- Ha hả.
Tô Tụng tựa như nghe nói đùa liền nhắc nhở:
- Trở lại kinh thành đừng có mãi đem cái ‘Lợi’ để ở khoé miệng, để tránh người khác không chào đón.
- Bưng bát cơm lên tận miệng rồi lại để đũa xuống chửi mẹ nó!
Trần Khác phỉ báng:
- Vậy ta nói đến cái không lợi, cá nhân ta tài trợ ngươi một trăm ngàn quan, cái ý tưởng về đài thủy vận nghi tượng (*) của ngươi có thể bắt đầu kinh doanh được rồi!
(*) Đài thủy vận nghi tượng: dụng cụ thiên văn của Trung Quốc thời xưa, dùng để theo dõi sự chuyển vận của các thiên thể, quan trắc thiên tượng.
- Là ngươi nói đó nhé, đến lúc đó đừng đau lòng.
Tô Tụng nghe vậy nhất thời mừng rỡ, đây chính là tâm nguyện đã lâu của y.
- Đừng chậm trễ chính sự là được.
Trần Khác cười nói:
- Nếu không đủ thì viết thư cho ta, ta cho người mang thêm cho ngươi!
- Đa tạ đa tạ.
Tô Tụng ôm quyền không ngừng, nói xong tò mò cười nói:
- Nhắc đến mới nhớ, lão đệ ngươi rốt cuộc có bao nhiêu tiền?
Khu hành chính địa phương triều Tống có phủ, châu, giám, quân… Ngoại trừ phủ khá to, còn lại đều là cùng cấp, chỉ có điều tính chất bất đồng. Bình thường thì chiến khu là quân, khu vực khai thác mỏ là giám, bình thường là châu. Cũng có thể xem giám và quân là châu đặc chủng.
Thiết lập của Đông Xuyên là giám chứ không phải châu.
---------------------------
Trên mặt biển mênh mông sóng nước, một con thuyền Phúc Kiến đang đi ngược gió.
Con thuyền phần trước nhọn, phần đuôi rộng, hai đầu thuyền đều ngẩng cao, thân tàu lớn, chìm dưới nước hơn một trượng, đại biểu cho kỹ thuật đóng thuyền hàng đầu thế giới của Đại Tống, lừng danh bởi sự chắc chắn cùng trọng tải lớn, có thể ngăn cản sóng lớn để vượt biển, vượt trùng dương.
Hôm nay thời tiết sáng sủa, trời yên biển lặng, ánh mặt trời chiếu lên mặt biển tạo thành quang cảnh thật mê người, nếu không có tiếng đinh đinh đang đang của các thuỷ thủ đang sửa lan can bị sóng làm hỏng, thật sự không thể tưởng tượng, đêm qua mưa to gió lớn như vậy.
Trên tầng cao nhất của thuyền Phúc Kiến có thị vệ canh gác, thiết bị lắp đặt trong khoang vô cùng xa hoa, nhưng mang đầy hơi thở nước ngoài... Một chiếc thảm Ba Tư cực lớn trải trên mặt đất, một chiếc bàn tròn của các kỵ sĩ, ấm nước Ả Rập, trên tường treo loan đao Ả Rập, ngay cả trầm hương trong lư hương cũng là hương an thần.
Nhưng ở đây không có cô gái Ả Rập mặc áo dài xẻ, chỉ có hai người đàn ông mặc quần áo nhà Hán. Một người mang chiếc cẩm bào màu tím nhạt, cao lớn khôi ngô, là Trần Khác, một người khác mang cẩm bào màu đen, dáng người không cao nhưng chắc nịch, chính là Lí Phồn, người mà hai năm trước đi theo A Tề Tư đến vịnh Ba Tư.
Lúc này hai người đang nhìn chằm chằm vào một tấm hải đồ bằng da dê. Tấm hải đồ này không chỉ ghi rõ đất liền cùng biển, phía trên còn vẽ cả vĩ độ. Tại Đại Tống, hầu như không có ai có thể đọc được tấm hải đồ này, bởi tất cả chữ ghi trên đó đều là chữ Ả Rập, ngoài ra phải có kiến thức về hàm số lượng giác mới có thể đọc được chính xác.
Đừng coi thường tấm bản đồ hàng hải này, ở niên đại này, bản đồ hàng hải giống như một cái bảo tàng vô tận, cho dù là thương nhân trên biển Ả Rập, cũng chỉ có số ít thế gia hàng hải mới có. Vì một tấm bản đồ hàng hải mà xảy ra các vụ án giết cả nhà là chuyện thường xuyên xảy ra.
Mà thương gia trên biển của triều Tống, không ai có một tấm hải đồ, cho dù có cũng không biết dùng. Bọn họ ra biển, đều dựa vào hướng gió mà đi, chỉ đến lúc mùa gió thuận, mới biết mình đi đến đâu. Nếu không, rất khó xác định vị trí.
Nhưng có thuật nhìn sao, hải đồ cùng kim chỉ nam. Mấy người Trần Khác dù đi ngược chiều gió, cũng biết mình đang ở chỗ nào. Tuy nhiên, đây lần đầu Lí Phồn đi một mình sau khi xuất sư (học thành nghề), khó tránh khỏi làm người khác toát mồ hôi.
Cũng may Trần Khác nhớ rất kỹ bản đồ thế giới sau này. Biết rõ lần này đi thực tế rời đất liền không xa... Nếu thấy không đúng, chỉ cần nhắm hướng Tây mà đi, sẽ quay về đất liền. Đương nhiên, có thể tới Liêu quốc hay Cao Ly, còn phải xem vận may.
- Đại nhân, cơn bão tối hôm qua đã khiến chúng ta chệch hướng.
Lí Phồn khó khăn tính toán xong, ngẩng đầu nói:
- Hiện tại cách Đông Bắc Tamra hơn mười dặm. Có quay đầu không?
- Không, tiếp tục.
Trần Khác lắc đầu, ánh mắt liếc qua đảo Tamra, nơi mà sau này được gọi là đảo Tế Châu. Đảo Tamra là một nơi rất tốt, nó nằm ở điểm trung chuyển trên biển của ba nước Trung Nhật và Cao Ly, là bến cảng trung chuyển quan trọng. Hơn nữa còn là nơi nuôi ngựa vô cùng tuyệt vời.
Thời xưa, nó hình thành một quốc gia riêng biệt. Khi thì hướng về Cao Ly, khi thì qui phục Nhật Bản. Thường xuyên được lợi từ Đại Tống, Cao Ly, Nhật Bản qua giao thương, hiện tại là lúc thịnh vượng nhất. Nhưng có phúc thì cũng có hoạ, bởi vì quá thịnh vượng, khiến vua Cao Ly dòm ngó, không bao lâu sau sẽ triệt để phụ thuộc Cao Ly, trở thành quận Tamra của Cao Ly.
Trần Khác cảm thấy rất hứng thú với nơi này, nhưng đây không phải mục đích chính của hắn:
- Tamra là nơi tốt, tuy nhiên mình ngươi đi là được rồi.
Ý là còn có địa phương quan trọng hơn phải đi.
- Vậy chúng ta đi Uy quốc sao đại nhân?
- Ừm.
Trần Khác gật đầu, nói:
- Nhưng không phải đảo chính, mà là một hòn đảo nhỏ ở bên ngoài của họ.
- Ở đâu đại nhân?
- Tấm hải đồ này của ngươi không có đánh dấu.
Trần Khác nhíu mày trầm ngâm, hồi lâu mới dùng ngón trỏ chỉ một điểm trên hải đồ, nói:
- Hẳn là ở chỗ này.
Không đánh dấu là chuyện rất bình thường, ven biển quá nhiều đảo nhỏ, A Tề Tư cũng không phải nhà khoa học, làm sao có thể đi thăm dò ghi lại từng cái. Trên thực tế, chỉ riêng việc đánh dấu vị trí bến cảng, vẽ một cách đơn giản đường ven biển, người Ả Rập phải mất chừng trăm năm.
- Đại nhân làm thế nào biết được vị trí này?
Lí Phồn hiện tại cũng là người trong nghề, tự nhiên biết nếu chỉ dựa vào trí nhớ, có thể định vị ngay một cái đảo nhỏ trên hải đồ, rõ ràng phải thuộc nằm lòng vùng biển này.
Nhưng trong ấn tượng của Lí Phồn, Trần Khác mới ra biển lần đầu...
Trần Khác cười cười không giải thích, hắn không phải muốn duy trì vẻ thần bí, mà thật sự không biết giải thích thế nào.
Cũng may hắn có danh hiệu Trạng Nguyên chống đỡ, biết nhiều là chuyện bình thường, cho nên Lí Phồn chỉ kinh ngạc ngưỡng mộ một lát, liền hỏi:
- Đại nhân, đây là vùng đất hoàng kim mà ngài hứa cho chúng ta sao?
- Ừm.
Trần Khác gật đầu.
- Nơi này có cái gì vậy đại nhân?
Trong mắt Lí Phồn, vị trí đảo này kém xa đảo Tamra.
- Vùng đất hoàng kim hiển nhiên là có vàng rồi.
Trần Khác cười nói:
- Đương nhiên, còn có tội phạm lưu đày nữa.
- Nói như vậy, nơi này là đảo Sa Môn (nơi tín đồ Phật giáo tu hành) của Uy quốc rồi?
Lí Phồn nghe nửa câu đầu thật cao hứng, nhưng nghe tới nửa câu sau mặt liền tái đi.
- Không sai.
Trần Khác gật đầu nói:
- Tuy nhiên nơi đây béo bở (chỉ kiếm được thu nhập không chính đáng) hơn nhiều so với Đông Xuyên.
Từ thời đại Bình An đến ngàn năm sau, nơi đây vẫn là mỏ vàng lớn nhất Nhật Bản. Có thể nói, trước khi mỏ bạc ở núi Iwami chưa được tìm ra, nơi này chính là túi tiền của Nhật Bản.
- Cái gì?
Hai mắt Lí Phồn nhất thời sáng lên nói:
- Trên sách còn có cái này... Ý thuộc hạ là, những điều này đều là đại nhân xem sách mà ra sao?
- Ừm.
Trần Khác gật đầu, vui vẻ không cần giải thích, nói:
- Cho nên nói "trong sách có vàng" là như thế.
- Trách không được đại nhân xem mỏ đồng Đông Xuyên như rác.
Lí Phồn bừng tỉnh hiểu ra, nói:
- Thì ra còn có hàng cao cấp hơn.
- Một ngàn tiền đồng, mới đổi được một lượng bạc, một lượng bạc chỉ có thể đổi một tiền vàng, giá trị của chúng kém nhau đến mấy ngàn lần!
Trần Khác cười nói:
- Hơn nữa, sau khi có mỏ đồng, tiền đồng trong nước sẽ tăng nhiều. Đến lúc đó, chênh lệch của vàng với đồng còn tăng lên! Cho nên để bọn họ đúc tiền đồng đi, chúng ta chơi vàng!
- Đại nhân, ta vẫn luôn cho rằng ngài một lòng vì nước, không hề kiếm lợi cho mình.
Lí Phồn nhìn Trần Khác, mãi mới nói ra một câu như vậy. Xem biểu hiện trước đây của Trần Khác, đúng thật là như thế.
- Ha ha...
Trần Khác lơ đễnh cười cười nói:
- Trước đây vài năm, ta phải giấu tài, không thể biểu hiện mình. Huống gì đây là cửa nhà của Uy quốc, nếu triều đình đến làm, ngược lại gây phức tạp. Tốt nhất chúng ta cứ lặng lẽ ăn hết đi.
---------------------------------
Lí Phồn khó khăn tính toán lần nữa để điều chỉnh lại hướng đi, Trần Khác đi ra khỏi khoang thuyền, liền thấy Liễu Nguyệt Nga đứng tựa vào lan can, nhìn về phía mấy con chim hải âu bay trên đầu thuyền.
- Cảm giác tốt hơn chưa?
Tối hôm qua bão ập đến, chiếc thuyền to như vậy còn bị sóng lớn rung lắc dữ dội, làm khổ Liễu Nguyệt Nga không ít. Tuy nhiên, nàng thật sự lợi hại, tối hôm qua ói đến như vậy, hôm nay lại giống như không có chuyện gì. Nhưng Trần Khác lại ngồi xuống châm chọc nàng:
- Tối hôm qua gió nhẹ chứ?
- Ngươi nói đó là gió nhẹ?
Liễu Nguyệt Nga sắc mặt còn hơi vàng, nàng xoay đầu lại, sửa chữa:
- Đó là một trận bão táp đáng sợ a!
- Bão táp? Còn chưa đến mức như vậy.
Trần Khác cười lắc đầu nói:
- Bây giờ là mùa đông, nơi đây lại là phương Bắc, đó căn bản chưa phải là bão. Chỉ cần thuyền chắc chắn, biển rộng lớn như vậy, gặp chút gió như thế, các thuỷ thủ còn không để vào mắt.
Dừng một lát, hắn quan sát Liễu Nguyệt Nga nói:
- Đương nhiên, cô lần đầu ra biển, cũng khó trách bị kinh hãi. Có phải đang rất mong được lên bờ hay không?
- Bớt xem thường người khác đi.
Một chiêu này vô cùng có hiệu quả, Liễu Nguyệt Nga nhất thời kiên cường nói:
- Ta làm gì kinh hãi, tiếp tục đi một tháng cũng không sao cả. Chỉ là, chỉ là có chút kỳ quái...
- Có gì kỳ quái?
- Tại sao đến giờ này chúng ta không gặp được một chiếc thuyền nào?
- Bởi vì chúng ta tránh bọn họ.
Trần Khác cười nói. Kỳ thật mùa này, là thời điểm Nhật Bản dong thuyền đến Trung Quốc. Bọn Trần Khác ngược gió ra biển, vì tận dụng luồng gió, con thuyền đi theo đường khá ngoằn ngoèo, cho nên tỉ lệ gặp một con thuyền là khá nhỏ.
- Vì cái gì phải tránh như vậy?
Liễu Nguyệt Nga tự nhiên không thể phân biệt hắn nói thật hay nói dối.
- Vì không thể gặp người chứ sao.
Trần Khác cười nói:
- Đảo Tá Độ, là kim khố tương lai của nhà chúng ta, đương nhiên không thể cho người khác biết rồi.
Liễu Nguyệt Nga đã miễn dịch đối với mấy lời nói bậy bạ của hắn, cũng không thèm tranh luận 'là nhà của ngươi không phải nhà của ta', nếu không lại phải đấu võ mồm. Trên mặt nàng hiện vẻ lo lắng nói:
- Giấy không gói được lửa, nơi đó có mỏ vàng sớm muộn cũng bị người khác biết. Ở đó cách Uy quốc gần như vậy, bọn họ có thể làm phiền ngươi hay không?
- Cô nói có chút đạo lý.
Trần Khác nghe được, nói:
- Vậy được rồi, đến đảo Tá Độ, chúng ta không ăn trộm, lấy ngay trước mặt họ đi.
- Ngươi thân là mệnh quan triều đình, không có thánh chỉ mà dám đến quốc gia khác ư?
Liễu Nguyệt Nga đối với tên điên này bó tay rồi.
- Bão táp, đều là do bão táp.
Trần Khác vẻ mặt trịnh trọng nói:
- Chúng ta gặp phải bão táp, đây là thật đúng không? Bị gió bão đưa đến Uy quốc, cũng là chuyện bình thường chứ?
- Cái này...
Liễu Nguyệt Nga phiền muộn nói:
- Ngươi vừa rồi còn nói là gió nhẹ...
- Nói ra ngoài chính là bão táp, nhớ kỹ, đừng nói lỡ miệng.
Trần Khác không chút nào cảm thấy không có ý tứ, nói:
- Uy quốc chỉ lớn bằng bàn tay, ta đến xem đại lão bọn họ có ý kiến gì? Lúc đó, ta không tin không ăn được của bọn chúng một khối thịt!
Thấy Nguyệt Nga mặt mũi tràn đầy lo lắng, hắn nhẹ giọng an ủi:
- Hoàng đế của bọn chúng không bằng cả Đoàn Tư Liêm. Hơn nữa các chư hầu trong nước còn đang đánh túi bụi...
Nhật Bản hiện giờ, đang ở cuối triều đại Bình An, là niên đại mà trong truyện của họ Nguyên có kể “lịch sự tao nhã và đầy dâm đãng”. Chính quyền chia rẽ, mục nát, sự kính sợ với Đại Tống cũng đạt mức cao nhất, đây là lý do mà Trần Khác dám đến nhổ răng cọp.
Liễu Nguyệt Nga rùng mình một cái, nàng liền nhớ đến, lúc trước Trần Khác tính toán vua quan Đại Lý như thế nào. Chư vị Uy quốc, các ngươi phải tự cầu nhiều phúc rồi.
Thuyền Phúc Kiến đi ngược gió, xuyên qua eo biển Đối Mã rất dài, đến gần toạ độ Trần Khác chỉ, phát hiện một hòn đảo nhỏ. Hòn đảo nhỏ này rõ ràng không nhỏ, diện tích phải bằng một cái huyện lớn của Đại Tống.
- Hẳn đây là đảo Tá Độ… nhỉ?
Thuyền Phúc Kiến chạy quanh đảo một vòng mất nửa ngày, cũng không tìm được bến tàu để có thể cập bến. Lí Phồn thấy vậy không quá xác định nói:
- Tại sao không có một bóng người?
- Là nó.
Trần Khác ước lượng diện tích hòn đảo, đúng là hòn đảo lớn thứ sáu của Nhật Bản. Hắn thấy bên bờ biển rất đổ nát, buông kính viễn vọng nói:
- Chúng ta ngồi thuyền nhỏ đi vào.
Thuyền Phúc Kiến hạ neo tại chỗ, thả ba chiếc thuyền nhỏ có thể ngồi được hơn mười người xuống, cho đám thị vệ chèo thuyền lên đảo trước. Sau khi xem xét không thấy có gì nguy hiểm, Trần Nghĩa mới đánh tín hiệu, để Trần Khác bắt đầu lên bờ.
- Đại nhân.
Đợi Trần Khác đặt chân lên mặt cát, Trần Nghĩa bẩm báo:
- Nhà dân ở trên đảo hầu như đã bị bỏ hoang được một thời gian.
- Ừm...
Trần Khác nhìn qua những tàn tích còn sót lại, hỏi:
- Còn phát hiện điều gì không?
- Rừng thông ở phía đông có mộ!
- Qua xem.
Đi sang một hướng của hòn đảo toàn cây thông và cây bách này, quả nhiên thấy cạnh đám cỏ cao hơn một xích (hơn ba mươi centimet) có một tấm bia mộ. Phủi lớp đất trên mặt bia, mọi người đều nhìn thấy vài chữ viết mờ mờ.
Trần Khác không có hứng thú đoán những từ này, bởi hắn chẳng quen biết những người này. Tuy nhiên hắn rất khẳng định nói:
- Đây chắc chắn là đảo Tá Độ.
- Tại sao kết luận như thế?
Liễu Nguyệt Nga hỏi.
- Ở Uy quốc, chỉ quý tộc mới có tên. Mà quý tộc làm sao có thể được chôn ở một hòn đảo cách xa đất liền được? Chưa kể còn khá nhiều người.
Trần Khác cười cười nói:
- Ngoại trừ chỗ lưu đày ra, cô có thể giải thích hợp lý hơn hay sao?
- Được rồi.
Liễu Nguyệt Nga rất có lòng tin đối với hắn, nói:
- Chúng ta phải làm gì bây giờ? Ở đây không có người, kế hoạch của ngươi coi như thất bại.
Theo kế hoạch, bọn hắn dùng lý do thuyền bị hư hỏng, nhờ quân lính trên đảo giúp đỡ. Đồng thời nói ra thân phận là quan của Thiên Triều. Quan viên Thiên triều đến tận đây, quân lính canh đảo có thể không báo lên quan trên sao? Cứ như vậy có thể thuận lợi gặp được nhân vật lớn.
- Người thông minh dù nghĩ đến ngàn điều thì vẫn có điều không nghĩ tới chứ sao.
Trần Khác xấu hổ cười cười, hèn gì hắn cho người đi nghe ngóng thông tin, đều không nghe được điều gì về đảo Tá Độ, thì ra ở đây đã không còn ai sinh sống nhiều năm.
- Không có người không phải càng tốt?
Lí Phồn cười nói:
- Chúng ta có thể thoải muốn mái làm gì thì làm.
- Chúng ta ở đây không chỉ chờ một năm hai năm, phải tìm hiểu rõ ràng rồi tính sau.
Trần Khác lắc đầu, đảo Tá Độ là khởi điểm trong kế hoạch của hắn, là nền tảng thì làm sao có thể chủ quan... Lúc trước vì giữ bí mật, Trần Khác cũng không công khai tìm hiểu tin tức, chỉ dựa vào một vài thương nhân trên biển biết đại khái ít thông tin. Hắn biết rõ, hiện tại Nhật Bản đang ở cuối triều đại Bình An, được gọi là "thời đại Nhiếp Quan", Đằng Nguyên thị đã nắm giữ chính quyền hai trăm năm, hiện đang đối mặt với một đám võ sĩ nổi dậy.
Nhật Bản bây giờ, đang trải qua kinh nghiệm 'Tiền cửu niên hợp chiến'... nghe nói là kịch chiến xảy ra giữa Áo Châu Thủ Nguyên Lại Nghĩa và thủ lĩnh tù binh An Bội thị (hay còn gọi là họ Abe) ở Lục Áo. Hai bên đã giao chiến nhiều năm, năm trước mới tổ chức cuộc chiến quy mô lớn nhất, trong đó Nguyên thị dùng hai ngàn binh lính, mà An Bội thị được ăn cả ngã về không, tập trung toàn bộ binh lực, góp được bốn ngàn nhân mã.
Từ khi bắt đầu triều đại Bình An đến nay, trận chiến này được xưng là cuộc chiến Hoàng Hải lớn nhất, mà binh lính hai bên cộng lại, vừa hơn năm ngàn mà thôi...
Kết quả, An Bội thị chiếm được thiên thời địa lợi toàn thắng Nguyên thị, hiện tại không chỉ có địa khu Đông Bắc, cả phía Bắc đảo Bản Châu, đều rơi vào tay An Bội thị.
Tuy nhiên Nguyên thị là con cháu hoàng tộc, có triều đình Nhật Bản toàn lực ủng hộ. Chỉ cần liếm miệng vết thương, khôi phục thực lực, tin rằng chưa tới vài năm sẽ ngóc đầu lại.
Đối với Nhật Bản ở niên đại này, Trần Khác cũng không hiểu rõ lắm. Nếu thời đại Chiến Quốc sau mấy trăm năm, hắn có thể biết kỹ càng hơn một chút. Đó cũng nhờ kiếp trước chơi trò chơi mà biết được, hắn biết rõ người thành lập Liêm Thương Mạc Phủ, kết thúc triều Nguyên Lại của thời đại Bình An, chính là con cháu trực hệ của cái kẻ vừa thất bại Nguyên Lại Nghĩa.
Nhưng bây giờ, còn một trăm mấy chục năm Liêm Thương Mạc Phủ mới được thành lập, hắn cũng không dám nói, Nguyên thị sẽ giành thắng lợi cuối cùng ở hợp chiến Lục Áo hay không. Tuy nhiên An Bội thị là kẻ địch của triều đình Nhật Bản là không thể nghi ngờ...
Càng nghĩ, Trần Khác càng cảm thấy tin tức không đủ, ngay cả tình hình hiện tại của hòn đảo này như thế nào hắn còn không biết, làm sao có thể quyết định được bước tiếp theo?
- Không được, ngồi ở chỗ này không thể nghĩ ra biện pháp.
Hắn nhìn Lí Phồn nói:
- Đến đất liền tiếp xúc một chút, ngươi biết nên làm gì.
Hắn dừng một lát nói:
- Chỉ đi thẳng hướng Đông, chưa tới trăm dặm, nhất định sẽ thấy đất liền.
- Rõ rồi đại nhân.
Lí Phồn gật đầu, mang ba chiếc thuyền nhỏ, hơn mười tên hộ vệ, cầm kim chỉ nam xuất phát... Ở niên đại này, Nhật Bản chia làm năm Kỳ bảy Đạo. Bởi vì học từ Đường chế của Trung Quốc, cho nên năm Kỳ là chỉ năm khu hành chính của địa khu Kinh Kỳ. Mà ngoài phần lãnh thổ toàn quốc này ra, còn lại thì phân chia bảy Đạo. Dưới Đạo phân là 'Quốc', còn gọi là Lệnh Chế Quốc. Lệnh Chế Quốc tương đương với 'Châu' của Trung Quốc, mà tất cả 'Quốc' rõ ràng đều có tên gọi tắt là 'Châu'.
Ví dụ như Lục Áo Quốc, còn gọi là Áo Châu. Mà Quốc gần đảo Tá Độ nhất, gọi là Việt Châu.
Lúc này Việt Châu bị An Bội thị đánh hạ gần một năm, đã trở thành tiền tuyến quan trọng giằng co với triều đình phía Nam. Trong thành Trường Cương ở Quốc phủ, có rất nhiều võ sĩ mang guốc gỗ, eo giắt đao, cùng những tên lính đi chân trần tay cầm trường mâu, nhưng đại nhân thủ thành cũng không phải An Bội thị, mà là họ Đằng Nguyên, tên là Đằng Nguyên Kinh Thanh.
Tổ tiên Đằng Nguyên Kinh Thanh là Đằng Nguyên Ngư Danh, xuất thân từ Đằng Nguyên Bắc Gia, thiên hạ Nhiếp Quan, vô cùng hiển hách. Năm đó chạy trốn khỏi Lục Áo, và sinh ra con cháu ở đây. Con cháu của họ Đằng Nguyên, lớn lên ở vùng đất đầy bạo lực này, càng thêm dũng mãnh thiện chiến. Bọn họ tự xưng là 'Ngư Danh lưu', là tập đoàn võ sĩ có khả năng chống lại An Bội thị.
Trong “Tiền cửu niên hợp chiến”, các võ sĩ của Ngư Danh Lưu, đầu tiên phục dưới cờ của Nguyên Lại Nghĩa tác chiến với An Bội thị. Nhưng Đằng Nguyên Kinh Thanh là thủ lĩnh của đám võ sĩ, ở thời khắc mấu chốt phản bội triều đình, gia nhập phe An Bội, thay đổi thực lực hai bên. Đây là một đòn đả kích mạnh cho Nguyên thị, khiến triều đình thua trận chiến một năm trước.
Dù ở bất kì thời đại hay quốc gia nào, phản bội đều bị người khác xem thường, huống gì gã lại phản bội chính dòng họ cao quý của gã, đê tiện nhảy vào An Bội thị. Dù gã có bất kì lý do gì!
Chưa kể lý do của gã càng khiến người khác xem thường, gã rõ ràng vì một nữ nhân, một nữ nhân mà gã ái mộ điên cuồng, đệ nhất mỹ nữ Lục Áo A Tinh, mà cha của A Tinh, lại là chủ nhân An Bội thị, An Bội Lại Thì.
Lúc đại quân Nguyên thị tiếp cận, An Bội Lại Thì hứa gả con gái cho Đằng Nguyên Kinh Thanh với điều kiện gã phải gia nhập An Bội thị. Đằng Nguyên Kinh Thanh hiểu rất rõ hậu quả của sự phản bội, nhưng gã nghe theo lòng mình, thống lĩnh thuộc hạ gia nhập An Bội thị. An Bội Lại Thì vô cùng vui mừng, thực hiện hứa hẹn, đem A Tinh gả cho gã, rồi để gã bảo vệ hai trong sáu quận của Lục Áo.
Nhưng lần đầu chiến đấu qua chưa bao lâu, Nguyên Lại Nghĩa cũng lôi kéo được trọng thần của An Bội thị, trong ngoài phối hợp vây giết An Bội Lại Thì. Kẻ địch mạnh nhất vừa chết, Nguyên Lại Nghĩa liền khinh địch. Đằng Nguyên Kinh Thanh bắt được sai lầm này của y, cùng hai người con trai của An Bội Lại Thì cố ý nhượng bộ lui binh, đem quân Nguyên thị làm cho mệt mỏi, mới quay lại tử chiến.
Cái gọi là kiêu binh tất bại, ai binh tất thắng (quân lính kiêu ngạo tất bại, quân lính đau thương khi vùng lên tất sẽ thắng), toàn quân Nguyên thị bị diệt, Nguyên Lại Nghĩa chỉ còn bảy người thoát khỏi chiến trường... Sau trận chiến này, thế lực An Bội thị đạt đến đỉnh cao. Mà hai vị anh rể của Đằng Nguyên Kinh Thanh, cũng bắt đầu tự đại. Bọn họ không cảm kích Đằng Nguyên Kinh Thanh, ngược lại bắt đầu nghi ngờ gã. Cuối cùng, hai người đuổi gã ra Lục Áo, đương nhiên lý do rất chính đáng, là nơi tiền tuyến nhất, chỉ có em rể ngươi mới gánh được trọng trách này a!
Đằng Nguyên Kinh Thanh biết bọn họ không yên lòng, nhưng nếu ở lại Lục Áo, có khả năng bị người giết, cho nên gã không nói thêm điều gì, liền muốn mang theo vợ con đi. Ai ngờ anh rể gã lấy lý do muội muội vừa sinh con, cần tĩnh dưỡng, không cho gã mang theo A Tinh cùng đứa con chưa đầy tháng của gã đi cùng.
Đằng Nguyên Kinh Thanh rõ ràng, đây là giữ vợ con gã làm tin, bọn họ còn không tin tưởng gã. nguồn tunghoanh.com
Có thể hiểu được tâm tình của gã thế nào, mỗi ngày đều mượn rượu giải sầu, tâm trạng vô cùng tồi tệ.
Lúc này, gã đang ngồi trong thủ phủ trong thành uống rượu, trong lúc nửa tỉnh nửa say mơ gặp được vợ và con, đột nhiên bị người kêu trở về.
Mộng đẹp bị gián đoạn, Đằng Nguyên Kinh Thanh tự nhiên tức giận, gã giận dữ nhìn tên võ sĩ kia:
- Ngươi tốt nhất có đầy đủ lý do, nếu không thì chờ trọng phạt đi!
- Chúa công, thật sự có chuyện lớn.
Tên võ sĩ đưa danh thiếp lên, cúi người nói:
- Là quan của Thiên Triều đến.
- Quan Thiên Triều?
Đầu óc thông minh của Đằng Nguyên Kinh Thanh đã bị rượu cồn làm cho chậm chạp. Kỳ quái nói:
- Tại sao đến chỗ này của ta?
Dừng một chút lại nói:
- Làm sao lại đến Phù Tang?
Trong ý thức của gã, chỉ có bọn gã đi Thiên Triều chứ làm gì có chuyện quan viên Thiên Triều đến Uy quốc làm khách.
- Hạ thần thật sự không biết...
Cái này không phải làm khó võ sĩ truyền lời sao.
- Mà thôi mà thôi.
Đằng Nguyên Kinh Thanh tỉnh táo một ít, cười nói:
- Ông trời, ta ở chỗ này chờ chết, vậy mà vẫn có người tới thăm, hơn nữa còn là quan viên Thiên Triều, có thể thấy được sâu xa bên trong đều có số trời!
Gã đứng lên tiếp:
- Thay quần áo để ta tiếp quốc khách!
Tỳ nữ nghe thấy đi tới, thay một chiếc phùng dịch bào cho gã, đội anh quan, xỏ 'thiển đạp'... cái gọi là 'thiển đạp' cũng là guốc gỗ, nhưng là một loại guốc gỗ cao cấp làm bằng gỗ đồng được quét qua sơn, đệm dưới đế. Dù là quan từ kinh thành đến, gã cũng chưa từng ăn mặc trang trọng như vậy.
-----------------------------
Mùa đông ở đảo Tá Độ rất lạnh, xế chiều tuyết bắt đầu rơi, gió tuyết theo đó đan vào nhau thổi qua, lạnh thấu xương.
Điều này khiến đám người Trần Khác vốn quen với nhiệt độ ấm áp phương Nam cảm thấy vô cùng khó chịu. Huống chi, địa phương quỷ quái này không có một căn nhà nào nguyên vẹn, bây giờ mà ở bên ngoài một đêm, không phải sẽ đông thành tượng đá sao.
Trần Nghĩa đề nghị quay lại thuyền Phúc Kiến nghỉ ngơi. Tuy sóng to gió lớn, trên thuyền cũng không thể nhóm lửa sưởi ấm, nhưng dù sao có khoang có phòng, nằm lách vào với nhau cũng không thể chết cóng được.
- Không quay về.
Trần Khác không đáp ứng:
- Chúng ta khó khăn lắm mới đặt hai chân xuống đất, dại gì quay về đó mà lắc lư.
Liễu Nguyệt Nga cũng đồng tình, nhưng lo lắng không biết làm thế nào để sống qua đêm lạnh này.
- Không cần lo lắng.
Trần Khác nhìn qua Trần Nghĩa cau mày ủ rũ nói:
- Hôm nay các ngươi tuần núi, không phải phát hiện vài dòng suối có hơi nước bốc lên sao? Chọn một nơi tránh gió, chúng ta đến đó ngâm nước nóng!
Lúc phát hiện những "dòng suối hơi nước", đám thị vệ rất hoảng sợ, Trần Khác nghe xong lại cười ha ha, hắn mới nhớ tới, sau này đảo Tá Độ là thắng địa suối nước nóng vô cùng nổi tiếng, xem ra đã chọn đúng nơi rồi.
Đám thị vệ cầm kim chỉ nam, phân biệt phương hướng, liền dẫn Trần Khác cùng Liễu Nguyệt Nga đi lên hướng Tây ngọn núi. Tuyết rơi khiến đường núi rất khó đi, vẻn vẹn năm bảy dặm đường mà phải đi tới lúc bầu trời tối đen. Gió tuyết thổi trong đêm, bốn phía một mảng trắng xoá, đốt đèn lồng cũng không nhìn quá hai xích (gần bảy mươi centimet). Ngay lúc Trần Khác hoài nghi có phải đám thị vệ ngốc này dẫn sai đường hay không, đột nhiên nghe thấy tiếng nước chảy róc rách.
Trời lạnh thấu xương vẫn nghe tiếng nước chảy, rõ ràng không tìm nhầm chỗ. Mọi người chấn động tinh thần, nghe theo tiếng nước đi vào một sơn cốc, còn chưa nhìn rõ bốn phía, liền cảm thấy một luồng hơi ấm phả vào mặt. Dùng ngọn đèn quan sát xung quanh, lúc này bọn hắn đã ở sâu trong rừng núi. Vách núi chặn lấy gió bấc, từng hàng sương mù liên tục bốc lên trên thác nước nhỏ, từ trên xuống dưới, qua nhiều đoạn khúc khuỷu, chảy vào một cái hồ sâu. Thuận theo kiểu chảy của thác nước, ngoặt qua ngoặt lại nhiều lần, ở giữa dòng tạo thành nhiều cái ao nước nóng nhỏ, quả là một nơi ngâm nước nóng tuyệt diệu.
- Đi đường xa như vậy, đáng giá.
Trần Khác xoay người, tháo cái bao tay dày làm bằng da gấu xuống, thử nước nóng. Đoán chừng khoảng bốn mươi lăm độ, mặc dù hơi nóng, nhưng giữa đêm rét lạnh thế này lại không thể tốt hơn.
- Bông tuyết rơi bên ngoài, bên trong thoải mái ngâm nước nóng, đây mới là loại hưởng thụ cao nhất a!
Hắn hưng phấn giống như một đứa trẻ, rất nhanh chóng và thuần thục cởi hết đồ, chỉ mang một cái quần cộc, hai chân đưa vào một cái ao nhỏ, hai tay lấy nước nóng liên tục xối lên người, cười to nói:
- Học theo ta đi, dội qua một ít rồi ngâm, đừng nhảy vào ngay.
Đám thị vệ hoan hô, chia làm hai tốp thay phiên nhau ngâm nước nóng, đương nhiên, bọn họ ngâm ở trong cái hồ lớn ở phía dưới.
Trần Khác một mình chiếm một cái ao nước nóng có vị trí tốt nhất. Từ bộ ngực trở xuống, tất cả đều ngâm trong nước nóng, để gần một nửa thân thể bên ngoài, tuy hoa tuyết bay loạn trên trời, lại không hề cảm thấy rét lạnh. Khi bông tuyết vừa tiếp xúc với da thịt, trong nháy mắt liền tan ra. Khiến trong người cảm thấy một chút thanh tịnh, nhờ vậy không cần đắp thêm một chiếc khăn hạ nhiệt độ trên đầu.
- Quả nhiên trong cuộc sống điều tuyệt vời ở khắp mọi nơi, quan trọng là ngươi có ánh mắt để phát hiện nó hay không.
Trần Khác cầm theo vò rượu bên mình, đặt vào một chỗ chắc chắn, hứng lên liền nốc một ngụm, thích ý nhìn Liễu Nguyệt Nga do dự nói:
- Cô còn đứng ngây đó làm gì?
- Biết rõ còn cố hỏi...
Liễu Nguyệt Nga nhỏ giọng trách móc.
- Sợ gì. Tối om, bọn họ không nhìn thấy.
Trần Khác cười nói:
- Sẽ không lộ tẩy đâu.
Trong lòng lại đang cười thầm, kỳ thật người nào không biết ngươi là con mái, chỉ không ai dám nói. Nếu không, đám bọn họ làm sao tránh ra xa như vậy?
- Không thì ta lên phía trên kiếm một con suối nhỏ khác đi.
Nguyệt Nga muội tử cuối cùng không thể chống lại sức hấp dẫn của suối nước nóng nói.
- Ở nơi rừng sâu núi thẳm này có thể có sói.
Trần Khác ung dung nói.
- Ngươi, xoay người sang chỗ khác...
Liễu Nguyệt Nga mặt xám xịt nói.
- Ta không nhìn thấy...
Trần Khác cười khổ nói:
- Trời tối như vậy.
Lại nhỏ giọng lầm bầm: "Nói thế chứ chỗ nào ta chưa xem qua?"
- Ngươi nói cái gì?
Liễu Nguyệt Nga tức giận nói.
- Ta nói cô làm gì phải mặc quần áo xuống nước?
- Không tin tưởng ngươi được, đồ lưu manh...
Liễu Nguyệt Nga nói xong, giật mình giận dữ:
- Ngươi quả nhiên có thể nhìn thấy!
Nói xong liền làm bộ giơ tay muốn cho hắn một quyền.
- Đợi một chút, đừng sốt ruột.
Thế nhưng thuận thế, nàng lại bị Trần Khác ôm vào trong ngực, nàng định giãy dụa, chợt nghe hắn dùng giọng nói chan chứa tình cảm, kề sát bên tai nàng nói:
- Trên đời này có bao nhiêu người có thể được như hai chúng ta? Đi ngàn dặm xa đến một hòn đảo đơn độc ngoài biển, ban đêm tuyết lạnh, ngâm mình trong suối nước nóng, còn không quý trọng khoảng thời gian khó có được này?
"..." Liễu Nguyệt Nga quả nhiên bị Trần Khác nói ngọt ngào làm cho choáng váng. Nàng ngừng lại, nhẹ nhàng rúc vào bả vai Trần Khác, khắp nơi hơi nước bao quanh, toàn thân ấm áp như xuân, Nguyệt Nga muội tử thầm mong cứ như vậy mãi mãi.
Nàng hoàn toàn say mê, cho nên dây buộc ngực tuy cách một lớp lụa trắng vẫn bị Trần Khác cởi xuống, đột nhiên phát hiện cửa thành thất thủ. Nàng tranh thủ đưa hai tay lên bảo vệ ngực, nhỏ giọng nói:
- Không cần động tay động chân.
- Vậy ta động miệng là được chứ gì.
Trần Khác nói xong cũng cúi đầu xuống, chậm rãi hôn nàng. Liễu Nguyệt Nga lập tức khẩn trương, muốn giãy dụa tránh ra, nhưng không biết tại sao không hề có một chút sức lực.
Trần Khác nhìn nàng, thân thể mềm mại run nhẹ, đôi lông mi dài nhắm chặt lại, cái miệng nhỏ nhắn hơi vểnh lên, như biểu lộ xin hãy nhẹ nhàng. Đến lúc này còn gì phải do dự? Rất nhanh, bờ môi hai người chạm vào nhau. Liễu Nguyệt Nga ưm một tiếng, đã bị Trần Khác mở phòng tuyến, tiến quân thần tốc. Bắt đầu, nàng còn khẩn trương không biết làm thế nào, nhưng dần dần vụng về đáp lại...
Tuyết rơi không tiếng động, tạo vòm khắp nơi, hơi nước vô hình, che khuất cảnh uyên ương.
Lúc Đằng Nguyên Kinh Thanh đến đảo Tá Độ, đã là buổi sáng ngày thứ ba. Hôm qua ở bên trong, gã nghe Lí Phồn nói, Trạng Nguyên Thiên Triều ngồi thuyền đến, bị mắc cạn ở trên đảo, ngay lập tức lòng tràn đầy kích động... Cuộc đời này của gã có thể may mắn nhìn thấy phong thái Trạng Nguyên Thiên Triều! Thật sự là thiên thần chiếu cố. Tuyết ngừng rơi, gã vội vàng mang theo quân lính, cùng với Lí Phồn chạy lên đảo bái kiến Trạng Nguyên Công.
Khi gã đến nơi được Trần Khác đặt tên là Ôn Tuyền Cốc, thì đám thị vệ đã dựng lên vài gian nhà cỏ... Dù suối nước nóng có tốt, cũng không thể cả ngày ngâm mình. Lúc này, Trần Khác mang trên người áo lông chồn đen của Liêu quốc, ngồi bên cạnh lò sưởi, quan sát tường tận một gã dùng đại lễ đến thăm hắn. Mới biết được phim hoạt hình của người Nhật Bản thật nghiêm cẩn, gã Đằng Nguyên Quân này từ trang phục đến cách ăn mặc, hiển nhiên chính là tướng quân đại nhân trong phim “Nhất Hưu thông minh”...
Năm đó lúc hắn xem “Nhất Hưu” vẫn có nghi vấn, vì cái gì gã tướng quân kia, trên mặt lại màu trắng, lông mi còn có hai cái như hai hạt đậu. Sau khi chứng kiến Đằng Nguyên Kinh Thanh mới biết, thì ra người ta bôi phấn trên mặt, cạo lông mày, sau đó chấm hai chấm mực lên...
Kiến thức của hắn cũng quá hạn hẹp rồi, quý tộc Nhật Bản niên đại này, đều nghiêm khắc dựa theo phong tục thời Ngụy Tấn, trên mặt bôi phấn trắng, cạo sạch lông mày rồi tô lại, mặc áo choàng rộng thùng thình, mang mũ đỉnh nhọn cao. Cuộc sống của bọn họ, cũng phóng túng như thời Nguỵ Tấn vậy.
Cái bọn họ theo đuổi chính là cung điện tráng lệ, đền thờ với chùa phải xây dựng giống như biệt thự, nghi thức ngày lễ long trọng, ăn tiệc khắp nơi, giới quý tộc được trang hoàng bằng văn học cùng âm nhạc, mà làm cho bọn họ tôn sùng nhất, chính là tầm cao gần với giới phong lưu Ngụy Tấn. Vì noi theo phong lưu Ngụy Tấn, bọn họ bắt chước làm bừa, gây bao nhiêu chuyện hoang đường. Nói ra, vị Đằng Nguyên huynh đến từ tập đoàn võ sĩ Áo Châu này, đã xem như là khẩu vị rất nhạt rồi...
Bởi vì Đằng Nguyên Kinh Thanh không nói được tiếng Hán, nhưng biết viết chữ Hán, cho nên hai bên trao đổi thông qua phương thức đánh cờ vây. Sau khi Trần Khác viết mấy chữ ngắn gọn thăm hỏi, Đằng Nguyên Kinh Thanh cúi đầu viết hồi lâu, vẫn không thể biểu đạt sự hết sự kích động trong lòng.
Trần Khác nhẫn nại chờ gã viết xong, hai tay cầm giấy dâng đến trước mặt mình, nhìn thoáng qua, liền gật đầu tỏ vẻ tiếp nhận, sau đó lấy bút ra viết:
'Còn đây là nơi nào?'
'Nguyên là đảo Tá Độ ở Bắc lục đạo của hạ Bang.' Đằng Nguyên Kinh Thanh cung kính viết.
'Vì sao không gặp người nào?'
'Năm Diên Hỉ đầu tiên, Quan Bạch lập ra quy định vượt biển, quốc dân không được triều đình cho phép không cho xuất ngoại.' Đằng Nguyên Kinh Thanh viết: 'Cô (Cô gia, vua thời phong kiến tự xưng) cho rằng đảo Tá Độ ngoài biển, không có cách nào giám thị, bởi vậy triều đình dời hơn ngàn người trên đảo, chuyển vào Lục Áo ở...'
Nhật Bản không ngờ đang bế quan toả cảng! Trần Khác trong lòng tự nhủ, cái này so với chính quyền nhà Thanh năm đó vứt bỏ đảo Đài Loan, qủa thật không khác nhau. Nhưng có phải hơi ngu xuẩn hay không? Tá Độ và Lục Áo đều là nơi lưu đày của Nhật Bản, hai nơi khác nhau ở chỗ, đảo Tá Độ chuyên lưu đày tội phạm chính trị, là những quý tộc đấu tranh thất bại, mà Lục Áo là lưu đày quân lính. Ngươi để hai nhóm này cùng một chỗ, có thể không xảy ra chuyện sao?
Phỏng chừng chín năm loạn này của Nhật Bản, là do lúc trước gieo hạt giống, và bây giờ phải chịu hậu quả.
Đương nhiên, hắn không có hứng thú thay bọn họ kiểm nghiệm được mất, hắn cân nhắc bản thân còn chưa xong nữa là. Trầm ngâm một lát, Trần Khác viết: 'Ngươi họ Đằng Nguyên, là người Quan Nhiếp Gia?' cái gọi là Quan Nhiếp Gia, chính là Đằng Nguyên Bắc Gia, nhà này vênh váo tới mức nào? Hai trăm năm nay, lúc Thiên Hoàng còn nhỏ, bọn hắn làm Nhiếp Chính, đợi cho Thiên Hoàng trưởng thành, bọn họ lại sửa làm Quan Bạch... Cái gọi là Quan Bạch, xuất từ «Hán thư - Hoắc Quang Truyền», 'Mọi việc trước qua Quan Bạch, sau đó tấu lên Thiên Tử", chỉ cần nghỉ cũng có thể biết đây là chức quan gì.
Hai trăm năm nay, mỗi một đời Thiên hoàng, đều bị loại 'Trước Nhiếp sau Quan' này ăn đến hấp hối, bất luận Thiên Hoàng nào muốn đoạt lại quyền hành, không phải chết oan chết uổng, thì chính là xuất gia bái Phật. Mà Đằng Nguyên Bắc Gia ép Thiên Tử lệnh chư hầu, lừng lẫy hai trăm năm, hiển nhiên là sự kiêu ngạo của mỗi một 'Đằng Nguyên Tang'.
Nhìn thấy ba chữ 'Quan Nhiếp Gia', trên mặt Đằng Nguyên Kinh Thanh tự hào, viết: 'Đúng là đản vấn thân...' dừng một chút, lại bổ sung: "... của Đằng Nguyên Bắc Gia" Cái gọi là đản vấn thân, chính là ngũ phục đồng tông (cùng một dòng họ chính).
'Thất kính thất kính.' Trần Khác viết: 'Bản thân không mời mà đến, vô tình mạo phạm quý gia, còn nhờ người chuyển cáo thay.'
'Đâu có đâu có.' Vẻ mặt Đằng Nguyên Kinh Thanh như biểu lộ 'Ngài nói như vậy, là đánh vào mặt của chúng ta', kích động viết: 'Trạng nguyên đến lần này, Phù Tang rất vinh dự! Vô cùng vui mừng, không lời nào có thể diễn tả được! Tiểu nhân cả gan đại biểu Đằng Nguyên Gia, hoan nghênh đại nhân đến kinh đô làm khách!'
- Mời ta đến kinh đô?
Trần Khác trầm ngâm, theo tin tức Lí Phồn tìm hiểu được, gã Đằng Nguyên Kinh Thanh này vì muốn mỹ nhân thuộc về mình, đã phản bội triều đình Uy quốc, gia nhập quân Áo Châu. Hiện là quan chỉ huy quân Áo Châu ở tiền tuyến, nhưng lại dõng dạc mời hắn đến kinh đô. Gã xem hắn là đồ ngốc, hay gã thật sự có bản lĩnh này?
"Xem ngươi có thể bày ra trò gì!' Trong nội tâm Trần Khác quyết định, gật đầu, viết: 'Nên gặp.'
'Thật tốt quá!' Đằng Nguyên Kinh Thanh kích động đến phát run, viết: 'Tiểu nhân lập tức bẩm báo Quan Bạch, mời đại nhân đến thành Trường Cương!'
'Cung kính không bằng tuân mệnh...' Trần Khác cười viết.
Có thể mời được Trạng Nguyên Thiên Triều, Đằng Nguyên Kinh Thanh cao hứng phát điên, lập tức đi ra ngoài viết thư, bên trong nhà cỏ chỉ còn lại người Tống.
- Đại nhân, ngài thật muốn gặp Thiên Hoàng của bọn họ?
Lí Phồn tưởng Trần Khác chỉ nói cho hay.
- Ừm.
Trần Khác gật đầu nói:
- Người ta đã mời thì ta cũng phải đi một chuyến, nếu không sao khiến họ tình nguyện tặng đảo Tá Độ cho ta?
- Đại nhân có biện pháp?
Lí Phồn mở to mắt hỏi.
- Ha ha...
Trần Khác nhấp một ngụm rượu ngon nói:
- Phải xem gã Đằng Nguyên Kinh Thanh này như thế nào đã...
- Chủ thượng, ngài thật sự viết thư cho kinh đô?
Cấp dưới của Đằng Nguyên Kinh Thanh cũng có nghi vấn tương tự.
- Ừm.
Đằng Nguyên Kinh Thanh gật đầu, vừa viết bản nháp vừa nói:
- Ta đã suy nghĩ rất lâu...
Từ lúc biết Trạng Nguyên Thiên Triều đến, đến hôm nay đã là ngày thứ ba, cũng đủ để gã suy nghĩ lại về cuộc đời của gã.
Vì sao ngày qua ngày gã mượn rượu giải sầu? Đơn giản là vì gã lo lắng số phận của gã cùng người thân. Khi quyết định về phe một người mạnh mẽ như An Bội Lại Thì, gã còn có chút tin tưởng vào tương lai. Nhưng sau khi Lại Thì chết, hai gã anh rể của gã, An Bội Trinh Nhâm cùng An Bội Tắc Nhâm trở thành người kế nhiệm... Lúc An Bội Lại Thì còn sống, hai người này là võ tướng đắc lực nhất của lão.
Nhưng làm chỉ huy và làm võ tướng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Làm võ tướng chỉ cần biết đánh trận là được, làm chỉ huy lại cần mưu lược, trí tuệ cùng quyết đoán! Dưới con mắt của Đằng Nguyên Kinh Thanh, hai người này đã không biết tính toán sâu xa, lại không có tấm lòng bao dung, tính tình thì nóng nảy bộp chộp, kiêu căng ngạo mạn, đem bọn họ so sánh với người cha đầy trí tuệ và mị lực của họ quả thật là một trời một vực.
Áo Châu có rất nhiều võ sĩ, tuấn mã cùng vàng bạc, nhưng dù sao cũng chỉ dùng sức của một nơi chống đối cả đất nước. Nguyên thị thất bại, sẽ phục hồi lại rất nhanh, nhưng An Bội thị chỉ cần bại một lần rất có thể bị diệt vong! Cho nên lúc Lại Thì còn sống, luôn cố gắng nhân nhượng vì lợi ích toàn cục, tiếp nhận các yêu cầu quá phận, không muốn phát sinh xung đột với triều đình. Hiện tại hai tên phá gia chi tử, vừa thắng lợi đã quên hết tất cả, còn bắt đầu chơi trò 'thỏ khôn chết, chó săn nấu'*. Khiến cho Đằng Nguyên Kinh Thanh hoàn toàn không thấy hi vọng.
(*Thỏ khôn chết, chó săn nấu nguyên văn đầy đủ là 'Chim đã hết thì phải cất cung, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu', ý chỉ sự đa nghi, không có lòng tin vào mọi người, chỉ biết đến bản thân)