Động Đình Hồ Ngoại Sử

Chương 25: Viễn ly ư đoạn trường Thế gian hằng như mộng

Nghi Gia quát lớn:

 

– Giỏi! Ngươi đấu với ta chưởng nữa xem.

 

Y thị phóng chưởng đánh xuống. Trần Năng hít một hơi phát chiêu "Lưỡng ngưu tranh phong" trong Phục ngưu thần chưởng. Chiêu này cực kỳ mãnh liệt. Bùng một tiếng. Trần Năng muốn nghẹt thở, còn Nghi Gia lùi lại một bước. Mặt tái mét, chân tay như tê liệt, mím chặt môi, để khỏi thổ ra huyết.

 

Phan Anh hỏi vợ:

 

– Thế nào? Có sao không?

 

Nghi Gia khạc một tiếng nhổ ra búng máu, nói:

 

– Để thử lại chiêu nữa xem sao.

 

Y thị nói với Trần Năng:

 

– Vị cô nương kia, ngươi là ai? Ta đi khắp thiên hạ, chưa từng có người đàn bà nào đỡ được của ta một chưởng. Mà cô nương đấu với ta được hai chưởng, thực hiếm có.

 

Trần Năng lễ phép đáp:

 

– Không giám, Phan phu nhân quá khen. Tôi là Việt nữ đất Lĩnh Nam họ Trần tên Năng.

 

Nghi Gia vận khí nhảy vọt lên cao đánh vào Trần Năng một chưởng cực mãnh liệt. Trần Năng cùng nhảy vọt lên cao. Nàng ra chiêu "Ngưu hổ tranh phong". Tay phải đánh thẳng về phía trước. Tay trái đánh xéo từ dưới lên. Chưởng của nàng chạm vào chưởng Nghi Gia. Cả hai người cùng bắn vọt trở lại. Trần Năng lộn ba vòng trên không. Đáp xuống đỉnh đầu pho tượng đá trong lăng. Còn Nghi Gia cùng lộn hai vòng. Đáp xuống đỉnh đồng. Nghi Gia nhảy tới, tay phải đánh thẳng về phía trước. Tay trái quay thành vòng tròn đánh xéo từ phía sau về. Kình lực nhu hòa. Chưởng phong không có gió. Chiêu thức quái dị.

 

Phật Nguyệt đứng lược trận kêu lên:

 

– Úi cha!

 

Nguyên nàng thấy lối vận công, phát chưởng của Trần Nghi Gia có phần giống với phái Long Biên của mình.

 

Hồ Đề đứng cạnh:

 

– Loa thành nguyệt ảnh.

 

Trước nay Hồ Đề nghe nói võ công Cửu Chân khắc chế võ công Trung Nguyên. Nàng biết Trần Năng và chồng là Hùng Bảo được Đào Kỳ dậy cho chiêu thức nay của Cửu Chân, nên buộc miệng nhắc.

 

Trần Năng tỉnh ngộ, lùi hai bước, vận khí phát chiêu "Loa Thành Nguyệt Ảnh" tấn công Nghi Gia. Nghi Gia dồn hết chân khí ra hai tay đánh xéo một chưởng vào giữa chưởng Trần Năng. Bùng một tiếng, Trần Năng thấy mắt nẩy đom đóm, cánh tay tê nhức chịu không được, còn Nghi Gia thì đứng im không động đậy.

 

Hồ Đề, Trần Năng, Phật Nguyệt cho tới Trưng Nhi đều ngạc nhiên. Vì chưởng trước là Phục Ngưu Thần Chưởng thì Trần Năng thắng Nghi Gia một chút. Không ngờ nay dùng chưởng Cửu Chân, khắc chế võ công Trung Nguyên, thì lại bị thua sút là nghĩa làm sao?

 

Nghi Gia cười nhạt:

 

– Tưởng thế nào, hóa ra chí có vậy thôi sao? Hãy tiếp chưởng nữa của ta.

 

Nghi Gia vận chưởng đánh tới. Trần Năng vội phát chiêu "Ngưu Hổ Tranh Phong" đánh trả. Bùng một tiếng, cả hai đều lui lại. Trần Nghi Gia bật lùi hai bước. Như vậy Trần Năng thắng thế. Trần Năng hiểu được nguyên do.

 

Trần Ngũ Gia nói:

 

– Nghi Gia, người xuất thân con gái họ Trần, học võ công Lĩnh Nam nhà ta. Rồi dùng võ công đó để bắt người đàn bà yếu ớt ư? Võ đạoTrần gia chúng ta sẽ không dung thứ cho ngươi đâu.

 

Trần Nghi Gia đáp:

 

– Xuất gia tòng phu! Nay tôi đã là người nhà họ Phan, nhất thiết phu xướng phụ tùy. Chồng tôi vì chữ hiếu mà ra tay, tôi phải giúp chồng. Đợi việc ở đây xong, chúng tôi sẽ về Khúc Giang tạ lỗi với Ngũ hiệp sau.

 

Trần Năng nghe họ đối đáp mới tỉnh ngộ:

 

– Thì ra võ công Nghi Gia là võ công Lĩnh Nam, mà võ công Lĩnh Nam thì phái Tản Viên đệ nhất. Ta dùng võ công Tản Viên đấu với nàng thì thắng thế. Còn võ công Cửu Chân đối với võ công Trung Nguyên mới đủ uy lực khắc chế, mà ta đem đấu với võ công Lĩnh Nam thua là phải.

 

Nghĩ vậy nàng vận khí phát Phục Ngưu thần chưởng tấn công Nghi Gia. Hai người quấn lấy với nhau dưới ánh trăng. Trần Năng trầm mạnh, chiêu thức mãnh liệt. Nghi Gia thì đương cương, chiêu số đường đường chính chính. Rõ ra đế tử danh môn chính phái. Trần Năng nghĩ:

 

– Ở đây mình có Thần Hổ, Thần Báo, muốn bắt bọn này dễ như trở bàn tay. Ta thử dùng võ công Tản Viên đấu với y thị xem sao. Nếu không thắng hãy dùng lối vận công bằng kinh mạch, hoặc Lĩnh Nam chỉ pháp.

 

Nghĩ vậy nàng lại phóng chưởng tấn công Nghi Gia.

 

Trưng Nhị núp trong bụi cây thấy võ công của Trần Năng tiến một cách kỳ lạ, tự nghĩ:

 

– Thái sư thúc Khất đại phu và Đào Kỳ thực kỳ nhân võ học. Hôm đại hội hồ Tây. Võ công sư thúc Trần Năng thua mình xa, thế mà chỉ có một thời gian sau, đã đến trình độ nầy. Nếu sư thúc tiếp tục luyện, chẳng mấy chốc sẽ bằng Lê Đạo Sinh.

 

Trần Năng nhờ Đào Kỳ dạy đủ ba mươi sáu chiêu Phục Ngưu thần chưởng, chiêu nọ tiếp nối chiêu kia, liên miên bất tuyệt. Chưởng lực tuôn ra ào ào. Còn Nghi Gia chưởng lực ảo diệu, biến hóa không chừng. Hai người đấu được trên trăm chiêu vẫn không phân biệt thắng bại. Trên núi Vương Sơn, hiện diện mấy chục người, mà không một tiếng động. Ai cũng say sưa coi cuộc đấu. Đàn Thần hổ, Thần báo nằm im, nghển cổ nhìn mọi người dưới ánh trăng.

 

Chợt có tiếng gõ mõ từ bụi cây kỳ nhân ẩn náu, và tiếng tụng kinh vang lên:

 

Thế gian ly sinh diệt,

 

Thí như hư không hoa,

 

Chí bất đắc hữu vô,

 

Nhi hưng đại bi tâm.

 

Nhất thiết pháp như huyễn,

 

Viễn ly ư tâm thức,

 

Chí bất đắc hữu vô,

 

Nhi hưng đại bi tâm.

 

Trưng Nhị, Trần Năng, Hô Đề, Phật Nguyệt, Sa Giang bấy giờ mới biết kỳ nhân núp sau bụi hoa, vận khí khiến giây vọt lên như con rắn, đánh văng dao, kiếm của bọn Trương Linh là Tăng Giả Nan Đà.

 

Khúc Giang Ngũ Hiệp và Trường Sa Tam Anh giật mình quay lại nhìn "kỳ nhân", một người đen như tượng đồng, đầu trọc. Ông ngồi xếp bằng, tay gõ mõ, mắt lim dim, khuôn mặt đầy vẻ từ bi.

 

Thời bấy giờ Phật giáo chưa truyền vào Trung Nguyên, Lĩnh Nam. Những người nghe nhiều hiểu rộng như Khúc Giang Ngũ Hiệp cũng không biết Tăng Giả Nan Đà là một hòa thượng.

 

Họ nghĩ:

 

– Người nầy là ai? Núp ở bụi cây từ nãy đến giờ dùng nội công thượng thừa khiến cho một sợi giây vọt lên, không một tiếng động, tốc lực kinh khủng. Kình lực vừa cương vừa nhu đến độ đánh bay được đao kiếm của các cao thủ. Rồi bây giờ lại đọc bốn câu "thơ chẳng ra thơ" lời lẽ huyền bí thế nầy, ngụ ý gì đây?

 

Trưng Nhị thì nghĩ:

 

– Mình đáng chết thật! Đúng rồi, trên đời làm gì có người nào, nội công cao hơn Khất đại phu với Đào Kỳ ngoài vị Phật Gia Tăng Giả Nan Đà? Có điều vận sức âm nhu vào gợi giây, để giây vọt lên tấn công người cực mạnh mà không một tiếng động. Rồi biến tư nhu sang cương, đánh văng được kiếm của Trương Linh, không ai có thế tưởng tượng được. Trương Linh với mình võ công ngang nhau. Thế mà kiếm của y bị sợi giây "mổ" bay đi, thì nội công này đã tới mức không biết đâu mà lượng.

 

Trần Năng đang đấu với Nghi Gia, thấy Tăng Giả Nan Đà đọc một đoạn trong kinh Lăng Già mà ngài đã giảng cho nàng.

 

Hôm đó ngài nói:

 

"Lăng Già là mội kinh tối cao của Thiền Môn. Ngày xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự đến núi Lăng Già giảng kinh đại Thừa, nên kinh mang tên Lăng Già. Thời bấy giờ, khi Phật giảng kinh bao giờ cũng có một người ngồi làm Thượng thủ. Hôm Phật giảng kinh Lăng Già thì Đại Bồ Tát Đại Huệ ngồi làm Thượng thủ với nhiều Bồ Tát. Mở đầu Đại Huệ Bồ Tát lạy phật thưa rằng:

 

– Con là Đại Huệ, thông hiểu Đại Thừa.

 

Sau đó Đại Huệ Bồ Tát đọc một bài kệ ca tụng Phật Tổ. Đoạn ngài vừa đọc là đoạn đầy trong bài kệ đó.

 

Thế gian ly sinh diệt câu này ý nói Phật Tổ là Đấng đại giác ngộ thoát ra ngoài lẽ sinh, tử. Chí bất đắc hữu, vô ngài đã bỏ ra ngoài ngũ uẩn, không phân biệt ta với người, người với người nữa cho nên dù "có" dù "không" cũng thế thôi. Tất cả chỉ còn ở ngài một trái tim đại từ đại bi. Nhất thiết pháp như huyễn Ngài giảng phép Phật rõ ràng có, mà không. Cho nên Phật Giáo không có chỗ khỏi đầu, cũng không có chỗ cùng tận là thế"

 

Trần Năng thắc mắc không hiểu sao ngài đọc lên giữa lúc nầy? Hôm đó ta hỏi ngài, làm thế nào thì "Chí bất đắc hữu vô" được. Ngài bảo cứ "không tâm" tâm vận khí thì được như thế. Hôm đó ta không tâm vận khí thử, thấy trong lòng khoan khoái vô cùng.

 

Trần Năng vừa chiến đấu vừa suy nghĩ, rồi trong lúc không tự chủ nàng vận khí "không tâm", chân khí chuyển vận tự nhiên như không biết đến. Giữa lúc nàng "không tâm" vận khí, buông lỏng kình lực, tay phát ra chiêu "Ngưu Tẩu Như Phi". Chưởng của nàng chạm vào chưởng của Nghi Gia. Không một chút gió nào. Bịch một tiếng, nàng cảm thấy người khoan khoái vô cùng. Còn Nghi Gia chưởng lực bị mất tăm mất tích. Y thị hoảng sợ nhảy lùi lại. Cả hai cùng ngẩn người ra suy nghĩ.

 

Trần Năng phấn khởi:

 

– Ta vô tình "không tâm" phát chiêu. Kình lực dương cương biến mất, chân khí trong người biến thành một thức chân khí kỳ lạ. Không phải để đánh đối chủ, cũng không phải để đỡ đối thủ, mà "hóa giải hết kình lực độc ác của đối thủ". Như vậy Phục Ngưu Thần Chưởng, không còn là chưởng pháp dũng mãnh nữa. Trước đây Vạn Tín Hầu nhân Phục Ngưu Thần Chưởng của thánh Tản Viên, chế ra ba mươi sáu chiêu cùng mang trên Phục Ngưu Thần Chưởng. Nhưng vận khí âm nhu, khi phat chiêu hung ác khác thường. Nếu bây giờ ta dùng tâm pháp của Tăng Giả Nan Đà, Phục Ngưu Thần Chưởng lại biến thể thành một loại chưởng mới nữa.

 

Còn Nghi Gia thì ngẩn người ra:

 

– Lạ lùng thực! Ta đang đấu với y thị. Bỗng nhiên chưởng y thị đổi một cách kỳ dị, khiến ta thấy như mất hết kình lực. Ta phải cẩn thận mới được.

 

Nghĩ rồi Nghi Gia phóng chưởng tấn công tiếp.Trần Năng vận chưởng đỡ. Lần nầy đã có ý niệm: Nàng chuyển chân khí về Đơn Điền, buông lỏng kình lực. Trong lòng không gợn chút sưu tư, thuận tay phát chiêu. Chiêu số của nàng phát ra không có gió. Nghi Gia thấy vậy thì mừng lắm. Y thị đánh thẳng một chưởng vào giữa ngực Trần Năng. Chưởng phong ào ào đổ tới. Trần Năng vẫn không tâm, buông lỏng kình lực. Chưởng lực của Nghi Gia chụp tới, kình lực biến mất tích. Thành ra khi tay thị đụng vào tay Trần Năng, cảm thấy kình lực biến đi. Thị kinh hoàng, nghiến răng đánh liền bốn chưởng. Trần Năng vẫn thản nhiên "không tâm" đỡ. Đánh được mấy chưởng nàng lại nghĩ:

 

"Hôm ấy Tăng Giả Nan Đà giảng về ứng dụng đại thể tám câu kinh trên rằng: Khi quán tưởng thế gian nầy bằng trí và bi. Người sẽ thấy nó giống như hoa đớm giữa trời. Không thể nói nó có sinh ra hay bị diệt đi. Vì cả hai cái có và không đều dùng được. Khi quán tưởng môn vật bằng trí và bi. Người sẽ thấy nó như ảo giác. Ngoài hẳn sự nhận biết của tâm thức. Cũng không thể nói nó có hoặc không. Vì cả hai đều không dùng được ở đây.

 

Muốn đi ra ngoài cái có và không, thì cần nhất để cái tâm trống rỗng. Khi phát lực, thì chân khí toàn thân cũng đổ ra như sóng biển dồn dập đánh vào bờ. Sóng tuy nhiều, tuy mạnh nhưng lại là thể lỏng. Không hình không dạng".

 

Nàng lại nghĩ:

 

"Ngài dậy ta không tâm, trong khi kinh nói Đại Bi tâm thế là thế nào? Vậy thì ta phát chiêu, trong lòng trống rỗng, rồi chuyển chân khí ra tay thử xem".

 

Nghĩ vậy nàng ra chiêu Thanh Ngưu ư hà vận khí không tâm rồi chuyển Đại Bi Tâm. Bịch một tiếng, hai chưởng chạm nhau, kình lực Nghi Gia mất hút. Còn bị dư lực Trần Năng đánh vọt lên cao.

 

Vô tình chỉ mấy câu kinh của Tăng Giả Nan Đà, mà Trần Năng hợp được Cương, Nhu vào trong một chiêu, khiến Nghi Gia bị thua. Còn ở trên không, y thị hét lên:

 

– Chết!

 

Phan Anh chạy lại đỡ vợ dậy hỏi:

 

– Có sao không? Cái gì đã xảy ra?

 

Trần Nghi Gia lắc đầu:

 

– Không hiểu nữa, dường như y thị có tà thuệt thì phải. Lúc đầu y thị đấu với em kém thế. Rồi tự nhiên cái người "Đen như đồng" đọc lên mấy câu quái quỉ gì đó. Khiến cùng một thứ chưởng pháp, y thị biến đổi đi, làm mất hết kình lực của em.

 

Y thị quay lại nói với Tăng Giả Nan Đà:

 

– Nan Đà Đại sư! Trước đây chúng tôi có duyên gặp gỡ Đại Sư trên hồ Động Đình. Chúng tôi không hề vô phép với Đại Sư. Tại sao Đại Sư lại đi giúp địch thủ hại tôi?

 

Tăng Giả Nan Đà chắp tay:

 

– A Di Đà Phật tư bi chứng giám cho bần tăng. Bần tăng chỉ đọc mấy câu kệ, xưa kia Đại Huệ Bồ Tát tán thán Đức Thích Ca Mâu Ni. Mục đích bần tăng khuyên các vị nên "Rời xa được lẽ sinh, diệt" đến độ "Chí không còn để vào chỗ có, chỗ không", đến trình độ đó, thì đủ vào được Vô thượng Bồ Đề. Hùng phu nhân có duyên với Phật pháp. Nghe mà hiểu thấu đáo để huyền diệu của "Tự tính không". Kình lực Dương Cương võ công Tản Viên biến mất hết. Chí "Bất đắc hữu vô" không còn kình lực sát thủ, mà chỉ giải "Sắc tướng" trong chưởng pháp của Phan phu nhân. Phật pháp mở rộng vô bờ bến. Pháp môn nhiều vô kể. Như Phục Ngưu Thần chưởng, vốn chỉ có dương cương. Vạn Tín hầu chế ra âm nhu. Đó là hai biến hóa. Hùng phu nhân nghe kinh Phật, bỏ lòng độc ác, chỉ muốn hóa giải ác nghiệp của Phan phu nhân. Chưởng pháp Tản Viên lại biến ra một pháp mới. Đó là lẽ "Vô Thường" trong thế gian nầy. Bần tăng mong hai vị không đánh nhau, giết nhau. Đâu có để tâm vào giúp Hùng Phu nhân? Huống hồ Phan công tử và Phan phu nhân với bần tăng có duyên gặp gỡ trên hồ Động Đình. Bần tăng làm sao mà hại phu nhân cho được?

 

Trần Nghi Gia nổi giận:

 

– Hòa thượng còn chối cãi ư. Ban nãy chúng ta phóng ám khí giết Hàn Tú Anh, người ra tay cứu y thị. Như vậy tâm thiên vị rồi.

 

Tăng Giả Nan Đà chắp tay:

 

– A Di Đà Phật. Hai vị ẩn thân ở đây đã hai năm. Đâu có phải để giết Hàn thái hậu? Mục đích của hai vị ở chỗ khác. Bần tăng đã biết rồi. Hôm nay hai vị ra tay giết Hàn thái hậu. Sát nghiệp nổi lên, vung tay một cái, có ngờ đâu cái vung tay đó làm cho người ra đau đớn khổ sở. Bần tăng không thể nào ngồi nhìn nhị vị giết người. Bần tăng chỉ ra tay hóa giải thôi.

 

Phan Anh bảo vợ:

 

– Thôi, không nên nói với cái ông tượng đồng nữa. Nàng lùi lại, để ta đấu với Hùng phu nhân xem sao.

 

Y vận khí phóng chưởng đánh Trần Năng. Trần Năng thấy kình lực phát ra âm nhu, giống như chưởng pháp Long Biên. Trong chưởng pháp có mùi tanh hôi, khiến nàng muốn nôn ọe.

 

Trần Năng lại vận khí "không tâm" rồi "Đại bi tâm" phát chiêu. Bịch một tiếng chưởng của nàng chạm vào chưởng của Phan Anh. Nàng cảm thấy luồng chân khí của Phan Anh nhu hòa, âm độc, hàm chữa sát thủ giống như nội công của Phương Dung. Nàng kêu lên:

 

– Ngươi luyện nội công âm nhu với phái Long Biên. Người là người phái Long Biên?

 

Nội công phái Long Biên thiên về âm nhu, khắc chế với nội công Tản Viên của Trần Năng. Song Trần Năng lại vận khí theo Thiền Công của nhà Phật, hóa giải áp lực ngoài vào, làm mất kình lực của Phan Anh.

 

Phan Anh cười nhạt:

 

– Ta không biết phái Long Biên, Hổ Biên?

 

Nội công phái Long Biên thiên về Âm Nhu, khắc chế với nội công Tản Viên của Trần Năng. Song Trần Năng lại vận khí theo Thiền công của nhà Phật, hóa giải áp lực của Phan Anh.

 

Phan Anh cười nhạt:

 

– Ta không biết phái Long Biên, Hổ Biên quái quỉ gì cả.

 

Miệng nói y phát chiêu vù vù. Trần Năng vận " không tâm" và "đại bi tâm" chống lại dễ dàng. Trần Nhất Gia nói:

 

– Trần phu nhân phải cẩn thận. Phu nhân nói đúng đó, giữa nội công của Phan Anh thuộc phái Trường Bạch với phái Long Biên ở Giao Chỉ có cùng nguồn gốc. Vì xưa kia Vạn Tín hầu sau khi đánh Hung Nô rồi, để lại một đệ tử, làm quan với Tần. Vị nầy lấy vợ Trung Nguyên, ở lại lập ra phái Trường Bạch. Phan Anh là người của phái Trường Bạch.

 

Hai bên đấu được đến một trăn hiệp nữa. Tự nhiên Phan Anh lùi lại phóng một chưởng rất thô kệch. Trần Năng vung chưởng đỡ. Bịch một tiếng, hai chưởng dính với nhau. Trần Năng thấy trong chưởng của đối phương hàm chứa một mùi tanh cực kỳ khó chịu. Nàng ung dung vận khí " không tâm" rồi "đại bi tâm" hóa giải.

 

Bỗng nàng cảm thấy mùi tanh lợm giọng, muốn mửa ra ngoài. Phan Anh thu chưởng lại cười ha hả, giọng điệu khoái trá. Y nói:

 

– Hùng phu nhân, người trúng phải Huyền Âm Độc chưởng của ta rồi. Người mau ngồi xếp chân, vận công mới hy vọng thoát khỏi cái chết. Người phải mở vòng vây. Khi rời khỏi nay, ta trao thuốc giải cho ngươi. Bằng không người sẽ đau đớn vô cùng. Mỗi ngày lên cơn trong vòng hai giờ. Cuối cùng 7 lần 7 là 49 ngày. Ngươi sẽ chết.

 

Trần Năng nhìn thấy tay mình biến thành xanh tím, ngứa ngáy khó chịu.

 

Trần Nhất Gia nói lớn:

 

– Trần phu nhân phải cẩn thận. Tuy nội công Trường Bạch với Long Biên giống nhau. Nhưng nội công Long Biên thì đường đường chính chính. Còn nội công Trường Bạch, đã trộn năm thứ nọc vào, đó là nọc rắn, nọc rết, nọc bò cạpp, nọc nhện và nọc tằm độc. Ai trúng phải người đau nhức, chết đi sống lại. Muốn chết không được, muốn sống cũng không xong.

 

Trần Năng bị trúng độc, cánh tay thấy tê tê, ngứa quá. Nàng biết nguy rồi. Bản tính can đảm, nàng quát lớn:

 

– Đằng nào ta cũng chết. Chúng ra cùng chết với nhau.

 

Nàng vận khí vào Đơn Điền, rồi truyền ra Đốc Mạch, dẫn tới kinh Tam Tiêu, phát ra ở huyệt Quan Xung. Nàng điểm đến "véo" một cái vào người Phan Anh. Phan Anh thấy chỉ lực lợi hại, vội lăn tròn người đi tránh. Chỉ trúng vào một viên đá. Viên đá bay tung đi.

 

Trần Năng nghĩ:

 

– Ta phải dùng võ công thượng thừa, khống chế tên Phan Anh nay, mới mong sống còn.

 

Nàng phóng chưởng cực kỳ hung bạo đánh Phan Anh. Đánh được bốn chưởng lại thấy Tăng Giả Nan Đà đọc kinh:

 

Viễn ly ư đoạn thường,

 

Thế gian hằng như mộng,

 

Trí bất đắc hữu vô,

 

Nhi hưng đại bi tâm.

 

Trong lúc phẫn uất, nàng dùng toàn sát thủ tấn công. Nên những câu kinh của Nan Đà không lọt vào tai nàng. Chỉ lực nàng phóng ra vi vu. Phan Anh nhảy nhót tránh né. Được một lát cánh tay Trần Năng tê dại dần. Chỉ lực phát ra yếu ớt. Chên khí hỗn loạn.

 

Tăng Giả Nan Đà lại đọc bốn câu kinh trên một lần nữa. Lần nay Trần Năng đã nghe rõ. Nàng nhớ ngài giảng "Đời chúng ta cái gì sinh ra rồi cũng diệt đi. Chỉ có Phật Tổ, viễn ly được với cái vô thường. Xa hẳn thế gian nầy, chẳng qua là cõi mộng mà thôi". Nghĩ vậy nàng bỏ ra ngoài đau đớn, chết chóc.

 

Nàng nghĩ:

 

"Theo Phật, ai sinh ra cũng phải chết. Ta không thoát khỏi cái chết. Ta không chết trước cũng chết sau. Cuộc đời như giấc mộng mà thôi. Thế mà ta dùng võ công của sư phụ giết Phan Anh, e đi ngược lại với kinh Phật".

 

Vô tình chân khí của nàng từ "không tâm, đại bi tâm" đưa đến, nàng như mê dại đi không biết gì. Trong khi tay vẫn vung chưởng đánh Phan Anh. Hai chưởng lại đụng nhau nữa. Cả hai cùng dùng âm nhu. Một bên là nội công Âm Nhu của Vạn Tín hầu. Một bên là Thiền Công nhà Phật, hóa giải ác nghiệp từ ngoài vào. Hai chưởng đụng nhau, êm nhẹ, không tiếng động. Trần Năng cảm thấy cái ngứa ngáy khó chịu giảm bớt. Còn Phan Anh thấy kình lực của mình biến mất, như ném một ném muối vào biển.

 

Trần Năng tỉnh ngộ:

 

– Tăng Giả Nan Đà dường như đọc kinh để nhắc ta thắng Phan Anh thì phải. Ta phải chú ý mới được.

 

Tăng Giả Nan Đà lại đọc:

 

Trí nhân pháp vô ngã,

 

Phiền não cập nhĩ diệm,

 

Thường thanh tĩnh vô tướng,

 

Nhi hưng đại bi tâm.

 

Trần Năng phát chưởng như gió, nhưng trong tâm lại suy nghĩ theo lời kinh của Tăng Giả Nan Đà. Ngài giảng: Chỉ có Phật mới bỏ ra ngoài sự phân biệt giữa ta và người. Vì đã bỏ ra được cái ta và người, thì tự nhiên sẽ không phân biệt nhiều người, còn đâu là tranh dành, còn đâu phiền não? Vì vậy tâm hồn mới được thanh tịnh. Tóm lại muốn đạt đến mức đó phải bỏ ra ngoài cái Ta với Người tức là không tưởng thì mới đưa đến đai bi tâm.

 

Trần Năng vừa nghĩ, vừa tự động phát chưởng ra. Nàng thấy tay mình toát mồ hôi, tanh hôi vô cùng, người khoan khoái nhẹ nhàng. Nàng tỉnh ngộ:

 

–Thì ra ta chú ý đến Phan Anh đánh ta. Ta chú ý đến đau đớn, tức phân biệt "Ta" với "Người". Bây giờ không tâm, đi đến vô tướng, thì độc chất phát ra.

 

Bịch một tiếng, chưởng của nàng chạm vào chưởng của Phan Anh. Người y lảo đảo bật lùi trở lại, rồi ngã xuống đất.

 

Từ Khúc Giang ngũ hiệp tới Trưng Nhị đều kinh ngạc không ít. Với bản lĩnh Trần Năng lúc đầu. Đấu với Trần Nghi Gia, kém hơn một chút. Trần Năng nghe "Tăng Giả Nan Đà đọc kinh, giác ngộ, áp dụng "Tự Tính không" đánh bại Nghi Gia. Nàng đấu với Phan Anh, bị trúng Huyền âm độc chưởng. Tính mệnh nguy hiểm trong chốc lát. Bây giờ đảo ngược lại, dường như nàng không còn đau đớn nữa. Còn đánh Phan Anh lạc bại.

 

Phan Anh đứng dậy, điều hòa hơi thở, lại vung chưởng tấng công. Trần Nghi Gia đứng ngoài, phát chiêu cùng với chồng tấn công Trần Năng. Trần Năng lùi lại ba bước, phát chưởng đấu với cả hai một lúc. Hai người phối hợp cương, nhu phát chiêu. Trần Năng hít một hơi chân khí rồi vận "không tâm", vung chưởng đỡ. Chưởng của Nghi Gia thuộc Dương Cương. Chưởng hướng của Phan Anh thuộc Âm Nhu. Hai chưởng giao nhau với chưởng lực của Trần Năng. Cả ba người đều bật lùi lại.

 

Trần Năng bình tĩnh, đã có một chút ý niệm về "không tâm". Nàng quay tròn vung chưởng đấu với cả hai vợ chồng Phan Anh.

 

Nàng tiếp tục dùng "không tâm" rồi "Đại bi tâm" phát chưởng giao đấu với hai người. Nàng nghiệm thấy mỗi lần hai chưởng chạm nhau đối phương như mất hết kình lực. Vì vậy nàng vừa đỡ đòn, thỉnh thoảng tấn công một chiêu. Đấu được khoảng năm chục chiêu, đã quen với lối vận khí. Cứ một chiêu đỡ, nàng có một chiêu tấn công. Có một điều nàng cảm thấy nguy hiểm là: Công lực của nàng thấp hơn một trong hai người. Mà phải đấu với cả hai một lúc. Công lực nàng cạn dần.

 

Trần Năng tính toán:

 

– Trước đại hội Tây hồ, nếu ta gặp một trong hai vợ chồng nay, thì e rằng chỉ một chiêu họ cũng đánh bại ta. Sau nhờ sư phụ và Đào Sư Thúc truyền dậy, võ công ta tiến bộ không ngừng. Ta những tưởng rằng mình đứng đầu trong nữ lưu. Không ngờ hôm nay gặp Trần Nghi Gia, võ công cao hơn ta một chút. Giữa lúc có thể bị thua, vị Đại Hòa thượng đọc một đoạn kinh Lăng Già, khiến ta tỉnh ngộ, thắng được Nghi Gia. Bây giờ hai vợ chồng họ đấu với ta. Tuy ngang nhau, nhưng dần dà, công lực ta bị tiêu hao, ta sẽ bị thua. Ta phải làm sao đây? Dù sao còn Phật Nguyệt đứng lược trận. Nàng mà ra tay thì khống chế được hai người này.

 

Bỗng Tăng Giả Nan Đà gõ mõ đọc kinh. Trần Năng nhận ra ngài đọc bài "Bát nhã ba la mật đa tâm kinh":

 

Quán Tự Tại Bồ Tát,

 

Hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời,

 

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không,

 

Độ nhất thiết khổ ách,

 

Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc.

 

Trần Năng ngơ ngác tự hỏi:

 

– Tăng Giả Nan Đà đọc kinh "Bát nhã ba la mật tâm kinh" lên làm gì? Hôm trước ngài giảng rằng: Kinh bát nhã ba la mật vượt ra ngoài lời nói, tư tưởng và tán ngữ. Tự tính như hư không. Không sinh, không diệt là cảnh giới của "Huệ". Hiển hiện trong nội tâm chúng ta. Bấy giờ đức Thế Tôn nhập vào Tam muội Chính Giác cực sâu. Cùng một lúc đó đại Bồ Tát Quán Tự Tại đang thực hành Bát Nhã Ba La mật rất sâu xa.

 

Đoạn trên có nghĩa là: Khi Bồ Tát Quán Tự tại thực hành Bát nhã ba la mật sâu xa. Ngài soi thấy rằng có năm uẩn. Ngài nhận thấy năm uẩn đó không có tự tính trong chúng.

 

Này Xá lợi Phất:

 

Sắc ở nay là không. Không là sắc.

 

Sắc không khác không.

 

Không không khác sắc.

 

Sắc tức thị là không.

 

Không tức thị là sắc.

 

Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

 

Nàng lẩm nhẩm:

 

– Như vậy chưởng của ta phát ra phải lấy cái "Không tâm" làm căn bản. Đó là "Sắc không khác không". Kình lực ta phát ra "không", song nó lại là sắc, hóa giải kình lực của vợ chồng Phan Anh. Như thế thì "Sắc" "không" cùng giống nhau. Ta đánh người, người đánh ta, đều phải coi như không có. Tự đó đưa đến: Thọ, Tưởng, Hành, Thức cùng giống nhau.

 

Nàng buông lỏng kình lực. Để tâm trong sáng. Nhàn nhã đưa chưởng đỡ. Chưởng của nàng ôn nhu, nhẹ nhàng. Chạm vào chưởng của vợ chồng Phan Anh, dù cương, dù nhu, cũng không thấy rung động.

 

Phan Anh nhìn vợ. Cả hai cùng phát năm chiêu liền. Trần Năng hời hợt đưa tay đỡ. Năm chiêu điều biến mất.

 

Tiếng Tăng Giả Nan Đà vẫn vọng lên đều đều:

 

Xá lợi Phất! Thị chư pháp không tướng,

 

Bất sinh, bất diệt.

 

Bất cấu, bất tịnh,

 

Bất tăng, bất giảm,

 

Thị cố không trung vô sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

 

Vô nhãn, nhĩ, ty, thiệt, thân ý.

 

Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp.

 

Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới.

 

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận,

 

Vô khổ tập diệt đạo,

 

Vô trí, diệc vô đắc.

 

Trần Năng suy nghĩ rất mau:

 

– Khi xưa Phật nói với Bồ Tát Xá Lợ Phất rằng: Tất cả các pháp đều không có hình tướng. Không sinh, không diệt. Không dơ bẩn, không tinh khiết. Không tăng không giảm. Cho nên không có sắc, thọ, tưởng, hành thức. Như vậy không còn phân biệt chiêu thức của ta, của địch nữa.

 

Thuận tay phát chiêu, nàng phát bừa một chiêu. Vợ chồng Phan Anh ngẩn người tự hỏi:

 

– Chiêu nầy là chiêu gì ?

 

Phân tâm một chút. Chưởng Trần Năng đã tới. Cả hai đưa bốn chưởng đẩy ra. Trần Năng thu chưởng về, biến thành trảo chụp lên vai hai người. Trảo của nàng thô kệch. Không có tý kình lực nào. Ngón tay nàng dính vào vai hai người. Thì Phan Anh rung động toàn thân. Trên đầu có khói trắng bốc lean. Còn Trần Nghi Gia mặt tái nhợt. Cả hai lùi lại. Mặt nhợt nhạt. Phan Anh quát lên tay phóng độc chưởng. Trần Nghi Gia rút kiếm đánh liền mười chiêu. Kiếm quang bao phủ người Trần Năng. Nàng kinh hãi, vọt người lên cao tránh. Nghi Gia đuổi theo, khoa kiếm định chăt chân nàng. Phan Anh đánh xéo một chưởng trở lên.

 

Phật Nguyệt đứng ngoài thấy Trần Năng lâm nguy. Nàng rút kiếm vọt người đi, chĩa vào cổ Nghi Gia. Còn lơ lửng trên không, kiếm của nàng đụng vào phải một vật, kêu choảng một tiếng. Cánh tay nàng tê chồn. Kình lực mất. Nàng rơi xuống đất. Thì ra Tăng Giả Nan Đà ném một trái tùng vào kiếm của nàng. Nàng định lên tiếng, thì nghe tiếng một trái trúng vào kiếm bay bổng lên trời gãy làm bốn mảnh rơi xuống.

 

Nguyên Trần Năng còn ở trên không. Bị vợ chồng Phan Anh tấn công. Tay trái nàng phóng chỉ vào thanh kiếm Nghi Gia, kình lực vận theo "cho nên không trung không sắc, thọ, tưởng, hành, thức". Chỉ chạm vào kiếm, làm kiếm gãy thành 4, 5 đoạn. Tay phải nàng đẩy một chướng vào chưởng của Phan Anh. Giữa lúc nguy nan, mắt nàng mờ đi, tai không còn nghe thấy gì, thân cũng như ý tưởng ngất đi. Đúng với câu: "Không có mắt, tai mũi, lưỡi, thân, ý". Kình lực nhu hòa phát ra mạnh đến long trời lở đất. Chưởng của nàng đánh vào chưởng của Phan Anh. Người nàng lại bay vọt lên cao. Trong khi ở trên cao. Người nàng bị câu: "Không có sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp. Không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới. Không có minh, không có vô minh. Không có diệt, không có vô minh diệt. Như vậy thì không có tuổi già, không có sự chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí, không có đắc, và không có chứng. Bởi vì không có đắc, người nàng từ từ rơi xuống. Giữa lúc chưởng của Nghi Gia đánh vào. Bình một tiếng. Nàng trúng chưởng của Nghi Gia. Người nàng hơi rung động. Còn Nghi Gia bay vọt lên cao. Thị ngã ngửa xuống đất. Phan Anh rút kiếm, đâm vào giữa ngực Trần Năng. Nàng vung tay, kẹp lất lưng thanh kiếm. Phan Anh thấy vậy thì chửi thầm:

 

– Còn lỏi nay khinh địch. Chết đừng oán ta.

 

Trong khi Trần Năng tập trung tinh thần, bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Nàng không còn sợ hãi nữa. Tay kẹp cứng thanh kiếm của Phan Anh. Y dùng hết sức dằng ra, mà không được. Y vận thêm kình lực đẩy thanh kiếm về trước. Thanh kiếm như đinh đóng cột không rung động.

 

Trần Năng rung động tay một cái. Thanh kiếm gãy làm 7, 8 mảnh. Thuận tay nàng nay các mảnh kiếm vào người Phan Anh. Y kinh hoàng, tung Hành Tú Anh lên không trung, dùng hai chưởng gạt các mảnh kiếm. Trần Nang tấn công thêm hai chưởng, y nhảy lùi lại ba bước dỡ. Nàng thuận tay đỡ lấy Hàn Tú Anh, di chuyển đến trước Phật Nguyệt, trao cho nàng.

 

Chợt Tăng Giả Nan Đà lại đọc:

 

Nhất thiết vô Niết Bàn,

 

Vô hữu niết bàn Phật,

 

Vô hữu Phật Niết Bàn,

 

Viễn ly giác sở giác,

 

Nhược hữu, nhược vô hữu.

 

Thị như hốt câu ly,

 

Mâu ni tịch tĩnh quan.

 

Thị tắc viễn ly sinh,

 

Thị danh vị bất thủ,

 

Kim thế, hậu thế tịnh.

 

Trần Năng nhận ra đoạn kinh nầy vẫn là bài kệ của Đại Huyệ Bồ Tát tán thán Phật. Tăng giả Nan Đà giảng rằng: Khi đã bỏ ra ngoài sắc tướng thì làm gì có Niết Bàn, cũng chẳng có Phật nữa, phải xa lìa những cái ngộ giác ngộ mình đạt được. Coi có, và không đều như nhau. Như thế mới xa lìa được cái sống, cái chết tức đạt tới "Vô đẳng chính thượng chính giác" tức thành Phật vậy.

 

Nàng vừa nghĩ, vừa bỏ hết tất cả kình lực, cứ thuận tay phát chưởng. Chưởng phong vù vù phát ra, nhưng nhu hòa. Bộp một tiếng, Phan Anh bay bổng lên cao, rơi xuống bụi cây. Bộp một nữa Trần Nghi Gia bắn ra xa đến ba trượng, rơi xuống đất. Hai người nằm im một lúc, rồi mới từ từ ngồi dậy.

 

Vợ chồng Phan Anh mặt tái nhợt, nói:

 

– Hùng phu nhân. Người không phải người nữa rồi. Võ công của ngươi trên đời ta chưa từng nghe qua. Nội công của người dùng là nội công gì vậy?

 

Trần Năng tuy là gái. Nhưng chí khí như nam nhi, nàng thản nhiên chỉ vào Tăng Giả Nan Đà nói:

 

– Chưởng pháp, võ công của tôi, do sư phụ tôi là Khất Đại Phu đất Lĩnh Nam truyền dậy. Phan phu nhân, lúc đầu đấu chưởng với phu nhân, tôi hơi kém một chút. Sau nhờ Phật gia đây dậy mấy câu, tôi thắng được phu nhân. Rồi cũng nhờ Phật Gia đây dậy mấy câu nữa, tôi thắng được hai vị. Phan phu nhân, phu nhân đừng buồn. Tôi đi từ Lĩnh Nam sang Trung Nguyên, chưa có nữ lưu nào thắng được chưởng của tôi. Mà phu nhân hơn tôi một chút thì phu nhân là người võ công cao nhất trong nữ lưu thiên hạ rồi.

 

Phan Anh cùng vợ nhìn nhau hội ý, rồi phát chưởng tấn công Phật Nguyệt. Phật Nguyệt kinh hoảng tung Hàn Tú Anh sang phía Hồ Đề. Nàng phát chưởng chống lại. Thuận thế nhảy lui ba bước để hóa giải kình lực của chúng. Vợ chồng Phan Anh chỉ chờ có thế, họ nhảy lại chụp Hồ Đề, Hàn Tú Anh. Hồ Đề ôm Hàn Tú Anh nhảy lùi vào giữa đàn cọp. Song cái chụp của Nghi Gia làm mất tấm khăn che mặt của bà.

 

Đàn cọp thấy chúa tướng bị tấn công. Chúng gầm lên một tiếng rúng động trỗi dậy. Hơn mười con nhảy đến vồ vợ chồng Phan Anh. Vợ chồng Phan Anh kinh hoảng, nhảy lùi lại phía sau Tăng Giả Nan Đà núp.

 

Tấm vải che mặt của Hàn Tú Anh bay ra. Mọi người đều kêu "Ồ" lên một tiếng. Vì từ đầu, người ta chỉ thấy lưng thon thon, vai mảnh khảnh, dáng người thướt tha của bà, chứ chưa thấy mặt. Bây giờ mặt bà không còn che vải, thực là đẹp tuyệt thế. Tuổi bà đã trên năm mươi, nhưng mới nhìn qua tưởng chỉ khoảng ba mươi là cùng.

 

Trần Năng đặt bà xuống cạnh Phật Nguyệt, đề phòng Phan Anh ám toán.

 

Nàng đến trước Tăng Giả Nan Đà quì xuống lạy bốn lạy:

 

– Sư phụ! Sư phụ đến đây từ hồi nào? Nhờ sư phụ chỉ dậy, để tử mới cứu được Hàn Thái Hậu.

 

Tăng Giả Nan Đà cười tủm tỉm, nét mặt ông hiền hòa, từ bi:

 

– Bần tăng tới từ chập tối. Trần tí chủ, thí chủ có duyên với Phật pháp. Ngộ tính của thí chủ cực cao. Thí chủ biết chuyển từ lời lẽ vào với võ công dương cương đầy sắc của Lĩnh Nam. Huyền diệu! Huyền diệu!

 

Ông tiếp:

 

– Hùng phu nhân! Thiền công nhà Phật đặt căn bản trên kinh Kim Cương, Lăng Già, Bát Nhã ba la mật tâm kinh. Phàm khi xử dụng, phải để tâm trong sáng. Địch mạnh, mặc địch mạnh. Địch hung dữ mặc địch hung dữ. Tâm tư bình thản, coi thế cuộc như "hư không hoa". Đến Niết Bàn, cũng không còn nữa. Thế là đi vào đến cửa Bồ Đề. Trong nhà Phật gọi là "Vô Thượng Chinh Đẳng Chính Giác". Hôm nay cơ duyên đưa đến. Phu nhân luyện được thiền công. Khi xử dụng phải lấy từ bị làm gốc. Hồi nãy, biết mình bị trúng Huyền âm độc chưởng, phu nhân dùng Lĩnh Nam chỉ muốn giết Phan công tử. Sát nghiệp nổ dậy, tức là "Sắc tướng". Phàm có "Sắc tướng" là có "ngã tướng". Có nhân tướng có thì phải nhiều nhân tướng, thành "chúng sinh tướng". Vì vậy lực không ra suýt nữa bị hại. Xin phu nhân chú ý cho.

 

Trần Năng kính cẩn bái tạ.

 

Tăng Giả Nan Đà móc ra một tập sách mỏng, nói tiếp:

 

– Bần tăng mới dịch kinh Kim Cương. Lăng Già, Bát Nhã ba la mật tâm kinh sang Hán Văn. Xin tặng Hùng phu nhân, làm duyên.

 

Trần Năng kính cẩn nhận bỏ vào túi.

 

Khúc Giang Ngũ Hùng và Trường Sa Tam Anh thấy Trần Năng xuất hiện cùng Hồ Đề, Phật Nguyệt đem theo đàn cọp, beo có ý lo ngại. Bây giờ thấy họ xưng người Lĩnh Nam mới yên tâm.

 

Hồ Đề quen mặt tất cả. Nàng đi một lượt, giới thiệu từng người với nhau.

 

Trần Nhất Gia hỏi Trần Năng:

 

– Hùng Phu Nhân! Phu nhân là đệ tử của Khất Đại Phu, Trần tiên sinh đó sao? Hèn gì Phục Ngưu Thần Chưởng của phu nhân biến ảo khôn lường. Theo ngu ý dường như phu nhân có chế biến thêm vào. Bởi Trần tiên sinh chỉ biết có 16 chưởng, chứ không đủ 36 chưởng như phu nhân xử dụng. Lão già nầy mắt kém, nhận không ra, xin phu nhân chí cho. Không biết gần nay tiên sinh có được khỏe mạnh không?

 

Trước kia, Trần Năng thường nghe sư phụ nói về Trần Gia ngũ hiệp ở Khúc Giang. Ngài nói rằng giữa ngài với họ là chỗ thâm tình huyết tộc. Họ dưới ngài một vai. Nghe Trần Nhất Gia hỏi, nàng vội tới làm lễ:

 

– Đại sư huynh. Tiểu muội Trần Năng xin tham kiến năm vị sư huynh. Sư phụ tiểu muội vẫn khỏe. Người nhắc đến các vị luôn. Hồi nầy người chuyên chú về y học nhiều hơn. Còn về Phục Ngưu Thần Chưởng, quả người chỉ biết có mười sáu chiêu. Sau Đào sư thúc của phu quân muội tìm được bộ Văn Lang vũ học kỳ thư, trong đó ghi đủ ba mươi sáu chiêu Phục Ngưu Thần chưởng, cả cương lẫn nhu, người mang ra dậy cho tiểu muội.

 

Trần Nhất Gia vuốt râu cười:

 

– Khất Đại Phu không phải người thường! Thúc phụ đã thành một Tiên ông rồi. Này tiểu muội, ta thấy vừa rồi tiểu muội xử dụng thứ nội công kỳ lạ, phải chăng nội công Âm Nhu của phái Long Biên? Có điều nội công Âm Nhu của tiểu muội thì chính đại quang minh. Chỉ dùng để thắng người chứ không giết người, thế là thế nào?

 

Trần Năng khâm phục:

 

– Sư phụ muội thường nói sư huynh kiến thức quảng bác thiên hạ. Vừa rồi, muội xử dụng nội công Tản Viên đấu với Phan phu nhân, hơi kém thế. Sau được Phật Gia dậy muội mấy cây huyền diệu của Phật Pháp, muội mới thắng được Phan phu nhân. Thiền công của nhà Phật, tuy đánh người mà không làm hại người.

 

Trần Nhất Gia liếc nhìn Tăng Giả Nan Đà nói:

 

– Đúng như vị Phật gia dậy. Tiểu muội có duyên với Phật pháp, nên ngài đọc những câu "quyết", mà tại nay có bấy nhiêu người, không ai hiểu gì cả. Duy mình tiểu muội hiểu, đem áp dụng mà thành công. Với bản lĩnh đó, hiện giờ tiểu muội không thua gì bọn ta nữa rồi.

 

Trần Nghi Gia nghe Trần Nhất Gia nói truyện với Trần Năng mới rõ những gì đã xảy ra trong khi mình đấu với nàng. Y thị thở dài cúi đầu xuống thất vọng.

 

Phan Anh nhìn vợ hội ý:

 

– Thôi rồi, thế là việc cứu mẫu thân coi như hư vô.

 

Hai người vung kiếm lên cổ tự tử.

 

Ánh kiếm lóe lên, mọi người định can thiệp, nhưng không kịp. Tăng Giả Nan Đà cầm sợ giây, tay rung một cái. Sợ giây như con rắn, mổ vào thanh kiếm của hai người. Kiếm bay vọt lên cao cắm vào cùng chỗ với mấy thanh đao kiếm của bọn Trương Linh.

 

Hàn Bạch nói:

 

– Phan tiểu vương gia! Ngươi đừng tự tử làm gì. Ta hứa sẽ cứu mẫu thân ngươi. Hàn mỗ xưa nay chưa sai hẹn bao giờ.

 

Phan Anh đến trước mặt Tăng Giả Nan Đà thụp xuống đất lậy:

 

– Tăng Giả Đại Sư, đa tạ Đại Sư cứu mạng.

 

Tăng Giả Nan Đà khoan thai nói:

 

– Phan thí chủ. Cách đây bốn tháng, bần tăng có duyên hội ngộ với thí chủ tại hồ Động Đình. Bần tăng đã đem Phật Pháp giác ngộ thí chủ rằng: Dục tính con người ta vốn không bờ bến. Người được một đồng lại muốn một trăm. Lúc được một trăm, lại muốn hàng vạn hàng triệu. Khi người ta làm một chức lại nhỏ, thì muốn làm đến Huyện lệnh. Được Huyện lệnh lại muốn làm Thái thú, thứ sử. Tới Thứ Sử thì mong được tước Hầu, tước công. Được tước công lại muốn làm Hoàng Đế. Con người bị ba mối tham, sân, si; bị ngũ uẩn che mất ánh sáng giác ngộ. Cứ suốt đời chạy theo mãi, không bao giờ cùng, thực lao tâm khổ tử khôn cùng. Sao bằng buông hết tất cả, thản nhiên, tiêu dao, có phải sung sướng biết mấy không?

 

Câu nói của Tăng Giả Nan Đà, mọi người đều không hiểu, vì nó không ăn nhập vì hoàn cảnh Phan Anh. Phan Anh bắt Hàn Thái Hậu với mục đích cứu mẹ, mà vị Phật Gia nay lại nói đâu đầu những gì tham, sân, si? Nhưng Tăng Giả Nan Đà vừa dứt lời Phan Anh mặt tái nhợt.

 

Trần Nghi Gia lo sợ đánh trống lảng:

 

– Đại sư vừa dậy đệ tử Ngũ uẩn. Đệ tử ngu tối, không hiểu Ngũ uẩn là gì. Dám xin Đại Sư thương xót mà giảng cho.

 

– A di đà Phật. Xích phu nhân hỏi vậy là phải. Để bần tăng giảng cho phu nhân nghe. Ngũ uẩn là năm thứ tích tụ lại của con người và của chúng sinh. Ngũ uẩn che lấp mất ánh sáng trí tuệ, khiến cho chúng sinh u mê, luân hồi vô cùng.

 

Phật Nguyệt hỏi:

 

– Sư Phụ! Sư phụ chưa giảng cho đệ tử biết luân hồi là gì, thì làm sao đệ tử hiểu được Ngũ uẩn?

 

Từ hôm gặp Tăng Giả Nan Đà đến giờ, Phật Nguyệt gần ngài nhiều nhất. Nàng được hưởng ân huệ thuyết pháp của ngài luôn. Song hôm nay lần đầu tiên nghe đến chữ luân hồi, nàng nêu thắc mắc. Tăng Giả Nan Đà khoan thai giảng:

 

– Phật Nguyệt thí chủ quả tinh minh. Luân hồi tiếng Phạn là Samsara. Bần tăng dịch là luân hồi. Luần là bánh xe, hồi là trở về. Luân hồi là cái bánh xe quay vòng, thì bất cứ cái lăn của bánh xe nào cũng trải qua nhiều vị trí, từ vị trí cao nhất, vị trí ngang, đến vị trí thất nhất. Sau khi quay hết một vòng, cái lăn lại trở về vị trí cũ. Đấy đại để luân hồi là thế. Các động vật chia làm sáu loài: Cao nhất tiên rồi tới thần, rồi tới người. Cõi người là cõi trung bình. Thấp hơn cõi người là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

 

Đó là sáu cõi. Con người cứ như bánh xe, nay cõi nay, mai cõi khác. Kiếp này là Tiên, không lo tu hành khi hưởng hết phúc, cũng bị chết, đẩy vào cõi thần, người, địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh.

 

Phật Nguyệt suýt xoa:

 

– Phải rồi, vì vậy Phật Thích Ca mới bỏ ngôi Thái tử để đi tu. Hầu tìm lấy con đường giải thoát khỏi sáu cõi.

 

Tăng Giả Nan Đà mỉm cười:

 

– Thí chủ hiểu mau quá, nói đúng quá. Muốn thoát khỏi sáu cõi luân hồi phải tìm đường tu thành đạo, hết luân hồi, hết khổ não.

 

Phật Nguyệt chăm chăm nhìn Tăng Giả Nan Đà:

 

– Khi con người giác ngộ, tu hành, đã hết khổ não một phần. Như sư phụ nay, không lo, không giận, không phiền, không tham muốn, đã thành một Bồ Tát sống rồi dậy. Sư phụ! Người có thể độ cho đệ tử theo người thành Bồ Tát được không?

 

Tăng Giả Nan Đà lắc đầu:

 

– Không bao giờ bần tăng giúp thí chủ thành Bồ Tát, vì bần tăng có giúp cũng không được.

 

Phật Nguyệt chưng hửng:

 

– Sư phụ! Tại sao vậy?

 

– Bần tăng chỉ giảng Phật pháp cho thí chủ mà thôi. Còn giác ngộ tự chính thí chủ. Thí chủ hãy bỏ hết Ngũ uẩn, trở lại với con người mình. Con người mình không còn gì nữa, thì Phật sẽ đến ngay trong tâm thí chủ.

 

Những lời đối đáp giữa Tăng Giả Nan Đà với Phật Nguyệt ngày càng cao xa, khiến quần hào ngồi đó bị lôi kéo, say xưa, không biết rằng trời sáng lúc nào. Đoàn Thần hổ, Thần báo, nằm ngủ ngáy vang như sấm. Chim trời thức giấc, hót líu lo chào mừng bình minh và muôn hoa. Trần Năng chấp tay:

 

– Như hồi nãy, đệ tử đấu với Phan tiểu vương gia và phu nhân. Sư phụ nhắc đệ tử "Chí bất đắc hữu vô" đệ tử "không tâm" thì kình lực cũng không. Hóa giải hết kình lực của Phan phu nhân, nên phu nhân mới bị thua. Rồi sư phụ nhắc "Nhi hưng đại bi tâm" trong cái "không tâm" của nhà Phật, lòng đại bi đối với chúng sanh phải rộng như biển. Thì trong cái không lại hiện cái có đúng như kinh Bát Nhã nói "Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc". Đệ tử áp dụng vào chuyển chân khí, thắng được Phan tiểu vương gia và phu nhân. Đó là chẳng qua đệ tử "Trực chỉ nhân tâm, kiến tính của mình mà thấy Phật tính". Có phải thế không?

 

Tăng Giả Nan Đà nhìn Trần Năng:

 

– Hùng phu nhân tuy nghe ít, mà giác ngộ nhiều. Niết bàn đối với phu nhân không xa. Bây giờ bần tăng trở lại với Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm thứ nó che mất tính giác ngộ của chúng sinh, khiến chúng sinh bị giam trong kiếp luân hồi. Ngũ uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tại sao bần tăng lại đen? Tại sao Hàn thái hậu với công chúa Vĩnh Hòa trắng? Tại sao Hùng phu nhân với cô nương da lại hồng? Đó là những cái hình thể của chúng ta khác nhau.

 

Hàn Tú Anh lên tiếng:

 

– Giữa chúng tôi với công chúa tuy da trắng giống nhau, thế mà chúng tôi vào trong lăng này, mỗi người có một tâm khác nhau. Cái đó gọi là gì? Xin đại Sư giảng cho.

 

Tăng Giả Nan Đà nhìn Thái Hậu với vẻ thương xót:

 

– Cái đó gọi là Vedana, dịch sang tiếng Hán là Thọ. Đối với cảnh lăng này, Thái hậu tới nay tế lăng, nhớ đến Tiên đế khi xưa giả làm văn nhân đến gặp thái hậu. Rồi hiển hiện lên cảnh sống hạnh phúc ở Đào gia. Rồi cảnh Thái hậu bị đem vào rừng giết, lưu lạc xuống Quế Lâm, xa hai Thế tử, xa tiên đế. Còn Công chúa tới đây tế lăng, quì xuống khóc, nhớ lại ông chú mình xưa là Trường Sa vương, bị giết. Cảm thương sự nghiệp nhà Đại Hán, nhớ đến Cảnh Thủy Hoàn Đế, nhớ đến Thái phu nhân, thì lòng vừa lo, vừa hồi hộp, vừa hy vọng. Những cảm quan khác nhau như vậy gọi là Thọ. Còn trong lăng nay, chúng ta nhận ra hình thể của Khúc Giang Ngũ Hiệp, Tượng quận Tâm Anh, người người khác nhau cái đó gọi là Sanjina, dịch sang tiếng Hán là Tưởng.

 

Dưới ánh bình minh, tiếng Tăng Giả Nan Đà nói sang sảng như tiếng chuông, khiến mọi người bị lôi kéo theo, không còn biết cảnh vật xung quanh nữa.

 

Ngài tiếp:

 

– Nhìn cảnh lăng này, thì Hùng Phu nhân nghĩ cứu xong Hàn thái hậu, cất quân về chiếm lại Lĩnh Nam. Phan tiểu vương muốn bắt Hàn thái hậu. Công chúa giận Xích Mi đã giết Cảnh thủy hoàng đế. Tất cả những cái đó gọi là Samskaras dịch sang tiếng Hán là Hành. Còn như trong lăng mộ nay, Trần Nhất Hiệp phân biệt được nội công, võ công của Hùng phu nhân có những dị biệt, đó là Vijana tức là Thức. Vậy Ngũ uẩn là cái gì? Nó chính là con người, mỗi con người có Ngũ uẩn hợp thành. Muốn giác ngộ, phải bỏ Ngũ uẩn trước. Trong kinh Bát Nhã, bần tăng đọc lên ban nãy có câu rằng "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Ở đây cộng chung có ba mươi mốt người mà chỉ Hùng phu nhân giác ngộ, hiểu được, áp dụng vào nội công, thắng Phan tiểu vương và phu nhân.

 

Hàn Bạch đưa tay đếm số người rồi nói:

 

– Đại hòa thượng lầm rồi, chỉ có hai mươi bốn người, kể cả ngài là hai mươi lăm thôi, không tới ba mươi mốt.

 

Tăng Giả Nan Đà cười:

 

– Tới 30, với bần tăng là 31.

 

Trần Nhị Gia đưa tay đếm:

 

– Nhóm của Công chúa 9 người, nhóm Phan Anh 2 người, nhóm của tại hạ 5 người nữa, cộng lại là 24.

 

Tăng Giả Nan Đà đưa tay về phía phải, một luồng kình phong nhu hòa thổi vào bụi cây có Trưng Nhị, Sa Giang núp. Hai người biết bị bại lộ, vội đứng dậy. Trưng Nhị bước đến trước mặt Tăng Giả Nan Đà chắp tay:

 

– A Di Đà Phật! Đệ tử ẩn thân ở nay, được nghe lời giảng cao siêu của Đại Sư, thực muôn vàn cảm tạ.

 

Nàng hướng vào mọi người:

 

– Trưng Nhị, người đất Lĩnh Nam xin tham kiến Khúc Giang Ngũ Hiệp và Tượng Quận Tam Anh.

 

Hồ Đề đi một vòng giới thiệu.

 

Trần Nhất Gia hỏi:

 

– Vậy mới là 26 người. Còn năm người nữa ở đâu, xin Đại Sư mời họ ra tương kiến, không biết có được không?

 

Tăng Giả Nan Đà lắc đầu:

 

– Không nên. Trong năm người nay, hai người nội công cao thâm không lường. Một người già, một người trẻ. Lòng dạ từ bi. Ba người nữa thuộc loại siêu nhân. Họ đến đây trước cả bần tăng. Họ không muốn hiển lộ thân thế thì thôi.

 

Hồ Đề huýt sáo gọi Thần ưng, ra lệnh cho chúng tìm 5 người Tăng Giả Nan Đà nói đến. Tần ưng bay lên cao, lượn một vòng, rồi đâm bổ xuống phía chân đồi. Chúng bay lên kêu ba tiếng.

 

Hồ Đề nói:

 

– Năm người thấy bại lộ, đã xuống đồi. Họ là người nhà, Thần ưng quen mặt, nên không tấn công. Thôi bỏ qua truyện nầy.

 

Trần Nhất Gia hỏi Trưng Nhị:

 

– Trưng cô nương, chẳng hay Đặng Thi Sách và phu nhân có được mạnh khỏe không? Cách nay mấy năm, tôi đã được gặp Đặng đại ca, bàn truyện phục hồi Lĩnh nam đến hai đêm hai ngày. Đặng đại ca hùng tâm, đại lược, khiến anh hùng bốn phương đều qui phục.

 

Trưng Nhị tường thuật tất cả những biến chuyển vừa qua cho Trần Nhất Gia nghe. Nàng kết luận:

 

– Trần Kim Bằng tiên sinh là bác của các vị. Vì giữ trong người giữ di chiếu phục quốc của An Dương Vương. Người phải cải tên Nghiêm Bằng. Võ công Khúc giang, người dấu không dạy cho con. Trần Tự Sơn chỉ biết sự thực khi thân phụ qua đời, truyền di vật cho mà thôi.

 

Năm anh em Khúc Giang Ngũ hùng nghe truyện, nước mắt chan hòa. Trần tứ Gia thở dài:

 

– Bá phụ làm việc quá kín đáo. Hồi người bỏ đi. Chúng tôi tìm khắp nơi mà không thấy. Ai ngờ người cải tên họ, làm quan với Trường Sa Vương. Bấy lâu nay, chúng tôi hằng chống Lĩnh Nam Vương. Có ngờ đâu, ngài lại là anh họ mình.

 

Trưng Nhị nói với Hàn Tú Anh:

 

– Bá mẫu, chúng tôi đối với Nghiêm Đại ca như tình ruột thịt. Chúng tôi đến đây cứu bá mẫu. Xin bá mẫu đừng sợ hãi.

 

Hàn Tú Anh cất tiếng ôn nhu hỏi:

 

– Nghiêm Sơn mang quân đánh Thục, đã xong chưa?

 

Trần Năng đáp:

 

– Nghiêm vương Quang Vũ bắt giam. Không chừng giờ này bị giết rồi cũng nên. Sở dĩ Vương bị hại do Mã thái hậu khích Quang Vũ. Cháu đề nghị bá mẫu cần xuất hiện. Trước là mẫu tử cốt nhục trùng trùng. Sau là hóa giải "nghiệp chướng" giữa Kiến vũ hoàng đế với Trần Đại ca. Có như vậy mới tránh được một trận giặc kinh hồn động phách giữa Lĩnh Nam với Trung Nguyên.

 

Tăng Giả Nan Đà nói:

 

– Trưng thí chủ nói đúng. Thái hậu ơi! Chiến tranh, biết bao nhiêu người chết. Biết bao nhiêu người tan nhà nát cửa. Thái hậu cần về Lạc Dương gấp. Nếu chậm e không kịp.

back top