Mắt Âm Dương I

Chương 3: Vương triều Lạp Cách Nhật

Vương Uy mơ hồ tỉnh lại, thấy mình bị khiêng vào trong rừng, hai kẻ khiêng cáng đang phải còng lưng tôm, vụng về luồn lách giữa rừng cây dày đặc.

 

Anh thấy ê ẩm khắp người, hét lên lệnh cho hai người khiêng cáng dừng lại, hỏi họ đang định đi đâu?

 

Một trong hai người khiêng cáng mắc tật nói ngọng, ú ú ớ ớ một hồi vẫn không sao nói rõ đưọc, kẻ còn lại gầy quắt, ngoẹo đầu lắp bắp giải thích rằng người của quân đoàn 21 đang đuổi riết, các anh em đã hy sinh khá nhiều, Nhị Rỗ dẫn theo hơn chục người chặn hậu, thấy hai người bọn họ nhanh nhẹn bèn cử họ khiêng chỉ huy chạy trốn.

 

Biết Nhị Rỗ còn sống, Vương Uy rất mừng, sau đó lại nổi nóng, thầm chửi Nhị Rỗ chỉ giỏi gây chuyện, một mình tụt xuống khe núi rồi chẳng nói chẳng rằng biến mất, chừng nào gặp, phải xạc cho gã một trận.

 

Nghe tiếng đại bác nổ rền ở phía sau, biết kẻ địch sắp đuổi tới nơi, hai người khiêng cáng lại khiêng Vương Uy lên, chạy tiếp. Lẩn lút trong rừng hơn hai tiếng đồng hồ, nghe tiếng súng xa dần, hai người mới đặt Vương Uy xuống nghỉ, còn họ ngồi dưới gốc cây thở dốc.

 

Hai cựu binh này ở trong đơn vị của Vương Uy không phải chỉ một hai năm, người nói ngọng dạo mới vào lính là một thanh niên mồm mép tép nhẩy, một lần bọn họ theo quân chủ lực vào vùng Tạng diệt thổ phỉ, hồi đó đang là mùa đông, càng tiến về phía Tây đất Tạng càng rét, nước đóng băng hết, đám thổ phỉ bị đánh tả tơi chạy hết vào núi trốn. Vùng núi này cao hơn mặt biển mấy nghìn mét, hễ ngẩng đầu lên là hoa cả mắt, đâu đâu cũng thấy núi tuyết sừng sững trắng xóa, Ngọng bị kẹt ở đó hơn chục ngày, lưỡi đông cứng lại, nói năng khó khăn. Người lính ngoẹo đầu kia thì bị tật bẩm sinh, nhà nghèo không đặt tên, mọi người vẫn gọi anh ta là Ngoẹo, gọi mãi thành tên, đến khi vào lính cũng gọi là Ngoẹo.

 

Nhị Rỗ vốn cẩn thận chu đáo, biết rằng những cựu binh có thể tin tưởng hoàn toàn cũng chỉ có hai người này, bèn cử bọn họ khiêng Vương Uy chạy trốn.

 

Vương Uy thấy Ngoẹo đã bớt mệt, bèn hỏi họ sau khi anh xuống khe núi kia đã xảy ra chuyện gì.

 

Nghe cấp trên hỏi lại sự việc hung hiểm đó, Ngoẹo liền cuống cả lên, thở không ra hơi. Nếu chẳng phải đang bị thương nằm bất động trên cáng, cứ như tính tình nóng nảy thường ngày, ắt Vương Uy đã sút cho anh ta một cú rồi, chuyện trời sập gì mà cuống đến thế?

 

Ngoẹo thở hổn hển hồi lâu rồi thuật lại sự việc khủng khiếp mà bọn họ chứng kiến tại bệ đá nhỏ kia, Vương Uy nghe đến trợn cả mắt.

 

Sau khi Vương Uy tụt xuống khe, sáu người còn lại ngồi trên canh giữ, chờ Vưong Uy và Nhi Rỗ gọi thì kéo hai người lên.

 

Bọn họ đợi mãi đợi hoài chẳng nghe thấy bên dưới có động tĩnh gì, bèn xúm lại tán nhảm giết thời gian. Trong đêm, ánh lân tinh lập lòe trên đài thiên táng xanh len lét như những u hồn đang chớp mắt, khiến người ta sởn cả tóc gáy.

 

Mấy người ngồi trước khe đá tán gẫu, một anh lính lớn tuổi tên Thạch Lương kể, ở quê anh có một câu chuyện, ai ai cũng biết, nghe nói xảy ra cách đây vài chục năm rồi. Chuyện kể rằng, làng bên có một ông lão nhà rất nghèo, sống bằng khoảnh ruộng cày rẽ của nhà địa chủ, bữa đói bữa no, cuộc sống rất khổ sở. Vào một buổi chiều, ông lão vừa cày xong thửa ruộng đang định về nhà. Lúc ấy đã sập tối nhưng ông lão thông thạo đường sá nên cũng chẳng để ý lắm. Hơn nữa, ông ta là một nông dân nghèo rớt mồng tơi, quỷ thần cũng chẳng làm gì được ông, ông còn phải sợ gì nữa?

 

Ông lão bước lên bờ, bỗng trông thấy trên bờ ruộng có một con lợn nái nhơ nhỡ, con lợn thấy ông cũng không bỏ chạy, mà cứ nằm ì ra đó. Ông lão đã nghèo khổ suốt một đời, thấy con lợn nái béo tròn chạy đến trước mặt, lý nào còn từ chối, liền cởi tấm áo rách bọc nó lại, bế về nhà.

 

Về đến nhà, ông lão bảo con cho lợn ăn. Nhà ông rất nghèo, đến cháo cũng chưa chắc có mà ăn, tối thế này biết lấy gì cho lợn ăn đây?

 

Ông lão mãi đến già mới được mụn con, bà vợ lại qua đời vì đẻ khó, hai cha con nương tựa vào nhau mà sống. Thấy cha ôm lợn về, con trai ông lão vô cùng mùng rỡ, húp xong bát cháo loãng liền chạy đi hái rau cho lợn ăn.

 

Nào ngờ thằng nhỏ đi mãi chẳng thấy về, thoạt đầu ông lão cũng không đế ý, làng này rất rộng, ông đoán thằng con nửa đêm không lấy được rau cho lợn, sợ cha mắng, nên tạt vào đâu đó ngủ lại chăng.

 

.Sáng hôm sau ông lão vào làng tìm con nhưng tìm mãi cũng không thấy đâu, ra đồng tìm cũng không thấy. Chuyện này thật kỳ lạ, một người đang sống sờ sờ ra đó sao nói mất tích là mất tích luôn

 

Liền mấy hôm sau ông lão vẫn không thấy con về, đi tìm khắp tám làng trong vòng mười dặm quanh đó cũng chẳng thấy bóng dáng nó, đành quay trở về nhà. Ông lão đoán rằng chuyện này có vấn đề, và nếu có điểm bất thường thì chính là ở con lợn đó, bèn ra chuồng lợn xem, vừa trông thấy nó, ông lão đã toát mồ hôi lạnh, thì ra đêm hôm khuya khoắt ông ôm con lợn nái về mà không nhìn kỹ, đó là con lợn năm móng. Ở quê mọi người vẫn đồn rằng, lợn năm móng là điềm gở, nuôi phải lợn năm móng nhẹ thì phá sản, nặng thì tai họa đến mấy đời.

 

Ông lão vội gọi người trong làng đến giết lợn, vừa mổ bụng con lợn ra, ông lão trông thấy liền quỳ xuống ôm mặt khóc lóc kêu trời. Thì ra trong bụng con lợn có một xác chết, nửa dưới đã phân hủy, đầu và mặt cũng đã rữa mất một nửa, nhưng ông lão thoạt trông đã nhận ra đấy là con mình, thật không ngờ chỉ vì lòng tham nhất thời, ông ta đã rước ma quỷ về nhà, làm hại con trai.

 

Thạch Lương kể đến đây, những người ngồi xung quanh đều run lên vì gió rét, mồ hôi lạnh vã ra đầy người.

 

Anh ta lại nói tiếp:

 

- Tôi thấy chuyện người chui vào giữa đài thiên táng cũng gần giống như chuyện ở quê tôi, chắc hẳn đài thiên táng đã ăn thịt bọn họ rồi, các người có tin không?

 

Lời Thạch Lưong càng làm mọi người thêm sợ hãi, đài thiên táng kỳ lạ giữa thâm sơn cùng cốc này vốn là nơi người sống không thể tùy tiện đến gần, hơn nữa bây giờ đang lúc nửa đêm nửa hôm, liệu có ai không sợ?

 

Ngoẹo đang châm lửa hút thuốc, anh ta tinh mắt, thoáng thấy trên bệ đá nhỏ có gì đó bất thường, liền dụi mắt nhìn kỹ, rồi hét toáng lên:

 

- Các cậu xem kìa, người chim trên đài thiên táng kia đang động đậy.

 

Ngoẹo vừa dứt lời, cả năm người ngồi quanh đấy nhất loạt bật dậy, rút súng nhắm vào tượng đất nung nằm trên đài thiên táng. Dường như tượng đất nung vẫn là tượng đất nung, nhưng có mấy người lại một mực khẳng định trông thấy ngón tay pho tượng đang nhúc nhích, hệt như người sống.

 

Cả sáu người đờ ra vì kinh sợ, cảm thấy nơi này quả là quái gở.

 

Đúng lúc ấy, bệ đá đột nhiên rung lên dữ dội, mặt đất nứt ra mấy đường, đá quanh bệ rào rào rơi xuống, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp.

 

Quân lính Tứ Xuyên vốn nổi tiếng vô tổ chức, vô kỷ luật, đám tàn quân này trước mặt Vương Uy còn cố giữ vẻ nghiêm chỉnh, nhưng giữa lúc cận kề cái chết thế này họ còn bụng dạ nào để ý đến chỉ huy đang ở dưới khe đá kia chưa lên nữa, lập tức đã có mấy người lính nhanh chân tụt xuống thềm đá chạy trối chết.

 

Ngoẹo và Ngọng vốn trung thành với Vương Uy nhất, trong lúc hoảng loạn hai người nghe thấy tiếng kêu dưới khe đá, biết chỉ huy và Nhị Rỗ sắp lên bèn ra sức kéo, cuối cùng cũng kéo được cả hai lên.

 

Lên tới nơi, họ thấy Nhị Rỗ bị mấy vết thương, còn Vương Uy thì ngất xỉu, chính Nhị Rỗ cõng Vương Uy leo lên khỏi khe đá.

 

Nhị Rỗ lên đến mặt đất lập tức nổ súng bắn chết ngay bốn kẻ bỏ chạy. Tuy ở trong quân đội, gã không có chức tước gì, nhưng lại được Vưong Uy hết sức tin tưởng, nắm giữ thực quyền, luôn chấp hành kỷ luật quân đội rất nghiêm khắc.

 

Đúng lúc ấy ngoài thung lũng chợt vang lên tiếng súng nổ, quân đoàn 21 đã đuổi đến nơi. Bên kia núi vang rền tiếng đại bác, bên này thỉnh thoảng cũng nghe vài tiếng súng lạch tạch, xem chừng đại đội cảnh vệ số Ba của quân đoàn 24 đang đụng độ đối phương.

 

Đại đội cảnh vệ số Ba là quân chính quy của nhà họ Lưu, đại đội trưởng Lưu Triệu Chính là cháu ruột Lưu Văn Huy, được nuông quá sinh kiêu, chẳng coi đại đội cảnh vệ số Hai ra gì, dọc đường từ Xuyên Trung chạy về phía Tây, hai cánh quân lúc nào cũng hục hặc nhau, suýt nữa thì ẩu đả. Lúc này Lưu Triệu Chính đang đụng đầu với lính của quân đoàn 21, đại đội cảnh vệ số Hai không cần thiết phải ứng cứu trong tình thế địch đông hơn ta.

 

Trải qua một trận giằng co, trời cũng dần dần chuyển sáng, Nhị Rỗ gọi hơn bốn chục người theo mình chạy về phía Tây, men theo hướng dòng sông cuồn cuộn chảy. Đây là nơi giáp giới giữa Xương Đô và A Bối, núi non trùng điệp, rừng già rậm rạp, ngước đầu lên là thấy đỉnh núi tuyết chót vót chạm tầng mây.

 

Băng qua thung lũng núi vô danh, thế núi dốc dần, Nhị Rỗ đưa lính vào một khu rừng mênh mông rậm rạp, từ Nam đến Bắc không biết đâu là tận cùng, quả là nơi lý tưởng để né tránh quân đoàn 21 truy kích. Hơn nữa trong rừng mọc đầy cây đại thanh Tây Tạng, loài cây này lá rất rộng, một tàu lá có thể che kín nửa người, tán lá lại rậm rì, là nơi ẩn náu kín đáo.

 

Nhị Rỗ tính toán rất chu đáo, nhưng gã chẳng ngờ được rằng quân đoàn 21 không chỉ có một chi đội đuổi theo truy kích, mà đến tận ba chi đội. Một chi đội bị Lưu Triệu Chính cầm chân, hai chi đội còn lại cho rằng lính chủ lực của quân đoàn 24 nhất định sẽ đi về hướng Tây để vào Xương Đô, bên cấp tốc đuổi theo, đụng phải Nhị Rỗ trong khu rừng này.

 

Đôi bên vừa chạm mặt nhau đã đồng loạt nổ súng, đại đội cảnh vệ số Hai còn chưa biết chuyện gì xảy ra thì đã bị đối phương hạ gục mất mấy người. Nhị Rỗ biết trận này không sao thắng nổi, bèn hô lên một tiếng, dẫn đám tàn quân còn lại chạy vào rừng.

 

Cả đám người vừa đánh vừa chạy, tạm thời thoát khỏi sự truy kích của quân địch. Nhị Rỗ chỉ lo Vương Uy đang hôn mê nằm trên cáng sớm muộn gì rồi cũng bị bắt. Gã bèn tìm Ngọng và Ngoẹo, hai người đáng tin nhất, chỉ đường cho họ rồi dặn họ chạy thật sâu vào rừng, dù mười vạn quân của quân đoàn 21 đến lùng sục cũng không thể tìm ra mấy tên lính trốn chạy giữa vùng rừng núi mênh mông này được.

 

Ngọng và Ngoẹo theo lời dặn của Nhị Rỗ, vội vã khiêng Vương Uy vào sâu trong rừng. Nhị Rỗ đem theo khoảng chục người còn lại chạy theo một hướng khác, nổ súng đánh lạc hướng quân truy kích, nhử chúng vào đường cùng.

 

Vương Uy nghe Ngoẹo kể xong, thấy bọn họ đang ở giữa một cánh rừng bạt ngàn đại thụ, âm u tăm tối, thảng hoặc mới có chút nắng le lói chiếu qua. Anh không biết cánh Nhị Rỗ chạy tới đâu, còn cách bọn họ bao xa. Nhìn những anh em cùng vào sinh ra tử với mình kẻ chết người bị thương, bây giờ chỉ còn lại hai người này, Nhị Rỗ chưa biết sống chết thế nào, Vương Uy càng nghĩ càng thấy đắng nghét cả lòng.

 

Ngọng vốn tính thật thà, thấy Vương Uy thẫn thờ nghĩ ngợi, liền nói:

 

- Thưa chỉ huy, Nhị... Nhị... Rỗ bảo chúng em đưa chỉ huy vào giữa... giữa... rừng sâu này, không thể chậm trễ, chúng... chúng... chúng ta phải đi thôi ạ...

 

Vương Uy xua tay, xa xa không còn tiếng súng, chắc hẳn chiến sự đã kết thúc. Đại đội cảnh vệ số Hai cùng Nhị Rỗ xem ra đã lành ít dữ nhiều. Lính truy kích của quân đoàn 21 toàn thắng, có lẽ đã rút lui. Nhưng Vương Uy vẫn linh cảm Nhị Rỗ chưa chết, gã thông thạo bí thuật phong thủy, rất giỏi tìm lối thoát những lúc cùng đường, sao có thể chết dễ dàng như thế được?

 

Vương Uy còn đang suy nghĩ làm sao trở lại tìm Nhị Rỗ, đột nhiên anh nghe thấy lá cây trong rừng xào xạc cả lên. Sống trong quân ngũ bấy nhiêu năm đã rèn luyện cho anh một hệ thần kinh chiến đấu nhạy bén, anh liền ra hiệu cho Ngoẹo và Ngọng, ba người lần theo triền núi chui vào một bụi cây. Bụi cây này vô cùng rậm rạp, người đứng ngoài không thể thấy những thứ bên trong được.

 

Vương Uy và Ngoẹo đè lên người Ngọng khiến anh ta thở hổn hển, lý nhí:

 

- Thưa chỉ huy, hai… hai… hai người đè lên em.

 

Vương Uy và Ngoẹo cùng đưa tay bịt miệng Ngọng lại, ra hiệu cho anh ta đừng làm bậy.

 

Thấy đám lá đại thanh lao xao một lúc rồi lặng phắc, Ngoẹo quay sang nói với Vương Uy:

 

- Thưa chỉ huy, có phải là gió không ạ?

 

Vương Uy lộ vẻ căng thẳng, lúc này trong ba người bọn họ, bản thân anh thì bị thương, cũng chẳng thể hi vọng quá nhiều vào Ngọng và Ngoẹo, nếu lính của quân đoàn 21 tìm thấy, chắc chắn cả ba sẽ cùng chết ở đây.

 

Ba người nấp trong bụi rậm một hồi, thấy bên ngoài không có động tĩnh gì khác, cái cáng của Vương Uy vẫn để ở gốc cây, nếu trong rừng có người chắc chắn sẽ trông thấy nó.

 

Ngoẹo bò ra trước, lẻn đến chỗ phát ra tiếng động vừa rồi nghe ngóng hồi lâu rồi quay về báo cáo với Vương Uy là không có gì cả, ắt là gió thổi lá cây mà thôi.

 

Bỗng nhiên Vương Uy lạnh toát cả sống lưng, một cảm giác rất nặng nề ứ đầy trong lồng ngực, vô cùng khó chịu. Anh đẩy Ngoẹo ra, một mình lăn từ trong bụi rậm xuống triền dốc.

 

Đúng lúc ấy, một loạt đạn từ mấy góc độ khác nhau trên cây bay vèo vèo đến, Vương Uy suýt soát tránh được, mấy lần bị đạn bay sát rạt qua mặt, chỉ chậm một bước là đi gặp Diêm vương rồi.

 

Vương Uy bị bức lui về nấp sau thân cây đại thanh, trong tay anh lại không có súng, Ngoẹo tuy xông pha chiến trường đã lâu, trung thành có thừa mà dũng khí không đủ, không phải là kẻ thiện chiến. Qua kẽ lá đại thanh, anh trông thấy Ngoẹo đang bị ép phải ngồi xổm xuống gốc cây chỗ đặt cái cáng, một loạt đạn vừa nổ ngay trước mũi chân anh ta. Đạn từ trên cây bắn xuống, trong khu rừng này cây cối rậm rạp, khó mà thấy được người bắn đang nấp ở đâu.

 

Vương Uy ngẫm nghĩ, cảm thấy sự tình không bình thường, nếu là lính quân đoàn 21 truy kích đến đây, theo cách làm việc trước nay của họ, hẳn sẽ bắn phá một trận quét sạch luôn chứ không chơi trò trốn tìm giữa rừng sâu với vài tên lính quèn thế này.

 

Lẽ nào ngoài lính của quân đoàn 21 trong rừng này còn có lính của đơn vị khác?

 

Thấy cách bắn của đối phương rất chuyên nghiệp, dù là quân chủ lực của quân đoàn 21 cũng khó bắn được như vậy, đừng nói gì đến thổ phỉ, điều này khiến Vương Uy càng thêm khó hiểu.

 

Vưong Uy nấp sau thân cây đại thanh, thấy ré lên oai oái vì đạn bắn sát sạt, bỗng Ngọng từ trong bụi rậm chĩa súng ra ngoài, nhắm về phía làn đạn đang bắn tới, nổ súng. Đạn vừa bắn ra, lập tức trên cây vang lên tiếng kêu rồi một người rơi xuống đất. Người đó mặc đồ đen, mặt bịt khăn đen, giống như bọn trộm cướp giang hồ. Hai chân hắn ta duỗi thẳng, máu ồng ộc chảy ra từ cổ, đã tắt thở rồi.

 

Vưong Uy chứng kiến tài thiện xạ của Ngọng, không khỏi thầm đánh giá lại con ngưòi này. Ngọng vốn cao lớn vạm vỡ, trông cứ lừng lững như gấu, bình thường đầu óc cũng chậm chạp, không ngờ vào lúc quan trọng này lại tỏ ra được việc.

 

Ngọng hạ được một tay súng, liền bị hơn chục tay súng khác vây công, bắn cho bụi cây nát bươm nhưng Ngọng vẫn cố thủ bên trong, chẳng có động tĩnh gì.

 

Vưong Uy đang lo cho Ngọng thì thấy hơn hai chục người mặc đồ đen từ trên cây tụt xuống, dẫn đầu là một người cao lớn, nhưng đường cong trên người lộ rất rõ, dường như là một phụ nữ.

 

Ngọng đang nấp trong hốc cây tránh đạn, thì bị mấy tay áo đen lôi ra, bắt quỳ xuống đất.

 

Đến nước này mà Vương Uy còn không xuất hiện thì chỉ có chuốc khổ vào thân, anh đành rẽ cành lá, từ sau gốc cây đi ra, lập tức bị hai người mặc đồ đen đứng trước gốc cây đại thanh tóm chặt lấy vai, đẩy tới trước mặt thủ lĩnh.

 

Thủ lĩnh của bọn chúng đi vòng quanh Vương Uy vài vòng rồi lên tiếng, quả nhiên là một phụ nữ. Cô ta nói:

 

- Ồ, quân hàm thiếu úy, đại đội trưởng cơ đấy!

 

Thấy Vương Uy không nói gì, cô ta lại hỏi:

 

- Nếu tôi đoán không nhầm, các người là vật hy sinh cuộc hỗn chiến giữa hai phe cánh họ Lưu ở Xuyên Trung, lính của Lưu Văn Huy à?

 

Thấy Vương Uy vẫn im lặng, tên mặc đồ đen đang tóm vai Vương Uy bèn bóp mạnh khiến Vưong Uy đau nhói, hắn quát lớn:

 

- Bà chủ của tao hỏi mày đấy.

 

Tổ tiên của Vương Uy vốn xuất thân lục lâm, ông nội là cướp đường nổi tiếng vùng Quan Đông, mấy chuyện cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo chẳng việc gì chưa làm. Đến đời cha anh gia cảnh bắt đầu sa sút, năm Vương Uy rời Bắc Kinh, ông nội anh bệnh nặng rồi chết. Cha Vương Uy ỷ thế gia đình giàu có nên ăn chơi bạt mạng, mười tám tuổi đã thành tay chơi nổi tiếng khắp cả Bắc Kinh, rượu chè, cờ bạc, gái gú, hút xách thứ gì cũng thạo. Ông nội anh về già mới được một mụn con, tuy giận sắt mãi không rèn thành thép, nhưng chẳng nỡ nghiêm hình dạy dỗ, đành mặc con mình tự tung tự tác.

 

Mãi đến khi Vương Uy ra đời, ông nội anh mới thấy được chút hy vọng. Vương Uy vừa chào đời đã cất tiếng khoác oa oa khiến ông giật cả mình. Nghe tiếng khóc của cháu trai vừa to vừa vang, như sấm rền trên trời, ngân dài không dứt, chẳng có vẻ gì là yếu đuối, ông nội anh liền gọi bà mụ bế cháu ra xem mặt. Thấy đứa bé sắc diện hồng hào, mặt vuông chữ điền, lúc khóc hai mắt mở to, dáng dấp tựa như thần Kim Cương trong các đền chùa, hơn nữa thân hình lại rất dài, da đen nhẻm, bế trong tay nặng khác thường, ông nội anh ta nhìn đi nhìn lại mặt cháu mấy lần, vui mừng hớn hở, luôn miệng nói nhà họ Vương có hậu, nhà họ Vương có hậu, thằng cháu này vẻ mặt uy nghiêm, tiếng khóc sang sảng, sau này nhất định sẽ làm lớn. Thấy ông nội cao hứng, bà mụ liền xin ông đặt tên cho cháu, ông nội anh ngẫm nghĩ giây lát, thấy chữ Uy là thích hợp nhất, bèn đặt luôn tên cho cháu là Vương Uy.

 

Họ Vương xuất thân lục lâm, ông nội anh Vương Tứ hồi xưa là tên cướp nổi tiếng vùng Quan Đông, đã giết không biết bao nhiêu người. Thấy cháu trai tướng mạo khác thường, ông nội anh một lòng muốn truyền nghề cho cháu, nên từ khi năm tuổi, Vương Uy đã được ông nội nắn xương thông mạch, bắt đầu luyện tập những môn võ công cơ bản.

 

Nhà họ Vương đời này qua đời khác vẫn truyền nhau một môn võ đoạt mệnh, nhưng trong thời đại vũ khí nóng hiện giờ, ngón võ ấy chẳng còn mấy tác dụng. Ông nội và cụ Vương Uy đều là những tên cướp có tiếng, đắc tội với không ít người, đây lại là ngón võ nổi danh của nhà họ Vưong nên từ nhỏ ông nội đã bắt Vương Uy thề rằng, trừ phi vạn bất đắc dĩ, bằng không không được hiển lộ võ công gia truyền.

 

Bởi vậy, Vương Uy theo ông nội học ngón võ này từ năm mười bốn tuổi nhưng chưa một lần dùng đến nó. Lúc sắp chết ông nội anh ta vẫn không quên dặn dò Vương Uy lần nữa, nói ngón võ này vô cùng lợi hại có điều cũng rất dễ chuốc vạ vào thân.

 

Bị gã mặc đồ đen đè lưng, tóm chặt lấy gáy, Vương Uy đau đớn khôn xiết. Trên người anh đang bị thương, bị đè thế này thật không sao chịu nổi, Vương Uy lửa giận bừng lên, bất chấp lời ông nội dặn. Anh co tay lại, một cánh tay đang bị gã mặc đồ đen nắm chặt chợt trơn nhẫy như lươn, vùng ra. Tên mặc đồ đen chưa kịp phản ứng, Vương Uy đã xoay tay về phía sau, tóm lấy cổ hắn, anh siết mạnh ngón tay, hắn ta không kêu nổi một tiếng, đã bị bóp vỡ họng mà chết.

 

Vương Uy tính tình nóng nảy, hành động không tính đến hậu quả, ngay lúc ấy người phụ nữ che mặt kia đã rút súng, gí vào đầu anh, lạnh lùng nói:

 

- Ngài túy, giỏi lắm, ngài có tin tôi cho ngài một phát đạn không?

 

Vương Uy thấy bọn người này chẳng phải tử tế gì, hơn nữa tên nào tên nấy đều có vẻ là cao thủ. Có điều ngón đòn của anh quá cổ quái, tên mặc đồ đen kia không kịp phản ứng nên mới bị bóp vỡ họng, mà chết.

 

Tránh voi chẳng xấu mặt nào, Vương Uy đành ngoan ngoãn khuất phục, anh trừng mắt lạnh lùng nhìn người phụ nữ che mặt, không giận mà uy.

 

Chỉ nghe cô ta nói:

 

- Thiếu úy nên hiểu tình thế hiện giờ của ngài, quân đoàn 21 vẫn chưa rút lui, dù chúng tôi không giết các ngài, chỉ cần tôi phát tín hiệu, thì các ngài có mọc cánh cũng không bay thoát, ngài có tin không?

 

Vương Uy thầm chửi ả ta ghê gớm, nhưng ngoài miệng lại nói:

 

- Ông đây đằng nào cũng chết, thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành, để ông liều với chúng mày một phen.

 

Người phụ nữ bịt mặt nói:

 

- Có ai cần ngài chết đâu? Chúng ta đang đánh một chuyến hàng lớn, không đủ người, muốn các người nhập bọn, các người có đồng ý hay không?

 

Nghe người phụ nữ bịt mặt nói, Vương Uy cũng hiểu ra đôi phần. Bọn người này binh hùng tướng mạnh, nhìn trang bị đều là của Anh Mỹ, xem ra chúng kéo đến đây quá nửa là nhằm vào thứ dưới lòng đất, làm theo Mã Văn Ninh xưa. Muốn lôi kéo lũ tàn binh như anh chỉ là danh nghĩa, e rằng chúng muốn tìm người thế mạng đó thôi.

 

Mấy năm nay Vương Uy xông pha giữa mũi tên hòn đạn, đi mòn gót khắp miền Xuyên Trung, loại người nào cũng từng gặp qua, bèn nói:

 

- Mạng Vương Uy này rơi vào tay cô, nhưng tốt xấu gì ông cũng là đàn ông đàn ang, vào lính từ năm mười tám tuổi đến giờ, đánh không biết bao nhiêu trận, có thắng có bại, Diêm vương ông còn không sợ, huống chi đám đàn bà các người? Các người muốn rủ ông đây cùng đánh một chuyến hàng thì phải nói cho rõ ràng, còn như định lừa ông thì không xong đâu, dù sao mạng ông cũng ở trong tay các người rồi, muốn làm sao thì làm.

 

Người phụ nữ bịt mặt nghe nói tức tối gí mạnh khẩu súng vào đầu Vương Uy, Vương Uy cũng chẳng vừa, liền trợn trừng mắt đáp trả.

 

Lúc ấy, một người trong bọn áo đen đi tới, xem ra cũng đã lớn tuổi, tóc đốm bạc, chắp tay vái chào Vương Uy, nói:

 

- Lão họ Tôn, tên Ngô Toàn, tự là Long Anh, được các anh em coi trọng gọi là lão Tôn. Lão thấy ngài là người phi phàm, không giống như những tướng lĩnh quân Tứ Xuyên bình thường, hơn nữa lại biết thuật Đoạn Môn chỉ, nghe nói đó là tuyệt kỹ của nhà họ Vương vùng Quan Đông mấy chục năm trước. Ngài đây cũng họ Vương, phải chăng lão có mắt mà không thấy Thái sơn, đã đắc tội với hậu nhân Vương gia?

 

Nghe lão Tôn nói, Vưong Uy giật thót người, thầm rủa mình đáng chết, đến lúc nguy cấp lại quên khuấy lời ông nội dặn. Bốn chục năm trước ông nội Vương Uy đã lui về ở ẩn, vậy mà lão Tôn này lại nhìn ra tuyệt kỹ Đoạn Môn chỉ của Vương gia, xem ra cũng là người lão luyện giang hồ, khiến anh không khỏi chột dạ.

 

Lão Tôn giật khăn bịt mặt xuống, để lộ khuôn mặt gầy đét, trên mặt còn mấy vết sẹo, nhìn là biết ngay xuất thân giang hồ.

 

Những người khác thấy lão Tôn bỏ khăn che mặt xuống cũng đua nhau bỏ theo. Người phụ nữ kia còn bỏ cả khăn bịt đầu lẫn khăn che mặt xuống, để lộ mái tóc vàng óng khiến Vương Uy giật mình vỡ lẽ hóa ra cô ta là người nước ngoài. Duy có một điều Vương Uy vẫn lấy làm lạ là, người phụ nữ này có khuôn mặt đậm nét Tây phương, nhưng đôi mắt thì giống hệt người Trung Quốc. Hồi nhỏ, Vương Uy ở Bắc Kinh đã thấy nhiều người nước ngoài, nhất là người phương Tây, ai nấy đều mũi cao, mắt xanh, tóc vàng, thật lạ lùng.

 

Người phụ nữ tự giới thiệu mình là con lai, tên tiếng Trung là Dương Hoài Ngọc, cha người Anh, mẹ người Trung Quốc, từ nhỏ lớn lên ở Trung Quốc, nên rất lưu loát tiếng Trung, điều này Vương Uy đã được kiểm chứng.

 

Vương Uy không mấy thiện cảm vói Dương Hoài Ngọc, nhưng không thể phủ nhận rằng cô ta rất đẹp. Da trắng muốt, cặp mắt to tròn long lanh, gương mặt mang nét kiên nghị của người nước ngoài pha lẫn nét mềm mại của người Trung Quốc, rất cá tính.

 

Nhưng lúc này dù có Điêu Thuyền chạy đến trước mặt, Vương Uy cũng chẳng hứng thú.

 

Lão Tôn nói, họ đến vùng rừng núi hoang vu giáp giới giữa Tứ Xuyên và Tây Tạng này để tìm một thứ, nhưng rốt cuộc là thứ gì thì lão cũng không biết. Ngọn ngành chuyện này kể ra thì dài. Lão Tôn năm xưa cũng là lục lâm thảo khấu nổi danh, giết người cướp của chẳng chừa việc gì, tiếc rằng sông có khúc người có lúc, lão Tôn cũng có lần sơ sẩy. Dạo “đánh hàng” ở vùng Hồ Bắc – Hồ Nam, có lần lão Tôn trông thấy một người dáng dấp như một tay lái buôn giàu sụ, áo gấm xênh xang, cả gia đình ba người về quê thăm nhà. Lão Tôn bám theo hơn trăm dặm, đến một nơi hẻo lánh bèn xông ra chặn họ lại. Vừa giở bọc hành lý ra, lão Tôn đã nổi cơn thịnh nộ, thì ra ba người nhà này phục sức sang trọng nhưng lại chỉ đem theo vài lượng bạc vụn. Trong cơn giận dữ, lão bèn giết cả nhà ba người bọn họ, luôn cả phu xe, rồi lập tức ra roi thúc ngựa bỏ trốn.

 

Nói về thuật nhìn người thì dù là kẻ lão luyện giang hồ cũng có lúc nhìn lầm, huống hồ bấy giờ lão Tôn còn trẻ trung xốc nổi. Tiếc rằng lão đã giết lầm, người kia mặt mũi phương phi béo tốt, nhìn giống hệt một tay buôn lớn nhưng thực ra lại là một viên quan vùng biên ải đi Hồ Bắc nhậm chức, đúng là sai lầm tai hại.

 

Tuần phủ hai tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam liên kết cùng chín tỉnh khác lùng bắt lão Tôn, treo thưởng năm nghìn lạng bạc. Chỉ ít lâu sau lão đã bị binh lính bắt giữ, giải về tỉnh bêu phố, ba ngày sau sẽ chém đầu trước dân chúng. Lão Tôn tự biết chuyến này đã cùng đường, đến buổi tối hôm thứ hai đi bêu phố, cai ngục còn cho lão ăn một bữa thật ngon, nhìn mâm cơm ấy, lão biết giờ chết đã cận kề, đây là bữa ăn cuối cùng. Thức ăn rất ngon lành, nhưng lão không sao nuốt nổi.

 

Đúng lúc ấy đột nhiên có một người tây đến nhà tù, nói toàn tiếng Trung Quốc. Sau khi nghe ông ta trình bày ý định, lão Tôn đã sáng mắt lên, người này muốn cứu lão ra khỏi ngục.

 

Bấy giờ dân chúng Đại Thanh căm ghét người tây đến tận xương tủy, lão Tôn chỉ là một tên cướp, đâu thể mời được ông tây này. Ông ta muốn cứu lão hẳn phải có điều kiện gì đây.

 

Quả nhiên sau khi xua đám cai ngục đi, người tây kia lấy trong người ra một bức tượng Phật đưa cho lão Tôn. Thoạt nhìn, lão Tôn đã tái mặt, bức tượng Phật bằng đá có vân này chính là vật lão thó tại nhà một vị bối lặc đã sa sút ở kinh thành đem bán cho tiệm đồ cổ nhưng cũng chẳng được nổi dăm ba lạng bạc, thứ đồng nát này sao lại lọt vào tay ông ta?

 

Theo lời ông tây kia thì cứu lão ra khỏi tù chẳng khó khăn gì nhưng lão phải đồng ý một điều kiện, giúp ông ta tìm ra nguồn gốc bức tượng Phật này.

 

Đối với lão Tôn mà nói, so với việc bị mất đầu thì đây chỉ là chuyện nhỏ, liền lập tức nhận lời ngay. Hôm sau, lão ra tù thuận lợi, đến tối thì cưỡi con ngựa đã được ông tây kia chuẩn bị sẵn, chạy thẳng đến kinh thành.

 

Đến kinh thành, đầu tiên lão tìm một quán trọ để nghỉ chân, đợi đến tối lại "thăm" phủ vị bối lặc kia. Bức tượng do bị lão thó gần mười năm nay, trải mười năm dâu bể đổi dời, phủ bối lặc đã bỏ hoang, cỏ dại um tùm, một con chó giữ nhà cũng chẳng còn.

 

Lão Tôn tìm khắp phủ bối lặc cũng không thấy manh mối gì, lòng rất buồn bực. Sực nhớ trong vườn còn có xẻng, lão liền xách xẻng đến căn phòng đặt tượng Phật khi xưa, xới tung cả phòng lên. Có điều đào mãi chẳng tìm thấy gì, trời cũng đã dần chuyển sáng.

 

Lão Tôn rời phủ bối lặc về nhà trọ ngủ một giấc, rồi trở lại. Lần này lão không vào phủ mà lân la đến các nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình. Sau một phen thăm dò, lão Tôn cũng phải hít một hơi khí lạnh, thì ra phủ bối lặc này đã gặp họa diệt môn, mấy chục người trong phủ đều bị thiêu chết trong một trận hỏa hoạn lớn.

 

Nghe nói, nguyên nhân dẫn tới họa diệt môn là do người trong phủ đánh mất bức tượng Phật trấn trạch, bức tượng này là thần khí từ thời viễn cổ, không thể tùy tiện đụng vào. Sau khi bức tượng bị mất cắp, lão bối lặc đã đến từng nhà hỏi thăm tung tích pho tượng, những mong ai biết thì tiết lộ cho hay, đồng thời cũng kể cho mọi người sự lợi hại của bức tượng.

 

Chuyện xảy ra chưa đầy nửa tháng thì một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi phủ bối lặc. Kể ra cũng lạ, bấy giờ đang là mùa đông tuyết rơi, vậy mà nửa đêm nửa hôm phủ bối lặc lại xảy ra đám cháy. Đợi đến lúc láng giềng thức giấc chạy đến cứu hỏa thì cả phủ bối lặc đã chìm trong biển lửa, lửa còn cháy đến tận sáng hôm sau mới tắt. Hơn ba chục con người lớn bé già trẻ trong phủ, không một ai sống sót, tất cả đều bị thiêu cháy thành than.

 

Lão Tôn nghe nói mà toát mồ hôi lạnh, vội vã cáo từ, nghĩ bụng, tượng Phật kia quả là không tầm thường. Lão định thôi, nhưng một là sinh mệnh đang nằm trong tay người tây kia, chưa lo xong chuyện này thì đừng hòng rút lui; thêm vào đó, lão Tôn cũng xuất thân kẻ cướp, trông thấy tượng Phật quý làm sao không nảy lòng tham?

 

Tối hôm ấy lão lại lẻn vào phủ bối lặc đào bới, đào mãi nửa đêm quả nhiên phát hiện một cửa hầm ngay trong căn phòng bày tượng Phật. Miệng hầm hình vuông, mỗi bề chừng hai thước, bốn xung quanh lát đá. Lão Tôn phải buộc dây thừng vào người leo xuống, địa động này sâu chừng một trượng, là một cái giếng dốc đứng.

 

Xuống đến nơi mới nhận ra đây là một căn địa lao, lão Tôn không khỏi bực dọc, lão bối lặc này có chứng tật gì không thế, tự dưng tự lành lại xây địa lao ngay trong phòng ngủ của mình, vậy mà đến đêm vẫn kê cao gối ngủ được ư?

 

Địa lao này là một căn phòng lớn xây bằng đá, bên trong bày rất nhiều dụng cụ tra tấn còn dính máu, góc nhà lại đặt sẵn chậu lửa lớn. Vừa đặt chân vào phòng, lão Tôn đã ngửi thấy mùi thối hoắc, liền đốt đuốc lên soi, một mình ở trong căn phòng tối tăm này, trong lòng lão cứ thấy rờn rợn. Đi đến giữa phòng, lão Tôn thấy một chiếc chum sành to tướng, trên miệng chum là một cái đầu đã khô quắt.

 

Lão Tôn hít một hơi thật sâu, thấy cái đầu đó chẳng còn mắt, mũi, tai gì hết, bèn nhặt một cây gậy dưới đất, thò vào chum khuấy mạnh, phát hiện thi thể đó cũng cụt hết tay chân, hẳn đã bị người chặt mất tứ chi, xẻo hết ngũ quan rồi đem ngâm vào chum thuốc, thảo nào có thể để suốt mười năm không thối rữa. Lão Tôn từng bôn ba ra Bắc vào Nam cướp bóc, giết không biết bao nhiêu người, nhưng lão ta giết người chỉ một nhát dao là đi một mạng, mau lẹ sảng khoái, chưa bao giờ chứng kiến cảnh hành hạ con người thế này. Lão thầm rủa tên bối lặc kia quả nhiên không phải hạng tử tế gì.

 

Đi một vòng quanh địa lao, thấy dưới đất có một tấm tăng y đã cũ, lão Tôn cũng là người có chút hiểu biết, nhận ra đó là tăng y các lạt ma xứ Tạng, té ra thi thể trong chum kia là một vị lạt ma.

 

Lão Tôn châm lửa vào bốn cái chậu đặt ở góc, cả căn phòng lập tức sáng như ban ngày, ánh lửa vừa sáng lên, lão liền trông thấy trên tường có chạm khắc gì đó. Đó là một bức bích họa, đường nét rất vụng về thô kệch nhưng nội dung lại hết sức hấp dẫn.

 

Phần đầu của bức tranh khắc họa một khu vực bốn bề bị núi non bao bọc, đỉnh núi chót vót chọc trời. Trên một ngọn núi là một ngôi chùa náu mình giữa cánh rừng rậm rạp, chỉ để lộ một góc mái ngói, càng toát lên vẻ thần bí.

 

Phần thứ hai của bức tranh không phải là cảnh chùa chiền mà là cảnh tượng một tòa cung điện bày biện rất xa hoa, đèn đuốc trong cung đều là những viên dạ minh châu. Lão Tôn trố mắt hồi lầu vì kinh ngạc, chỉ một viên trong số đó cũng đủ cho lão sống sung túc mấy đời rồi. Giữa điện có một người đứng sừng sững, được những kẻ khác vây quanh quỳ lạy, xem ra là một vị quốc vương.

 

Nhưng điều khiến lão Tôn kinh ngạc chính là vị quốc vương này đứng quay lưng về phía đám triều thần, dáng người thẳng đơ, trông như một xác chết. Lão Tôn vừa chăm chú quan sát bóng lưng vị quốc vương, vừa vắt óc suy nghĩ, càng nghĩ càng thấy bất thường. Tư thế đứng của vị quốc vương này cứng đờ, lại nghiêng hẳn về một bên như sắp đổ tới nơi, trông rất quái gở. Nhìn dáng dấp, vị quốc vương này chắc hẳn cũng gầy gò, nhưng y phục trên người ông ta lại chật căng, chứng tỏ thi thể đã trương lên, ních căng quần áo ra.

 

Rõ ràng vị quốc vương này đã chết, sao những người xung quanh lại không hay biết gì cả, chẳng phải quá lạ lùng ư? Lẽ nào bức bích họa này đang khắc họa nghi thức tế lễ gì?

 

Lão Tôn nghĩ mãi không ra, quẩn quanh tìm kiếm trong phòng hồi lâu, chẳng thấy thứ gì giá trị, lão đành nhân lúc đêm tối rời khỏi phủ bối lặc. Hôm sau lão đánh điện báo ngay cho ông tây kia, thuật lại những phát hiện của mình. Chừng nửa tháng sau ông ta đến kinh thành, sau khi tìm hiểu tình hình, bèn bóc nửa mặt tường dưới địa lao đem đi.

 

Lão Tôn lấy làm lạ trước hành vi của ông Tây, nhưng không dám hỏi. Hết sức hài lòng về hành động lần này của lão Tôn đồng thời cũng nhằm điều tra thêm về lai lịch bức tượng Phật, ông ta bèn kể mọi chuyện với lão.

 

Ông Tây này tên Thomas, là một nhà thám hiểm dòng dõi hoàng gia Anh, rất có hứng thú với văn minh Trung Hoa, cũng đã sống ở Trung Quốc mười mấy năm nay. Một lần ông ta vô tình mua được bức tượng Phật kia ở một hiệu bán đồ cổ, lập tức bị bức tượng hấp dẫn. Bức tượng Phật này khác hẳn những pho tượng thờ cúng trong các chùa chiền, từ thần thái đến tư thế đều rất kỳ dị. Thomas để tâm nghiên cứu bức tượng, phát hiện dưới đáy pho tượng khắc đầy những dòng chữ lạ lùng, chữ khắc nhỏ li ti, phải dùng kính lúp mới đọc nổi. Thomas đã mời nhiều chuyên gia ngôn ngữ tới đọc giúp, nhưng không sao giải mã nổi những dòng chữ kỳ quái kia. Mãi đến một hôm, Thomas kết bạn với một lạt ma đến từ Tây Tạng, vừa trông thấy bức tượng Phật, vị lạt ma liền bảo: “Tôi cũng không hiểu nội dung những dòng chữ kia, nhưng hơn nghìn năm trước, trong kinh Phật từng đề cập đến bức tượng này, hình như nó đến từ một vương triều thần bí ở vùng Tạng, tên là Lạp Cách Nhật. Chính sử ghi chép về vương triều này rất ít, nhưng những câu chuyện trong kinh Phật thỉnh thoảng vẫn nhắc tới, không ai biết vương triều này bắt đầu từ thời nào, đến lúc nào thì bị tiêu diệt, ấn tượng về nó trong lòng người Tạng chỉ có hai chữ: thần bí."

 

Nghe lạt ma nói, Thomas chợt nảy sinh hứng thú với vương triều Lạp Cách Nhật, định hỏi kỹ hơn nhưng lạt ma cũng không nói rõ được ngọn ngành. Vị lạt ma chỉ nhấn mạnh rằng vương triều Lạp Cách Nhật tồn tại giữa rừng sâu núi thẳm, nghe nói từ xửa xưa từng có người đi lạc vào địa giới của họ, bị phát hiện và bị đuổi ra, truyền thuyết về vương triều này cũng do người ấy kể lại, tuy nhiên, anh ta chỉ biết rất sơ sài.

 

Thomas không nhịn được tò mò, bèn bỏ mấy năm thâm nhập đất Tạng để nghe ngóng truyền thuyết về vương triều Lạp Cách Nhật, nhưng đều tay trắng về không, chẳng kiếm được thông tin giá trị nào.

 

Cho nên, ông ta nghĩ phải tìm cho ra nguồn gốc bức tượng, từ đấy mới lần ra được bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật.

 

Thomas tìm tới tìm lui, cuối cùng tìm được lão Tôn. Mà cảnh tượng vẽ trong bức họa trên vách địa lao phủ bối lặc rất có thể là cảnh tượng thực tế của vương triều Lạp Cách Nhật. Dựa vào địa vị quý tộc của mình, Thomas đã tìm rất nhiều chuyên gia đồ cổ, các vị lạt ma xứ Tạng và chuyên gia khảo cổ Hoàng gia Anh quốc đến nghiên cứu, phân tích bức bích họa. Ông ta còn mời cả chuyên gia giải phẫu đến tiến hành giải phẫu thi thể trong chum, cuối cùng rút ra một kết luận: vị quốc vương trên bức họa kia đúng là một thi thể, nhưng cung điện đó lại là chính điện, nơi nghị bàn chính sự, còn những người quỳ rạp bên dưới không phải tăng lữ, mà là vương công đại thần. Quốc vương Lạp Cách Nhật không phải người sống, người tinh tường chỉ thoạt nhìn là biết ngay, nhưng đám đại thần lại chẳng hề có vẻ sợ hãi và bi thương, cứ điềm nhiên bẩm tấu các sự vụ, điều này khiến mọi người lấy làm lạ. Lão Tôn cũng đâm ra kinh hãi, lẽ nào quốc vương Lạp Cách Nhật xưa nay đều không phải người sống ư? Nghĩ đến đây lão rợn cả gai ốc, việc này đúng là quá mức quái gở.

 

Thomas nhún vai nói với lão, qua những phân tích của các bác sĩ giải phẫu và chuyên gia khảo cổ thì bức bích họa trên tường là do lão bối lặc buộc vị lạt ma bị ngâm trong chum kia miêu tả lại rồi tự mình vẽ ra. Lão bối lặc ép buộc lạt ma từng bước một, trước hết là chặt tay chân, sau đó khoét đến ngũ quan trên mặt, nhưng cái lưỡi của lạt ma vẫn còn, chứng tỏ bức bích họa chưa vẽ xong thì vị bối lặc kia đã qua đời.

 

Ít lâu sau ngày lão bối lặc chết đi, vị lạt ma trong chum kia cũng chết đói, tất cả những bí mật về vương triều Lạp Cách Nhật cũng theo cái chết của lạt ma mà trở thành một dấu hỏi lớn, điều này khiến Thomas rất chán nản.

 

Theo Thomas thấy, vị bối lặc này thủ đoạn tàn nhẫn như vậy, hẳn phải là một kẻ ác độc vô cùng, lão không tiếc thủ đoạn nào để tìm ra vưong triều Lạp Cách Nhật, chắc chắn không đơn thuần vì hiếu kỳ mà nhất định là bởi vương triều kia có gì đó quan trọng, khiến lão ta thèm muốn.

 

Lão Tôn nghe Thomas phân tích, cũng nảy sinh hứng thú dào dạt với vương triều Lạp Cách Nhật, cảm thấy chuyện lấy người chết để làm quốc vương này vô cùng quái dị. Hơn nữa, trong bức họa, những vương công đại thần kia nom bộ dạng vẫn hào hứng bẩm tâu, chẳng nhẽ vị quốc vương đó vẫn nghe hiểu được lời quần thần để phán xét đúng sai rồi xuống chiếu, hạ lệnh được hay sao?

 

Sau khi nghe Thomas kể rõ đầu đuôi ngọn nguồn, lão Tôn trở thành "tùy tùng" của ông ta. Ở Trung Quốc, Thomas cũng không làm gì xấu xa, là một nhà thám hiểm, ông ta chỉ một lòng muốn đào bới bí mật về vương triều Lạp Cách Nhật thần bí trên đất Tạng mà thôi. Lão Tôn không rõ ông ta có định ngấp nghé kho báu của vương triều Lạp Cách Nhật hay không, nhưng suốt mấy chục năm qua, ông ta luôn ra sức tìm kiếm mọi manh mối về vương triều này, khiến trong lòng lão cũng phải bội phục.

 

Hơn mười năm trước, theo một manh mối bất ngờ, Thomas đã tiến vào vùng rừng núi hoang vu giáp ranh giữa Xương Đô và Bối, không lâu sau thì mất tích. Đại sứ quán Anh quốc từng cử người vào đó tìm, nhưng chẳng thấy tung tích.

 

Lão Tôn mang ơn Thomas cứu mạng, liền tới Anh tìm kiếm, nhưng cũng phải mất nhiều năm mới tìm được vợ con ông ta. Có điều gia tộc Thomas thất bại trong đấu tranh chính trị, cả gia tộc bị trục xuất, vợ con ông ta lâm vào cảnh nghèo khó khốn cùng. Khi lão Tôn tìm đến, vợ Thomas đang bệnh nặng, nghe tin Thomas mất tích, bệnh bà ta càng nặng thêm, chẳng bao lâu thì qua đời.

 

Lão Tôn vốn là một tên cướp, không có nghề nghiệp gì để mưu sinh, nhưng cũng chẳng dám giết người cướp của ở nơi đất khách quê người. Không còn cách nào khác, lão đành đưa Dương Hoài Ngọc, con gái của Thomas về Trung Quốc. Dưới sự dạy bảo và ảnh hưởng của lão Tôn, Dương Hoài Ngọc chưa đầy hai mươi tuổi đã thành lưu manh chuyên hoạt động ở các bến tàu, bến xe. Bọn họ còn đến Malaysia, Philipin và một số đảo quốc khác, chuyên cướp bóc tàu bè qua lại, giết người đoạt của, cực kỳ hung ác.

 

Thời ấy kẻ làm hải tặc còn ít, lão Tôn dựa vào kinh nghiệm giang hồ, chiêu tập được một bọn côn đồ, mở rộng đội hải tặc lên đến hàng trăm tên, trở thành toán cướp nổi tiếng khắp vùng Nam Hải. Thậm chí cả tàu nhỏ của quân đội, đám tay chân dưới quyền lão Tôn cũng dám tập kích, nên có dạo, rất nhiều tàu thuyền chở hàng phải đi đường vòng, tránh vùng này ra. Hàng hóa cướp được nhiều vô kể, chúng đều đem bán lại cho các nước lân cận, lấy tiền sắm vũ khí tối tân từ những tay buôn vũ khí người Anh hoặc người Mỹ, thậm chí chúng còn sắm được chiến hạm nhỏ.

 

Có lần lão Tôn cũng mạnh tay thái quá, liên tiếp tập kích tàu quân sự của nước láng giềng, bị họ liên hợp lại truy quét, đám lâu la kẻ chết người bỏ chạy, căn cứ trên đảo mà họ chiếm cứ cũng bị đánh chiếm. Không còn cách nào khác, lão đành đem theo một số người thân tín trở về Trung Quốc, còn những kẻ khác cho giải tán.

 

Lão Tôn và Dương Hoài Ngọc về Trung Quốc, lại nhớ đến Thomas đã mất tích trong rừng sâu núi thẳm xứ Tạng. Hai người bàn nhau, thấy số tiền họ cướp được trong mấy năm nay đã đủ sống phè phỡn mấy đời, không cần làm hải tặc nữa. Nhưng hình ảnh Thomas vẫn canh cánh trong lòng bọn họ, ông ta chưa đạt được tâm nguyện, họ phải giúp ông ta hoàn thành, phải tìm cho ra bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật, để Thomas trên trời có biết cũng được ngậm cười.

 

Bọn họ bàn bạc đường hướng, lại bỏ tiền mua hàng loạt trang thiết bị tân tiến phục vụ việc leo núi thám hiểm, đồng thời chiêu mộ rất nhiều người tài trong dân gian, cùng tiến vào vùng rừng núi xứ Tạng. Đây là vùng giáp giữa hai tỉnh, xung quanh có núi non bao bọc, ba con sông tụ lại, rừng rậm đầm lầy, những nguy hiểm bên trong thật không sao dung hết được. Ở huyện lỵ Xương Đô lão tìm được mấy người dẫn đường, nhưng tất cả bọn họ đều đã bỏ mạng trong rừng.

 

Vừa may gặp được nhóm ba người của Vương Uy, họ liền nảy ra ý định chiêu mộ ba người này vào đội thám hiểm. Thứ nhất là mấy người bọn họ vốn là vật hy sinh trong trận đại chiến Xuyên Trung, hẳn rất thông thạo địa thế xứ Tạng; thêm nữa, họ là lính, đã trải qua rèn luyện nên nếu gặp nguy hiểm cũng có thể chống chọi lâu hơn.

 

Về sau, lão Tôn giao thủ với Vương Uy, phát hiện viên sĩ quan trẻ này là con cháu nhà họ Vương từng tung hoành Quan Đông mấy chục năm trước, ý muốn lôi kéo anh ta nhập bọn càng thêm mãnh liệt. Địa vị của Vương gia trong giới lục lâm năm xưa không ai không biết, có thêm tuyệt kỹ độc môn của nhà họ Vương, khả năng tìm ra vương triều Lạp Cách Nhật càng lớn hơn.

 

Lính của Vương Uy dọc đường bỏ chạy tán loạn, tan tác hết cả, hiện giờ cũng không biết Nhị Rỗ sống chết thế nào. Theo bọn người này vào rừng tìm kho báu cũng là lựa chọn không tồi, có điều Vương Uy lo cho an nguy của Nhị Rỗ, bèn đặt điều kiện, phải tìm xem những người đi theo anh ta sống chết ra sao đã, mới có thể yên tâm đi theo họ. Nghe Vương Uy nói xong, lão Tôn liền khen anh là người có tình có nghĩa, vội bảo thuộc hạ đóng trại trong rừng để ngày mai đi do thám tình hình quân đoàn 24.

 

Thuộc hạ của lão Tôn tìm quanh vùng mấy ngày liền, phát hiện người của đại đội cảnh vệ số Hai tiến vào rừng đều đã bị tiêu diệt, đồng thời cũng tìm thấy không ít thi thể binh sĩ đại đội cảnh vệ số Ba, tuy nhiên vẫn không thấy Nhị Rỗ đâu. Khu rừng rậm này rất lớn, khó mà lùng sục hết mọi chỗ được, biết đâu họ đã chết ở một nơi nào đó không ai biết hoặc bị quân đoàn 21 bắt sống rồi cũng nên.

 

Tuy Vương Uy rất buồn rầu, nhưng chỉ có thể vin vào lý do "không tìm thấy xác Nhị Rỗ tức là Nhị Rỗ vẫn chưa chết" để tự dối mình. Đến ngày thứ ba vẫn không có tin tức gì về Nhị Rỗ, lão Tôn không thể chờ lâu hơn nữa, lão thấy vết thương của Vương Uy cũng đã đỡ nhiều, bèn quyết định xuất phát.

back top