Tại động Giáp, thủ đô của Bắc-biên, nước Đại-Việt. Hôm ấy là ngày Quý-Dậu 14 tháng 9 năm Ất-Mão nhằm niên hiệu Thái-Ninh thứ tư đời vua Lý Nhân-tông của Đại-Việt (DL.26-10-1075) bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ tám đời vua Thần-tông. Trong một phòng hội được canh phòng cẩn mật. Chư tướng ngồi im lặng nghe Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản điều quân.
Bằng một giọng ấm áp, ông nói:
– Tất cả chúng ta hiện diện hôm nay, phụ trách toàn bộ đạo quân bộ vượt biên đánh sang Tống. Các cửa ải quân sự Tống đóng dọc theo biên giới Hoa-Việt gồm có Hoành-sơn, Thái-bình, Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu, Cổ-vạn, Như-tích, Thiên-long, Để-trạo... thành một hàng rào bảo vệ Nam-thùy. Phía sau các ải này cho tới Ung-châu không còn trại nào nữa. Ta chỉ cần hạ tất cả các ải hàng rào thì ung dung thẳng đường tới Ung-châu, rồi tiến lên Ngũ-lĩnh. Ta chia quân làm bốn cánh. Một là Quảng-nguyên, hai là Môn-châu, ba là Quang-lang, bốn là Tô-mậu.
Ông nói lớn:
– Mời Thái-tử thiếu bảo, Phiêu-kị thượng tướng quân, Quảng-nguyên hầu Lưu Kỷ nhận lệnh.
Một người thân thể hùng vĩ, tóc hơi bạc đứng dậy:
– Xin chờ lệnh Long-thành đại hiệp.
– Quân hầu trấn nhậm châu Quảng-nguyên đã lâu, đụng chạm với Tống cũng nhiều. Xin quân hầu cho biết tình hình địch tại Thái-bình và Hoành-sơn.
– Thưa đại hiệp, vào thời Đinh, thì vùng Thái-bình, Hoành-sơn còn thuộc Đại-Việt ta, với chín trang ấp. Trong thời gian vua Ngọa-triều cai trị, các trang ấp chán nản bỏ theo Tống, trở thành khê động của họ. Trong chín khê động, thì Hoành-sơn và Thái-bình mạnh hơn cả. Họ áp chế các khê động yếu thế, sát nhập vào đất của họ. Nay các khê động đó hợp thành hai khê động Thái-bình, Hoành-sơn. Chúa khê động Thái-bình là viên quản hạt Ngũ-Cử. Phó là giám-áp trại Quách Vĩnh-Nghiêm. Hai tên này văn võ kiêm toàn, rất giỏi chiến trận. Chúng đã đụng chạm với tôi nhiều lần. Về quân số của Thái-bình, thì có năm nghìn bảo-giáp, năm nghìn quân Quảng. Ải Hoành-sơn thì đông hơn, Bảo-giáp bẩy nghìn, quân Quảng năm nghìn, thủ lĩnh là An-viễn tướng quân Lâm Mậu-Thăng. Cộng chung, chúng có hơn hai vạn. Hai ải Thái-bình, Hoành-sơn được chỉ huy bởi một viên quan Tống tên Thái Bằng, lĩnh chức Trấn Nam tướng quân, văn võ song toàn.
Tôn Đản tần ngần suy nghĩ một lát, rồi tiếp:
– Thái Bằng trước đây xuất thân tiến-sĩ thời vua Nhân-tông. Y vừa có văn tài, vừa có tài dùng binh. Nhưng y đối đáp không vừa lòng tể tướng Lã Di-Giản, nên bị trù. Phải chờ cho tới khi Kinh-Nam vương Tự– Mai đem quân đánh Hy-hà, vương mới trọng dụng y làm chức Tham-tán đạo Tả-quân. Dần dần vương cất nhắc y lên, rồi đề bạt y làm tri châu Hoài, rồi tới chức Tiết-độ-sứ vùng Giang-châu. Mấy năm trước, vì Kinh-Nam vương rời chính trường, y bị Vương An-Thạch chèn ép. Sau nhân một lỗi nhỏ, An-Thạch tâu xin cách chức y, đầy xuống trấn nhậm Thái-bình, Hoành-sơn. Tuy y thất chí, nhưng khi đối trận với y phải cẩn thận.
Tôn Đản hạ lệnh:
– Quân hầu chỉ huy canh thứ nhất, mang tên Quảng-nguyên. Quân hầu đã có đạo quân Quảng-nguyên dưới quyền, được tăng viện thêm Đô-thống Phạm Dật, phu nhân Lê Kim-Liên với hiệu quân Ngự-long, một lữ thú, một lữ kị. Nhiệm vụ của quân hầu là đánh chiếm thành Thái-bình, Hoành-sơn. Sau khi đánh chiếm xong hai thành này, quân hầu trấn giữ tại đây, bảo vệ đường tiếp tế lương thảo, và đường rút quân của ta. Còn Đô-thống Phạm Dật với đạo Ngự-long thì tiến lên đánh Ung-châu. Tính chung quân hầu có một vạn quân của châu, một vạn Thiên-tử binh, cộng hai vạn quân. Như vậy quân số tương đương. Nhưng ta đánh bất ngờ, lại thêm một lữ thú, mà chúng không phòng bị, thì ta phải thắng.
Ông hướng vào cử tọa:
– Kính mời Thái-tử thiếu-sư, Trấn Bắc thượng tướng quân, Môn-châu hầu Hoàng Kim-Mãn nhận lệnh.
Một trung niên nam tử đứng dậy cung tay:
– Xin chờ lệnh đại hiệp.
– Quân hầu trấn nhậm vùng Môn-châu, đối diện với vùng Vĩnh-bình của Tống từ lâu. Xin quân hầu cho biết tình hình địch.
Hoàng Kim-Mãn cung tay:
– Thưa tiền bối! Từ trước đến nay giữa châu Vĩnh-bình với Môn-châu ở vào thế đối nghịch, thù hận bao nhiêu đời rồi. Bất cứ một gia đình, một giòng họ nào ở Vĩnh-bình cũng có người chết vì Môn-châu. Ngược lại bất cứ một người nào ở Môn-châu cũng có kẻ thù ở Vĩnh-bình.
Đô-thống Lý Đoan kinh ngạc:
– Thưa quân hầu nguyên do nào lại đưa đến tình trạng này?
– Cũng dễ hiểu thôi. Đường từ Trung-nguyên sang Đại-Việt nằm trên tuyến Vĩnh-bình, Môn-châu. Cho nên mỗi khi Tầu đem quân đánh mình, thì phải qua tuyến này. Trên đường đi, họ bắt lính, bắt dân phu ở Vĩnh-bình. Những binh lính, dân phu đó qua Môn-châu là tác oai tác quái, cướp của giết người cực kỳ tàn bạo. Cho nên khi Đại-Việt phản công, quân Tàu bỏ chạy, dân Môn-châu tràn sang đòi lại của, đòi lại người; nhân đó giết kẻ thù để trả hận. Mới đây, thời Chương-thánh Gia-khánh (Canh-Tý, 1060) bọn Tống Sĩ-Nghiêu, Dương Lữ-Tài, Lý Đức-Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật mang quân sang đánh Đại-Việt; thì Môn-châu bị quân Tống cướp sạch, đến nỗi cả châu không còn một con trâu, con bò nào. Đến khi vua bà Bình-Dương với phò-mã Thân Thiệu-Thái phản công, dân Môn-châu tràn sang bắt lại thú, đòi lại người, rồi chém giết trả thù. Cũng vì lý do này, mà phụ huynh Môn-châu trong mười lăm năm qua, lúc nào cũng dạy dỗ con cái phải lo trả thù. Các trang trực thuộc thì nam, nữ luyện tập võ nghệ, tập hành binh bố trận để chờ... ngày hôm nay. Bất cứ lúc nào, chỉ cần một lệnh ban ra, thì nửa giờ sau tiểu bối có thể tập trung quân đánh tràn qua biên giới được. Quân số cả nam lẫn nữ gồm năm nghìn người.
Kim-Mãn thở dài:
– Quân số của Vĩnh-bình gồm có hai loại. Quân Quảng khoảng năm nghìn người. Còn bảo-giáp gồm toàn thể tráng đinh tuổi từ mười lăm trở lên khoảng hơn vạn. Người thủ lĩnh trại Vĩnh-bình là Tô Tá, lĩnh chức Chiêu-thảo sứ của Tống, phụ trách cả văn lẫn võ. Mười lăm năm trước, chính y theo quân Tống tràn sang giết vợ, con tôi. Tôi nuốt hận mười năm năm, để chờ cái ngày hôm nay có dịp băm vằm y ra cho hả giận. Y cũng biết vậy, nên phòng thủ rất chu đáo. Cho nên trận chiến sẽ khủng khiếp lắm, chứ không bình thường đâu. Chỉ dụ của hoàng-thượng ban ra là không được giết tù hàng binh, không được giết người cướp của, không được đốt phá chùa miếu... Tiểu bối e khó có thể thi hành được. Vậy xin trình với đại hiệp trước.
Ngô Cẩm-Thi xua tay:
– Hoàn cảnh như vậy, thì ta đành chịu vậy. Tướng ngoài mặt trận không nhất thiết phải theo lệnh vua.
Ghi chú,
Trong bộ Tống-triều công thần bi ký, bản văn trên mộ chí Tô Tá chép rằng: « Vợ của Tôn Đản, nguyên-soái Giao-chỉ tên Ngô Cẩm-Thi ra lệnh cho Hoàng Kim-Mãn tàn sát dân Vĩnh-bình đến mấy vạn người. Bao nhiêu của cải, gia súc cướp sạch mang về ». Bộ Quách-thị Nam-chinh viết: « Vợ Tôn Đản tên Ngô Cẩm-Thi, cháu năm đời Ngô Quyền, là người tài kiêm văn võ, nên cũng tham dự việc quân. Ngô-thị ra lệnh cho Hoàng Kim-Mãn rằng: Nếu chiếm được Vĩnh-bình thì muốn chém giết, tha hồ chém giết; đàn bà thì cho bắt về làm tỳ nữ. Của cải, thú vật thì được chở tận số về làm của riêng ». Bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký viết hơi khác: « Tuy Tôn Đản với vợ là Ngô Cẩm-Thi đã ngăn cấm không cho chém giết lương dân, cướp bóc. Nhưng thù hận giữa Vĩnh-bình, Môn-châu sau biết bao lần binh cách chồng chất quá cao; nên Hoàng Kim-Mãn cho quân tàn sát dân Vĩnh-bình, cướp hết của mang về. Nhà thì đốt sạch ». Ở đây tôi viết theo bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký. Bởi trong hai cuộc bình Chiêm, ba cuộc đánh sang Tống, cánh quân của Tôn Đản, Cẩm-Thi nổi tiếng là kỷ luật, nhân đạo thì không lẽ trong cuộc hành binh này, bà lại ra lệnh trái với chủ trương thông thường?
Tôn Đản hạ lệnh:
– Quân-hầu chỉ huy đạo binh Môn-châu, gồm hoàng-nam bản bộ, được tăng viện thêm đô-thống Vũ Quang, phu nhân Võ Kim-Loan và hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh; một lữ thú, một lữ kị-binh. Sau khi chiếm Vĩnh-bình, quân hầu trấn tại đây bảo vệ đường tiếp tế lương thảo của ta, và giữ đường rút lui sau này. Còn Đô-thống Vũ Quang thì tiếp tục tiến về thánh Ung. Không biết với quân số như vậy có đủ không?
– Thưa tiền bối đủ rồi.
Tôn Đản đứng dậy hướng vào cử tọa:
– Kinh mời Kiểm-hiệu tư-không, Hữu-bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghĩa-dũng quốc-công, phò-mã Thân Cảnh-Long nhận lệnh.
Phò-mã Thân Cảnh-Long đứng dậy hành lễ:
– Đệ tử xin chờ lệnh sư thúc.
Ghi chú,
Phò-mã Thân Cảnh-Long là con vua bà Bình-Dương. Mà trong Thuận-Thiên thập hùng, thì Tôn Đản nhỏ tuổi hơn vua Bà, tức ông là vai em. Vì vậy Thân Cảnh-Long mới gọi ông là sư thúc. Tuy vậy, vì chức tước Cảnh-Long quá cao, nên Tôn Đản phải đứng dậy mà ban lệnh.
– Trong bốn đạo quân bộ đánh Tống, thì đạo quân của phò-mã lĩnh nhiệm vụ quan trọng nhất là đánh chiếm Tây-bình, Lộc-châu. Sau khi chiếm hai ải này, phò-mã lĩnh nhiệm vụ trấn thủ, bảo vệ hậu quân cùng đường rút tiếp tế lương thảo, đường lui của ta. Xin phò-mã cho biết tình hình hai ải Tây-bình, Lộc-châu?
– Trình sư thúc! Tây-bình, Lộc-châu, nằm trên con đường chính thông thương giữa Trung-nguyên với ta. Cho nên mấy năm qua Thẩm Khởi, Lưu Di ra sức chiêu mộ, đoàn ngũ hóa, luyện tập tráng đinh để đánh Đại-Việt. Châu-trưởng Tây-bình là Nùng Toàn-An, châu trưởng Lộc-châu là Nùng Tông-Đán. Cả hai được lĩnh chức Chiêu-thảo sứ. Hai châu này được một đại thần Tống là Trấn-viễn đại tướng quân Lưu Khả chỉ huy. Quân bảo-giáp của chúng ước khoảng hai vạn, quân Quảng gồm năm nghìn bộ, ba nghìn kị, rất thiện chiến.
Cẩm-Thi hỏi:
– Lưu Khả là người thế nào?
– Thưa y là con của chị gái Tôn Tiết. Tôn Tiết là một trong Tam-anh của Tống gồm Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Trong dịp công-chúa Bảo-Hòa đem quân đánh Tống, Tam-anh đưa quân từ Kinh-châu về cứu Quảng-châu. Tôn bị giết. Vua Nhân-tông bên Tống truyền cho Khả được tập ấm. Y thi đỗ tiến sĩ thời vua Anh-tông, từng theo Kinh-Nam vương đánh Liêu, Hạ, lập công. Mới đây y được đưa về trấn Tây-bình, Lộc-châu. Võ công y rất cao, tương truyền y đã đỡ được của Kinh-Nam vương tới chín chiêu.
Cử tọa đều bật lên tiếng ”ồ” kinh ngạc. Vì với bản lĩnh của Kinh-Nam vương, trong thiên hạ, khó ai đỡ nổi ba chiêu.
Tôn Đản hỏi:
– Quang-lang là thủ đô của Bắc-biên, vậy lực lượng của phò-mã được bao nhiêu?
– Thưa sư thúc, đệ tử thấy Tống dồn trọng binh đối diện với mình, nên dùng hư kế, chuyển ba đạo binh Bắc-biên trấn ở Quảng-nguyên, Tô-mậu, Môn-châu. Còn chính Quảng-nguyên lại bỏ trống. Mục đích để khi chúng tiến binh sang, đệ tử sẽ rút lui, rồi điều hai đạo Môn-châu, Tô-mậu phục ở tử đạo Chi-lăng. Còn đạo Quảng-nguyên sẽ đánh cắt đường về của chúng. Như vậy chúng sẽ lâm vào tử địa. Cho nên tại Quảng-nguyên chỉ cỏ hoàng-nam mà thôi.
Tôn Đản hài lòng:
– Tôi hiểu! Trước đây vua bà Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái đã dùng kế này để nhử Tống Sĩ-Nghiêu, Dương Lữ-Tài, đánh tan đạo quân của chúng vào thời Chương-thánh Gia-khánh (Canh-Tý, 1060). Như vậy bây giờ Lưu Khả không đề phòng Quang-lang. Ta ra quân như sét nổ, ắt chúng phải thất bại.
Ông chỉ công chúa Thiên-Thành:
– Khi các đạo quân lên đường, thì vua bà trấn thủ Bắc-biên. Mỗi trang, động đều có hoàng-nam làm lực lượng cơ hữu canh phòng trộm cướp, tự vệ khi bị tấn công. Ngoài ra tôi tăng viện cho vua bà hai hiệu binh của Kinh-Bắc, Hồng-châu nữa. Còn phò-mã chỉ huy một lữ thú-binh, một lữ kị binh. Tôi tăng viện cho Đô-thống Trần Ninh, phu-nhân Trần Ngọc-Hương với hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải; Đô-thống Lý Đoan, phu-nhân Trần Ngọc-Liên với hiệu Thiên-tử binh Bổng-nhật. Nhiệm vụa của phò-mã là đánh chớp nhoáng chiếm hai ải Tây-bình, Lộc-châu, tổ chức phòng vệ để giữ vững hậu quân, cùng đường tiếp tế lương thảo, đường rút quân. Sau đó tiến về Ung-châu.
Phò-mã Thân Cảnh-Long cúi đầu:
– Đệ tử tuân lệnh sư thúc.
Tôn Đản lại hướng vào chư tướng:
– Xin mời Thái-tử thái-phó, Trấn-võ thượng tướng quân, Tô-mậu hầu Vi Thủ-An nhận lệnh.
Một trung niên nam tử mình hạc, xương mai, nhưng tóc đã bạc phơ đứng dậy:
– Xin chờ lệnh tiền bối.
– Quân hầu trấn nhậm châu Tô-mậu, đối diện với châu Cổ-vạn của Tống. Xin quân hầu cho biết tình hình ta với Tống.
Vi Thủ-An cung tay:
– Thưa tiền bối, Tô-mậu tuy giầu có, nhưng dân số lại ít, việc võ bị lơ là. Hiện ngoài đạo quân của Bắc-biên, quân của châu chưa quá nghìn tráng đinh. Trong khi châu Cổ-vạn là cuống họng thông từ Đông sang Tây của Quảng-Tây lộ. Tống có trọng binh đóng ở đây. Chủ trại là Nùng Hiệp-Thành với hơn bốn nghìn quân bảo-giáp. Tướng trấn thủ là Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu Am, phó là Bát-tác sứ Toàn Hưng, với năm nghìn quân Quảng, một nghìn kị binh.
– Bọn Chu Am với Toàn Hưng là người như thế nào?
– Am là đệ tử của phái Hoa-sơn, phải gọi công chúa Huệ-Nhu, cùng bọn Triệu Tiết, Khúc Chẩn bằng sư thúc. Xuất thân tiến sĩ, từng theo Kinh-Nam vương đánh Hy-hà có công. Vì là người cùng quê với Vương An-Thạch, nên được Thạch gửi xuống trấn Cổ-vạn trấn thủ, để chỉ huy tế tác dò thám ta, hầu chuẩn bị đem quân sang. Cho nên quân đóng ở Cổ-vạn luôn gây sự với Tô-mậu.
Ông chỉ vào đô-thống Đinh Hoàng-Nghi với phu nhân Phương-Quỳnh:
– Đã thế, hơn tháng qua Đinh đô-thống cùng phu-nhân từ miền xuôi lên với lệnh của Khu-mật viện nói rằng « làm một số việc cơ mật ». Cơ mật gì mà đô-thống đem một số tùy tùng lên gây ra nhiều chuyện quái đản, khiến cho bên Cổ-vạn căm hờn; họ đang tập trung quân, chuẩn bị đánh sang.
Trong khi Vi Thủ-An than thở, thì Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh ngồi ôm gối mỉm cười trông rất nhàn nhã ung dung. Vi Thủ-An giận muốn ứa gan, mặt hằm hằm tiếp:
– Thứ nhất, đô-thống cho tùy tùng đào bới ở chân ngọn đèo giáp ranh giữa Tô-mậu với Cổ-vạn. Ngày nào đoàn đào đất cũng tìm ra được những thùng gỗ chôn dưới đất, rồi nói rằng đó là thùng vàng, ngọc mà các quan Tầu sang ta cai trị vào đời Đường chôn dấu. Tin này đồn ra làm rúng động quan, quân Cổ-vạn, chúng bàn nhau lăm le muốn kéo sang cướp. Rồi trên tuần qua, người cho Thiên-tử binh giả làm hoàng-nam Tô-mậu; ngày thì thả ngựa, ngày thì thả trâu cho ăn lúa của Cổ-vạn. Bây giờ là tháng chín, hạt lúa đã săn, sắp chín, mà trâu ngựa ăn của người ta mỗi lần hết hơn sào (360 m vuông ngày nay), thì đời nào người ta chịu? Thế là họ ra bắt trâu, bắt ngựa để đòi bồi thường. Thiên-tử binh đã không bồi thường, còn đánh người ta. Thành ra ngày nào cũng có cuộc xô xát, mà bao nhiêu oán hờn bọn Cổ-vạn đổ lên đầu Tô-mậu.
Trong khi Vi Thủ-An vừa giận, vừa sợ, thì Tôn Đản, Cẩm-Thi, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh lại tủm tỉm cười tỏ vẻ khoan khoái. Vì vậy ông càng cáu thêm, ông tiếp:
– Hiện tiểu bối có ba điều lo lắng, xin tiền bối giúp cho.
– Quân hầu cứ nói.
– Một là binh lực thuộc quyền tiểu-bối quá ít, quá yếu, so với Cổ-vạn. Bọn chúng thường gây sự, chèn ép đủ điều, tiểu bối vốn đã phải nhịn nhục với bọn Nùng quá lắm rồi. Hai là, bọn Nùng vốn ăn hiếp tiểu bối đã quen, thế mà nay Đinh đô-thống mới lên lại làm ngược lại, không những không nhường nhịn chúng, mà còn gây gổ, khiêu khích chúng. Đây là cái cớ, mà bất cứ lúc nào chúng cũng có thể tràn qua đánh cướp, viện cớ mình gây sự. Ba là thời gian qua, chả biết Đinh đô thống đã đào được bao nhiêu vàng ngọc thì tiểu bối không biết, mà tin đồn ra là đào được tới hơn ba chục thùng. Như vậy ngày một ngày hai bọn Nùng sẽ tràn qua lấy cớ trả hận, nhưng thực ra là cướp vàng ngọc.
Nói xong ông quay lại nhìn Đinh Hoàng-Nghi để trút cái hận, thì lại thấy vợ chồng Nghi cười khúc khích, tỏ vẻ khoái chí, khiến mặt ông hầm hầm muốn toé lửa.
Tôn Đản mỉm cười với Vi Thủ-An:
– Quân hầu bình tĩnh! Việc Cổ-vạn tôi xin lo hết. Đừng có sợ! Này quân hầu ơi! Trước kia Thẩm Khởi huênh hoang, le te, ồn ào, để lộ cho ta biết âm mưu mà hỏng việc. Tống đã cách chức Khởi cử Lưu-Di thay thế. Nhưng Lưu còn ngu hơn Thẩm nhiều. Lưu biết rằng phần đối diện với y quân số ít ỏi, thì y cũng phải giảm quân số để đánh lạc hướng ta mới phải. Đây y ra cái bộ y mạnh, y tụ quân ngụ ý đe dọa. Hừ! Biết tâm y như vậy, ta càng khích thêm tính kiêu căng của y, thì việc hạ Cổ-vạn không khó.
Ông nói lớn:
– Khi triều đình nghị kế định rằng ta đánh Tống bằng hai đạo thủy, bộ. Đạo thủy đổ lên Khâm-châu, Liêm-châu. Đạo bộ là chúng ta. Vì Tống có trọng binh ở Khâm, Liêm, e đạo thủy khó đổ bộ lên. Vì vậy chúng ta phải tấn công trước, dẫn dụ cho Tống đem quân Quảng-châu, Khâm, Liêm, Ung về Tây-Nam cứu viện. Bấy giờ đạo thủy mới đổ bộ. Nhưng...
Ông ngừng lại cho mọi người chú ý rồi tiếp:
– Đạo bộ ta cũng phải lừa Tống một lần nữa. Đầu tiên ta đánh một ải dưới hình thức hai khê động Việt-Hoa giáp nhau đụng chạm vì lý do bình thường; để từ Lưu Di cho đến triều Tống tưởng rằng đó chỉ là những gây gổ giữa hai khê động. Sau đó mấy ngày, ta mới đại tấn công.
Ông chỉ Vi Thủ-An:
– Tôi quyết định dùng đạo quân Tô-Mậu khai chiến đánh ải Cổ-vạn để làm kế lừa địch.
Vi Thủ-An giẫy nẩy lên:
– Đại hiệp xét cho. Chúng tôi chỉ có nghìn người ô hợp, sao có thể đối đầu với hơn vạn quân tinh nhuệ của Tống?
Tôn Đản xua tay:
– Quân hầu yên tâm. Quân hầu chỉ đứng trên danh nghĩa để đánh lừa địch. Còn người chỉ huy là Trấn Bắc đại tướng quân, Tiên-yên tiết độ sứ, Tản-viên quốc công Tôn Mạnh với Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên kia mà. Tất cả việc làm của Đinh đô-thống là lệnh của Khu-mật viện, với mục đích nhử cho Tống xuất ra khỏi Cổ-vạn đánh ta trước. Ta nhân đó phản công, như vậy Cổ-vạn mất, tin báo về Biện-kinh, vua tôi nhà Tống sẽ cho là chuyện xích mích giữa các khê động mà thôi.
Vi Thủ-An thở dài, như trút được gánh nặng bấy lâu trên vai, ông nhìn Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh như tỏ ý xin lỗi về những bực tức vừa qua.
Ông nói với Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên:
– Đường từ Tô-mậu sang Cổ-vạn phải qua hai cái đèo. Vì vậy ta dùng ít bộ binh, mà dùng kị binh. Hai em được tăng viện Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh với hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ; Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt với đạo kị binh Phù-đổng; Thần-vũ thập anh với hai lữ binh thú. Như vậy có đủ không?
Thanh-Nguyên dơ tay vẫy vẫy:
– Đủ rồi! Đủ rồi!
Tôn Đản nhấn mạnh:
– Cuộc « tấn công để tự vệ » này, quan hệ ở các đạo bộ binh chúng ta. Đạo bộ binh chúng ta, quan hệ ở trận đánh Cổ-vạn. Nhiệm vụ quan trọng ở chỗ: phải chiếm được Cổ-vạn trong vòng ba giờ, để binh Tống không phân biệt được đó là Đại-Việt đánh họ, hay Tô-mậu đánh họ. Nếu như trận này thất bại, thì ta sẽ phải khó khăn, tốn nhiều nhân mạng lắm mới có thể đạt được mục đích.
Tôn Đản đứng dậy hỏi hướng vào Tuyết-sơn thập anh:
– Bẩy nhân huynh đây đều là những người văn mô vũ lược. Vậy lão phu xin bẩy vị dạy cho ít lời.
Trong Tuyết-sơn thập anh thì Tam-Sơn, Tứ-Sơn, Ngũ-Sơn xuất thân tiến-sĩ, ông đứng dậy cung tay:
– Xưa học trò hỏi Khổng-tử rằng: Nếu như nhà vua trao quyền cho thầy, thì việc đầu tiên thầy làm gì? Ngài đáp: Phải chính danh. Hỏi: Sao lại phải chính danh? Đáp: Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn đã thuận thì sự mới thành. Thưa tiền bối có đúng thế không.
– Quả không sai.
– Phàm ra quân phải có chính nghĩa, đó là chính danh. Vậy nay tiền bối ra quân chnh nghĩa là gì? Nếu tiền bối không tuyên cáo chính nghĩa cho dân thì người Tống sẽ nghĩ rằng: Giao-chỉ là nước nhỏ vượt biên đánh nước lớn, chẳng qua là một thứ đạo tặc mà thôi. Đó là một điều khó. Còn như tiền bối nói thực rằng mình đem quân sang phá các kho lương, thành trì của Tống, để Tống không thể đánh Đại-Việt được, thì lại càng làm cho dân khổ, cũng không có chính nghĩa. Đó là hai điều khó.
– Xin tiên sinh chỉ cho cách gỡ hai cái nút này.
– Tiền bối đều biết rằng hiện nay nửa dân Tống chống Tân-pháp của Vương An-Thạch. Các quan càng chống mạnh hơn. Thế thì tiền bối còn chờ gì mà chẳng làm tờ đại cáo với dân rằng: Đại-Việt ra quân chỉ với mục đích hỏi tội Vương An-Thạch bầy ra Tân-pháp làm khổ dân. Rồi những vùng chiếm được, tuyên bố bỏ Tân-pháp, xá thuế cho dân. Như vậy trong triều, ngoài dã từ quan tới dân đều nói rằng: Đấy, Đại-Việt ra quân chỉ vì Tân-pháp. Họ sẽ cùng Đại-Việt chống Tân-pháp hơn lên. Đấy có phải là ta có chính nghĩa không?
Tôn Đản tỉnh ngộ, cung tay:
– Xin nhờ tiên sinh múa bút soạn cho tờ đại cáo.
Tam-Sơn cầm bút viết:
« Trời sinh muôn dân, thì vua phải hòa-mục với họ. Đạo làm chúa dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe Tống chúa hôn ám, không nương theo phép thánh nhân, lại tin vào tà kế Vương An-Thạch, đặt ra cái gọi là Thanh-miêu, Trợ-dịch, khiến trăm họ khốn khổ, mà riêng nuôi thân mình cho mập.
Bởi sinh-mệnh muôn dân là tự trời, thế mà bỗng chốc họ bị sa vào cảnh khốn khó. Lượng kẻ trưởng thượng phải xót thương. Những việc từ trước chẳng nói làm gì!
Nay bản chức vâng lệnh quốc-vương, chỉ ngọn cờ lên Bắc, muốn dẹp yên sóng yêu ma; nên chỉ phân biệt quốc thổ, không phân biệt dân chúng. Phải quét sạch hôi tanh, để dân chúng được sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn thanh bình.
Ta nay ra quân, cốt cứu dân khỏi chìm đắm trong bể khổ. Nên truyền hịch để mọi người cùng nghe. Ainấy hãy đắn đo suy nghĩ, đừng mang lòng kinh sợ ».
Ghi chú,
Bản trên đây, tôi lấy trong Việt-điện u-linh. Trong An-Nam chí lược, Lê Tắc cũng có ghi, nhưng ý hơi khác. Ngoài ra trong Quách-thị Nam-chinh và Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký đều chép một tờ hịch nữa, nội dung hoàn toàn giống nhau. Xin đọc trong
Tôn Đản mừng lắm, sai khắc vào gỗ, rồi in rà thành mấy nghìn tờ, trao cho chúa tướng các đạo, để khi quân tới đâu, thì dán ở những nơi công cộng cho dân chúng đọc.
Tôn Đản nói với Tuyết-sơn thập anh:
– Các vị huynh đài đều là những đại hiệp vì dân trừ bạo. Trong các châu Nam-thùy Tống, có biết bao nhiêu tên cường hào ác bá, có biết bao nhiêu tên tham quan ô lại, có biết bao nhiêu tên đầu trộm đuôi cướp. Vậy lão phu đề nghị mười vị chia nhau theo các đạo quân, đe mỗi khi chiếm được vùng nào, các vị họp dân điều tra, rồi dùng luật võ lâm xử tội chúng, trước làm mát lòng dân, sau là thế thiên hành đạo.
Thập-anh cùng đứng dậy nhận lệnh.
Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên góp ý:
– Sau buổi họp này, thì cuộc chuẩn bị của toàn thể quân Bắc-biên, lẫn hoàng-nam sẽ ồn ào vô cùng. Em sợ tế tác Tống biết được, họ đề phòng, thì cuộc chiến sẽ gay go vô cùng.
Tôn Đản bật cười:
– Anh chị đã dự trù trường hợp đó rồi.
Ông đưa ra một bọc, trong bọc có hơn năm chục cuộn giấy, rồi nói:
– Đây là lệnh hư kế của Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt. Lệnh này nói rằng: Triều đình quyết định điều ba hiệu bộ binh, kị binh, thú binh đi chinh tiễu Chân-lạp để cứu Chiêm-thành. Vì vậy tất cả quân Bắc-biên phải chuẩn bị lừa, ngựa, lương thảo, chờ ngày xuất hành.
Chưa tướng cùng nhận lệnh. Cuộc họp chấm dứt.
Tôn Đản lưu Tôn Mạnh, Thanh Nguyên, Vi Thủ-An, Đinh Hoàng-Nghi Trần Phương-Quỳnh lại. Ông hỏi Hoàng-Nghi:
– Chuyện đó như thế nào?
– Hơn tháng qua cháu đã làm, thành công đã trong tầm tay. Mới đây nhất, ngày hôm qua cháu đã cho năm đứa trẻ giả làm dân Tô-mậu đem trâu sang cánh đồng sát chân núi chăn, rồi để trâu ăn lúa của vùng Cổ-vạn. Đây là lần thứ tám, trong một tháng. Bây giờ lúa sắp chín, mà trâu ăn mất một mảnh lớn ở ruộng. Quân bảo-giáp vùng Cổ-vạn cũng như mấy lần trước, chúng ùa ra bắt trâu, đòi phải mang tiền sang chuộc. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Chiều cháu cho hai mươi Thiên-tử binh giả hoàng-nam sang bắt lại trâu. Hai bên giằng co, đánh nhau. Bên Cổ-vạn có hơn mười người bị thương, tám người chết. Như vậy bọn tướng sĩ Tống như Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu Am, Bát-tác sứ Toàn Hưng, châu trưởng Nùng Hiệp-Thành... có là Thích-Ca ngồi trên toà cũng phải nhúc nhích. Theo tin tế tác, đêm nay chúng sẽ vượt qua đường phía Tây đồi Vong-thiên, để sáng mai đánh Tô-mậu.
– Được! Còn hiệu binh Quảng-vũ, kị-binh bây giờ ở đâu?
– Cháu cho di chuyển bằng đường Đông đèo Vong-thiên đến sát Tô-mậu đêm qua. Hiện ẩn ở trong rừng. Chỉ đợi lệnh là vượt biên.
Tôn Đản nói rất chậm:
– Hôm nay là ngày 14 tháng chín, trăng sáng tỏ, vậy trời xập tối thì lên đường. Sao cho đến chân đèo phía Bắc Vong-thiên vào giờ Tý. Ta cho quân nghỉ ngơi, đến giờ Sửu thì tấn công. Kế hoạch tấn công ra sao?
– Cháu đã nghị với công chúa Côi-sơn rồi.
Thanh-Nguyên trình bầy:
– Khi được mật lệnh của anh chị, em sai cháu Hoàng-Nghi Phương-Quỳnh đích thân giả làm lái buôn sang Cổ-vạn thám sát địa thế cùng tình hình. Về địa thế thì châu Cổ-vạn được bao quanh bởi mặt Đông là dẫy đồi, mặt Bắc là con sông, mặt Tây, Nam là cánh đồng. Về mùa này ruộng đã khô, người ngựa có thể băng qua được. Phía Nam châu có bốn cổng nhỏ, hai cổng lớn. Cổng nhỏ cho người và thú ra đồng làm việc, tối cổng đóng lại, không có người canh gác. Cổng lớn rất rộng dành cho xe, người đi. Đây là trục giao thông chính của ta với Trung-nguyên, cho nên ngày đêm đều có quân canh gác. Quân sĩ thì chia làm bốn toán, mỗi ngày một toán ứng trực canh phòng, hai toán nghỉ, một toán luyện tập. Ban đêm thì tất cả đều về nhà ngủ, để cho quân bảo-giáp canh phòng.
– Kế hoạch đánh như thế nào?
Hoàng-Nghi nói thầm vào tai Tôn Đản một lúc. Ông vui vẻ:
– Được lắm. Ta ngồi xem các vị thành công.
Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh, Vi Thủ-An lấy ngựa trở về Tô-mậu. Trước khi khởi hành, Tôn Mạnh viết lệnh triệu tập binh tướng tại Tô-mậu ngay đêm nay, rồi sai chim ưng mang đi. Ba người tới nơi, thì trời xập tối. Cơm nước xong, thì chư tướng đến.
Hoàng-Nghi trình bầy tình hình địch, địa thế, mục đích cuộc hành quân, thời gian xuất quân rồi nhường cho Thanh-Nguyên. Thanh-Nguyên cầm kiếm lệnh để trước mặt. Công-chúa hướng vào chư tướng:
– Hiện hầu hết Quảng-binh, bảo-binh của ở Cổ-vạn đã xuất khỏi đất Tống, đang ẩn ở khu rừng phía Tây đèo Vong-thiên, chờ ngày mai vào cướp Tô-mậu. Ta chia quân làm ba. Một là lực lượng hoàng-nam Tô-mậu, hiệu quân Bắc-biên thứ ba do Trần-vũ thượng tướng quân Vi Thủ-An chỉ huy, nhiệm vụ giữ nhà. Hai là cánh phục trên đường tiến quân của Tống, chặn không cho chúng đánh sang ta. Đạo này do chính tôi với phò-mã chỉ huy được tăng viện các đô thống Hùng Nhân, Âu Hoàng, Hùng Nghĩa, Âu Thanh. Lực lượng gồm hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ tả, một lữ Thần-nỗ, đội Thần-tiễn Long-biên, đội Thần-phong, Thần-tượng, Thần-xà. Ba là đạo đánh chiếm Cổ-vạn, sẽ do Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt, đô-thống Đinh Hoàng-Nghi với phu nhân là Phương-Quỳnh chỉ huy; lực lượng gồm đạo kị binh Phù-đổng, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ hữu, một đội Thần-tiễn Long-biên, một lữ Thần-nỏ, đội Thần-hầu, Thần-báo, Thần-hổ.
Công chúa nói với Hà Mai-Việt, Hoàng-Nghi:
– Đêm nay các vị cho thú-binh, kị-binh di chuyển trước, Thiên-tử binh đi sau, tiến theo con đường Nam-Bắc băng qua đèo Vong-thiên. Nhớ nhé. Vong-thiên có hai con đường băng qua. Một con phía Tây, một con phía Đông. Ta bỏ con đường phía Tây, vì Tống đang đóng trên con đường này, ta tiến theo con đường phía Đông. Ta phải tiến sao cho tới chân Bắc đèo vào lúc giờ Tý. Ta chia quân làm hai cánh. Cánh phía Tây do Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt, đô-thống Hùng Lễ, Âu Huyền, Hùng Trí, Âu Lam chỉ huy một lữ kị binh Phù-đổng, một lữ Thiên-tử binh thuộc đạo Quảng-vũ tả, đội Thần-nỏ, đội Thần-tiễn Long-biên. Cánh phía Nam do đô-thống Hoàng-Nghi Phương-Quỳnh, Hùng Tín, Âu Hồng chỉ huy một lữ kị binh thuộc đạo kị-binh Phù-đổng hữu, một lữ Thiên-tử binh thuộc đạo Quảng-vũ hữu, một đội Thần-tiễn Long-biên, một đội Thần-nỏ.
Công-chúa chỉ lên sơ đồ vùng Cổ-vạn:
– Trong cuộc tập kích này ta tận dùng Thần-hầu, Thần-hổ, Thần-báo, Thần-ngao, Thần-ưng. Khi tiến quân thì sai Thần-ưng bay trên cao thám thính tuần phòng. Thần ngao thám thính, đề phòng dưới đất. Khi ta tiến quân qua vùng nào, cũng nên lưu Thần-ưng, Thần-ngao lại để canh gác, phòng bị đánh tập hậu. Như vậy nhất cử nhất động của địch ta biết hết.
Công chúa chỉ vào các chúa tướng chỉ huy thú và cung thủ Long-biên:
– Đội Thần-tiễn Long-biên đi đầu cùng với Thần-hầu, Thần-hổ. Xưa nay, khi một con hổ đi đến đâu, thì mùi hôi toả ra trong vòng bán kính trăm trượng. Hễ chó ngửi thấy mùi là chúi mũi vào bụi cỏ. Đó là lý do ta cho Thần-hổ cùng Thần-hầu tiến trước, phòng chó xủa. Tới hàng rào, thì Thần-hầu sẽ leo vào trong, mở cổng. Đội Thần-tiễn Long-biên cùng Thần-hổ xông vào trong, tỏa ra phía trước, hai bên phải trái cửa bảo vệ cho Thần-báo vào sau. Sau khi vào rồi, thì cánh phía Nam đánh sang bên Đông. Cánh phía Tây đánh về Bắc, mở tung các cửa ra, rồi trấn tại đó. Đến đây thì kị-binh Phù-đổng ập vào các cửa tấn công trung ương. Thiên-tử binh đi theo sau. Tóm lại thú binh, đội cung thủ Long-biên có nhiệm vụ đánh chiếm các cửa, rồi trấn ở đó, không cho địch chạy thoát. Đạo kị binh Phù-đổng phá vỡ phòng tuyến địch. Còn Thiên-tử binh thì đánh chiếm các kho tàng, doanh trại, trụ sở.
Bà nhấn mạnh:
– Cần đánh cho mau, cho gọn. Sao nội trong hai giờ phải chiếm được hết cơ sở giặc, tổ chức canh phòng thực nghiêm, rồi đem một lực lượng ra phục trên con đường Tây đèo Vong-thiên chờ bọn Tống rút về thì dùng tên, dùng thú chặn đánh. Nhớ, dù thắng, nhưng cũng nên mở con đường cho chúng rút về Ung-châu.
Bà ghé miệng vào tai Hoàng-Nghi dặn dò mật kế.
Ghi chú,
Dùng mồ hôi, nước tiểu của hổ để uy hiếp chó là một khám phá của tộc Việt từ thế kỷ thứ nhất. Trong suốt năm nghìn năm lịch sử, người Việt đã tận dụng cọp, nước tiểu, mồ hôi cọp trong chiến tranh. Cho đến giai đoạn chiến tranh 1960-1975 du kích quân Việt-Nam cũng dùng nước tiểu của cọp hoặc nước tắm cho cọp chà vào quần áo để đột nhập vào các căn cứ Hoa-Kỳ, khiến khuyển quân vô dụng.
Đêm hôm đó là đêm mười tư, tháng chín, niên hiệu Thái-Ninh thứ tư, đời vua Nhân-tông triều Lý, bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ tám (1075) đời vua Thần-tông nhà Tống. Dưới ánh trăng huyền ảo của rừng núi Bắc-biên, từng đoàn, từng đoàn người ngựa âm thầm di chuyển băng qua ba ngọn đèo ngắn. Người ngậm tăm, ngựa khóa mõm, nên chỉ có tiếng bước chân người, tiếng vó ngựa, và tiếng bánh xe lóc cóc. Sau khi đổ hết ngọn đèo thứ ba, thì trước mặt họ hiện ra khu đồng bằng. Xa xa trong vùng Cổ-vạn một vài nhà còn để đèn, ánh sáng chiếu leo lét chập chờn như ma chơi. Đoàn người ngựa tẻ ra làm hai... âm thầm và âm thầm.
Phía Nam vùng Cổ-vạn không rộng cho lắm. Hoàng-Nghi nói nhỏ với đám Hùng, Âu:
– Mặt Nam mình có bốn cổng nhỏ. Vậy hai vị sư huynh, sư tỷ, mỗi người đánh chiếm một cổng. Từ trái sang phải, sư huynh Hùng Tín đánh cổng một, sư tỷ Âu Hồng đánh cổng hai, Phương-Quỳnh, tôi bốn. Kìa trên trời Thần-ưng bay lượn bình thường thế kia là phía trong không có quân phòng thủ.
Bốn người nhanh nhẹn vẫy tay. Bọn thiếu niên chỉ huy Thần-hầu, Thần-hổ đã được dặn trước, chúng cho mở cũi, thả thú ra. Đàn thú im lặng băng mình qua cánh đồng cùng với đội tiễn thủ Long-biên. Phía sau là đoàn Thần-báo, rồi kị binh, Thiên-tử binh.
Tới hàng rào, Thần-hầu nhanh nhẹn trèo lên cây thả mình vào trong mở cửa. Thần-hổ, Thần-báo, thần tiễn Long-biên đã lọt vào trong. Sau khi phân chia nhiệm vụ cho các lữ trưởng trấn các cổng; Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh dẫn năm chục tiễn thủ Long-biên tiến về một cổng chính. Ở đây, trên chòi canh, có ngọn đèn nhỏ. Hoàng-Nghi chỉ cho Phương-Quỳnh chiếm một cổng lớn, còn mình chiếm một cổng lớn. Chàng vẫy tay, một mũi tên phát ra tiếng véo, ngọn đèn trên chòi canh vỡ tan. Có tiếng binh canh nói:
– Sao tự nhiên ngọn đèn lại tắt vậy kìa? Ra xem sao?
Hai binh canh ra khỏi chòi, thì véo véo hai tiếng, hai người trúng tên ngã lộn xuống đất. Đám võ sĩ Long-biên tung mình vào chiếm đồn canh. Đám quân canh đang ngon giấc thấy động, giật mình thức dậy, thì đều bị tên bắn trúng trán, ngã lăn xuống. Đám võ sĩ Long-biên mở toang cổng lớn ra. Hoàng-Nghi cầm chiếc pháo thăng thiên châm ngòi, tung lên cao. Pháo nổ đến đùng một tiếng, tỏa ra ánh sáng mầu tím. Đó là lệnh tấn công. Lập tức đoàn kị binh Phù-đổng phi qua các cổng vào trong rồi tỏa ra làm hai tiến về các mục tiêu. Tiếp theo là Thiên-tử binh ào vào. Vùng Cổ-vạn tuy rộng, nhưng phạm vi đóng quân thì có giới hạn. Trong khoảng hơn giờ, quyân Việt đã chiếm xong các doanh trại, kho vũ khí, khu chuồng ngựa, kho lương thực.
Nhìn kho lương thực, kho vũ khí chất cao như núi: Nào cá khô, tôm khô, thịt khô, nào gạo, nào cỏ, nào cung, nào tên, nào đao, nào thương... lại có cả kho chứa tiền, vàng, bạc nữa; không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng-Nghi nói với Phương-Quỳnh:
– Em thấy không? Đây rõ ràng là kho lẫm của Tống triều chứ không phải kho của Cổ-vạn. Như vậy chứng tỏ họ đã chuẩn bị đánh mình xong xuôi, chỉ còn đợi ngày xuất quân nữa mà thôi.
Khi đánh vào tới trung ương, trị-sở của Cổ-vạn, thì hai đội kị binh của Hoàng-Nghi, Hà Mai-Việt gặp nhau. Hà Mai-Việt là một đại tướng quân đánh dư trăm trận, kinh nghiệm có thừa, ông hỏi Hoàng-Nghi:
– Đinh đệ! Ta thấy dường như có một sự bất thường thì phải. Bởi chúng ta đánh sao dễ quá, không gặp bất cứ một phản ứng lớn nào của bên địch. Trước sau, chỉ bốn cổng lớn, mỗi cổng có không quá năm mươi binh canh, với trăm binh canh kho tàng. Không lẽ lực lượng của chúng kéo sang Tô-mậu hết? Dù cho chúng kéo sang ta đánh cướp, thì cũng phải để lại ít quân giữ nhà chứ?
– Đệ cũng thấy thế. Hiện chư quân đang lùa dân chúng ra khỏi nhà, rồi thanh lọc bắt quân, tướng địch. Ta cứ chờ xem. Bây giờ hãy tiến vào chiếm trị sở của châu Cổ-vạn đã.
Hà Mai-Việt vẫy tay, lập tức Hùng Nhân, Hùng Nghĩa cho đội võ sĩ Long-biên tiến vào trong hàng rào khu trị sở cùng với đội Thần-ngao. Lát sau Hùng Nhân chạy ra lắc đầu:
– Thưa đại tướng quân, trong trị sở không có một người nào cả. Đồ đạc còn nguyên.
Hà Mai-Việt vội vào xem xét; chỉ liếc qua, ông đã tìm thấy ngay rằng bọn tướng sĩ Tống không hề bỏ chạy, vì đồ đạc vẫn ngăn nắp, căn nhà sạch sẽ. Ông nói với Hoàng-Nghi:
– Thế này là thế nào? Tại sao chúng ta không gặp bọn tướng Tống, bọn binh sĩ khê động? Chúng đi đâu hết? Ta phải sai chim ưng trinh sát xem sao mới được.
Hoàng-Nghi ngửa mặt lên trời, miệng cười toe toét. Hà Mai-Việt đang lo lắng cuống cuồng lên, mà Hoàng-Nghi với Phương-Quỳnh cứ thủng thỉnh; nào là nghe báo cáo số gia súc, số lúa gạo, số vũ khí trong các kho. Rồi lại hỏi về số tù binh bắt được.
Hà Mai-Việt đề nghị:
– Ta phải sai chim ưng trinh sát xem sao mới được. Không lẽ bọn chúng biết ta tấn công, rồi dùng kế không thành? Vô lý, bởi chúng dùng kế không thành, để dâng tính mệnh vợ con, bố mẹ, cùng tài sản cho ta hay sao?
Các lữ trưởng kị binh, Thiên-tử binh lần lượt báo cáo: Sau khi bao vây từng nhà, lùa hết già trẻ, lớn bé ra đệ thanh lọc. Nhưng tuyệt không thấy một tên quân Tống, một quân bảo-giáp. Sau khi bắt bố mẹ, vợ con, gia thuộc bọn tướng Tống, lấy khẩu cung, họ đều khai rằng binh tướng Tống chuẩn bị từ hơn nửa tháng trước để đánh sang Tô-mậu. Nhưng mới lên đường có hai ngày.
Bây giờ Hà Mai-Việt mới hiểu tại sao ban nãy ông lo sợ cuống cuồng, mà Hoàng-Nghi cứ bình tĩnh như không. Ông nói với Hoàng-Nghi:
– Theo lệnh công chúa Côi-Sơn, thì sau khi đánh chiếm Cổ-vạn, ta phải cho phục binh ở phía Tây đồi Vong-thiên, chờ quân Tống rút về thì chặn đánh. Nhưng như Đinh đệ thấy, quân ta thức suốt đêm qua, lại di chuyển hơn trăm dặm, rồi chiếm trại này. Người ngựa đều mệ lả rồi, bây giờ sao có thể di chuyển ra đèo Vong-thiên mai phục? Mà ví dù có lết ra mai phục, thì còn đâu sức mà đánh. Vậy Đinh đệ nghĩ sao?
– Công-chúa ban lệnh là lệnh tổng quát, phần thi hành là nhiệm vụ của chúng ta. Chúng ta phải uyển chuyển thay đổi, chứ không nhất thiết phải giữa nguyên.
– Đệ mới cầm quân nên không hiểu Ngũ-long công chúa tý nào cả? Đệ nên biết rằng từ thời đức Thái-tổ đến giờ, Ngũ-long công chúa đánh đâu thắng đó là nhờ quân lệnh cực kỳ nghiêm. Cái lệnh thép mỗi khi phải đối phó với cường địch, sai một đội đao thủ đi phía sau đội hình xung phong. Ai ngừng lại, lùi lại, đứng lại là chém liền... đâu phải mình Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, mà cả Ngũ-long công chúa nữa. Bây giờ hiền đệ cãi lệnh thì cãi, chứ huynh thì huynh không dám đâu! Huynh mà cãi lệnh thì mất chỗ đội nón ngay.
Ông cười:
– Chính Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt cũng khét tiếng là Thập-nhị thiết sư (Mười hai con sư tử bằng thép), kỷ luật cực nghiêm. Nên mười hai đạo Thiên-tử binh mới có khí thế nghiêng trời lệch đất.
Hoàng-Nghi mỉm cười, ghé miệng vào tai Hà Mai-Việt:
– Cái vụ ra lệnh cho bọn mình phục ở chân đèo là hư kế, vì sợ tế-tác địch biết được. Chứ sự thực công chúa ra mật lệnh cho em: Cần thắng giặc bất cứ giá nào, miễn ít đổ máu là được rồi. Vậy bây giờ ta làm thế này... thế này.
Hà Mai-Việt xuất thân trong một gia đình Nho-giáo, phụ thân ông dạy con bằng tinh thần trung-quân, ái-quốc, lấy đạo trung-dung để chính tâm, lấy ngũ-thường để hành xử. Nay nghe Hoàng-Nghi nói những điều khủng khiếp, ông nhăn mặt:
– Làm vậy, chúng coi mình là phường bá đạo, cơ tâm. Có cách nào khác hơn không?
– Đại ca theo Nho thì đại ca cho rằng như vậy là trái. Còn em, thì em hành xử theo đạo lý tộc Việt: Miễn sao giữ được nước, miễn sao cho máu đổ ít mới là chính đạo.
Hà Mai-Việt gật đầu vui vẻ. Hoàng-Nghi lệnh cho Thiên-tử binh bắt hết bố mẹ, vợ con của tướng sĩ Cổ-vạn rồi gọi Hùng Lễ, Hùng Trí, Hùng Tín với Âu Huyền, Âu Lam, Âu Hồng lại dặn nhỏ mấy câu. Sáu người vâng lệnh điểm quân lên đường.
Hà Mai-Việt, Đinh Hoàng-Nghi bận bù đầu với việc thanh lọc dân chúng, kiểm kê tài sản, phân biệt những gì của dân chúng thì trả cho dân chúng. Những gì của Cổ-vạn thì phát cho người nghèo. Còn những gì của công khố Tống thì niêm phong lại. Công việc cho đến trưa thì xong.
Cơm trưa xong, có binh canh vào báo:
– Thưa đại-tướng quân, thưa đô-thống, có Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản cùng phu nhân giá lâm.
Mai-Việt cùng Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh dẫn các tướng ra cổng đón. Tôn Đản vẫy tay:
– Hà tướng quân, Đinh đô thống! Miễn lễ! Miễn lễ! Chúng ta đến đây có chuyện khẩn cấp.
Hoàng-Nghi mời ông bà vào trong sảnh đường. Chư tướng tề tựu. Đinh Hoàng-Nghi báo cáo về trận đánh đêm qua, cùng số lương thực, vũ khí, lừa ngựa thu được. Tôn-Đản xoa tay vào nhau:
– Tôi không ngờ Tống lại chứa lương thảo ở Cổ-vạn nhiều như vậy. Với kho lương này, có thể nuôi mười vạn quân mã trong một năm. Với số cung tên, vũ khí này, có thể trang bị cho năm vạn quân.
Ông rùng mình:
– Nếu ta không khám phá ra âm mưu Nam xâm, nếu chúng ta không ra tay trước, thì khi Tống khởi sự, thực ta không thể nào chống nổi Tống. Chúng ta đã thành công trong trận đánh chiếm Cổ-vạn. Tôi xin loan báo cho chư tướng biết về trận chiến Tây đèo Vong-thiên.
Ông khoan thai kể:
– Từ trước đến nay, thủ lĩnh chủ khê động Cổ-vạn Nùng Hiệp-Thành, ỷ dân đông, binh mạnh, lấn áp Tô-mậu hầu Vi Thủ-An riết rồi khinh thường. Gần đây trong cuộc chuẩn bị đánh Đại-Việt, Vương An-Thạch cử Tả-lãnh-vệ thượng thượng-tướng quân Chu Am, bát-tác sứ Toàn Hưng đem năm nghìn quân Quảng đến trấn Cổ-vạn, cùng giúp Nùng huấn luyện tráng đinh thành bảo-giáp, nên quân số bảo-giáp tới bốn nghìn người. Được Nùng Hiệp-Thành mật báo về rằng Tô-mậu chỉ có một nghìn hoàng-nam, nên An-Thạch càng coi thường. Y quyết định đem lương thảo, vũ khí đồn trú tại đây.
Ông cười lớn:
– Biết thế, hơn tháng qua, tôi cử đô-thống Hoàng-Nghi âm thầm đến Tô-Mậu bầy ra vụ đào vàng, cùng gây sự với Cổ-vạn. Vì tham vàng cũng có, vì tức giận bị khiêu khích cũng có, Hiệp-Thành báo tự sự với An-Thạch. Thạch mật lệnh cho Chu, Toàn, Nùng lấy cớ trả đũa bị khiêu khích, đánh sang Tô-mậu với mục đích chính là thử sức phòng thủ của ta, mục đích phụ để cướp vàng.
Ông ngừng lại hớp một hớp nước trà, rồi tiếp:
– Được mật lệnh của Thạch, bọn Chu, Toàn, Nùng âm thầm dốc toàn lực tiến theo đường Tây Vong-thiên, vào đóng ở thung lũng phía Nam, chờ sáng nay sẽ tiến sang đánh Tô-mậu. Nhưng những hoạt động của họ không qua được mắt ta. Ta ra tay trước. Vì vậy, các vị chiếm Cổ-vạn dễ dàng.
Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp:
– Về trận Tây Vong-thiên, chính công-chúa Côi-sơn với phò-mã Tôn Mạnh chỉ huy. Đúng giờ Tý, đô-thống Hùng Nhân cùng phu nhân là Âu Hoàng chỉ huy đội Thần-hầu đột nhập khu chuồng ngựa nổi lửa đốt trại, cắt giây cột ngựa, khiến ngựa chạy lung tung trong khu vực đóng quân. Tống bị bầt ngờ, hơn giờ sau họ mới giữ được yên tĩnh. Chu Am nghe báo rằng chỉ có mấy trăm con khỉ đốt doanh trại, thì an tâm. Y ra lệnh cho binh tướng đi ngủ, nhưng không được rồi giáp trụ. Quân tướng vừa riu riu ngủ, thì đội Thần-long được thả ra khỏi xe, tràn vào trại tấn công. Binh tướng có hơn ba nghìn người bị rắn cắn. Doanh trại náo loạn lên. Biết rằng không cho chữa chạy, thì hai giờ sau đám thương binh sẽ chết hết. Chu Am vội cho hơn ba nghìn binh này trở về Cổ-vạn để cứu chữa. Khi họ rời doanh trại được ba mươi dặm, thì trúng vào trận địa Thần-nỏ đội Thần-tiễn Long-biên do chính phò-mã Tôn-Mạnh chỉ huy. Phần bị thương, phần không có mộc đỡ tên, nên không đầy khắc sau, đám này bị tiêu diệt.
Chư tướng vỗ tay hoan hô.
– Sau khi tiêu diệt đám binh sĩ này, phò-mã sai bắn tên lửa lên trời báo hiệu cho công chúa Côi-sơn biết. Lập tức công chúa cho Thần-ưng, Thần-phong, tấn công vào dinh trại Tống. Phía sau là đội kị-mã, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ. Trong đêm tối, quân Tống bị ong đốt, bị ưng đánh, bị kị binh, Thiên-tử binh tấn công, chúng quẳng vũ khí bỏ chạy tán loạn. Khi về đến phía Bắc đèo Vong-thiên, thì trời tảng sáng, thấy xác chết của đám thương binh bị Thần-nỏ tiêu diệt nằm dài trên khắp thung lũng, quân Tống càng kinh hồn táng đởm. Giữa lúc đó, trống thúc vang dội, đội Thiền-tiễn Long-biên, đội Thần-nỏ trên các ghềnh đá xuất hiện. Công chúa Côi-sơn hô lớn:
– Buông vũ khí đầu hàng, bằng không ta ra lệnh buôn tên liền!
Đám binh tướng Tống còn chần chờ, thì phía sau, đội kị mã, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ tới. Rồi thình lình đô-thống Hùng Lễ, Hùng Trí, Hùng Tín cùng các phu nhân dẫn hơn trăm xe, trên xe chở bố mẹ, vợ con của tướng sĩ Tống tới. Đám bố mẹ, vợ con ùa xuống xe chạy lại nói cho binh tướng Tống biết rằng Cổ-vạn đã bị chiếm mất rồi. Thế là chúng đành buông vũ khí đầu hàng.
Tôn Đản nhìn Hoàng-Nghi:
– Đô-thống nghĩ ra được mưu dùng gia đình binh tướng Cổ-vạn, để tránh cuộc giao tranh đẫm máu, thực đúng với chủ đạo tộc Việt. Bây giờ đám binh tướng Tống bị bắt, hay đầu hàng, đang được chỉnh đốn lại để đánh Ung-châu.
Phương-Quỳnh hỏi:
– Trình thái-sư thúc. Mình có nên dùng binh Tống đánh Tống không? Cái gương thời Lĩnh-Nam, ta dùng người Hán, đánh Hán, cuối cùng các đạo binh đó bị tan rã dễ dàng.
Ghi chú,
Tám nàng Phương là học trò của Lý Thường-Kiệt. Mà Tôn Đản là sư thúc của ông, nên tám nàng Phương gọi ông là thái sư-thúc.
Cẩm-Thi cười:
– Xưa khác, nay khác. Xưa Hán bắt vợ con tướng sĩ, uy hiếp họ theo Hán. Ngược lại ngày nay ta dùng quân bảo-giáp Cổ-vạn đánh Ung-châu, trong khi vợ con họ trong tay ta. Muôn ngàn lần họ không thể phản.
Chiều hôm đó, cánh quân của Tây Vong-thiên tới. Công-chúa Côi-sơn Thanh-Nguyên, phò-mã Tôn Mạnh vào yết kiến Tôn Đản, Cẩm-Thi. Binh tướng hai đạo gặp nhau mừng chi siết kể. Họ thuật cho nhau những chi tiết về trận đánh.
Hơn nửa tháng sau, Tôn Đản, Cẩm-Thi, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên đang cùng Mai-Việt, Hoàng-Nghi thảo luận về vuệc chuẩn bị tiến binh về Ung-châu thì có binh canh vào báo:Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt giá lâm ở cửa chính Nam.
Tôn Đản, Cẩm-Thi dẫn Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Mai-Việt, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh, chư tướng cùng lên ngựa ra đón. Ba người vừa đi được trăm trượng thì gặp viên thị-vệ cỡi ngựa, tay mang cờ, trên có thêu chữ Linh-Nhân hoàng thái hậu đang phi như bay. Hoàng-Nghi quát:
– Ngừng lại!
Nhưng viên thị-vệ cứ ruổi ngựa. Chàng ra lệnh cho hai võ sĩ Long-biên:
– Bắt tên thị-vệ đó chém liền.
Võ-sĩ Long-biên lập tức thi hành. Tên thị-vệ bị trói vào gốc cây sắp sửa khai đao, thì một đội người ngựa phi tới. Hoàng-Nghi quát:
– Trong trại quân, tuyệt đối không cho ai phi ngựa. Bắt đội kị mã kia ngừng lại.
Võ-sĩ Long-biên dương cung lên, tên buông ra véo, véo, bao nhiêu cương ngựa đứt hết. Đội kị mã ngừng lại, bị bao vây liền. Có tiếng nói trong trẻo:
– Tôn sư thúc! Hà tướng quân, Đinh đô thống!
Thì ra đội kị mã hộ tống Linh-Nhân hoàng thái-hậu. Tôn Đản, Cẩm-Thi, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên được miễn mọi lễ nghi; còn Hà Mai-Việt, Đinh Hoàng-Nghi với chư tướng đều nói lớn:
– Giáp-trụ trên người, bọn hạ-thần không hành lễ được, xin Thái-hậu khoan thứ.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Đám thị-vệ này hộ tống ta, có đôi điều vô phép, xin Đô-thống khoan dung.
Hoàng-Nghi điểm mặt viên tốt trưởng canh cổng:
– Người là tốt trưởng, phụ trách việc canh cổng, tức là tai mắt phòng vệ giặc tập kích. Khi thấy có khách đến, phải lưu lại, rồi sai người vào báo với ta. Sau đó phải chờ lệnh ta, rồi mới được cho vào. Nay tuy người có sai binh canh báo với ta, nhưng ta chưa có lệnh, mà người đã để khách vào trại, là một tội phải chém đầu. Trong doanh trại tuyệt đối cấm ruổi ngựa, mà người để thị-vệ phi ngựa như bay là hai tội đáng chém.
Viên tốt trưởng run run:
– Xin đô-thống khoan hồng!
– Tỷ như vừa rồi không phải là Thái-hậu, mà là gian tế đánh úp trại, thì giờ này toàn quân ở đây sẽ ra sao? Ta không thể khoan hồng cho người.
Chàng lại chỉ mặt tên trưởng toán thị-vệ:
– Thị-vệ là móng vuốt xã-tắc bảo vệ Thiên-tử cùng hoàng tộc, luật lệ phải biết, kỷ luật càng phải nghiêm. Bởi vậy bất cứ ai phạm quân luật, đều có thể tha thứ, duy thị-vệ thì không. Người ỷ hộ giá Thái-hậu, rồi không coi quân luật ra gì ư? Đáng lễ ta chém đầu cả toán, nhưng có chỉ dụ của Thái-hậu ân xá, nên chỉ mình người bị hành hình mà thôi.
Chàng quát đao phủ:
– Đem trưởng toán thị-vệ, viên tốt trưởng ra chém đầu làm hiệu lệnh.
Lát sau đao phủ dâng thủ cấp hai người. Hoàng-Nghi sai đem đi khắp các doanh trại, cho toàn quân lấy đó làm gương.
Linh-Nhân hoàng thái hậu ngợi khen:
– Từ trước đến giờ chị vẫn nghe người ta nói Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt coi binh sĩ như chân tay, nhưng ngược lại trị quân rất nghiêm. Bây giờ chị mới được thấy tận mắt. Như vậy, mỗi hiệu Thiên-tử binh tuy chỉ vạn người, nhưng có thể địch lại mười vạn. Chị yên tâm.
Hậu nói với Tôn Đản:
– Tin tế-tác gửi từ Quế-châu cho biết, ta đánh Cổ-vạn ngày 15 tháng 9 mà mãi tới hôm nay là ngày 1 tháng 10, mà Lưu Di mới biết. Đúng như ta ước đoán, Di cho rằng đây là cuộc đụng chạm giữa hai khê động mà thôi. Như vậy tin này có đến Biện-kinh ít ra là cuối tháng mười. Bây giờ ta cho ba đạo Quảng-nguyên, Môn-châu, Lạng-châu vượt biên. Không biết Tôn sư thúc có cao kiến gì không?
Tôn Đản chỉ lên bản đồ:
– Tuân chỉ thái-hậu. Quân ba đạo Quảng-nguyên, Môn-châu, Lạng-châu đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần một lệnh ban ra, là ba giờ sau có thể lên đường. Bây giờ là giờ Tỵ, ta cho chim ưng mang lệnh đi, thì hết giờ Ngọ, cả ba đạo đều nhận được lệnh. Giờ Thân cho quân lên đường. Giờ Tý thì khởi tấn công.
Ghi chú,
Theo Tục tư-trị thông giám trường biên thì quân Việt đánh Cổ-vạn ngày 15-9 năm Ất-Mão, mà ngày 28-10 tin mới về đến Biện-kinh. Mãi đến ngày 11 tháng 11 (DL. 21-12-1075) triều Tống mới được tin Cổ-vạn mất. Theo Quách-thị Nam chinh thì Vương An-Thạch thư cho Chu Am tiến đánh Tô-mậu để thử phản ứng Đại-Việt ngày 15-9, rồi bị Đại-Việt đánh úp Cổ-vạn, cho nên tin Cổ-vạn thất thủ bị Thạch ỉm đi, nhưng cuối cùng Thạch cũng phải tâu lên vua Thần-tông.
Tôn Đản hỏi Thường-Kiệt:
– Nếu như ngày mai, tôi cho đánh ba ải lớn của Tống, thì chỉ nội trong mười ngày là chiếm được hết. Binh quý hồ tốc. Sau khi chiếm được các ải, tôi để hoàng-nam trấn đóng bảo vệ đường tiếp tế lương thảo, cùng đường rút quân. Còn các hiệu Thiên-tử binh, quân Bắc-biên tiến về Ung-châu. Bấy giờ thì từ Lưu Di cho tới Tống triều đều rúng động. Chắc chắn chúng sẽ cho quân Khâm, Liêm tiến về Tây để đánh Cổ-vạn, rồi tiến vào Bắc-biên đánh úp sau lưng ta. Vậy nguyên soái phải thừa cơ đổ bộ ngay lập tức, để triệt căn bản của các đạo quân này, rồi cùng tiến về Ung-châu.
Thường-Kiệt cung tay:
– Trình sư-thúc, hiện bẩy hiệu Thiên-tử binh, đạo kị-binh Phù-Đổng hữu, cùng các đạo Thần-nỏ, Xa-thạch, Thú-binh đã sẵn sàng. Binh tướng đều được thông báo rằng chuẩn bị đánh Chân-lạp cứu Chiêm-thành. Khi có tin báo quân Khâm, Liêm khởi hành tiến về Tây, là cháu cho xuống các chiến hạm ra khơi. Khi hạm đội rời xa bờ cháu mới ra lệnh cho các tướng, thông báo cho chư quân.
Linh-Nhân hoàng thái-hậu hỏi Tôn Đản:
– Thưa sư-thúc, như vậy Cổ-vạn sẽ là cửa ải địa đầu trấn thủ Đại-Việt. Nhược bằng Cổ-vạn thất thủ thì không những đại quân ta mất đường tiếp vận lương thảo, mất đường về, mà Đại-Việt còn lâm nguy nữa. Vậy không biết sư-thúc đề cử ai trấn nhậm Cổ-vạn?
Tôn Đản suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Người trấn thủ Cổ-vạn phải thuộc loại trí dũng tuyệt vời mới đương nổi. Trong các tướng dự trận Bắc-biên này không ai đủ khả năng. Có lẽ phải mời sư-huynh Trần Trung-Đạo, hay U-bon vương Lê Văn mới đương nổi.
Nghe Tôn Đản nói, công chúa Côi-sơn mở to đôi mắt sắc như dao cao, liếc nhìn ông anh chồng, cũng là ông anh thứ sáu trong Thuận-thiên thập hùng, rồi hừ một tiếng:
– Anh sáu khinh thường em đến thế ư? Thế hồi đánh bọn Địch Thanh ở Khâm-châu, Liêm-châu thì là ai đấy nhỉ? Vừa thôi nhá!
– Hồi đó em mới ba mươi tuổi hơn, khí huyết còn sung thịnh. Nhưng bây giờ... Hừ!
Công-chúa Côi-sơn vốn nóng tính, bà đứng dậy hít hơi, rồi phát chiêu Đông-hải lưu phong hướng Tôn Đản. Chưởng chưa ra hết, mà mọi người đã muốn ngộp thở. Tôn Đản không ngờ cô sư muội tuổi gần năm mươi mà còn nóng nảy như xưa, ông vội vận đủ muời thành công lực ra đỡ. Nhưng ông đỡ vào quãng không, vì Thanh-Nguyên đã thu chưởng lại, rồi mỉm cười:
– Ví thử anh Tự-Mai, Lê Văn có mặt ở đây cũng phải nể em vài thành. Mà anh, thì anh khinh thường em quá.
Tôn Đản lắc đầu:
– Khiếp quá! Vậy thì anh để lại hiệu binh Bắc-biên thứ ba cho muội với Mạnh trấn Cổ-vạn. Nhớ, chớ có khinh thường.
Thanh-Nguyên cười đắc ý:
– Anh đừng lo!
Linh-Nhân hoàng thái hậu mỉm cười:
– Công-chúa Côi-sơn là người con được quốc-trượng Tự-An yêu thương nhất, Kinh-Nam vương cũng sủng ái cùng cực, nên khi công chúa trấn Cổ-vạn sẽ có hai cây cột chống trời đứng sau, thì giặc nào đánh cho nổi?
Công-chúa đưa mắt nhìn Linh-Nhân hoàng thái hậu, rồi nói:
– Nhất là lại có bà chúa kho Thiên-Ninh phò tá nữa, thì thần không còn sợ bất cứ loại giặc nào!
Linh-Nhân hoàng thái hậu ghé miệng vào tai Thanh-Nguyên thì thầm một lúc. Rồi hai vị nhìn nhau mỉm cười. Có ai ngờ, trong cuộc đối thoại ngắn ngủi đó của hai thiếu-phụ Việt, mà làm cho thành Khâm-châu ngập máu vào mấy tháng sau!
Ghi chú hồi thứ 34,
« Chống Tống » mà thôi. Như chép về:
– Phạm Dật trong Hải-dương tỉnh thần tích;
– Vũ Quang như Lục-Nam địa chí;
– Đinh Hoàng-Nghi như Cao-bằng sự tích;
– Lý Đoan như Bắc-ninh tỉnh thần chí;
– Trần Ninh như Đại-Việt địa dư chí,
Các tập Bắc-ninh tỉnh địa dư, Bắc-thành địa dư chí lục, Đại-Nam nhất thống chí, Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí... hầu như không đi vào chi tiết, lại nữa bỏ quên phu nhân các tướng.
Ngược lại, chi tiết các trận đánh này, tôi tìm thấy ở Trung-quốc. Trong những năm 1977-1995, mỗi lần sang Trung-quốc công tác y khoa là tôi lại mang computer, scanner theo, rồi sau những ngày công tác chính, tôi lần mò vào làng xã thuộc Quảng-Tây, mà trước đây là các trang động Đại-Việt hoặc khê động Tống thời Tống-Lý để tìm tài liệu. Nhân viên trong phái đoàn gọi tôi là ông thầy lẩm cẩm. Vài bạn trẻ Việt chê rằng tôi có dịp làm quen với các cô đẹp (đa số là văn công địa phương) mà bỏ phí, để đọc những bộ sách mục là khù khờ. Tôi chỉ cười.
1. Dùng thuật lột da mặt, cắt mắt, nâng mũi cao, làm trắng da cho các bà, các cô, mà tôi được đọc hầu hết gia phả các dòng họ lớn tại đây. Thú vị một điểm, là trong gia phả các danh gia đó chép những sự kiện giống hệt QTNC, TTCTGCK, TTCTBK.
2. Tôi lại lần mò đọc hầu hết những mộ chí của nhiều danh nhân địa phương còn sót lại, đọc những bia không quan trọng của các trang động, mà cơ quan bảo tàng cấp tính không mang theo. Lại một lần nữa, tôi tìm ra nhiều chi tiết về thời Tống-Lý. Sau đó đem so sánh các chi tiết này với QTNC,TTCTGCK, TTCTBK cùng gia phả, tuy có khá nhiều chi tiết khác biệt nhau, nhưng cũng có nhiều sự kiện giống nhau.
3. Tại thư viện, viện bảo tàng của huyện Nam-ninh (Ung-châu cũ), của tỉnh Quảng-Tây tôi còn tìm được nhiều tập sách mỏng có tính cách địa phương, hoặc soạn vào thời Tống, thời Nguyên, thời Minh; hoặc soạn vào thờ Tống, rồi các thời sau sửa đổi đi. Đó là những sách thần ký, địa lý chí, địa phương chí. Có sách ghi tác giả, có sách không. Những sách này ít nhiều chép các sự kiện lẻ tẻ đã thấy trong các bộ gia phả, bia đá, mộ chí, nhưng chi tiết hơn. Đó là các bộ:
3. Tại thư viện, viện bảo tàng của huyện Nam-ninh (Ung-châu cũ), của tỉnh Quảng-Tây tôi còn tìm được nhiều tập sách mỏng có tính cách địa phương, hoặc soạn vào thời Tống, thời Nguyên, thời Minh; hoặc soạn vào thờ Tống, rồi các thời sau sửa đổi đi. Đó là những sách thần ký, địa lý chí, địa phương chí. Có sách ghi tác giả, có sách không. Những sách này ít nhiều chép các sự kiện lẻ tẻ đã thấy trong các bộ gia phả, bia đá, mộ chí, nhưng chi tiết hơn. Đó là các bộ:
– Ung-châu kỷ sự (Nam-Tống, Vương Trọng-Nghi),
– Hy-Ninh hận sự bi ký của (Nguyên, Cố Bình),
– Quảng-Tây địa dư chí (Nam Tống, không ghi tác gỉả),
– Quảng-Tây chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả), – Khâm-châu địa dư chí (Nam Tống, Phùng Kinh),
– Khâm-châu chư thần ký (Nam Tống, Phùng Kinh),
– Vĩnh-bình chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Hổ-môn chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Tây-bình chư thần chí (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Hổ-môn chư thần chí (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Thần-tích Hỏa-giáp ngũ đại vương từ (Tống, Thẩm Chính-Văn),
– Thái-bình phong vật chí (Tống, Lý Ôn),
– Hoành-sơn sơn xuyên phong vực (Tống, Lý Ôn),
– Tây-bình sơn xuyên cương vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Lộc-châu sự tích (Tống, Lý Ôn),
– Lộc-châu cương vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Vĩnh-bình sơn xuyên phong vực ký (Tống, Lý Ôn),
– Cổ-vạn sơn xuyên cương vực ký (Tống, Lý Ôn),
– Như-tích sơn xuyên phong vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Ôn-nhuận sự tích (Tống, Chu Đức-Minh),
– Qui-hóa địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Khâm-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Nghi-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Để-vực địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Dung-châu sự tích (Tống, Lý Ôn),
– Bạch-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Liêm-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Đông-hải Hy-Ninh bản mạt (Minh, Vô danh).
Bằng một giọng ấm áp, ông nói:
– Tất cả chúng ta hiện diện hôm nay, phụ trách toàn bộ đạo quân bộ vượt biên đánh sang Tống. Các cửa ải quân sự Tống đóng dọc theo biên giới Hoa-Việt gồm có Hoành-sơn, Thái-bình, Vĩnh-bình, Tây-bình, Lộc-châu, Cổ-vạn, Như-tích, Thiên-long, Để-trạo... thành một hàng rào bảo vệ Nam-thùy. Phía sau các ải này cho tới Ung-châu không còn trại nào nữa. Ta chỉ cần hạ tất cả các ải hàng rào thì ung dung thẳng đường tới Ung-châu, rồi tiến lên Ngũ-lĩnh. Ta chia quân làm bốn cánh. Một là Quảng-nguyên, hai là Môn-châu, ba là Quang-lang, bốn là Tô-mậu.
Ông nói lớn:
– Mời Thái-tử thiếu bảo, Phiêu-kị thượng tướng quân, Quảng-nguyên hầu Lưu Kỷ nhận lệnh.
Một người thân thể hùng vĩ, tóc hơi bạc đứng dậy:
– Xin chờ lệnh Long-thành đại hiệp.
– Quân hầu trấn nhậm châu Quảng-nguyên đã lâu, đụng chạm với Tống cũng nhiều. Xin quân hầu cho biết tình hình địch tại Thái-bình và Hoành-sơn.
– Thưa đại hiệp, vào thời Đinh, thì vùng Thái-bình, Hoành-sơn còn thuộc Đại-Việt ta, với chín trang ấp. Trong thời gian vua Ngọa-triều cai trị, các trang ấp chán nản bỏ theo Tống, trở thành khê động của họ. Trong chín khê động, thì Hoành-sơn và Thái-bình mạnh hơn cả. Họ áp chế các khê động yếu thế, sát nhập vào đất của họ. Nay các khê động đó hợp thành hai khê động Thái-bình, Hoành-sơn. Chúa khê động Thái-bình là viên quản hạt Ngũ-Cử. Phó là giám-áp trại Quách Vĩnh-Nghiêm. Hai tên này văn võ kiêm toàn, rất giỏi chiến trận. Chúng đã đụng chạm với tôi nhiều lần. Về quân số của Thái-bình, thì có năm nghìn bảo-giáp, năm nghìn quân Quảng. Ải Hoành-sơn thì đông hơn, Bảo-giáp bẩy nghìn, quân Quảng năm nghìn, thủ lĩnh là An-viễn tướng quân Lâm Mậu-Thăng. Cộng chung, chúng có hơn hai vạn. Hai ải Thái-bình, Hoành-sơn được chỉ huy bởi một viên quan Tống tên Thái Bằng, lĩnh chức Trấn Nam tướng quân, văn võ song toàn.
Tôn Đản tần ngần suy nghĩ một lát, rồi tiếp:
– Thái Bằng trước đây xuất thân tiến-sĩ thời vua Nhân-tông. Y vừa có văn tài, vừa có tài dùng binh. Nhưng y đối đáp không vừa lòng tể tướng Lã Di-Giản, nên bị trù. Phải chờ cho tới khi Kinh-Nam vương Tự– Mai đem quân đánh Hy-hà, vương mới trọng dụng y làm chức Tham-tán đạo Tả-quân. Dần dần vương cất nhắc y lên, rồi đề bạt y làm tri châu Hoài, rồi tới chức Tiết-độ-sứ vùng Giang-châu. Mấy năm trước, vì Kinh-Nam vương rời chính trường, y bị Vương An-Thạch chèn ép. Sau nhân một lỗi nhỏ, An-Thạch tâu xin cách chức y, đầy xuống trấn nhậm Thái-bình, Hoành-sơn. Tuy y thất chí, nhưng khi đối trận với y phải cẩn thận.
Tôn Đản hạ lệnh:
– Quân hầu chỉ huy canh thứ nhất, mang tên Quảng-nguyên. Quân hầu đã có đạo quân Quảng-nguyên dưới quyền, được tăng viện thêm Đô-thống Phạm Dật, phu nhân Lê Kim-Liên với hiệu quân Ngự-long, một lữ thú, một lữ kị. Nhiệm vụ của quân hầu là đánh chiếm thành Thái-bình, Hoành-sơn. Sau khi đánh chiếm xong hai thành này, quân hầu trấn giữ tại đây, bảo vệ đường tiếp tế lương thảo, và đường rút quân của ta. Còn Đô-thống Phạm Dật với đạo Ngự-long thì tiến lên đánh Ung-châu. Tính chung quân hầu có một vạn quân của châu, một vạn Thiên-tử binh, cộng hai vạn quân. Như vậy quân số tương đương. Nhưng ta đánh bất ngờ, lại thêm một lữ thú, mà chúng không phòng bị, thì ta phải thắng.
Ông hướng vào cử tọa:
– Kính mời Thái-tử thiếu-sư, Trấn Bắc thượng tướng quân, Môn-châu hầu Hoàng Kim-Mãn nhận lệnh.
Một trung niên nam tử đứng dậy cung tay:
– Xin chờ lệnh đại hiệp.
– Quân hầu trấn nhậm vùng Môn-châu, đối diện với vùng Vĩnh-bình của Tống từ lâu. Xin quân hầu cho biết tình hình địch.
Hoàng Kim-Mãn cung tay:
– Thưa tiền bối! Từ trước đến nay giữa châu Vĩnh-bình với Môn-châu ở vào thế đối nghịch, thù hận bao nhiêu đời rồi. Bất cứ một gia đình, một giòng họ nào ở Vĩnh-bình cũng có người chết vì Môn-châu. Ngược lại bất cứ một người nào ở Môn-châu cũng có kẻ thù ở Vĩnh-bình.
Đô-thống Lý Đoan kinh ngạc:
– Thưa quân hầu nguyên do nào lại đưa đến tình trạng này?
– Cũng dễ hiểu thôi. Đường từ Trung-nguyên sang Đại-Việt nằm trên tuyến Vĩnh-bình, Môn-châu. Cho nên mỗi khi Tầu đem quân đánh mình, thì phải qua tuyến này. Trên đường đi, họ bắt lính, bắt dân phu ở Vĩnh-bình. Những binh lính, dân phu đó qua Môn-châu là tác oai tác quái, cướp của giết người cực kỳ tàn bạo. Cho nên khi Đại-Việt phản công, quân Tàu bỏ chạy, dân Môn-châu tràn sang đòi lại của, đòi lại người; nhân đó giết kẻ thù để trả hận. Mới đây, thời Chương-thánh Gia-khánh (Canh-Tý, 1060) bọn Tống Sĩ-Nghiêu, Dương Lữ-Tài, Lý Đức-Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật mang quân sang đánh Đại-Việt; thì Môn-châu bị quân Tống cướp sạch, đến nỗi cả châu không còn một con trâu, con bò nào. Đến khi vua bà Bình-Dương với phò-mã Thân Thiệu-Thái phản công, dân Môn-châu tràn sang bắt lại thú, đòi lại người, rồi chém giết trả thù. Cũng vì lý do này, mà phụ huynh Môn-châu trong mười lăm năm qua, lúc nào cũng dạy dỗ con cái phải lo trả thù. Các trang trực thuộc thì nam, nữ luyện tập võ nghệ, tập hành binh bố trận để chờ... ngày hôm nay. Bất cứ lúc nào, chỉ cần một lệnh ban ra, thì nửa giờ sau tiểu bối có thể tập trung quân đánh tràn qua biên giới được. Quân số cả nam lẫn nữ gồm năm nghìn người.
Kim-Mãn thở dài:
– Quân số của Vĩnh-bình gồm có hai loại. Quân Quảng khoảng năm nghìn người. Còn bảo-giáp gồm toàn thể tráng đinh tuổi từ mười lăm trở lên khoảng hơn vạn. Người thủ lĩnh trại Vĩnh-bình là Tô Tá, lĩnh chức Chiêu-thảo sứ của Tống, phụ trách cả văn lẫn võ. Mười lăm năm trước, chính y theo quân Tống tràn sang giết vợ, con tôi. Tôi nuốt hận mười năm năm, để chờ cái ngày hôm nay có dịp băm vằm y ra cho hả giận. Y cũng biết vậy, nên phòng thủ rất chu đáo. Cho nên trận chiến sẽ khủng khiếp lắm, chứ không bình thường đâu. Chỉ dụ của hoàng-thượng ban ra là không được giết tù hàng binh, không được giết người cướp của, không được đốt phá chùa miếu... Tiểu bối e khó có thể thi hành được. Vậy xin trình với đại hiệp trước.
Ngô Cẩm-Thi xua tay:
– Hoàn cảnh như vậy, thì ta đành chịu vậy. Tướng ngoài mặt trận không nhất thiết phải theo lệnh vua.
Ghi chú,
Trong bộ Tống-triều công thần bi ký, bản văn trên mộ chí Tô Tá chép rằng: « Vợ của Tôn Đản, nguyên-soái Giao-chỉ tên Ngô Cẩm-Thi ra lệnh cho Hoàng Kim-Mãn tàn sát dân Vĩnh-bình đến mấy vạn người. Bao nhiêu của cải, gia súc cướp sạch mang về ». Bộ Quách-thị Nam-chinh viết: « Vợ Tôn Đản tên Ngô Cẩm-Thi, cháu năm đời Ngô Quyền, là người tài kiêm văn võ, nên cũng tham dự việc quân. Ngô-thị ra lệnh cho Hoàng Kim-Mãn rằng: Nếu chiếm được Vĩnh-bình thì muốn chém giết, tha hồ chém giết; đàn bà thì cho bắt về làm tỳ nữ. Của cải, thú vật thì được chở tận số về làm của riêng ». Bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký viết hơi khác: « Tuy Tôn Đản với vợ là Ngô Cẩm-Thi đã ngăn cấm không cho chém giết lương dân, cướp bóc. Nhưng thù hận giữa Vĩnh-bình, Môn-châu sau biết bao lần binh cách chồng chất quá cao; nên Hoàng Kim-Mãn cho quân tàn sát dân Vĩnh-bình, cướp hết của mang về. Nhà thì đốt sạch ». Ở đây tôi viết theo bộ Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký. Bởi trong hai cuộc bình Chiêm, ba cuộc đánh sang Tống, cánh quân của Tôn Đản, Cẩm-Thi nổi tiếng là kỷ luật, nhân đạo thì không lẽ trong cuộc hành binh này, bà lại ra lệnh trái với chủ trương thông thường?
Tôn Đản hạ lệnh:
– Quân-hầu chỉ huy đạo binh Môn-châu, gồm hoàng-nam bản bộ, được tăng viện thêm đô-thống Vũ Quang, phu nhân Võ Kim-Loan và hiệu Thiên-tử binh Quảng-thánh; một lữ thú, một lữ kị-binh. Sau khi chiếm Vĩnh-bình, quân hầu trấn tại đây bảo vệ đường tiếp tế lương thảo của ta, và giữ đường rút lui sau này. Còn Đô-thống Vũ Quang thì tiếp tục tiến về thánh Ung. Không biết với quân số như vậy có đủ không?
– Thưa tiền bối đủ rồi.
Tôn Đản đứng dậy hướng vào cử tọa:
– Kinh mời Kiểm-hiệu tư-không, Hữu-bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Phụ-quốc đại tướng quân, Nghĩa-dũng quốc-công, phò-mã Thân Cảnh-Long nhận lệnh.
Phò-mã Thân Cảnh-Long đứng dậy hành lễ:
– Đệ tử xin chờ lệnh sư thúc.
Ghi chú,
Phò-mã Thân Cảnh-Long là con vua bà Bình-Dương. Mà trong Thuận-Thiên thập hùng, thì Tôn Đản nhỏ tuổi hơn vua Bà, tức ông là vai em. Vì vậy Thân Cảnh-Long mới gọi ông là sư thúc. Tuy vậy, vì chức tước Cảnh-Long quá cao, nên Tôn Đản phải đứng dậy mà ban lệnh.
– Trong bốn đạo quân bộ đánh Tống, thì đạo quân của phò-mã lĩnh nhiệm vụ quan trọng nhất là đánh chiếm Tây-bình, Lộc-châu. Sau khi chiếm hai ải này, phò-mã lĩnh nhiệm vụ trấn thủ, bảo vệ hậu quân cùng đường rút tiếp tế lương thảo, đường lui của ta. Xin phò-mã cho biết tình hình hai ải Tây-bình, Lộc-châu?
– Trình sư thúc! Tây-bình, Lộc-châu, nằm trên con đường chính thông thương giữa Trung-nguyên với ta. Cho nên mấy năm qua Thẩm Khởi, Lưu Di ra sức chiêu mộ, đoàn ngũ hóa, luyện tập tráng đinh để đánh Đại-Việt. Châu-trưởng Tây-bình là Nùng Toàn-An, châu trưởng Lộc-châu là Nùng Tông-Đán. Cả hai được lĩnh chức Chiêu-thảo sứ. Hai châu này được một đại thần Tống là Trấn-viễn đại tướng quân Lưu Khả chỉ huy. Quân bảo-giáp của chúng ước khoảng hai vạn, quân Quảng gồm năm nghìn bộ, ba nghìn kị, rất thiện chiến.
Cẩm-Thi hỏi:
– Lưu Khả là người thế nào?
– Thưa y là con của chị gái Tôn Tiết. Tôn Tiết là một trong Tam-anh của Tống gồm Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Trong dịp công-chúa Bảo-Hòa đem quân đánh Tống, Tam-anh đưa quân từ Kinh-châu về cứu Quảng-châu. Tôn bị giết. Vua Nhân-tông bên Tống truyền cho Khả được tập ấm. Y thi đỗ tiến sĩ thời vua Anh-tông, từng theo Kinh-Nam vương đánh Liêu, Hạ, lập công. Mới đây y được đưa về trấn Tây-bình, Lộc-châu. Võ công y rất cao, tương truyền y đã đỡ được của Kinh-Nam vương tới chín chiêu.
Cử tọa đều bật lên tiếng ”ồ” kinh ngạc. Vì với bản lĩnh của Kinh-Nam vương, trong thiên hạ, khó ai đỡ nổi ba chiêu.
Tôn Đản hỏi:
– Quang-lang là thủ đô của Bắc-biên, vậy lực lượng của phò-mã được bao nhiêu?
– Thưa sư thúc, đệ tử thấy Tống dồn trọng binh đối diện với mình, nên dùng hư kế, chuyển ba đạo binh Bắc-biên trấn ở Quảng-nguyên, Tô-mậu, Môn-châu. Còn chính Quảng-nguyên lại bỏ trống. Mục đích để khi chúng tiến binh sang, đệ tử sẽ rút lui, rồi điều hai đạo Môn-châu, Tô-mậu phục ở tử đạo Chi-lăng. Còn đạo Quảng-nguyên sẽ đánh cắt đường về của chúng. Như vậy chúng sẽ lâm vào tử địa. Cho nên tại Quảng-nguyên chỉ cỏ hoàng-nam mà thôi.
Tôn Đản hài lòng:
– Tôi hiểu! Trước đây vua bà Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái đã dùng kế này để nhử Tống Sĩ-Nghiêu, Dương Lữ-Tài, đánh tan đạo quân của chúng vào thời Chương-thánh Gia-khánh (Canh-Tý, 1060). Như vậy bây giờ Lưu Khả không đề phòng Quang-lang. Ta ra quân như sét nổ, ắt chúng phải thất bại.
Ông chỉ công chúa Thiên-Thành:
– Khi các đạo quân lên đường, thì vua bà trấn thủ Bắc-biên. Mỗi trang, động đều có hoàng-nam làm lực lượng cơ hữu canh phòng trộm cướp, tự vệ khi bị tấn công. Ngoài ra tôi tăng viện cho vua bà hai hiệu binh của Kinh-Bắc, Hồng-châu nữa. Còn phò-mã chỉ huy một lữ thú-binh, một lữ kị binh. Tôi tăng viện cho Đô-thống Trần Ninh, phu-nhân Trần Ngọc-Hương với hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải; Đô-thống Lý Đoan, phu-nhân Trần Ngọc-Liên với hiệu Thiên-tử binh Bổng-nhật. Nhiệm vụa của phò-mã là đánh chớp nhoáng chiếm hai ải Tây-bình, Lộc-châu, tổ chức phòng vệ để giữ vững hậu quân, cùng đường tiếp tế lương thảo, đường rút quân. Sau đó tiến về Ung-châu.
Phò-mã Thân Cảnh-Long cúi đầu:
– Đệ tử tuân lệnh sư thúc.
Tôn Đản lại hướng vào chư tướng:
– Xin mời Thái-tử thái-phó, Trấn-võ thượng tướng quân, Tô-mậu hầu Vi Thủ-An nhận lệnh.
Một trung niên nam tử mình hạc, xương mai, nhưng tóc đã bạc phơ đứng dậy:
– Xin chờ lệnh tiền bối.
– Quân hầu trấn nhậm châu Tô-mậu, đối diện với châu Cổ-vạn của Tống. Xin quân hầu cho biết tình hình ta với Tống.
Vi Thủ-An cung tay:
– Thưa tiền bối, Tô-mậu tuy giầu có, nhưng dân số lại ít, việc võ bị lơ là. Hiện ngoài đạo quân của Bắc-biên, quân của châu chưa quá nghìn tráng đinh. Trong khi châu Cổ-vạn là cuống họng thông từ Đông sang Tây của Quảng-Tây lộ. Tống có trọng binh đóng ở đây. Chủ trại là Nùng Hiệp-Thành với hơn bốn nghìn quân bảo-giáp. Tướng trấn thủ là Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu Am, phó là Bát-tác sứ Toàn Hưng, với năm nghìn quân Quảng, một nghìn kị binh.
– Bọn Chu Am với Toàn Hưng là người như thế nào?
– Am là đệ tử của phái Hoa-sơn, phải gọi công chúa Huệ-Nhu, cùng bọn Triệu Tiết, Khúc Chẩn bằng sư thúc. Xuất thân tiến sĩ, từng theo Kinh-Nam vương đánh Hy-hà có công. Vì là người cùng quê với Vương An-Thạch, nên được Thạch gửi xuống trấn Cổ-vạn trấn thủ, để chỉ huy tế tác dò thám ta, hầu chuẩn bị đem quân sang. Cho nên quân đóng ở Cổ-vạn luôn gây sự với Tô-mậu.
Ông chỉ vào đô-thống Đinh Hoàng-Nghi với phu nhân Phương-Quỳnh:
– Đã thế, hơn tháng qua Đinh đô-thống cùng phu-nhân từ miền xuôi lên với lệnh của Khu-mật viện nói rằng « làm một số việc cơ mật ». Cơ mật gì mà đô-thống đem một số tùy tùng lên gây ra nhiều chuyện quái đản, khiến cho bên Cổ-vạn căm hờn; họ đang tập trung quân, chuẩn bị đánh sang.
Trong khi Vi Thủ-An than thở, thì Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh ngồi ôm gối mỉm cười trông rất nhàn nhã ung dung. Vi Thủ-An giận muốn ứa gan, mặt hằm hằm tiếp:
– Thứ nhất, đô-thống cho tùy tùng đào bới ở chân ngọn đèo giáp ranh giữa Tô-mậu với Cổ-vạn. Ngày nào đoàn đào đất cũng tìm ra được những thùng gỗ chôn dưới đất, rồi nói rằng đó là thùng vàng, ngọc mà các quan Tầu sang ta cai trị vào đời Đường chôn dấu. Tin này đồn ra làm rúng động quan, quân Cổ-vạn, chúng bàn nhau lăm le muốn kéo sang cướp. Rồi trên tuần qua, người cho Thiên-tử binh giả làm hoàng-nam Tô-mậu; ngày thì thả ngựa, ngày thì thả trâu cho ăn lúa của Cổ-vạn. Bây giờ là tháng chín, hạt lúa đã săn, sắp chín, mà trâu ngựa ăn của người ta mỗi lần hết hơn sào (360 m vuông ngày nay), thì đời nào người ta chịu? Thế là họ ra bắt trâu, bắt ngựa để đòi bồi thường. Thiên-tử binh đã không bồi thường, còn đánh người ta. Thành ra ngày nào cũng có cuộc xô xát, mà bao nhiêu oán hờn bọn Cổ-vạn đổ lên đầu Tô-mậu.
Trong khi Vi Thủ-An vừa giận, vừa sợ, thì Tôn Đản, Cẩm-Thi, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh lại tủm tỉm cười tỏ vẻ khoan khoái. Vì vậy ông càng cáu thêm, ông tiếp:
– Hiện tiểu bối có ba điều lo lắng, xin tiền bối giúp cho.
– Quân hầu cứ nói.
– Một là binh lực thuộc quyền tiểu-bối quá ít, quá yếu, so với Cổ-vạn. Bọn chúng thường gây sự, chèn ép đủ điều, tiểu bối vốn đã phải nhịn nhục với bọn Nùng quá lắm rồi. Hai là, bọn Nùng vốn ăn hiếp tiểu bối đã quen, thế mà nay Đinh đô-thống mới lên lại làm ngược lại, không những không nhường nhịn chúng, mà còn gây gổ, khiêu khích chúng. Đây là cái cớ, mà bất cứ lúc nào chúng cũng có thể tràn qua đánh cướp, viện cớ mình gây sự. Ba là thời gian qua, chả biết Đinh đô thống đã đào được bao nhiêu vàng ngọc thì tiểu bối không biết, mà tin đồn ra là đào được tới hơn ba chục thùng. Như vậy ngày một ngày hai bọn Nùng sẽ tràn qua lấy cớ trả hận, nhưng thực ra là cướp vàng ngọc.
Nói xong ông quay lại nhìn Đinh Hoàng-Nghi để trút cái hận, thì lại thấy vợ chồng Nghi cười khúc khích, tỏ vẻ khoái chí, khiến mặt ông hầm hầm muốn toé lửa.
Tôn Đản mỉm cười với Vi Thủ-An:
– Quân hầu bình tĩnh! Việc Cổ-vạn tôi xin lo hết. Đừng có sợ! Này quân hầu ơi! Trước kia Thẩm Khởi huênh hoang, le te, ồn ào, để lộ cho ta biết âm mưu mà hỏng việc. Tống đã cách chức Khởi cử Lưu-Di thay thế. Nhưng Lưu còn ngu hơn Thẩm nhiều. Lưu biết rằng phần đối diện với y quân số ít ỏi, thì y cũng phải giảm quân số để đánh lạc hướng ta mới phải. Đây y ra cái bộ y mạnh, y tụ quân ngụ ý đe dọa. Hừ! Biết tâm y như vậy, ta càng khích thêm tính kiêu căng của y, thì việc hạ Cổ-vạn không khó.
Ông nói lớn:
– Khi triều đình nghị kế định rằng ta đánh Tống bằng hai đạo thủy, bộ. Đạo thủy đổ lên Khâm-châu, Liêm-châu. Đạo bộ là chúng ta. Vì Tống có trọng binh ở Khâm, Liêm, e đạo thủy khó đổ bộ lên. Vì vậy chúng ta phải tấn công trước, dẫn dụ cho Tống đem quân Quảng-châu, Khâm, Liêm, Ung về Tây-Nam cứu viện. Bấy giờ đạo thủy mới đổ bộ. Nhưng...
Ông ngừng lại cho mọi người chú ý rồi tiếp:
– Đạo bộ ta cũng phải lừa Tống một lần nữa. Đầu tiên ta đánh một ải dưới hình thức hai khê động Việt-Hoa giáp nhau đụng chạm vì lý do bình thường; để từ Lưu Di cho đến triều Tống tưởng rằng đó chỉ là những gây gổ giữa hai khê động. Sau đó mấy ngày, ta mới đại tấn công.
Ông chỉ Vi Thủ-An:
– Tôi quyết định dùng đạo quân Tô-Mậu khai chiến đánh ải Cổ-vạn để làm kế lừa địch.
Vi Thủ-An giẫy nẩy lên:
– Đại hiệp xét cho. Chúng tôi chỉ có nghìn người ô hợp, sao có thể đối đầu với hơn vạn quân tinh nhuệ của Tống?
Tôn Đản xua tay:
– Quân hầu yên tâm. Quân hầu chỉ đứng trên danh nghĩa để đánh lừa địch. Còn người chỉ huy là Trấn Bắc đại tướng quân, Tiên-yên tiết độ sứ, Tản-viên quốc công Tôn Mạnh với Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên kia mà. Tất cả việc làm của Đinh đô-thống là lệnh của Khu-mật viện, với mục đích nhử cho Tống xuất ra khỏi Cổ-vạn đánh ta trước. Ta nhân đó phản công, như vậy Cổ-vạn mất, tin báo về Biện-kinh, vua tôi nhà Tống sẽ cho là chuyện xích mích giữa các khê động mà thôi.
Vi Thủ-An thở dài, như trút được gánh nặng bấy lâu trên vai, ông nhìn Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh như tỏ ý xin lỗi về những bực tức vừa qua.
Ông nói với Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên:
– Đường từ Tô-mậu sang Cổ-vạn phải qua hai cái đèo. Vì vậy ta dùng ít bộ binh, mà dùng kị binh. Hai em được tăng viện Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh với hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ; Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt với đạo kị binh Phù-đổng; Thần-vũ thập anh với hai lữ binh thú. Như vậy có đủ không?
Thanh-Nguyên dơ tay vẫy vẫy:
– Đủ rồi! Đủ rồi!
Tôn Đản nhấn mạnh:
– Cuộc « tấn công để tự vệ » này, quan hệ ở các đạo bộ binh chúng ta. Đạo bộ binh chúng ta, quan hệ ở trận đánh Cổ-vạn. Nhiệm vụ quan trọng ở chỗ: phải chiếm được Cổ-vạn trong vòng ba giờ, để binh Tống không phân biệt được đó là Đại-Việt đánh họ, hay Tô-mậu đánh họ. Nếu như trận này thất bại, thì ta sẽ phải khó khăn, tốn nhiều nhân mạng lắm mới có thể đạt được mục đích.
Tôn Đản đứng dậy hỏi hướng vào Tuyết-sơn thập anh:
– Bẩy nhân huynh đây đều là những người văn mô vũ lược. Vậy lão phu xin bẩy vị dạy cho ít lời.
Trong Tuyết-sơn thập anh thì Tam-Sơn, Tứ-Sơn, Ngũ-Sơn xuất thân tiến-sĩ, ông đứng dậy cung tay:
– Xưa học trò hỏi Khổng-tử rằng: Nếu như nhà vua trao quyền cho thầy, thì việc đầu tiên thầy làm gì? Ngài đáp: Phải chính danh. Hỏi: Sao lại phải chính danh? Đáp: Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn đã thuận thì sự mới thành. Thưa tiền bối có đúng thế không.
– Quả không sai.
– Phàm ra quân phải có chính nghĩa, đó là chính danh. Vậy nay tiền bối ra quân chnh nghĩa là gì? Nếu tiền bối không tuyên cáo chính nghĩa cho dân thì người Tống sẽ nghĩ rằng: Giao-chỉ là nước nhỏ vượt biên đánh nước lớn, chẳng qua là một thứ đạo tặc mà thôi. Đó là một điều khó. Còn như tiền bối nói thực rằng mình đem quân sang phá các kho lương, thành trì của Tống, để Tống không thể đánh Đại-Việt được, thì lại càng làm cho dân khổ, cũng không có chính nghĩa. Đó là hai điều khó.
– Xin tiên sinh chỉ cho cách gỡ hai cái nút này.
– Tiền bối đều biết rằng hiện nay nửa dân Tống chống Tân-pháp của Vương An-Thạch. Các quan càng chống mạnh hơn. Thế thì tiền bối còn chờ gì mà chẳng làm tờ đại cáo với dân rằng: Đại-Việt ra quân chỉ với mục đích hỏi tội Vương An-Thạch bầy ra Tân-pháp làm khổ dân. Rồi những vùng chiếm được, tuyên bố bỏ Tân-pháp, xá thuế cho dân. Như vậy trong triều, ngoài dã từ quan tới dân đều nói rằng: Đấy, Đại-Việt ra quân chỉ vì Tân-pháp. Họ sẽ cùng Đại-Việt chống Tân-pháp hơn lên. Đấy có phải là ta có chính nghĩa không?
Tôn Đản tỉnh ngộ, cung tay:
– Xin nhờ tiên sinh múa bút soạn cho tờ đại cáo.
Tam-Sơn cầm bút viết:
« Trời sinh muôn dân, thì vua phải hòa-mục với họ. Đạo làm chúa dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe Tống chúa hôn ám, không nương theo phép thánh nhân, lại tin vào tà kế Vương An-Thạch, đặt ra cái gọi là Thanh-miêu, Trợ-dịch, khiến trăm họ khốn khổ, mà riêng nuôi thân mình cho mập.
Bởi sinh-mệnh muôn dân là tự trời, thế mà bỗng chốc họ bị sa vào cảnh khốn khó. Lượng kẻ trưởng thượng phải xót thương. Những việc từ trước chẳng nói làm gì!
Nay bản chức vâng lệnh quốc-vương, chỉ ngọn cờ lên Bắc, muốn dẹp yên sóng yêu ma; nên chỉ phân biệt quốc thổ, không phân biệt dân chúng. Phải quét sạch hôi tanh, để dân chúng được sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn thanh bình.
Ta nay ra quân, cốt cứu dân khỏi chìm đắm trong bể khổ. Nên truyền hịch để mọi người cùng nghe. Ainấy hãy đắn đo suy nghĩ, đừng mang lòng kinh sợ ».
Ghi chú,
Bản trên đây, tôi lấy trong Việt-điện u-linh. Trong An-Nam chí lược, Lê Tắc cũng có ghi, nhưng ý hơi khác. Ngoài ra trong Quách-thị Nam-chinh và Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký đều chép một tờ hịch nữa, nội dung hoàn toàn giống nhau. Xin đọc trong
Tôn Đản mừng lắm, sai khắc vào gỗ, rồi in rà thành mấy nghìn tờ, trao cho chúa tướng các đạo, để khi quân tới đâu, thì dán ở những nơi công cộng cho dân chúng đọc.
Tôn Đản nói với Tuyết-sơn thập anh:
– Các vị huynh đài đều là những đại hiệp vì dân trừ bạo. Trong các châu Nam-thùy Tống, có biết bao nhiêu tên cường hào ác bá, có biết bao nhiêu tên tham quan ô lại, có biết bao nhiêu tên đầu trộm đuôi cướp. Vậy lão phu đề nghị mười vị chia nhau theo các đạo quân, đe mỗi khi chiếm được vùng nào, các vị họp dân điều tra, rồi dùng luật võ lâm xử tội chúng, trước làm mát lòng dân, sau là thế thiên hành đạo.
Thập-anh cùng đứng dậy nhận lệnh.
Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên góp ý:
– Sau buổi họp này, thì cuộc chuẩn bị của toàn thể quân Bắc-biên, lẫn hoàng-nam sẽ ồn ào vô cùng. Em sợ tế tác Tống biết được, họ đề phòng, thì cuộc chiến sẽ gay go vô cùng.
Tôn Đản bật cười:
– Anh chị đã dự trù trường hợp đó rồi.
Ông đưa ra một bọc, trong bọc có hơn năm chục cuộn giấy, rồi nói:
– Đây là lệnh hư kế của Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt. Lệnh này nói rằng: Triều đình quyết định điều ba hiệu bộ binh, kị binh, thú binh đi chinh tiễu Chân-lạp để cứu Chiêm-thành. Vì vậy tất cả quân Bắc-biên phải chuẩn bị lừa, ngựa, lương thảo, chờ ngày xuất hành.
Chưa tướng cùng nhận lệnh. Cuộc họp chấm dứt.
Tôn Đản lưu Tôn Mạnh, Thanh Nguyên, Vi Thủ-An, Đinh Hoàng-Nghi Trần Phương-Quỳnh lại. Ông hỏi Hoàng-Nghi:
– Chuyện đó như thế nào?
– Hơn tháng qua cháu đã làm, thành công đã trong tầm tay. Mới đây nhất, ngày hôm qua cháu đã cho năm đứa trẻ giả làm dân Tô-mậu đem trâu sang cánh đồng sát chân núi chăn, rồi để trâu ăn lúa của vùng Cổ-vạn. Đây là lần thứ tám, trong một tháng. Bây giờ lúa sắp chín, mà trâu ăn mất một mảnh lớn ở ruộng. Quân bảo-giáp vùng Cổ-vạn cũng như mấy lần trước, chúng ùa ra bắt trâu, đòi phải mang tiền sang chuộc. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Chiều cháu cho hai mươi Thiên-tử binh giả hoàng-nam sang bắt lại trâu. Hai bên giằng co, đánh nhau. Bên Cổ-vạn có hơn mười người bị thương, tám người chết. Như vậy bọn tướng sĩ Tống như Tả-lãnh vệ đại tướng quân Chu Am, Bát-tác sứ Toàn Hưng, châu trưởng Nùng Hiệp-Thành... có là Thích-Ca ngồi trên toà cũng phải nhúc nhích. Theo tin tế tác, đêm nay chúng sẽ vượt qua đường phía Tây đồi Vong-thiên, để sáng mai đánh Tô-mậu.
– Được! Còn hiệu binh Quảng-vũ, kị-binh bây giờ ở đâu?
– Cháu cho di chuyển bằng đường Đông đèo Vong-thiên đến sát Tô-mậu đêm qua. Hiện ẩn ở trong rừng. Chỉ đợi lệnh là vượt biên.
Tôn Đản nói rất chậm:
– Hôm nay là ngày 14 tháng chín, trăng sáng tỏ, vậy trời xập tối thì lên đường. Sao cho đến chân đèo phía Bắc Vong-thiên vào giờ Tý. Ta cho quân nghỉ ngơi, đến giờ Sửu thì tấn công. Kế hoạch tấn công ra sao?
– Cháu đã nghị với công chúa Côi-sơn rồi.
Thanh-Nguyên trình bầy:
– Khi được mật lệnh của anh chị, em sai cháu Hoàng-Nghi Phương-Quỳnh đích thân giả làm lái buôn sang Cổ-vạn thám sát địa thế cùng tình hình. Về địa thế thì châu Cổ-vạn được bao quanh bởi mặt Đông là dẫy đồi, mặt Bắc là con sông, mặt Tây, Nam là cánh đồng. Về mùa này ruộng đã khô, người ngựa có thể băng qua được. Phía Nam châu có bốn cổng nhỏ, hai cổng lớn. Cổng nhỏ cho người và thú ra đồng làm việc, tối cổng đóng lại, không có người canh gác. Cổng lớn rất rộng dành cho xe, người đi. Đây là trục giao thông chính của ta với Trung-nguyên, cho nên ngày đêm đều có quân canh gác. Quân sĩ thì chia làm bốn toán, mỗi ngày một toán ứng trực canh phòng, hai toán nghỉ, một toán luyện tập. Ban đêm thì tất cả đều về nhà ngủ, để cho quân bảo-giáp canh phòng.
– Kế hoạch đánh như thế nào?
Hoàng-Nghi nói thầm vào tai Tôn Đản một lúc. Ông vui vẻ:
– Được lắm. Ta ngồi xem các vị thành công.
Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh, Vi Thủ-An lấy ngựa trở về Tô-mậu. Trước khi khởi hành, Tôn Mạnh viết lệnh triệu tập binh tướng tại Tô-mậu ngay đêm nay, rồi sai chim ưng mang đi. Ba người tới nơi, thì trời xập tối. Cơm nước xong, thì chư tướng đến.
Hoàng-Nghi trình bầy tình hình địch, địa thế, mục đích cuộc hành quân, thời gian xuất quân rồi nhường cho Thanh-Nguyên. Thanh-Nguyên cầm kiếm lệnh để trước mặt. Công-chúa hướng vào chư tướng:
– Hiện hầu hết Quảng-binh, bảo-binh của ở Cổ-vạn đã xuất khỏi đất Tống, đang ẩn ở khu rừng phía Tây đèo Vong-thiên, chờ ngày mai vào cướp Tô-mậu. Ta chia quân làm ba. Một là lực lượng hoàng-nam Tô-mậu, hiệu quân Bắc-biên thứ ba do Trần-vũ thượng tướng quân Vi Thủ-An chỉ huy, nhiệm vụ giữ nhà. Hai là cánh phục trên đường tiến quân của Tống, chặn không cho chúng đánh sang ta. Đạo này do chính tôi với phò-mã chỉ huy được tăng viện các đô thống Hùng Nhân, Âu Hoàng, Hùng Nghĩa, Âu Thanh. Lực lượng gồm hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ tả, một lữ Thần-nỗ, đội Thần-tiễn Long-biên, đội Thần-phong, Thần-tượng, Thần-xà. Ba là đạo đánh chiếm Cổ-vạn, sẽ do Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt, đô-thống Đinh Hoàng-Nghi với phu nhân là Phương-Quỳnh chỉ huy; lực lượng gồm đạo kị binh Phù-đổng, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ hữu, một đội Thần-tiễn Long-biên, một lữ Thần-nỏ, đội Thần-hầu, Thần-báo, Thần-hổ.
Công chúa nói với Hà Mai-Việt, Hoàng-Nghi:
– Đêm nay các vị cho thú-binh, kị-binh di chuyển trước, Thiên-tử binh đi sau, tiến theo con đường Nam-Bắc băng qua đèo Vong-thiên. Nhớ nhé. Vong-thiên có hai con đường băng qua. Một con phía Tây, một con phía Đông. Ta bỏ con đường phía Tây, vì Tống đang đóng trên con đường này, ta tiến theo con đường phía Đông. Ta phải tiến sao cho tới chân Bắc đèo vào lúc giờ Tý. Ta chia quân làm hai cánh. Cánh phía Tây do Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt, đô-thống Hùng Lễ, Âu Huyền, Hùng Trí, Âu Lam chỉ huy một lữ kị binh Phù-đổng, một lữ Thiên-tử binh thuộc đạo Quảng-vũ tả, đội Thần-nỏ, đội Thần-tiễn Long-biên. Cánh phía Nam do đô-thống Hoàng-Nghi Phương-Quỳnh, Hùng Tín, Âu Hồng chỉ huy một lữ kị binh thuộc đạo kị-binh Phù-đổng hữu, một lữ Thiên-tử binh thuộc đạo Quảng-vũ hữu, một đội Thần-tiễn Long-biên, một đội Thần-nỏ.
Công-chúa chỉ lên sơ đồ vùng Cổ-vạn:
– Trong cuộc tập kích này ta tận dùng Thần-hầu, Thần-hổ, Thần-báo, Thần-ngao, Thần-ưng. Khi tiến quân thì sai Thần-ưng bay trên cao thám thính tuần phòng. Thần ngao thám thính, đề phòng dưới đất. Khi ta tiến quân qua vùng nào, cũng nên lưu Thần-ưng, Thần-ngao lại để canh gác, phòng bị đánh tập hậu. Như vậy nhất cử nhất động của địch ta biết hết.
Công chúa chỉ vào các chúa tướng chỉ huy thú và cung thủ Long-biên:
– Đội Thần-tiễn Long-biên đi đầu cùng với Thần-hầu, Thần-hổ. Xưa nay, khi một con hổ đi đến đâu, thì mùi hôi toả ra trong vòng bán kính trăm trượng. Hễ chó ngửi thấy mùi là chúi mũi vào bụi cỏ. Đó là lý do ta cho Thần-hổ cùng Thần-hầu tiến trước, phòng chó xủa. Tới hàng rào, thì Thần-hầu sẽ leo vào trong, mở cổng. Đội Thần-tiễn Long-biên cùng Thần-hổ xông vào trong, tỏa ra phía trước, hai bên phải trái cửa bảo vệ cho Thần-báo vào sau. Sau khi vào rồi, thì cánh phía Nam đánh sang bên Đông. Cánh phía Tây đánh về Bắc, mở tung các cửa ra, rồi trấn tại đó. Đến đây thì kị-binh Phù-đổng ập vào các cửa tấn công trung ương. Thiên-tử binh đi theo sau. Tóm lại thú binh, đội cung thủ Long-biên có nhiệm vụ đánh chiếm các cửa, rồi trấn ở đó, không cho địch chạy thoát. Đạo kị binh Phù-đổng phá vỡ phòng tuyến địch. Còn Thiên-tử binh thì đánh chiếm các kho tàng, doanh trại, trụ sở.
Bà nhấn mạnh:
– Cần đánh cho mau, cho gọn. Sao nội trong hai giờ phải chiếm được hết cơ sở giặc, tổ chức canh phòng thực nghiêm, rồi đem một lực lượng ra phục trên con đường Tây đèo Vong-thiên chờ bọn Tống rút về thì dùng tên, dùng thú chặn đánh. Nhớ, dù thắng, nhưng cũng nên mở con đường cho chúng rút về Ung-châu.
Bà ghé miệng vào tai Hoàng-Nghi dặn dò mật kế.
Ghi chú,
Dùng mồ hôi, nước tiểu của hổ để uy hiếp chó là một khám phá của tộc Việt từ thế kỷ thứ nhất. Trong suốt năm nghìn năm lịch sử, người Việt đã tận dụng cọp, nước tiểu, mồ hôi cọp trong chiến tranh. Cho đến giai đoạn chiến tranh 1960-1975 du kích quân Việt-Nam cũng dùng nước tiểu của cọp hoặc nước tắm cho cọp chà vào quần áo để đột nhập vào các căn cứ Hoa-Kỳ, khiến khuyển quân vô dụng.
Đêm hôm đó là đêm mười tư, tháng chín, niên hiệu Thái-Ninh thứ tư, đời vua Nhân-tông triều Lý, bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ tám (1075) đời vua Thần-tông nhà Tống. Dưới ánh trăng huyền ảo của rừng núi Bắc-biên, từng đoàn, từng đoàn người ngựa âm thầm di chuyển băng qua ba ngọn đèo ngắn. Người ngậm tăm, ngựa khóa mõm, nên chỉ có tiếng bước chân người, tiếng vó ngựa, và tiếng bánh xe lóc cóc. Sau khi đổ hết ngọn đèo thứ ba, thì trước mặt họ hiện ra khu đồng bằng. Xa xa trong vùng Cổ-vạn một vài nhà còn để đèn, ánh sáng chiếu leo lét chập chờn như ma chơi. Đoàn người ngựa tẻ ra làm hai... âm thầm và âm thầm.
Phía Nam vùng Cổ-vạn không rộng cho lắm. Hoàng-Nghi nói nhỏ với đám Hùng, Âu:
– Mặt Nam mình có bốn cổng nhỏ. Vậy hai vị sư huynh, sư tỷ, mỗi người đánh chiếm một cổng. Từ trái sang phải, sư huynh Hùng Tín đánh cổng một, sư tỷ Âu Hồng đánh cổng hai, Phương-Quỳnh, tôi bốn. Kìa trên trời Thần-ưng bay lượn bình thường thế kia là phía trong không có quân phòng thủ.
Bốn người nhanh nhẹn vẫy tay. Bọn thiếu niên chỉ huy Thần-hầu, Thần-hổ đã được dặn trước, chúng cho mở cũi, thả thú ra. Đàn thú im lặng băng mình qua cánh đồng cùng với đội tiễn thủ Long-biên. Phía sau là đoàn Thần-báo, rồi kị binh, Thiên-tử binh.
Tới hàng rào, Thần-hầu nhanh nhẹn trèo lên cây thả mình vào trong mở cửa. Thần-hổ, Thần-báo, thần tiễn Long-biên đã lọt vào trong. Sau khi phân chia nhiệm vụ cho các lữ trưởng trấn các cổng; Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh dẫn năm chục tiễn thủ Long-biên tiến về một cổng chính. Ở đây, trên chòi canh, có ngọn đèn nhỏ. Hoàng-Nghi chỉ cho Phương-Quỳnh chiếm một cổng lớn, còn mình chiếm một cổng lớn. Chàng vẫy tay, một mũi tên phát ra tiếng véo, ngọn đèn trên chòi canh vỡ tan. Có tiếng binh canh nói:
– Sao tự nhiên ngọn đèn lại tắt vậy kìa? Ra xem sao?
Hai binh canh ra khỏi chòi, thì véo véo hai tiếng, hai người trúng tên ngã lộn xuống đất. Đám võ sĩ Long-biên tung mình vào chiếm đồn canh. Đám quân canh đang ngon giấc thấy động, giật mình thức dậy, thì đều bị tên bắn trúng trán, ngã lăn xuống. Đám võ sĩ Long-biên mở toang cổng lớn ra. Hoàng-Nghi cầm chiếc pháo thăng thiên châm ngòi, tung lên cao. Pháo nổ đến đùng một tiếng, tỏa ra ánh sáng mầu tím. Đó là lệnh tấn công. Lập tức đoàn kị binh Phù-đổng phi qua các cổng vào trong rồi tỏa ra làm hai tiến về các mục tiêu. Tiếp theo là Thiên-tử binh ào vào. Vùng Cổ-vạn tuy rộng, nhưng phạm vi đóng quân thì có giới hạn. Trong khoảng hơn giờ, quyân Việt đã chiếm xong các doanh trại, kho vũ khí, khu chuồng ngựa, kho lương thực.
Nhìn kho lương thực, kho vũ khí chất cao như núi: Nào cá khô, tôm khô, thịt khô, nào gạo, nào cỏ, nào cung, nào tên, nào đao, nào thương... lại có cả kho chứa tiền, vàng, bạc nữa; không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng-Nghi nói với Phương-Quỳnh:
– Em thấy không? Đây rõ ràng là kho lẫm của Tống triều chứ không phải kho của Cổ-vạn. Như vậy chứng tỏ họ đã chuẩn bị đánh mình xong xuôi, chỉ còn đợi ngày xuất quân nữa mà thôi.
Khi đánh vào tới trung ương, trị-sở của Cổ-vạn, thì hai đội kị binh của Hoàng-Nghi, Hà Mai-Việt gặp nhau. Hà Mai-Việt là một đại tướng quân đánh dư trăm trận, kinh nghiệm có thừa, ông hỏi Hoàng-Nghi:
– Đinh đệ! Ta thấy dường như có một sự bất thường thì phải. Bởi chúng ta đánh sao dễ quá, không gặp bất cứ một phản ứng lớn nào của bên địch. Trước sau, chỉ bốn cổng lớn, mỗi cổng có không quá năm mươi binh canh, với trăm binh canh kho tàng. Không lẽ lực lượng của chúng kéo sang Tô-mậu hết? Dù cho chúng kéo sang ta đánh cướp, thì cũng phải để lại ít quân giữ nhà chứ?
– Đệ cũng thấy thế. Hiện chư quân đang lùa dân chúng ra khỏi nhà, rồi thanh lọc bắt quân, tướng địch. Ta cứ chờ xem. Bây giờ hãy tiến vào chiếm trị sở của châu Cổ-vạn đã.
Hà Mai-Việt vẫy tay, lập tức Hùng Nhân, Hùng Nghĩa cho đội võ sĩ Long-biên tiến vào trong hàng rào khu trị sở cùng với đội Thần-ngao. Lát sau Hùng Nhân chạy ra lắc đầu:
– Thưa đại tướng quân, trong trị sở không có một người nào cả. Đồ đạc còn nguyên.
Hà Mai-Việt vội vào xem xét; chỉ liếc qua, ông đã tìm thấy ngay rằng bọn tướng sĩ Tống không hề bỏ chạy, vì đồ đạc vẫn ngăn nắp, căn nhà sạch sẽ. Ông nói với Hoàng-Nghi:
– Thế này là thế nào? Tại sao chúng ta không gặp bọn tướng Tống, bọn binh sĩ khê động? Chúng đi đâu hết? Ta phải sai chim ưng trinh sát xem sao mới được.
Hoàng-Nghi ngửa mặt lên trời, miệng cười toe toét. Hà Mai-Việt đang lo lắng cuống cuồng lên, mà Hoàng-Nghi với Phương-Quỳnh cứ thủng thỉnh; nào là nghe báo cáo số gia súc, số lúa gạo, số vũ khí trong các kho. Rồi lại hỏi về số tù binh bắt được.
Hà Mai-Việt đề nghị:
– Ta phải sai chim ưng trinh sát xem sao mới được. Không lẽ bọn chúng biết ta tấn công, rồi dùng kế không thành? Vô lý, bởi chúng dùng kế không thành, để dâng tính mệnh vợ con, bố mẹ, cùng tài sản cho ta hay sao?
Các lữ trưởng kị binh, Thiên-tử binh lần lượt báo cáo: Sau khi bao vây từng nhà, lùa hết già trẻ, lớn bé ra đệ thanh lọc. Nhưng tuyệt không thấy một tên quân Tống, một quân bảo-giáp. Sau khi bắt bố mẹ, vợ con, gia thuộc bọn tướng Tống, lấy khẩu cung, họ đều khai rằng binh tướng Tống chuẩn bị từ hơn nửa tháng trước để đánh sang Tô-mậu. Nhưng mới lên đường có hai ngày.
Bây giờ Hà Mai-Việt mới hiểu tại sao ban nãy ông lo sợ cuống cuồng, mà Hoàng-Nghi cứ bình tĩnh như không. Ông nói với Hoàng-Nghi:
– Theo lệnh công chúa Côi-Sơn, thì sau khi đánh chiếm Cổ-vạn, ta phải cho phục binh ở phía Tây đồi Vong-thiên, chờ quân Tống rút về thì chặn đánh. Nhưng như Đinh đệ thấy, quân ta thức suốt đêm qua, lại di chuyển hơn trăm dặm, rồi chiếm trại này. Người ngựa đều mệ lả rồi, bây giờ sao có thể di chuyển ra đèo Vong-thiên mai phục? Mà ví dù có lết ra mai phục, thì còn đâu sức mà đánh. Vậy Đinh đệ nghĩ sao?
– Công-chúa ban lệnh là lệnh tổng quát, phần thi hành là nhiệm vụ của chúng ta. Chúng ta phải uyển chuyển thay đổi, chứ không nhất thiết phải giữa nguyên.
– Đệ mới cầm quân nên không hiểu Ngũ-long công chúa tý nào cả? Đệ nên biết rằng từ thời đức Thái-tổ đến giờ, Ngũ-long công chúa đánh đâu thắng đó là nhờ quân lệnh cực kỳ nghiêm. Cái lệnh thép mỗi khi phải đối phó với cường địch, sai một đội đao thủ đi phía sau đội hình xung phong. Ai ngừng lại, lùi lại, đứng lại là chém liền... đâu phải mình Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, mà cả Ngũ-long công chúa nữa. Bây giờ hiền đệ cãi lệnh thì cãi, chứ huynh thì huynh không dám đâu! Huynh mà cãi lệnh thì mất chỗ đội nón ngay.
Ông cười:
– Chính Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt cũng khét tiếng là Thập-nhị thiết sư (Mười hai con sư tử bằng thép), kỷ luật cực nghiêm. Nên mười hai đạo Thiên-tử binh mới có khí thế nghiêng trời lệch đất.
Hoàng-Nghi mỉm cười, ghé miệng vào tai Hà Mai-Việt:
– Cái vụ ra lệnh cho bọn mình phục ở chân đèo là hư kế, vì sợ tế-tác địch biết được. Chứ sự thực công chúa ra mật lệnh cho em: Cần thắng giặc bất cứ giá nào, miễn ít đổ máu là được rồi. Vậy bây giờ ta làm thế này... thế này.
Hà Mai-Việt xuất thân trong một gia đình Nho-giáo, phụ thân ông dạy con bằng tinh thần trung-quân, ái-quốc, lấy đạo trung-dung để chính tâm, lấy ngũ-thường để hành xử. Nay nghe Hoàng-Nghi nói những điều khủng khiếp, ông nhăn mặt:
– Làm vậy, chúng coi mình là phường bá đạo, cơ tâm. Có cách nào khác hơn không?
– Đại ca theo Nho thì đại ca cho rằng như vậy là trái. Còn em, thì em hành xử theo đạo lý tộc Việt: Miễn sao giữ được nước, miễn sao cho máu đổ ít mới là chính đạo.
Hà Mai-Việt gật đầu vui vẻ. Hoàng-Nghi lệnh cho Thiên-tử binh bắt hết bố mẹ, vợ con của tướng sĩ Cổ-vạn rồi gọi Hùng Lễ, Hùng Trí, Hùng Tín với Âu Huyền, Âu Lam, Âu Hồng lại dặn nhỏ mấy câu. Sáu người vâng lệnh điểm quân lên đường.
Hà Mai-Việt, Đinh Hoàng-Nghi bận bù đầu với việc thanh lọc dân chúng, kiểm kê tài sản, phân biệt những gì của dân chúng thì trả cho dân chúng. Những gì của Cổ-vạn thì phát cho người nghèo. Còn những gì của công khố Tống thì niêm phong lại. Công việc cho đến trưa thì xong.
Cơm trưa xong, có binh canh vào báo:
– Thưa đại-tướng quân, thưa đô-thống, có Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản cùng phu nhân giá lâm.
Mai-Việt cùng Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh dẫn các tướng ra cổng đón. Tôn Đản vẫy tay:
– Hà tướng quân, Đinh đô thống! Miễn lễ! Miễn lễ! Chúng ta đến đây có chuyện khẩn cấp.
Hoàng-Nghi mời ông bà vào trong sảnh đường. Chư tướng tề tựu. Đinh Hoàng-Nghi báo cáo về trận đánh đêm qua, cùng số lương thực, vũ khí, lừa ngựa thu được. Tôn-Đản xoa tay vào nhau:
– Tôi không ngờ Tống lại chứa lương thảo ở Cổ-vạn nhiều như vậy. Với kho lương này, có thể nuôi mười vạn quân mã trong một năm. Với số cung tên, vũ khí này, có thể trang bị cho năm vạn quân.
Ông rùng mình:
– Nếu ta không khám phá ra âm mưu Nam xâm, nếu chúng ta không ra tay trước, thì khi Tống khởi sự, thực ta không thể nào chống nổi Tống. Chúng ta đã thành công trong trận đánh chiếm Cổ-vạn. Tôi xin loan báo cho chư tướng biết về trận chiến Tây đèo Vong-thiên.
Ông khoan thai kể:
– Từ trước đến nay, thủ lĩnh chủ khê động Cổ-vạn Nùng Hiệp-Thành, ỷ dân đông, binh mạnh, lấn áp Tô-mậu hầu Vi Thủ-An riết rồi khinh thường. Gần đây trong cuộc chuẩn bị đánh Đại-Việt, Vương An-Thạch cử Tả-lãnh-vệ thượng thượng-tướng quân Chu Am, bát-tác sứ Toàn Hưng đem năm nghìn quân Quảng đến trấn Cổ-vạn, cùng giúp Nùng huấn luyện tráng đinh thành bảo-giáp, nên quân số bảo-giáp tới bốn nghìn người. Được Nùng Hiệp-Thành mật báo về rằng Tô-mậu chỉ có một nghìn hoàng-nam, nên An-Thạch càng coi thường. Y quyết định đem lương thảo, vũ khí đồn trú tại đây.
Ông cười lớn:
– Biết thế, hơn tháng qua, tôi cử đô-thống Hoàng-Nghi âm thầm đến Tô-Mậu bầy ra vụ đào vàng, cùng gây sự với Cổ-vạn. Vì tham vàng cũng có, vì tức giận bị khiêu khích cũng có, Hiệp-Thành báo tự sự với An-Thạch. Thạch mật lệnh cho Chu, Toàn, Nùng lấy cớ trả đũa bị khiêu khích, đánh sang Tô-mậu với mục đích chính là thử sức phòng thủ của ta, mục đích phụ để cướp vàng.
Ông ngừng lại hớp một hớp nước trà, rồi tiếp:
– Được mật lệnh của Thạch, bọn Chu, Toàn, Nùng âm thầm dốc toàn lực tiến theo đường Tây Vong-thiên, vào đóng ở thung lũng phía Nam, chờ sáng nay sẽ tiến sang đánh Tô-mậu. Nhưng những hoạt động của họ không qua được mắt ta. Ta ra tay trước. Vì vậy, các vị chiếm Cổ-vạn dễ dàng.
Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp:
– Về trận Tây Vong-thiên, chính công-chúa Côi-sơn với phò-mã Tôn Mạnh chỉ huy. Đúng giờ Tý, đô-thống Hùng Nhân cùng phu nhân là Âu Hoàng chỉ huy đội Thần-hầu đột nhập khu chuồng ngựa nổi lửa đốt trại, cắt giây cột ngựa, khiến ngựa chạy lung tung trong khu vực đóng quân. Tống bị bầt ngờ, hơn giờ sau họ mới giữ được yên tĩnh. Chu Am nghe báo rằng chỉ có mấy trăm con khỉ đốt doanh trại, thì an tâm. Y ra lệnh cho binh tướng đi ngủ, nhưng không được rồi giáp trụ. Quân tướng vừa riu riu ngủ, thì đội Thần-long được thả ra khỏi xe, tràn vào trại tấn công. Binh tướng có hơn ba nghìn người bị rắn cắn. Doanh trại náo loạn lên. Biết rằng không cho chữa chạy, thì hai giờ sau đám thương binh sẽ chết hết. Chu Am vội cho hơn ba nghìn binh này trở về Cổ-vạn để cứu chữa. Khi họ rời doanh trại được ba mươi dặm, thì trúng vào trận địa Thần-nỏ đội Thần-tiễn Long-biên do chính phò-mã Tôn-Mạnh chỉ huy. Phần bị thương, phần không có mộc đỡ tên, nên không đầy khắc sau, đám này bị tiêu diệt.
Chư tướng vỗ tay hoan hô.
– Sau khi tiêu diệt đám binh sĩ này, phò-mã sai bắn tên lửa lên trời báo hiệu cho công chúa Côi-sơn biết. Lập tức công chúa cho Thần-ưng, Thần-phong, tấn công vào dinh trại Tống. Phía sau là đội kị-mã, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ. Trong đêm tối, quân Tống bị ong đốt, bị ưng đánh, bị kị binh, Thiên-tử binh tấn công, chúng quẳng vũ khí bỏ chạy tán loạn. Khi về đến phía Bắc đèo Vong-thiên, thì trời tảng sáng, thấy xác chết của đám thương binh bị Thần-nỏ tiêu diệt nằm dài trên khắp thung lũng, quân Tống càng kinh hồn táng đởm. Giữa lúc đó, trống thúc vang dội, đội Thiền-tiễn Long-biên, đội Thần-nỏ trên các ghềnh đá xuất hiện. Công chúa Côi-sơn hô lớn:
– Buông vũ khí đầu hàng, bằng không ta ra lệnh buôn tên liền!
Đám binh tướng Tống còn chần chờ, thì phía sau, đội kị mã, hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ tới. Rồi thình lình đô-thống Hùng Lễ, Hùng Trí, Hùng Tín cùng các phu nhân dẫn hơn trăm xe, trên xe chở bố mẹ, vợ con của tướng sĩ Tống tới. Đám bố mẹ, vợ con ùa xuống xe chạy lại nói cho binh tướng Tống biết rằng Cổ-vạn đã bị chiếm mất rồi. Thế là chúng đành buông vũ khí đầu hàng.
Tôn Đản nhìn Hoàng-Nghi:
– Đô-thống nghĩ ra được mưu dùng gia đình binh tướng Cổ-vạn, để tránh cuộc giao tranh đẫm máu, thực đúng với chủ đạo tộc Việt. Bây giờ đám binh tướng Tống bị bắt, hay đầu hàng, đang được chỉnh đốn lại để đánh Ung-châu.
Phương-Quỳnh hỏi:
– Trình thái-sư thúc. Mình có nên dùng binh Tống đánh Tống không? Cái gương thời Lĩnh-Nam, ta dùng người Hán, đánh Hán, cuối cùng các đạo binh đó bị tan rã dễ dàng.
Ghi chú,
Tám nàng Phương là học trò của Lý Thường-Kiệt. Mà Tôn Đản là sư thúc của ông, nên tám nàng Phương gọi ông là thái sư-thúc.
Cẩm-Thi cười:
– Xưa khác, nay khác. Xưa Hán bắt vợ con tướng sĩ, uy hiếp họ theo Hán. Ngược lại ngày nay ta dùng quân bảo-giáp Cổ-vạn đánh Ung-châu, trong khi vợ con họ trong tay ta. Muôn ngàn lần họ không thể phản.
Chiều hôm đó, cánh quân của Tây Vong-thiên tới. Công-chúa Côi-sơn Thanh-Nguyên, phò-mã Tôn Mạnh vào yết kiến Tôn Đản, Cẩm-Thi. Binh tướng hai đạo gặp nhau mừng chi siết kể. Họ thuật cho nhau những chi tiết về trận đánh.
Hơn nửa tháng sau, Tôn Đản, Cẩm-Thi, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên đang cùng Mai-Việt, Hoàng-Nghi thảo luận về vuệc chuẩn bị tiến binh về Ung-châu thì có binh canh vào báo:Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt giá lâm ở cửa chính Nam.
Tôn Đản, Cẩm-Thi dẫn Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Mai-Việt, Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh, chư tướng cùng lên ngựa ra đón. Ba người vừa đi được trăm trượng thì gặp viên thị-vệ cỡi ngựa, tay mang cờ, trên có thêu chữ Linh-Nhân hoàng thái hậu đang phi như bay. Hoàng-Nghi quát:
– Ngừng lại!
Nhưng viên thị-vệ cứ ruổi ngựa. Chàng ra lệnh cho hai võ sĩ Long-biên:
– Bắt tên thị-vệ đó chém liền.
Võ-sĩ Long-biên lập tức thi hành. Tên thị-vệ bị trói vào gốc cây sắp sửa khai đao, thì một đội người ngựa phi tới. Hoàng-Nghi quát:
– Trong trại quân, tuyệt đối không cho ai phi ngựa. Bắt đội kị mã kia ngừng lại.
Võ-sĩ Long-biên dương cung lên, tên buông ra véo, véo, bao nhiêu cương ngựa đứt hết. Đội kị mã ngừng lại, bị bao vây liền. Có tiếng nói trong trẻo:
– Tôn sư thúc! Hà tướng quân, Đinh đô thống!
Thì ra đội kị mã hộ tống Linh-Nhân hoàng thái-hậu. Tôn Đản, Cẩm-Thi, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên được miễn mọi lễ nghi; còn Hà Mai-Việt, Đinh Hoàng-Nghi với chư tướng đều nói lớn:
– Giáp-trụ trên người, bọn hạ-thần không hành lễ được, xin Thái-hậu khoan thứ.
Linh-Nhân hoàng thái hậu tuyên chỉ:
– Đám thị-vệ này hộ tống ta, có đôi điều vô phép, xin Đô-thống khoan dung.
Hoàng-Nghi điểm mặt viên tốt trưởng canh cổng:
– Người là tốt trưởng, phụ trách việc canh cổng, tức là tai mắt phòng vệ giặc tập kích. Khi thấy có khách đến, phải lưu lại, rồi sai người vào báo với ta. Sau đó phải chờ lệnh ta, rồi mới được cho vào. Nay tuy người có sai binh canh báo với ta, nhưng ta chưa có lệnh, mà người đã để khách vào trại, là một tội phải chém đầu. Trong doanh trại tuyệt đối cấm ruổi ngựa, mà người để thị-vệ phi ngựa như bay là hai tội đáng chém.
Viên tốt trưởng run run:
– Xin đô-thống khoan hồng!
– Tỷ như vừa rồi không phải là Thái-hậu, mà là gian tế đánh úp trại, thì giờ này toàn quân ở đây sẽ ra sao? Ta không thể khoan hồng cho người.
Chàng lại chỉ mặt tên trưởng toán thị-vệ:
– Thị-vệ là móng vuốt xã-tắc bảo vệ Thiên-tử cùng hoàng tộc, luật lệ phải biết, kỷ luật càng phải nghiêm. Bởi vậy bất cứ ai phạm quân luật, đều có thể tha thứ, duy thị-vệ thì không. Người ỷ hộ giá Thái-hậu, rồi không coi quân luật ra gì ư? Đáng lễ ta chém đầu cả toán, nhưng có chỉ dụ của Thái-hậu ân xá, nên chỉ mình người bị hành hình mà thôi.
Chàng quát đao phủ:
– Đem trưởng toán thị-vệ, viên tốt trưởng ra chém đầu làm hiệu lệnh.
Lát sau đao phủ dâng thủ cấp hai người. Hoàng-Nghi sai đem đi khắp các doanh trại, cho toàn quân lấy đó làm gương.
Linh-Nhân hoàng thái hậu ngợi khen:
– Từ trước đến giờ chị vẫn nghe người ta nói Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt coi binh sĩ như chân tay, nhưng ngược lại trị quân rất nghiêm. Bây giờ chị mới được thấy tận mắt. Như vậy, mỗi hiệu Thiên-tử binh tuy chỉ vạn người, nhưng có thể địch lại mười vạn. Chị yên tâm.
Hậu nói với Tôn Đản:
– Tin tế-tác gửi từ Quế-châu cho biết, ta đánh Cổ-vạn ngày 15 tháng 9 mà mãi tới hôm nay là ngày 1 tháng 10, mà Lưu Di mới biết. Đúng như ta ước đoán, Di cho rằng đây là cuộc đụng chạm giữa hai khê động mà thôi. Như vậy tin này có đến Biện-kinh ít ra là cuối tháng mười. Bây giờ ta cho ba đạo Quảng-nguyên, Môn-châu, Lạng-châu vượt biên. Không biết Tôn sư thúc có cao kiến gì không?
Tôn Đản chỉ lên bản đồ:
– Tuân chỉ thái-hậu. Quân ba đạo Quảng-nguyên, Môn-châu, Lạng-châu đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần một lệnh ban ra, là ba giờ sau có thể lên đường. Bây giờ là giờ Tỵ, ta cho chim ưng mang lệnh đi, thì hết giờ Ngọ, cả ba đạo đều nhận được lệnh. Giờ Thân cho quân lên đường. Giờ Tý thì khởi tấn công.
Ghi chú,
Theo Tục tư-trị thông giám trường biên thì quân Việt đánh Cổ-vạn ngày 15-9 năm Ất-Mão, mà ngày 28-10 tin mới về đến Biện-kinh. Mãi đến ngày 11 tháng 11 (DL. 21-12-1075) triều Tống mới được tin Cổ-vạn mất. Theo Quách-thị Nam chinh thì Vương An-Thạch thư cho Chu Am tiến đánh Tô-mậu để thử phản ứng Đại-Việt ngày 15-9, rồi bị Đại-Việt đánh úp Cổ-vạn, cho nên tin Cổ-vạn thất thủ bị Thạch ỉm đi, nhưng cuối cùng Thạch cũng phải tâu lên vua Thần-tông.
Tôn Đản hỏi Thường-Kiệt:
– Nếu như ngày mai, tôi cho đánh ba ải lớn của Tống, thì chỉ nội trong mười ngày là chiếm được hết. Binh quý hồ tốc. Sau khi chiếm được các ải, tôi để hoàng-nam trấn đóng bảo vệ đường tiếp tế lương thảo, cùng đường rút quân. Còn các hiệu Thiên-tử binh, quân Bắc-biên tiến về Ung-châu. Bấy giờ thì từ Lưu Di cho tới Tống triều đều rúng động. Chắc chắn chúng sẽ cho quân Khâm, Liêm tiến về Tây để đánh Cổ-vạn, rồi tiến vào Bắc-biên đánh úp sau lưng ta. Vậy nguyên soái phải thừa cơ đổ bộ ngay lập tức, để triệt căn bản của các đạo quân này, rồi cùng tiến về Ung-châu.
Thường-Kiệt cung tay:
– Trình sư-thúc, hiện bẩy hiệu Thiên-tử binh, đạo kị-binh Phù-Đổng hữu, cùng các đạo Thần-nỏ, Xa-thạch, Thú-binh đã sẵn sàng. Binh tướng đều được thông báo rằng chuẩn bị đánh Chân-lạp cứu Chiêm-thành. Khi có tin báo quân Khâm, Liêm khởi hành tiến về Tây, là cháu cho xuống các chiến hạm ra khơi. Khi hạm đội rời xa bờ cháu mới ra lệnh cho các tướng, thông báo cho chư quân.
Linh-Nhân hoàng thái-hậu hỏi Tôn Đản:
– Thưa sư-thúc, như vậy Cổ-vạn sẽ là cửa ải địa đầu trấn thủ Đại-Việt. Nhược bằng Cổ-vạn thất thủ thì không những đại quân ta mất đường tiếp vận lương thảo, mất đường về, mà Đại-Việt còn lâm nguy nữa. Vậy không biết sư-thúc đề cử ai trấn nhậm Cổ-vạn?
Tôn Đản suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Người trấn thủ Cổ-vạn phải thuộc loại trí dũng tuyệt vời mới đương nổi. Trong các tướng dự trận Bắc-biên này không ai đủ khả năng. Có lẽ phải mời sư-huynh Trần Trung-Đạo, hay U-bon vương Lê Văn mới đương nổi.
Nghe Tôn Đản nói, công chúa Côi-sơn mở to đôi mắt sắc như dao cao, liếc nhìn ông anh chồng, cũng là ông anh thứ sáu trong Thuận-thiên thập hùng, rồi hừ một tiếng:
– Anh sáu khinh thường em đến thế ư? Thế hồi đánh bọn Địch Thanh ở Khâm-châu, Liêm-châu thì là ai đấy nhỉ? Vừa thôi nhá!
– Hồi đó em mới ba mươi tuổi hơn, khí huyết còn sung thịnh. Nhưng bây giờ... Hừ!
Công-chúa Côi-sơn vốn nóng tính, bà đứng dậy hít hơi, rồi phát chiêu Đông-hải lưu phong hướng Tôn Đản. Chưởng chưa ra hết, mà mọi người đã muốn ngộp thở. Tôn Đản không ngờ cô sư muội tuổi gần năm mươi mà còn nóng nảy như xưa, ông vội vận đủ muời thành công lực ra đỡ. Nhưng ông đỡ vào quãng không, vì Thanh-Nguyên đã thu chưởng lại, rồi mỉm cười:
– Ví thử anh Tự-Mai, Lê Văn có mặt ở đây cũng phải nể em vài thành. Mà anh, thì anh khinh thường em quá.
Tôn Đản lắc đầu:
– Khiếp quá! Vậy thì anh để lại hiệu binh Bắc-biên thứ ba cho muội với Mạnh trấn Cổ-vạn. Nhớ, chớ có khinh thường.
Thanh-Nguyên cười đắc ý:
– Anh đừng lo!
Linh-Nhân hoàng thái hậu mỉm cười:
– Công-chúa Côi-sơn là người con được quốc-trượng Tự-An yêu thương nhất, Kinh-Nam vương cũng sủng ái cùng cực, nên khi công chúa trấn Cổ-vạn sẽ có hai cây cột chống trời đứng sau, thì giặc nào đánh cho nổi?
Công-chúa đưa mắt nhìn Linh-Nhân hoàng thái hậu, rồi nói:
– Nhất là lại có bà chúa kho Thiên-Ninh phò tá nữa, thì thần không còn sợ bất cứ loại giặc nào!
Linh-Nhân hoàng thái hậu ghé miệng vào tai Thanh-Nguyên thì thầm một lúc. Rồi hai vị nhìn nhau mỉm cười. Có ai ngờ, trong cuộc đối thoại ngắn ngủi đó của hai thiếu-phụ Việt, mà làm cho thành Khâm-châu ngập máu vào mấy tháng sau!
Ghi chú hồi thứ 34,
« Chống Tống » mà thôi. Như chép về:
– Phạm Dật trong Hải-dương tỉnh thần tích;
– Vũ Quang như Lục-Nam địa chí;
– Đinh Hoàng-Nghi như Cao-bằng sự tích;
– Lý Đoan như Bắc-ninh tỉnh thần chí;
– Trần Ninh như Đại-Việt địa dư chí,
Các tập Bắc-ninh tỉnh địa dư, Bắc-thành địa dư chí lục, Đại-Nam nhất thống chí, Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí... hầu như không đi vào chi tiết, lại nữa bỏ quên phu nhân các tướng.
Ngược lại, chi tiết các trận đánh này, tôi tìm thấy ở Trung-quốc. Trong những năm 1977-1995, mỗi lần sang Trung-quốc công tác y khoa là tôi lại mang computer, scanner theo, rồi sau những ngày công tác chính, tôi lần mò vào làng xã thuộc Quảng-Tây, mà trước đây là các trang động Đại-Việt hoặc khê động Tống thời Tống-Lý để tìm tài liệu. Nhân viên trong phái đoàn gọi tôi là ông thầy lẩm cẩm. Vài bạn trẻ Việt chê rằng tôi có dịp làm quen với các cô đẹp (đa số là văn công địa phương) mà bỏ phí, để đọc những bộ sách mục là khù khờ. Tôi chỉ cười.
1. Dùng thuật lột da mặt, cắt mắt, nâng mũi cao, làm trắng da cho các bà, các cô, mà tôi được đọc hầu hết gia phả các dòng họ lớn tại đây. Thú vị một điểm, là trong gia phả các danh gia đó chép những sự kiện giống hệt QTNC, TTCTGCK, TTCTBK.
2. Tôi lại lần mò đọc hầu hết những mộ chí của nhiều danh nhân địa phương còn sót lại, đọc những bia không quan trọng của các trang động, mà cơ quan bảo tàng cấp tính không mang theo. Lại một lần nữa, tôi tìm ra nhiều chi tiết về thời Tống-Lý. Sau đó đem so sánh các chi tiết này với QTNC,TTCTGCK, TTCTBK cùng gia phả, tuy có khá nhiều chi tiết khác biệt nhau, nhưng cũng có nhiều sự kiện giống nhau.
3. Tại thư viện, viện bảo tàng của huyện Nam-ninh (Ung-châu cũ), của tỉnh Quảng-Tây tôi còn tìm được nhiều tập sách mỏng có tính cách địa phương, hoặc soạn vào thời Tống, thời Nguyên, thời Minh; hoặc soạn vào thờ Tống, rồi các thời sau sửa đổi đi. Đó là những sách thần ký, địa lý chí, địa phương chí. Có sách ghi tác giả, có sách không. Những sách này ít nhiều chép các sự kiện lẻ tẻ đã thấy trong các bộ gia phả, bia đá, mộ chí, nhưng chi tiết hơn. Đó là các bộ:
3. Tại thư viện, viện bảo tàng của huyện Nam-ninh (Ung-châu cũ), của tỉnh Quảng-Tây tôi còn tìm được nhiều tập sách mỏng có tính cách địa phương, hoặc soạn vào thời Tống, thời Nguyên, thời Minh; hoặc soạn vào thờ Tống, rồi các thời sau sửa đổi đi. Đó là những sách thần ký, địa lý chí, địa phương chí. Có sách ghi tác giả, có sách không. Những sách này ít nhiều chép các sự kiện lẻ tẻ đã thấy trong các bộ gia phả, bia đá, mộ chí, nhưng chi tiết hơn. Đó là các bộ:
– Ung-châu kỷ sự (Nam-Tống, Vương Trọng-Nghi),
– Hy-Ninh hận sự bi ký của (Nguyên, Cố Bình),
– Quảng-Tây địa dư chí (Nam Tống, không ghi tác gỉả),
– Quảng-Tây chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả), – Khâm-châu địa dư chí (Nam Tống, Phùng Kinh),
– Khâm-châu chư thần ký (Nam Tống, Phùng Kinh),
– Vĩnh-bình chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Hổ-môn chư thần ký (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Tây-bình chư thần chí (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Hổ-môn chư thần chí (Nam Tống, không ghi tác giả),
– Thần-tích Hỏa-giáp ngũ đại vương từ (Tống, Thẩm Chính-Văn),
– Thái-bình phong vật chí (Tống, Lý Ôn),
– Hoành-sơn sơn xuyên phong vực (Tống, Lý Ôn),
– Tây-bình sơn xuyên cương vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Lộc-châu sự tích (Tống, Lý Ôn),
– Lộc-châu cương vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Vĩnh-bình sơn xuyên phong vực ký (Tống, Lý Ôn),
– Cổ-vạn sơn xuyên cương vực ký (Tống, Lý Ôn),
– Như-tích sơn xuyên phong vực chí (Tống, Lý Ôn),
– Ôn-nhuận sự tích (Tống, Chu Đức-Minh),
– Qui-hóa địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Khâm-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Nghi-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Để-vực địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Dung-châu sự tích (Tống, Lý Ôn),
– Bạch-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Liêm-châu địa dư chí (Tống, Nghiêm Vũ),
– Đông-hải Hy-Ninh bản mạt (Minh, Vô danh).