Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 169: Hoán Trị Kỳ Nhân Chi Thân

Trần Khác không hề thích giở âm mưu, nhưng khoảng cách mạnh yếu của địch ta quá xa nhau, vả lại thiên thời, địa lợi, nhân hòa Địch Thanh đều không có, một thân một mình thì chỉ có thể dùng biện pháp này mới có thể giúp được ông.

Còn vì sao phải giúp Địch Thanh thì hắn tự nhủ rằng: là để khiến cho Liễu gia thực hiện lời hứa. Hắn không muốn bị thứ đại nghĩa hư vô ngăn cản, càng không muốn gánh vác trọng trách nặng nề đến như vậy. Song điều khiến hắn cam tâm trở thành thù địch với cả thế giới chính là vì ngọn lửa dấy lên từ đáy lòng hắn.

Trần Khác cứ thế bí mật lập mưu, bày trò ma trơi cho nhà Văn Ngạn Bác, nhưng làm như vậy để lại quá nhiều dấu vết … Không cần nói gì khác, thị vệ mà Hoàng Thành Ti (chức quan quản việc ra vào cung thành) phái đi có thể theo sát sau hắn, việc này không chỉ hạn chế sự tự do hành động của hắn mà còn khiến cho mọi động tác của hắn đều bị bại lộ trước mặt Hoàng đế.

Giờ đây vô tình được tin Văn Ngạn Bác có “Hà Đồ”, tin này rất hữu ích cho hắn, lại càng hữu ích cho Cổ Xương Triều Cổ tướng công.

Lại nói Cổ tướng công rất buồn bực, y hăm hở quay trở về kinh thành, vốn muốn diễn Hoàn hương đoàn (một tổ chức có tính chất "xã hội đen" do địa chủ, cường hào hợp thành được đảng quốc dân ủng hộ vào thời nội chiến), đá Văn Ngạn Bác vào hầm cầu, ai ngờ gặp phải trận đại hồng thủy trăm năm mới có một lần. Mưa to liên tiếp mấy tháng làm ngập hết cả kinh thành, từ Hoàng đế đến các quan đại thần đều bận rộn đi chống lũ, không ai để ý tới vụ án sông Lục Tháp.

Cổ tướng công thì bị gạt qua một bên, vào kinh đã mấy tháng nay, quan gia chỉ triệu kiến y có một lần, cũng chỉ là gọi đến hỏi han xã giao, dặn dò y nghỉ ngơi cho tốt, ai ngờ nghỉ một lèo luôn mấy tháng. Đường đường giữ chức Bình chương chính sự nhưng lại thành tán quan giống như Trần Khác, nên y buồn bực là điều dễ hiểu.

Cổ tướng công đổ lỗi cảnh ngộ của mình cho Văn Ngạn Bác, y tin chắc rằng đối thủ đang âm thầm giở trò. Với ý chí chiến đấu bất khuất của Cổ tướng công thì chỉ càng đánh càng hăng. Nhàn cư vô sự, y hầu như lúc nào cũng toan tính, làm thế nào để báo thù rửa hận, kéo tên họ Văn kia xuống ngựa.

Sau khi y nhận được tin từ Liễu Hào rằng Văn Ngạn Bác có “Hà Đồ”, Cổ Triều Xương lập tức ý thức được rằng cơ hội ngàn năm một thủa đã tới. Tai mắt của y ở trong cung không biết mạnh hơn gấp bao nhiêu lần so với Văn Ngạn Bác quang minh chính đại, đương nhiên là biết rõ vấn đề đi ở của Địch Thanh, quan hệ giữa triều đình và Văn tướng công đã đi đến mức căng thẳng,.

Huống chi năm đó vì sự kiện đèn lồng gấm, Triệu Trinh một mực không thích Văn Ngạn Bác, lần thứ hai bổ nhiệm lão làm Tể tướng Triệu Trinh còn nói rằng “Văn Ngạn Bác hay để ý đến chuyện riêng tư”. Loại quan hệ không vững chắc từ cội rễ trải qua lần mâu thuẫn này hiển nhiên sẽ họa vô đơn chí, dẫn đến thương tổn lớn hơn.

Đừng thấy Văn Ngạn Bác tươi tỉnh như gấm hoa, phong quang cởi mở, dường như ngay cả Hoàng đế cũng phải nghe lời lão. Nhưng kỳ thực một khi chân đã dẫm lên bờ vực thẳm thì Cổ tướng công làm sao có thể không đẩy lão một phen, khiến cho “thằng què Văn” đáng ghét này rơi xuống địa ngục.

Mấu chốt chính là ở “Hà Đồ”.

“Hà Đồ” là truyền thuyết về thời Phục Hy thị, long mã (sinh vật lai giữa rồng và ngựa, mang ý cát tường) nhảy lên khỏi Hoàng Hà, lưng đeo một bức bản đồ, trong đó có chân lý thiên địa, có được nó thì có thể đạp đất bình thiên hạ, thậm chí có thể một tấc lên trời. Phần đầu “Kinh dịch” nói rằng “Hà xuất đồ, lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi”. “Hà Đồ”, “Lạc Thư” xưa nay đều gắn liền với điềm lành thánh nhân hạ thế. Trong truyền thuyết thì Phục Hy, Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thành Thang, Chu Văn Vương, Thành Vương đều là những bậc vua hiền có được thứ này.

Từ bát đại (gồm Đông Hán, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy) tới nay, “Hà Đồ”, “Lạc Thư” cũng xuất hiện nhiều vô kể nhưng về sau đều bị chứng minh là đồ dỏm, chưa ai nhìn thấy “Hà Đồ” thực sự như thế nào nên không thể nhận định được. Vì thế vật này có thể nói là đáng quý vô cùng, cũng có thể nói là không đáng một xu. Cái gọi là phát hiện ra “Hà Đồ” đơn giản đều là trò bịp bợm của những kẻ có dụng tâm.

Lúc ấy trên đường Hà Bắc xuất hiện “Hà Đồ”, Cổ Xương Triều đang ở Đại Danh Phủ (thành thị lớn nhất ở Hà Bắc thời Bắc Tống) nhận được báo cáo của Lý Sâm liền trách mắng quan địa phương mới nghe gió nổi đã tưởng mưa rơi, lan truyền tin xằng bậy…

Qua bài học đau thương về mê tín của triều Chân Tông, giờ trên dưới triều Tống đều rất nhạy cảm với điềm lành, bất kỳ người nào truyền tin điềm lành đều bị mắng là gian nịnh.

Cổ Xương Triều đang ở vào thế yếu, sao có thể để cho đám Ngôn quan (phụ trách giám sát và can gián) ở Biện Kinh tạo cơ hội cho mình được? Bởi vậy y áp chế tin tức về điềm lành, vốn nghĩ rằng thời gian trôi đi thì mọi thứ sẽ tan theo mây khói, không ngờ Lý Sâm khốn kiếp lại đem “Hà Đồ” hiến cho Văn Ngạn Bác.

Hiện tại “Hà Đồ” là thật hay giả giờ không còn quan trọng nữa, thậm chí Văn Ngạn Bác có thu nhận “Hà Đồ” hay không cũng không sao, chỉ cần phong thanh đến tai quan gia là đủ để Văn Ngạn Bác quá sức chịu đựng rồi.

Việc này không nên chậm trễ, Cổ Xương Triều lập tức tìm đến môn sinh của mình là Diêm thiết phó sứ Quách Thân Tích và Giám sát Ngự sử Trương Bá Ngọc, ra lệnh cho bọn họ lập tức trình tấu lên việc này, buộc tội Văn Ngạn Bác bắt nạt quân thượng, trong lòng mang điều ác.

….

Cùng lúc đó, Tham tri Chính sự Vương Củng Thần xuất hiện trước cửa Tây phủ. Dù cho Tây phủ và Đông phủ chỉ cách nhau một con đường, nhưng đây là lần đầu tiên quay trở về kể từ khi vị Vương Trạng nguyên này rời khỏi viện Xu Mật hơn một năm.

Bởi vì gã rời đi một cách nhục nhã như vậy… Về phần Hàn Kỳ thì không biết bao lần bị người ta coi là bối cảnh câu chuyện của Địch Thanh với câu nói “Trạng nguyên được xướng tên ở ngoài Đông Hoa môn mới là nam nhi tốt”. Mọi người nói rằng năm đó, Địch Thanh nhìn thấy Trạng nguyên đi dạo phố, người bạn đi cùng rất ngưỡng mộ nói:

- Cả đời chúng ta cũng không thể oai phong được như thế.

Địch Thanh lại ngang nhiên nói:

- Chưa chắc, còn phải xem cố gắng của mỗi người ra sao.

Lúc ấy có thể bổ sung thêm một câu:

- Kết quả là đúng như Địch Nguyên soái nói, ngôi vị Trạng nguyên năm đó lại thuộc về cấp dưới của ông.

Đối với Trạng nguyên lang xưa nay vốn được coi là con cưng của trời mà nói, cái gì có thể nhẫn nhịn được chứ cái này thì không thể. Huống chi ngày nào cũng phải đối mặt với con người này, ngày nào cũng phải thỉnh an Địch Thanh? Tu dưỡng và phong độ của Vương Nghiêu Thần ruốt cục bị tà hỏa trong lòng thiêu đốt, gã không chỉ đối đầu với Địch Thanh ở mọi nơi, mà còn ngay cả việc thỉnh an hàng ngày gã cũng bày trò… Mỗi lần thỉnh an, gã đều nhìn vào kim ấn trên mặt Địch Thanh, cười khẽ nói:

- Xu Tương đại nhân, thật đúng là ngày càng rõ ràng.

Cho dù Địch Thanh sĩ diện không cao, xưa nay đều nhượng bộ quan văn, nhưng ông không nhịn nổi sự mạo phạm hết ngày ngày qua ngày khác của gã. Rốt cục có một ngày, đợi khi Vương Nghiêu Thần qua cơn khoái trá, Địch Thanh đột nhiên mỉm cười nhìn chằm chằm vào Nghiêu Thần rồi bình tĩnh nói:

- Ngươi thích thú như thế thì ta tặng cho ngươi hai hàng, thế nào?

Vương Nghiêu Thần mặt đỏ phừng phừng, không nói nên lời. Đường đường là đấng nam nhi được xướng tên ngoài Đông Hoa môn mà rốt cục lại bị tên quân tặc áp đảo. Sau khi chịu nỗi nhục nhã này, Vương Nghiêu Thần hụt hẫng trong nháy mắt, chuyển sang việc cáo trạng chính sự. Gã mặc kệ mình đã gây ra cho Địch Thanh nỗi nhục nhã lớn đến mức nào, bởi vì trong lòng Vương trạng nguyên thì quân tặc là kẻ trộm, còn trạng nguyên tiến sĩ như gã là quý nhân.

Không có cách nào khác, Văn Ngạn Bác đành phải tấu thỉnh điều gã đến Đông phủ, rời khỏi viện Xu Mật nơi vốn khiến gã không ngóc đầu dậy nổi. Bởi vậy, nếu hỏi trên đời này ai hận tới mức muốn đạp Địch Thanh xuống địa ngục thì e rằng Vương Trạng nguyên đứng đầu.

Lần này, gã tới để đưa trát tự cho Văn Ngạn Bác, lẽ ra không cần phải đích thân phó Tể tướng như gã đưa thư, nhưng Vương Trạng nguyên vẫn đích thân mang đến. Gã đến là để báo thù, gã muốn tận mắt nhìn thấy vẻ suy sụp của kẻ thù mới có thể rửa được mối hận trong lòng.

Địch Thanh là người rộng lượng, ông đã sớm quên ân oán năm xưa. Ông khách khí mời Vương Trạng nguyên ngồi, sai người dâng trà rồi mới hỏi khách đến có việc gì.

Vương Củng Thần mỉm cười, đưa một bức thư tay đến trước mặt Địch Thanh.

Cái gọi là thư tay đó còn gọi là trát tử, là tấu biểu chính thức, ngoài công văn ra, nó tương tự như một thể văn viết tay không chính thức.

Địch Thanh cầm lấy, nhận thấy đó là thư tay của Văn Ngạn Bác, ông liền mở ra xem, bất giác thay đổi sắc mặt… Chỉ thấy Văn Ngạn Bác dùng giọng văn thân thiết ôn hòa nhưng lại không dung bất kì hiềm nghi nào, cho phép Địch Thanh có thể đích thân từ quan, từ đó có kết cục giữ được thể diện. Thậm chí ngay cả đãi ngộ trong tương lai cũng đã an bài sẵn cho ông rồi, Văn Ngạn Bác cam đoan, lão sẽ tấu xin quan gia thăng Địch Thanh là Đồng Trung Thư Môn Hạ bình chương sự (*), nhậm chức quan ở châu Trần.

(*) Đồng Trung Thư Môn Hạ bình chương sự (gọi tắt là Đồng bình chương sự), chuyên xử ý chính vụ. Trên thực tế vào năm Cao Tông Vĩnh Thuần đầu tiên, người đảm nhiệm Tể tướng cũng có thể dùng danh nghĩa này.

Bất kể người nào không hiểu biết nội tình, xem xong bức thư này thì đều sẽ tin rằng Tể tướng và quan gia đã nhất trí với nhau về số mệnh của Địch Thanh… Cho dù Văn Ngạn Bác cuối cùng nhấn mạnh rằng đây chỉ là ý kiến của lão, nhưng Tể tướng đích thân viết thư, phó Tể tướng đích thân đưa trát đến, thế thì nói “chỉ là ý kiến cá nhân” liệu có ai tin?

Địch Thanh đường đường chính chính là một quân nhân, ông không hiểu chính trị, càng không có tai mắt ngầm trong cung giống như Văn Ngạn Bác, Cổ Xương Triều và Vương Nghiêu Thần. Hễ có thông tin gì là bọn họ biết đầu tiên, từ đó cầu lợi tránh hại, quan vận thông suốt.

Bởi vậy Địch Thanh căn bản không thể biết được mâu thuẫn giữa triều đình và Văn Ngạn Bác. Giờ phút này, ông vẫn tin rằng đây chính là kết cục mà triều đình định ra cho mình.

Ông hít sâu một hơi, nén lại, đầy một bụng ức chế phẫn uất. Ông hỏi Vương Củng Thần:

- Tội danh của ta là gì?

Đúng vậy, tội danh là gì?

Xin lỗi, Văn Ngạn Bác để người khác tìm kiếm nửa năm cũng không thể tìm ra bất kỳ tội chứng nào của ông, thậm chí về nhân phẩm cũng không bới móc ra được tật xấu nào từ vị Xu Mật Sứ này. Nếu không, hà cớ gì phải hạ bệ ông bằng cái phương thức không đáng phục này.

Nhưng chung quy là phải cho Địch Thanh một lý do, Văn Ngạn Bác bảo Vương Củng Thần đi thỉnh giáo Hàn Kỳ, Hàn tướng công chỉ dạy gã bảy chữ.

Vương Củng Thần nhìn thẳng Địch Thanh, gằn từng tiếng:

- Chính là vì triều đình nghi ngờ ngài…

Trong ngữ cảnh này, triều đình hiển nhiên là bao gồm cả quan gia.

Địch Thanh trong nháy mắt mặt xám như tro, lòng tin sụp đổ, ngồi thừ ra ở đó không nhúc nhích.

Vương Củng Thần muốn nói thêm vài câu, xát thêm ít muối vào vết thương của ông nhưng sợ lợn lành chữa thành lợn què nên không dám nhiều lời, gã vội vàng đứng dậy cáo từ.

Lúc đó sấm chớp ầm ầm, mưa to như trút nước. Địch Thanh nhìn ra màn mưa mù mịt, đột nhiên đứng dậy đi nhanh ra phía ngoài.

Thấy Xu Tương đi ra, người hầu của ông vội lấy áo tơi nhưng bị Địch Thanh đẩy ra, lại có người mang dù đến cho ông, Địch Thanh lạnh lùng nói:

- Đừng đi theo ta!

Nói rồi ông lập tức đi ra mái hiên, mặc cho mưa to quất vào người. Bóng dáng khôi ngô kia trong chớp mắt mất hút trong màn mưa…

back top