Kinh Diễm Nhất Thương [Luận Anh Hùng]

Chương 8: Phạn cục (bữa cơm)

Thiên Y Cư Sĩ có nuôi một con chim, mỏ đỏ lông đen, thông minh lanh lợi, hoạt bát đáng yêu. Mỗi ngày nó đều sẽ bắt chước tiếng người thông báo, chẳng hạn như "hôm nay là đầu tháng giêng"; nếu như là ngày tết, nó sẽ nói vài câu may mắn; còn nếu là trung thu, nó sẽ "ngâm" lên một hai câu thơ có liên quan đến trăng. Ngoài ra nó còn biết báo hiệu khi chuyển sang một canh giờ mới.

 

Khi tâm tình của Thiên Y Cư Sĩ không tốt, nó sẽ ca hát; khi Thiên Y Cư Sĩ không thiết ăn uống, nó sẽ dùng chiếc mỏ nhọn, chọn thức ăn ngon nhất trên bàn, đưa đến bên miệng Thiên Y Cư Sĩ.

 

Thiên Y Cư Sĩ đương nhiên rất yêu thích nó.

 

Y nuôi ít nhất hai trăm ba mươi ba con phi cầm quý giá hiếm thấy, những động vật khác thì không biết bao nhiêu, nếu tính luôn cả cả mèo chó rùa thỏ, e rằng đến tám đời cũng đếm không hết được.

 

Nhưng y chỉ yêu quý con chim này.

 

Con chim này không thích ở cùng những động vật khác, thanh cao và cô độc, cũng không thích ở cùng những người khác, chỉ thích ở với y.

 

Thiên Y Cư Sĩ cảm thấy bọn họ rất có duyên.

 

Con chim này có tên là "Quai Quai".

 

Có khi rãnh rỗi, nó cũng kêu tên của mình, nhưng phát âm không chuẩn, đọc thành "Quái Quái".

 

Nói thật ra, một con chim hiểu tính người như vậy, Thiên Y Cư Sĩ ngoài yêu thích cũng cảm thấy có phần "quái quái".

 

Nhưng y rất thích nó, hơn nữa bọn họ lại rất có duyên. Thiên Y Cư Sĩ biết mình luôn hứng thú với nhiều thứ, có thể nói là ham thú chơi bời, không thể chuyên tâm, nhưng không biết vì sao y lại đặc biệt yêu quý Quai Quai.

 

Thời gian gần đây tâm tình của Thiên Y Cư Sĩ không tốt, bắt đầu từ sau khi Vương Tiểu Thạch muốn đi đến kinh thành thi triển thân thủ.

 

Có lẽ là vì tịch mịch.

 

Thiên Y Cư Sĩ thường xuyên không kìm được nhớ lại, khi có Vương Tiểu Thạch bên cạnh náo nhiệt vui vẻ như thế nào.

 

Vương Tiểu Thạch là người gặp phải chuyện gì cũng đối mặt với với tấm lòng vô tư, tâm tình vui vẻ.

 

Người như vậy chẳng những có thể khiến mình vui vẻ, cũng có thể khiến người bên cạnh hắn cảm thấy vui vẻ.

 

Sau khi Vương Tiểu Thạch rời đi, tâm tình của Thiên Y Cư Sĩ ảm đạm hơn nhiều.

 

Lúc này y cảm thấy có phần hối hận.

 

Hối hận vì năm đó không cưới Chức Nữ.

 

Năm đó nếu như y cưới "Nhất Châm Kiến Huyết, Danh Động Thiên Hà" Chức Nữ, có lẽ bây giờ sẽ không tịch mịch cô đơn như vậy.

 

"Ngươi yêu thích cao sơn lưu thủy, cầm kỳ thư họa nhiều hơn là thích ta." - Y còn nhớ, ngày đó Chức Nữ đã tức giận nói với y như vậy: "Thực ra loại người như ngươi vốn chỉ yêu bản thân mình."

 

Lúc ấy, nàng đã dùng "Mật Chức Cấp Tú, Loạn Châm Phân Thây" trong "Nhất Châm Kiến Huyết", hủy đi một con uyên ương trên chiếc khăn uyên ương đã thêu xong, trả lại cho y, tức giận rời đi.

 

Bây giờ, chiếc khăn kia vẫn còn trong người, trên ấy vẫn còn một con thuỷ điểu cô độc bay lượn, không biết một con kia bây giờ ra sao?

 

Khi nghĩ đến chuyện này, Thiên Y Cư Sĩ lại cảm thấy chán nản. Quai Quai liền đi tới mổ nhẹ lên mu bàn tay của y.

 

Thiên Y Cư Sĩ cũng không ngờ mình sẽ đi xa.

 

Hơn nữa còn là đi vào giang hồ.

 

Nơi đến lại là kinh đô.

 

Y vốn định trải qua quãng đời còn lại ở Bạch Tu viên.

 

Cho dù có người cầm đao kề vào cổ, y cũng quyết không tái xuất giang hồ.

 

Thật ra không thể nào có người đi vào Bạch Tu viên, bởi vì nơi đó y đã bố trí tất cả cơ quan trận thế nghiên cứu sáng tạo ra trong những năm gần đây, cho dù là Đại sư huynh Lãn Tàn đại sư đích thân đến cũng chưa chắc có thể phá được.

 

Ngoại trừ Vương Tiểu Thạch, trên đời chỉ có vài người có thể đến đi không trở ngại.

 

Trong đó có một người là y cho phép đi lại tự nhiên.

 

Y tin tưởng người này.

 

Người này đương nhiên là Đa Chỉ Đầu Đà.

 

Trong số cao thủ đương thời, Đa Chỉ Đầu Đà là người duy nhất có thể dùng khí công thiền tông "Vô Pháp Đại Pháp" của Ngũ Đài sơn để thi triển tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Ngoại trừ điều này, chín ngón tay của y cũng là danh chấn thiên hạ (chẳng những không nhiều ngón hơn người khác, trái lại còn ít hơn một ngón). Bất kỳ nhạc cụ nào dù mới hay cũ, đã từng học qua hay chưa, chỉ cần cho y đàn một lúc đều có thể trở thành nhạc khúc, hơn nữa còn tinh xảo hơn so với người đã quen thuộc nhạc cụ này. Có lúc một mình y có thể đàn ra khúc âm phức tạp do chín mươi chín người hợp tấu.

 

Y cũng giỏi đánh cờ, càng giỏi bắt cá.

 

Trong dòng nước chảy xiết, y có thể dùng tay không rút ra một chiếc vảy của cá đang bơi mà không làm ướt người. Lạc Ngư trai của Thiên Y Cư Sĩ nuôi rất nhiều cá, những con cá này cũng khó tránh khỏi thỉnh thoảng bị bệnh, phải cần đến chín ngón tay linh hoạt của Đa Chỉ Đầu Đà.

 

Các loại sở trường của Đa Chỉ Đầu Đà đều hợp với hứng thú của Thiên Y Cư Sĩ.

 

Huống hồ trong những năm qua, Thiên Y Cư Sĩ có thể ẩn cư ở đây sung sướng thoải mái, sinh hoạt ăn uống đều nhờ Đa Chỉ Đầu Đà chiếu cố, hơn nữa còn chiếu cố đến từng li từng tí.

 

Y đã từng hỏi Đa Chỉ Đầu Đà xem tiền ở đâu ra.

 

"Trong miếu."

 

Đa Chỉ Đầu Đà cai quản một ngôi Lão Tử miếu, hương khói thịnh vượng.

 

"Đó là tiền hương duyên của phật đà, làm sao ta có thể dùng được? Tội lỗi, tội lỗi!"

 

"Tiền bố thí cho bồ tát, không phải cũng là bố thí cho chúng sinh sao?" - Đa Chỉ Đầu Đà lại nói: "Cư sĩ là người tuyệt thế trong chúng sinh, không khác gì thần tiên, những vật phàm này có thể tặng cho cư sĩ, đó mới là vinh quang của bản tự, công đức vô lượng."

 

Thế là Đa Chỉ Đầu Đà tiếp tục hỗ trợ chi phí cần thiết cho sinh hoạt thường ngày của Thiên Y Cư Sĩ.

 

Sau lâu ngày, Thiên Y Cư Sĩ cũng thành thói quen.

 

Y đối xử với Đa Chỉ Đầu Đà như bạn tốt.

 

Đa Chỉ Đầu Đà cũng không có thỉnh cầu gì khác.

 

Cho đến hôm nay…

 

Đa Chỉ Đầu Đà mời Thiên Y Cư Sĩ "ăn cơm" .

 

"Ăn cơm", đây là một chuyện rất đặc biệt.

 

Người xưa có câu "nhân dân xem lương thực là nguồn gốc của cuộc sống", thậm chí còn cho rằng "lễ nghi vốn bắt đầu từ ẩm thực". Ẩm thực không chỉ có thể ăn uống thả cửa, còn có tác dụng "dưỡng sinh tăng cường sức khỏe, cung kính phụng sự quỷ thần thượng đế". Thiên tử hoàng thất xem tế lễ là chuyện lớn, ngay cả nồi dùng để nấu ăn cũng xem như uy nghi của quốc gia hoàng tộc.

 

Cổ nhân gọi bò, dê và lợn là "tam sinh". Lúc tế lễ hoặc đãi tiệc, chỉ có thiên tử mới dùng đầy đủ tam sinh, gọi là "thái lao"; còn chư hầu chỉ có thể giết bò và dê, gọi là "thiếu lao". Từ xưa đến nay, ẩm thực đều phải tuân theo quy củ, lễ pháp nghiêm ngặt. Nếu như không phải tế lễ, chư hầu còn không thể giết bò, đại phu không thể giết dê, nhân sĩ không thể giết chó lợn, bình dân không thể ăn thứ quý giá, giới hạn rõ ràng, phân chia nghiêm ngặt.

 

Người trong võ lâm, đương nhiên không hoàn toàn tuân theo quy luật. Nhưng cho dù là trong triều đình, giang hồ hay võ lâm, "ăn cơm" có lúc lại là một danh từ rất đặc biệt.

 

Có người mời ngươi "ăn cơm", bình thường không chỉ là "ăn một bữa cơm" mà thôi, trong đó còn bao gồm gặp gỡ, bàn luận, giao tiếp, làm quen, thậm chí còn có cả lung lạc, ban ơn, đề nghị, đàm phán, khoe khoang, thăm dò… đủ loại "ý đồ" kỳ quái.

 

Ngay cả khi ngươi mời người khác "ăn" một bữa "cơm", có lúc cũng ẩn chứa không ít "ý đồ" mà chính ngươi cũng chưa chắc "ăn" được.

 

Lúc này, "ăn cơm" đã không còn là ăn cơm nữa.

 

Ăn loại "cơm" này, so với "làm việc" còn phải hao tổn tinh thần, hành sự cẩn thận hơn.

 

Cho nên, có loại cơm ăn vào không phải là "cơm", mà là nhân tình; có loại cơm rất "không dễ ăn"; có loại cơm không thể không ăn; còn có loại cơm, thà để bụng đói cũng không thể ăn.

 

Đương nhiên, "bữa cơm" của Đa Chỉ Đầu Đà không hề phức tạp.

 

Chỉ có hai người, đó là y và Thiên Y Cư Sĩ.

 

Thức ăn cũng rất đơn giản, đều là đồ chay.

 

Có điều dụng ý lại thật sự không đơn giản.

 

Thực ra, dù là chuyện đơn giản nhất trên đời, sau khi suy nghĩ cẩn thận đều cảm thấy không đơn giản. Chẳng hạn như ngươi thích một người, hay là hận một người, khi cẩn thận phân tích lại là do rất nhiều nhân tố tạo thành.

 

Sau bữa cơm, Thiên Y Cư Sĩ liền rời khỏi Bạch Tu viên, đi vào giang hồ, thẳng đến kinh thành.

 

Bởi vì y nghe được mấy chuyện.

 

Những chuyện này y đều không thể chịu đựng được.

 

Vương Tiểu Thạch đã giết chết Tể tướng đương triều Phó Tông Thư. Hiện giờ hai đạo hắc bạch, triều đình võ lâm đều muốn bắt Vương Tiểu Thạch về quy án.

 

Nguyên Thập Tam Hạn sai đồ đệ của mình là Thiên Hạ Đệ Thất giết chết Thiên Y Hữu Phùng, bởi vì muốn ngăn cản Thiên Y Hữu Phùng truy xét vụ án "dốc Phiên Long" năm đó.

 

Thiên Y Cư Sĩ đành phải lập tức lên đường.

 

Vương Tiểu Thạch là đồ đệ của y, đồ đệ duy nhất. Y không đành lòng để Vương Tiểu Thạch bị người khác treo đầu nơi cửa thành. Huống hồ y còn coi Vương Tiểu Thạch như là con ruột của mình.

 

Thiên Y Hữu Phùng là con trai của Chức Nữ, cũng là con trai duy nhất của y. Y chưa từng làm tròn trách nhiệm của người cha đối với đứa con trai này. Chức Nữ đặt tên con mình là "Thiên Y", theo họ "Hứa", biểu thị chưa bao giờ quên tình cảm với y.

 

Y làm sao có thể để con trai chết vô ích.

 

Y muốn đi hỏi Nguyên Thập Tam Hạn, vì sao không tuân thủ lời thề năm đó.

 

Nếu như những điều này là do người khác nói cho y biết, có lẽ y sẽ suy nghĩ kỹ càng, lập kế hoạch sau đó mới hành động.

 

Nhưng đây là do Đa Chỉ Đầu Đà nói cho y biết.

 

Y tin tưởng Đa Chỉ Đầu Đà.

 

Chuyện gấp, cấp bách, y không mang theo gì cả, chỉ mang đi một mình "Quai Quai".

 

Bởi vì y không nỡ rời xa nó.

 

Y vừa rời khỏi Bạch Tu viên, tiệm vải Mỹ La của Lão Long Câu liền bốc cháy. Do đó khi Vương Tiểu Thạch trở lại Thiên sơn, đã không gặp được phụ thân và chị gái, cũng không tìm được sư phụ của hắn là Thiên Y Cư Sĩ.

back top