Nửa Vòng Tròn

Chương 10: Để ý

Khi Triều Lộ về đến nhà thì đã gần bốn giờ chiều, bà Hạ Nhị Lan đang trong bếp nấu cơm.

 

“ Mẹ”. Triều Lộ thay giày đi vào căn bếp chật hẹp. “ Con thay mẹ đi làm là để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, sao mẹ lại rỗi rãi làm mấy việc vớ vẩn này? Sao mẹ không đợi con về nấu cơm cho?”.

 

Bà Hạ Nhị Lan vừa băm thịt trên thớt vừa nói: “ Mẹ cảm thấy khá nhiều rồi. Hơn nữa mẹ cũng không làm gì cả. Tối nay không nấu cơm, chỉ xào thêm ít thức ăn thôi”.

 

Triều Lộ rửa tay xoay người cầm lấy con dao trong tay mẹ: “ Để con”.

 

Bà Hạ Nhị Lan không tranh luận, đứng cạnh cửa nhìn cô thái thịt, lát sau mới lên tiếng: “ Hôm nay con đi làm thế nào?”.

 

Triều Lộ ngừng thái, đặt con dao xuống: “ Rất tốt mẹ ạ”.

 

“ Tiểu Chử đối xử với con có hòa nhã không?”.

 

Triều Lộ cười thờ ơ: “ Con nghĩ anh ấy đối với ai cũng hòa nhã như vậy”.

 

“ Mẹ chưa từng thấy cậu ấy tức giận bao giờ, cậu ấy kiềm chế rất tốt”.

 

“ Vâng”. Triều Lộ không nghi ngờ nhưng cũng không có gì khác để nói. Cô băm thịt xong, rửa sạch chiếc thớt rồi cầm bó rau cho vào thái. Một lúc sau, cô thấy mẹ vẫn đứng ở cửa bếp, như nhớ ra điều gì, liền hỏi: “ Mẹ, không lẽ mẹ vẫn muốn sắp xếp cho con và anh ấy?”.

 

Bà Hạ Nhị Lan lẩm bẩm: “ Mẹ thích thằng bé này nên mới nói chuyện với con, nếu con không muốn thì mẹ đành hết hi vọng”.

 

Triều Lộ dẩu môi, cho dầu vào nồi. “ Mẹ làm như vậy nghĩ rằng con sẽ vui? Nói cho cùng thì nhà họ chưa chắc đã để ý đến con. Con để ý đến anh ấy vì thấy anh ấy tàn tật. Điều này con không ngại nhưng mẹ cho rằng anh ấy nhất định sẽ nhìn trúng con, cho rằng anh ấy sẽ không có người tốt hơn con để chọn?”. Thấy dầu đã nóng, Triều Lộ bưng thớt lên cho thịt và rau đã thái nhỏ vào đảo đều.

 

“ Không có ứng cử viên nào hết”. Bà Hạ Nhị Lan khẳng định: “ Ngày trước đi lại chưa khó khăn, cậu ấy cũng không phải kiểu người thích đùa giỡn với tình yêu, suốt ngày chỉ biết học hành, hạn chế giao lưu”.

 

Triều Lộ vừa vung xẻng xào rau vừa nói: “ Mẹ, chẳng qua là mẹ mới tiếp xúc với anh ấy một hai lần, biết làm sao được”.

 

“ Nghe con nói có vẻ con còn biết rõ hơn mẹ nhỉ?”.

 

Triều Lộ làm xong món thịt xào rau bèn đổ ra chiếc đĩa sạch, để qua một bên. “ Con cái gì cũng không biết. Con nghĩ Chử Vân Hành thật sự không cần người khác quan tâm đến vấn đề chung thân đại sự. Anh ấy…Biết nói thế nào nhỉ?”. Triều Lộ suy nghĩ một lúc mới lên tiếng: “ Bên cạnh anh ấy sẽ không thiếu người yêu mến, trong đó bao gồm cả người khác phái”.

 

Bà Hạ Nhị Lan lại gần hỏi cô: “ Con để ý cậu ấy à?”

 

“ Con để ý anh ấy”. Triều Lộ thành thật trả lời. Nhìn nét mặt bà toát lên sự hưng phấn, cô vội vàng bổ sung: “ Chỉ là cảm mến một chút thôi. Mẹ nhìn không sai – Anh ấy là người tốt, là người khiến người khác cảm thấy thú vị. Anh ấy có chiều sâu tư tưởng, cũng không thiếu óc hài hước. Trước đây con không lưu tâm, bây giờ vẫn thế”.

 

Bà Hạ Nhị Lan lắc đầu thở dài, giọng nói đầy tiếc nuối. “ Duyên phận không thể miễn cưỡng. Chỉ là mẹ rất tiếc cho con, tiếc cho cậu ấy – tiếc cho một người có nhân phẩm và tài cán mà cơ thể lại bị như vậy. Thật lòng mà nói, dù cậu ấy không làm con rể của mẹ nhưng mẹ vẫn mong cậu ấy sớm lập gia đình để có người giúp đỡ. Thằng bé này thật không dễ dàng chút nào”.

 

Triều Lộ nghe xong nói không nên lời. Cô cảm thấy ngực mình khó chịu như bị một chiếc móng vuốt vừa sắc nhọn vừa mềm mại đâm phải. Phảng phất trước mắt là hình ảnh lay động mơ hồ, một bóng lưng trong đêm tối kéo lê đôi chân lên phía trước vẽ nửa vòng tròn, mỗi lần cử động là thân mình lại lắc lư. Cái móng vuốt vô hình kia cũng theo đó vẽ vào tâm cô. Cô không lên tiếng nhưng bên trong cảm giác thật nhức buốt. Cô gần như muốn chạy ào đến bên hình ảnh hư ảo ấy, giúp đỡ người đàn ông đang đi tập tễnh kia một tay.

 

Từ trong ảo giác cô nhanh chóng tỉnh lại, sau đó tiếp tục thấy tiếc hận và đau lòng. Đúng vậy, nhận thức của cô không quá sâu sắc, giao tình được coi như vì Vân Hành mà cảm thấy đau thương. Cô có thể lý giải được lý do vì sao mà mẹ cô lại nhiệt tình quan tâm đến cậu chủ như vậy. Thật sự không một ai có thể đối xử lạnh lùng với anh. Bởi anh đã bị tai nạn và từng trải qua vô vàn khó khăn.

 

Cô chỉ là một cô gái bình thường nên không cách nào quên được khiếm khuyết của anh nhưng trong thâm tâm cô vẫn mong muốn, trên thế giới này có thể có một người phụ nữ tốt xứng đáng với một người đàn ông không tầm thường như anh.

 

Bỗng nhiên, cô nhớ tới cô gái tên Thư Tiếu, trong lòng cảm thấy hơi không thoải mái. Cô quay lại bảo mẹ: “ Mẹ đừng thay người ta quan tâm mấy chuyện vớ vẩn nữa. Hôm nay, lúc ở nhà Chử Vân Hành con có gặp một cô gái khá xinh xắn, thấy cô ấy và Vân Hành rất thân mật với nhau. Có khi người ta đã sớm tìm được người yêu”.

 

“ Vậy à, tên cô ấy là gì?”.

 

“ Con thấy Chử Vân Hành gọi cô ấy là Thư Tiếu hay Thư Kiều gì đó”. Triều Lộ cũng không rõ lắm.

 

Nét mặt bà Hà Nhị Lan tỏ ý đã hiểu: “ À, hóa ra người con nói chính là bác sĩ Lâm. Hai người bọn họ tuy đối xử tốt với nhau nhưng không có ý gì đâu”.

 

Triều Lộ vừa đặt nồi mỳ lên bếp vừa chất vấn: “ Sao mẹ lại khẳng định như vậy?”.

 

“ Bọn họ đã biết nhau mấy năm nay – biết từ khi Tiểu Chử ở bên Đức. Nếu họ mở rộng được mối quan hệ thì đã tiến tới lâu rồi, đâu chờ đến hôm nay. Điều này không phải mẹ nói nhưng bác sĩ Lâm đối với Tiểu Chử rất có lòng. Mẹ làm cho cậu ấy hơn một năm thì một tháng tổng cộng thấy cô ấy đến một hai lần, căn dặn nọ kia. Có lúc cô ấy còn giúp đỡ cả việc bếp núc. Nói thật, một cô gái có thể làm được như thế nếu nói không có dụng tâm, mẹ không tin được. Nhưng Tiểu Chử đối với bác sĩ Lâm cũng rất tốt. Nên mẹ cảm thấy không vấn đề gì”.

 

Triều Lộ bật cười: “ Không vấn đề gì? Con nghe mẹ nói không tự nhiên chút nào”.

 

Bà Hạ Nhị Lan mặc kệ vẻ chế giễu của con gái: “ Mẹ chắc chắn không có khả năng ấy. Mẹ nói cho con biết một sự thật: Mặc dù bình thường cậu ấy là người đàn ông nho nhã lịch thiệp, khi nhìn phụ nữ sẽ khiến họ động tâm nhưng ánh mắt cậu ấy khi nhìn họ lại không có một chút lửa. Dù bình thản đến mấy cũng không thể không phát sáng. Tiểu Chử đối với bác sĩ Lâm không hề có lửa”. Nói xong bà bỗng nhiên cúi đầu, nghẹn ngào: “ Con đừng nói gì hết. Ba con đó, nhiều khi mẹ vẫn nhớ đến ông ấy. Cả nhà ta từng có quãng thời gian rất vui vẻ…”

 

Từ nhỏ, hai mẹ con Triều Lộ đã sống nương tựa vào nhau nên cô hiểu rõ bà là người sống nội tâm. Cô ôn nhu ôm mẹ nói: “ Con cũng hay nhớ tới ba”.

 

Bà Hạ Nhị Lan có chút kinh ngạc: “ Mẹ tưởng con vẫn trách ông ấy vì bị mọi người nói xấu?”.

 

Triều Lộ tựa đầu lên vai mẹ nói thầm: “ Trách vẫn trách, nhớ vẫn nhớ. Mẹ không phải cũng như vậy sao? Người ngoài không biết, chỉ biết việc ba ngồi tù là tội ác tày trời. Nhưng đối với mẹ con mình, ba vẫn là người tuyệt vời nhất. Nếu lúc ấy ba không quá kích động gây ra chuyện, có thể…Cũng sẽ không…”.

 

Khi ba gặp chuyện không may, cô mới học lớp bốn hệ tiểu học. Cô còn nhớ mang máng, tình cảm của ba mẹ cô rất tốt. Ba cô không phải kẻ gian ác mà chỉ là một công nhân lão luyện làm trong nhà máy hóa chất. Ngoại trừ tính tình hơi nóng nảy, thích uống rượu thì ông không có khuyết điểm gì lớn lắm.

 

Thế nên, chính vì nóng nảy và do rượu mà ông đã cãi nhau rồi lỡ tay giết chết người ta.

 

Ngay từ đầu, mẹ cô đã không nói cho cô biết việc ba cô bị giam giữ. Dần dần, cô bắt đầu bị mọi người xung quanh bàn tán, chỉ trỏ. Từ lời nói và ánh mắt coi thường của họ, cô mới biết ba cô không thể quay về. Cô không tìm mẹ để xác minh lại. Bà Hạ Nhị Lan cũng không nói thẳng cho cô biết tung tích của ba. Vì rất có thể con gái bà đã biết tin ba ngồi tù qua những người xung quanh. Sau khi ba cô ngồi tù được hai tháng, cô được mẹ dẫn đi thăm. Đây là lần đầu tiên cô bắt gặp ba mình mặc bộ quần áo tù nhân.

 

Vào lúc ấy, cô thật sự cảm thấy mình đã bị họ đánh lên người một dấu ấn không thể xóa nhòa: Con gái của phạm nhân.

 

Cô vô lực cầm lấy chiếc điện thoại chuyên dụng, nước mắt chảy vòng quanh nhìn ba qua tấm thủy tinh ngăn cách: Ba ơi, ba!

 

Cô không nói nên lời, chỉ nhớ mình đã gào to, vừa trách cứ vừa sợ hãi và hoang mang vào tương lai.

 

Đại khái khi ấy cô đã ý thức được, cuộc sống của mình từ nay về sau sẽ khác biệt.

 

Ba Triều Lộ chưa kịp ra tù thì đã qua đời vì bệnh ung thư giai đoạn cuối. Điều tiếc nuối nhất là lúc ông mất, mẹ con cô không được gặp mặt lần cuối cùng.

 

Lễ tang diễn ra rất sơ sài. Không phải vì tiết kiệm mà bởi vì trong bài điếu văn họ không biết phải nói gì. Người quen không ai là không biết chuyện xảy ra trong nhà họ Đổng. Cả đời ông bị nhiễm vết nhơ nên họ không biết nói gì cho phải? Mùa đông năm ấy, bà Hạ Nhị Lan đem tro cốt của chồng đưa vào tay Triều Lộ. Triều Lộ cầm lọ tro đặt vào huyệt sau đó đứng qua một bên. Cô ngơ ngác nhìn công nhân mai táng đổ đất lấp kín huyệt. Cô nhớ hôm đấy mình đã không khóc mà chỉ nhìn lên bầu trời đang bay đầy những bông tuyết bé xíu.

back top