quốc, vậy sao Tượng-quận tam-anh lại theo Hán ?

 

Trưng Nhị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

 

– Trước đây tôi nghe danh Tượng-qận tam-anh, khí vũ hiên ngang, muốn phục hồi Lĩnh Nam, nhiều lần định gửi thư làm quen, nhưng chưa kịp thực hiện, không hiểu sao họ đi theo Mã Anh ? Đại-ca Trần Tự-Sơn có lần kể rằng Tượng-quận tam anh giết chết Thái-thú Tượng-quận, họ là người nghĩa hiệp, tiếng tăm tới tận Cửu-chân.

 

Lê Chân góp ý:

 

– Biết đâu họ chẳng giúp Mã Anh cũng như chúng ta giúp Trần Đại-ca, chúng ta cần tìm hiểu mới được, hiện Tượng-quận chúng ta chưa liên lạc được với các anh hùng, để cùng mưu đại sự, nếu kéo họ về với chúng ta thì tốt biết mấy.

 

Trưng Nhị đồng ý gật đầu:

 

– Đối với những đấng anh hùng, chúng ta nên dùng đại nghĩa khích họ, hơn là lôi kéo, thuyết phục.

 

Công-tôn Thiệu đứng lên nói:

 

– Thưa các anh hùng Lĩnh Nam, tại hạ được phong làm Trường-sa vương, thì bất cứ giá nào cũng phải chiếm cho được thành nầy, dù chiếm được hay không tại hạ cũng xin đa tạ các vị trước. Phái Thiên-sơn chúng tôi từ trên xuống dưới, không bao giờ quên ơn hào kiệt Lĩnh Nam.

 

Trưng Nhị không thấy Công-tôn Thiệu không nhân danh Thục-đế Trường-sa vương tạ ơn, mà lại nhân danh phái Thiên-sơn, biết Thiệu muốn dùng tình võ lâm đối với mình, thì cảm động đáp:

 

– Chúng tôi hứa giúp Công-tôn sư huynh chiếm Trường-sa, bây giờ chúng ta phải tiến quân tới Trường-sa đã.

 

Trưng Nhị truyền lệnh cho quân lên đường, sau khi vượt Trường-giang thì vào hồ Động-đình, nàng truyền lệnh đóng quân tại phía Nam hồ, quân mã hạ trại.

 

Nàng truyền lệnh:

 

– Trước hết sư bá Lại Thế-Cường làm chánh tướng, Trấn-đông tướng quân Vũ Chu làm phó tướng dẫn ba vạn Bộ-binh, một vạn Kị-binh theo đường bộ đến chiếm Bình-giang uy hiếp phía đông Trường-sa, đô-đốc Phạm Sự dẫn toàn bộ Thủy-quân rời hồ Động-đình vào Tương-giang trấn đóng tại Ích-châu làm tiền đạo.

 

Phật-Nguyệt nói với Trưng Nhị:

 

– Sư-tỷ! Sư-tỷ có nhớ hồ Động-đình là nơi phát tích ra hai vị quốc mẫu của chúng ta không ? Chúng ta phải dạo chơi hồ Động-đình thưởng lãm thắng cảnh, di tích lịch sử của Lĩnh-Nam nhà mình, trước đây đất Lĩnh Nam, Bắc tới hồ Động-đình, vậy sau này đòi lại Lĩnh Nam chúng ta có đòi hai quận Trường-sa và Linh-lăng hay không ?

 

Trưng Nhị cũng như tất cả thanh niên nam nữ thời bấy giờ, được cha mẹ nhắc nhở hằng ngày về mối hận vong quốc. Thường luôn nói về nguồn gốc của giống giòng Việt, rằng Lĩnh Nam là quê hương, hầu như người nào cũng thuộc nằm lòng:

 

Chúng ta là con Rồng cháu Tiên, xưa vua Đế Minh cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú Phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục.

 

Vua Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Qủi. Bờ cõi nước Xích Quỉ Bắc tới hồ Động Đình, Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch), lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, Sùng Lãm nối ngôi gọi là vua Lạc Long, vua Lạc Long lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một trăm con... …

 

Trưng Nhị cương quyết:

 

– Chúng ta được biết theo truyền thuyết địa giới Lĩnh Nam là như thế, các đời vua Hùng và vua An Dương, sử sách còn ghi thêm Trường-sa, Linh-lăng đều thuộc về Văn-Lang. Đòi được Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm, đất nước mình cũng bằng Trung-nguyên, dù dân mình ít, đất mình rộng, ở không hết cũng phải đòi, chúng ta có thể thừa thắng chiếm hết giang sơn người Hán., nhưng chiếm rồi phải lo đối phó với sự chống đối của dân chúng thì chiếm làm gì ?

 

Sau khi an dinh hạ trại xong, Trưng Nhị nói với Công-tôn Thiệu.

 

– Công-tôn sư huynh! Hồ Động-đình là nơi phát tích ra quốc mẫu đất Lĩnh Nam, vì vậy chúng tôi xin sư huynh cho mượn một con thuyền lớn, hành hương đất xưa của Quốc Mẫu.

 

Công-tôn Thiệu cười:

 

– Trưng cô nương là quân sư, nói rằng chỉ có dưới tại hạ, nhưng thực ra quyền trong tay quân sư, quân sư muốn điều động sĩ tốt thì mặc ý, việc gì phải khách sáo ?

 

Đám hào kiệt Lĩnh-Nam cũng đòi đi cả, Trưng Nhị sai lấy một chiếc thuyền hai tầng rất lớn, có thủy thủ chèo, trên thuyền mang theo rượu thịt hoa quả.

 

Vương Sa-Giang hỏi:

 

– Sư tỷ! Em không phải là gái Lĩnh Nam, sư tỷ cho em đi theo được không ?

 

Trưng Nhị biết Sa-Giang giỏi âm nhạc, cô thích các cuộc du ngoạn trên sông nước, ngắm cảnh hùng vĩ của tạo hoá, nàng vẫn có cảm tình với cô thiếu nữ nhu mì, lãng mạn này.

 

Trưng Nhị vuốt tóc nàng:

 

– Cuộc du ngoạn này mà có thêm Vĩnh-Hoa thì kết thành bộ ba mới thực là tuyệt, nhưng thôi, em với Lê Chân tấu nhạc cũng đủ rồi.

 

Hôm ấy là đêm 14 tháng giêng trời đang tiết xuân, gió hồ thổi còn thấy lạnh. Nhưng quần hùng Lĩnh Nam được du ngoạn một thắng cảnh ghi lại mối tình của Quốc Tổ và Quốc Mẫu, lòng họ đều lâng lâng như gió xuân trên mặt hồ, trăng xuân rọi xuống hồ long lanh như một tấm thảm bạc, nối tiếp đến chân trời. Xa xa là dãy núi Tam-sơn và Quân-sơn.

 

Trong các anh hùng Lĩnh Nam thì hầu hết là nữ, chỉ mình Lại Thế-Cường là nam, bên cạnh ông còn Tây-vu tam hổ-tướng, tam báo-tướng, Ngao-sơn Vi Đại-Lâm, Vi Đại-Sơn, tất cả tám người, họ là người sắc dân Mường, uống rượu như uống nước. Nên ông cùng họ quây quần uống rượu, họ ít nói, hiền lành, tính tình chân thực, từ hôm sang Trung-nguyên đến giờ, Ngao-sơn tứ lão không được xuất trận, bởi các ông chỉ huy đội chó sói, chuyên tuần phòng và bắt gian tế, hai ông được đối xử ngang hàng với những danh nhân như: Khất đại-phu, Đặng Thi-Sách, Trưng Nhị, bởi vậy hai ông không buồn rầu, tự an ủi với nhiệm vụ khiêm tốn của mình.

 

Thuyền vượt sóng đi về phía Bắc, bỗng có tiếng hát véo von:

 

Trúc xinh, trúc mọc bờ ao,

 

Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

 

Trúc xinh trúc mọc đầu đình.

 

Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

 

Tiếp theo tiếng sáo vi vu bay bổng lên không trung, tiếng hát nhẹ nhàng như hương thơm hoa lan, hoa huệ, len lỏi theo gió xuân làm ấm lòng mọi người, tiếng sáo khi bổng khi trầm, như tỏa vào mặt hồ cùng với sóng róc rách đánh nhịp, khi cao lên tận mây xanh hòa với ánh trăng.

 

Khúc hát hết, mọi người nhìn lại thì là Sa-Giang đứng dựa cột buồm, tay cầm ống tiêu, nàng mặc bộ quần áo trắng, trong đêm trông nổi hẳn lên. Dưới trăng xiêm áo bay phất phới, mọi người nhìn nàng ngây ngất như nhìn tiên nga đứng bên động Thiên-thai.

 

Hồ Đề nhìn Sa-Giang nói:

 

– Người ta đồn trong chuyến du ngoạn Thành-đô, Đào hiền đệ đã bị tiếng ca, giọng hát, tiếng tiêu, sắc đẹp mê hồn của sư muội, làm hồn phách bay phơi phới, có đúng thế không? Ta thấy sư muội hát bài ca bằng tiếng Việt, thì biết rằng người dạy sư muội là Đào hiền đệ.

 

Quả thật Sa-Giang đang mơ màng nghĩ lại những đêm bên cạnh Đào Kỳ, hai người như hoa, như nước, tình yêu chan chứa. Nhưng Đào Kỳ vẫn giữ một lòng trung thành với Phương-Dung, duy trì tình trạng trong sạch giữa hai người. Những ngày đó, nàng thấy mê man đi trong nhịp yêu đương, nhưng nay Đào Kỳ một nơi, nàng một nơi, mà hai người có ở bên nhau chăng nữa, thì chàng cũng như hoa trong gương, bóng chim dưới nước mà thôi. Thấy thì thấy đấy, nhưng đưa tay nắm lấy muôn ngàn lần vẫn không được. Lê Chân là đệ tử phái Sài-sơn, rất giỏi âm nhạc, nàng lấy túi vải trên lưng xuống một cái đàn bầu, lên dây và bật lên những tiếng dài ngân vang. Sa-Giang mang đàn tỳ bà hòa theo, Phật-Nguyệt nhận ra đó là bản Động Đình ca của Trương Chi. Tiếng đàn bầu, đàn tỳ-bà hòa nhịp kéo dài, lẫn vào với tiếng sóng nước, khiến cho anh hùng Lĩnh Nam tưởng như mới năm nào Quốc Tổ đến đây cầu hôn vói Quốc mẫu, hai người đã đi du ngoạn trên bờ hồ này. Tiếng nhạc dứt, thuyền vẫn đi về phương Bắc, Sa-Giang cất tiếng ca:

 

Đêm qua ra đứng bờ ao,

 

Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ,

 

Buồn trông con nhện dăng tơ.

 

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ nhớ ai ?

 

Nhớ ai dạ những bồi hồi,

 

Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm.

 

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

 

Nhớ ai, ai nhớ ? Bây giờ nhớ ai.

 

Anh ơi "chua" "ngọt" đã từng,

 

Non xanh đất đỏ xin đừng xa nhau.

 

Tiếng ngâm theo điệu sa mạc của nàng cao vút lên từng mây, giọng đầy buồn, nhớ, thương, miệng ca, tay nàng vuốt nhẹ trên phím tỳ bà, Phật-Nguyệt nói:

 

– Đào hiền-đệ quả là con người tài hoa, chỉ mấy ngày gần nhau mà y đã dạy Sa Giang được biết bao nhiêu câu hát tiếng Việt.

 

Lê Chân chỉ vào một dãy núi xa xa nói:

 

– Kìa là núi Tam-sơn, trong đó có một động lớn, tương truyền ngày xưa Quốc-Tổ với Quốc-Mẫu thành hôn rồi vào ở với nhau cả năm trời, chúng ta thử đến xem sao.

 

Trưng Nhị ra lệnh thuyền đi vào phía Tam-sơn, hồ bấy giờ hẹp lạ, tuy nói là Tam-sơn nhưng thực ra chỉ là ba ngọn đồi nhỏ, thủy thủ cho thuyền ghé vào cạnh sườn núi.

 

Phật Nguyệt kinh công cao nhất, nàng cầm sợi giây, nhún chân vọt người lên cao, lơ lửng trên không, đá gió một cái người bay vọt lên bờ, thân pháp đẹp không thể tưởng tượng được, nàng cần giây kéo mạnh, con thuyền ghé sát bờ, nàng cột đầu giây vào một gốc cây, thủy thủ đem ván bắc cầu, mọi người cùng lên. Trăng đã lên đến đỉnh đầu, ánh sáng tỏa xuống núi Tam-sơn đầy hoa mùa xuân. Mọi người theo sườn núi, leo lên đỉnh, họ là những người võ công cực cao, chỉ một lát đã tới, quả thực trên đỉng có cái hang đá, hang khá lớn, Lại Thế-Cường tiến vào hang đầu tiên, mọi người theo ông ngắm nhìn.

 

Phật-Nguyệt nói:

 

– Đây là động Tam-sơ, ngày xưa Quốc Tổ Kinh-Dương Vương, gặp Quốc Mẫu Long-Nữ ở chỗ này, không ngờ cuộc gặp gỡ đó nảy sinh ra chúng mình biết bao nhiêu mà kể.

 

Lê Chân tiếp:

 

– Cũng như mỗi chúng mình bây giờ là một, sau này phục quốc rồi có chồng, có con, ngàn năm sau giòng giống mỗi người sẽ tới hàng triệu, chúng du ngoạn hồ Động-đình, tới Tam-sơn ngoạn cảnh mà nói rằng: Thời Lĩnh-Nam tổ-mẫu Lê Chân trên đường phục quốc đã dừng bước ở chỗ này.

 

Lê Chân rút dao ngắn vận công, khắc lên tấm đá bằng phẳng trên vách:

 

Anh hùng Lĩnh-Nam trên đường phục quốc, dừng lại đây ngày 14 tháng giêng năm Đinh Dậu, giờ Dậu.

 

Laị Thế Cường, Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt, Vĩ Đại Lâm, Vĩ Đại Sơn, Thục Nữ Trung Sa Giang, Tây Vu Tam Hổ Tướng: Hoàng Hổ, Hắc Hổ, Bạch Hổ, Tây Vu Tam Bảo Tướng, Hoàng Báo, Hắc Báo, Bạch Báo.

 

Vương Sa-Giang chỉ ra giữa khu đất bằng phẳng:

 

– Kìa, giữa sân có pho tượng bằng đá, không biết ai tạc và tạc tượng ai thế kìa ?

 

Trưng Nhị cùng mọi người chạy ra nhìn, giữa sân một bệ đá bằng phẳng, trên bệ là pho tượng, lớn như một người tầm thước, tượng bằng đồng hay đá màu đen, trong tư thức ngồi dưỡng thần luyện công, ánh trăng chiếu vào pho tượng, màu đen phản chiếu óng ánh.

 

Lại Thế-Cường ngắm nghía nói:

 

– Dường như người ta tạc tượng một người ngồi luyện công thì phải, song tư thức rất đặc biệt, hai bàn tay chắp lại để trước ngực.

 

Hồ Đề là người tinh nghịch bậc nhất, nàng nhún chân nhảy vọt lên cao, đáp xuống bệ đá, rồi tiến lại gõ tay lên đầu nhẵn bóng của pho tượng, nàng nói vọng xuống :

 

– Kỳ lạ không? Đêm xuân lạnh thế này mà sao đầu pho tượng ấm quá và mềm như nhung vậy.

 

Thuận tay nàng gõ xuống đầu pho tượng ba cái, bỗng nàng rụt tay lại kêu lên một tiếng đau đớn:

 

– Ôi! Đau quá!

 

Nguyên nàng gõ cái thứ nhất êm như gõ vào đầu người, đến cái thứ nhì thì hơi cứng, đến cái thứ ba thì tay tê chồn. Thấy kỳ lạ nàng vận sức vào tay ấn xuống đầu pho tượng một cái, một luồng kình lực nhu hòa bật tay nàng lên, Hồ Đề cả kinh vận sức đứng vững, nhưng không tự chủ được, sức từ đầu pho tượng hất nàng bay vọt lên cao. Ở trên cao nàng phóng chưởng đánh xuống đỉnh đầu pho tượng, chưởng lực của nàng khá hùng hậu, trúng vào đầu pho tượng đánh binh một cái, người nàng lại bay lên cao hơn nữa kèm theo tiếng kêu:

 

– Chết!

 

Trưng Nhị gần Hồ Đề đã lâu, biết tính nàng can đảm, gan dạ, dù nguy hiểm đến đâu cũng không sợ hãi, dù đau đớn đến đâu cũng không kêu. Bây giờ chỉ sờ vào đầu pho tượng mà kêu đau, người vọt lên cao, thì phải có cái gì quái đản lắm, rồi từ trên cao nàng phóng chưởng xuống, với chưởng lực của nàng dù đánh vào vật gì thì cũng chỉ bật lên một chút. Nay tại sao nàng bật lên cao như bị ai nắm lấy tung lên trời vậy? Trên đời này chỉ có Khất đại-phu, Đào Kỳ mới cô công lực liệng một người lên cao như vậy.

 

Hồ Đề rơi xuống phía ngoài phiến đá, ngã xuống đất cái bịch, Phật Nguyệt vọt tới bồng nàng xuống hỏi:

 

– Sao ? Sao ? Cái gì vậy.

 

Vì với bản lĩnh của Hồ Đề, khi rơi xuống đất đâu đến nỗi không đứng được, mà ngã lăn ra ?

 

Hồ Đề nhăn nhó, hai tay xoa vào nhau nói:

 

– Không phải tượng đá đâu, mà là quỉ, con quỉ này ghê gớm lắm. Tôi mới sờ vào đầu bị nó hất ngược lên cao, từ trên cao tôi đánh xuống một chưởng, bị nó dùng kình lực hất lần thứ hai, cánh tay tôi tê dại.

 

Trong đầu óc Phật Nguyệt hiện ra biết bao nhiêu vấn đề:

 

– Nhìn tư thế Hồ Đề bị hất lên cao, thì rõ ràng bị người có nội công thượng thừa đánh, nhưng trên đời này làm gì có người đạt tới mức chỉ sờ vào mà bị hất lên như vậy? Dù Khất đại-phu, Đào hiền-đệ, muốn hất một người lên cao, cũng phải đứng dậy, vận hết sức mình, chứ đâu chỉ ngồi bất động mà phát kình lực huyền diệu đến thế ? Người này là ai, đêm xuân lên phiến đá giữa chốn hoang sơ ngồi luyện công ?

 

Lại Thế-Cường nhiều kinh nghiệm giang hồ, ông vẫy tay cho mọi người đứng im, rồi tiến lại quan sát, ông lắng tai nghe xem nếu có tiếng hô hấp thì là người, còn không thì là tượng. Nhưng tuyệt nhiên ông không nghe tiếng hô hấp, cũng không thấy ngực nhô lên thụp xuống, vậy là tượng rồi, là tượng thì tại sao có thể dùng nội công thượng thừa hất Hồ Đề lên cao như vậy?

 

Ông nhảy lên phiến đá, dùng tay phất qua phất lại trên đầu pho tượng, thấy như không có phản ứng gì. Ông ông đưa tay sờ vào đầu pho tượng thì cảm thấy một luồng điện cực kỳ mãnh liệt, nhu hòa truyền vào thân thể ông. Ông trấn tỉnh vận khí kìm lại, nhưng vẫn bị luồng điện đó hất vọt lên không. Ở trên không ông đá gió một cái người bắn ngược trở lại đáp xuống an toàn.

 

Trưng Nhị hỏi:

 

– Sư-bá, cái gì vậy ?

 

Lại Thế-Cường lắc đầu:

 

– Ta cũng không biết rõ ràng người hay tượng nữa ?

 

Ông bảo Trần Năng:

 

– Cháu xuất thân từ phái Tản Viên, được Khất đại-phu truyền nội công thượng thừa, vậy cháu thử sờ vào đầu pho tượng xem sao ?

 

Trần Năng nhảy lên bệ, vận khí vào đơn-điền truyền xuống chân thật chắc, rồi đưa tay sờ vào đầu pho tượng. Trưóc mắt nàng rõ ràng là pho tượng đồng đen, nàng dùng sức ấn mạnh, một luồng điện nhu hòa ấm áp chính đại quang minh truyền vào người, hóa giải kình lực của nàng mất tăm mất tích, nàng vận khí mạnh hơn nữa, thì cũng thấy bị mất tích. Thấy lạ, nàng dùng toàn lực vận khí ấn tay vào đầu pho tượng thì thấy từ pho tượng có sức phản kích cực kỳ hùng hậu đẩy vọt nàng bay vọt lên cao.

 

Trần Năng nhảy lên bệ, vận khí vào đơn-điền truyền xuống chân thật chắc, rồi đưa tay sờ vào đầu pho tượng. Trưóc mắt nàng rõ ràng là pho tượng đồng đen, nàng dùng sức ấn mạnh, một luồng điện nhu hòa ấm áp chính đại quang minh truyền vào người, hóa giải kình lực của nàng mất tăm mất tích, nàng vận khí mạnh hơn nữa, thì cũng thấy bị mất tích. Thấy lạ, nàng dùng toàn lực vận khí ấn tay vào đầu pho tượng thì thấy từ pho tượng có sức phản kích cực kỳ hùng hậu đẩy vọt nàng bay vọt lên cao.

 

Trưng Nhị thấy Hồ Đề, Lại Thế-Cường đều bị hất ngược lên, nhưng không cao bằng nửa Trần Năng, Trần Năng bị hất cao lên ba trượng là ít, nàng tà tà rơi xuống đất, nàng nói:

 

– Người chứ không phải tượng, vì có hơi nóng, người này nội công cao hơn sư phụ và Đào sư-thúc nhiều, có lẽ y không có ác ý với chúng ta nên kình lực phát ra nhu hòa, nội công cương nhu hợp nhất, chính đại quang minh chứ không phải tà môn.

 

Phật-Nguyệt tính ôn tồn, bước đến trước pho tượng chắp tay:

 

– Chúng tôi tất cả đều thuộc võ lâm Lĩnh Nam, nhân đi hành hương Động-đình tìm di tích Quốc Tổ, lầm lộn tôn-giá với pho tượng có đôi chút mạo phạm, mong tôn-giá đại xá cho.

 

Pho tượng cũng không đụng đậy, dưới ánh trăng da đen bóng của pho tượng phản chiếu óng ánh.

 

Trưng Nhị nghi hoặc hỏi Trần Năng:

 

– Sư thúc! Sư thúc có thấy hơi nóng từ pho tượng thật không ?

 

– Thực! Tôi sờ vào thấy ấm áp và dễ chịu lắm, da đầu mềm mại như nhung vậy.

 

Lê Chân là người nóng nảy, nàng lấy đá lửa đánh lên, rồi tìm cây khô bó thành đuốc, soi sát vào pho tượng, bất giác mọi người cùng ồ lên một lượt, vì đúng là một người, nhưng mũi hơi cao, bụng phệ, lưng choàng một tấm vải màu vàng, da đen bóng như tượng đồng.

 

Lê Chân nói:

 

– Tại sao lại có người đen đến như thế này ?

 

Trưng Nhị đọc sách nhiều, nàng đáp:

 

– Tôi nghe phía Tây-nam Trung-nguyên có một xứ tên là Tây-trúc, người ở đây hiền hậu, đời sống văn minh như Trung-nguyên, nước da của họ đen bóng như tượng đồng thoa mỡ, người này chắc thuộc xứ Tây-trúc đây ? Thôi chúng ta đi, không nên quấy phá cuộc luyện công của người.

 

Ngao Sơn Vi Đại-Lâm bàn :

 

– Người này nước da đen bóng, người không ra người, quỉ không ra quỉ, vậy lão để cho con Thần-ngao lên đánh hơi, hễ là người chân chính hay ma quỉ thì biết ngay.

 

Hồ Đề chợt nhớ ra, đàn Thần-ngao của Tây-vu rất giỏi trong việc phân loại người, gian tế hoặc tà môn, chúng sẽ sủa ầm lên, còn người chính phái thì nó vẫy đuôi mừng. Đi đâu mỗi người trong Ngao-sơn tứ lão đều mang theo một Thần-ngao sai khiến, Vị Đại-Lâm chỉ vào pho tượng huýt sáo, con Thần-ngao nhảy vọt lên bệ, mọi người im lặng quam sát, nó đi quanh pho tượng ngửi một lúc, rồi nằm phục xuống bên cạnh, đuôi vẫy liên tiếp. Cử chỉ này nó muốn tỏ ra quì lạy, nó chỉ làm việc đó với Hồ Đề và Ngao-sơn tứ lão mà thôi, bây giờ nó cũng làm với pho tượng.

 

Vi Đại-Lâm đến trước pho tượng quì xuống lạy tám lạy, rồi ông khấn một loạt tiếng Mường.

 

Mọi người cùng nhìn Hồ Đề, nàng giải thích:

 

– Thông thường ở Tây-vu thần linh giáng nhập vào người nào, thì Thần-ngao cũng cúi đầu tuân phục, hành lễ như vậy. Vi Đại-Lâm thấy Thần-ngao quì gối hành lễ, thì biết rằng người này là Thần-nhân.

 

Lại Thế-Cường là người cao niên nhất, ông chắp tay hướng người Tây-trúc vái chào:

 

– Chúng tôi người Lĩnh Nam qua dây vô tình gặp tôn-giá, quấy nhiễu tôn-giá, thật đắc tội, mong tôn-giá lượng thứ cho.

 

Cả bọn lại theo sườn núi đi trở xuống, họ không ngớt bàn truyện Tây-trúc, Trần Năng nói:

 

– Người này nội công cao hơn Sư-phụ với Đào sư-thúc nhiều, không hiểu họ thuộc võ lâm Trung-nguyên hay võ lâm Tây-trúc, chúng ta nói năng bàn tán mà tuyệt nhiên người đó không động đậy. Trấn nhiếp tâm thần như vậy, quả thật hiếm có trên đời.

 

Cả bọn theo tấm ván cầu xuống thuyền, Phật-Nguyệt đi đầu tiên, bỗng nàng kêu lên một tiếng :

 

– Ái chà!

 

Rồi nhảy lùi trở lại, mọi người nhìn theo tay nàng chỉ, thấy pho tượng Tây-trúc đang ngồi giữa sàn chiến thuyền. Trưng Nhị kinh ngạc đến ngẩn người ra, vì lúc cả bọn xuống núi thì tượng đồng vẫn còn ngồi đó, thế mà thoáng một cái đã xuống thuyền từ hồi nào ? Trên thuyền đầy thủy thủ mà tượng đồng xuống không ai phát giác ra.

 

Trưng Nhị biết người này võ công kinh công tuyệt trần, nhưng không có ác ý, nàng chắp tay nói:

 

– Tôn giá quá bộ tới đây chơi, chúng tôi chậm chân về trễ không tiếp đãi chu đáo, mong tôn giá thứ lỗi.

 

Người Tây-trúc đứng dậy, chắp tay xá mọi người, ông nói chậm chạp:

 

– Các vị thí chủ với bần tăng vốn có tiền duyên, cộng nghiệp thì phải gặp nhau, đã là tiền duyên đâu cần phải đón, lễ nghi ?

 

Lời nói ôn nhu, ngụ ý cao xa, huyền bí, khiến Trưng Nhị thêm kính trọng, nàng mời ông vào khoang thuyền, truyền pha trà đãi khách, Trưng Nhị chắp tay:

 

– Chẳng hay tôn giá quí tánh cao danh là gì ?

 

Người Tây Trúc chắp tay nói:

 

– Bần tăng đi tu thì cái tên cái họ đều bỏ hết, khi mặc áo Như Lai vào nhà Như Lai chỉ còn pháp-danh mà thôi, bần tăng pháp danh Tăng Giả Nan Đà, bần tăng mới từ Tây-trúc qua Trung-thổ hoằng dương đạo pháp của Đức Thế Tôn, bần tăng mới học viết chữ Hán, nói năng còn ngượng ngập.

 

Tất cả đều ngạc nhiên, vì thời bấy giờ là năm thứ ba mươi chín sau Tây lịch, đạo Phật chưa truyền qua Trung-thổ cũng như Lĩnh Nam. Người nổi tiếng kiến văn quảng bác như Trưng Nhị mà cũng chưa nghe qua.

 

Trưng Nhị hỏi:

 

– Tăng Giả Nan Đà tiên-sinh, tiểu nữ chưa từng nghe trên thế gian này có một tôn-giáo của Đức Thế Tôn, mong tiên sinh thuyết giảng cho. Đạo của Đức Thế Tôn gọi là gì ?

 

– Tiếng bình dân gọi là đạo Phật.

 

Phật-Nguyệt liếc nhìn Tăng Giả Nan Đà, tự nhiên trong tâm nàng mở rộng ra một cách kỳ lạ, nàng chắp tay hướng về ông lạy ba lạy:

 

– Sư phụ! Sư phụ, nói giữa chúng con có tiền duyên, có cộng nghiêp. Vậy thế nào là tiền duyên, thế nào là cộng nghiệp?

 

Tăng Giả Nan Đà nói:

 

– Thí chủ ngồi xuống!

 

Phật-Nguyệt ngồi xuống ván thuyền, xếp chân bàn tròn như Tăng Giả Nan Đà, hai tay chắp lại trước ngực.

 

– Được rồi, thí chủ nhắm mắt lại.

 

Phật Nguyệt nhắm mắt lại.

 

– Bây giờ thí chủ buông lỏng cơ thể, cố quên đi mọi vật xung quanh, từ hình dáng đến mầu sắc sự vật, rồi bỏ ra ngoài âm thanh của chúng ta.

 

Ông nói đến đâu Phật-Nguyệt làm theo đến đó, tự nhiên trước mắt hiện lên một vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, có chim ca hót líu lo, trong đó có đủ mọi người quen biết, từ sư phụ Nguyễn Phan cho đến Khất đại-phu, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Công-tôn Thuật v.v..., không thiếu một ai, nàng nhìn về phía xa xa một người khoác áo vải trên lưng giống như Tăng Giả Nan Đà, ông ngồi trên bệ đá tham thiền, tư thái ung dung nhàn hạ, nàng đến trước mặt ông quì xuống lạy:

 

– Sư phụ! Sư phụ! Thương xót đệ tử, giảng cho con ý nghĩa cao sâu của Đức Thế Tôn.

 

Tăng Giả Nan Đà vẫy tay nói:

 

– A Di Đà Phật. Thiện tai! Thiện tai!, người đã xin ta như vậy là đã có duyên với nhau, kiếp sau dù thế nào chăng nữa cũng lại tái ngộ.

 

Bất thình lình Tăng Giả Nan Đà quát một tiếng, Phật-Nguyệt tỉnh giấc, mở mắt ra, thở phào một cái, nàng đứng dậy nói:

 

– Đệ tử hiểu rồi, Sư phụ! Có phải lúc ở trên núi Tam-sơn, sư phụ đã dùng phép này để trấn nhiếp tâm hồn, khiến cho bao nhiêu người đánh vào không làm cho sư phụ chuyển động, có phải thế không ? Phép này gọi là phép gì mà huyền diệu như vậy?

 

Tăng Giả Nan Đà đáp:

 

– Đó là phép Thiền của nhà Phật, thiền là pháp môn tối cao để đi vào Vô Thượng Bồ Đề, tức thoát khỏi cảnh luân hồi. Pháp môn này lấy yếu chỉ từ kinh Kim Cương, Lăng Gìa, nếu có thiện duyên bần tăng sẽ giảng cho thí chủ nghe.

 

Trần Năng hỏi:

 

– Sư phụ! Lúc ở trên núi, tiểu nữ chỉ vận khí, đụng vào đầu sư phụ, mà bị kình lực hất đến bay vọt lên cao. Dường như sư phụ không biết dùng cách hất lên, mà chỉ do chân khí tự động phản ứng mà thôi.

 

Tăng Giả Nan Đà đáp:

 

– Phu nhân ngộ tính thật cao, bần tăng có ba phép Thiền, một Thiền Tuệ đi đến giác ngộ, vào được Vô Thượng Bồ Đề Đắc quả, hai Thiền Lực làm cho sức khỏe con người tăng lên gấp bội, giống như cô nương luyện nội lực vậy. Ba Thiền Y, người mới tập sẽ chữa được bệnh mình, người luyện tới mức cao có thể dùng chân khí của mình trị bệnh cho người. Bần tăng biết luyện cho thân thể khỏe mạnh, chứ không biết cách xử dụng hất người lên cao.

 

Trưng Nhị thông minh tuyệt đỉnh, nàng nghĩ ra một điều:

 

– Chúng ta luyện nội lực, nội công cao có thể dùng khí lực tấn công người, vì chúng ta ở trong thế giới chém giết, tàn hại nhau. Còn đại-sư không bao giờ nghĩ tới, tưởng tới, dùng chân khí mà đánh người, vì đại-sư ở trong thế giới từ bi bác ái, chỉ luyện công tự giải thoát, nếu chúng ta học được pháp môn Thiền của đại-sư rồi áp dụng vào nội công, chiêu thức sẽ trở thành anh hùng vô địch trong thiên hạ. Tiếc rằng Khất đại-phu và Đào tam-lang không có ở đây, bằng không họ có thể hợp Thiền với đại sư, với nội công Văn-Lang làm một. Nàng nói:

 

– Đại-sư đệ tử dám thỉnh nguyện đại sư thuyết giảng cho bọn ngu tối chúng tôi những lẽ huyền vi của đạo Phật.

 

Tăng Giả Nan Đà chắp tay đáp lễ:

 

– A Di Đà Phật, phúc đức quá, các vị với bần tăng có cộng nghiệp với nhau từ tiền kiếp, hôm nay bần tăng xin thuyết về nguồn gốc đạo Phật. Trước hết đạo Phật không có chỗ khởi đầu, cũng không có chỗ cuối cùng, để hiểu rõ hơn, các vị hãy nghe về lịch sử Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là Giáo-chủ của thế giới chúng ta ở, trong đạo Phật gọi thế giới này là thế giới Ta Bà.

 

Hồ Đề là người thực tế, nàng hỏi:

 

– Bạch đại-sư, thế giới Ta Bà gồm có Trung-nguyên, Lĩnh Nam, Tây-trúc hay có nhiều xứ khác nữa ?

 

– Hồ cô-nương hỏi thực phải, Trung-nguyên, Tây-trúc, Lĩnh Nam v.v..., thuộc về mặt đất, mặt đất nằm trong thế giới Ta Bà, trên mặt đất này có đến mấy trăm nước khác nhau mà cô nương chưa biết đó thôi, nào là: Trung-nguyên, Tây-trúc, Lão-qua, Hồ-tôn, Cao-ly, Mông-cổ, tất cả các xứ đó cô nương có thể dùng ngựa dùng xe, dùng chân đi tới, mặt đất chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới Ta Bà, thế giới Ta Bà có nhiều mặt đất khác, mà cô nương không thể dùng chân, dùng xe, dùng thuyền đi tới được.

 

Vi Đại-Lâm hỏi:

 

– Mặt trăng, mặt trời, có thuộc về thế giới Ta Bà không?

 

– Có chứ, mặt trời là một khối lửa, cháy trong thế giới Ta Bà, cứ mỗi 365 ngày 11 giờ, 98% của giờ, mặt trời đi hết một vòng trở lại chỗ cũ, vòng của mặt trời cách xa mặt đất không đều, nên chúng ta có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, còn mặt trăng là một khối đất giống như chúng ta, trên đó không có người ở.

 

Sa-Giang hỏi:

 

– Như vậy trong thế gian có nhiều thế giới, thế giới Ta Bà là một, trong thế giới Ta Bà có nhiều mặt đất?

 

Tăng Giả Nan Đà gật đầu:

 

– Đúng thế, thế giới Ta Bà dịch sang tiếng Hán là: Nhẫn, đại nhẫn, kham nhẫn trong thế giới Ta Bà nhà tu phải kham nhẫn, chịu sự nhẫn nhục, vì thế giới có đủ sự trược ác mà chúng sinh phải chịu. Trong thế giới Ta Bà có năm giới chúng sinh ở với nhau: Địa ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh, Thiên và Nhân, đạo Phật nói tới cõi Liên-hoa có hai chục tầng thế giới, cõi Ta Bà ở tầng thứ mười ba, gồm nhiều thế giới nhỏ, trong mỗi thế giới nhỏ có ba cõi Dục giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới, chia làm bốn Châu: Thánh-thần châu, Tây-ngưu hoa châu, Nam-thiện bô châu, Bặc-cư lư-châu và một núi Tu-di, tổng cộng thế giới Ta Bà có một ngàn triệu thế giới nhỏ.

 

Phật Nguyệt thở dài:

 

– Thưa đại sư, đúng như đại-sư nói, chúng ta ở thế giới Ta-Bà này khổ quá, mới sinh ra đã khóc oe oe. Bệnh tật, đói khổ, thương nhớ, bệnh giết người, thiên tai giết người, người giết người, có thế giới nào mà ta không khổ như thế giới Ta Bà không? Khi lên đó không cần chém giết nhau nữa, người người thương nhau.

 

Nan Đà đáp:

 

–Có, thế giới đó là thế giới Tịnh-độ.

 

– Ở như vậy thành Tiên rồi còn gì nữa, thỉnh đại-sư nói về thế giới đó, dạy bọn đệ tử có thể đến được.

 

Nan Đà vẫn cười tủm tỉm:

 

– Tịnh nghĩa là sạch, đó là cõi đất tinh sạch, Quốc Độ Nghiêm Tịnh do Phật cai quản, nơi trú ngụ của hàng thánh giả: La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Ấy là cõi không nhiễm nhơ bẩn Ngũ Trược, trong kinh Phật gọi là Phật-địa, Phật-giới, Phật-quốc, Phật-độ, Tịnh-sát, Thanh-tịnh-độ, Tịnh-điều-quốc-độ. Trong thập phương phế giới nhà Phật có nhiều cõi Tịnh-độ và cũng có nhiều giới Uế-độ, Trược-độ như chúng ta, thế giới cực lạc nghĩa là sung sướng vô cùng, thế giới này là của Phật A Di Đà tức là thế giới Tịnh-độ, còn thế giới Ta-bà là của Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

Hồ Đề gật đầu:

 

– Nghe đại sư nói về thế giới Tịnh-độ đệ tử thấy thèm quá, vậy có cách nào về thế giới ấy không ? Đại-sư giúp đệ tử về thế giới Tịnh-độ đó đi.

 

– Bần tăng không giúp được cô nương, bần tăng cũng không giúp được ai cả.

 

Hồ Đề không chịu:

 

– Tại sao?

 

Nan Đà đáp:

 

– Muốn vãng sinh về thế giới đó, thì tự mình làm lấy, chứ không nhờ người khác giúp cho mà được, tự mình là tại sao? Là phải theo Pháp môn tịnh độ tông. Đó là một môn phái dạy niệm Phật được vãng sinh tịnh độ, tức sau khi chết, đức Phật A Di Đà đón chúng ta về thế giới đó. Chúng ta đầu thai làm hài nhi, lớn lên, sinh sống.

 

Trăng xuân chiếu xuống mặt hồ Động-đình lung linh như muôn ngàn ánh vàng, tiếng Tăng Giả Nan Đà thao thao bất tuyệt, giọng ngài sang sảng khiến anh hùng Lĩnh Nam say mê, không còn biết gì nữa, đám thủy thủ cũng kính cẩn chắp tay ngồi nghe.

 

Trời gần sáng Tăng Giả Nan Đà kết luận:

 

– Trung thổ có đạo Nho, đạo Nho nói phần xác, đạo Phật nói phần hồn, đạo nho dạy cách ăn ở lúc sống, đạo Phật dạy làm sao thoát khỏi cảnh luân hồi, sinh tử.

 

Tăng Giả Nan Đà thuyết thao thao bất tuyệt, mỗi câu, mỗi lời nói của ngài, đều khiến mọi người cảm thấy sảng khóai tâm hồn, người ngây ngất, muốn bay lên cao.

 

Trưng Nhị chắp tay nói:

 

– Hòa Thượng đã dạy giữa người với chúng con có tiền duyên, vậy xin người dời gót ngọc sang kia hồ Động-đình với chúng con, không biết có được không ?

 

Tăng Giả Nan Đà cười tủm tỉm gật đầu.

 

– Được chứ! Được chứ! Bần tăng xin theo chư vị, để chúng ta đàm đạo Phật pháp.

 

Quần hùng gặp Tăng Giả Nan Đà, người nào cũng cảm thấy hào hứng, nhẹ nhàng lâng lâng như gặp buổi trời xuân bình minh.

 

Phật Nguyệt sai dọn riêng một lều cho ngài ở. Trần Năng kể cho Công-tôn Thiệu nghe về cuộc gặp gỡ kỳ lạ đêm qua, Công-tôn Thiệu vội vàng đến tham kiến Tăng Giả Nan Đà, truyền binh sĩ phụ trách hàng ngày cơm chay cúng dường. Thiệu dặn các tướng để ngài tự do muốn ra vào doanh trại, thuyết pháp cho tướng, sĩ mặc ý, ngài cần gì phải lễ phép cung ứng đầy đủ.

 

Công-tôn Thiệu bàn về cuộc tiến binh đánh Trường-sa, Linh-lăng, Phật-Nguyệt bảo Trưng Nhị:

 

– Sư tỷ! Bây giờ tôi với Trần Năng vào thành thám thính tình hình, Tượng-quận tam anh xem sự thể ra sao, trước khi tiến binh.

 

Trưng Nhị gật đầu đồng ý.

 

Phật-Nguyệt, Trần Năng hóa trang thành hai thiếu nữ vùng Trường-sa, lấy ngựa hướng thành tiến tới.

 

Từ xa hai người thấy binh sĩ đi lại trên thành, tuần phòng nghiêm ngặt, cửa thành vẫn mở giáp sĩ đi lại bên ngoài. Hai người đã quen với lối tổ chức, kiểm soát của quân Hán, thản nhiên đi tới, lính canh thấy hai thiếu nữ xinh đẹp, lưng đeo bảo kiếm, cỡi ngựa khoan thai vào thành, cho là tiểu thư con nhà quan nào đó, nên không hỏi han gì cả. Hai người cứ nhắm giữa thành đi vào, trong thành dân chúng tấp nập rất đông, nhà cửa xây bằng gạch hoặc bằng gỗ san sát nối nhau. Trai thanh gái lịch thản nhiên như không biết chiến tranh tới gần, hai người đi cửa Bắc đến cửa Nam rồi vòng sang cửa Đông rồi cửa Tây.

 

Trần Năng bàn:

 

– Nếu bây giờ chúng ta vào quán ăn uống thì bị Tế-Tác Hán phát giác ngay, vì vậy chúng ta kiếm một ngôi đền, miếu nào ẩn thân tối hãy hành sự thì hơn.

 

Phật-Nguyệt đồng ý đến một ngôi miếu bỏ hoang ở góc thành, miếu thờ vua Văn-Vương đời Chu. Trên bệ có ngôi tượng Văn-Vương ngồi giữa, hai bên có tượng Chu-Công, Khương Thái-công, Phật-Nguyệt lấy cơm nắm muối vừng của Trần Năng ăn, rồi cả hai nhắm mắt dưỡng thần, Phật-Nguyệt nhớ lại tư thức ngồi thở hít của Tăng Giả Nan Đà dạy, đầu tiên tập trung tinh thần, nhắm mắt bỏ ra ngoài những hình ảnh trong tư tưởng rồi tự trầm lại, không suy nghĩ nữa đến lúc đó nàng đã tự mình biến đi.

 

Nàng nhớ Tăng Giả Nan Đà đã giảng:

 

– Hãy bỏ ra ngoài những âm thanh, nghe mà không phân biệt đó là vong tỵ, tức mất đi cái mũi, không nói là vong thiệt, tức mất đi cái lưỡi, bỏ ra ngoài những hình ảnh trước mắt là vong nhãn, tức là mất đi cả con mắt. Khi đã không nói, không nghe, không thấy, thì cái thân cũng biến đi mất đó là vong thân thân biến đi rồi trầm lặng không nghĩ, đó là vong ý. Trong Kinh Kim Cương gọi là: Vô, nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, tức là nhập đạo đi vào tới cái vô cùng của Bát Nhã Ba La Mật vậy.

 

Phật Nguyệt làm thử một lát không còn biết gì nữa, nàng trầm đi như vậy không biết bao nhiêu lần, thì Trần Năng vỗ vào lưng.

 

– Sư-tỷ! Ngủ vậy đủ rồi, chúng ta thám thính phủ Mã Anh đi.

 

Phật-Nguyệt tỉnh dậy, người khoan khoái nhẹ nhàng không bút nào tả xiết. Đầu óc minh mẫn sáng suốt, như vừa uống xong chung nước trà thơm tho, nàng nghĩ thầm:

 

– Tư thức thở hít, vận khí, dưỡng thần mà Tăng Giả Nan Đà dạy ta được gọi là phép thiền tuệ. Thiền Tuệ là pháp môn của nhà Phật thật huyền diệu, ta mới ngồi dưỡng thần một lúc mà đã vậy, nếu ngày nào ta cũng ngồi chỉ vài năm, con người trở thành thanh thản, không lo, không sợ, không buồn, không giận, có khác gì tiên không ?

 

Nàng cùng Trần Năng hướng dinh Thái-thú đi tới, trước dinh vệ sĩ canh gác nghiêm mật, hai người nhảy qua hàng rào vào trong, rồi nhảy lên mái nhà, theo mái nhà truyền đến lầu cao có đèn sáng trưng từ trong nhà chiếu ra.

 

Hai người bám cửa sổ, lấy ngón tay nhúng vào miệng cho ướt, để vào cửa sổ giấy, giấy nhũn ra thành lỗ nhỏ, hai người ghé mắt nhìn vào trong. Một người ngồi giữa tướng mạo hùng vĩ giống Mã Viện như đúc, trẻ hơn một chút, chắc là Mã Anh, bên cạnh là ba người tuổi gần năm mươi, một người to béo, cao lớn, một người lùn tịt và một người cao nghệu.

 

Trần Năng nghĩ:

 

– Công-tôn Thiệu bảo rằng Tượng-quận tam anh ở vai sư thúc của Mã Viện, người to lớn kia chắc là Hàn Bạch, người cao nghệu kia chắc là Vương Hồng, còn người lùn tịt chắc là Chu Thanh.

back top