Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em

Chương 3

Nắng chiều gắt đến mức cả người nóng rực. Trần Niệm đi nhanh vào con đường nhỏ giữa lùm tre, bỗng tiến vào bóng râm.

Hòn non bộ và đình đài dẫn đến cổng sau dãy phòng học. Trần Niệm đi đến giữa đường, gặp Tăng Hảo, bạn thân của Hồ Tiểu Điệp truyền mảnh giấy cho cô trên lớp.

Trần Niệm biết cô ấy đến tìm mình, dừng lại.

Đôi mắt Tăng Hảo sưng như hạt quả hạnh, cô ấy nhìn Trần Niệm: “Sao cậu không trả lời tờ giấy của mình hả?”

Trần Niệm trầm mặc lắc đầu một cái, tỏ ý không có gì để nói.

Tăng Hảo siết chặt nắm đấm: “Họ cũng đã hỏi mình mấy lần, vì mình là bạn thân nhất của Tiểu Điệp. Nhưng mình thực sự không biết gì cả, không giúp được gì hết.”

Cô ấy vừa nói, nước mắt rơi lã chã, “Mấy ngày đó Tiểu Điệp là lạ, mọi người đều thấy được, cậu ấy không thích nói chuyện, tâm sự nặng nề. Mình không biết có phải là vì quan hệ với bạn cùng lớp xấu hơn hay không, nhưng lại cảm thấy không đến mức đó. Mình đã hỏi cậu ấy, cậu ấy phủ nhận, nói là chuyện khác. Sau đó thì…”

Gương mặt Trần Niệm không biểu lộ cảm xúc gì. Cô quay đầu nhìn lớp học một cái. Lá tre đong đưa trong gió, ánh mặt trời nhún nhảy trên phiến lá mảnh, tựa như dòng nước trắng.

“Mình không tin Tiểu Điệp sẽ…, nhưng họ nói lúc Tiểu Điệp chết, sân trường không có ai, không có người ngoài. Tình nghi bảo vệ cũng bị loại bỏ. Nếu như thực sự là tự sát,”

Tăng Hảo ngẩng đầu, “Trần Niệm, cậu là người cuối cùng nhìn thấy Tiểu Điệp còn sống, rốt cuộc cậu ấy có nói gì với cậu không?”

Trần Niệm lắc đầu.

“Trần Niệm, cậu nói chuyện đi chứ!” Tăng Hảo gần như sụp đổ.

Trần Niệm im lặng một lúc, từ từ mở miệng: “Không có. Mình không… không thân với cậu ấy, ngay cả cậu cũng không… không biết, làm sao… sao mình biết được?”

Tăng Hảo kiên trì: “Nếu cậu ấy tự sát, cậu ấy không thể nào không nói gì với người khác.”

Trần Niệm nhìn mắt cô ấy, hỏi ngược lại: “Nói… gì chứ?”

Tăng Hảo sững người, đúng vậy, nói cái gì đây.

“Trần Niệm, điều cậu nói là thật sao? Cậu ấy thực sự không hề nói gì với cậu?”

Trần Niệm: “Thật.”

Càng lớn, kỹ năng nói dối càng xuất sắc. Cái này giống như điều tự nhiên học được.

Tăng Hảo nhìn Trần Niệm, sắc mặt cô luôn nhợt nhạt, tựa như người mãi mãi sống qua mùa đông; một đôi mắt tối đen như mực, cực kỳ bình lặng, giống như đêm tuyết rơi.

Bả vai Tăng Hảo sụp xuống, không biết là thất bại hay hoang mang, cô ấy nói: “Được rồi.”

Trần Niệm thấy cô ấy buồn bã thất thần, có khoảnh khắc muốn nhắc nhở cô ấy, hai tháng nữa là tốt nghiệp, ôn tập thật tốt mới quan trọng, còn muốn nói với cô ấy, cách xa Lý Tưởng một chút. Nhưng cuối cùng, cô không nói gì cả.

Đi vào cầu thang, phía sau Tăng Hảo đuổi tới kéo cánh tay cô, tốc độ nói cực nhanh: “Có thể nào là vì Ngụy Lai không? Mình luôn cho rằng không đến nỗi, nhưng mình không tìm được lý do khác, có phải là cậu ta không?”

Trần Niệm nhanh chóng rút tay lại.



Trần Niệm cất ba trăm đồng vào cặp, nhét một trăm đồng vào túi, đi từ buồng ATM ra.

Cô nhìn xung quanh một cái, mới bước nhanh rời khỏi.

Đi qua giao lộ, Trần Niệm ngửi thấy mùi bánh bao. Cô đi xếp hàng trước tiệm mua hai cái bánh bao làm bữa tối, đưa một trăm đồng cho ông chủ thối tiền lẻ.

“Không có tiền lẻ à?” Ông chủ chau mày.

Trần Niệm mím môi, lắc lắc đầu.

Ông chủ lục ngăn kéo, không có tờ năm mươi. Ông ta bực mình xoay người đi tìm tiền trong ví, quay lại nhét một xấp cho Trần Niệm.

Trần Niệm nghiêm túc đếm, chín mươi tám đồng tám xu. Cô xem tờ mười đồng và hai mươi đồng một chút, lại kiểm tra tờ năm mươi đồng, con dấu, điểm mù…

Tiền quá cũ, Trần Niệm mất thời gian một lúc, khách phía sau cười hừ chế giễu: “Xem lâu vậy, lần sau mang máy kiểm tiền theo đi.”

Ông chủ cũng giục: “Đừng đứng chắn ở đây, người sau đều xếp hàng chờ cô kìa.”

Trần Niệm hơi xấu hổ, bỏ bánh bao vào cặp, cúi đầu rời khỏi.

Ngoài mặt bình tĩnh đi một lúc, trong lòng vẫn không yên, lại lấy tờ năm mươi kia ra xem.

Chưa nhìn ra kết quả, trông thấy người quen quen, là bọn con trai hư hỏng vây quanh áo thun trắng đòi tiền hôm đó, tụ một chỗ vừa đi vừa cười, vừa hút thuốc.



Trong lòng Trần Niệm lộp bộp một tiếng, rất bình tĩnh nắm chặt tiền rồi dịch về túi đồng phục.

Cô nắm chặt quai cặp muốn xoay người đi vòng đường xa, nhưng đối phương nhìn thấy cô, cũng nhận ra: “Ê, mày đứng lại!”

Trần Niệm buộc mình dừng bước.

“Nghe nói mày nói lắp.” Đứa cầm đầu cười, “Nói, nói, nói hai câu, nói, bọn, bọn tao nghe, nghe thử.”

Cả đám cười ha ha.

Trần Niệm cúi đầu đứng giữa bọn chúng, giống như một con mèo nhỏ bị một đám chuột to vây đánh. Cử động vụng về, không có chỗ để trốn.

Chúng cười nhạo một hồi, nói chuyện chính,

“Có tiền không?”

Trần Niệm lắc đầu.

“Thực sự không có?”

“Ừ.”

“Hừ, lần trước dễ dàng bỏ qua cho mày như vậy, đừng nói chuyện không thành thật.”

Trần Niệm cắn chặt môi, lắc đầu lần nữa.


“Vậy thì soát người xem thử.”

Trần Niệm định chạy, bị tóm lại.

Có người đi đường đi qua, vội vã bước nhanh hơn rời khỏi chốn thị phi, không ai dám để ý. Sự dũng cảm luôn luôn là món đồ xa xỉ.

Rất nhanh móc tờ năm mươi đồng từ túi bên trái của cô, túi bên phải móc ra bốn mươi tám đồng tám.

“Đây là cái gì? Hả?!” Đứa cầm đầu nhe răng trợn mắt, giơ tay lên định tát Trần Niệm một cái, chưa đánh xuống, Trần Niệm xông lên nắm lấy tiền trong tay cậu ta muốn giành lại. Đó là tiền sinh hoạt của cô.

Nam sinh không ngờ sức Trần Niệm rất lớn, nắm chặt tiền không buông, còn cào rách da tay cậu ta. Cậu ta túm cổ áo Trần Niệm xách cô lên: “Còn nữa không? Hả?”

Trần Niệm tái mặt, cố hết sức bật ra một câu: “Hết… rồi.”

“Con ranh này không thành thật.” Nam sinh dùng sức tát mặt cô, nói với mấy anh em, “Cặp sách!”

Trần Niệm vùng vẫy, gắt gao ôm cặp không cho lục, gằn từng chữ: “Hết… rồi… Thật đó! Hết… rồi!” Cô nói rất gắng sức, giống như đang nguyền rủa, lại giống như đang thề thốt.

Cô hi vọng chúng tin lời nói dối của cô.

Nhưng chúng kéo lấy cặp cô, mở dây kéo, giũ ngược cặp. Trần Niệm trông thấy sách Hóa kẹp tiền rơi ra. Cô thấy một góc tiền, trong đầu ầm một tiếng. Cô cảm giác được một nỗi tuyệt vọng, còn có nỗi đau đớn.

“Năm mươi này là tiền giả!” Một tiếng kêu dời sự chú ý của cả đám, một đứa cầm tờ năm mươi ban nãy cướp được, tức giận nói, “Tiền này là giả.”

Tiền đi luân phiên một vòng trong tay cả đám, từng đứa đều chắc chắn: “Giả.” Thì ra là tiền giả.

Ánh mắt nhìn về phía Trần Niệm trở nên căm ghét, tựa như là cô cố ý lừa gạt, đứa con gái xảo trá.

“Lấy tiền giả lừa bọn tao!” Đứa cầm đầu định đánh. Trần Niệm ôm đầu.

“Ê!” Giọng nam lạnh nhạt.

Cái tát kia không giáng xuống.

Ánh mắt Trần Niệm nhìn ra ngoài từ dưới cánh tay, lại là thiếu niên áo thun trắng ấy, đứng trong ánh sáng rực rỡ, cánh tay trái buông thõng trắng ngần thon dài, kẹp một điếu thuốc, làn khói lượn lờ.

Cách nay không lâu, cậu từng là người thất bại dưới tay chúng. Cậu và mẹ cậu cùng bị chúng dùng lời lẽ bỉ ổi, bẩn thỉu nhất sỉ nhục.

Trần Niệm tưởng tình hình sẽ xấu hơn, nhưng đám kia lại bớt hung hãn, ném cặp và tờ tiền giả ấy xuống đất, chuẩn bị bỏ đi.

“Trả lại tiền cho cô ấy.” Cậu phả một hơi khói thuốc, búng ngón tay một cái, tàn thuốc rơi xuống bên chân.

Đối phương ném một cuộn tiền lên cặp, bỏ đi.

Trần Niệm không hiểu lắm, nhưng cũng không muốn hiểu. Cô nhìn thấy trên xương mày cậu lại rách thêm một chỗ, trên cánh tay cũng có vết thương đáng sợ mới. Cô vốn cho rằng cậu bị bắt nạt, nhưng hóa ra là giống như họ.

Áo thun trắng đứng tại chỗ nhìn cô, hoàn toàn không có ý muốn giúp cô thu dọn. Trần Niệm ngồi xổm xuống, nhặt tiền lên, phủi bụi trên sách, bỏ vào cặp, đeo vào.

Cậu đi tới trước mặt cô, bóng dáng bao phủ cô.

Khi nhìn thẳng, tầm mắt Trần Niệm chỉ có thể thấy cằm của cậu. Cô không hề định ngẩng đầu nhìn cậu. Cô xoay xoay bả vai, ngôn ngữ tay chân toàn thân đều nói muốn đi.

“Này.”

Trần Niệm cúi thấp đầu ngây ra, nghĩ thầm dù thế nào đi nữa cũng phải nói cảm ơn.

Áo thun trắng nhíu mày, không chịu được việc cô không phản ứng, nói: “Này, nhóc nói lắp.”

Trần Niệm ngẩng đầu, ánh mắt thẳng tắp nhìn cậu.

Cậu hừ nhẹ một tiếng, nói: “Còn kìa.”

Cậu hất hất cằm, chỉ tờ năm mươi đồng dưới đất.

Trần Niệm nhặt tiền lên, đầu ngón tay vuốt điểm mù và đường vân ở góc, bằng phẳng không có cảm giác lồi lõm. Trong lòng cô phát lạnh, chán ghét sự lơ là của bản thân và lòng tự ái rẻ tiền khi ở tiệm bánh bao.

Cô nói: “Giả.”

Sắc mặt thiếu niên thay đổi, cậu hừ lạnh một tiếng: “Giả?”

Trần Niệm biết cậu hiểu lầm, muốn giải thích gì đó, há miệng nhưng lại không nói nên lời. Cô lấy hai tờ năm mươi nhăn nhúm nhưng rất mới khác từ trong túi quần ra, đưa đến trước mặt cậu cho cậu xem, chỉ chỉ cậu, ra dấu tay, ý bảo hai tờ năm mươi này mới là của cậu đưa.

“Tờ này của cậu…” Cô gắng sức không nói lắp, “là thật.”

Vẻ không vui trên mặt thiếu niên tan đi, cậu thong thả hỏi: “Tiền giả này từ đâu ra?”

Trần Niệm không đáp, lấy ba mươi đồng tiền lẻ đưa cho cậu, nhẹ giọng nói khẽ, chậm rãi nói: “Trả… cậu.”

Cậu nhìn cô mấy giây, đôi mắt đen nhánh khẽ nheo lại, cảm xúc không vui kia lại nổi lên. Cuối cùng, cậu nhận lấy tiền bỏ vào túi.

Mặt cô nóng ran. Cô cúi đầu, tiếng nhỏ như muỗi kêu: “Cảm ơn.”

Thiếu niên hừ nhẹ một tiếng, tựa như khinh thường, tựa như châm biếm.

Trên đường có người đang gọi một cái tên, cậu quay đầu nhìn một cái, đi về hướng đó.

Là một đám thiếu niên lưu manh, băng nhóm của cậu.

Trần Niệm buộc chắc tóc lại, lấy túi bánh bao kia ra, đi về hướng ngược lại.

Ông chủ tiệm bánh bao đang dọn lồng hấp, nhìn thấy Trần Niệm, trên mặt thoáng qua vẻ mất tự nhiên.

Trần Niệm đi tới đưa tiền cho ông ta: “Tiền chú thối, là… là giả.”

“Nói cũng nói không trôi còn tới hăm dọa làm tiền? Vừa nhìn là đã biết không có sức nói dối, ai có thể chứng minh tiền này là tờ tôi thối cho cô?”

Trần Niệm đỏ mặt: “Chính… chính là nó.”


Giọng ông chủ lớn hơn: “Không có thứ như cô thế này đâu. Một học sinh giỏi, dáng dấp thanh tú, lấy tôi làm oan đại đầu (1)?”

(1) Oan đại đầu: ý gốc là tốn tiền oan, nghĩa rộng là bị lừa, không có lợi.

Trần Niệm bình tĩnh nhìn mắt ông ta chằm chằm: “Chú chột… dạ.”

“Cô…” Ông chủ bị cô nói trúng, giọng lớn hơn, dứt khoát bắt chước làm nhục, “Chột, chột dạ… Tôi thấy cô nói cũng nói không trôi, cô mới chột… dạ.”

Mấy khách hàng cười không có ác ý, rơi vào tai Trần Niệm đều là ác ý.

Bà chủ tới hỏi tình huống, trừng ông chủ một cái. Bà là người biết nói chuyện: “Cô bé, có phải cháu hiểu lầm rồi không? Cô làm ăn bao nhiêu năm như vậy, không bao giờ có tiền giả. Có phải cháu nhận tiền giả ở chỗ khác, bị lẫn lộn không?”

Trần Niệm rất chắc chắn: “Không có.”

“Không phải là, cô.” Trần Niệm giơ tay chỉ ông chủ, “Là chú ấy.”

Ngũ quan trên mặt người đàn ông cường điệu nhăn rúm lại, giống như nếp nhăn trên mặt vỏ bánh bao: “Xong chưa hả, ỷ là con gái thì tôi không làm gì được cô phải không?”

Bà chủ quát ông ta một tiếng, vẻ mặt ôn hòa nói: “Quầy ngân hàng viết cả đấy, kiểm tra tiền rõ ràng trước mặt, rời khỏi hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Người người đều giống như cháu, đừng nói tiệm bánh bao nhỏ này của cô, ngân hàng cũng sẽ đóng cửa mất thôi.”

Họ chào hỏi khách, gạt Trần Niệm sang một bên.


Người mua bánh bao nhìn đầy tò mò, nhưng chuyện không liên quan đến mình treo thật cao, mỗi người mua bánh bao rồi rời khỏi.

Trần Niệm trầm mặc mấy phút, nói: “Báo cảnh sát.”

Bà chủ than thở một cách oan uổng: “Sao nói hết lời mà cháu cũng không tin vậy? Bọn cô buôn bán nhỏ, không muốn gây chuyện đâu.”

Trần Niệm nhìn bà ấy chằm chằm, ông chủ hăng hái: “Báo đi, cô báo đi.”

Trần Niệm thực sự báo cảnh sát.

Chỉ chốc lát sau, hai cảnh sát tới, tách hai bên ra hỏi; người hỏi Trần Niệm tin cô, nhưng cũng hết cách, chỉ có thể bỏ mặc vì không có bằng chứng.

Bà chủ nói với cảnh sát: “Con bé hiểu lầm thôi, không trách con bé đâu.”

Mắt thấy cảnh sát sắp đi, trong lòng Trần Niệm đầy uất ức, cô nói: “Em không có hiểu… hiểu lầm. Cái này thực… thực sự là… của họ thối.”

Bà chủ nhìn cô một cái, đi bán bánh bao.

Người cảnh sát kia dẫn Trần Niệm sang một bên, vỗ vỗ vai cô, bất đắc dĩ thở dài: “Bọn chú làm việc phải nói chứng cứ. Cô bé, lần sau đếm rõ ngay mặt nhé.”

Hốc mắt Trần Niệm ửng đỏ. Họ không đến còn đỡ, đến rồi lại đi, cô càng bất lực hơn trước.

Gian trá lừa lọc, khắp nơi đều có.

Chứng cứ, lại không phải đâu đâu cũng có.

Gặp phải loại chuyện thế này cũng không có cách khác. Trần Niệm không cam lòng, đứng tại chỗ không đi.

Người xem náo nhiệt xung quanh nhiều hơn, ông chủ dùng trăm phần trăm sự nhiệt tình mời chào khách, rất phấn khích.

Trần Niệm nhìn gương mặt vui vẻ cố ý xây đắp của ông ta, trong nháy mắt ấy, cô muốn châm lửa đốt cháy tiệm này.

Cái ý nghĩ đó khiến ngực cô khó chịu.

Trong một trái tim bình lặng sinh ra suy nghĩ xấu, dễ dàng như thế.

Lúc này, vạt áo thun trắng thoáng qua trong tầm mắt Trần Niệm, một bàn tay khớp xương rõ ràng, kẹp thuốc, hai ngón tay rút tờ năm mươi đồng ướt mồ hôi trong tay cô, giọng hơi chế giễu rơi từ đỉnh đầu xuống: “Đến ven đường chờ tôi.”

Cô ngẩng đầu, thấy cậu mày rậm mắt đen, vẻ mặt bình tĩnh, vài sợi tóc rơi trên trán sắp đâm vào mắt.

Trần Niệm không có động tĩnh, thiếu niên lạnh nhạt hất hất cằm sang bên trái, ý bảo cô đi chỗ khác.

Trần Niệm đi đến ven đường. Cậu nghiêng một bên vai, thong thả và dùng sức dập tắt thuốc trong tay lên bánh bao trắng ú nụ trong lồng hấp. Vẻ mặt của ông chủ và bà chủ đầy kinh ngạc, há hốc mồm.

Đầu thuốc cắm thẳng đứng trên bánh bao.

Cậu đập tờ tiền kia vào lồng hấp, nói gì đó, sắc mặt của ông chủ và bà chủ như đất.

Trần Niệm chỉ thấy bóng lưng cao và gầy yếu của thiếu niên.

Rất nhanh, ông chủ lấy tiền trả cho cậu. Cậu xoay người đi xuống bậc thềm, đến bên cạnh Trần Niệm đưa cho cô một tờ năm mươi mới: “Tiền thật.”

Trần Niệm: “Cậu đã… đã nói gì với… họ?”

Cậu nhếch một bên khóe môi, không có ý muốn nói cho biết.

Trần Niệm liếc nhìn tiệm bánh bao, bà chủ kia bưng mặt khóc.

Thiếu niên cũng quay đầu nhìn, lạnh nhạt nói: “Hai người đó là vợ chồng, người đàn ông đưa tiền giả, cậu tưởng người phụ nữ không biết?”

“Tôi biết.” Trần Niệm nói.

Thiếu niên nhướng chân mày.

Thân thể cậu chắn nắng chiều. Trần Niệm cúi đầu, lặng lẽ đi về phía trước. Đi một lúc, dùng sức cắn chặt môi: “Năm mươi… đồng, đến mức đó sao?”

“Con người đều như thế, sống lâu một ngày, trở nên xấu xa một chút, cậu không biết sao?”

Trần Niệm chậm rãi lắc đầu: “Tôi muốn…” Cô lấy di động ra, tìm tới số điện thoại của Tăng Hảo.

Cậu hỏi: “Muốn cái gì?”

“Trên đường… lớn lên, già đi, tôi không muốn trở nên xấu xa,” cô lại nói lắp, gắng sức vật lộn, bật ra một câu, “không muốn biến thành loại người… thời niên thiếu tôi… căm hận nhất.”

back top