Quái Khách Muôn Mặt

Chương 12: Sào hồ đại chiến ác giao

Nửa tháng sau ba người đã tới thị trấn Hạ Các, nạn nhân của Ác Giao đầy đường phố, người nào người nấy gầy gò rách rưới, chỉ thoáng trông cũng biết họ thiếu ăn thiếu mặt.

 

Ba người xuống ngựa vào một khách điếm, Long Uyên vội hỏi :

 

- Có phòng cho thuê không?

 

Tiểu nhị thấy chàng ăn vận nghèo nàn lắc đầu nói không có, nhưng lại tiến lên vái chào Hổ Hùng vừa cười vừa nói :

 

- Chào công tử, công tử mới đến đây à?

 

Hổ Hùng biết bọn tiểu nhị khinh rẻ người nghèo nên chàng lạnh lùng đáp :

 

- Lấy ba phòng thượng đẳng!

 

Tiểu nhị vâng lời ngay. Phong Lan thấy thái độ của tên tiểu nhị ấy tức giận vô cùng vội nói :

 

- Đi, Long đại ca, chúng ta sang khách điếm khác.

 

Thì ra gần gũi nhau nửa tháng trời, Phong Lan đã gọi Long Uyên là đại ca. Hổ Hùng thấy Phong Lan gọi như vậy nghe có vẻ chướng tai nhưng cũng đành làm thinh chứ không dám can thiệp với Phong Lan.

 

Long Uyên thường bị người ta khinh rẻ đã quen rồi, chàng không để ý đến những việc nhỏ mọn ấy. Bấy giờ thấy Phong Lan bất bình thay cho mình, chàng khuyên nàng :

 

- Thôi, Lan cô nương thông cảm đi, nơi đây đông người lắm! Cô không thấy trên phố có bao nhiêu người không có chỗ ở đó sao?

 

Lúc ấy điếm tiểu nhị mới biết ba người đi chung với nhau. Y thấy Phong Lan nổi giận nên hoảng sợ vô cùng và cũng ngượng nghịu nữa.

 

Tuy Phong Lan không phản đối nhưng vẫn chưa nguôi cơn giận, nàng liền quất roi ngựa vào tên ấy một cái rồi lạnh lùng bảo :

 

- Có mau ra khuân hành lý vào không! Trong hành lý toàn những đồ quý báu, nếu mất một thứ ta sẽ giết ngươi liền!

 

Điếm tiểu nhị vâng vâng dạ dạ đỡ lấy hành lý, trong bụng mắng thầm: “Con nhỏ này sao mà hung ác đến thế?”

 

Tên tiểu nhị đưa ba người vào trong phòng. Long Uyên hỏi thăm mới biết thị trấn này cách Sào Hồ không đầy bốn mươi dặm. Nạn nhân ở bên ngoài toàn là những người ở Sào Hồ tới lánh nạn.

 

Long Uyên nhất thời không nghĩ ra được cách gì để cứu tế cho bấy nhiêu người, vì vậy chàng buồn bực khôn tả. Cơm nước xong, chàng thấy còn sớm liền rủ Hổ Hùng cùng mình đi ra phố chơi.

 

Hổ Hùng cũng biết nơi này cách Sào Hồ không xa và y đã quyết định đêm nay một mình đi dọ thám một phen trước, phần để?thử xem có kiếm thấy con Tỷ Kim Giao không, phần thì cũng muốn dò biết những nhân vật giang hồ tới đây là những ai nên từ chối không đi với Long Uyên.

 

Y chờ Long Uyên đi rồi liền đóng cửa lại ngồi điều công vận sức một hồi. Lúc ấy y chỉ mải nghĩ cách thâu phục con Ác Giao mà quên bẵng cả người yêu ngày đêm y vẫn hằng mong nhớ.

 

Phong Lan ở phòng bên đã tắm rửa xong. Nghe thấy Long Uyên nói định ra phố, nàng cũng muốn ra ngoài xem sao. Thấy phòng Hổ Hùng đóng kín cửa nên nàng không gọi nữa mà một mình lững thững đi luôn.

 

Lúc ấy ngoài phố người đi lại rất đông đảo, ngoài những người ăn mày và đám nạn nhân ra thì đa số còn lại là những người mặc võ phục, chỉ thoáng trông cũng biết họ là những nhân vật võ lâm rồi.

 

Phong Lan rảo chân đuổi theo Long Uyên, vừa sóng bước bên chàng vừa hỏi :

 

- Long đại ca định đi đâu thế? Có phải muốn đi tới bờ hồ để xem con ác thú Tỷ Kim Giao không?

 

Long Uyên thấy nàng đuổi theo tới, không trả lời mà lại hỏi nàng :

 

- Hổ huynh đâu?

 

Phong Lan lườm chàng một cái nũng nịu nói :

 

- Ai biết được y làm cái quái gì trong phòng. Sao đại ca không trả lời câu hỏi của tiểu muội?

 

Long Uyên nhìn những người tỵ nạn đi ở hai bên vệ đường, rầu rĩ nói :

 

- Tôi thấy nhiều nạn nhân quá và người nào người nấy thật tội nghiệp nên mới ra đây để xem có cách gì cứu giúp họ được không. Còn cô ra đây làm gì?

 

Phong Lan thấy thái độ của chàng rất thành khẩn nên cũng động lòng thương và bụng bảo dạ rằng: “Ngươi thì lúc nào cũng chỉ biết thương hại cho người, nhưng có ai thương hại cho ngươi không! Ngươi bị người ta khinh rẻ như thế mà ngươi không cảm thấy khó chịu hay sao!”

 

Tuy trong lòng nghĩ như vậy nhưng nàng không tiện nói ra, sợ chạm phải lòng tự ái của chàng. Thấy Phong Lan lẳng lặng không nói gì, Long Uyên cũng không nói nữa. Chàng vừa đi vừa đếm nhẩm những khách điếm và những nhà bán gạo.

 

Hai người đi không bao lâu đã đến đầu thị trấn. Phong Lan thấy cách đó không xa có một cái đồi, trên đồi cây cối thưa thớt liền hỏi :

 

- Long đại ca, chúng ta lên đồi kia xem!

 

Long Uyên gật đầu, rồi cả hai người tiến thẳng tới đó leo lên đỉnh đồi. Đồi này không lớn lắm và cũng chỉ cao độ chừng hơn mười trượng thôi, nhưng đứng ở trên này có thể trông thấy hết cảnh vật xung quanh.

 

Mắt của Long Uyên rất sáng, chàng nhìn về phía tây nam thấy Sào Hồ ở cách chỗ chàng đứng mấy chục dặm, rộng hàng ngàn mẫu và phẳng lặng như tờ. Những làng ở quanh hồ đa số đã bị tàn phá. Lúc ấy là giờ thổi cơm chiều mà không thấy một nhà nào có khói bốc lên cả, hiển nhiên dân ở những làng mạc đó hoặc bị hại, hoặc đã di cư đi nơi khác. Có lẽ không còn một người nào ở lại trong làng nữa.

 

Long Uyên thấy vậy trong lòng buồn rầu vô cùng, thở dài một tiếng và càng quyết tâm giết cho được con thuồng luồng này mới thôi. Chàng rất lấy làm ngạc nhiên, tin này đã đồn khắp nơi rồi mà sao tới nay chưa có một người nào trong giới võ lâm ra tay diệt trừ con quái vật này? Chàng tự tin mình có võ công cao siêu như vậy, lại còn có Đơn Thiết thần công thì thể nào cũng diệt trừ được con thuồng luồng ấy.

 

Phong Lan cũng trông rõ Sào Hồ sóng bằng gió lặng nhưng không thấy hình bóng con thuồng luồng đâu hết, ngạc nhiên hỏi Long Uyên :

 

- Long đại ca, sao không thấy con Ác Giao xuất hiện?

 

Long Uyên tủm tỉm cười, bụng bảo dạ: “Ta cũng như nàng, ta làm sao biết được mà nàng lại hỏi như thế!” Tuy vậy, chàng cũng giải thích cho nàng nghe :

 

- Ác Giao xuất hiện thế nào cũng phải có giờ chứ! Có lẽ lúc này chưa phải giờ xuất hiện của nó.

 

- Bao giờ nó mới xuất hiện?

 

Long Uyên làm sao biết được con Ác Giao xuất hiện vào giờ nào, nên cũng thành thật trả lời cho nàng nghe. Đang lúc ấy, bỗng trong khu rừng ở bên trái có tiếng sột soạt khá to, chàng quay mặt nhìn về phía đó rồi vội chạy lại xem, mới hay có một thân người đang treo lơ lửng ở trên cành cây. Chắc người đó tự vẫn và giãy giụa trước khi chết nên mới có tiếng động như thế.

 

Long Uyên thấy vậy vội vận công lực vào đầu ngón tay giơ lên búng một cái, dây thừng đứt ra và người đó rớt xuống dưới tức thì.

 

Phong Lan vừa chạy tới, chưa kịp nói tiếng nào thì đã thấy Long Uyên lao đến đỡ được người kia xuống đất.

 

Chàng xoa ngực cho người đó mấy cái rồi dựng y lên, vỗ vào ngực đánh “bộp” một tiếng thật lớn. Người ấy khạc ra một búng đờm và liền đó hô hấp được ngay.

 

Phong Lan đứng cạnh đó cứ trố mắt lên nhìn, vì nàng thấy thủ pháp của Long Uyên vừa nhanh vừa khéo nên rất khâm phục. Nhất là cái búng tay của chàng lúc đầu càng khiến nàng kinh ngạc hơn, nàng không hiểu vì sao dây thừng đó lại đứt được.

 

Môn công lực ấy của chàng Phong Lan chỉ nghe thấy người ta nói thôi chứ chưa hề trông thấy ai thi triển nó bao giờ. Nàng cũng biết muốn thành tựu môn Đàn Chỉ thần công tới mức như vậy thì phải khổ luyện trên năm mươi năm. Hiện giờ trên giang hồ chỉ có một vị Phả Cái là học được môn Đàn Chỉ thần công ấy thôi. Nhưng cũng chỉ búng được trúng vật cách xa hơn trượng. Còn Long Uyên tuổi chưa đầy đôi mươi mà môn Đàn Chỉ thần công đạt uy lực còn xa hơn Phả Cái, đủ thấy công lực của chàng đã luyện tới mức cao siêu không thể tưởng tượng nổi.

 

Người nọ mới treo cổ không lâu nên được Long Uyên xoa bóp một hồi thì y hồi tỉnh lại ngay. Ngoại trừ trên cổ vẫn còn dấu vết dây thừng và thấy hơi đau, còn coi như đã bình thường trở lại. Y đưa mắt nhìn xung quanh một lượt, biết mình chưa chết và thấy bên cạnh có một thiếu niên xấu xí cùng một thiếu nữ xinh đẹp vô cùng. Biết chắc hai người này đã cứu mình thoát chết, y vội quỳ xuống vái lạy cảm tạ.

 

- Tiểu nhân được hai vị ra tay cứu giúp mới...

 

Long Uyên vội kéo người ấy lên, không để cho y quỳ lạy cảm tạ nữa rồi đáp :

 

- Chuyện nhỏ như thế có nghĩa lý gì đâu mà huynh phải quỳ lạy cảm tạ như vậy! Nhưng không hiểu huynh vì việc chi mà phải quyên sinh? Chẳng hay huynh có thể cho tiểu đệ biết rõ nguyên nhân không?

 

Người đó bị kéo đứng lên, lại nghe chàng hỏi thế, trong lòng cảm động vô cùng, nhưng thấy Long Uyên mặt vàng khè trông như đang ốm nặng, quần áo lại mộc mạc liền thở dài một tiếng rồi đáp :

 

- Tiểu nhân rất cảm tạ ân công, nhưng... hà...

 

Người đó chỉ thở dài ảo não, chán nản, vẻ như là dù có nói ra cũng vô ích thôi, chỉ làm cho người ta càng rối trí thêm chứ không ích lợi gì cả.

 

Phong Lan tính rất nóng nảy, thấy người nọ nói lấp lửng như vậy thì không nén được bực tức xen vào hỏi :

 

- Người này lạ thật! Có việc gì khó xử thì cứ nói trắng ra, việc gì cứ phải ấp úng như thế?

 

Long Uyên sợ lời nói của Phong Lan làm cho người nọ bực mình thêm, lại tự tử lần nữa nên chàng dịu dàng khuyên :

 

- Không cần phải vội vã như thế, huynh hãy ngồi xuống nghỉ ngơi một lát đã! Có việc gì khó xử cứ việc nói ra đi. Chúng ta cùng bàn với nhau, dù chúng tôi không đủ sức giúp huynh, nhưng chúng tôi cũng có thể nghĩ kế hộ.

 

Người đó thấy Long Uyên ăn nói thành thật liền theo lời ngồi xuống một tảng đá, khẽ nhìn Phong Lan rồi mới kể cho Long Uyên biết tâm sự của mình.

 

Thì ra người đó họ Vương tên Kính Thật, một nhà buôn rất thành thật, mở tiệm bán gạo ở thị trấn Hạ Các này. Ngày thường mua vào bán ra rất phồn thịnh, cũng có khi y cho tiệm khác thuê kho đựng gạo đựng thóc, vì kho chứa gạo của y lớn nhất trong thị trấn này.

 

Mấy tháng trước đây, trong Sào Hồ bỗng có một con giao long xuất hiện, cứ đến nửa đêm lại lên bờ bắt người và gia súc ăn thịt, khiến dân chúng ở ven hồ phải di cư để lánh nạn.

 

Những nạn nhân đa số là người nghèo khổ. Nhân dân ở đây thật thà chất phát, xưa nay chỉ kiếm đủ hai bữa ăn thôi, làm gì có dư tiền để tích trữ. Khi họ đến thị trấn này lúc đầu còn có chút ít tiền mua gạo, mì để ăn, nhưng vài ngày sau xài hết tiền rồi phải bán sạch cả quần áo đồ đạc để đổi lấy thức ăn.

 

Vì con giao long vẫn còn tiếp tục hoành hành nên không ai dám trở về nhà cả, bắt buộc họ phải ở lại Hạ Các, mà ở lại thì họ lấy gì để ăn.

 

Trong số nạn nhân ấy có một số nông dân ngày thường có giao dịch với Kính Thật. Biết y có lòng trợ giúp nạn nhân nên họ mới đến hỏi mượn lương thực và làm tờ khế ước sau này sẽ hoàn lại.

 

Kính Thật thấy người ta đói rách như vậy liền động lòng thương và nhận lời cho vay ngay. Tưởng chỉ cho một vài người, ngờ đâu những người khác hay tin cũng bắt chước đem văn tự đến làm giấy vay mượn. Vì thế vốn liếng của Kính Thật vơi dần và số gạo trữ trong kho cũng chẳng còn là bao. Tuy trong kho của y vẫn còn chứa đầy thóc gạo, nhưng đó là của người khác gửi chứ không phải của y.

 

Kính Thật suy tính và nhận thấy cho các nạn nhân vay mượn như vậy tuy hơi mạo hiểm thật, nhưng rất có lợi, vì trị giá đất đai của các nạn nhân đều gấp hai ba lần số lương thực cho vay. Ngoài sự có lợi ra lại còn được thiện ý cứu giúp người gặp nạn nữa. Vì vậy y liền đi kiếm người gửi thóc gạo nhiều nhất ở kho của mình để thương lượng. Người nọ cũng khảng khái, nhưng sợ phiền phức liền trao toàn quyền cho Kính Thật xử trí. Thế là hễ nạn nhân nào ở vùng lân cận có văn tự đất hay nhà đến vay mượn đều được chấp thuận. Chỉ trong vài ngày, số lương thực trong kho đều bị người ta vay mượn hết. Ngờ đâu, người chủ thóc lúa gửi ở kho của Kính Thật lại có dụng ý khác, chờ tới khi Kính Thật đem những văn tự đất đai đến cho y, y lại không nhận mà vu khống cho Kính Thật tự tiện đem bán thóc lúa của y và bắt Kính Thật phải bồi thường toàn bộ số thóc.

 

Kính Thật nghe nói như sét đánh ngang tai, kinh hoàng biến sắc, vì mấy ngàn cân thóc lúa, nhất thời lấy đâu ra mà mua lại được để trả cho người ta. Hơn nữa, giá gạo lúa đã đắt lên gấp ba bốn lần, làm sao có đủ tiền mua lại số gạo lúa ban đầu.

 

Kính Thật nghĩ đi nghĩ lại, thấy không còn lối thoát nào. Nếu để cho người nọ kiện thì thế nào cũng bị ngồi tù mà chết, chi bằng tự tử ngay khi còn ở ngoài có phải là nhẹ thân hơn không.

 

Vì vậy, khi thấy người bạn hàng kia thúc giục đến lần thứ hai, y liền lên trên đồi này treo cổ tự tử.

 

Phong Lan nghe Kính Thật kể như vậy, mặt biến sắc, giậm chân hậm hực :

 

- Này, người hãy nói cho ta biết người bạn hàng kia tên họ là gì, sao y lại vô lương tâm đến thế! Để đêm nay bổn cô nương đi cắt đầu y, xem y còn bắt ngươi bồi thường nữa hay không!

 

Kính Thật nghe nói ngẩn người suy nghĩ: “Cô nương này làm nghề ngỗng gì mà lại hung dữ như vậy? Vừa mở miệng đã đòi giết người rồi. Nhưng chắc cô ta chỉ nói suông thôi, chứ làm sao nổi”.

 

Y có vẻ không tin vì thấy Phong Lan mảnh dẻ như vậy, làm gì có can đảm và bản lĩnh giết được người.

 

Long Uyên thấy người này thật thà và có phong độ của bậc nghĩa hiệp. Chàng suy nghĩ giây lát rồi mỉm cười khuyên Phong Lan :

 

- Tiểu muội hà tất phải chấp những kẻ tàn nhẫn như thế làm chi! Y muốn lấy lại món tiền thì mình đưa cho y có phải là xong không?

 

Vì gần gũi Long Uyên đến nửa tháng trời, không những biết được tính nết của chàng, nàng còn biết chàng là người rất tốt nên đã bị ảnh hưởng, do đó đầu óc của nàng đã chịu suy nghĩ nhiều. Bây giờ nghe Long Uyên nói như vậy, nàng không những không tức giận, trái lại còn hỏi :

 

- Đại ca lấy đâu ra số tiền kếch xù như vậy để trả cho người ta?

 

Long Uyên tươi cười đáp :

 

- Trước kia chẳng phải Lan muội đã hỏi tôi đem theo nhiều châu báu vậy để làm gì đó sao? Thì bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của Lan muội đây, mục đích tôi mang theo những châu báo đó cũng chỉ muốn dùng làm những việc này thôi.

 

Phong Lan mới nhớ tới những tháng tháng trước mình đã có ý hỏi Long Uyên về việc ấy nên mỉm cười, nhưng nàng lại lườm chàng tỏ vẻ không tin đáp :

 

- Đại ca lừa dối ma quỷ thì được, còn tiểu muội thì không tin đại ca là thần tiên biết có chuyện này sẽ xảy ra mà đem theo châu báo ấy để đối phó và làm việc nghĩa.

 

Long Uyên cười không trả lời. Phong Lan giậm chân xuống đất tỏ vẻ hờn giận :

 

- Cười cái gì? Cười cái gì? Tiểu muội không tin là không tin.

 

Long Uyên thấy nàng tức giận như vậy càng cười nhiều hơn trước, Phong Lan quá tức giận vội chạy lại đấm chàng mấy cái.

 

Long Uyên tươi cười giải thích :

 

- Lan muội, tuy tôi chưa biết nơi đây có chuyện như thế này xảy ra, nhưng tôi biết trong giang hồ có nhiều nơi cần phải sử dụng tới tiền bạc. Bây giờ ông chủ họ Vương đây vì cứu người khác mà bị lụy tới thân, chẳng lẽ chúng ta không ra tay giúp ông?

 

Kính Thật đứng cạnh nghe nói như thế mới hiểu hai người có ý giúp mình trả món nợ kia nên mừng rỡ vô cùng vội quỳ xuống lạy :

 

- Ân công quả thực cao nghĩa. Kính Thật tôi thực cảm ơn vô cùng...

 

Long Uyên vội đỡ y dậy và nghiêm nghị đáp :

 

- Ông chủ họ Vương, tại hạ vui lòng trả nợ thay ông, nhưng có một điều kiện này.

 

Kính Thật hiểu lầm lại tưởng Long Uyên cũng như y vậy, có ý muốn cầu lợi, nên không đợi chàng nói dứt đã xen lời :

 

- Ân công cứ yên tâm. Kính Thật tôi không phải là kẻ vô nghĩa. Nếu ân công cứu được tiểu nhân phen này, sau này tiểu nhân thế nào cũng xin trả gấp đôi.

 

Long Uyên cười nói tiếp :

 

- Ý của tại hạ không phải là thế đâu, tại hạ muốn hợp tác với ông buôn bán một phen đấy thôi. Không biết ông có nhận lời tại hạ không?

 

Phong Lan đứng cạnh thắc mắc vô cùng, không hiểu chàng định làm trò trống gì, định lên tiếng hỏi thì Long Uyên lại nói tiếp :

 

- Vừa rồi tại hạ đã suy tính kỹ lưỡng rồi, cách cho vay lương thực viết lại văn tự của ông tuy mạo hiểm thực, nhưng những người được cho vay đó tại hạ chắc không phải là những kẻ vong ơn bội nghĩa đâu. Nếu sau này họ khá giả thế nào họ cũng theo đúng khế ước mà trả lại cho ông, tại hạ có khá nhiều châu báo nhưng hiện giờ chưa dùng tới muốn trao cho ông chủ đem bán, như vậy ông chủ có thể trả được món nợ kia và cũng để cho các nạn nhân vay. Một năm sau quý hồ con quái vật ở Sào Hồ đã bị giết chết, nơi đây được thái bình, như vậy có phải tại hạ với ông chủ đều được lợi rất nhiều không?

back top