Kiều Tàng

Chương 107

Loại chuyện tranh giành đất đai nông thôn này nếu là bình thường thì chỉ là mấy việc lông gà vỏ tỏi nhỏ nhặt, thậm chí còn khó mà trình đến chỗ hoàng đế.

 

Thế nhưng người viết tấu chương lại là nguyên lão ba triều Trương Bàng Quang. Coi như Trương quốc lão bị mất hết thể diện với Hoài Dương vương.

 

Ngay lúc ông khí thế bừng bừng đi tìm tội của Hoài Dương vương thì ở doanh lao dịch ở Mạc Bắc truyền tin đến, nói là bên đó đã tìm được Liễu Triển Bằng, căn bản người không đi xa, hơn nữa còn bị người ta bắt cóc đi, Liễu Triển Bằng nhân lúc kẻ gian sơ hở mới chạy thoát ra, chủ động quay về báo quan.

 

Lúc phát hiện mình náo loạn một trận to, mục đích ban đầu là tới vạch tội Hoài Dương vương, kết quả vứt hết mặt mũi mình vào vũng bùn, đến đây Trương Bàng Quang cũng tỉnh táo nhận ra mình chỉ là công cụ để Tuy Vương ngầm đấu đá với Hoài Dương vương.

 

Lần này ông tới tìm nhược điểm của Hoài Dương vương, cũng chỉ là thuận thế mà làm thôi, dẫu sao thì thư tố giác Hoài Dương vương do ở ngoài đưa đến trước mặt ông, không tra không được. Nhưng nếu tra rõ cũng không ảnh hưởng gì đến thanh danh ông.

 

Mặc dù Trương quốc lão được tâng bốc là người ngay thẳng liêm chính, có điều thần tử có thể đứng vững qua ba triều, trong đầu không thể chỉ vang ầm ầm hai chữ trung nghĩa.

 

Ông quyết định mình không theo bên nào cả, dứt khoát đắc tội cả hai bên, tiếp tục đi đi con đường làm trọng thần thanh liêm của mình, chỉ sang tay dâng tấu chương về việc Tuy Vương dung túng con cháu lên triều, còn về phần xử phạt như thế nào thì để xem hoàng đế xử lý ra sao. Ông vẫn còn muốn tiếp tục tuần du Giang Nam, không tham gia vào trận chiến tơi bời của hai vương gia.

 

Lần vào kinh này của Tuy Vương, bầu không khí không thân thiện như gã đã nghĩ trước đó.

 

Đương nhiên, chuyện này chả là gì, Tuy Vương lập tức viết một bức thư thú tội, đau đớn trần thuật lại sơ xuất trong việc quản thân thích của mình, mong hoàng đế trách tội mình, thái độ vô cùng thành khẩn.

 

Hoàng thúc công có thái độ kính cẩn khiêm nhường đến thế, tất nhiên Lưu Dục không thể xé to chuyện ra được, ban bố thánh chỉ, xử trí con cháu Tuy Vương theo luật.

 

- --ĐỌC FULL TẠI TRUYENFULL.VN---

 

Bởi vì việc này mà chuyện Tuy Vương vào nội các tạm gác sang một bên.

 

Dưới sức ép của Thái hoàng Thái hậu, Lưu Dục đành phải gọi Hoài Dương vương vào kinh, để hai vương kiềm chế nhau.

 

Cho nên sau khi phủ Hoài Dương vương đón hai lễ thành hôn, Hoài Dương vương phải đưa Vương phi vào kinh.

 

Hôn lễ của Thôi gia và Ngũ gia khá quạnh quẽ.

 

Hoài Dương vương và Ngũ ca đã thương lượng với nhau, nếu thành thân rồi thì dọn ra ngoài ở, như vậy cả hai đều được tự do hơn.

 

Hắn cho Ngũ ca một trạch viện, cách phủ ở Chân Châu cũng khá xa, dụng ý rất rõ ràng, không hy vọng ngày sau qua lại nhiều. Cũng để sau này Liêm di mẫu không cần lấy cớ thăm nữ nhi mà chạy đến vương phủ.

 

Liêm Sở thị đấu đá với Thôi Phù mấy bận, nhiều lần ở thế hạ phong, giận đến bệnh hai trận. Đến khi nhìn thấy hôn lễ của nữ nhi vắng lặng, cuối cùng không nhịn được nữa chạy tới cáo trạng với Sở thái phi.

 

Hai ngày nay, lúc nào Sở thái phi cũng bị nữ nhi ân cần nhắc nhở, hơn nữa Miên Đường khóc than đúng lúc, đời này hiếm khi có lúc tai không mềm.

 

Hơn nữa lời trong lời ngoài của Liêm Sở thị toàn là trách Thôi Phù không hiểu chuyện, bà lại không phải người thích nghe kể tội! Sau khi nghe Liêm Sở thị lải nhải nàng ta có chút mất kiên nhẫn, không khách khí nói: “Tần thị ra chỉ có một chút, công trung đã bổ sung gấp ba, đều là cửa tiệm mặt tiền của Miên Đường cũng bổ sung thêm vào. Muội đi nhà người khác mà hỏi, có đệ muội nào tặng lễ vật cho tẩu tử không. Muội chỉ biết duỗi tay lấy, nào có nghĩ người mẹ chồng ta đây bị mất mặt trước con dâu!”

 

Liêm Sở thị chưa từng thấy tỷ tỷ nói chuyện không khách khí như thế, nhất thời không biết nói gì, cả vú lấp miệng em nói: “Vốn Bình Lan nhà chúng ta chịu gả cho Hành Địch đã là thiệt thòi rồi, vương phủ bồi thường nhiều hơn chút cũng đúng mà?”

 

Sở thái phi càng không nghe nổi: “Nếu nữ tế* nghe thấy lời này của muội, muội bảo nó phải nghĩ thế nào đây? Vương phủ bọn ta cũng không ép Liêm gia gả nữ nhi cho! Nếu không phải đứa nhỏ lão Ngũ có ý với Bình Lan, muội cho rằng nó chịu cưới nữ tử bị mất danh tiết ư? Hơn nữa, của hồi môn của Liêm gia các muội được bao nhiêu? Tóm lại không để bọn chúng bị đói bị lạnh, trạch viện mới cũng đủ để nở mày nở mặt. Rốt cuộc Thôi gia bọn ta có lỗi với Liêm gia bọn muội chỗ nào? Nếu muội cứ như thế, Thôi gia bọn ta lại giải trừ hôn thư với Liêm gia vậy, muội thấy nhà ai đưa sính lễ nhiều thì gả nữ nhi qua đó đi!”

 

Sở thái phi tức giận nói, ban đầu bà cũng không biết, gần đây đứa nhỏ Miên Đường rất tằn tiện, đồ bổ tổ yến mới nhập vào kho đều để bồi bổ cho bà lão như bà, Miên Đường đang mang thai mà chỉ chưng yến vụn ăn…

 

Bà trách Miên Đường tiết kiệm quá, Miên Đường chỉ cười nói: “Dạo này cần dùng tiền nhiều, có thể tiết kiệm thì tiết kiệm, để Ngũ gia thành thân được nở mày nở mặt chút, con ăn ít vài chén tổ yến lại cũng đâu sao đâu?”

 

Sở thái phi cảm thấy đau lòng cho Miên Đường, bà càng thấy thương đứa cháu trong bụng Miên Đường hơn. Chưa từng nghe thấy trong phủ nào, thứ tử thành thân mà lại nháo đến chó gà không yên, chủ nhà chẳng ăn uống được!

 

Cho nên lần này Liêm Sở thị tới, dù có kể khổ thảm thiết như thế nào thì trong lòng Sở thái phi chỉ lóe lên chén yến vụn của con dâu đang mang thai nhà mình.

 

Liêm Sở thị không ngờ Sở thái phi nói chuyện tuyệt tình đến vậy, giận quá giận nhưng lại không dám làm thế thật, đành miễn cưỡng nhận sai cho tỷ tỷ nguôi giận, mặt mày xám xịt cáo từ.

 

Liêm Sở thị đi rồi, Sở thái phi thuật lại câu chuyện cho nữ nhi Thôi Phù nghe, Thôi Phù cười nói: “Mẫu thân làm như thế sớm là được rồi, phí công nuôi ra cái đồ vong ân bội nghĩa không biết đủ. Nếu Liêm di mẫu không nhận rõ nữ nhi mình gả cho thứ tử, e là ngày sau sẽ thường đến vương phủ thể hiện uy phong của bà thông gia đó? Đến lúc đó Hành Chu vào kinh, vương phủ đều bị tức phụ của thứ tử đào rỗng.”

 

Bây giờ Sở thái phi cũng lười quản chuyện vụn vặt của muội muội, chỉ là cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến việc nhi tử sắp phải đi xa, nói: “Mấy đứa tỷ đệ các con đều phải đi kinh thành, có thể chăm sóc lẫn nhau ta cũng yên lòng, có điều không biết khi nào mới có thể gặp lại tỷ đệ mấy đứa, ngày nào đó ta chết già ở trong phủ, không biết có thể gặp mấy đứa lần cuối không…”

 

Lời này rơi vào tai Thôi Hành Chu, hắn cảm thấy dở khóc dở cười, lúc cả nhà cùng nhau ngồi ăn cơm nói với Sở thái phi: “Mẫu thân vẫn còn khỏe mạnh, trông cũng còn trẻ, sao nghĩ đến chuyện kia? Hơn nữa, có phải con và tỷ tỷ đi không về đâu, đợi sau khi con sắp xếp chuyện ở kinh thành xong, chính cục cũng ổn định sẽ đón mẫu thân vào kinh cùng.”

 

Miên Đường ở bên cạnh cũng nói: “Đúng vậy, đến lúc đó bảo bảo trong bụng con còn cần tổ mẫu* dạy dỗ nhiều!”

 

*Bà nội.

 

Sở thái phi nghe vậy cũng giãn mày ra, nỗi buồn ly biệt tiêu tán đi nhiều.

 

Lại nói đến Liêm di mẫu, sau khi tức giận về nhà lập tức nói lại lời Sở thái phi nói cho nữ nhi nghe, vốn mong nữ nhi trút giận cho bà.

 

Nhưng Liêm Bình Lan vừa nghe thế, bang một tiếng, đĩa đựng trái cây trên bàn rơi vỡ.

 

“Nương, nếu người lại giày xéo con như vậy, con không cần xuất giá nữa, tìm một sợi dây thừng treo cổ ở đình viện đỡ phải mất mặt người, gả nữ nhi chẳng được nở mày nở mặt!” Sau lần bị điên lần trước, tính tình Liêm Bình Lan thay đổi rất nhiều, đặc biệt là không khách khí với Liêm Sở thị.

 

Liêm Sở thị không nghĩ là nữ nhi không chỉ không hát đệm trút giận cho mình mà còn nói chuyện như vậy, bà ta giận đến muốn đuổi đánh Bình Lan.

 

Liêm Bình Lan đứng thẳng lưng nhìn Liêm Sở thị oán hận nói: “Nếu không phải do mắt nhìn của người quá nông cạn thì ta cũng không đến mức thảm thế này! Ta còn chưa có gả vào Thôi gia đâu, người lại vì muốn hời chút bạc mà làm mất lòng! Phụ thân ta bị mù mới cưới người như người!”

 

Liêm Sở thị không ngờ có ngày nữ nhi bình thường dịu dàng hòa nhã với bà ta lại mắng bà ta tàn nhẫn đến vậy! Tức giận đẩy Liêm Hàm Sơn ngồi bên cạnh, muốn ông dạy dỗ lại nghịch nữ bất hiếu.

 

Liêm Hàm Sơn trầm mặt, gõ tẩu thuốc ầm ầm: “Ta thấy Bình Lan nói có lý, với kiến thức của thôn phụ như bà đã làm chậm trễ nữ nhi kìa!”

 

Liêm Sở thị thấy trượng phu bình thường dịu dàng lại dám nói chuyện với mình như thế, giận điếng người, cãi nhau ầm ĩ với Liêm Hàm Sơn.

 

Liêm Bình Lan mặt không cảm xúc dẫn nha hoàn mình bước nhanh rời khỏi sảnh ngoài ―― cái nhà này nàng ta không muốn ở lại một khắc nào, dù có gả cho kẻ què, nàng ta cũng chịu!

 

Ngày Thôi Hành Chu và Liễu Miên Đường rời khỏi phủ ở Chân Châu, Ngũ gia mới thành hôn cũng đưa thê tử Liêm Bình Lan theo đến tiễn đưa.

 

Mặc dù Liêm Bình Lan trở thành tẩu tử của Thôi Hành Chu, thế nhưng thân là thứ tẩu mà chẳng có bao nhiêu mặt mũi, gặp Hoài Dương vương cũng phải đến hành lễ vấn an.

 

Có lẽ là người gặp việc vui nên tâm trạng cũng vui, trông thần sắc của Ngũ gia tốt hơn trước rất nhiều. Về phần Liêm Bình Lan thì mất đi dáng vẻ xinh đẹp rạng ngời khi còn là cô nương, trông mặt u ám nặng nề.

 

Ẩn trong đám người, nhìn chằm chằm Vương gia cẩn thận đỡ Liễu Miên Đường lên thuyền.

 

Bây giờ, nam tử này lúc nào cũng ái thê hết mực, nào còn giống với biểu ca lạnh lùng của nàng ta. Ánh mắt dịu dàng thâm tình như nước… Liêm Bình Lan nhìn mà hốc mắt phát đau, tâm cũng lạnh.

 

Vào lúc này, đột nhiên nam nhân ngồi trên xe lăn bằng gỗ ở bên cạnh nàng ta nắm lấy tay Liêm Bình Lan mỉm cười dịu dàng, nước mắt sắp trào ra bỗng nhiên đọng lại ở hốc mắt, miễn cưỡng cười lại với gã…

 

Khi ngẩng đầu lên, thuyền lớn đã kéo neo giương buồm, đi xuôi theo dòng sông.

 

Phu gia* của Thôi Phù đã đi kinh thành trước, cho nên lần này nàng ta vào kinh cùng đệ đệ Thôi Hành Chu. Bởi vì là đi thuyền nên ngoại trừ ngừng vào ban đêm thì suốt đường đi đều là cảnh đẹp sóng xanh núi xa, vô cùng thích ý.

 

*Nhà chồng.

 

Ban đầu Miên Đường lo lắng mình có thai đi thuyền sẽ say sóng. Thế nhưng gần đây phản ứng khi mang thai đổi từ ăn được biến thành ngủ được.

 

Sau khi lên thuyền, Miên Đường ngả đầu xuống gối là ngủ ngay, ngủ giúp đỡ say sóng khi gặp sóng to.

 

Nhưng Thôi Phù thì lại không may mắn như vậy, sau một trận sóng to gió lớn là nôn đến quên mình, người như cọng bún.

 

Miên Đường bảo Lý ma ma nấu ít canh bổ cho Thôi Phù, nhưng mà Thôi Phù không uống được. Miên Đường nhìn thấy dáng vẻ này của nàng ta muốn thương lượng với Thôi Hành Chu để tỷ tỷ chuyển sang ngồi xe ngựa vào kinh.

 

Có điều Thôi Hành Chu lại lắc đầu nói: “Lần này ta ngáng chân Tuy Vương, dựa vào tâm địa tính toán chi li của gã, chắc chắn tức không chịu nổi, nếu tỷ tỷ rời thuyền đi trước, ta sợ tỷ ấy gặp chuyện ngoài ý muốn.”

 

Miên Đường cảm thấy cứ để vậy cũng không phải cách, định khi cập bờ đi tìm lang trung đến xem sao.

 

Nhưng trước đó, lang băm lại lần nữa ra trận, Miên Đường bắt mạch cho Thôi Phù, vừa sờ vào, Miên Đường không tự tin nói: “Tỷ tỷ, hình như ta bắt được hỉ mạch? Lần trước tỷ có kinh nguyệt khi nào?”

 

Thôi Phù bị hỏi mà sửng sốt, sau khi nàng ta quay về nhà mẹ đẻ suốt ngày bận rộn trong ngoài, làm sao nhớ rõ ngày có kinh nguyệt, vội hỏi bà tử bên cạnh mình.

 

Hỏi ra thì mới phát hiện, không phải chứ? Một tháng rồi kinh nguyệt nàng ta chưa đến.

back top