Tiếp theo bộ Anh linh thần võ tộc việt
............
Niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ sáu, đời vua Lý Thánh-tông, là năm Kỷ-Hợi (1059), bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Gia-hựu thứ tư, đời vua Tống Nhân-tông.
Bấy giờ vào tiết tháng hai, hoa soan nở rực bầu trời. Mỗi trận gió thổi, là y như những cánh hoa tím nhạt bay lả tả trong không gian. Bên bờ những con sông nhỏ, hoa tầm xuân nở rực lên mầu hồng. Những áng cỏ non ven đường trổ mầu xanh non, mướt như tơ. Giữa cảnh hoa xuân rực rỡ ấy, một kỵ binh phi như bay trên con đường dài. Khi đến cổng làng Sủi, thì ngừng lại. Toán Hoàng-nam gác cổng đồng loạt đứng dậy hỏi:
– Huynh ơi, có công văn gì đấy?
Ghi chú:
Thời Lý, con trai đến tuổi mười sáu, thì được làng làm lễ rất trọng thể, rồi ghi tên vào một cuốn sổ vàng. Kể từ ngày ấy được gọi là hoàng nam (con trai vua). Cũng kể từ đấy, hoàng nam được cấp ruộng công điền để cầy cấy, được tham dự những buổi họp của làng xã, cùng đóng góp vào công việc ích lợi chung trong làng, ngoài nước. Hoàng-nam được coi như một tài nguyên quốc gia. Sang triều Lê, Nguyễn được đổi thành xuất đinh.
Viên kỵ binh vẻ mặt nghiêm trọng nói với người trưởng toán canh cổng làng:
– Anh Tề à. Có lệnh khẩn, tôi cần trao tận tay cho ông Lý, anh đưa tôi vào ngay đi.
Người trưởng toán Hoàng-nam, tên Tề cầm cái dùi đánh vào chiếc mõ hình con cá một hồi lẻ ba tiếng, rồi đứng lên, nói với viên kỵ binh chạy trạm:
– Mời huynh đến nhà cụ Lý với tôi.
Hai người sóng vai vào làng. Trong khi một hoàng-nam khác cầm lấy cương ngựa của viên kỵ binh, cột vào gốc cây bên cạnh. Cụ Lý-trưởng đã khăn áo chỉnh tề đứng đón ở trước cổng nhà. Viên kị binh cúi đầu chào:
– Kính cụ Lý. Có thư của quan huyện Gia-lâm đạt đến cụ.
Ông Lý tiếp thư, miệng cười:
– Mời anh vào uống chén trà đã.
Viên kỵ binh lắc đầu:
– Cháu cảm ơn cụ nhiều, để khi khác. Cháu còn phải chạy trạm nữa.
Ghi chú:
Thời Lý, Trần, những kị binh chạy trạm, đem lệnh từ phủ huyện hay triều đình đi các nơi, được dân chúng, hương đảng quý mến, chiều đãi vì họ là những người có đức hạnh tốt, lại phải học lễ nghĩa rồi mới được giao việc. Từ đời Lê về sau, thì triều đình, hay nghe lời lính trạm bắt tội hương đảng, nên bọn lính trạm thường hống hách vô cùng. Hơi tý là hoạnh họe, đòi tiền, đòi ăn uống.
Viên kỵ binh lễ phép chào rồi ra đi. Cụ Lý cầm bao thư lên xem, ngoài đóng dấu con chim ưng bay trên trời, chân cặp hai thanh gươm. Kinh nghiệm giúp cụ biết đây là công văn của Khu-mật viện. Cụ vội mở ra đọc. Bức công văn khá dài, đến bốn tờ giấy. Ðọc xong, cụ bảo Tề:
– Cháu đánh trống mời quan viên ra đình làng họp khẩn cấp.
Tề trở về điếm cánh, cầm dùi đánh trống. Mới sau một khắc, mà dường như tất cả chức sắc trong làng đã lục tục kéo đến đình. Như thường lệ, quan viên làng ngồi làm bốn chiếu trên bốn bệ. Bệ cao nhất dành cho các vị quan lớn về hưu, bệ này cao đến hơn ba thước (75cm). Bệ thứ nhì cao hai thước, dành cho các vị đỗ đạt. Bệ thứ ba cao hơn thước dành cho ông tiên chỉ, lý trưởng, phó lý, trương tuần. Các chiếu còn lại dành cho trưởng xóm, cùng các viên chức khác.
Ghi chú:
Hồi này thuật thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu, thường gọi tắt là Ỷ-Lan thái hậu (1059). Mọi sự kiện tôi căn cứ vào cuốn phổ mà tiền nhân tôi để lại. Phần cuối cuốn phổ có chép hương ước của làng Siêu-loại, tức làng Sủi là quê hương ngài. Hương ước này làm vào niên hiệu Thiên-phù Duệ-vũ nguyên niên đời vua Lý Nhân-Tông, tức năm Canh-Tý 1120. Như vậy hương ước làm sau khi Ỷ-Lan thái hậu băng ba năm, tôi chắc những thủ tục điều hành trong làng chưa thay đổi làm bao so với hồi ngài còn niên thiếu, bởi chỉ cách nhau 61 năm. Làng Siêu-loại nay thuộc xã Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội.
Lý trưởng đứng lên cung tay:
– Trình trên có các quan lớn, các chức sắc. Quan huyện Gia-lâm mới đạt thư khẩn cấp đến cho làng ta.
Cụ Tiên-chỉ hỏi:
– Có chuyện gì rồi ư?
– Vâng, quả thế. Quân Tống lại xâm lăng vào Bắc-biên. Vua bà Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái cấp báo về triều đình. Long-Thụy hoàng đế họp đình thần. Quan Tư-không Lý Ðạo-Thành, quan Tể-tướng Dương Ðạo-Gia, quan Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu bàn nên sai sứ sang cáo với Tống triều. Quan Thái-sư Dương Bình, Thái-úy Quách Kim-Nhật, cùng với quan Tả kiêu-vệ đại-tướng quân Lý Thường-Kiệt bác ý kiến, đòi áp dụng chính sách Bắc-cương của Khai-Quốc vương.
Trưởng giáp Nhất hỏi:
– Cụ Lý à, cháu còn trẻ, không biết rõ chính sách Bắc-cương ra sao, xin cụ chỉ dạy cho.
Cụ Lý được dịp bầy tỏ sở kiến của mình:
Nguyên vào niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy (1026), quan Thái-sư phụ quốc thái úy là Khai-Quốc vương cùng triều đình Bắc-biên họp mấy ngày, rồi đưa ra đường lối đối phó với bọn biên thần Tống hiếu sự. Chính sách gồm bẩy điều. Nhưng điều quan trọng nhất là: đối với triều đình thì hậu lễ, lời khiêm. Ðối với bọn biên thần thì thẳng tay dùng sức mạnh.
Ghi chú:
Xin đọc Anh-hùng Bắc-cương, cùng tác giả, 4 quyển.
Ông Phó lý hỏi:
– Vụ Tống dở quẻ ra làm sao xin cụ nói cho rõ để cả làng được hiểu.
Lý trưởng bỡ ngỡ một chút rồi hướng vào một người già, tóc bạc phơ, nhưng không râu, ngồi ở chỗ cao nhất:
– Vụ này Quân-hầu biết nhiều, xin Quân-hầu giảng cho.
Lão già gật đầu nói:
– Ðược, được chứ.
Một thanh niên hỏi bạn:
– Ông này có phải là Trung-nghĩa hầu không? Lý lịch ông ra sao?
- À, ông có tên là Trịnh Quang-Thạch, vốn là gia tướng của quan Kiểm-hiệu Thái-phó, Tả-bộc-xạ, Ðồng-trung-thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám tu quốc sử Dương Ðức-Thành, tức Tể-tướng thời vua Thái-tông. Hồi trẻ ông hầu tiểu thư con quan Dương tể tướng. Sau tiểu thư tiến cung được phong Thiên-Cảm hoàng hậu, ông tự thiến làm thái giám hầu Hoàng-hậu. Vì ông có võ công cao, cùng văn tài, nên dần dần được thăng lên đến chức Nhập-nội đô-tri. Ông cũng có thời cầm quân. Lúc về hưu, ông được thăng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, tước Siêu-loại hầu. Vùng mình ở đây là ấp phong của ông. Khi mới được phong, ông đem tông tộc, rồi mượn thêm một số nhân sĩ, mở ra trường Trung-nghĩa để dạy văn, luyện võ cho thiếu niên. Hiện có rất nhiều võ tướng, văn quan xuất thân từ trường ông, nên ông có uy tín với triều đình.
– Hèn gì ai cũng cung cung kính kính với ông.
Siêu-loại hầu nói:
– Từ xưa đến giờ biên giới Tống-Việt thường ngăn cách bằng 207 trang ấp. Các trang ấp này là lạc ấp còn sót lại từ thời vua Hùng. Mỗi trang là một giòng họ, người cai trị là một lạc hầu. Người Hán gọi là khê động. Các khê động thường bị biên thần Tống lấn áp, đe dọa, vì vậy khi thì họ theo Tống, khi thì họ theo Việt. Vào thời vua Thái-tông, Khai-Quốc vương giúp cho tộc Nùng nổi lên, đánh chiếm Lưỡng-quảng. Nùng Trí-Cao được tôn làm Nhân-Huệ hoàng đế (1052), quốc hiệu là Ðại-Nam. Nước Ðại-Nam bao gồm lãnh thổ 107 khê động với Lưỡng-Quảng. Ðại-Nam, Ðại-việt, Ðại-lý, Lão-quan, Xiêm-la, Chân-lạp, Chiêm-thành kết thành tộc Việt, để chống lại Tống, nếu Tống xâm lăng.
Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn cử tọa rồi tiếp:
– Nhưng khi Trí-Cao đắc thế rồi thì y lại muốn dùng 9 tộc Nùng cai trị các tộc Mán, Thái, Trang, Mèo, Lô-lô, Tày. Các lạc hầu của 198 tộc khác chống lại. Trí-Cao thẳng tay đàn áp. Y còn bắt các tộc khác bỏ phong tục, tiếng nói của mình, mà học tiếng Hán, chữ Hán. Thế là Ðại-Nam bị rạn nứt. Thấy việc nguy hại, vua bà Bình-Dương phải can thiệp. Nhưng Trí-Cao cho rằng nước mình còn lớn hơn Ðại-Việt, dân đông hơn tất cả các nước thuộc tộc Việt, nên y không nghe. Sau cùng chính vua Thái-tông sai sứ sang khuyên răn, y cũng không nghe. Vì vậy, 198 tộc khác bỏ Ðại-Nam, xin trở về với Ðại-Việt, rút lại lãnh thổ của y chỉ có 9 khê động Nùng với phần đất Lưỡng-Quảng. Tống dò được tin đó, sai Ðịch Thanh mang đại quân sang đánh. Người Hán tại Lưỡng-Quảng nổi lên theo Tống. Lúc đầu Trí-Cao thắng được mấy trận. Sau bị bại, mất hết vùng Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu. Y vội rút về Quảng-Tây. Biết thế nguy, y cầu cứu với vua Thái-tông.
Ông ngừng lại, nhấm một chung trà. Ðám thanh niên trẻ nhao nhao lên hỏi:
– Thưa cụ thế Ðại-Việt có cứu Trí-Cao không?
Siêu-loại hầu hỏi ngược lại:
– Theo chư vị, Ðại-Việt có nên cứu hay không?
Lập tức cả đình ồn lên bàn tán, kẻ thì bảo nên cứu, người thì bảo không nên. Siêu-loại hầu hỏi một trung niên nam tử:
– Thầy đồ Thái, thầy là người có kiến thức, thầy cho biết ý kiến?
Làng Thổ-lội có hai thầy đồ dạy chữ. Thầy thứ nhất ăn lương của trường Trung-nghĩa, họ Trần, tên là Trọng-San. Thầy đồ thứ nhì ăn lương vua, họ Quách tên Sĩ-An, nhưng vì cụ Tiên-chỉ trong làng cũng tên là Sĩ-An, nên thầy xin đổi là Thái, để kiêng húy vị ngồi đầu hương đảng. Nghe Siêu-loại hầu hỏi, thầy đứng dậy cung tay:
– Thưa cụ, nếu cháu là vua Thái-Tông thì cháu cứu y.
Lập tức có nhiều tiếng ồn ào:
– Không cứu tên phản bội. Không, không cứu.
Thầy đồ Thái nói:
– Thưa cụ, theo như cháu nghĩ, người xua quân đánh chiếm Lưỡng-Quảng là Khai-Quốc vương chứ không phải vua Thái-Tông. Chính Vương đã ứng mệnh trời, hợp lòng người, cùng võ lâm suất lĩnh tộc Việt tiến đánh chiếm lại đất cũ thời vua Hùng. Vương giao cho tiên-cô Bảo-Hòa tổng chỉ huy. Còn sắc dân Nùng với Trí-Cao chỉ có một đạo quân nhỏ. Ngôi vua với nước Ðại-Nam như từ trên trời rơi xuống cho Trí-Cao với 9 khê động Nùng. Nên sau khi lên ngôi vua, Trí-Cao bắt buộc phải dùng người Hán, dùng văn tự Hán. Dĩ nhiên người Hán khuyên y nên tách khỏi tộc Việt thành một nước riêng. Cái ngu của Trí-Cao là phía Bắc Ðại-Nam tiếp giáp với vùng Kinh-hồ của Tống. Vùng này vua Tống phong cho phò mã Tự-Mai làm Kinh-Nam vương. Ðáng lẽ Trí-Cao phải biết rằng Kinh-Nam vương là người dùng binh giỏi nhất Hoa-Việt, y cứ dựa vào Vương để Vương làm bức tường trấn Tống cho, thì Ðại-Nam vững như bàn thạch. Ðây y lại vô lễ với Vương. Y viết thư cho Vương mà dám xưng trẫm, coi như mình là Hoàng-đế, còn Vương chỉ là một quận vương mà thôi. Nên Vương mới để cho Ðịch Thanh đem quân vượt Kinh-Nam đánh y. Bây giờ, quân Tống đến đánh, tất nhiên người Hán phản y về với Tống, y lâm đường cùng. Nếu ta cứu y, thì sau này vĩnh viễn y phải quy phục Ðại-Việt.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Siêu-loại hầu nói:
– Khi Ðịch Thanh tới đánh Trí-Cao thì Khai-Quốc vương đang vân du tại Chân-lạp. Vua Thái-Tông không chịu cứu y. Khai-Quốc vương được tin, trở về, xin vua xuất binh cứu Trí-Cao. Vua bằng lòng, nên Vương sai Trấn-Bắc đại tướng quân Vũ Nhĩ đem đạo quân biên phòng vượt biên đánh phía sau Ðịch Thanh. Nhưng khi quân ta vừa vào đất Tống thì toàn thể nước Ðại-Nam đã bị Ðịch Thanh chiếm. Vì vậy Vũ Nhĩ phải rút quân về (1053).
Hầu thở dài:
– Chuyện đó vừa dứt thì vua Thái-Tông băng hà. Thấm thoát nay đã bẩy năm (1059). Sau khi Ðịch Thanh diệt Trí-Cao, y tổ chức lại vùng Lưỡng-Quảng. Triều đình Tống biết dùng những tướng bại trận để trấn Nam-thùy, vì họ có kinh nghiệm. Nhưng chính bọn này lại hay gây rối.
Phó lý hỏi:
– Bẩm quân hầu, đó là những tên nào vậy?
Một trong những viên quan có tài là Tiêu Chú. Y xuất thân tiến sĩ, nhưng giỏi việc binh. Hồi Trí-Cao đánh, y làm chức Tri huyện ở Quảng-châu. Y khôn khéo rút quân về vùng Chương-giang, đợi Ðich Thanh tới đánh, y mới phản công. Chính y bắt sống được mẹ và con Trí-Cao. Sau khi Trí-Cao bị dẹp, Tống phong cho y coi Ung-châu, cuống họng của Tống thông với ta. Y có ý định đánh lấy Ðại-Việt. Y cho tuyển quân, huấn luyện, gửi tế tác sang ta. Y đã nhiều lần dâng biểu về triều để xin trình bầy phương lược đánh Ðại-Việt. Nhưng quan trên của y là Lý Sư-Trung, Tiêu Cố luôn bác ý kiến của y. Vả trong triều, vua Tống là anh em kết nghĩa của Kinh-Nam vương Tự-Mai, ngài chủ trương giữ vững mặt Nam, để chống mặt Bắc, nên Chú không làm được gì. Nhờ Kinh-Nam vương Tự-Mai cho biết rõ ý vua Tống cùng bọn quan coi Quảng-Tây không muốn gây hấn ở Nam-phương, vì vậy vua Thái-tông mới cương quyết: hơi đụng chạm là phản ứng thực mạnh. Nên nay mới có việc đem Thiên-tử binh lên để làm cho Tống kinh hãi.
Ghi chú:
Sự kiện này chép trong Tống-sử, quyển 332, trang 10.676, Lý Sư-Trung truyện. Trang 10.690 Lục Sằn truyện. Quyển 334, trang 10.727 Thẩm Khởi truyện. Trang 10.732 Tiêu Chú chuyện.
Phó lý hỏi:
– Vậy bây giờ Tống dở quẻ, không rõ Long-Thụy hoàng-đế quyết định sao?
Lý trưởng đáp:
– Ngài đồng ý giải quyết theo chính sách Bắc-cương thời Thuận-thiên. Ngài truyền cho Tả kiêu-vệ đại tướng quân, Thái-hà hầu Lý Thường-Kiệt mang mười đạo Thiên-tử binh lên Bắc-cương đặt dưới quyền vua bà Bình-Dương, để đối phó với giặc. Vì vậy quan huyện Gia-lâm truyền cho làng ta phải cấp một trăm dân đinh chuyên chở lương thảo trong vòng một tháng.
Ghi chú:
ÐVSKTT, Lý Kỷ: Năm Kỷ-Hợi, niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh nguyên niên, (Tống niên hiệu Gia-hựu năm thứ tư) mùa xuân, tháng ba, đánh Khâm-châu nhà Tống, dương oai rồi rút về, vì (vua) ghét Tống phản phúc.
Các quan viên xã đồng ồn lên những tiếng bàn tán xôn xao. Cụ Tiên-chỉ hỏi Trương-tuần:
– Anh Huy, anh có thể cấp được trăm Hoàng-nam ngay ngày mai không? Làng ta có đủ lương thực cho trăm Hoàng-nam ăn một tháng không?
Trương tuần Huy gãi đầu:
– Bẩm cụ được chứ. Tính tuổi từ mười ba đến ba mươi, xã mình có hơn hai trăm xuất đinh. Hiện nay ruộng mới cấy, công việc đồng áng tạm ổn. Tuy nhiên xã mình đang có vụ khơi sâu lòng con lạch dẫn nước. Nếu nay lấy đi trăm hoàng nam, thì phải tạm ngưng vét lạch. Còn lương thảo thì làng mình dư giả.
Siêu-loại hầu dơ tay lên, ý muốn nói, lập tức trong đình im phăng phắc. Tiếng cụ oang oang:
– Nước Ðại-Việt ta có truyền thống nam hùng, nữ kiệt. Nay nhân lúc không bận việc nông tang, khi nam phải ra trận, thì nữ thay thế vét lạch. Ta tuy tuổi trên bẩy mươi, nhưng sức còn tráng kiện, ta cũng ra vét lạch với bọn cháu chắt. Bà nhà ta thì thổi xôi, nướng gà cho chúng ăn.
Lập tức các cụ già chiếu nhất cũng hưởng ứng:
– Quân hầu đã dạy thế thì chúng tôi cũng xin theo gương quân hầu.
Cụ Lý lắc đầu:
– Bẩm các quan dạy thế, chứ bọn con đâu dám.
Một cụ già cười:
– Bọn già này chưa chết mà, chúng tôi tuy chân tay run, không vét kinh được, thì cũng chống gậy ra kể chuyện đời xưa cho bọn cháu gái nghe, hầu cổ động lòng hăng say của chúng.
Buổi họp định rõ những Hoàng-nam nào được cử đi vận lương; những phụ nữ nào phải đi vét lạch. Tuy buổi họp diễn ra êm đẹp, vì người người đều một lòng với đất nước, một lòng với làng xã. Nhưng khi chấm dứt, thì gà đã lên chuồng khá lâu, bóng đêm phủ xuống trong làng. Mọi người thư thả ra về, trong làng rộn lên niềm vui, vì tin tưởng rằng ta sẽ thắng giặc Tầu.
Trương tuần Huy nói với thầy đồ Thái, trưởng giáp Nhì trong làng:
– Này thầy đồ Thái, giáp thầy có bao nhiêu Hoàng-nam đi biên?
– Gần như hết. Còn thanh nữ thì mất bốn đứa phải đi vét lạch, bây giờ tôi đi báo cho cha mẹ chúng biết.
Thầy đồ Thái đến xóm Nhì, tới trước cổng một căn nhà thanh lịch, thầy giật chuông. Một thiếu nữ cầm đèn chạy ra, thấy ông, cô vội cung tay:
– Lạy thầy ạ. Mời thầy vào chơi.
– Minh-Ðệ đấy à. Bố, mẹ có nhà không?
– Thưa thầy bố mẹ con sắp về đấy ạ, rước thầy an tọa ạ.
Thầy đồ Thái hỏi:
– Minh-Ðệ à, con đã hiền hậu, lại học giỏi, sao không thi vào trường Trung-nghĩa mà học? Bỏ học uổng quá.
– Thưa thầy tại vì nhà con thiếu người làm, nên mẹ con bảo con ở nhà làm việc đấy ạ.
– Kể cũng lạ, với hoàn cảnh nhà con, thì mượn đến mười người ở cũng cứ được đi. Con vừa thông minh, cần cù, lại có đức tốt, mà bỏ học thực đáng tiếc. Trong khi Minh-Can vừa hung dữ, vừa đành hanh đỏ mỏ, thì lại cho đi học. Khó hiểu quá.
Minh-Ðệ rơm rớm nước mắt:
– Thưa thầy tuy không được đến trường nữa, nhưng con vẫn đọc sách để hiểu biết thêm. Con lại mượn sách của Trinh-Dung về đọc cho khỏi quên.
– Ừ, như vậy cũng được. Con đã được học Tứ-thư, Ngũ-kinh, Bắc-sử, Nam-sử, lại biết làm thơ, làm phú. Như vậy tạm đủ. Nhà Trinh-Dung có nhiều sách quý, con mượn về đọc để mở mang kiến thức. Cổ nhân dạy rằng: học thầy không tầy học bạn. Thế con đã đọc thêm được những bộ nào?
– Thưa thầy con đọc thêm được bộ Chiến-quốc sách, Lục-thao, Tam-lược, Tôn-Ngô binh pháp, Ðạo-đức kinh, Nam-hoa kinh, Hàn-Phi tử.
– Chà, con đọc rộng đấy. Sách của Ðạo gia chỉ đọc để biết mà thôi, chứ không ích lợi gì. Con nên tìm đọc về sử. Với sử, mỗi kỷ, mỗi thế gia, mỗi truyện là một tấm gương sáng cho mình. Trong tất cả học trò của làng, thầy thấy con có ngộ tính cao nhất, tiếc rằng con không được theo học thêm. Thôi, vua Trưng, cùng chư tướng như Trưng Nhị, Thánh-Thiên, Trần Quốc đâu có ai được học nhiều.
– Ða tạ thầy.
Ðến đó có tiếng xe ngựa long cong, rồi ba người xuống xe. Minh-Ðệ đon đả chạy ra cầm lấy giây cương ngựa:
– Bố ơi, mẹ ơi, có thầy đến chơi.
Một trung niên nam tử dáng người thanh nhã, cung tay:
– Kính thầy. Thầy đi họp việc làng có tin gì lạ không? Ðệ, con pha trà mời thầy.
Chủ khách yên vị, thầy đồ nói:
– Anh Thiết này. Nước nhà có sự, dùng binh ở Bắc-biên. Làng ta phải cấp trăm hoàng nam chuyển lương. Các cụ trong làng quyết định bắt đám thanh nữ vét lạch thay cho đám hoàng nam. Trong nhà ông thì Minh-Ðệ, Minh-Can phải góp mỗi cháu mười công.
Một người đàn bà tầm thước bước xuống xe cùng một cô gái ngang tuổi với Minh-Ðệ, nhưng quần áo lụa sang trọng vô vùng. Thầy đồ Thái đứng dậy:
– Chào chị Thiết.
– Chào thầy.
Ðến đó Minh-Ðệ bưng nước ra, khép nép cúi đầu:
– Mời thầy xơi nước ạ, mời bố mẹ xơi nước ạ.
Người đàn bà cau mày nhìn Minh-Ðệ như nhìn con quái vật:
– Mày có câm cái mõm mày đi, rồi cút vào nhà không? Ra đây làm gì? Minh-Can đâu?
Minh-Ðệ cúi đầu vào nhà, thiếu nữ quần áo sang trọng cung tay:
– Thưa thầy ạ.
– Không dám, Minh-Can hồi này ra sao?
– Thưa thầy con theo học trường Trung-nghĩa, văn, võ đều tiến lắm ạ.
Bà Thiết hỏi:
– Này thầy, nhà tôi phải góp hai đứa, mỗi đứa mười công. Như vậy tôi xin để con Minh-Ðệ làm cả hai mươi công có được không? Trời tháng hai mưa phùn, gió bấc lạnh thế này, mà bắt con Minh-Can đi đắp đất bùn ở lạch thì chết chứ sống sao được.
Thầy đồ Thái ngạc nhiên:
– Trong hai đứa, tôi thấy Minh-Can khỏe hơn Minh-Ðệ nhiều. Nếu phải thay thế thì Minh-Can phải thay Minh-Ðệ mới phải chứ?
– Thầy ơi, con Minh-Can là vàng là ngọc của nhà tôi, mới cần giữ sức, chứ con Minh-Ðệ, nó có chết cũng không sao.
Thầy đồ tỏ ý bất mãn:
– Tôi chỉ biết truyền lệnh của làng, còn cử ai đi là việc của gia chủ.
Nói rồi thầy từ tạ bước ra khỏi nhà. Bà Thiết để chồng tiễn thầy đồ. Bà gọi hai con gái lại:
– Sáng nay con Minh-Ðệ đã dã bèo cho lợn ăn chưa?
– Thưa mẹ rồi ạ.
– Mày đã giặt quần áo chưa?
– Thưa mẹ xong rồi ạ.
Minh-Can xen vào:
– Nó chỉ giặt quần áo của bố mẹ, của nó thôi. Còn quần áo của con, nó bỏ lại. Con bảo nó giặt, nó lủng bủng, rồi lờ luôn.
Bốp, bốp. Bà Thiết tát Minh-Ðệ hai cái. Gò má nàng nổi lên những nốt ngón tay đỏ hỏn:
– Này bướng này! Này hỗn này. Từ nay mày mà không giặt quần áo cho nó, thì tao dần vào xác mày.
Minh-Ðệ xoa tay vào má:
– Thưa mẹ, con cho lợn ăn, rồi giặt quần áo. Giặt chưa xong, con phải ngừng lại thổi cơm. Con đợi ăn xong, sẽ giặt tiếp chứ có phải con không giặt đâu? Nó là em, cũng khoẻ mạnh như con, sao nó không giặt, mà bắt con giặt?
Bốp, bốp. Bà Thiết tát cho Minh-Ðệ hai cái nữa, nàng ngã chúi xuống nền nhà:
– Mày còn so bì hả? Bà đánh cho mày chết thì thôi. Cái ngữ như mày mà cũng so đo với nó được sao.
Bà tru tréo lên:
– Hừ, mày là cái thứ bèo bọt, cái thứ tôm tép; còn nó là tiên nga, là công chúa. Mày không biết thân, dám so đo. Hứ! Bà nói cho mày biết, mai mày phải dậy sớm dã bèo, nấu cám lợn, giặt quần áo, sao cho tờ mờ sáng phải xong, rồi mang móng ra đình làng để theo người ta đi vét lạch. Nhớ đấy, mày phải làm thay cho con Minh-Can nữa. Ði!
Minh-Ðệ lau nước mắt, ra bờ sông giặt quần áo.
Minh-Ðệ là con đầu lòng của một gia đình khá giả trong làng Sủi. Phụ thân nàng, ông Thiết là người theo đòi nghiên bút. Dáng người mảnh khảnh, tính tình ôn nhu văn nhã, lại có học, đúng ra năm mười tám hai mươi, bố mẹ đã hỏi vợ cho ông. Nhưng vì theo đuổi việc học, lại lận đận nơi quan trường, nên mãi năm 24 tuổi, ông mới kết hôn với một thiếu nữ môn đăng hộ đối, 16 tuổi tên Vũ-thị Tỉnh. Nhưng sau ba năm, bà Tỉnh không có con. Song thân lại hỏi cho ông người con gái kẻ chợ tên Minh-Giang. Sáu tháng sau Minh-Giang mang thai, đẻ ra Minh-Ðệ. Còn bà Vũ-thị Tỉnh thì bỏ nhà ra đi. Minh-Giang không phải là một thiếu nữ xinh đẹp, dáng người nàng cao lớn, trông hơi thô, giọng nói đục đục, pha với cái oang oang, thành ra hơi giống tiếng người quát tháo. Minh-Giang cũng được theo học chút ít chữ nghĩa.
Không hiểu sao, ngay từ khi sinh ra, dù là con đầu lòng, Minh-Ðệ không đã bị bà mẹ ghét cay ghét đắng. Minh-Ðệ được trao cho người vú nuôi, ăn ngủ cùng vú, thảng hoặc ông Thiết có bế bồng thì bà vợ cau có nhìn ông như không hài lòng. Mỗi lần Minh-Ðệ khóc, là lập tức bị mẹ tát cho hai cái liền. Vì vậy suốt cuộc đời thơi ấu, mỗi lần thấy mẹ,là y như Minh-Ðệ tìm chỗ trốn, như phải thấy một cái gì kinh hãi trên thế gian. Minh-Ðệ sống cô độc với vú, sống với người ở, nàng không được hưởng một chút gì về tình mẫu tử. Vì mẹ coi con như một thú vật bất đắc dĩ phải nuôi trong nhà, nên từ vú, đến người ở đều nuôi Minh-Ðệ như nuôi lợn, không mấy thiết tha chăm sóc. Minh-Ðệ thơ thẩn chơi một mình, đứa trẻ luôn kinh sợ, không biết khi làm cái này, có bị đánh không? Nói điều kia có bị chửi không?
Hai năm sau nữa, Minh-Giang lại sinh ra một gái, đặt tên là Minh-Can, với ngụ ý đứa con này là gan là ruột của mình. Lạ thay, vừa sinh ra, Minh-Can đã được mẹ yêu thương cực kỳ. Bà không mượn vú, mà đích thân mình nuôi. Mọi săn sóc như tắm rửa, thay quần áo, nhất nhất bà đều tự tay làm. Sau Minh-Can đến hai con trai tên Mãnh, Tráng, một con gái tên Minh-Nhàn, cuối cùng là đứa con trai tên Lợi. Tuy có sáu mặt con, nhưng bà cũng rửng rưng không mấy quan tâm đến chúng. Bà chỉ không quan tâm, chứ không đến nỗi ghét như đối với Minh-Ðệ.
Triều Lý tôn sùng đạo Phật, nên không có việc trọng nam khinh nữ, lại nữa hào quang của vua Trưng cùng 162 tướng còn sáng rực. Mới đây thời Thuận-thiên (1010-1028) những danh tướng như vua bà Bình-Dương đương kim trị vì Bắc-biên kiêm chưởng môn phái Mê-linh; trưởng đại công chúa Bảo-Hòa, chưởng môn phái Tản-viên, sư phụ của đương kim thiên tử; Vương-phi Khai-Quốc vương Thanh-Mai; các công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Côi-Sơn... với những trận đánh sang Tống kinh thiên động địa. Cho nên trong hương đảng, ngoài lăng miếu phụ nữ được tôn trọng, con gái được hoc văn, luyện võ như con trai.
Làng Sủi có ba trường học lớn. Một trường của thầy đồ Thái, ăn lương vua, dạy khai tâm cho trẻ con. Khi học trò trường làng có trình độ khá, mới nhập học trường của Trung-nghĩa đại tướng quân Siêu-loại hầu. Trường này thường được gọi là trường Trung-nghĩa hầu. Trường dạy cả văn lẫn võ. Trường thứ ba cũng dạy văn, luyện võ, nhưng hơi xa, điều kiện thu nhận khó khăn hơn, đó là chùa Dâu. Sư trưởng của chùa, thuộc phái Tiêu-sơn, phái võ xuất thân của vua Thái-tổ nhà Lý, đương kim chưởng môn hiện là Quốc-sư. Nên những học sinh được thu nhận đều trở thành đệ tử Tiêu-sơn, điều mà tất cả phụ huynh đều mơ ước con mình được thu nạp.
Chị em Minh-Ðệ, Minh-Can đều theo học với thầy đồ Thái. Bà Thiết chỉ theo dõi đường học vấn của Minh-Can. Còn Minh-Ðệ học ra sao, ăn ra sao, bệnh thế nào bà không biết tới. Bà xử dụng nàng như con ở, thứ con ở bị khinh miệt bị hắt hủi, để hầu Minh-Can. Hơi một tý là bà đánh, bà chửi. Minh-Can lại đành hanh, đụng chút là khóc bù lu bù loa, bịa chuyện mách mẹ, để Minh-Ðệ phải đòn. Bà ra lệnh: khi bà đánh, mắng thì Minh-Ðệ tuyệt đối phải cúi đầu chịu đựng, không được khóc, không được cãi, cũng không được nói
Chị em Minh-Ðệ, Minh-Can đều theo học với thầy đồ Thái. Bà Thiết chỉ theo dõi đường học vấn của Minh-Can. Còn Minh-Ðệ học ra sao, ăn ra sao, bệnh thế nào bà không biết tới. Bà xử dụng nàng như con ở, thứ con ở bị khinh miệt bị hắt hủi, để hầu Minh-Can. Hơi một tý là bà đánh, bà chửi. Minh-Can lại đành hanh, đụng chút là khóc bù lu bù loa, bịa chuyện mách mẹ, để Minh-Ðệ phải đòn. Bà ra lệnh: khi bà đánh, mắng thì Minh-Ðệ tuyệt đối phải cúi đầu chịu đựng, không được khóc, không được cãi, cũng không được nói năng gì. Năm mười tuổi bà cho Minh-Can thi vào trường của Trung-nghĩa hầu. Minh-Ðệ cũng xin cha mẹ cho thi. Lập tức bà Thiết mắng:
– Cái ngữ như mày, ăn không nên đọi, nói không lên lời, học hành được dăm ba chữ mèo cào, mà cũng xin thi vào trường quan ư? Ăn mày đòi xôi vò, sao mày không lên núi Tản xin tiên cô Bảo-Hòa thu làm đệ tử, rồi sau gả mày cho Thái-tử một thể. Hừ! Người chẳng đáng giá hòn chì. Ba hồn bẩy vía đòi đi võng đào.
Bà nói nói bâng quơ một mình:
– Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy.
Minh-Can đậu vào trường Trung-nghĩa hầu, học văn, luyện võ, nghiễm nhiên trở thành thiếu nữ được khắp huyện kính trọng, với những hy vọng vào tương lai. Tuy mới mười tuổi, nhưng đã có nhiều gia đình danh giá đánh tiếng kết thân.
Còn Minh-Ðệ thì được cho nghỉ học, ở nhà giúp việc, phụ với người ở. Nàng trở thành người ở bậc nhì, loại người ở không công để hầu hạ Minh-Can cùng các em. Không được học, nhưng Minh-Ðệ vẫn âm thầm đọc sách. Ngoài những sách của bố có sẵn, Minh-Ðệ còn mượn thêm sách của nhà Trinh-Dung để đọc thêm. Hóa cho nên cái cô đơn, phẫn hận, khiến Minh-Ðệ âm thầm đọc sách, kiến thức trở thành rất rộng, mà trong nhà không ai hay.
Mấy năm sau, một biến chuyển lớn đã làm thay đổi cuộc sống trong nhà ông Thiết.
Nhân bà chị ông Thiết mở một khách điếm và một tửu lầu lớn ở huyện, ông được chị cử làm quản lý, bà được cử trông coi trang trí tiếp khách. Từ nhà lên huyện khoảng một giờ đi bộ, nhưng hai ông bà đi về bằng xe ngựa. Công việc làm đòi hỏi ông bà phải có mặt từ sáng tinh mơ cho đến tối, đôi khi khuya ông bà mới trở về nhà.
Vì phải đi làm xa, nên ông bà cho vú già nghỉ, rồi mượn một người làm để trông coi con cái, cùng cơm nước. Nhưng một người làm, thì không xuể đối với cả gia đình tám người, lại thêm một đàn gia súc, nào là cặp chó, một đực tên Ðức-Tâm, một cái tên Tâm-Ðức. Tiếp theo là cặp mèo, mười con ngỗng, hơn hai chục con gà, bốn con lợn. Nên bà Thiết bắt Minh-Ðệ phải trợ giúp cho chị người làm.
Chị này tên Sửu.
Chị Sửu nguyên là một nông dân, vì chồng chết, lại không con, nên khi đi vào tuổi bốn mươi, sức khoẻ không cho phép chị làm những việc nặng nhọc như gánh lúa, bừa ruộng, tát nước, nên chị phải đi ở. Trái với cái tên Sửu, người chị nhỏ thó, khẳng khiu, dáng đi lịch bịch, cánh tay như chỉ còn xương, mặt chị tái mét, mà trên lớp da lúc nào cũng bóng những mỡ, mụn lớn, mụn nhỏ mọc lố nhố rất mất trật tự. Hàm răng chị nhuộm từ hồi còn con gái, nay đã bong hết lớp bên ngoài, nên trông nó hơi vàng vàng, xam xám. Vì yếu như thế, cho nên mọi công việc trong nhà chị đều đẩy cho Minh-Ðệ hết.
Mỗi khi chị không chu toàn được việc chủ giao cho, thì y như tối ông bà Thiết về, chị đi một đường kể lể nào thằng Tráng phá phách, thằng Lực nghịch ngợm, con Minh-Nhàn quấy khóc. Chị rất khôn. Chị biết rằng Minh-Can là đứa con cưng, nên chị chiều chuộng cô này rất mực. Ðối với Minh-Ðệ, chị thẳng tay bắt làm đủ mọi công việc đầu tắt, mặt tối. Hễ nàng mở miệng than là chị xui Minh-Can bịa chuyện về mách mẹ, lập tức nàng bị bà Thiết đánh đập. Mỗi lần như thế, bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, miệng rít lên:
– Trời hở trời! Con diều tha quạ mổ kia, mày có biết bố mẹ mày làm đầu tắt, mặt tối ra mới có miếng ăn cho mày không? Thế mà ở nhà mày còn tác quái hử??? Hử??? Hử???
Bà nói với chị Sửu:
– Từ nay tôi cho phép chị, ngoài trừ con Minh-Can ra, bất cứ đứa nào không nghe lời chị, chị được dần vào xác chúng nó cho tôi.
Từ đấy chị em Minh-Ðệ sợ chị Sửu một phép. Tiền ăn, tiền chợ, bà Thiết trao cho chị Sửu cả. Chị khôn lắm, chị biết ông bà đều ăn trưa, ăn chiều ở khách điếm, nên chị bớt đi một nửa tiền chợ. Thời bấy giờ, bữa sáng thường ăn vào lúc rạng đông, rồi người lớn ra đồng làm việc, trẻ con đi học. Buổi chiều ăn vào lúc gà lên chuồng. Cho nên hai bữa cơm, thì bữa sáng chị cho bọn trẻ ăn rau, ăn tôm, cá. Bữa chiều chị cũng làm những món sang như thịt lợn kho, cá hấp, cá rán, nhưng chỉ cho mỗi đứa ăn chút ít thôi, duy Minh-Can thì được ăn thả dàn; cốt sao còn dư lại chị cất vào chạn. Tối bà Hàn về, thấy trong chạn, nào thịt, nào cá dư thừa ê hề, thì cho rằng chị Sửu thực thà, nuôi con mình đầy đủ. Vào những ngày sóc, ngày vọng, bà Thiết dặn chị:
– Nhớ phải mua hoa quả, mua gà, nấu xôi để cúng gia tiên. Con gà đó, chị dành hai cái đùi cho Minh-Can, còn lại thì cho bốn đứa kia. Cái cổ, cái cánh cho con nợ đời con Minh-Ðệ.
Ðiều đó chị Sửu làm đúng. Chị giết gà, xôi xôi, mua hoa quả cúng, hai cái đùi cho Minh-Can, chị chỉ cho mỗi trẻ một miếng nhỏ, còn lại chị đem về nhà cho cháu, cho em chị ăn. Ðối với Minh-Ðệ, ngay chút ít nước luộc gà chị cũng không cho, chứ đừng nói là miếng thịt.
Ông Thiết thì dù sao cũng là đàn ông. Ở cái xã hội xưa, xã hội đời Lý, chủ đạo tộc Việt dành cho người đàn bà rất nhiều quyền trong gia đình. Nào nuôi con; nào dạy con; nào quản trị tiền bạc, của cải; nào giỗ tết; giao tế trong họ, ngoài làng đều do đàn bà đảm đương hết. Thành ra cái gia đình ông Thiết, do bà Thiết nắm quyền, nhưng bà quên mất tất cả thiên tính trời cho để làm mẹ, dĩ nhiên làm sao bà có đủ đức của một phụ nữ trong chủ đạo tộc Việt. Cho nên, người ngoài nhìn vào, thì thấy các con ăn mặc tươm tất, nhưng thực ra đám trẻ sống bơ vơ như mồ côi, không được hưởng chút tình mẫu tử nào.
Theo tục lệ làng xã tộc Việt từ thời vua Hùng, mỗi khi có những buổi họp quan trọng đến vận mệnh toàn xã như hôm nay, thì mọi người phải hiện diện. Nếu như có những công việc tạp dịch góp sức vào công ích như đắp đường, làm cỏ, vét sông v.v. lệ làng định rõ những chức sắc nào, quan viên nào, được miễn. Tuy nhiên những người phải góp công, nếu vì sức khoẻ, vì việc nhà đa đoan, thì có thể mượn người thay thế, làng cũng cho. Hôm nay, buổi họp diễn ra lúc buổi trưa, ông bà Thiết không có nhà, nên người trưởng xóm phải báo cho ông bà những quyết định của buổi hội. Việc làng bắt Minh-Ðệ, Minh-Can mỗi người góp mười công, ý ông Thiết muốn dùng tiền mượn người thay thế cho con khỏi mệt nhọc, như những gia đình khá giả khác. Trước đây, mỗi lần như vậy, ông lên tiếng đề nghị, thì y như bà Thiết nhảy choi choi như khỉ đói xỉa xói vào mặt ông mà nêu ra đủ thứ tội của Minh-Ðệ, thành ra lâu ngày, ông không còn tý quyền hành nào cả. Muốn giữ cho nhà cửa êm thắm, ông đành buông xuôi để mặc vợ.
Trời đã về khuya, cái lạnh tháng hai còn bao phủ không gian, nhưng Minh-Ðệ vẫn phải ra bờ sông giặt quần áo. Từ hồi sáu bẩy tuổi, khi còn đi học, nàng được nghe thầy đồ kể chuyện rằng Bụt (Phật)có nghìn mắt nghìn tai, luôn nghe tiếng chúng sinh kêu cứu. Khi gặp đường cùng, cứ khấn Bụt là ngài hiện ra cứu giúp. Hồi nhỏ, bị mẹ đánh, bị Minh-Can hành hạ, nàng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Sau này lớn lên, nàng thường khấn Bụt, mong Bụt hiện lên để che chở cho nàng. Rồi nàng tưởng tượng Bụt đứng trên mây, nàng chắp tay hướng lên không gian vô tận mà khấn Bụt, tâm sự với Bụt.
Có một lần Minh-Can dẫn bạn về nhà chơi, bắt nàng làm cơm đãi khách, nàng không chịu làm, vì làm thì lấy đâu ra thịt, cá cho bữa cơm chiều? Lập tức Minh-Can cùng bạn xúm vào dùng võ đánh nàng. Dù nàng là chị, hơn hai tuổi, lớn trước, nhưng vì Minh-Can học võ, nên nàng đành chịu đòn. Mỗi lần nàng bị đấm, bị đã ngã lăn quay ra, chúng lại reo hò cười nói, tỏ vẻ khoan khoái. Chiều về, nàng đem chuyện mách bố mẹ, thì bà Thiết cau mặt:
– Học thì phải hành. Nó học võ mà không có chỗ thử thì sao biết được kết quả. Nay nó có mượn cái thây thối tha của mày mà đấm đá, thì cũng là vạn phúc cho mày, mày còn đành hanh gì nữa đây?
Từ đấy Minh-Can thường rủ bạn về nhà chơi, mỗi khi thấy Minh-Ðệ, chúng ngứa mắt, lại lôi nàng ra mà đấm đá. Nàng đành nghiến răng chịu đựng.
Một lần, chị Sửu mua thức ăn không nhiều, mà Minh-Can mang những bẩy tám người bạn về nhà đòi làm cơm ăn giữa trưa. Minh-Ðệ vừa mở miệng nói rằng không đủ thức ăn, thì Minh-Can cùng đám bạn xúm vào mà đánh, chửi. Nó hạ lệnh:
– Con ở hôi thối này. Không còn thức ăn thì mày giết hai con gà mái trong chuồng kia cũng được chứ gì?
Biết rằng cãi thì ăn đòn, nàng đành bắt hai con gà đang đẻ làm thịt cho chúng ăn. Chiều hôm đó, bà Thiết về, không thấy hai con gà mái đẻ đâu, bà hỏi, Minh-Can le te đáp:
– Hồi trưa con Ðệ nó giết gà đãi bạn nó là con Ngọc-Nam, Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo cùng với mấy thằng bạn mất rồi.
Minh-Ðệ kinh hãi cãi:
– Thưa mẹ, chính nó đem bẩy đứa bạn về, bắt con giết gà làm cơm đãi. Con chối, chúng nó xúm vào đánh con. Ðây, mẹ xem, khắp người con đầy vết thâm tím đây.
Bà Thiết xỉa xói vào mặt nàng:
– Tiên sư bố mày, mày nứng l... lên, đem trai về nhà, lại bắt gà mái đẻ của tao giết đãi nó, rồi mày lại đổ cho con gái tao ư? Tao phải giết chết mày mới được.
Thế là bà đánh nàng túi bụi. Xưa nay, mỗi lần bị đòn, mà nàng phân trần, thì y như bà Thiết còn đánh đến khi nàng không nói gì mới thôi. Vì vậy nàng nghiến răng chịu mưa roi, bão vọt cho qua.
Sau trận đòn, nàng ra bờ sông ôm mặt ngồi khóc. Nàng khấn Bụt, nói chuyện với Bụt. Nàng chắp tay:
– Lạy Bụt chứng giám cho con.
Rồi nàng kể hết nguồn cơn. Nàng vừa kể xong, thì có tiếng nói trong, êm đềm phát ra:
– Tất cả những gì con đang phải gánh chịu, là do cộng nghiệp từ muôn vàn kiếp trước kết tụ. Nếu nay con cứ chống, cứ tránh né, thì cái nghiệp xưa bao giờ mới giải hết?
Nàng ngửa mắt nhìn lên, thì không phải là Bụt, mà là một bà quần áo trắng. Trong bóng đêm mờ ảo, nàng nghĩ ngay đến đức Quan-Thế-Âm hiện xuống cứu khổ cứu nạn. Nàng thụp lạy:
– Nam-mô cứu khổ, cứu nạn Quan-thế-âm Bồ-tát, xin Bồ-tát thương tình cứu con khỏi cảnh đau khổ này.
– Ðau khổ, đau khổ. Thế con có biết trên thế gian này có không biết bao nhiêu chúng sinh đau khổ hơn con không? Ta cho con bốn câu để giải cái ẩn ức trong tâm. Con hãy nghe đây:
Nhân sinh đô thị mệnh an bài.
Con người ta sinh ra, đã được số mệnh an bài, nhà Phật gọi là nghiệp quả. Khi nghiệp nó tới, thì phải thản nhiên chịu đựng, chứ nếu cứ chống đối thì kiếp sau nó sẽ theo mà đòi mãi.
Nhân thế nan phùng khai khẩu tiếu.
Trong thế gian này, đau khổ đầy dẫy, khó mà mở miệng cười được. Vậy thì con có khổ một mình đâu?
Khởi khả nhân vô đắc vận thời?
Cuộc đời thay đổi, người nào đang khổ rồi cũng có ngày vận tốt nó tới. Con muốn gấp làm chi?
Cử đầu tam xích hữu thần minh.
Ngửa đầu nhìn lên ba thước (75 cm) là có thần minh chứng giám. Con khỏi phải kêu oan!
Qua bốn câu khuyên của Quan-âm, Minh-Ðệ cảm thấy trong người khoan khoái lạ thường. Ngài tiếp:
– Thôi, bây giờ ta tạm giảm cái đau đớn thân xác cho con đã. Con hãy ngồi im, không được động đậy.
Quan-Âm cúi xuống, xòe bàn tay để lên đỉnh đầu, một luồng nhiệt khí chạy khắp cơ thể nàng. Lạ thay, nhiệt khí chạy đến đâu, bao nhiêu cái đau đớn đều biến mất.
Nàng lại thì thụp lạy, Quan-Âm phán:
– Thôi, lạy vậy đủ rồi. Bây giờ ta cho con ba cái bửu bối để tránh khỏi hoạn nạn. Con nhớ nhé, tuyệt đối không được kể cho ai nghe, bằng không con sẽ gặp tai ách ghê lắm.
– Con xin tuân lệnh.
Quan-Âm móc trong túi ra một tập sách nhỏ trao cho nàng:
– Ðây là quyển sách loại bỏ túi, trong có chép bài kinh Bát-nhã, cùng yếu chỉ kinh Kim-cương. Lúc nhàn rỗi, trước khi đi ngủ, con hãy đem ra đọc, cùng suy nghĩ ý nghĩa thâm sâu. Nào, con hãy đọc theo ta.
Gì chứ kinh Bát-nhã thì nàng thuộc lòng, đã đọc hàng trăm, hàng nghìn lần. Nàng cất tiếng đọc:
"Quán-tự-tại Bồ-tát,
Hành thâm Bát-nhã ba-la mật đa thời,
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không,
Ðộ nhất thiết khổ ách.
...........
Yết đế, yết đế, ba la yết đế,
Ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha".
– Con có hiểu nghĩa bài kinh này không?
– Dạ, con hiểu nghĩa Hán-Việt thôi, còn ý thâm sâu thì con không được học.
– Như vậy cũng được rồi. Ta đã kiến giải bài kinh này, và chép trong tập yếu quyết mà ta cho con đây. Khi có thời giờ thì con đem ra mà đọc. Ta cho con một yếu quyết: lúc nào trong lòng cũng phải để trống không, nhãn không, nhĩ không, tỵ không, thiệt không, thân không, ý không. Nhớ đấy, hãy bỏ lục tặc ra ngoài.
Minh-Can nhận tập sách. Quan-Âm tiếp:
– Bây giờ con nhắm mắt, rồi từ từ bỏ hết nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Trước hết bỏ nhãn đã. Con nhắm mắt lại. Bây giờ chỉ tưởng tượng thấy ta đứng trước mặt.
– Ðược rồi, con bỏ, không chú ý đến miệng đắng nữa. Ðược rồi, khá lắm, như vậy bỏ được thiệt rồi đó. Bây giờ không còn nghĩ tới thân mình bị đau đớn, nóng hay lạnh nữa. Ðược. Như vậy vô thân rồi đó. Nào, hãy quên đi, không nhớ tới bị mẹ đánh, bị em làm nhục. Ðược, con quên mau lắm, thế là vô ý rồi. Cuối cùng là vô nhĩ. Con đừng chú ý đến xung quanh nữa, chỉ chú ý đến lời ta nói thôi. Ðược rồi, bây giờ hãy tập trung tinh thần đừng chú ý đến lời nói của ta nữa.
Thế là Minh-Ðệ như người mê đi, không còn biết gì đến xung quanh. Cứ như thế, nàng nhập vào một giấc triền miên thâm sâu không biết bao nhiêu lâu, cho đến khi bàn tay Quan-Âm vỗ lên đầu, nàng mới tỉnh giấc.
Nàng cảm thấy người sảng khoái vô cùng tận. Quan-Âm phán:
– Con ngồi ngay ngắn lại. Ðược rồi. Từ từ hít hơi, hít làm nhiều nhịp. Mắt nhắm, nhưng nhìn vào tỳ-vị (lá lách, dạ dày),tưởng tượng khí từ ngoài vào mũi lên đỉnh đầu, rồi tỏa ra hai thái dương, mặt, cổ, chạy xuống bụng giữa. Ðược rồi. Bây giờ lại thở ra, thở làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí từ bụng giữa xuống chân qua gối, bàn chân. Ðược rồi. Bây giờ lại hít vào, vẫn hít làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí từ hai bàn chân chạy lên bụng trên. Ðược rồi. Bây giờ con thở ra làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí tứ bụng trên lên đầu, rồi ra ngoài.
Sau hai lần hít, thở, người Minh-Ðệ cảm thấy khoẻ mạnh vô cùng. Quan-Âm tiếp:
– Ta cho con ba bảo bối. Một là bài kinh Bát-nhã, hai là phương thức nhập tĩnh, ba là phương pháp thở hít cho khoẻ. Sau này, khi gặp nguy cơ về thần chí, thì chiếu kinh Bát-nhã mà tự giải lấy. Gặp đau đớn thể xác thì nhập tĩnh. Còn như người mệt mỏi thì thở hít. Nhưng nếu con nhập tĩnh rồi thở hít và nhẩm đọc kinh Bát-nhã thì con sẽ có sức khoẻ vô biên.
– Con xin đa tạ ngài.
– Ta có một số yếu quyết, ta đọc cho con. Tùy theo duyên phận, con có ngộ tính cao thì thuộc được nhiều. Còn ngộ tính thấp, thì thuộc ít.
Nói rồi bà đọc:
Âm nhu tâm pháp thị vô song,
Luyện khí, luyện công thực bất đồng.
Khí đắc, công thành, hậu luyện kiếm,
Giải trừ dương lực, phá ngạnh công.
Bà đọc đến đâu Minh-Ðệ thuộc đến đó. Bà đọc một lúc 99 câu, Minh-Ðệ cũng thuộc cả 99. Bà hỏi:
– Con thử đọc lại xem, con thuộc được mấy câu.
Minh-Ðệ đọc thông 99 câu. Bà kinh ngạc:
– Ngộ tính con cao thực. Ðể ta giải thích cho con mười câu đầu, con luyện xong, ta sẽ giải thích tiếp.
Bà giảng giải ý nghĩa mười câu. Minh-Ðệ luyện cho đến khi trời gần sáng thì xong. Quan-Âm phán:
– Kể từ nay ta đặt tên cho con là Yến-Loan. Sau này mỗi khi con dùng tên này, thì người của ta khắp nơi sẽ biết con là đệ tử của ta, mà giúp đỡ con. Ta dặn con một điều, từ nay bất cứ ai hỏi về ba bảo bối mà ta cho con, tuyệt đối con không được tiềt lộ gặp ta trong trường hợp nào. Nhớ không?
– Con ghi nhớ rồi.
Nói rồi nàng cúi xuống đảnh lễ. Sau khi lễ ba lễ, nàng ngẩng đầu nhìn lên, thì không thấy Quan-Âm đâu cả.
Từ đấy nàng âm thầm thở hít, nhập tĩnh, đọc kinh Bát-nhã. Nhưng chưa bao giờ thử kết hợp cả ba thứ lại với nhau. Nàng ngẫm thấy rằng, trước đây người nàng bè bè ra, coi rất chướng mắt. Cứ sau thời gian luyện ba bảo bối, thì sức khoẻ tăng lên, cơ thể thon dần lại, mắt sáng hơn lên.
Mười ngày sau Quan-Âm lại xuất hiện, giải thích thêm mười câu nữa, rồi nàng luyện trong mười ngày là song. Cứ như thế sau chín lần xuất hiện, Minh-Ðệ được Quan-Âm giải thích hết 99 câu. Rồi từ đấy không thấy ngài hiện ra nữa. Còn nàng thì cứ âm thầm luyện một mình.
Tiếng chuông chùa ban mai, làm Minh-Ðệ tỉnh giấc, súc miệng qua loa rồi nàng phải vác một rổ lớn bèo đem thái nhỏ, trộn với cám, nhóm lửa nấu. Vì nấu bằng rơm, nên nàng phải ngồi bên bếp, không rời ra được. Tuy ngồi nấu cám lợn, mà nàng vẫn thở hít, để bồi bổ lại việc mất sức vì không được ngủ.
Nồi cám sôi rồi, thì chị Sửu mới thức giấc, chị le te sai nàng nhặt rau, nấu cơm.
Trời tảng sáng, cả nhà thức giấc. Cơm dọn lên. Cơm chia làm hai mâm. Mâm thứ nhất, ông bà Thiết ngồi với Minh-Can, còn lại tất cả ngồi chung một mâm với chị Sửu. Tuy ngồi không cùng mâm, nhưng bà Thiết luôn luôn hướng đôi mắt cá quả về phía Minh-Ðệ:
– Con trời đánh, tại sao không ngồi cho thẳng lên, mà lại khòm khòm thế kia.
Minh-Ðệ vội ngồi ngay ngắn lại.
– Cái đầu cá rô thế kia mà mày bỏ không ăn à?
Minh-Ðệ vội gắp cái đầu cá rô bỏ vào bát.
– Ðấy, nó ăn cá không à? Không bao giờ nó ăn dưa cả. Ăn hỗn thế thì thôi.
Minh-Ðệ vội gắp dưa ăn.
Minh-Can xen vào:
– Cái thứ hủi mà mẹ cứ nói hoài chi cho mệt. Từ nay mỗi bữa mẹ để bọn con ăn xong rồi cho nó ăn có phải khỏi chướng mắt không?
Bà Thiết như tìm ra cái gì mới mẻ:
– Này chị Sửu, từ nay chị đợi cả nhà ăn xong rồi hãy cho nó ăn nghe.
– Thưa bà vâng.
Vừa lúc đó, có tiếng trống ngũ liên thúc dân làng phải tới bờ sông nhận nhiệm vụ. Có tiếng gọi từ cổng vào:
– Minh-Ðệ ơi! Ði thôi, mọi người đang tụ họp ở bờ sông chờ chúng mình đấy.
Minh-Ðệ vội buông bát đứng dậy, tìm cái móng, khoác áo tơi, chào bố mẹ rồi cúi đầu ra đi. Nếu ai tinh ý, sẽ thấy vai nàng rung động, và hai hàng nước mắt tuôn rơi. Ðến cổng, đám bạn gái reo mừng:
– Ðệ đấy à? Lại khóc rồi. Hôm nay chúng mình vừa vét, vừa nói chuyện, tha hồ mà họp chợ như chim vỡ tổ.
– Tiểu thư Can đâu rồi? À, đời nào bà Thiết cho chân tay nàng lấm bùn nhỉ? Con vàng, con ngọc mà.
Minh-Ðệ lẫn vào trong đám bạn gái. Trong đám bạn gái cùng lứa tuổi với Minh-Ðệ thì có bốn người là Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo, với Ngọc-Nam là thân nhất. Năm người nguyên là bạn học với nhau từ hồi năm sáu tuổi. Ngọc-Nam hỏi:
– Nghe thầy Thái nói, thì Minh-Ðệ phải làm những hai mươi công phải không? Chà, hai mươi ngày thì chịu sao nổi?
Minh-Ðệ thản nhiên:
– Ðành chịu vậy chứ sao? Mẹ bắt thì phải làm.
– Vô lý chi thậm, con nào cũng là con, tại sao Minh-Ðệ lại phải cực khổ cho con Minh-Can sung sướng?
– Tự mẹ mình muốn vậy, thì làm sao bây giờ.
Thanh-Thảo bực mình:
– Nói với Minh-Ðệ tức bỏ bu đi ý. Chính bà ấy không có lấy một chút ý thức nào để tự vệ, thì Ngọc-Nam có nói cũng vô ích.
– Mình là người đọc sách thì phải lấy chữ hiếu làm đầu.
Trinh-Dung lắc đầu:
– Bà làm như vậy mới chính là bất hiếu, chứ không thể coi là hiếu.
– Tại sao?
– Trời ơi! Bà thuộc làu Luận-ngữ, Hiếu-kinh mà không đọc Thuyết-uyển của Lưu Hướng sao? Trong đó Lưu nhắc chuyện thầy Tăng Sâm là người ngu hiếu.
– Nhắc cho mình đi.
Trinh-Dung thuật:
"... Tăng Sâm bừa ruộng với cha, lỡ tay làm đứt mất một ít rễ. Cha là Tăng Tích giận lắm, lấy gậy đánh vào lưng. Tăn Sâm đau quá điếng đi một lúc mới hồi lại. Khi về nhà ông đến thưa với cha rằng:
– Hồi trưa con có tội, đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, con thực là lỗi đạo.
Nói xong ông lùi lại vừa gảy đàn, vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, cho rằng Tăng Sâm không còn đau đớn gì nữa. Khổng-Tử nghe chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, nhờ bạn hỏi ngài rằng mình tội gì? Khổng-Tử đáp:
– Ngày ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ông luôn ở bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha quá tay, mà chết đi, thì có phải làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu đó còn to hơn nữa.
Tăng Sâm nghe lại chuyện, vội đến tạ tội với Khổng-Tử".
Minh-Ðệ chợt tỉnh ngộ:
– Mình nhớ rồi. Cảm ơn Trinh-Dung.
– Cảm ơn! Nhưng rồi Minh-Ðệ không có một chút chí khí nào thì đâu cũng vào đấy.
– Mình sẽ đổi dần dần.
Năm người tới bờ sông. Ðây là con sông nhỏ, chiều ngang chưa quá hai chục trượng. Con sông này là chi nhánh của con sông cái. Sông tuy không sâu, nhưng nó là con sông dẫn nước cho hai ba xã trong việc nông tang. Bấy giờ vào tiết tháng hai, nước sông đang cạn tới đáy, nên rất thuận tiện việc vét lòng cho sâu thêm. Dân làng được chia thành từng toán. Mỗi toán phụ trách vét một quãng. Cứ năm người là một toán. Trong toán, một người dùng móng xới đất, một người đỡ đất, rồi chuyển cho người thứ nhì, người thứ nhì chuyển cho người thứ ba. Người thứ ba chuyển cho người thứ tư. Người thứ tư giữ nhiệm vụ đắp đất lên bờ sông.
Vì hoàng nam bị gửi đi tải lương, nên cứ năm sáu cô gái, mới có người đàn ông. Những người đàn ông này, tuổi trên bốn mươi cả rồi. Có thể nói, họ ở tuổi cha, tuổi chú của Trinh-Dung, Minh-Ðệ. Những người đàn ông được chỉ định cầm móng xới đất. Còn đám con gái thì chuyển, đắp đất. Họ vừa làm, vừa hát, vừa cười đùa hồn nhiên, như không biết gì đến những nguy cơ tại Bắc-biên.
Khi mặt trời mọc cao, thì các bô lão xuất hiện. Các cụ chống gậy đến hỏi thăm, giám sát từng toán một. Cứ khoảng hơn giờ (120 phút ngày nay), thì lại có hồi trống báo hiệu nghỉ một khắc (14 phút ngày nay). Trong lúc nghỉ ngơi, họ nói chuyện huyên thiên. Nào chuyện nhà, chuyện ruộng, chuyện vườn, chuyện đàn gà, chuyện ao cá. Có toán lại nói chuyện cổ tích về những mưu mẹo của người Tầu sai sứ sang gây rắc rồi với vua ta, rồi những thần đồng Việt xuất hiện, đối đáp với sứ Tàu v.v.
Toán của Minh-Ðệ thì chỉ bàn chuyện gia đình nàng, về bà mẹ khắt khe với nàng, và cưng chiều Minh-Can. Trinh-Dung nổi cáu:
– Bà muốn chiều Minh-Can thì chiều, nhưng ít ra nó cũng phải biết điều, chứ có đâu đành hanh đỏ mỏ, đặt điều làm cho chị phải đòn. Mình như Minh-Ðệ mình nhè lúc bố mẹ đi vắng, mình đập cho nó một trận, rồi muốn ra sao thì ra.
Ngọc-Nam lắc đầu:
– Không ổn rồi! Con Minh-Can nó theo học trường Trung-nghĩa hầu, nó có võ, đụng vào nó thì nhừ đòn.
Trinh-Dung lắc đầu:
– Hoàn cảnh của Minh-Ðệ thì họa chăng có đại sư Mộc-Tồn Vọng-Thê mới cứu được mà thôi.
Nghe đến tiếng Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng, mọi người đều im bặt, tỏ vẻ sợ hãi. Minh-Ðệ hỏi:
– Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng là ai vậy?
Ðến đó cụ Lý-trưởng đi qua, nghe Minh-Ðệ hỏi, cụ vẫy tay:
– Làm việc đi, làm việc đi, đừng nói bậy mà chết cả bọn bây giờ.
Thanh-Thảo than:
– Thôi thì chỉ có cách khấn Bụt hiện lên giúp, may ra được mà thôi.
Gì chứ khấn Bụt thì Minh-Ðệ đã khấn nhiều rồi, nhưng chẳng bao giờ Bụt hiện lên giúp đỡ nàng cả. Dù Bụt không hiện ra nhưng Quan-Âm lại giáng trần ban cho nàng ba bảo bối. Vì vậy, đêm đêm nàng vẫn thở hít, nhập tĩnh, và đọc kinh. Nàng chỉ có thể thở hít nhập tĩnh, nhập tĩnh đọc kinh và đọc kinh thở hít, mà không thể vừa đọc kinh, vừa nhập tĩnh, vừa thở hít được.
Cứ như vậy, mười buổi vét sông qua đi, người nào cũng mệt đứ đừ. Sau khi đã hết mười công, họ được nghỉ. Còn Minh-Ðệ lại phải làm mười công nữa thay cho em. Tuy nàng có mệt mỏi, nhưng tối về, thở hít, thì cái mệt lại biến đi mất. Sang buổi thứ mười một, nàng lại được phân công vào toán khác.
Buổi vét sông thứ mười một của Minh-Ðệ chấm dứt vào lúc xế Ngọ.
Vì bị trúng lạnh từ hơn hai ngày trước, thành ra, tối về nàng thở hít, mà khí bế tắc không thông, nên hôm nay nàng mệt nhừ. Vừa về đến nhà, nàng thấy Minh-Can cùng với hai bạn trai, hai bạn gái đang luyện võ với nhau ở sân. Minh-Can thấy nàng về, nó lên lớp:
– Về mau, đun nước pha chè cho khách uống.
Minh-Ðệ thản nhiên vào bếp nấu nước, rồi pha trà. Một người bạn trai của Minh-Can hỏi:
– Con ở nhà chị đấy à?
– Gần như vậy.
Minh-Ðệ đã quen với cảnh này, nên nàng nín nhịn. Vì mệt quá, nàng vào bếp, chui trong đống rơm nằm nghỉ. Vừa thiu thiu thì chị Sửu gọi:
– Ðệ đâu?
Nàng chưa kịp trả lời, thì cái cán chổi đập vào chân nàng hai cái. Ðau quá, nàng nhảy dựng dậy. Chị Sửu quát:
– Có đi xay thóc, dã gạo không? Chiều nay mà không có gạo nấu cơm thì chỉ có chết, nhớ nhá.
Sau khi đập Minh-Ðệ hai cán chổi, chị Sửu ngẫm ra một điều là mọi khi chị đập sẽ thôi, là Minh-Ðệ ôm chân ngồi nhăn nhó một lúc mới đi nổi. Bây giờ nàng chỉ kêu lấy lệ, dường như không đau đớn gì.
Minh-Ðệ vội lấy thúng vào gian nhà chứa thóc, xúc thóc đem ra cối xay. Xay xong lại phải sàng, xảy, rồi đem gạo ra cối dã. Gạo dã xong, thì trời về chiều. Chị Sửu quát:
– Con ngẫn ngờ kia, mau quét nhà, rồi gánh nước rửa chuồng lợn.
Minh-Ðệ tuy mệt nhừ, người hâm hấp sốt, nhưng vẫn phải tuân hành. Nàng gánh được hai gánh nước trót lọt. Ðến gánh thứ ba thì trượt chân ngã lăn xuống đất. Không may, bắp chân chà phải mảnh sành, máu chảy ra chan chứa. Từ chị Sửu, cho tới Minh-Can, cùng mấy đứa em trai là Thắng, Lực đều dương mắt thản nhiên nhìn. Nàng quằn quại một lúc, rồi cố gắng ngồi dậy, uể oải ra vườn tìm cây thuốc dấu, hái mấy lá cho vào cối dã ra, đắp lên vết thương, rồi xé vạt áo cũ băng lại. Lát sau vết thương cầm máu. Nàng lê bước về buồng, nằm xuống nghỉ. Nhưng chị Sửu đã oang oang:
– Con ngớ ngẩn làm bộ, giả đau trốn việc đâu rồi? Có ra ngay không thì bảo?
Ghi chú:
Cây nhọ-nồi: loại cây mọc hoang khắp Việt-Nam. Tên Hán-Việt gọi là Bách-thảo-sương. Tên khoa học là Pulvis Fumu carbonissantus. Khi dã cây này ra, thì có chất mầu đen, giống như nhọ nồi. Cây này tính vị cay, hơi ấm, nhập tâm, phế kinh, tác dụng cầm máu, trợ tiêu hóa, giải độc. Có thể dùng trị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tả lỵ. Chảy máu chân răng: dã nhọ nồi bôi vào. Chảy máu cam: án nhọ nồi khô, thổi vào mũi. Chữa ghẻ ngoài da trẻ con: tán nhọ nồi khô, trộn với mỡ heo, mỡ gà bôi lên. Chữa tả lỵ: nhọ nồi khô uống với cháo nóng, ngày hai lần, mỗi lần 8g.
Minh-Ðệ chưa kịp trả lời, thì tiếng Minh-Can nói:
– Chị để em vào, lôi nó ra cho chị nhá!
– Ừ, em làm dùm chị.
Minh-Can xồng xộc bước vào buồng, nó vung tay tát Minh-Ðệ hai cái, rồi quát:
– Giả đau trốn việc này!
Mọi khi Minh-Can tát, thì Minh-Ðệ cảm thấy đau đớn. Nhưng nay sau hai cái tát với tất cả sức lực dáng vào mặt nàng, mà nàng chỉ cảm thấy hơi ran rát thôi. Minh-Can cũng nhận ra điều đó, thị bẻ quặt cánh tay nàng, rồi nhắc bổng lên, ném ra sân đánh huỵch một cái. Ðau quá, Minh-Ðệ nằm im, không bò dậy được.
Minh-Can cáu:
– Con chết tiệt giả bộ nữa hả?
Nó co chân đá vào mông nàng hai cái. Vốn đã bị đòn nhiều thành kinh nghiệm, Minh-Ðệ ngẫm ra khi bị đòn, nàng cứ nhập tĩnh thực sâu, rồi thở hít, thì cái đau giảm một nửa. Vì vậy nàng nhắm mắt nhập tĩnh rồi thở hít. Hai cái đá khiến thân thể nàng lăn đi hai ba vòng, nhưng nàng vẫn nằm bất động. Thằng Mãnh chạy ra lay nàng:
– Chị Ðệ, chị Ðệ.
Nàng vẫn nằm bất động. Nó oà lên khóc:
– Chị Ðệ chết rồi, mau đi báo làng.
Nói rồi nó chạy vội đi. Chị Sửu vội ngăn lại:
– Con nỡm này nó giả đò đấy, em mà báo làng, thì làng họ nọc cổ em ra họ đánh cho mà coi.
Thằng bé vội ngừng lại. Chị Sửu với Minh-Can vội khiêng Minh-Ðệ vào nhà, rồi đi luộc trứng, đánh cảm. Bấy giờ Minh-Can, chị Sửu mới biết sợ. Chị sờ tay vào ngực nàng, thấy còn thoi thóp thở, nên yên tâm. Chị chỉ mặt thằng Mãnh, Tráng và con Minh-Nhàn:
– Muốn sống thì câm cái miệng, đứa nào hé môi thì tao đập chết, nghe không?
Ba đứa trẻ im lặng gật đầu.
Khi mặt trời lặn, thì ông bà Thiết về. Xe vừa dừng trước ngõ bà Thiết không thấy Minh-Ðệ ra dắt ngựa đi tắm, cùng cho ăn cỏ như thường lệ, bà hét lên:
– Cái con trời đánh thánh đâm đâu rồi? Có ra tắm ngựa hay không?
Minh-Can đon đả cùng bốn đứa trẻ chạy ra:
– A, bố về, mẹ về.
Thằng Lợi chạy đến ôm chân bà, bà đẩy nó ra:
– Làm gì thế này, cút.
Sau khi đẩy đứa trẻ ra, bà chợt thấy nét mặt Minh-Can như có vẻ sợ hãi, tay bà vòng ra ôm lấy cổ con gái:
– Con gái của mẹ. Sao hôm nay ở trường có gì lạ không? Mẹ mua quà cho con đây này.
Bà móc trong bọc ra cái khăn lụa, choàng lên cổ Minh-Can. Thằng Lợi mới có bốn tuổi, thấy mẹ hắt hủi mình, nó ngơ ngác nhìn bà Thiết bằng con mắt sợ hãi, rồi không hiểu nghĩ sao nó òa lên khóc. Ông Thiết vội bế nó lên lên, nó nức nở:
– Chị Sửu với chị Can đánh chết chị Ðệ rồi.
Bà Thiết chép miệng:
– Cứ đánh chết nó đi cũng chẳng sao.
Ông Thiết cau mày hỏi chị Sửu:
– Bây giờ nó ở đâu?
– Thưa ông, sau khi đi việc làng về, cháu bảo nó gánh nước rửa chuồng lợn, nó giả bệnh rồi vào buồng nằm ngủ, mọi việc nào xay thóc, nào dã gạo, nào thổi cơm, em Can phải làm hết.
Lập tức bà Thiết rống lên như trâu gầm:
– Ông thấy không, con trời tru, đất diệt; con tù đâm chó đéo nó như vậy đấy, nó làm khổ cho con tôi, trời hở trời???
Bà cầm hai bàn tay Minh-Can lên xem xét tỷ mỉ dưới ánh đèn, trong lòng đầy xót xa, bà bảo chị Sửu:
– Từ nay trở đi, cái con thiên lôi đánh nó có dở chứng gì, thì mặc nó, chị đừng bắt đứa con châu ngọc của tôi phải làm việc.
Minh-Can xen vào:
– Tự con muốn chính tay mình xay thóc, dã gạo để dâng hiến cho bố mẹ chứ có phải chị Sửu bảo con đâu? Mẹ đừng mắng chị ấy mà con phải tội.
Bà Thiết ôm sát Minh-Can vào lòng:
– Ông thấy con nó có hiếu không? Thực không thua Tử-Lộ đội gạo, đâu kém vua Thuấn. Nó thực được cả người, cả nết, chứ đâu có như con khốn nạn kia.
Ông bà vào nhà thay quần áo, cơm đã dọn lên. Cả nhà ngồi vào hai mâm cơm. Ông Thiết bảo Lực:
– Con vào gọi chị dậy ăn cơm.
Thằng Lực vào buồng nói lớn:
– Chị Ðệ ơi, dậy ăn cơm.
Minh-Ðệ đau đớn, mệt mỏi, lại đang lên cơn sốt, chỉ ngất đi chứ chưa chết. Tuy nhiên trong cái ngất, nàng ngủ được một giấc, thành ra sức lực dần dần trở lại. Nghe tiếng em gọi, nàng nói trong hơi thở hổn hển:
– Các em cứ ăn cơm đi, chị không ăn đâu.
Lực trở ra nói với mẹ:
– Chị Ðệ không ăn cơm.
Bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, mắt bà đỏ gay, mở tròn như hai con ốc ang to. Bà rít lên:
– Mày lại hờn hả? Mày dỗi hả? Có dậy ngay không?
Giữa lúc đó, Minh-Ðệ từ từ tỉnh giấc, tay đau, chân đau, mông bị vết đá tím bầm, nàng nghiến răng ngồi dậy, nhưng vẫn không nổi. Bà Thiết chụp ngay đôi đũa cả rồi lao người vào buồng Minh-Ðệ; không nói, không rằng, bà quất vào mông, vào lưng, vào vai nàng liên tiếp không biết bao nhiêu cái. Mấy cái đầu Minh-Ðệ còn dãy đụa, nhưng mấy cái sau nàng lại ngất đi, không biết gì nữa, mặc cho bà Thiết đánh. Ðánh một lúc mỏi tay, bà Thiết hơi ngạc nhiên, vì thấy Minh-Ðệ không rên siết như mọi khi, bà chán nản ngừng tay:
– Ðể thằng cha mày dạy mày.
Bà ra nhà ngoài rống lên khóc với chồng:
– Ông thấy chưa? Nó làm gan, nằm lỳ ra không chịu dậy. Con ông đấy, ông dạy nó đi.
Kinh nghiệm cho ông Thiết biết, nếu ông đưa ra lời bênh Minh-Ðệ, thì vợ sẽ đánh chết đứa con gái bất hạnh của mình. Nhược bằng ông hùa theo vợ, thì tội cho nó, nên ông im lặng.
Bà Thiết thở hổn hển bảo Minh-Can:
– Con vào nắm cổ nó ném ra ngoài vườn kia cho mẹ. Mẹ không chịu được nữa rồi.
Ðược mẹ sai hành hạ kẻ thù, Minh-Can sướng quá, ả bước vào buồng chị túm áo ngực nàng nhắc bổng lên, rồi chạy ra vườn. Lúc đầu thị định ném nàng ra sau vườn thôi, nhưng bỗng tính ác nổi dậy, thị chạy ra chuồng hôi rồi ném nàng xuống. Bụp, Minh-Ðệ rơi xuống dưới hố đầy phân, đầy dòi bọ ngập đến ngang lưng. Nhưng vừa đau đớn, vừa mệt mỏi, nàng nào biết gì? Ðầu nàng gục vào bờ chuồng hôi.
Ghi chú:
Thời Lý, chưa có cầu tiêu che kín như bây giờ. Thường mỗi nhà hay nhiều nhà chung nhau đào một hố sâu, bắc ván lên để ngồi đi đại tiểu tiện. Xung quanh trồng cây ré để che phòng người ta "nhìn thấy". Cứ mấy ngày, phân nhiều thì đem tro đổ lên trên. Khi nào phân đầy, thì múc lên pha với nước đem bón cây, bón lúa. Trong nhà, mọi người vẫn tiếp tục ăn uống, vui vẻ. Bà Thiết vừa ăn, vừa nói với chồng:
– Không biết ma quái, của nợ ở đâu nó lạc vào nhà này làm khổ cho tôi, làm khổ cho con Minh-Can.
............
Niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ sáu, đời vua Lý Thánh-tông, là năm Kỷ-Hợi (1059), bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Gia-hựu thứ tư, đời vua Tống Nhân-tông.
Bấy giờ vào tiết tháng hai, hoa soan nở rực bầu trời. Mỗi trận gió thổi, là y như những cánh hoa tím nhạt bay lả tả trong không gian. Bên bờ những con sông nhỏ, hoa tầm xuân nở rực lên mầu hồng. Những áng cỏ non ven đường trổ mầu xanh non, mướt như tơ. Giữa cảnh hoa xuân rực rỡ ấy, một kỵ binh phi như bay trên con đường dài. Khi đến cổng làng Sủi, thì ngừng lại. Toán Hoàng-nam gác cổng đồng loạt đứng dậy hỏi:
– Huynh ơi, có công văn gì đấy?
Ghi chú:
Thời Lý, con trai đến tuổi mười sáu, thì được làng làm lễ rất trọng thể, rồi ghi tên vào một cuốn sổ vàng. Kể từ ngày ấy được gọi là hoàng nam (con trai vua). Cũng kể từ đấy, hoàng nam được cấp ruộng công điền để cầy cấy, được tham dự những buổi họp của làng xã, cùng đóng góp vào công việc ích lợi chung trong làng, ngoài nước. Hoàng-nam được coi như một tài nguyên quốc gia. Sang triều Lê, Nguyễn được đổi thành xuất đinh.
Viên kỵ binh vẻ mặt nghiêm trọng nói với người trưởng toán canh cổng làng:
– Anh Tề à. Có lệnh khẩn, tôi cần trao tận tay cho ông Lý, anh đưa tôi vào ngay đi.
Người trưởng toán Hoàng-nam, tên Tề cầm cái dùi đánh vào chiếc mõ hình con cá một hồi lẻ ba tiếng, rồi đứng lên, nói với viên kỵ binh chạy trạm:
– Mời huynh đến nhà cụ Lý với tôi.
Hai người sóng vai vào làng. Trong khi một hoàng-nam khác cầm lấy cương ngựa của viên kỵ binh, cột vào gốc cây bên cạnh. Cụ Lý-trưởng đã khăn áo chỉnh tề đứng đón ở trước cổng nhà. Viên kị binh cúi đầu chào:
– Kính cụ Lý. Có thư của quan huyện Gia-lâm đạt đến cụ.
Ông Lý tiếp thư, miệng cười:
– Mời anh vào uống chén trà đã.
Viên kỵ binh lắc đầu:
– Cháu cảm ơn cụ nhiều, để khi khác. Cháu còn phải chạy trạm nữa.
Ghi chú:
Thời Lý, Trần, những kị binh chạy trạm, đem lệnh từ phủ huyện hay triều đình đi các nơi, được dân chúng, hương đảng quý mến, chiều đãi vì họ là những người có đức hạnh tốt, lại phải học lễ nghĩa rồi mới được giao việc. Từ đời Lê về sau, thì triều đình, hay nghe lời lính trạm bắt tội hương đảng, nên bọn lính trạm thường hống hách vô cùng. Hơi tý là hoạnh họe, đòi tiền, đòi ăn uống.
Viên kỵ binh lễ phép chào rồi ra đi. Cụ Lý cầm bao thư lên xem, ngoài đóng dấu con chim ưng bay trên trời, chân cặp hai thanh gươm. Kinh nghiệm giúp cụ biết đây là công văn của Khu-mật viện. Cụ vội mở ra đọc. Bức công văn khá dài, đến bốn tờ giấy. Ðọc xong, cụ bảo Tề:
– Cháu đánh trống mời quan viên ra đình làng họp khẩn cấp.
Tề trở về điếm cánh, cầm dùi đánh trống. Mới sau một khắc, mà dường như tất cả chức sắc trong làng đã lục tục kéo đến đình. Như thường lệ, quan viên làng ngồi làm bốn chiếu trên bốn bệ. Bệ cao nhất dành cho các vị quan lớn về hưu, bệ này cao đến hơn ba thước (75cm). Bệ thứ nhì cao hai thước, dành cho các vị đỗ đạt. Bệ thứ ba cao hơn thước dành cho ông tiên chỉ, lý trưởng, phó lý, trương tuần. Các chiếu còn lại dành cho trưởng xóm, cùng các viên chức khác.
Ghi chú:
Hồi này thuật thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu, thường gọi tắt là Ỷ-Lan thái hậu (1059). Mọi sự kiện tôi căn cứ vào cuốn phổ mà tiền nhân tôi để lại. Phần cuối cuốn phổ có chép hương ước của làng Siêu-loại, tức làng Sủi là quê hương ngài. Hương ước này làm vào niên hiệu Thiên-phù Duệ-vũ nguyên niên đời vua Lý Nhân-Tông, tức năm Canh-Tý 1120. Như vậy hương ước làm sau khi Ỷ-Lan thái hậu băng ba năm, tôi chắc những thủ tục điều hành trong làng chưa thay đổi làm bao so với hồi ngài còn niên thiếu, bởi chỉ cách nhau 61 năm. Làng Siêu-loại nay thuộc xã Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội.
Lý trưởng đứng lên cung tay:
– Trình trên có các quan lớn, các chức sắc. Quan huyện Gia-lâm mới đạt thư khẩn cấp đến cho làng ta.
Cụ Tiên-chỉ hỏi:
– Có chuyện gì rồi ư?
– Vâng, quả thế. Quân Tống lại xâm lăng vào Bắc-biên. Vua bà Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái cấp báo về triều đình. Long-Thụy hoàng đế họp đình thần. Quan Tư-không Lý Ðạo-Thành, quan Tể-tướng Dương Ðạo-Gia, quan Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu bàn nên sai sứ sang cáo với Tống triều. Quan Thái-sư Dương Bình, Thái-úy Quách Kim-Nhật, cùng với quan Tả kiêu-vệ đại-tướng quân Lý Thường-Kiệt bác ý kiến, đòi áp dụng chính sách Bắc-cương của Khai-Quốc vương.
Trưởng giáp Nhất hỏi:
– Cụ Lý à, cháu còn trẻ, không biết rõ chính sách Bắc-cương ra sao, xin cụ chỉ dạy cho.
Cụ Lý được dịp bầy tỏ sở kiến của mình:
Nguyên vào niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy (1026), quan Thái-sư phụ quốc thái úy là Khai-Quốc vương cùng triều đình Bắc-biên họp mấy ngày, rồi đưa ra đường lối đối phó với bọn biên thần Tống hiếu sự. Chính sách gồm bẩy điều. Nhưng điều quan trọng nhất là: đối với triều đình thì hậu lễ, lời khiêm. Ðối với bọn biên thần thì thẳng tay dùng sức mạnh.
Ghi chú:
Xin đọc Anh-hùng Bắc-cương, cùng tác giả, 4 quyển.
Ông Phó lý hỏi:
– Vụ Tống dở quẻ ra làm sao xin cụ nói cho rõ để cả làng được hiểu.
Lý trưởng bỡ ngỡ một chút rồi hướng vào một người già, tóc bạc phơ, nhưng không râu, ngồi ở chỗ cao nhất:
– Vụ này Quân-hầu biết nhiều, xin Quân-hầu giảng cho.
Lão già gật đầu nói:
– Ðược, được chứ.
Một thanh niên hỏi bạn:
– Ông này có phải là Trung-nghĩa hầu không? Lý lịch ông ra sao?
- À, ông có tên là Trịnh Quang-Thạch, vốn là gia tướng của quan Kiểm-hiệu Thái-phó, Tả-bộc-xạ, Ðồng-trung-thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám tu quốc sử Dương Ðức-Thành, tức Tể-tướng thời vua Thái-tông. Hồi trẻ ông hầu tiểu thư con quan Dương tể tướng. Sau tiểu thư tiến cung được phong Thiên-Cảm hoàng hậu, ông tự thiến làm thái giám hầu Hoàng-hậu. Vì ông có võ công cao, cùng văn tài, nên dần dần được thăng lên đến chức Nhập-nội đô-tri. Ông cũng có thời cầm quân. Lúc về hưu, ông được thăng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, tước Siêu-loại hầu. Vùng mình ở đây là ấp phong của ông. Khi mới được phong, ông đem tông tộc, rồi mượn thêm một số nhân sĩ, mở ra trường Trung-nghĩa để dạy văn, luyện võ cho thiếu niên. Hiện có rất nhiều võ tướng, văn quan xuất thân từ trường ông, nên ông có uy tín với triều đình.
– Hèn gì ai cũng cung cung kính kính với ông.
Siêu-loại hầu nói:
– Từ xưa đến giờ biên giới Tống-Việt thường ngăn cách bằng 207 trang ấp. Các trang ấp này là lạc ấp còn sót lại từ thời vua Hùng. Mỗi trang là một giòng họ, người cai trị là một lạc hầu. Người Hán gọi là khê động. Các khê động thường bị biên thần Tống lấn áp, đe dọa, vì vậy khi thì họ theo Tống, khi thì họ theo Việt. Vào thời vua Thái-tông, Khai-Quốc vương giúp cho tộc Nùng nổi lên, đánh chiếm Lưỡng-quảng. Nùng Trí-Cao được tôn làm Nhân-Huệ hoàng đế (1052), quốc hiệu là Ðại-Nam. Nước Ðại-Nam bao gồm lãnh thổ 107 khê động với Lưỡng-Quảng. Ðại-Nam, Ðại-việt, Ðại-lý, Lão-quan, Xiêm-la, Chân-lạp, Chiêm-thành kết thành tộc Việt, để chống lại Tống, nếu Tống xâm lăng.
Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn cử tọa rồi tiếp:
– Nhưng khi Trí-Cao đắc thế rồi thì y lại muốn dùng 9 tộc Nùng cai trị các tộc Mán, Thái, Trang, Mèo, Lô-lô, Tày. Các lạc hầu của 198 tộc khác chống lại. Trí-Cao thẳng tay đàn áp. Y còn bắt các tộc khác bỏ phong tục, tiếng nói của mình, mà học tiếng Hán, chữ Hán. Thế là Ðại-Nam bị rạn nứt. Thấy việc nguy hại, vua bà Bình-Dương phải can thiệp. Nhưng Trí-Cao cho rằng nước mình còn lớn hơn Ðại-Việt, dân đông hơn tất cả các nước thuộc tộc Việt, nên y không nghe. Sau cùng chính vua Thái-tông sai sứ sang khuyên răn, y cũng không nghe. Vì vậy, 198 tộc khác bỏ Ðại-Nam, xin trở về với Ðại-Việt, rút lại lãnh thổ của y chỉ có 9 khê động Nùng với phần đất Lưỡng-Quảng. Tống dò được tin đó, sai Ðịch Thanh mang đại quân sang đánh. Người Hán tại Lưỡng-Quảng nổi lên theo Tống. Lúc đầu Trí-Cao thắng được mấy trận. Sau bị bại, mất hết vùng Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu. Y vội rút về Quảng-Tây. Biết thế nguy, y cầu cứu với vua Thái-tông.
Ông ngừng lại, nhấm một chung trà. Ðám thanh niên trẻ nhao nhao lên hỏi:
– Thưa cụ thế Ðại-Việt có cứu Trí-Cao không?
Siêu-loại hầu hỏi ngược lại:
– Theo chư vị, Ðại-Việt có nên cứu hay không?
Lập tức cả đình ồn lên bàn tán, kẻ thì bảo nên cứu, người thì bảo không nên. Siêu-loại hầu hỏi một trung niên nam tử:
– Thầy đồ Thái, thầy là người có kiến thức, thầy cho biết ý kiến?
Làng Thổ-lội có hai thầy đồ dạy chữ. Thầy thứ nhất ăn lương của trường Trung-nghĩa, họ Trần, tên là Trọng-San. Thầy đồ thứ nhì ăn lương vua, họ Quách tên Sĩ-An, nhưng vì cụ Tiên-chỉ trong làng cũng tên là Sĩ-An, nên thầy xin đổi là Thái, để kiêng húy vị ngồi đầu hương đảng. Nghe Siêu-loại hầu hỏi, thầy đứng dậy cung tay:
– Thưa cụ, nếu cháu là vua Thái-Tông thì cháu cứu y.
Lập tức có nhiều tiếng ồn ào:
– Không cứu tên phản bội. Không, không cứu.
Thầy đồ Thái nói:
– Thưa cụ, theo như cháu nghĩ, người xua quân đánh chiếm Lưỡng-Quảng là Khai-Quốc vương chứ không phải vua Thái-Tông. Chính Vương đã ứng mệnh trời, hợp lòng người, cùng võ lâm suất lĩnh tộc Việt tiến đánh chiếm lại đất cũ thời vua Hùng. Vương giao cho tiên-cô Bảo-Hòa tổng chỉ huy. Còn sắc dân Nùng với Trí-Cao chỉ có một đạo quân nhỏ. Ngôi vua với nước Ðại-Nam như từ trên trời rơi xuống cho Trí-Cao với 9 khê động Nùng. Nên sau khi lên ngôi vua, Trí-Cao bắt buộc phải dùng người Hán, dùng văn tự Hán. Dĩ nhiên người Hán khuyên y nên tách khỏi tộc Việt thành một nước riêng. Cái ngu của Trí-Cao là phía Bắc Ðại-Nam tiếp giáp với vùng Kinh-hồ của Tống. Vùng này vua Tống phong cho phò mã Tự-Mai làm Kinh-Nam vương. Ðáng lẽ Trí-Cao phải biết rằng Kinh-Nam vương là người dùng binh giỏi nhất Hoa-Việt, y cứ dựa vào Vương để Vương làm bức tường trấn Tống cho, thì Ðại-Nam vững như bàn thạch. Ðây y lại vô lễ với Vương. Y viết thư cho Vương mà dám xưng trẫm, coi như mình là Hoàng-đế, còn Vương chỉ là một quận vương mà thôi. Nên Vương mới để cho Ðịch Thanh đem quân vượt Kinh-Nam đánh y. Bây giờ, quân Tống đến đánh, tất nhiên người Hán phản y về với Tống, y lâm đường cùng. Nếu ta cứu y, thì sau này vĩnh viễn y phải quy phục Ðại-Việt.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Siêu-loại hầu nói:
– Khi Ðịch Thanh tới đánh Trí-Cao thì Khai-Quốc vương đang vân du tại Chân-lạp. Vua Thái-Tông không chịu cứu y. Khai-Quốc vương được tin, trở về, xin vua xuất binh cứu Trí-Cao. Vua bằng lòng, nên Vương sai Trấn-Bắc đại tướng quân Vũ Nhĩ đem đạo quân biên phòng vượt biên đánh phía sau Ðịch Thanh. Nhưng khi quân ta vừa vào đất Tống thì toàn thể nước Ðại-Nam đã bị Ðịch Thanh chiếm. Vì vậy Vũ Nhĩ phải rút quân về (1053).
Hầu thở dài:
– Chuyện đó vừa dứt thì vua Thái-Tông băng hà. Thấm thoát nay đã bẩy năm (1059). Sau khi Ðịch Thanh diệt Trí-Cao, y tổ chức lại vùng Lưỡng-Quảng. Triều đình Tống biết dùng những tướng bại trận để trấn Nam-thùy, vì họ có kinh nghiệm. Nhưng chính bọn này lại hay gây rối.
Phó lý hỏi:
– Bẩm quân hầu, đó là những tên nào vậy?
Một trong những viên quan có tài là Tiêu Chú. Y xuất thân tiến sĩ, nhưng giỏi việc binh. Hồi Trí-Cao đánh, y làm chức Tri huyện ở Quảng-châu. Y khôn khéo rút quân về vùng Chương-giang, đợi Ðich Thanh tới đánh, y mới phản công. Chính y bắt sống được mẹ và con Trí-Cao. Sau khi Trí-Cao bị dẹp, Tống phong cho y coi Ung-châu, cuống họng của Tống thông với ta. Y có ý định đánh lấy Ðại-Việt. Y cho tuyển quân, huấn luyện, gửi tế tác sang ta. Y đã nhiều lần dâng biểu về triều để xin trình bầy phương lược đánh Ðại-Việt. Nhưng quan trên của y là Lý Sư-Trung, Tiêu Cố luôn bác ý kiến của y. Vả trong triều, vua Tống là anh em kết nghĩa của Kinh-Nam vương Tự-Mai, ngài chủ trương giữ vững mặt Nam, để chống mặt Bắc, nên Chú không làm được gì. Nhờ Kinh-Nam vương Tự-Mai cho biết rõ ý vua Tống cùng bọn quan coi Quảng-Tây không muốn gây hấn ở Nam-phương, vì vậy vua Thái-tông mới cương quyết: hơi đụng chạm là phản ứng thực mạnh. Nên nay mới có việc đem Thiên-tử binh lên để làm cho Tống kinh hãi.
Ghi chú:
Sự kiện này chép trong Tống-sử, quyển 332, trang 10.676, Lý Sư-Trung truyện. Trang 10.690 Lục Sằn truyện. Quyển 334, trang 10.727 Thẩm Khởi truyện. Trang 10.732 Tiêu Chú chuyện.
Phó lý hỏi:
– Vậy bây giờ Tống dở quẻ, không rõ Long-Thụy hoàng-đế quyết định sao?
Lý trưởng đáp:
– Ngài đồng ý giải quyết theo chính sách Bắc-cương thời Thuận-thiên. Ngài truyền cho Tả kiêu-vệ đại tướng quân, Thái-hà hầu Lý Thường-Kiệt mang mười đạo Thiên-tử binh lên Bắc-cương đặt dưới quyền vua bà Bình-Dương, để đối phó với giặc. Vì vậy quan huyện Gia-lâm truyền cho làng ta phải cấp một trăm dân đinh chuyên chở lương thảo trong vòng một tháng.
Ghi chú:
ÐVSKTT, Lý Kỷ: Năm Kỷ-Hợi, niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh nguyên niên, (Tống niên hiệu Gia-hựu năm thứ tư) mùa xuân, tháng ba, đánh Khâm-châu nhà Tống, dương oai rồi rút về, vì (vua) ghét Tống phản phúc.
Các quan viên xã đồng ồn lên những tiếng bàn tán xôn xao. Cụ Tiên-chỉ hỏi Trương-tuần:
– Anh Huy, anh có thể cấp được trăm Hoàng-nam ngay ngày mai không? Làng ta có đủ lương thực cho trăm Hoàng-nam ăn một tháng không?
Trương tuần Huy gãi đầu:
– Bẩm cụ được chứ. Tính tuổi từ mười ba đến ba mươi, xã mình có hơn hai trăm xuất đinh. Hiện nay ruộng mới cấy, công việc đồng áng tạm ổn. Tuy nhiên xã mình đang có vụ khơi sâu lòng con lạch dẫn nước. Nếu nay lấy đi trăm hoàng nam, thì phải tạm ngưng vét lạch. Còn lương thảo thì làng mình dư giả.
Siêu-loại hầu dơ tay lên, ý muốn nói, lập tức trong đình im phăng phắc. Tiếng cụ oang oang:
– Nước Ðại-Việt ta có truyền thống nam hùng, nữ kiệt. Nay nhân lúc không bận việc nông tang, khi nam phải ra trận, thì nữ thay thế vét lạch. Ta tuy tuổi trên bẩy mươi, nhưng sức còn tráng kiện, ta cũng ra vét lạch với bọn cháu chắt. Bà nhà ta thì thổi xôi, nướng gà cho chúng ăn.
Lập tức các cụ già chiếu nhất cũng hưởng ứng:
– Quân hầu đã dạy thế thì chúng tôi cũng xin theo gương quân hầu.
Cụ Lý lắc đầu:
– Bẩm các quan dạy thế, chứ bọn con đâu dám.
Một cụ già cười:
– Bọn già này chưa chết mà, chúng tôi tuy chân tay run, không vét kinh được, thì cũng chống gậy ra kể chuyện đời xưa cho bọn cháu gái nghe, hầu cổ động lòng hăng say của chúng.
Buổi họp định rõ những Hoàng-nam nào được cử đi vận lương; những phụ nữ nào phải đi vét lạch. Tuy buổi họp diễn ra êm đẹp, vì người người đều một lòng với đất nước, một lòng với làng xã. Nhưng khi chấm dứt, thì gà đã lên chuồng khá lâu, bóng đêm phủ xuống trong làng. Mọi người thư thả ra về, trong làng rộn lên niềm vui, vì tin tưởng rằng ta sẽ thắng giặc Tầu.
Trương tuần Huy nói với thầy đồ Thái, trưởng giáp Nhì trong làng:
– Này thầy đồ Thái, giáp thầy có bao nhiêu Hoàng-nam đi biên?
– Gần như hết. Còn thanh nữ thì mất bốn đứa phải đi vét lạch, bây giờ tôi đi báo cho cha mẹ chúng biết.
Thầy đồ Thái đến xóm Nhì, tới trước cổng một căn nhà thanh lịch, thầy giật chuông. Một thiếu nữ cầm đèn chạy ra, thấy ông, cô vội cung tay:
– Lạy thầy ạ. Mời thầy vào chơi.
– Minh-Ðệ đấy à. Bố, mẹ có nhà không?
– Thưa thầy bố mẹ con sắp về đấy ạ, rước thầy an tọa ạ.
Thầy đồ Thái hỏi:
– Minh-Ðệ à, con đã hiền hậu, lại học giỏi, sao không thi vào trường Trung-nghĩa mà học? Bỏ học uổng quá.
– Thưa thầy tại vì nhà con thiếu người làm, nên mẹ con bảo con ở nhà làm việc đấy ạ.
– Kể cũng lạ, với hoàn cảnh nhà con, thì mượn đến mười người ở cũng cứ được đi. Con vừa thông minh, cần cù, lại có đức tốt, mà bỏ học thực đáng tiếc. Trong khi Minh-Can vừa hung dữ, vừa đành hanh đỏ mỏ, thì lại cho đi học. Khó hiểu quá.
Minh-Ðệ rơm rớm nước mắt:
– Thưa thầy tuy không được đến trường nữa, nhưng con vẫn đọc sách để hiểu biết thêm. Con lại mượn sách của Trinh-Dung về đọc cho khỏi quên.
– Ừ, như vậy cũng được. Con đã được học Tứ-thư, Ngũ-kinh, Bắc-sử, Nam-sử, lại biết làm thơ, làm phú. Như vậy tạm đủ. Nhà Trinh-Dung có nhiều sách quý, con mượn về đọc để mở mang kiến thức. Cổ nhân dạy rằng: học thầy không tầy học bạn. Thế con đã đọc thêm được những bộ nào?
– Thưa thầy con đọc thêm được bộ Chiến-quốc sách, Lục-thao, Tam-lược, Tôn-Ngô binh pháp, Ðạo-đức kinh, Nam-hoa kinh, Hàn-Phi tử.
– Chà, con đọc rộng đấy. Sách của Ðạo gia chỉ đọc để biết mà thôi, chứ không ích lợi gì. Con nên tìm đọc về sử. Với sử, mỗi kỷ, mỗi thế gia, mỗi truyện là một tấm gương sáng cho mình. Trong tất cả học trò của làng, thầy thấy con có ngộ tính cao nhất, tiếc rằng con không được theo học thêm. Thôi, vua Trưng, cùng chư tướng như Trưng Nhị, Thánh-Thiên, Trần Quốc đâu có ai được học nhiều.
– Ða tạ thầy.
Ðến đó có tiếng xe ngựa long cong, rồi ba người xuống xe. Minh-Ðệ đon đả chạy ra cầm lấy giây cương ngựa:
– Bố ơi, mẹ ơi, có thầy đến chơi.
Một trung niên nam tử dáng người thanh nhã, cung tay:
– Kính thầy. Thầy đi họp việc làng có tin gì lạ không? Ðệ, con pha trà mời thầy.
Chủ khách yên vị, thầy đồ nói:
– Anh Thiết này. Nước nhà có sự, dùng binh ở Bắc-biên. Làng ta phải cấp trăm hoàng nam chuyển lương. Các cụ trong làng quyết định bắt đám thanh nữ vét lạch thay cho đám hoàng nam. Trong nhà ông thì Minh-Ðệ, Minh-Can phải góp mỗi cháu mười công.
Một người đàn bà tầm thước bước xuống xe cùng một cô gái ngang tuổi với Minh-Ðệ, nhưng quần áo lụa sang trọng vô vùng. Thầy đồ Thái đứng dậy:
– Chào chị Thiết.
– Chào thầy.
Ðến đó Minh-Ðệ bưng nước ra, khép nép cúi đầu:
– Mời thầy xơi nước ạ, mời bố mẹ xơi nước ạ.
Người đàn bà cau mày nhìn Minh-Ðệ như nhìn con quái vật:
– Mày có câm cái mõm mày đi, rồi cút vào nhà không? Ra đây làm gì? Minh-Can đâu?
Minh-Ðệ cúi đầu vào nhà, thiếu nữ quần áo sang trọng cung tay:
– Thưa thầy ạ.
– Không dám, Minh-Can hồi này ra sao?
– Thưa thầy con theo học trường Trung-nghĩa, văn, võ đều tiến lắm ạ.
Bà Thiết hỏi:
– Này thầy, nhà tôi phải góp hai đứa, mỗi đứa mười công. Như vậy tôi xin để con Minh-Ðệ làm cả hai mươi công có được không? Trời tháng hai mưa phùn, gió bấc lạnh thế này, mà bắt con Minh-Can đi đắp đất bùn ở lạch thì chết chứ sống sao được.
Thầy đồ Thái ngạc nhiên:
– Trong hai đứa, tôi thấy Minh-Can khỏe hơn Minh-Ðệ nhiều. Nếu phải thay thế thì Minh-Can phải thay Minh-Ðệ mới phải chứ?
– Thầy ơi, con Minh-Can là vàng là ngọc của nhà tôi, mới cần giữ sức, chứ con Minh-Ðệ, nó có chết cũng không sao.
Thầy đồ tỏ ý bất mãn:
– Tôi chỉ biết truyền lệnh của làng, còn cử ai đi là việc của gia chủ.
Nói rồi thầy từ tạ bước ra khỏi nhà. Bà Thiết để chồng tiễn thầy đồ. Bà gọi hai con gái lại:
– Sáng nay con Minh-Ðệ đã dã bèo cho lợn ăn chưa?
– Thưa mẹ rồi ạ.
– Mày đã giặt quần áo chưa?
– Thưa mẹ xong rồi ạ.
Minh-Can xen vào:
– Nó chỉ giặt quần áo của bố mẹ, của nó thôi. Còn quần áo của con, nó bỏ lại. Con bảo nó giặt, nó lủng bủng, rồi lờ luôn.
Bốp, bốp. Bà Thiết tát Minh-Ðệ hai cái. Gò má nàng nổi lên những nốt ngón tay đỏ hỏn:
– Này bướng này! Này hỗn này. Từ nay mày mà không giặt quần áo cho nó, thì tao dần vào xác mày.
Minh-Ðệ xoa tay vào má:
– Thưa mẹ, con cho lợn ăn, rồi giặt quần áo. Giặt chưa xong, con phải ngừng lại thổi cơm. Con đợi ăn xong, sẽ giặt tiếp chứ có phải con không giặt đâu? Nó là em, cũng khoẻ mạnh như con, sao nó không giặt, mà bắt con giặt?
Bốp, bốp. Bà Thiết tát cho Minh-Ðệ hai cái nữa, nàng ngã chúi xuống nền nhà:
– Mày còn so bì hả? Bà đánh cho mày chết thì thôi. Cái ngữ như mày mà cũng so đo với nó được sao.
Bà tru tréo lên:
– Hừ, mày là cái thứ bèo bọt, cái thứ tôm tép; còn nó là tiên nga, là công chúa. Mày không biết thân, dám so đo. Hứ! Bà nói cho mày biết, mai mày phải dậy sớm dã bèo, nấu cám lợn, giặt quần áo, sao cho tờ mờ sáng phải xong, rồi mang móng ra đình làng để theo người ta đi vét lạch. Nhớ đấy, mày phải làm thay cho con Minh-Can nữa. Ði!
Minh-Ðệ lau nước mắt, ra bờ sông giặt quần áo.
Minh-Ðệ là con đầu lòng của một gia đình khá giả trong làng Sủi. Phụ thân nàng, ông Thiết là người theo đòi nghiên bút. Dáng người mảnh khảnh, tính tình ôn nhu văn nhã, lại có học, đúng ra năm mười tám hai mươi, bố mẹ đã hỏi vợ cho ông. Nhưng vì theo đuổi việc học, lại lận đận nơi quan trường, nên mãi năm 24 tuổi, ông mới kết hôn với một thiếu nữ môn đăng hộ đối, 16 tuổi tên Vũ-thị Tỉnh. Nhưng sau ba năm, bà Tỉnh không có con. Song thân lại hỏi cho ông người con gái kẻ chợ tên Minh-Giang. Sáu tháng sau Minh-Giang mang thai, đẻ ra Minh-Ðệ. Còn bà Vũ-thị Tỉnh thì bỏ nhà ra đi. Minh-Giang không phải là một thiếu nữ xinh đẹp, dáng người nàng cao lớn, trông hơi thô, giọng nói đục đục, pha với cái oang oang, thành ra hơi giống tiếng người quát tháo. Minh-Giang cũng được theo học chút ít chữ nghĩa.
Không hiểu sao, ngay từ khi sinh ra, dù là con đầu lòng, Minh-Ðệ không đã bị bà mẹ ghét cay ghét đắng. Minh-Ðệ được trao cho người vú nuôi, ăn ngủ cùng vú, thảng hoặc ông Thiết có bế bồng thì bà vợ cau có nhìn ông như không hài lòng. Mỗi lần Minh-Ðệ khóc, là lập tức bị mẹ tát cho hai cái liền. Vì vậy suốt cuộc đời thơi ấu, mỗi lần thấy mẹ,là y như Minh-Ðệ tìm chỗ trốn, như phải thấy một cái gì kinh hãi trên thế gian. Minh-Ðệ sống cô độc với vú, sống với người ở, nàng không được hưởng một chút gì về tình mẫu tử. Vì mẹ coi con như một thú vật bất đắc dĩ phải nuôi trong nhà, nên từ vú, đến người ở đều nuôi Minh-Ðệ như nuôi lợn, không mấy thiết tha chăm sóc. Minh-Ðệ thơ thẩn chơi một mình, đứa trẻ luôn kinh sợ, không biết khi làm cái này, có bị đánh không? Nói điều kia có bị chửi không?
Hai năm sau nữa, Minh-Giang lại sinh ra một gái, đặt tên là Minh-Can, với ngụ ý đứa con này là gan là ruột của mình. Lạ thay, vừa sinh ra, Minh-Can đã được mẹ yêu thương cực kỳ. Bà không mượn vú, mà đích thân mình nuôi. Mọi săn sóc như tắm rửa, thay quần áo, nhất nhất bà đều tự tay làm. Sau Minh-Can đến hai con trai tên Mãnh, Tráng, một con gái tên Minh-Nhàn, cuối cùng là đứa con trai tên Lợi. Tuy có sáu mặt con, nhưng bà cũng rửng rưng không mấy quan tâm đến chúng. Bà chỉ không quan tâm, chứ không đến nỗi ghét như đối với Minh-Ðệ.
Triều Lý tôn sùng đạo Phật, nên không có việc trọng nam khinh nữ, lại nữa hào quang của vua Trưng cùng 162 tướng còn sáng rực. Mới đây thời Thuận-thiên (1010-1028) những danh tướng như vua bà Bình-Dương đương kim trị vì Bắc-biên kiêm chưởng môn phái Mê-linh; trưởng đại công chúa Bảo-Hòa, chưởng môn phái Tản-viên, sư phụ của đương kim thiên tử; Vương-phi Khai-Quốc vương Thanh-Mai; các công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Côi-Sơn... với những trận đánh sang Tống kinh thiên động địa. Cho nên trong hương đảng, ngoài lăng miếu phụ nữ được tôn trọng, con gái được hoc văn, luyện võ như con trai.
Làng Sủi có ba trường học lớn. Một trường của thầy đồ Thái, ăn lương vua, dạy khai tâm cho trẻ con. Khi học trò trường làng có trình độ khá, mới nhập học trường của Trung-nghĩa đại tướng quân Siêu-loại hầu. Trường này thường được gọi là trường Trung-nghĩa hầu. Trường dạy cả văn lẫn võ. Trường thứ ba cũng dạy văn, luyện võ, nhưng hơi xa, điều kiện thu nhận khó khăn hơn, đó là chùa Dâu. Sư trưởng của chùa, thuộc phái Tiêu-sơn, phái võ xuất thân của vua Thái-tổ nhà Lý, đương kim chưởng môn hiện là Quốc-sư. Nên những học sinh được thu nhận đều trở thành đệ tử Tiêu-sơn, điều mà tất cả phụ huynh đều mơ ước con mình được thu nạp.
Chị em Minh-Ðệ, Minh-Can đều theo học với thầy đồ Thái. Bà Thiết chỉ theo dõi đường học vấn của Minh-Can. Còn Minh-Ðệ học ra sao, ăn ra sao, bệnh thế nào bà không biết tới. Bà xử dụng nàng như con ở, thứ con ở bị khinh miệt bị hắt hủi, để hầu Minh-Can. Hơi một tý là bà đánh, bà chửi. Minh-Can lại đành hanh, đụng chút là khóc bù lu bù loa, bịa chuyện mách mẹ, để Minh-Ðệ phải đòn. Bà ra lệnh: khi bà đánh, mắng thì Minh-Ðệ tuyệt đối phải cúi đầu chịu đựng, không được khóc, không được cãi, cũng không được nói
Chị em Minh-Ðệ, Minh-Can đều theo học với thầy đồ Thái. Bà Thiết chỉ theo dõi đường học vấn của Minh-Can. Còn Minh-Ðệ học ra sao, ăn ra sao, bệnh thế nào bà không biết tới. Bà xử dụng nàng như con ở, thứ con ở bị khinh miệt bị hắt hủi, để hầu Minh-Can. Hơi một tý là bà đánh, bà chửi. Minh-Can lại đành hanh, đụng chút là khóc bù lu bù loa, bịa chuyện mách mẹ, để Minh-Ðệ phải đòn. Bà ra lệnh: khi bà đánh, mắng thì Minh-Ðệ tuyệt đối phải cúi đầu chịu đựng, không được khóc, không được cãi, cũng không được nói năng gì. Năm mười tuổi bà cho Minh-Can thi vào trường của Trung-nghĩa hầu. Minh-Ðệ cũng xin cha mẹ cho thi. Lập tức bà Thiết mắng:
– Cái ngữ như mày, ăn không nên đọi, nói không lên lời, học hành được dăm ba chữ mèo cào, mà cũng xin thi vào trường quan ư? Ăn mày đòi xôi vò, sao mày không lên núi Tản xin tiên cô Bảo-Hòa thu làm đệ tử, rồi sau gả mày cho Thái-tử một thể. Hừ! Người chẳng đáng giá hòn chì. Ba hồn bẩy vía đòi đi võng đào.
Bà nói nói bâng quơ một mình:
– Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy.
Minh-Can đậu vào trường Trung-nghĩa hầu, học văn, luyện võ, nghiễm nhiên trở thành thiếu nữ được khắp huyện kính trọng, với những hy vọng vào tương lai. Tuy mới mười tuổi, nhưng đã có nhiều gia đình danh giá đánh tiếng kết thân.
Còn Minh-Ðệ thì được cho nghỉ học, ở nhà giúp việc, phụ với người ở. Nàng trở thành người ở bậc nhì, loại người ở không công để hầu hạ Minh-Can cùng các em. Không được học, nhưng Minh-Ðệ vẫn âm thầm đọc sách. Ngoài những sách của bố có sẵn, Minh-Ðệ còn mượn thêm sách của nhà Trinh-Dung để đọc thêm. Hóa cho nên cái cô đơn, phẫn hận, khiến Minh-Ðệ âm thầm đọc sách, kiến thức trở thành rất rộng, mà trong nhà không ai hay.
Mấy năm sau, một biến chuyển lớn đã làm thay đổi cuộc sống trong nhà ông Thiết.
Nhân bà chị ông Thiết mở một khách điếm và một tửu lầu lớn ở huyện, ông được chị cử làm quản lý, bà được cử trông coi trang trí tiếp khách. Từ nhà lên huyện khoảng một giờ đi bộ, nhưng hai ông bà đi về bằng xe ngựa. Công việc làm đòi hỏi ông bà phải có mặt từ sáng tinh mơ cho đến tối, đôi khi khuya ông bà mới trở về nhà.
Vì phải đi làm xa, nên ông bà cho vú già nghỉ, rồi mượn một người làm để trông coi con cái, cùng cơm nước. Nhưng một người làm, thì không xuể đối với cả gia đình tám người, lại thêm một đàn gia súc, nào là cặp chó, một đực tên Ðức-Tâm, một cái tên Tâm-Ðức. Tiếp theo là cặp mèo, mười con ngỗng, hơn hai chục con gà, bốn con lợn. Nên bà Thiết bắt Minh-Ðệ phải trợ giúp cho chị người làm.
Chị này tên Sửu.
Chị Sửu nguyên là một nông dân, vì chồng chết, lại không con, nên khi đi vào tuổi bốn mươi, sức khoẻ không cho phép chị làm những việc nặng nhọc như gánh lúa, bừa ruộng, tát nước, nên chị phải đi ở. Trái với cái tên Sửu, người chị nhỏ thó, khẳng khiu, dáng đi lịch bịch, cánh tay như chỉ còn xương, mặt chị tái mét, mà trên lớp da lúc nào cũng bóng những mỡ, mụn lớn, mụn nhỏ mọc lố nhố rất mất trật tự. Hàm răng chị nhuộm từ hồi còn con gái, nay đã bong hết lớp bên ngoài, nên trông nó hơi vàng vàng, xam xám. Vì yếu như thế, cho nên mọi công việc trong nhà chị đều đẩy cho Minh-Ðệ hết.
Mỗi khi chị không chu toàn được việc chủ giao cho, thì y như tối ông bà Thiết về, chị đi một đường kể lể nào thằng Tráng phá phách, thằng Lực nghịch ngợm, con Minh-Nhàn quấy khóc. Chị rất khôn. Chị biết rằng Minh-Can là đứa con cưng, nên chị chiều chuộng cô này rất mực. Ðối với Minh-Ðệ, chị thẳng tay bắt làm đủ mọi công việc đầu tắt, mặt tối. Hễ nàng mở miệng than là chị xui Minh-Can bịa chuyện về mách mẹ, lập tức nàng bị bà Thiết đánh đập. Mỗi lần như thế, bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, miệng rít lên:
– Trời hở trời! Con diều tha quạ mổ kia, mày có biết bố mẹ mày làm đầu tắt, mặt tối ra mới có miếng ăn cho mày không? Thế mà ở nhà mày còn tác quái hử??? Hử??? Hử???
Bà nói với chị Sửu:
– Từ nay tôi cho phép chị, ngoài trừ con Minh-Can ra, bất cứ đứa nào không nghe lời chị, chị được dần vào xác chúng nó cho tôi.
Từ đấy chị em Minh-Ðệ sợ chị Sửu một phép. Tiền ăn, tiền chợ, bà Thiết trao cho chị Sửu cả. Chị khôn lắm, chị biết ông bà đều ăn trưa, ăn chiều ở khách điếm, nên chị bớt đi một nửa tiền chợ. Thời bấy giờ, bữa sáng thường ăn vào lúc rạng đông, rồi người lớn ra đồng làm việc, trẻ con đi học. Buổi chiều ăn vào lúc gà lên chuồng. Cho nên hai bữa cơm, thì bữa sáng chị cho bọn trẻ ăn rau, ăn tôm, cá. Bữa chiều chị cũng làm những món sang như thịt lợn kho, cá hấp, cá rán, nhưng chỉ cho mỗi đứa ăn chút ít thôi, duy Minh-Can thì được ăn thả dàn; cốt sao còn dư lại chị cất vào chạn. Tối bà Hàn về, thấy trong chạn, nào thịt, nào cá dư thừa ê hề, thì cho rằng chị Sửu thực thà, nuôi con mình đầy đủ. Vào những ngày sóc, ngày vọng, bà Thiết dặn chị:
– Nhớ phải mua hoa quả, mua gà, nấu xôi để cúng gia tiên. Con gà đó, chị dành hai cái đùi cho Minh-Can, còn lại thì cho bốn đứa kia. Cái cổ, cái cánh cho con nợ đời con Minh-Ðệ.
Ðiều đó chị Sửu làm đúng. Chị giết gà, xôi xôi, mua hoa quả cúng, hai cái đùi cho Minh-Can, chị chỉ cho mỗi trẻ một miếng nhỏ, còn lại chị đem về nhà cho cháu, cho em chị ăn. Ðối với Minh-Ðệ, ngay chút ít nước luộc gà chị cũng không cho, chứ đừng nói là miếng thịt.
Ông Thiết thì dù sao cũng là đàn ông. Ở cái xã hội xưa, xã hội đời Lý, chủ đạo tộc Việt dành cho người đàn bà rất nhiều quyền trong gia đình. Nào nuôi con; nào dạy con; nào quản trị tiền bạc, của cải; nào giỗ tết; giao tế trong họ, ngoài làng đều do đàn bà đảm đương hết. Thành ra cái gia đình ông Thiết, do bà Thiết nắm quyền, nhưng bà quên mất tất cả thiên tính trời cho để làm mẹ, dĩ nhiên làm sao bà có đủ đức của một phụ nữ trong chủ đạo tộc Việt. Cho nên, người ngoài nhìn vào, thì thấy các con ăn mặc tươm tất, nhưng thực ra đám trẻ sống bơ vơ như mồ côi, không được hưởng chút tình mẫu tử nào.
Theo tục lệ làng xã tộc Việt từ thời vua Hùng, mỗi khi có những buổi họp quan trọng đến vận mệnh toàn xã như hôm nay, thì mọi người phải hiện diện. Nếu như có những công việc tạp dịch góp sức vào công ích như đắp đường, làm cỏ, vét sông v.v. lệ làng định rõ những chức sắc nào, quan viên nào, được miễn. Tuy nhiên những người phải góp công, nếu vì sức khoẻ, vì việc nhà đa đoan, thì có thể mượn người thay thế, làng cũng cho. Hôm nay, buổi họp diễn ra lúc buổi trưa, ông bà Thiết không có nhà, nên người trưởng xóm phải báo cho ông bà những quyết định của buổi hội. Việc làng bắt Minh-Ðệ, Minh-Can mỗi người góp mười công, ý ông Thiết muốn dùng tiền mượn người thay thế cho con khỏi mệt nhọc, như những gia đình khá giả khác. Trước đây, mỗi lần như vậy, ông lên tiếng đề nghị, thì y như bà Thiết nhảy choi choi như khỉ đói xỉa xói vào mặt ông mà nêu ra đủ thứ tội của Minh-Ðệ, thành ra lâu ngày, ông không còn tý quyền hành nào cả. Muốn giữ cho nhà cửa êm thắm, ông đành buông xuôi để mặc vợ.
Trời đã về khuya, cái lạnh tháng hai còn bao phủ không gian, nhưng Minh-Ðệ vẫn phải ra bờ sông giặt quần áo. Từ hồi sáu bẩy tuổi, khi còn đi học, nàng được nghe thầy đồ kể chuyện rằng Bụt (Phật)có nghìn mắt nghìn tai, luôn nghe tiếng chúng sinh kêu cứu. Khi gặp đường cùng, cứ khấn Bụt là ngài hiện ra cứu giúp. Hồi nhỏ, bị mẹ đánh, bị Minh-Can hành hạ, nàng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Sau này lớn lên, nàng thường khấn Bụt, mong Bụt hiện lên để che chở cho nàng. Rồi nàng tưởng tượng Bụt đứng trên mây, nàng chắp tay hướng lên không gian vô tận mà khấn Bụt, tâm sự với Bụt.
Có một lần Minh-Can dẫn bạn về nhà chơi, bắt nàng làm cơm đãi khách, nàng không chịu làm, vì làm thì lấy đâu ra thịt, cá cho bữa cơm chiều? Lập tức Minh-Can cùng bạn xúm vào dùng võ đánh nàng. Dù nàng là chị, hơn hai tuổi, lớn trước, nhưng vì Minh-Can học võ, nên nàng đành chịu đòn. Mỗi lần nàng bị đấm, bị đã ngã lăn quay ra, chúng lại reo hò cười nói, tỏ vẻ khoan khoái. Chiều về, nàng đem chuyện mách bố mẹ, thì bà Thiết cau mặt:
– Học thì phải hành. Nó học võ mà không có chỗ thử thì sao biết được kết quả. Nay nó có mượn cái thây thối tha của mày mà đấm đá, thì cũng là vạn phúc cho mày, mày còn đành hanh gì nữa đây?
Từ đấy Minh-Can thường rủ bạn về nhà chơi, mỗi khi thấy Minh-Ðệ, chúng ngứa mắt, lại lôi nàng ra mà đấm đá. Nàng đành nghiến răng chịu đựng.
Một lần, chị Sửu mua thức ăn không nhiều, mà Minh-Can mang những bẩy tám người bạn về nhà đòi làm cơm ăn giữa trưa. Minh-Ðệ vừa mở miệng nói rằng không đủ thức ăn, thì Minh-Can cùng đám bạn xúm vào mà đánh, chửi. Nó hạ lệnh:
– Con ở hôi thối này. Không còn thức ăn thì mày giết hai con gà mái trong chuồng kia cũng được chứ gì?
Biết rằng cãi thì ăn đòn, nàng đành bắt hai con gà đang đẻ làm thịt cho chúng ăn. Chiều hôm đó, bà Thiết về, không thấy hai con gà mái đẻ đâu, bà hỏi, Minh-Can le te đáp:
– Hồi trưa con Ðệ nó giết gà đãi bạn nó là con Ngọc-Nam, Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo cùng với mấy thằng bạn mất rồi.
Minh-Ðệ kinh hãi cãi:
– Thưa mẹ, chính nó đem bẩy đứa bạn về, bắt con giết gà làm cơm đãi. Con chối, chúng nó xúm vào đánh con. Ðây, mẹ xem, khắp người con đầy vết thâm tím đây.
Bà Thiết xỉa xói vào mặt nàng:
– Tiên sư bố mày, mày nứng l... lên, đem trai về nhà, lại bắt gà mái đẻ của tao giết đãi nó, rồi mày lại đổ cho con gái tao ư? Tao phải giết chết mày mới được.
Thế là bà đánh nàng túi bụi. Xưa nay, mỗi lần bị đòn, mà nàng phân trần, thì y như bà Thiết còn đánh đến khi nàng không nói gì mới thôi. Vì vậy nàng nghiến răng chịu mưa roi, bão vọt cho qua.
Sau trận đòn, nàng ra bờ sông ôm mặt ngồi khóc. Nàng khấn Bụt, nói chuyện với Bụt. Nàng chắp tay:
– Lạy Bụt chứng giám cho con.
Rồi nàng kể hết nguồn cơn. Nàng vừa kể xong, thì có tiếng nói trong, êm đềm phát ra:
– Tất cả những gì con đang phải gánh chịu, là do cộng nghiệp từ muôn vàn kiếp trước kết tụ. Nếu nay con cứ chống, cứ tránh né, thì cái nghiệp xưa bao giờ mới giải hết?
Nàng ngửa mắt nhìn lên, thì không phải là Bụt, mà là một bà quần áo trắng. Trong bóng đêm mờ ảo, nàng nghĩ ngay đến đức Quan-Thế-Âm hiện xuống cứu khổ cứu nạn. Nàng thụp lạy:
– Nam-mô cứu khổ, cứu nạn Quan-thế-âm Bồ-tát, xin Bồ-tát thương tình cứu con khỏi cảnh đau khổ này.
– Ðau khổ, đau khổ. Thế con có biết trên thế gian này có không biết bao nhiêu chúng sinh đau khổ hơn con không? Ta cho con bốn câu để giải cái ẩn ức trong tâm. Con hãy nghe đây:
Nhân sinh đô thị mệnh an bài.
Con người ta sinh ra, đã được số mệnh an bài, nhà Phật gọi là nghiệp quả. Khi nghiệp nó tới, thì phải thản nhiên chịu đựng, chứ nếu cứ chống đối thì kiếp sau nó sẽ theo mà đòi mãi.
Nhân thế nan phùng khai khẩu tiếu.
Trong thế gian này, đau khổ đầy dẫy, khó mà mở miệng cười được. Vậy thì con có khổ một mình đâu?
Khởi khả nhân vô đắc vận thời?
Cuộc đời thay đổi, người nào đang khổ rồi cũng có ngày vận tốt nó tới. Con muốn gấp làm chi?
Cử đầu tam xích hữu thần minh.
Ngửa đầu nhìn lên ba thước (75 cm) là có thần minh chứng giám. Con khỏi phải kêu oan!
Qua bốn câu khuyên của Quan-âm, Minh-Ðệ cảm thấy trong người khoan khoái lạ thường. Ngài tiếp:
– Thôi, bây giờ ta tạm giảm cái đau đớn thân xác cho con đã. Con hãy ngồi im, không được động đậy.
Quan-Âm cúi xuống, xòe bàn tay để lên đỉnh đầu, một luồng nhiệt khí chạy khắp cơ thể nàng. Lạ thay, nhiệt khí chạy đến đâu, bao nhiêu cái đau đớn đều biến mất.
Nàng lại thì thụp lạy, Quan-Âm phán:
– Thôi, lạy vậy đủ rồi. Bây giờ ta cho con ba cái bửu bối để tránh khỏi hoạn nạn. Con nhớ nhé, tuyệt đối không được kể cho ai nghe, bằng không con sẽ gặp tai ách ghê lắm.
– Con xin tuân lệnh.
Quan-Âm móc trong túi ra một tập sách nhỏ trao cho nàng:
– Ðây là quyển sách loại bỏ túi, trong có chép bài kinh Bát-nhã, cùng yếu chỉ kinh Kim-cương. Lúc nhàn rỗi, trước khi đi ngủ, con hãy đem ra đọc, cùng suy nghĩ ý nghĩa thâm sâu. Nào, con hãy đọc theo ta.
Gì chứ kinh Bát-nhã thì nàng thuộc lòng, đã đọc hàng trăm, hàng nghìn lần. Nàng cất tiếng đọc:
"Quán-tự-tại Bồ-tát,
Hành thâm Bát-nhã ba-la mật đa thời,
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không,
Ðộ nhất thiết khổ ách.
...........
Yết đế, yết đế, ba la yết đế,
Ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha".
– Con có hiểu nghĩa bài kinh này không?
– Dạ, con hiểu nghĩa Hán-Việt thôi, còn ý thâm sâu thì con không được học.
– Như vậy cũng được rồi. Ta đã kiến giải bài kinh này, và chép trong tập yếu quyết mà ta cho con đây. Khi có thời giờ thì con đem ra mà đọc. Ta cho con một yếu quyết: lúc nào trong lòng cũng phải để trống không, nhãn không, nhĩ không, tỵ không, thiệt không, thân không, ý không. Nhớ đấy, hãy bỏ lục tặc ra ngoài.
Minh-Can nhận tập sách. Quan-Âm tiếp:
– Bây giờ con nhắm mắt, rồi từ từ bỏ hết nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Trước hết bỏ nhãn đã. Con nhắm mắt lại. Bây giờ chỉ tưởng tượng thấy ta đứng trước mặt.
– Ðược rồi, con bỏ, không chú ý đến miệng đắng nữa. Ðược rồi, khá lắm, như vậy bỏ được thiệt rồi đó. Bây giờ không còn nghĩ tới thân mình bị đau đớn, nóng hay lạnh nữa. Ðược. Như vậy vô thân rồi đó. Nào, hãy quên đi, không nhớ tới bị mẹ đánh, bị em làm nhục. Ðược, con quên mau lắm, thế là vô ý rồi. Cuối cùng là vô nhĩ. Con đừng chú ý đến xung quanh nữa, chỉ chú ý đến lời ta nói thôi. Ðược rồi, bây giờ hãy tập trung tinh thần đừng chú ý đến lời nói của ta nữa.
Thế là Minh-Ðệ như người mê đi, không còn biết gì đến xung quanh. Cứ như thế, nàng nhập vào một giấc triền miên thâm sâu không biết bao nhiêu lâu, cho đến khi bàn tay Quan-Âm vỗ lên đầu, nàng mới tỉnh giấc.
Nàng cảm thấy người sảng khoái vô cùng tận. Quan-Âm phán:
– Con ngồi ngay ngắn lại. Ðược rồi. Từ từ hít hơi, hít làm nhiều nhịp. Mắt nhắm, nhưng nhìn vào tỳ-vị (lá lách, dạ dày),tưởng tượng khí từ ngoài vào mũi lên đỉnh đầu, rồi tỏa ra hai thái dương, mặt, cổ, chạy xuống bụng giữa. Ðược rồi. Bây giờ lại thở ra, thở làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí từ bụng giữa xuống chân qua gối, bàn chân. Ðược rồi. Bây giờ lại hít vào, vẫn hít làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí từ hai bàn chân chạy lên bụng trên. Ðược rồi. Bây giờ con thở ra làm nhiều nhịp, tưởng tượng khí tứ bụng trên lên đầu, rồi ra ngoài.
Sau hai lần hít, thở, người Minh-Ðệ cảm thấy khoẻ mạnh vô cùng. Quan-Âm tiếp:
– Ta cho con ba bảo bối. Một là bài kinh Bát-nhã, hai là phương thức nhập tĩnh, ba là phương pháp thở hít cho khoẻ. Sau này, khi gặp nguy cơ về thần chí, thì chiếu kinh Bát-nhã mà tự giải lấy. Gặp đau đớn thể xác thì nhập tĩnh. Còn như người mệt mỏi thì thở hít. Nhưng nếu con nhập tĩnh rồi thở hít và nhẩm đọc kinh Bát-nhã thì con sẽ có sức khoẻ vô biên.
– Con xin đa tạ ngài.
– Ta có một số yếu quyết, ta đọc cho con. Tùy theo duyên phận, con có ngộ tính cao thì thuộc được nhiều. Còn ngộ tính thấp, thì thuộc ít.
Nói rồi bà đọc:
Âm nhu tâm pháp thị vô song,
Luyện khí, luyện công thực bất đồng.
Khí đắc, công thành, hậu luyện kiếm,
Giải trừ dương lực, phá ngạnh công.
Bà đọc đến đâu Minh-Ðệ thuộc đến đó. Bà đọc một lúc 99 câu, Minh-Ðệ cũng thuộc cả 99. Bà hỏi:
– Con thử đọc lại xem, con thuộc được mấy câu.
Minh-Ðệ đọc thông 99 câu. Bà kinh ngạc:
– Ngộ tính con cao thực. Ðể ta giải thích cho con mười câu đầu, con luyện xong, ta sẽ giải thích tiếp.
Bà giảng giải ý nghĩa mười câu. Minh-Ðệ luyện cho đến khi trời gần sáng thì xong. Quan-Âm phán:
– Kể từ nay ta đặt tên cho con là Yến-Loan. Sau này mỗi khi con dùng tên này, thì người của ta khắp nơi sẽ biết con là đệ tử của ta, mà giúp đỡ con. Ta dặn con một điều, từ nay bất cứ ai hỏi về ba bảo bối mà ta cho con, tuyệt đối con không được tiềt lộ gặp ta trong trường hợp nào. Nhớ không?
– Con ghi nhớ rồi.
Nói rồi nàng cúi xuống đảnh lễ. Sau khi lễ ba lễ, nàng ngẩng đầu nhìn lên, thì không thấy Quan-Âm đâu cả.
Từ đấy nàng âm thầm thở hít, nhập tĩnh, đọc kinh Bát-nhã. Nhưng chưa bao giờ thử kết hợp cả ba thứ lại với nhau. Nàng ngẫm thấy rằng, trước đây người nàng bè bè ra, coi rất chướng mắt. Cứ sau thời gian luyện ba bảo bối, thì sức khoẻ tăng lên, cơ thể thon dần lại, mắt sáng hơn lên.
Mười ngày sau Quan-Âm lại xuất hiện, giải thích thêm mười câu nữa, rồi nàng luyện trong mười ngày là song. Cứ như thế sau chín lần xuất hiện, Minh-Ðệ được Quan-Âm giải thích hết 99 câu. Rồi từ đấy không thấy ngài hiện ra nữa. Còn nàng thì cứ âm thầm luyện một mình.
Tiếng chuông chùa ban mai, làm Minh-Ðệ tỉnh giấc, súc miệng qua loa rồi nàng phải vác một rổ lớn bèo đem thái nhỏ, trộn với cám, nhóm lửa nấu. Vì nấu bằng rơm, nên nàng phải ngồi bên bếp, không rời ra được. Tuy ngồi nấu cám lợn, mà nàng vẫn thở hít, để bồi bổ lại việc mất sức vì không được ngủ.
Nồi cám sôi rồi, thì chị Sửu mới thức giấc, chị le te sai nàng nhặt rau, nấu cơm.
Trời tảng sáng, cả nhà thức giấc. Cơm dọn lên. Cơm chia làm hai mâm. Mâm thứ nhất, ông bà Thiết ngồi với Minh-Can, còn lại tất cả ngồi chung một mâm với chị Sửu. Tuy ngồi không cùng mâm, nhưng bà Thiết luôn luôn hướng đôi mắt cá quả về phía Minh-Ðệ:
– Con trời đánh, tại sao không ngồi cho thẳng lên, mà lại khòm khòm thế kia.
Minh-Ðệ vội ngồi ngay ngắn lại.
– Cái đầu cá rô thế kia mà mày bỏ không ăn à?
Minh-Ðệ vội gắp cái đầu cá rô bỏ vào bát.
– Ðấy, nó ăn cá không à? Không bao giờ nó ăn dưa cả. Ăn hỗn thế thì thôi.
Minh-Ðệ vội gắp dưa ăn.
Minh-Can xen vào:
– Cái thứ hủi mà mẹ cứ nói hoài chi cho mệt. Từ nay mỗi bữa mẹ để bọn con ăn xong rồi cho nó ăn có phải khỏi chướng mắt không?
Bà Thiết như tìm ra cái gì mới mẻ:
– Này chị Sửu, từ nay chị đợi cả nhà ăn xong rồi hãy cho nó ăn nghe.
– Thưa bà vâng.
Vừa lúc đó, có tiếng trống ngũ liên thúc dân làng phải tới bờ sông nhận nhiệm vụ. Có tiếng gọi từ cổng vào:
– Minh-Ðệ ơi! Ði thôi, mọi người đang tụ họp ở bờ sông chờ chúng mình đấy.
Minh-Ðệ vội buông bát đứng dậy, tìm cái móng, khoác áo tơi, chào bố mẹ rồi cúi đầu ra đi. Nếu ai tinh ý, sẽ thấy vai nàng rung động, và hai hàng nước mắt tuôn rơi. Ðến cổng, đám bạn gái reo mừng:
– Ðệ đấy à? Lại khóc rồi. Hôm nay chúng mình vừa vét, vừa nói chuyện, tha hồ mà họp chợ như chim vỡ tổ.
– Tiểu thư Can đâu rồi? À, đời nào bà Thiết cho chân tay nàng lấm bùn nhỉ? Con vàng, con ngọc mà.
Minh-Ðệ lẫn vào trong đám bạn gái. Trong đám bạn gái cùng lứa tuổi với Minh-Ðệ thì có bốn người là Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo, với Ngọc-Nam là thân nhất. Năm người nguyên là bạn học với nhau từ hồi năm sáu tuổi. Ngọc-Nam hỏi:
– Nghe thầy Thái nói, thì Minh-Ðệ phải làm những hai mươi công phải không? Chà, hai mươi ngày thì chịu sao nổi?
Minh-Ðệ thản nhiên:
– Ðành chịu vậy chứ sao? Mẹ bắt thì phải làm.
– Vô lý chi thậm, con nào cũng là con, tại sao Minh-Ðệ lại phải cực khổ cho con Minh-Can sung sướng?
– Tự mẹ mình muốn vậy, thì làm sao bây giờ.
Thanh-Thảo bực mình:
– Nói với Minh-Ðệ tức bỏ bu đi ý. Chính bà ấy không có lấy một chút ý thức nào để tự vệ, thì Ngọc-Nam có nói cũng vô ích.
– Mình là người đọc sách thì phải lấy chữ hiếu làm đầu.
Trinh-Dung lắc đầu:
– Bà làm như vậy mới chính là bất hiếu, chứ không thể coi là hiếu.
– Tại sao?
– Trời ơi! Bà thuộc làu Luận-ngữ, Hiếu-kinh mà không đọc Thuyết-uyển của Lưu Hướng sao? Trong đó Lưu nhắc chuyện thầy Tăng Sâm là người ngu hiếu.
– Nhắc cho mình đi.
Trinh-Dung thuật:
"... Tăng Sâm bừa ruộng với cha, lỡ tay làm đứt mất một ít rễ. Cha là Tăng Tích giận lắm, lấy gậy đánh vào lưng. Tăn Sâm đau quá điếng đi một lúc mới hồi lại. Khi về nhà ông đến thưa với cha rằng:
– Hồi trưa con có tội, đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, con thực là lỗi đạo.
Nói xong ông lùi lại vừa gảy đàn, vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, cho rằng Tăng Sâm không còn đau đớn gì nữa. Khổng-Tử nghe chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, nhờ bạn hỏi ngài rằng mình tội gì? Khổng-Tử đáp:
– Ngày ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ông luôn ở bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha quá tay, mà chết đi, thì có phải làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu đó còn to hơn nữa.
Tăng Sâm nghe lại chuyện, vội đến tạ tội với Khổng-Tử".
Minh-Ðệ chợt tỉnh ngộ:
– Mình nhớ rồi. Cảm ơn Trinh-Dung.
– Cảm ơn! Nhưng rồi Minh-Ðệ không có một chút chí khí nào thì đâu cũng vào đấy.
– Mình sẽ đổi dần dần.
Năm người tới bờ sông. Ðây là con sông nhỏ, chiều ngang chưa quá hai chục trượng. Con sông này là chi nhánh của con sông cái. Sông tuy không sâu, nhưng nó là con sông dẫn nước cho hai ba xã trong việc nông tang. Bấy giờ vào tiết tháng hai, nước sông đang cạn tới đáy, nên rất thuận tiện việc vét lòng cho sâu thêm. Dân làng được chia thành từng toán. Mỗi toán phụ trách vét một quãng. Cứ năm người là một toán. Trong toán, một người dùng móng xới đất, một người đỡ đất, rồi chuyển cho người thứ nhì, người thứ nhì chuyển cho người thứ ba. Người thứ ba chuyển cho người thứ tư. Người thứ tư giữ nhiệm vụ đắp đất lên bờ sông.
Vì hoàng nam bị gửi đi tải lương, nên cứ năm sáu cô gái, mới có người đàn ông. Những người đàn ông này, tuổi trên bốn mươi cả rồi. Có thể nói, họ ở tuổi cha, tuổi chú của Trinh-Dung, Minh-Ðệ. Những người đàn ông được chỉ định cầm móng xới đất. Còn đám con gái thì chuyển, đắp đất. Họ vừa làm, vừa hát, vừa cười đùa hồn nhiên, như không biết gì đến những nguy cơ tại Bắc-biên.
Khi mặt trời mọc cao, thì các bô lão xuất hiện. Các cụ chống gậy đến hỏi thăm, giám sát từng toán một. Cứ khoảng hơn giờ (120 phút ngày nay), thì lại có hồi trống báo hiệu nghỉ một khắc (14 phút ngày nay). Trong lúc nghỉ ngơi, họ nói chuyện huyên thiên. Nào chuyện nhà, chuyện ruộng, chuyện vườn, chuyện đàn gà, chuyện ao cá. Có toán lại nói chuyện cổ tích về những mưu mẹo của người Tầu sai sứ sang gây rắc rồi với vua ta, rồi những thần đồng Việt xuất hiện, đối đáp với sứ Tàu v.v.
Toán của Minh-Ðệ thì chỉ bàn chuyện gia đình nàng, về bà mẹ khắt khe với nàng, và cưng chiều Minh-Can. Trinh-Dung nổi cáu:
– Bà muốn chiều Minh-Can thì chiều, nhưng ít ra nó cũng phải biết điều, chứ có đâu đành hanh đỏ mỏ, đặt điều làm cho chị phải đòn. Mình như Minh-Ðệ mình nhè lúc bố mẹ đi vắng, mình đập cho nó một trận, rồi muốn ra sao thì ra.
Ngọc-Nam lắc đầu:
– Không ổn rồi! Con Minh-Can nó theo học trường Trung-nghĩa hầu, nó có võ, đụng vào nó thì nhừ đòn.
Trinh-Dung lắc đầu:
– Hoàn cảnh của Minh-Ðệ thì họa chăng có đại sư Mộc-Tồn Vọng-Thê mới cứu được mà thôi.
Nghe đến tiếng Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng, mọi người đều im bặt, tỏ vẻ sợ hãi. Minh-Ðệ hỏi:
– Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng là ai vậy?
Ðến đó cụ Lý-trưởng đi qua, nghe Minh-Ðệ hỏi, cụ vẫy tay:
– Làm việc đi, làm việc đi, đừng nói bậy mà chết cả bọn bây giờ.
Thanh-Thảo than:
– Thôi thì chỉ có cách khấn Bụt hiện lên giúp, may ra được mà thôi.
Gì chứ khấn Bụt thì Minh-Ðệ đã khấn nhiều rồi, nhưng chẳng bao giờ Bụt hiện lên giúp đỡ nàng cả. Dù Bụt không hiện ra nhưng Quan-Âm lại giáng trần ban cho nàng ba bảo bối. Vì vậy, đêm đêm nàng vẫn thở hít, nhập tĩnh, và đọc kinh. Nàng chỉ có thể thở hít nhập tĩnh, nhập tĩnh đọc kinh và đọc kinh thở hít, mà không thể vừa đọc kinh, vừa nhập tĩnh, vừa thở hít được.
Cứ như vậy, mười buổi vét sông qua đi, người nào cũng mệt đứ đừ. Sau khi đã hết mười công, họ được nghỉ. Còn Minh-Ðệ lại phải làm mười công nữa thay cho em. Tuy nàng có mệt mỏi, nhưng tối về, thở hít, thì cái mệt lại biến đi mất. Sang buổi thứ mười một, nàng lại được phân công vào toán khác.
Buổi vét sông thứ mười một của Minh-Ðệ chấm dứt vào lúc xế Ngọ.
Vì bị trúng lạnh từ hơn hai ngày trước, thành ra, tối về nàng thở hít, mà khí bế tắc không thông, nên hôm nay nàng mệt nhừ. Vừa về đến nhà, nàng thấy Minh-Can cùng với hai bạn trai, hai bạn gái đang luyện võ với nhau ở sân. Minh-Can thấy nàng về, nó lên lớp:
– Về mau, đun nước pha chè cho khách uống.
Minh-Ðệ thản nhiên vào bếp nấu nước, rồi pha trà. Một người bạn trai của Minh-Can hỏi:
– Con ở nhà chị đấy à?
– Gần như vậy.
Minh-Ðệ đã quen với cảnh này, nên nàng nín nhịn. Vì mệt quá, nàng vào bếp, chui trong đống rơm nằm nghỉ. Vừa thiu thiu thì chị Sửu gọi:
– Ðệ đâu?
Nàng chưa kịp trả lời, thì cái cán chổi đập vào chân nàng hai cái. Ðau quá, nàng nhảy dựng dậy. Chị Sửu quát:
– Có đi xay thóc, dã gạo không? Chiều nay mà không có gạo nấu cơm thì chỉ có chết, nhớ nhá.
Sau khi đập Minh-Ðệ hai cán chổi, chị Sửu ngẫm ra một điều là mọi khi chị đập sẽ thôi, là Minh-Ðệ ôm chân ngồi nhăn nhó một lúc mới đi nổi. Bây giờ nàng chỉ kêu lấy lệ, dường như không đau đớn gì.
Minh-Ðệ vội lấy thúng vào gian nhà chứa thóc, xúc thóc đem ra cối xay. Xay xong lại phải sàng, xảy, rồi đem gạo ra cối dã. Gạo dã xong, thì trời về chiều. Chị Sửu quát:
– Con ngẫn ngờ kia, mau quét nhà, rồi gánh nước rửa chuồng lợn.
Minh-Ðệ tuy mệt nhừ, người hâm hấp sốt, nhưng vẫn phải tuân hành. Nàng gánh được hai gánh nước trót lọt. Ðến gánh thứ ba thì trượt chân ngã lăn xuống đất. Không may, bắp chân chà phải mảnh sành, máu chảy ra chan chứa. Từ chị Sửu, cho tới Minh-Can, cùng mấy đứa em trai là Thắng, Lực đều dương mắt thản nhiên nhìn. Nàng quằn quại một lúc, rồi cố gắng ngồi dậy, uể oải ra vườn tìm cây thuốc dấu, hái mấy lá cho vào cối dã ra, đắp lên vết thương, rồi xé vạt áo cũ băng lại. Lát sau vết thương cầm máu. Nàng lê bước về buồng, nằm xuống nghỉ. Nhưng chị Sửu đã oang oang:
– Con ngớ ngẩn làm bộ, giả đau trốn việc đâu rồi? Có ra ngay không thì bảo?
Ghi chú:
Cây nhọ-nồi: loại cây mọc hoang khắp Việt-Nam. Tên Hán-Việt gọi là Bách-thảo-sương. Tên khoa học là Pulvis Fumu carbonissantus. Khi dã cây này ra, thì có chất mầu đen, giống như nhọ nồi. Cây này tính vị cay, hơi ấm, nhập tâm, phế kinh, tác dụng cầm máu, trợ tiêu hóa, giải độc. Có thể dùng trị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tả lỵ. Chảy máu chân răng: dã nhọ nồi bôi vào. Chảy máu cam: án nhọ nồi khô, thổi vào mũi. Chữa ghẻ ngoài da trẻ con: tán nhọ nồi khô, trộn với mỡ heo, mỡ gà bôi lên. Chữa tả lỵ: nhọ nồi khô uống với cháo nóng, ngày hai lần, mỗi lần 8g.
Minh-Ðệ chưa kịp trả lời, thì tiếng Minh-Can nói:
– Chị để em vào, lôi nó ra cho chị nhá!
– Ừ, em làm dùm chị.
Minh-Can xồng xộc bước vào buồng, nó vung tay tát Minh-Ðệ hai cái, rồi quát:
– Giả đau trốn việc này!
Mọi khi Minh-Can tát, thì Minh-Ðệ cảm thấy đau đớn. Nhưng nay sau hai cái tát với tất cả sức lực dáng vào mặt nàng, mà nàng chỉ cảm thấy hơi ran rát thôi. Minh-Can cũng nhận ra điều đó, thị bẻ quặt cánh tay nàng, rồi nhắc bổng lên, ném ra sân đánh huỵch một cái. Ðau quá, Minh-Ðệ nằm im, không bò dậy được.
Minh-Can cáu:
– Con chết tiệt giả bộ nữa hả?
Nó co chân đá vào mông nàng hai cái. Vốn đã bị đòn nhiều thành kinh nghiệm, Minh-Ðệ ngẫm ra khi bị đòn, nàng cứ nhập tĩnh thực sâu, rồi thở hít, thì cái đau giảm một nửa. Vì vậy nàng nhắm mắt nhập tĩnh rồi thở hít. Hai cái đá khiến thân thể nàng lăn đi hai ba vòng, nhưng nàng vẫn nằm bất động. Thằng Mãnh chạy ra lay nàng:
– Chị Ðệ, chị Ðệ.
Nàng vẫn nằm bất động. Nó oà lên khóc:
– Chị Ðệ chết rồi, mau đi báo làng.
Nói rồi nó chạy vội đi. Chị Sửu vội ngăn lại:
– Con nỡm này nó giả đò đấy, em mà báo làng, thì làng họ nọc cổ em ra họ đánh cho mà coi.
Thằng bé vội ngừng lại. Chị Sửu với Minh-Can vội khiêng Minh-Ðệ vào nhà, rồi đi luộc trứng, đánh cảm. Bấy giờ Minh-Can, chị Sửu mới biết sợ. Chị sờ tay vào ngực nàng, thấy còn thoi thóp thở, nên yên tâm. Chị chỉ mặt thằng Mãnh, Tráng và con Minh-Nhàn:
– Muốn sống thì câm cái miệng, đứa nào hé môi thì tao đập chết, nghe không?
Ba đứa trẻ im lặng gật đầu.
Khi mặt trời lặn, thì ông bà Thiết về. Xe vừa dừng trước ngõ bà Thiết không thấy Minh-Ðệ ra dắt ngựa đi tắm, cùng cho ăn cỏ như thường lệ, bà hét lên:
– Cái con trời đánh thánh đâm đâu rồi? Có ra tắm ngựa hay không?
Minh-Can đon đả cùng bốn đứa trẻ chạy ra:
– A, bố về, mẹ về.
Thằng Lợi chạy đến ôm chân bà, bà đẩy nó ra:
– Làm gì thế này, cút.
Sau khi đẩy đứa trẻ ra, bà chợt thấy nét mặt Minh-Can như có vẻ sợ hãi, tay bà vòng ra ôm lấy cổ con gái:
– Con gái của mẹ. Sao hôm nay ở trường có gì lạ không? Mẹ mua quà cho con đây này.
Bà móc trong bọc ra cái khăn lụa, choàng lên cổ Minh-Can. Thằng Lợi mới có bốn tuổi, thấy mẹ hắt hủi mình, nó ngơ ngác nhìn bà Thiết bằng con mắt sợ hãi, rồi không hiểu nghĩ sao nó òa lên khóc. Ông Thiết vội bế nó lên lên, nó nức nở:
– Chị Sửu với chị Can đánh chết chị Ðệ rồi.
Bà Thiết chép miệng:
– Cứ đánh chết nó đi cũng chẳng sao.
Ông Thiết cau mày hỏi chị Sửu:
– Bây giờ nó ở đâu?
– Thưa ông, sau khi đi việc làng về, cháu bảo nó gánh nước rửa chuồng lợn, nó giả bệnh rồi vào buồng nằm ngủ, mọi việc nào xay thóc, nào dã gạo, nào thổi cơm, em Can phải làm hết.
Lập tức bà Thiết rống lên như trâu gầm:
– Ông thấy không, con trời tru, đất diệt; con tù đâm chó đéo nó như vậy đấy, nó làm khổ cho con tôi, trời hở trời???
Bà cầm hai bàn tay Minh-Can lên xem xét tỷ mỉ dưới ánh đèn, trong lòng đầy xót xa, bà bảo chị Sửu:
– Từ nay trở đi, cái con thiên lôi đánh nó có dở chứng gì, thì mặc nó, chị đừng bắt đứa con châu ngọc của tôi phải làm việc.
Minh-Can xen vào:
– Tự con muốn chính tay mình xay thóc, dã gạo để dâng hiến cho bố mẹ chứ có phải chị Sửu bảo con đâu? Mẹ đừng mắng chị ấy mà con phải tội.
Bà Thiết ôm sát Minh-Can vào lòng:
– Ông thấy con nó có hiếu không? Thực không thua Tử-Lộ đội gạo, đâu kém vua Thuấn. Nó thực được cả người, cả nết, chứ đâu có như con khốn nạn kia.
Ông bà vào nhà thay quần áo, cơm đã dọn lên. Cả nhà ngồi vào hai mâm cơm. Ông Thiết bảo Lực:
– Con vào gọi chị dậy ăn cơm.
Thằng Lực vào buồng nói lớn:
– Chị Ðệ ơi, dậy ăn cơm.
Minh-Ðệ đau đớn, mệt mỏi, lại đang lên cơn sốt, chỉ ngất đi chứ chưa chết. Tuy nhiên trong cái ngất, nàng ngủ được một giấc, thành ra sức lực dần dần trở lại. Nghe tiếng em gọi, nàng nói trong hơi thở hổn hển:
– Các em cứ ăn cơm đi, chị không ăn đâu.
Lực trở ra nói với mẹ:
– Chị Ðệ không ăn cơm.
Bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, mắt bà đỏ gay, mở tròn như hai con ốc ang to. Bà rít lên:
– Mày lại hờn hả? Mày dỗi hả? Có dậy ngay không?
Giữa lúc đó, Minh-Ðệ từ từ tỉnh giấc, tay đau, chân đau, mông bị vết đá tím bầm, nàng nghiến răng ngồi dậy, nhưng vẫn không nổi. Bà Thiết chụp ngay đôi đũa cả rồi lao người vào buồng Minh-Ðệ; không nói, không rằng, bà quất vào mông, vào lưng, vào vai nàng liên tiếp không biết bao nhiêu cái. Mấy cái đầu Minh-Ðệ còn dãy đụa, nhưng mấy cái sau nàng lại ngất đi, không biết gì nữa, mặc cho bà Thiết đánh. Ðánh một lúc mỏi tay, bà Thiết hơi ngạc nhiên, vì thấy Minh-Ðệ không rên siết như mọi khi, bà chán nản ngừng tay:
– Ðể thằng cha mày dạy mày.
Bà ra nhà ngoài rống lên khóc với chồng:
– Ông thấy chưa? Nó làm gan, nằm lỳ ra không chịu dậy. Con ông đấy, ông dạy nó đi.
Kinh nghiệm cho ông Thiết biết, nếu ông đưa ra lời bênh Minh-Ðệ, thì vợ sẽ đánh chết đứa con gái bất hạnh của mình. Nhược bằng ông hùa theo vợ, thì tội cho nó, nên ông im lặng.
Bà Thiết thở hổn hển bảo Minh-Can:
– Con vào nắm cổ nó ném ra ngoài vườn kia cho mẹ. Mẹ không chịu được nữa rồi.
Ðược mẹ sai hành hạ kẻ thù, Minh-Can sướng quá, ả bước vào buồng chị túm áo ngực nàng nhắc bổng lên, rồi chạy ra vườn. Lúc đầu thị định ném nàng ra sau vườn thôi, nhưng bỗng tính ác nổi dậy, thị chạy ra chuồng hôi rồi ném nàng xuống. Bụp, Minh-Ðệ rơi xuống dưới hố đầy phân, đầy dòi bọ ngập đến ngang lưng. Nhưng vừa đau đớn, vừa mệt mỏi, nàng nào biết gì? Ðầu nàng gục vào bờ chuồng hôi.
Ghi chú:
Thời Lý, chưa có cầu tiêu che kín như bây giờ. Thường mỗi nhà hay nhiều nhà chung nhau đào một hố sâu, bắc ván lên để ngồi đi đại tiểu tiện. Xung quanh trồng cây ré để che phòng người ta "nhìn thấy". Cứ mấy ngày, phân nhiều thì đem tro đổ lên trên. Khi nào phân đầy, thì múc lên pha với nước đem bón cây, bón lúa. Trong nhà, mọi người vẫn tiếp tục ăn uống, vui vẻ. Bà Thiết vừa ăn, vừa nói với chồng:
– Không biết ma quái, của nợ ở đâu nó lạc vào nhà này làm khổ cho tôi, làm khổ cho con Minh-Can.