Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 236: Kết cục

Võ Tu Văn nói:

 

- Chúng ta hãy tra khảo chúng một phen, xem chúng có chịu khai ra hay không.

 

Giác Viễn nói:

 

- Tội quá tội quá, nhất định không nên làm như vậy.

 

Hoàng Dung nói:

 

- Hạng người như chúng, có chặt tay chặt chân chúng cũng không chịu khai ra đâu, tra khảo chỉ vô ích.

 

Lúc ấy bỗng nghe ở dốc núi mé tây có tiếng chân vượn rầm rập. Mọi người ngoảnh nhìn, thấy Thần điêu của Dương Quá đang vẫy cánh xua đuổi một con vượn màu xám nhạt. Con vượn này to lớn lạ lùng, nhưng nó sợ Thần điêu hung dữ, không dám đánh nhau, cứ chạy qua chạy lại, kêu lên kinh hãi. Quách Tương thấy nó đáng thương, bèn gọi:

 

- Điêu đại ca, tha cho con vượn kia đi.

 

Thần điêu cụp cánh vào, đứng lại, vẻ oai vệ.

 

Doãn Khắc Tây đứng dậy, dìu Tiêu Tương Tử, vẫy vẫy con vượn. Con vượn chạy tới bên hắn, tựa hồ nó được Doãn Khắc Tây thuần dưỡng. Hai người một vượn thong thả khập khiễng đi xuống núi. Mọi người thấy tình cảnh ấy, cảm thấy thương hại, cũng không gây khó dễ với hai tên kia nữa.

 

Quách Tương ngoảnh lại, thấy vết thương ở trán Trương Quân Bảo vẫn chưa cầm máu, bèn rút chiếc khăn tay băng bó cho cậu ta.

 

Trương Quân Bảo cảm kích, định lên tiếng cảm tạ, nhưng thấy Quách Tương rơm rớm nước mắt, thì trong bụng lấy làm lạ, không biết vì sao cô nương ấy lại đau lòng, thành thử không nói nữa.

 

Chỉ nghe tiếng nói dõng dạc của Dương Quá:

 

- Cuộc gặp gỡ hôm nay thật là hào hứng. Sau này giang hồ tương hội, sẽ lại uống rượu chuyện trò. Chúng ta tạm biệt ở đây.

 

Nói rồi chàng phất tay áo, nắm tay Tiểu Long Nữ, cùng Thần điêu sánh vai nhau đi xuống núi.

 

Lúc này trăng sáng, gió nhẹ rì rào, Quách Tương không nhịn được nữa, lệ ứa ra thành hai hàng trên má.

 

Chính là:

 

秋風清

 

Thu phong thanh

 

秋月明

 

Thu nguyệt minh

 

落葉聚還散

 

Lạc diệp tụ hoàn tán

 

寒鴉棲復驚

 

Hàn nha tê phục kinh

 

相思相見知何日

 

Tương tư tương kiến tri hà nhật

 

此時此夜難為情

 

Thử thời thử dạ nan vi tình

 

Mùa thu con gió trong veo

 

Mùa thu trăng sáng dõi theo bóng nàng

 

Lá bay kìa hợp rồi tan

 

Lạnh lùng quạ khóc mênh mang đêm trường

 

Bao giờ gặp lại người thương

 

Đêm nay tình ấy tỏ tường cùng ai[19]

 

[Bộ tiểu thuyết này đến đây là hết. Các nhân vật Quách Tương, Trương Quân Bảo, Giác Viễn, sự tích "Cửu Dương chân kinh" sẽ được kể tiếp trong bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký]

 

HẾT

 

Viết thêm:

 

"Thần điêu hiệp lữ" được đăng tải lần đầu tiên tờ "Minh báo" ngày 20 tháng 5 năm 1959. Bộ tiểu thuyết được đăng báo chừng ba năm, cũng là được viết trong ba năm. Ba năm ấy là giai đoạn mới ra mắt và gian khổ nhất của tờ "Minh báo". Khi tôi sửa lại, hầu như ở mỗi đoạn tôi đều nghĩ đến tình cảnh vất vả mà tôi cùng mấy vị đồng sự từng gánh chịu năm xưa.

 

"Thần điêu hiệp lữ" muốn thông qua nhân vật Dương Quá miêu tả sự trói buộc của tập tục lễ giáo thế gian đối với tâm linh và hành vi của con người. Tập tục lễ giáo đều mang tính chất tạm thời, nhưng trong thời gian tồn tại, chúng có một sức mạnh xã hội cực kỳ mạnh mẽ. Quan niệm thày trò không được kết hôn, trong ý nghĩ của con người hiện đại dĩ nhiên đã không còn tồn tại, song vào thời đại của Quách Tĩnh, Dương Quá, thì đó là thiên kinh địa nghĩa. Liệu rằng rất nhiều tập tục quy định mà thời nay chúng ta coi là thiên kinh địa nghĩa, vài trăm năm nữa có thể sẽ bị người ta cho là hoàn toàn vô nghĩa hay chăng? tại

 

Quy phạm đạo đức, chuẩn mực hành vi, phong tục tập quán là các mô hình hành vi xã hội thường tùy thời đại mà thay đổi, song tính cách và tình cảm của con người thì thay đổi rất chậm. Niềm vui, nỗi buồn, niềm đau, nỗi nhớ trong Kinh Thi ba ngàn năm trước, so với tình cảm của chúng ta thời nay hoàn toàn không có khác biệt gì lớn. Bản thân tôi thủy chung cảm thấy trong bộ tiểu thuyết, tính cách và tình cảm của con người quan trọng hơn rất nhiều so với ý nghĩa xã hội. Quách Tĩnh nói: "Vì nước vì dân mới là bậc đại hiệp". Câu này đến thời đại ngày nay vẫn có ý nghĩa tích cực lớn lao. Nhưng tôi tin chắc rằng trong tương lai, giới hạn quốc gia nhất định sẽ bị xóa bỏ, khi đó những quan niệm như "yêu nước", "chống địch" sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đáng kể. Còn những tình cảm và phẩm đức, như tình ruột thịt giữa cha mẹ con cái anh em, tình bạn chân thành, tình yêu nam nữ, chính nghĩa, nhân thiện, dũng cảm cứu người, hiến thân cho xã hội v.v... tôi tin rằng từ nay trở đi trong một thời gian lâu dài vẫn sẽ được mọi người ca ngợi, mà có lẽ không một thứ lý luận chính trị, chế độ kinh tế, cải cách xã hội, tín ngưỡng tôn giáo nào thay thế được.

 

Truyện tiểu thuyết võ hiệp không tránh khỏi sự ly kỳ và trùng hợp quá mức. Tôi chỉ cố làm sao để chuyện võ công có thể không thành sự thực, nhưng tính cách con người thì cần phải thành sự thực. Chuyện li hợp của Dương Quá và Tiểu Long Nữ quá ly kỳ, tựa hồ toàn do ý trời và sự trùng hợp, thực ra nên coi đó là kết quả của tính cách hai người. Hai người ấy nếu không chung tình đến mức ấy, cả hai nhất định sẽ không nhảy xuống sơn cốc, Tiểu Long Nữ nếu tính cách không lạnh lùng, nhất định sẽ khó lòng sống một mình dưới đáy sơn cốc mười sáu năm trời. Dương Quá nếu không chí tình như thế, tất nhiên cũng sẽ không thủy chung suốt mười sáu năm, dù chết cũng không hối hận. Đương nhiên, nếu dưới đáy sơn cốc không phải là đầm sâu, mà là nham thạch cả, thì hai người nhảy xuống đó sẽ tan xương nát thịt, chỉ chết cùng một chỗ mà thôi. Thế sự ngẫu hợp biến ảo, thành bại cùng thông tuy có liên quan đến cơ duyên, vận khí, có may rủi, nhưng suy cho cùng, vẫn là do tính cách con người mà ra.

 

Giống quái điểu Thần điêu không có trong thế giới hiện thực. Ở đảo Madagasca châu Phi có một loài "chim voi" (Aepyornistitan) thân cao hơn mười thước Anh, trọng lượng một ngàn pound (khoảng 450 kg), là loài chim lớn nhất thế giới, đã tuyệt chủng vào khoảng năm 1660. Loài "chim voi" này chân rất nhỏ, thể trọng quá lớn, không thể bay được. Trứng của loài "chim voi" to gấp sáu lần trứng đà điểu. Tại Viện bảo tàng New York, tôi đã nhìn thấy trứng hóa thạch của loài "chim voi", to hơn cái ấm tích một chút. Nhưng tôi tin rằng trí khôn của loài "chim voi" nhất định rất thấp.

 

Bản "Thần điêu hiệp lữ" đã tu sửa này có một số thay đổi không thật lớn, chủ yếu là bổ sung những chỗ bị bỏ sót trong nguyên tác.

 

Tháng 5 năm 1976

 

[1] 風月無情人暗換, 舊游如夢空腸斷 - Phong nguyệt vô tình nhân ám hoán, cựu du như mộng không trường đoạn, Điệp luyến hoa - Âu Dương Tu.)

 

[2] Chuyết phu: lời nói khiêm nhường, chỉ người chồng của mình.

 

[3] Học thì theo đó mà tập, há chẳng vui sao? Có bạn từ phương xa đến, há chẳng vui sao?

 

[4]出門 一笑無拘礙, 雲在西湖月在天- Xuất môn nhất tiếu vô câu ngại, vân tại Tây hồ nguyệt tại thiên. Đây là hai câu cuối trong bài thơ thất ngôn bát cú mà Toàn Chân thất tử từng ngâm khi lập Thiên cang Bắc đẩu trận (hồi 25 - Xạ điêu Anh hùng truyện).

 

[5] 易求無價寶, 難得有情郎-Dị cầu vô giá bảo, nan đắc hữu tình lang (Tặng lân nữ, Ngư Huyền Cơ - Đường).

 

[6] Con trai của Thành Cát Tư Hãn, - ND

 

[7] 既見君子,云胡不喜. Hai câu trong bài Phong vũ, thuộc phần Quốc phong - Kinh thi. Đại ý là: một khi đã gặp được người quân tử, sao mà không vui mừng cho được. Tạ Quang Phát dịch: Khi em đã gặp được chàng. Rằng sao mà chẳng rộn ràng vui tươi?

 

[8] Đây là một đoạn trong bài Kỳ úc - là một bài Vệ phong (dân ca nước Vệ), thuộc phần Quốc phong trong Kinh Thi, bản dịch thơ của Tạ Quang Phát.

 

[9] Dịch thơ Vi Nhất Tiếu

 

[10] Hai câu thơ này xuất xứ từ khúc Đào yêu, là một bài dân ca Chu Nam, thuộc phần Quốc phong trong Kinh Thi, bản dịch thơ của Tạ Quang Phát (có sửa đổi đôi chút.

 

[11] Tám câu mà Dương Quá ngâm là bài Tặng tú tài nhập quân(贈秀才入軍)kỳ cửu của Kê Khang (嵇康), nhân vật đứng đầu trong Trúc Lâm thất hiền đời Ngụy Tấn: Nguồn tại http://

 

良馬既聞,麗服有暉。

 

左攬繁弱,右接忘歸。

 

風馳電逝,躡景追飛。

 

凌厲中原,顧盼生姿

 

(Dịch thơ: Vi Nhất Tiếu)

 

[12] Tạm dịch:

 

Thành to thừa sức vững bền.

 

Thành con muôn trượng tiếp liền trời mây...

 

Đó rào chiến thật là kiên cố,

 

Dù chim bay cũng khó vượt qua.

 

Quân Hồ hết lối xông pha,

 

Tây Đô còn cách đường xa ngại gì.

 

Kìa lối hiểm men đi chót vót,

 

Đường hẹp này chỉ lọt một xe.

 

Giáo dài cũng khó giờ nghề,

 

Một người chống vạn, quen lề từ xưa.

 

[13] Theo ghi chép trong sử sách, Doãn Chí Bình thay Khưu Xứ Cơ làm chưởng giáo phái Toàn Chân, sau đó tiếp nhiệm chức chưởng giáo lần lượt là: Lý Chí Thường, Trương Chí Kính, Vương Chí Thản, Kỳ Chí Thành. Còn Triệu Chí Kính chỉ là nhân vật hư cấu trong bộ tiểu thuyết.

 

[14] 春蠶到死絲方盡,蠟炬成灰淚始乾-Con tằm đến thác tơ đành dứt, nến sáp thành tro lệ mới thâu - Vô đề, Lý Thương Ẩn).

 

[15] ( 黯然銷魂者,唯別而已矣-Khuôn mặt u uất vô hồn, chỉ biệt ly mới khiến con người như thế. Giang Yêm, tự Văn Thông, văn học gia đời Tề Lương. Thơ ông hiếm bài hay, nhưng thể phú có thành tựu tương đối cao với gần 30 bài, Biệt phú là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.)trong bài "Biệt phú" của Giang Yêm.

 

[16] 問花花不語, 為誰落, 為誰開. 算春色三分, 半隨流水, 半入塵埃 -Vấn hoa hoa bất ngữ, vị thùy lạc, vị thùy khai. Toán xuân sắc tam phân, bán tùy lưu thủy, bán nhập trần ai - Sáu câu này trích trong bài từ Mộc lan hoa mạn của Lương Tăng đời Nguyên.

 

Dịch thơ. Vi Nhất Tiếu)

 

[17] 春波碧草, 曉寒深處, 相對浴紅衣- Xuân ba bích thảo, hiểu hàn thâm xứ, tương đối dục hồng y.

 

Dịch thơ: Vi Nhất Tiếu.).

 

[18] Đây là bài từ Giang thành tử của Tô Đông Pha. Khi ông đang ở Sơn Đông, trùng vào ngày giỗ thứ mười của ái thê, đêm nằm mơ thấy nàng, nên từ Sơn Đông hoài vọng về Ba Thục, cảm khái viết nên bài từ này.

 

Dịch thơ: Vi Nhất Tiếu)

 

[19] Thu tứ, tam ngũ thất ngôn thi - Lý Bạch, Dịch thơ: Vi Nhất Tiếu.

back top