Ma Thổi Đèn

Quyển 6 - Chương 20: Dưa trôi dụ cá

Quyển 6 - Chương 20: Dưa trôi dụ cá
Ban Sơn đạo nhân có thuật “Dưa trôi dụ cá” mà theo truyền thống trước đây, chỉ được thực hiện sau khi đã tế “Dưa thần” và “Ngư chủ”. Đương nhiên, đây chỉ là một dạng nghi thức, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Có điều, chúng tôi cũng cứ theo lệ cũ mà làm, chẳng ngại gì thêm một bước này, tránh để về sau xảy ra chuyện có hối cũng chẳng kịp. Thời xưa, dân chài nếu bắt được cá lớn dưới biển, đều phải tế Ngư chủ theo lệ, bởi trong mắt dân miền biển, lũ cá lớn ấy đều là con cháu của Long vương. Ngư chủ ở đây chính là Nam Hải Long vương. Thực tế là, dưới biển có những con cá lớn nặng đến cả tấn, nhìn đã thấy sợ rồi, hạ gục giống quái vật ấy, trong lòng ai mà chẳng có chút thấp thỏm không yên, mấy trò bái tế Ngư chủ gì gì đó, có thể chỉ là tìm một cái cớ để mình yên tâm mà thôi. Thuyền trưởng Nguyễn Hắc dẫn đầu cả bọn thắp hương, rồi lấy trong khoang ra một vò rượu ngon lâu năm đổ xuống biển, vậy là coi như đã bái tế Long vương.
Thời trước, dân mò ngọc lặn xuống nước, chỉ dựa vào một nắm sa thạch và dao găm, cùng với một cái bong bóng lợn để đổi hơi. Trước khi hành động, phải dùng nước lạnh tưới khắp toàn thân, gắng hết sức loại bỏ đi hơi nóng của người sống trên thân thể, hòng tránh bị lũ cá dữ dưới nước tấn công. Làm nghề này, có thể nói, gần như là đem tính mạng ra đổi lấy Nam châu.
Ban Sơn đạo nhân có hứng thú đối với tất cả các loại ngọc châu trên thế gian này, dù là loại ngọc ngậm trong miệng người chết hay là loại sinh ra trong tự nhiên, như loại còn nằm dưới đáy biển, chưa bị con người mò vớt. Bất kể thứ nào, họ cũng nghĩ trăm phương nghìn kế để lấy được về tay. Phương pháp mò vớt Nam châu của họ hoàn toàn đi theo một lối riêng, không giống bất kỳ ai. Tuy những bí pháp kỳ môn đa phần đều không được ghi chép trong kinh điển chính thống, song lại có hiệu quả rất kỳ diệu, thuật “Dưa trôi dụ cá” này là một trong số đó.
Trước khi lên đường ra biển, chúng tôi đã chất trong khoang hàng một lượng lớn dưa hấu còn xanh, và mấy bao tải vôi sống, lúc này, toàn bộ đều đem ra dùng hết. Chúng tôi bắc nồi ở mũi tàu, bỏ vôi sống vào nước cho sôi ùng ục, khoét lỗ to bằng nắm tay trên mấy quả dưa, móc hết ruột bên trong ra, đổ nước vôi sống vào, rồi lấy miếng vỏ bít lại như cũ, ở chỗ khe hở, dùng thứ keo chế từ cỏ Chiếu Hồ và nước sắc cua biển dính chặt, sau cùng thì thả từng quả, từng quả dưa nhồi vôi sống ấy xuống nước.
Quả dưa chứa đầy nước vôi sôi ùng ục, dập dềnh trôi nổi trên mặt biển. Khi quả dưa vẫn cứ dập dềnh chưa chìm xuống, trên mặt biển đột nhiên có hoa nước bắn tóe lên. Một con cá lớn dài khoảng hơn chục mét lao vút lên, đớp trọn cả quả dưa nhồi vôi đó vào miệng, theo đà vọt khỏi mặt biển, hơi dừng sững lại một chút, rồi mới rơi đánh “tũm” một tiếng, làm nước bắn tung ào ào.
Phàm là những loài thủy tộc bị minh châu thu hút, đều có cảm ứng với ánh trăng và âm tính, thiên tính thích âm mà ghét dương. Gặp phải quả dưa hấu tròn ung ủng nổi dập dềnh trên mặt biển, vỏ dưa lại có khí âm do thứ keo đặc biệt kia tiết ra, lũ cá này không con nào là không nhao lên giành ăn. Mặt biển nhất thời nổi sóng, các loại cá lớn đua nhau nhoi lên mặt nước nuốt dưa. Dưa hấu ngâm trong nước biển một chút là lạnh, nhưng là ngoài lạnh trong nóng, vôi sống bên trong vỏ dưa vẫn đang sôi, gặp nước lại càng sôi lên ùng ục. Bị lũ cá nuốt vào bụng, vỏ dưa lập tức vỡ toác ra, vôi sống tiếp xúc với nước, sinh ra nhiệt lượng cực lớn, dễ dàng đốt cháy nội tạng bọn chúng. Chỉ trong chớp mắt, đã có mấy con cá chết phơi bụng trắng hếu nổi trên mặt nước.
Dưa hấu thả xuống mỗi lúc một nhiều, con cá nào nuốt vào là đi đời con ấy, chỉ thấy trên mặt biển không ngừng xuất hiện những cái xác cá chết, ngửa bụng trắng phớ. Lũ cá đại tướng này trông vốn đã hung ác xấu xí, nay bị vôi sống thiêu đốt nội tạng mà chết, bộ dạng càng đau đớn khủng khiếp tột cùng. Hơn nữa, mắt cá trời sinh đã tròn xoe, nên lúc này nhìn càng giống như chết không nhắm mắt. Mấy người chúng tôi đứng trên boong quan sát, thảy đều kinh hãi. Từ đầu cả bọn đã có chuẩn bị tâm lý, nhưng vẫn không ngờ sử dụng bí thuật của Ban Sơn đạo nhân giết cá, lại có kết quả tàn bạo nhường này.
Tôi vẫy tay với Nguyễn Hắc, ra hiệu cho bọn họ chuẩn bị xuống nước. Nguyễn Hắc và Đa Linh lập tức thay đồ lặn, mang theo bình dưỡng khí, kính lặn và dụng cụ mò ngọc, ngồi trong xuồng cao su thả xuống bên mạn tàu đợi tín hiệu. Mấy người bọn Tuyền béo thì vẫn tiếp tục ném dưa xuống biển, lũ thủy tộc ẩn náu trong vùng biển này dường như đông vô hạn, chết một đám lại có một đám khác trồi lên, lồng lộn tranh ăn trên mặt biển. Tuyền béo cứ ngoác mồm ra than thở, lúc trước tính toán không chuẩn, cứ thế này thì dưa hấu với vôi sống không đủ dùng mất thôi.
Tôi bảo mấy người bọn họ, không nên ném dưa hấu nhanh quá, tránh để một con cá nuốt mất hai quả dưa, nhất định phải dùng tiết kiệm, đặt mục tiêu mỗi phát đạn hạ gục một tên địch, nếu không trừ hết lũ cá dữ cứ quanh quẩn xung quanh đám ngao sò ốc hến ngậm ngọc dưới đáy biển kia, lúc xuống nước mò ngọc thể nào cũng gặp bất trắc. Dẫu chúng không đớp người, thì chỉ cần bị mấy con cá to ấy húc cho một phát thôi cũng chẳng chịu nổi rồi. Chuyện đã đến nước này, chỉ còn cách dốc hết túi ra cược một phen, cá không chết thì lưới rách, nếu ném hết dưa hấu mà vẫn không diệt sạch được lũ cá lớn xung quanh mấy cây san hô đó, thì chỉ còn nước chọn lại ngày lành tháng tốt mà quay lại thôi. Có điều, sau này chưa chắc đã gặp được thời tiết trên biển thích hợp như lúc này, cũng không biết phải chờ tới lúc nào mới trở lại vực xoáy San Hô được.
Lúc này, Shirley Dương thấy việc giết chóc quá nặng nề, thời gian ăn chưa hết bữa cơm mà đã có gần hai trăm con cá lớn toi mạng, không khỏi hơi biến sắc mặt. Chỉ là, giờ cô có hối hận cũng đã quá muộn. Tôi thấy vậy, bèn cất tiếng khuyên giải, bảo rằng: “Đằng nào cũng đã đại khai sát giới rồi, tuyệt đối không thể mềm lòng, bây giờ mà dừng tay thì chẳng phải lũ cá này chết uổng hay sao? Vả lại, hãy nghĩ đến những thủy thủ và hành khách trên tàu gặp nạn, rồi cả dân mò ngọc nữa, một khi rơi xuống nước chẳng phải chỉ có kết cục chôn thây nơi bụng cá hay sao? Tuy bây giờ không còn trả thù giai cấp nữa, nhưng chúng ta làm vậy, cứ coi là báo thù cho những người mò ngọc bất hạnh kia cũng được mà.”
Thực ra, tôi chẳng để tâm đến bọn cá chết kia mấy, không diệt hết bọn chúng, lúc xuống nước chẳng khác nào tự hiến thân vào bụng cá, chỉ là, trong lòng không khỏi ngấm ngầm lo lắng giết không hết, sợ phải trở về tay không mà thôi. Cũng may, lúc còn khoảng gần ba mươi quả dưa hấu, dưới biển không có cá nổi lên nữa, có lẽ bọn cá đại tướng ấy đều chết tiệt hết cả rồi. Dưới đáy biển, các khu vực được phân chia bởi những dòng hải lưu ngầm, các loài thủy tộc rất ít khi chịu vượt qua ranh giới, nhưng cũng có một số ít con tham luyến tinh hoa của ngọc trai, vẫn lẩn khuất ở gần rừng rậm san hô, phải diệt trừ hết sạch thì lúc lặn xuống mò ngọc mới khỏi lo trước lo sau. Còn bọn cua cá thuồng luồng ở những vùng nước khác, thì ít nhất trong thời gian ngắn cũng sẽ không mạo muội tiến vào vùng biển trống này.
Nguyễn Hắc thuở trước đi mò ngọc, nhưng lần nào cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần lao đầu vào chỗ chết để tìm đường sống, nay thấy thuật “Dưa trôi dụ cá” lợi hại như vậy, chỉ trong chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã dẫn dụ toàn bộ lũ cá dữ tiềm phục ở xung quanh cây san hô lớn ra, hạ sát sạch sẽ, thủ đoạn thực là tàn độc hết sức, cũng không khỏi trợn mắt há hốc miệng ra. Tôi gọi mấy tiếng liền, ông ta mới giật mình sực tỉnh, giơ ngón tay cái lên nhắn xuống, ra hiệu với chúng tôi rằng mình sẽ lặn xuống ngay. Sau đó, ông ta liền cùng nữ đồ đệ mang hai dòng máu Pháp-Việt Đa Linh, gắn các trang thiết bị lặn vào, ngồi lên mép xuồng cao su, ngả người ra phía sau, lộn đầu xuống nước.
Thấy nhóm B đã xuống nước, Shirley Dương bèn gọi tôi và Minh Thúc: “Nhóm A vào khoang đáy chuẩn bị lặn.” Tuy đã tiêu diệt được khá nhiều con cá dữ có khả năng tấn công, nhưng tình hình dưới nước vẫn rất khó lường, có lẽ không yên bình được mấy chốc, thời gian rất có hạn, nhóm A chúng tôi cũng phải nhanh chóng hành động.
Trong các trang bị kèm theo tàu Chĩa Ba có ba bộ đồ lặn hạng nặng, chuyên dùng để thăm dò vùng biển sâu, chế tác từ vật liệu có thể chịu áp lực cao, trọng lượng lên tới một trăm bảy mươi lăm ki lô gam, mặc vào để xuống nước không dễ dàng như thợ lặn đeo trang bị bình thường được. Các nhà thiết kế người Anh đã khéo léo lợi dụng cấu tạo của con tàu cũ, đặt một khoang nhỏ ngập nước đặc biệt trong khoang đáy, trang bị lặn đặc cố định trong đó, chúng tôi phải chui vào bộ đồ lặn này, đợi nước dâng lên ngập khoang, mới lặn xuống được.
Sau khi chúng tôi xuống nước, trên tàu chỉ còn lại nhóm C đảm nhiệm việc chi viện, nên tôi phải dặn dò Tuyền béo mấy câu, rồi mới dẫn theo Cổ Thái xuống khoang đáy, nhờ cậu ta giúp một tay chuẩn bị thiết bị lặn, mở van xả nước vào khoang nhỏ. Cùng với nhịp hô hấp của chúng tôi, khí thể xì ra, tôi, Shirley Dương và Minh Thúc rời khoang đáy, bám theo dây thừng từ từ lặn xuống.
Tàu Chĩa Ba dừng ngay phía trên cây san hô cao to, trong nhờ nhờ như đồi mồi ấy. Tôi thấy giữa mấy tán cây có ánh đèn lấp lóa, chính là Nguyễn Hắc và Đa Linh đang lấy ngọc của một con ốc xanh rất lớn. Mấy con cá mập bơi lượn vòng xung quanh hai người họ. Cá mập không có tính háo trăng như các loài thủy tộc khác dưới đáy biển, thuật “Dưa trôi dụ cá” không hề có tác dụng với bọn chúng. Ở dưới biển, xét về các mối uy hiếp đối với dân mò ngọc, thì phải tính đến loài cá mập hung hãn vô địch này đầu tiên. Thời xưa, khi chưa có thiết bị đuổi cá mập bằng tín hiệu điện tử, Ban Sơn đạo nhân lặn xuống nước mò ngọc, thông thường đều dùng một loại thuốc đuổi cá mập phối chế theo phương pháp cổ xưa, nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Lúc xuống nước, mang theo bên mình một cái bình thủng lỗ chỗ như cái sàng, bên trong nhét đầy thuốc đuổi cá mập dạng cao đặc. Mỗi khi cơ thể chuyển động dưới nước, thuốc đuổi cá mập trong bình sẽ hòa tan liên tục qua các lỗ nhỏ, có thể ngăn cản lũ cá mập đến gần người thợ lặn. Nguyễn Hắc và Đa Linh đã mang theo bình thuốc đuổi cá mập của Ban Sơn đạo nhân, nhưng cũng vẫn có những con cá tò mò, quây lấy hai người họ từ đằng xa.
Cũng may, thầy trò Nguyễn Hắc đã đi mò ngọc được mấy năm rồi, làm cái nghề này cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào vuốt râu hùm, nên tố chất tâm lý của bọn họ tương đối ổn định, bị lũ cá mập vây quanh rình mò mà vẫn không hề rối loạn. Dân mò ngọc có ba cách lấy ngọc, nếu hoàn cảnh cho phép, thông thường họ trực tiếp phá vỏ ốc vỏ trai để lấy ngọc; giả như cây san hô kích thước không lớn lắm, thì có thể nhổ cả cây mang lên, vì san hô thượng phẩm cũng bán được giá rất cao; cuối cùng chính là kéo cả con trai lên mặt nước, chuyển lên tàu rồi mới đập vỡ vỏ trai lấy ngọc, thịt trai thì đem ăn. Có điều, làm theo cách này không thể chắc chắn bên trong con trai có ngọc hay không.
Hai người nhóm Nguyễn Hắc lặn xuống gốc cây san hô, lũ trai ngọc khổng lồ đã bám dưới đáy biển này không biết bao nhiêu năm tháng, cơ hồ đã nối liền thành một thể với rặng đá ngầm bên cạnh cây san hô, sẽ rất phiền phức nếu muốn tách chúng ra khỏi rặng đá để mang cả lên mặt nước, chỉ có thể lấy ngọc tại chỗ mà thôi. Họ dùng đèn lặn tụ quang hoặc cát mịn dẫn dụ con trai hé mở vỏ ra, rồi đâm lưỡi dao tẩm thuốc mê vào, nhân lúc con trai khổng lồ mất cảm giác, liền bạnh vỏ trai ra, thò tay vào móc lấy Nam châu.
Hai thầy trò Nguyễn Hắc không thích dùng dao găm lặn chuyên dụng, mà vẫn mang theo lưỡi dao phân thủy truyền thống của dân mò ngọc từ bao đời nay, nhưng để không cắt vào thịt trai, thịt ốc khiến lũ cá mập gần đấy ngửi mùi máu mò tới, ông ta hết sức cẩn chận chỉ rạch khẽ một chút rồi thò tay mò mẫm, lấy được Nam châu liền tức khắc bọc lại, giấu kín vào trong lòng, không dám để lộ ra ánh sáng.
Tôi và Shirley Dương, Minh Thúc lặn qua chỗ hai thầy trò Nguyễn Hắc, thấy bọn họ thực hiện đâu ra đó rất bài bản, cũng cảm thấy yên tâm phần nào, bèn vẫy tay ra hiệu, rồi tiếp tục lặn xuống sâu hơn. Gốc cây san hô cao mấy chục mét ấy mọc trên tầng cát mịn cùng cả một rừng san hô trải dài, chúng tôi chạm đất làm bùn cát cuộn lên, khiến nước biển đục ngầu. Đột nhiên có một dòng chảy ngầm cuốn xuống khe sâu cạnh đó, nhờ có trang bị nặng, thân thể chúng tôi chỉ bị lảo đảo mấy cái. Tôi bám vào một cây san hô, trụ vững thân mình, đoạn chỉ tay xuống phía dưới, ra hiệu cho Shirley Dương và Minh Thúc rằng đấy chính là khe sâu mà tôi trông thấy lúc ngồi trong chuông lặn.
Giả sử cái khe nứt đen ngòm trước mắt chúng tôi đây không phải khe sâu đáy biển, mà là một lớp vỏ cứng hình thành bởi các vật trầm tích dưới biển, thì con tàu đắm rất có thể đã lọt vào trong đó rồi. Có điều, trước khi xác nhận chắc chắn thì khó mà phán đoán được. Tôi cũng hiểu rất rõ, với trang bị của chúng tôi, và sự chuẩn bị vội vàng thế này, muốn vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính trong tàu Mariana thực sự còn khó hơn lên trời, nhưng dù sao tôi vẫn muốn thử vận may một chút xem sao, nếu vớt được đương nhiên là tốt nhất, bằng không thì chỉ cần tìm thấy xác tàu đắm là cũng tốt lắm rồi. Bởi lẽ, chỉ cần giơ ra một món di vật trong tàu, là có thể tuyên bố quyền sở hữu xác tàu đắm ấy là của chúng tôi, những đội trục vớt khác sẽ không có ý với nó nữa. Chỉ cần có đủ thời gian, có thể bảo Shirley Dương đi thuê một nhóm trục vớt chuyên nghiệp đến làm nốt những thứ còn lại.
Shirley Dương giơ đèn lặn lên, định thăm dò tình hình ở bên rìa mép cái khe nứt ấy, hiềm nỗi, đèn chiếu cường độ mạnh ở đây gần như mất tác dụng, không thể chiếu xuyên qua được nước biển có quá nhiều tạp chất, càng chẳng thể nào chiếu xa được.
Minh Thúc nghĩ ra một cách, ném ống khói phát sáng dưới nước xuống dưới, một luồng sáng chói mắt tức thì chiếu rọi xung quanh. Trong khoảnh khắc ánh sáng lóe lên ấy, chỉ thấy phía dưới có vô số cột đá sừng sững, tựa như di tích của một kiến trúc cổ đại nào đó, nhưng dưới đáy sâu, nước xoáy cuộn lên, lại có nhiều dòng chảy ngầm đan xen lẫn nhau, ống khói phát sáng nhanh chóng bị cuốn đi mất, không biết rơi vào góc chết nào, chẳng còn thấy chút ánh sáng nào nữa.
Nhưng trong một thoáng ấy, tôi phảng phất thấy dưới khe sâu có một cái bóng đen khổng lồ, tựa như xác tàu đắm, có điều vì khoảng cách quá xa, nên không dám chắc. Vả lại, điều làm chúng tôi kinh ngạc nhất là những khối đá khổng lồ kia, tuy bám đầy trầm tích, nhưng lại rất vuông vắn trật tự, không giống như sản phẩm của thiên nhiên. Trong khe sâu dưới đáy biển không ngờ lại có di tích thành cổ, sự việc này khiến tôi không khỏi liên tưởng đến bức phù điêu ngọc phát hiện trên đảo Miếu San Hô, cùng với cỗ quan tài nổi ở gần vực xoáy San Hô. Xem ra, nơi này quả nhiên từng xuất hiện một nền văn minh phồn thịnh, nhưng đã bị chôn vùi dưới đáy biển sâu, dù ngẫu nhiên có vài thứ sót lại được vớt lên, coi là hàng thanh đầu, thì đa phần đã bị nước biển xâm thực mà biến dạng nghiêm trọng, khó nhận ra, rốt cuộc cũng chỉ làm nên một trang thiếu khuyết trong lịch sử nhân loại. Nơi này, rất có thể chính là Quy Khư được ghi chép trong sách cổ, là hải nhãn ở Nam Hải, dẫu có đổ hết nước trong thiên hạ vào cũng không thể đầy, là lối thông đến cõi vĩnh hằng hư vô vô tận.
Tôi thấy sâu bên dưới dường như có tàu đắm, nhìn có vẻ hết sức thần bí; không sao nén nổi cảm giác tò mò, muốn tiến xuống xem cho rõ ràng, ngoảnh sang thấy Shirley Dương và Minh Thúc vẫn đang quan sát, bèn từ phía sau gõ gõ lên mũ lặn của họ, ý bảo hãy quay sang phía này. Tôi chỉ vào thiết bị đo độ sâu, rồi lại chỉ xuống khe vực. Bọn tôi có động cơ đẩy nước gắn trên đồ lặn, sẽ không dễ bị các dòng chảy ngầm cuốn đi, vả lại, còn mang theo súng bắn lao phòng thân, cậy vào mấy thứ trang bị này, chi bằng lặn sâu xuống quan sát thêm một chút.
Shirley Dương hơi do dự, còn Minh Thúc thì ngược lại, thấy tiền tài lại nổi lòng tham. Chắc hẳn lão nghĩ, mò được ngọc trai rồi, lại vớt thêm được ít hàng độc trong khu hoang phế dưới đáy biển này, chẳng phải càng trúng quả đậm hay sao, nên đồng ý mạo hiểm ngay lập tức. Một khi lòng tham đã nổi, rắn còn nuốt cả voi, chỉ cần có lợi lộc, trên đời chẳng có nơi nào mà lão già này không dám đi cả.

back top