Trường Bình hầu Vệ Thanh tìm mãi vẫn không thấy tên đầy tớ của phủ Đường Ấp hầu, trong lòng mơ hồ cảm thấy bất ổn, thậm chí không kịp đến từ biệt Dương Thạch công chúa đang dưỡng thương điện Minh Huy, vội vã chạy về Trường An để ngăn cản Vệ hoàng hậu đang điên cuồng định một lần được ăn cả ngã về không. Đến cuối cùng hắn mới phát hiện mỗi bước đi của bọn họ đều nằm trong tính toán của đối thủ.
Trong cung Vị Ương ở thành Trường An.
Phủ Đình úy do Trương Thang phụ trách kín mít như bưng không để Vệ gia dò được một chút tin tức. Vệ Tử Phu lo lắng cho con trai bị giam trong phủ Đình úy, không có cách nào gạt đi được nỗi ưu tư trong lòng, dung nhan ngày càng tiều tụy.
“Nương nương”, Thải Vi kêu lên thất thanh, nước mắt rơi lã chã.
“Có chuyện gì?” Vệ Tử Phu cũng không để tâm, nhìn vẻ mặt đau xót của Thải Vi thì tâm trạng xấu đi, lạnh giọng nói, “Có chuyện gì thì hãy nói thực, nếu dám che giấu, bản cung sẽ không tha cho ngươi.”
Thải Vi bất đắc dĩ, đưa chiếc lược gỗ sau lưng ra, một sợi tóc trắng mảnh mai quấn trên răng lược, trắng tuyền từ đầu đến cuối. Nàng ta ngẩn ngơ nhìn một hồi lâu rồi cười đến xé lòng. Năm Kiến Nguyên thứ hai, bệ hạ còn ở tuổi niên thiếu vừa gặp đã gỡ cây trâm cài tóc của Vệ Tử Phu rồi khen ngợi, “Mái tóc thật đẹp.” Chưa bao lâu sau thì mái tóc đen từng hấp dẫn ánh mắt quân vương đã dần nhuộm màu sương tuyết mà quân vương có quay đầu lại nhìn nàng ta chăng?
“Nương nương”, Thải Vi lại la hoảng, “Người đừng cười như vậy”, giọng nói không đành lòng.
Vệ Tử Phu bình tĩnh nhìn cô, yếu ớt, “Ngươi nói, có phải Trần A Kiều cũng đã có tóc trắng hay không?” Người phụ nữ kia còn hơn nàng ta đến mấy tuổi.
“À”, Thải Vi do dự một hồi mới đáp, “Có lẽ là có.” Cô luôn có ấn tượng rằng Trần nương nương lúc nào cũng giữ nụ cười bình lặng nên có lẽ thời gian in dấu trên nàng cũng chậm hơn người khác.
“Thôi đi”, Vệ Tử Phu thấy nản lòng khoái chí, “Giờ thì bản cung chỉ cầu Cứ Nhi bình an, Thanh đệ bình an, Dương Thạch”, nàng ta hơi chần chừ, “cũng sẽ bình an.” Cứ Nhi, rốt cuộc con sẽ ra sao đây?
Nhị hoàng tử Lưu Cứ ở trong phủ Đình úy, dù chưa từng thụ hình, Trương Thang cũng chưa từng đối xử tệ nhưng phủ Đình úy không thể so được với điện Tiêu Phòng và Bác Vọng hiên. Cậu có tâm tình bình hòa, biểu hiện không quan tâm vinh nhục khiến đám ngục tốt tấm tắc cho là lạ. Ngày hôm đó, ngục tốt thay ca, ngục tốt tuần phòng mới tới nhân dịp người bên cạnh không chú ý liền ném một cuộn giấy vào lao mà không ai hay biết. Lưu Cứ sửng sốt, ngầm quan sát thấy gã vẫn ngả ngớn quàng vai bá cổ cười nói với đồng bạn.
Lưu Cứ mở cuộn giấy ra, trong đó bọc một cây bút than, trên giấy viết, “Ta là quân sĩ của Vệ tướng quân, cảm ân đức của Tướng quân, nguyện truyền lời cho Cứ điện hạ.” Cậu do dự một hồi, cuối cùng không cưỡng lại được nỗi nhớ mẫu thân, viết thật nhanh mấy chữ: “Mạnh khỏe, không cần lo lắng.”
Qua một lúc, ánh nến trong ngục không biết bị gió từ đâu thổi tới dập tắt, gã ngục tốt làu bàu châm lại. Chỉ chốc lát sau đã đến giờ thay phiên, gã ra khỏi cửa ngục chạy thẳng tới phủ Tư nông giao mảnh giấy có bút tích của Lưu Cứ cho Tang Hoằng Dương rồi kể lại mọi chuyện. Tang Hoằng Dương than thở, “Lưu Cứ cũng coi như một nhân tài, chịu đựng được cô độc. Chỉ tiếc….” Hắn dừng lại đầy thâm ý rồi đảo mắt ra lệnh, “Lui xuống lãnh thưởng đi.”
Sau khi ngục tốt vui mừng rời khỏi, Di Khương từ phía sau rèm bước ra, mặt thoáng vẻ lo âu, “A Tang, chàng làm như vậy có tàn độc qua không?”
“Ồ”, Tang Hoằng Dương quay lại ngắm Di Khương, “Ta cũng không biết nàng là người mềm lòng như vậy đấy.”
Di Khương nhớ tới thời thiếu nữ kiêu hùng của mình, cười khẽ, “Nếu là ngày xưa thì tất nhiên thiếp sẽ không một chút nhíu mày. Chỉ là…”, cô ngừng lại, cúi đầu đưa tay khẽ xoa lên cái bụng đã nhô cao, “sợ tổn hại âm đức ảnh hưởng đến nó.”
Tang Hoằng Dương yên lặng trong chốc lát, nhướng mày, “Được rồi, vì con của chúng ta nên ta sẽ không nghĩ thêm gì khác, chỉ xem Vệ Tử Phu có qua được cửa ải lần này hay không.”
Hắn chắp tay nhìn về phía cung Vị Ương, người phụ nữ trong đó đã từng thông minh và biết lẽ tiến thoái, nhưng bị cung Vị Ương hoa lệ bủa vây suốt bao năm qua nên cũng đã dần hao mòn. Dù sao cũng là phụ nữ, đúng như cái tên của nàng ta, tất cả đều vì chồng vì con[1]. Một khi người thân cận nhất là Vệ Thanh không có bên cạnh, dùng đứa con nàng ta coi trọng nhất để đối phó mới có hiệu quả.
[1] Trong tên của Vệ Tử Phu, chữ “Phu” có nghĩa là chồng, chữ “Tử” có nghĩa là con.
“Huống chi”, hắn cười lạnh, “Nếu ông trời muốn báo ứng thì cứ tới tìm ta, lại đi tìm một đứa trẻ còn chưa sinh ra thì coi sao được?”
Trong một đêm khuya vắng vào tháng Ba năm Nguyên Định nguyên niên, Vệ hoàng hậu đang trong tẩm điện thì bị nữ quan thân tín đánh thức. Nàng ta vội vã bước ra ngoài hỏi người nội thị quỳ dưới điên, “Ngươi nói ngươi có tin tức của Nhị hoàng tử thật không?”
Người nội thị liền dập đầu, “Đồng hương nô tài là ngục tốt phủ Đình úy, ngày xưa dưới trướng của Vệ tướng quân, nhớ tới ân đức Tướng quân nên liều chết truyền ra tin tức Cứ điện hạ, bảo nô tài báo cho nương nương nương.” Gã nói xong liền đưa cuộn giấy lên cao quá đầu.
“Nương nương”, Thải Thanh nhắc khẽ bên cạnh Vệ Tử Phu, “Người này từng chịu ân huệ của Vệ gia, có thể tin.”
Vệ Tử Phu gật đầu, ý bảo Thải Thanh cầm cuộn giấy đưa qua, mở ra thấy đúng là bút tích của Lưu Cứ, vẻn vẹn mấy chữ, “Mạnh khỏe, không cần lo lắng”, nét bút đứt đoạn, không dứt khoát khiến lòng nàng đau nhói.
“Nô tài nghe đồng hương nói”, viên nội thị rưng rưng, “Trương Thang ỷ được bệ hạ sủng hạnh, một lòng hùa theo Trần gia, mặc dù bề ngoài không tra tấn Nhị hoàng tử nhưng ngầm gây khó dễ, giấu đi nhiều điều không thể cho nương nương biết. Lúc Nhị hoàng tử viết bức thư này, tuy miệng nói không muốn để mẫu hậu lo lắng nhưng không kìm được rơi lệ.
Cuộn giấy bị cầm đã lâu nên nhàu nát thành một cục, trên đó có một hai chỗ nhòe nhoẹt, nhìn kỹ thì quả nhiên là nước mắt. Vệ Tử Phu nắm chặt tay, nghiến răng nói, “Đồ nhãi ranh cũng dám cả gan.” Nàng ta quay ngoắt người bước vào trong điện, dáng đi lộ rõ vẻ cương quyết.
“Nương nương”, Thải Thanh kinh hồn bạt vía, vội vàng bảo người nội thị lui ra rồi theo vào hỏi khẽ, “Nương nương định như thế nào?”
“Thải Thanh”, Vệ Tử Phu ngẩng đầu, ra lệnh, “Sáng sớm ngày mai truyền phò mã Lý Giai vào cung để gặp vợ con của nó.” Trong khoảnh khắc, Thải Thanh phảng phất như thấy trên gương mặt dịu dàng của Hoàng hậu bốc lên một làn khí âm u ma quỷ, nhưng khi nhìn lại thì thấy dần hiện lên nụ cười dịu dàng quen thuộc.
“Nhưng nương nương”, Thải Thanh vội nói, “Bệ hạ sắp trở về rồi, chẳng phải Dương Thạch công chúa cũng đã đi nhận tội rồi sao? Bệ hạ trở về sẽ thả Cứ điện hạ thôi mà.”
“Không có tác dụng đâu”, Vệ Tử Phu lắc đầu, “Dương Thạch dùng máu để khuyên can nhưng bệ hạ cũng không có ý chỉ thả Cứ Nhi, đủ thấy người thật sự không còn cần đến Vệ gia nữa rồi.”
Ngày hôm sau, phò mã của Vệ Trường công chúa, con út của thừa tướng Lý Thái là Lý Giai vào cung gặp vợ cùng con gái mới sinh. “Thần Lý Giai, tham kiến mẫu hậu”, hắn bế con gái quấn trong tã lót, thỉnh an Vệ Tử Phu.
Không biết từ lúc nào, tất cả các cung nhân đều đã lui ra. Vệ Tử Phu nhìn đứa bé gái trong lòng Lý Giai một lát rồi quay đi buồn rầu, “Nếu đệ đệ của nó còn sống thì tốt hơn nhiều.”
“Cái gì?” Nụ cười của Lý Giai dần tắt, nghi ngờ hỏi, “Mẫu hậu nói gì?”
“Hôm đó”, Vệ Tử Phu nói giọng đều đều, “thật ra là Vệ Trường sinh đôi nhưng bé trai vừa sinh đã mất.”
“Nhưng”, Lý Giai mặt cắt không còn giọt máu, lắp bắp, “tin tức trong cung báo cho thần…”
“Chẳng qua là vì bản cung không muốn để cho Vệ Trường thương tâm nên giấu đi.”
Thường nói nam nhi khó rơi lệ nhưng dù sao đó cũng là cốt nhục của Lý Giai, là con trai trưởng của hắn. Lý Giai nghiến răng ken két, vành mắt dần đỏ hoe.
“Nếu không phải tin tức của Trần A Kiều truyền đến, Vệ Trường động đến thai khí thì làm sao xảy ra chuyện đó chứ?”, Vệ Tử Phu tiếp tục.
Lý Giai ngẩng đầu lên, “Ý của mẫu hậu là?”
“Khi Văn Đế còn tại vị thì Quán Đào công chúa vô cùng thận trọng, đến khi Cảnh hoàng đế lên ngôi thì dần ngang ngược”, Vệ Tử Phu cười quỷ quyệt, “Ngươi cũng đã biết?”
“Ý của nương nương là?” Lý Giai thất thanh kinh hô, “Điều này sao có thể?”
“Hưng suy của Vệ gia đã trói chặt một chỗ với Lý gia”, Vệ Tử Phu cười khẽ, “Bệ hạ sẽ tin phụ thân ngươi biết chuyện. Hơn nữa, chúng ta cũng không phải là không có phần thắng. Hiện giờ bệ hạ ở trên Thượng Lâm Uyển, sa vào nữ sắc. Bên quan văn, phụ thân ngươi là thừa tướng, tay cầm triều cương. Bên quan võ, Trường Tín hầu không có ở trong nước, Trường Bình hầu cùng Quan Quân hầu có uy vọng trong quân đều là người Vệ gia chúng ta.”
“Những lời này, ngươi chuyển tới phụ thân của ngươi để ông ta tự quyết định.”
Thừa tướng Lý Thái cáo ốm không ra ngoài mà ở trong phủ ngẫm nghĩ về lời của Vệ hoàng hậu. Không thấy được mặt đứa cháu kia, ông ta đương nhiên có chút thương tâm nhưng ông ta cũng không chỉ có một đứa cháu, chỉ là nó có huyết thống hoàng gia nên tôn quý hơn một chút mà thôi.
Ông ta muốn nhổ toẹt vào lời của Vệ Tử Phu truyền đến, thực đúng là cách nghĩ của phụ nữ. Đương kim Thánh thượng sáng suốt oai hùng, tại vị hơn hai mươi năm, bình định Hung Nô, mở rộng lãnh thổ quốc gia, phát triển kinh tế, đất nước thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, uy vọng quá lớn, há lại dễ dàng bị lật đổ? Ông ta kế nhiệm Công Tôn Hoằng, ở bên Thánh thượng nhiều năm nên đã nhìn thấu mọi đường đi nước bước của quân vương. Y tuy sa vào nữ sắc nhưng chưa từng lơi lỏng chuyện triều chính.
Tuy nhiên Vệ hoàng hậu nói cũng có chỗ đúng, ví dụ như bệ hạ vô tình. Nếu Vệ gia sụp đổ thì bệ hạ sẽ không bỏ qua cho ông ta, nhưng Vệ gia muốn đấu cứng thì chỉ sợ sẽ sụp đổ nhanh hơn, như vậy ông ta phải làm sao để tự bảo vệ mình?
Ông ta vốn định làm như không biết chuyện, nhưng Vệ Tử Phu như người sắp chết đuối nên dù chỉ là một cọng rơm cũng cố bám chặt lấy, bóp chết luôn hy vọng đó của ông ta, hôm nay xem ra tất cả chỉ là một kết cục bi thảm.
“Nếu nghiến răng chịu đau vứt bỏ con mình?” Nghĩ tới đây, ông ta chợt giật bắn mình.
Trường Bình hầu Vệ Thanh vội vã chạy về Trường An, ngang qua phủ đệ của mình cũng không vào mà tiến thẳng tới cung Vị Ương, nghe Vệ hoàng hậu nói xong thì nhắm mắt, thở dài, “Hồ đồ!”
Vệ Tử Phu gằn giọng, “Nếu Cứ Nhi không còn, Vệ gia cũng coi như xong. Trái cũng không được, phải cũng không xong, vậy thì chi bằng đánh cuộc một lần may ra còn có cơ hội.”
“Trương Thang làm gì dám để một hoàng tử chết ở trên tay hắn?”
“Tuy không chết nhưng chỉ cần bị thương hay tàn phế thì Vệ gia cũng không còn cơ hội rồi.”
“Tam tỷ”, Vệ Thanh lắc đầu, “Từ nhỏ đến lớn tỷ vẫn luôn thông minh có chủ kiến nhưng hễ cứ động đến Cứ Nhi là lại thành ngu ngốc.”
“Tỷ muốn làm phản, vậy đệ hỏi tỷ chúng ta lấy binh lực đâu ra?”
Vệ Tử Phu chần chừ, “Không phải là có Thanh đệ…?”
“Đệ từng cầm quân, bọn họ sẵn sàng vứt bỏ tính mạng, bừng bừng nhiệt huyết theo đệ xua đuổi giặc Hồ, bảo vệ núi sông Đại Hán. Tỷ thử nghĩ xem liệu bọn họ có theo đệ đi giết hoàng đế của mình?”
“Huống chi, bệ hạ vốn là quân chủ anh minh. Y xử trí Vệ gia chúng ta trên Thượng Lâm Uyển, tỷ tự hỏi có thật y không đề phòng chúng ta? Không nói những thứ khác, chỉ riêng quy chế phát binh của nhà Hán thôi thì đã khó rồi, nhất định phải có binh phù mới được.”
“Chẳng lẽ”, Vệ Tử Phu dần tuyệt vọng, “Chúng ta chỉ có thể ngồi chờ chết sao?”
“Khi Dương Thạch dùng máu để khuyên can thì chắc lòng bệ hạ đã dao động”, Vệ Thanh thở dài, “Nhưng hôm nay…?” Hắn chậm chạp lắc đầu, “Nương nương, tỷ đã vứt bỏ cơ hội sống sót mà Công chúa dùng tính mạng đổi lại mất rồi.”
Cuối tháng Ba xuân năm Nguyên Đỉnh đầu tiên, Lưu Triệt ở Thượng Lâm Uyển nhận được tấu chương do thừa tướng Lý Thái cho khoái mã truyền đến thì giận tím mặt, xô đổ ngự án trong điện Phất Tô. Khi trở về nội điện, Trần A Kiều nhận thấy y sắc mặt âm trầm liền tò mò hỏi, “Có chuyện gì thế?”
Lưu Triệt không trả lời, hỏi ngự y đang hầu hạ bên cạnh, “Sức khỏe nương nương hiện giờ thế nào?”
Viên ngự y râu tóc bạc trắng cân nhắc một chút rồi đáp, “Dạo này điều dưỡng thích đáng nên sức khỏe cũng dần cải thiện.”
“Như vậy có thể trở về Trường An được chưa?”
Ngự y cũng không dám khẳng định, chắp tay nói, “Nếu cho xe ngựa đi chậm một chút thì chắc có thể được.”
Lưu Triệt liền gật đầu, ra lệnh, “Chuẩn bị sẵn sàng, lập tức hồi kinh.”
Y đột nhiên ra quyết định như vậy, Trần A Kiều liền hiểu ngay. Đợt săn thú mùa xuân năm Nguyên Đỉnh đầu tiên này có thể được coi là cao hứng mà đi, mất hứng mà về. Các loại chuyện phát sinh ngoài dự liệu của mọi người xảy ra liên tiếp như đèn cù khiến không ai còn tâm tư đi săn. Song nguyên nhân gây ra chuyện đại sự bắt đầu chỉ từ tư tình giữa biểu huynh muội Công Tôn Kính Thanh và Công chúa Dương Thạch. A Kiều liền nói với mẫu thân là Công chúa trưởng Quán Đào, xin bà quán thúc con cháu Trần gia không để dẫm lên vết xe đổ đó.
“A Kiều yên tâm đi”, Đại Công chúa trưởng ngẩng cao đầu, ngạo nghễ nói, “Trần gia ba đời phú quý lại vừa được khôi phục thì làm sao giống như loại nhà giàu mới nổi Vệ gia kia.”
Do ngự y đã căn dặn, lại có Công chúa trưởng Quán Đào đi theo nên Lưu Triệt không để cho A Kiều ngồi chung ngự liễn với y mà bố trí một chiếc long xa tiện nghi khác cho cả đại gia đình bên nàng.
Nàng ôm lấy Lưu Sơ, nói vẻ xót xa, “Đáng thương cho Kiến Nhi vô duyên vô cớ chịu tội. Sơ Nhi không phải sợ, phụ hoàng sẽ làm chủ cho con.”
Lưu Sơ trong lòng nặng trĩu, gật đầu hỏi, “Phụ hoàng sẽ xử trí Dương Thạch và Lưu Cứ thế nào đây?”, trên khuôn mặt vẫn còn có nét lo lắng.”
Đi sau long xa của Trần nương nương chính là xa giá của Công chúa Dương Thạch. Thị nữ mới pha trà, run rẩy dâng lên mời, “Công chúa uống một ngụm đi.”
Lưu Vân quay đầu đi chỗ khác, trên đầu cô còn băng bó lụa trắng trông thật ghê sợ. Mấy ngày qua, sáng nào cô cũng soi gương, cảm thấy nghi ngờ không hiểu tại sao mình lại có dũng khí lao thẳng vào cột nhà ở điện Phất Tô như vậy, hoặc là tại sao đã đập đầu vào rồi mà vẫn không chết, để đến giờ còn chịu đủ các loại đau khổ, chờ phụ hoàng phán định sinh tử.
Người ngồi trên ngự liễn trang nghiêm tôn quý kia là bậc đế vương tối cao của nước Đại Hán đang hồi thịnh vượng, đồng thời cũng là phụ thân của cô. Từ rất lâu rồi, cô luôn ước nguyện rằng y chỉ là phụ thân của mình, như vậy sẽ không có cảnh đau khổ hiện giờ. Dần dần, cô gần như có thể hiểu được tại sao năm xưa Trần hoàng hậu chỉ một lòng một dạ muốn có phu quân chứ không phải là tâm ý đế vương. Từ long xa phía trước vọng lại tiếng cười đùa trêu chọc nhẹ nhàng, cảnh vui vẻ hòa thuận như vậy khiến tâm can cô càng đau nhói.
Vì chiếu cố Trần nương nương, tất cả các long xa đều đi rất chậm, mãi đến gần tối mới thấy cổng thành Trường An ở phía xa. Xa giá lộc cộc vào cổng Chương Thành rồi chạy thẳng tới cổng tây Tư Mã của cung Vị Ương. Khi đi qua cầu Bạch Ngọc, cửa cung đã rộng mở nhưng các xe ngựa đột ngột dừng lại. “Có chuyện gì vậy?”, Công chúa trưởng Quán Đào vén rèm lên hỏi, khí thế của vị công chúa ba triều đại vô cùng uy nghiêm khiến các thị vệ đang đứng giương kích không dám chậm trễ, quỳ một chân xuống bẩm, “Phía trước có người cản ngự liễn.”
Trong gió truyền đến chất giọng lanh lảng đặc biệt của hoạn quan, nghe hổn hển đứt quãng, “Vệ hoàng hậu và Nhị hoàng tử có… ý… có thể giết… Ở trên đường… bệ hạ hồi kinh… chôn giấu… Vu cổ.”
Hai chữ cuối cùng giống như một con dã thú ăn thịt người đột nhiên xuất hiện, sắc mặt A Kiều tái đi, chén trà trên tay rớt xuống đổ nước ra khắp toàn thân nhưng nàng vẫn không hề có cảm giác gì. Trên ngự liễn, thiên tử tức giận đến cực điểm lại trở nên bình tĩnh, hạ lệnh, “Đào lên ngay lập tức.”
Thị vệ lĩnh mệnh rời đi, chỉ lát sau thì Mã Hà La đã chạy tới báo đúng là đã đào lên được ba bộ người gỗ, theo thứ tự có ghi ngày sinh tháng đẻ của Trần nương nương, Hoàng tử trưởng, và cả… Hoàng đế.
“Phụ hoàng”, Lưu Vân mặt trắng bệch, không quan tâm đến vết thương trên trán, loạng choạng bước xuống xe định đi tới trước mặt Lưu Triệt song bị lớp lớp thị vệ ngăn lại. Chỉ chưa đầy nháy mắt, hai người rõ ràng là cha và con gái lại đột nhiên xa cách hơn cả những người xa lạ.
“Phụ hoàng”, Lưu Vân ngã xuống đất, gào khóc trong tuyệt vọng, “Mẫu hậu không làm đâu. Người không thể làm như vậy.” Lúc này trông cô đã không còn là công chúa Đại Hán mà chỉ là một tội nhân đợi chết.
“Trần A Kiều”, cô nhìn về chiếc long xa phía sau, oán hận rít lên, “Ngươi dùng cách này hãm hại mẹ con chúng ta mà không thấy lương tâm cắn rứt chút nào ư?”
A Kiều đang được cung nhân thay y phục, sắc mặt tái nhợt, lẳng lặng lắng nghe động tĩnh bên ngoài, nghe vậy cười nhạt, vén rèm lên, đĩnh đạc, “Ta có muốn đối phó với người khác cũng không thèm dùng thủ đoạn bỉ ổi như vậy.” Nàng chỉ nói đúng một câu rồi buông tay cho rèm che xuống, không buồn liếc mắt nhìn lại người bên ngoài.
Lưu Triệt trầm giọng hạ lệnh, “Hộ tống Trần nương nương đi đường vòng trở về cung Trường Môn.”
Mã Hà La vâng dạ rồi đích thân chọn một nhóm thủ hạ đắc lực hộ tống long xa của Trần nương nương rẽ theo tường thành cung điện đi về phía tây. Trần A Kiều trở về cung Trường Môn vẫn còn cảm thấy trong lòng chưa yên. Lưu Phiếu lại cực kỳ khoan khoái, “Năm xưa A Kiều bị dính vào vụ án Vu cổ thì cô ta mới từ một ca cơ mà ngoi lên ngôi vị. Hôm nay chính cô ta lại bị dính vào cái chuyện chết người này, đủ thấy là khí số Vệ gia đã hết.” Bà sung sướng bật cười thành tiếng, “Vệ gia mà đổ thì còn có hoàng tử nào có thể tranh giành ngôi vị với Mạch Nhi nữa được chứ?”
“Mẫu thân”, giọng A Kiều chợt sắc nhọn, “chuyện này…”, nàng lưỡng lự hỏi, “Trần gia có nhúng tay vào không?”
Tiếng cười Lưu Phiếu ngừng bặt, “Không! Đúng là Trần gia có đụng tay chân khi xảy ra chuyện nhưng vậy đã đủ đánh gục Vệ gia, không cần làm thêm bước này.”
“Có lẽ là Vệ Tử Phu biết mình hết may mắn, đau đớn phát cuồng, nên đã làm vậy”, nàng phỏng đoán.
Năm xưa Vệ Tử Phu lợi dụng thế Vu cổ ra tay hạ bệ mình thì đã biết Lưu Triệt căm ghét Vu cổ đến mức nào, trong khi sức mạnh của Vu cổ chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ, cô ta từng cho Sở Phục dùng Vu cổ, chẳng lẽ tự bản thân không chút ảnh hưởng?
Nàng nhớ lại cảnh thà giết lầm chứ không bỏ sót trước tai họa Vu cổ dưới triều Hán Vũ, bất giác rùng mình. Nếu như, nếu như một ngày có người nói với Lưu Triệt rằng nàng cũng là kẻ khả nghi trong vụ Vu cổ lần này thì Lưu Triệt sẽ xử trí nàng thế nào? Vừa nghĩ như vậy, lòng nàng đột nhiên lạnh ngắt.
Tin tức từ trong cung Vị Ương truyền ra, trong cơn thịnh nộ, bệ hạ đã bắt giam tất cả những người của Vệ gia có liên quan vào ngục, giao toàn bộ nữ quan, cung nhân của điện Tiêu Phòng cho Dịch đình, Vệ hoàng hậu bị quản chế ở điện Tiêu Phòng, do Kỳ Môn quân canh giữ, lần này là thật sự chứ không giống như lần trước. Mọi người hiểu rằng cung Vị Ương đã nổi sóng gió, những bão táp liên quan tới tiền triều cũng bùng lên, Vệ gia bại trận đã là xu thế tất nhiên. Đồng thời bị hạ ngục còn có vị hôn phu của Vệ công chúa trưởng Lý Giai. Thừa tướng Lý Thái quỳ gối trước điện Tuyên Thất, khẩn cầu bệ hạ xét cho con mình còn quá nhỏ tuổi và bản thân mình đã đóng góp công lao mà bỏ qua cho Lý Giai.
Lưu Triệt ngồi trong điện Tuyên Thất xem danh sách liên quan tới Vu cổ do Đình úy trình lên, trong lòng không yên. Danh sách viết đầy mấy trang giấy, có những triều thần trung thành tận tụy, đứng đầu trận mạc trong cuộc chiến Hán hung, có người thì cận kề bên gối, đối xử ôn nhu khi y suy sụp nhất, có các cháu của y, có cả ba đứa con gái là máu thịt y sinh ra. Y từng mong đợi bọn chúng đến, dùng giọng điệu non nớt gọi phụ hoàng. Mấy trang giấy nhẹ tựa lông hồng nhưng liên quan đến gia đình, đến đất nước, đến y thì lại nặng như núi. Có thể là những người này đã bày mưu làm phản khi y ở tận Thượng Lâm Uyển phía xa, mặc dù chưa thành nhưng mưu phản đã sinh. Y nhớ lại lúc ở Thượng Lâm Uyển thì A Kiều rõ ràng là không liên quan, hơn nữa còn bị mê man bao lâu mới tỉnh. Chẳng lẽ nàng bố trí được Vu cổ ư?
Cặp mắt y dần lạnh lẽo, bàn về lòng dạ ác độc, thì y tự nhận mình không thua đế vương của các thời đại khác, nếu đã phản bội thì sao có thể dung tha? Y cầm lấy ngự bút, phê bằng mực chu sa đỏ rực hai chữ, “Chuẩn tấu.” Nhìn sững một hồi, y phiền muộn vứt qua một bên không coi lại.
“Bệ hạ”, Dương Đắc Ý chần chừ bước lên, “Thừa tướng còn đang quỳ bên ngoài, dường như… không duy trì được nữa rồi.”
Lưu Triệt cười lạnh, “Hắn thích quỳ thì cứ quỳ đi.”
Trang phục màu đen vương gia lướt qua trước mặt Lý Thái giống như một cơn gió, chớp mắt đã biến mất. Lý Thái đau đớn, khàn giọng gọi theo, “Bệ hạ!” Bóng dáng quân vương đã xa khuất.
Gió cung Vị Ương thổi qua người Lưu Triệt, bỗng nhiên y rất muốn gặp A Kiều, một A Kiều luôn đứng trên những vinh, nhục, buồn, vui. Hai chữ Vu cổ là một vết thương đối với A Kiều, hôm nay vết thương đó lại bị rách toác chảy máu đầm đìa, chắc hẳn nàng cũng đang oán giận. Từ hành lang truyền đến những tiếng động khe khẽ. Y cau mày, Dương Đắc Ý trông thấy liền biết ý, quát hỏi, “Ai đó?”
Một đứa trẻ mặc trang phục hoàng tử từ hành lang bước ra, bái lạy, “Phụ hoàng.”
“Đán Nhi”, Lưu Triệt hơi bất ngờ, trừ Duyệt Trữ thì những đứa con trai được y để ý nhất từ trước tới nay chính là Lưu Mạch và Lưu Cứ, còn không mấy khi thấy mặt Lưu Hoành và Lưu Đán.
“Nhi thần chơi đùa ở chỗ này, thấy phụ hoàng đi qua nên mới tránh sang một bên”, Lưu Đán nói. Lưu Triệt gật đầu, bỗng nhớ tới mẫu thân của nó là Lý Chỉ, năm xưa cũng chỉ như gió thoảng mây trôi.
Mấy hôm sau, hoạn quan Tô Văn đến trước cung Trường Môn cầu kiến Trần nương nương, Trần nương nương tiếp đãi lạnh nhạt, cuối cùng sai người đuổi ra ngoài. Lưu Triệt biết chuyện này, cười nói, “A Kiều nhìn thấu thế sự rồi mà vẫn không thay đổi được tính nết như trẻ con”, lại bảo, “Đến Trường Môn.” Dương Đắc Ý vui mừng, thầm thở phào một hơi.
Trong lúc nói chuyện, Lưu Triệt chợt hỏi A Kiều về hướng xử trí đối với Vệ gia, nàng suy nghĩ một chút, hỏi lại, “Bệ hạ thật sự tin tưởng chuyện Vu cổ?”
Lưu Triệt sầm mặt, “Kiều Kiều sẽ không cầu tình cho Vệ gia đó chứ?”
Trần A Kiều như tự nói với mình, “Làm vậy chẳng qua như mèo khóc chuột mà thôi.”
“Ngày đó ở Thượng Lâm Uyển, Tảo Tảo đã hỏi thiếp có trách nó hay không, thiếp trả lời nếu như nhất định phải mất đi thứ gì đó thì cần phải quý trọng những điều mình đang có.”
“Vệ Trường và Lưu Cứ không phải con của thiếp, nhưng lại là con của bệ hạ.” Nàng nhìn Lưu Triệt, nói tiếp: “Bệ hạ hôm nay có ác tâm thì sau này xin chớ hối hận, lại càng không thể trách thiếp.”
“Gieo hạt giống dưa vàng,
Dưa mọc đều xanh mướt.
Chăm tỉa thì dưa tốt,
Cắt trụi khiến dưa tàn,
Có thể hái ba lần,
Hái bốn lần trơ gốc.”[1]
[1] Bài Hoàng thai qua từ (Bài viết về hạt giống dưa vàng).
Lưu Triệt nghe nàng ngâm nga, một chút nhu tình vẫn dằn tận đấy lòng rốt cuộc cũng được khơi gợi. “Kiều Kiều”, y âu yếm gọi rồi hôn nàng, A Kiều để mặc, thoáng cười vẻ không đành lòng. Nàng cầu tình cho đối thủ Vệ gia thì Lưu Triệt tất nhiên sẽ nghe theo. Lúc này Lưu Triệt có lẽ đã không còn là một Hán Vũ Đế lòng dạ ác độc quyết đoán trong lịch sử, còn nàng chẳng qua chỉ thúc đẩy y mà thôi.
Nàng chọn cách làm như vậy, cố nhiên do mình là người đến từ thời hiện đại có lương tâm muốn mọi việc đều được công bình chính đáng, nhưng cũng có nguyên nhân là lo lắng về thế cục ngày sau của Trần gia. Nếu Vệ gia hoàn toàn suy sụp, Trần gia độc quyền thì chẳng biết ngày nào lại tái phát chuyện đế vương nghi kỵ, chi bằng để cho Vệ gia còn đường sống nhưng mất đi thế lực nghiêng trời.
Vệ Tử Phu mất ngôi vị hoàng hậu, Lưu Cứ cũng đã mất gần hết sức ảnh hưởng, nàng tất không thể một lần nữa ngăn cản Lưu Mạch lên ngôi thái tử. Nàng hiểu rõ con trai mình, đối xử với người thân thì ôn hòa, còn với người khác thì thủ đoạn vô cùng. Từ xưa tới nay, những ai ngồi lâu trên ngôi vị thái tử thường ít có kết quả tốt, thế nên nàng dùng hết khả năng lưu lại một đối thủ. Nếu có thể làm cho Mạch Nhi phân tâm thì có lẽ ngày sau khi cha con đối lập, tình thế sẽ hòa hoãn hơn nhiều.
“Kiều Kiều”, Lưu Triệt hỏi, “Nàng không cầu tình cho Vệ Tử Phu sao?”
Nàng nghiêm nghị đáp, “Thiếp không cầu tình thay cho Vệ Tử Phu.”
Ngày hôm sau, điện Tuyên Thất truyền ý chỉ, Hoàng hậu Vệ Tử Phu phạm án Vu cổ, phế truất ngôi vị, nộp lại ấn tín, ra khỏi điện Tiêu Phòng. Công chúa Dương Thạch và Công Tôn Kính Thanh hãm hại Công chúa Duyệt Trữ, người trước phế làm thứ dân, người sau ban cho được chết. Thái bộc Công Tôn Hạ không biết dạy con, tước hết quan lộc, cách chức làm thứ dân. Thừa tướng Lý Thái cách chức làm thứ dân, Triệu Chu lên làm thừa tướng. Những người còn lại đều bị xử nhẹ, không liên luỵ đến phạm vi quá rộng.
Triều thần vốn cho rằng dựa theo tính tình trước đây của Lưu Triệt thì vụ án Hoàng hậu Vu cổ gây sóng gió một thời này nhất định phải bị tắm trong biển máu, không ngờ lại được cho qua nhẹ nhàng như thế, ai nấy đều ngạc nhiên. Song Vệ gia mất hoàng hậu cũng coi như đã đổ, không còn khả năng khôi phục. Mọi người đều đổ dồn ánh mắt hướng về Trường Môn, ngày xưa là lãnh cung, hôm nay đông như trẩy hội.
Hoàng hậu Vệ Tử Phu đang chơi đàn ở điện Tiêu Phòng, nghe ý chỉ liền cười không thành tiếng, vẫn giữ đúng lễ nghi, hỏi Thượng Viêm đến truyền chỉ, “Có thể cho bản cung gặp bệ hạ một lần được không?”
“Có còn cần thiết?” Thượng Viêm cười giả lả hỏi lại, “Xin mời nương nương!”
Vệ Tử Phu cũng không gượng ép, gật đầu bảo, “Biết rồi.” Sau đó đi vào nội điện.
“Nương nương”, Thải Thanh, Thải Vi òa khóc, ôm lấy chân nàng ta khuyên nhủ, “Người cần gì phải làm thế? Núi xanh còn đó lo gì không có củi đốt. Năm xưa chẳng phải Trần nương nương cũng như vậy mà từng bước từng bước trở lại sao?”
“Bản cung không có cơ hội đó”, Vệ Tử Phu khẽ lắc đầu, “Bệ hạ biết rõ trong lòng là bản cung không phải phạm tội Vu cổ mà là mưu phản. Theo trình tự xử án Vu cổ thì nhiều nhất là phế hậu nhưng làm sao bệ hạ có thể dung tha cho bản cung đã sinh lòng phản bội y? Chi bằng tự vẫn trước khi mật chỉ ban xuống. Có mật chỉ xuống là bản cung nhận tội đền tội. Không có mật chỉ xuống thì là bản cung tự vẫn. Trong lòng bệ hạ chắc vẫn có một chút xót thương, Trần A Kiều cũng không phải là người chém tận giết tuyệt. Nếu bọn họ đối xử tử tế với bốn đứa con thì bản cung ở dưới cửu tuyền cũng cảm thấy được an ủi rồi.”
Tháng Tư năm Nguyên Đỉnh nguyên niên, Hoàng hậu Vệ Tử Phu treo cổ tự vẫn ở điện Tiêu Phòng. Tin tức đưa đến điện Tuyên Thất đúng lúc Lưu Triệt vừa viết xong mật chỉ. Y ngạc nhiên đôi chút, vứt mật chỉ sang bên rồi thở dài một hơi. Thì ra một người con gái có ôn nhu dịu dàng đến mấy thì trong lòng vẫn rất cường.
Lưu Triệt viết một ý chỉ khác, dùng nghi lễ phi tần để chôn cất Vệ Tử Phu ở khu dành cho phi tần. Y thông cáo ra bên ngoài, tội danh phế hậu là Vu cổ. Bệ hạ trọng thưởng cho Giang Sung và hoạn quan Tô Văn đã tố cáo nhưng không lâu sau thì gán cho mỗi người một tội, dùng loạn côn đánh chết.
Lúc này đã đến cuối năm Nguyên Đỉnh đầu tiên, Trường Tín hầu Liễu Duệ báo tin đã đánh chiếm được Côn Minh, quốc vương nước Điền quy thuận Đại Hán, nước Điền nhập vào bản đồ lãnh thổ của Đại Hán. Trong khoảng thời gian ngắn, Trần gia đạt đến đỉnh cao uy vọng, điều duy nhất còn thiếu chính là ngôi vị hoàng hậu mà Trần A Kiều đã để mất.