Tống Thì Hành

Chương 202: Theo nhau mà đến

Yến Nô cũng đã trầm mặc.

Đối với những chuyện trong Câu Lan Ngõa Xá, nàng thật sự không hiểu.

Nghe Ngọc Doãn nói như vậy, nàng mới biết giữa Từ Bà Tích và Dương Tái Hưng có khoảng cách rất lớn. Khoảng cách này gần như khiến không người nào có thể vượt qua được, càng khiến người ta cảm thấy tuyệt vọng. Chỉ có điều, Yến Nô thấy bộ dạng ảm đạm kia của Dương Tái Hưng thì có chút không đành lòng, sau do dự một chút, nàng cúi đầu hỏi:

- Tiểu Ất ca, chẳng lẽ Đại Lang không có cơ hội sao? Cơ hội?

Ngọc Doãn nhắm mắt lại, lâm vào trầm tư.

Mà trên gương mặt đầy tuyệt vọng của Dương Tái Hưng lại toát lên vẻ chờ mong.

Y nhìn Ngọc Doãn chăm chú, đợi câu trả lời của Ngọc Doãn.

Trong thâm tâm lại quyết định: Nếu như Tiểu Ất nói không được, vậy thì đêm nay sẽ đến Phan lầu tìm Bà Tích, nếu nàng nguyện lòng đi theo ta, thì dù là mở một đường máu, ta cũng phải mang nàng ấy đi. Ra khỏi Đông Kinh rồi, ai có thể quản ta được?

- Cũng không phải không hy vọng.

- Hả?

Dương Tái Hưng nghe xong những lời này, lập tức tinh thần tỉnh táo.

Y kéo tay Ngọc Doãn:

- Tiểu Ất, hãy giúp ta tìm cách đi.

- Đại Lang là thật lòng thích Từ Bà Tích?

- Đương nhiên!

Dương Tái Hưng không chút do dự gật đầu nói:

- Hai mươi năm nay ta chưa từng thích một nữ nhân như vậy. Nếu không có được cô ấy, thì ta...

Dương Tái Hưng nghẹn lại, nói được một nửa thì không nói gì được nữa.

Y hít sâu một hơi, đột nhiên lớn tiếng:

- Nếu Tiểu Ất có thể giúp ta cưới được Bà Tích, dù làm trâu ngựa ta cũng tình nguyện!

Từ xưa anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Dương Tái Hưng cũng không ngoại lệ.

Tuy rằng đến lúc này Ngọc Doãn cũng không dám khẳng định Dương Tái Hưng trước mắt này có phải là Dương Tái Hưng chết trận ở sông Tiểu Thương trong lịch sử hay không, nhưng trong lòng hắn đã coi y là Dương Tái Hưng kia rồi. Dương Tái Hưng trong lịch sử cũng vũ dũng không hề kém Nhạc Phi, nhưng đáng tiếc vẫn chỉ là một viên mãnh tướng. Nói khó nghe một chút, nếu dùng câu hữu dũng vô mưu để hình dung Dương Tái Hưng thì chưa đủ, cho nên trong thâm tâm Ngọc Doãn vẫn muốn thay đổi Dương Tái Hưng, đáng tiếc vẫn chưa tìm được cơ hội.

Tiếp xúc với Dương Tái Hưng không lâu, nhưng hắn lại hiểu rõ Dương Tái Hưng.

Đây là một người cực kỳ thẳng thắn, không có tâm địa gian xảo, muốn khuyên bảo y thay đổi nếu không có lý do hợp lý thì khó mà thành.

Mà nay Từ Bà Tích này chẳng phải là một cái cớ rất tốt đó sao?

- Đại Lang, ngươi cũng biết ngươi và Bà Tích có chênh lệch rất lớn, vậy có biết đó là gì không?

Dương Tái Hưng ngẩn ra, lắc lắc đầu.

Trong thâm tâm y thậm chí có chút kỳ lạ: Ta và Bà Tích có chênh lệch rất lớn sao?

Ngọc Doãn nói:

- Chênh lệch lớn nhất giữa Đại Lang và Bà Tích chính là trong tay Đại Lang không có quyền lực.

- Ồ?

- Thiên hạ hiện nay đã sắp có loạn lạc.

Lần nay ta tới Mạc Bắc đã được mở rộng tầm mắt, cảm nhận được sâu sắc. Ta cảm thấy Đại Tống sắp phải nghênh đón một nguy cơ rất lớn, mà trên dưới triều đình ít người biết tới điều này. Hoặc là nói bọn họ không phải không biết mà là không muốn biết mà thôi.

Cứ như vậy thì Đại Tống chắc chắn có tai họa.

Đây cũng là lần đầu tiên Ngọc Doãn bộc lộ tiếng lòng với người thân.

Yến Nô ngạc nhiên nhìn Ngọc Doãn, đột nhiên nói:

-Trước đây Tiểu Ất ca nói muốn đi phía Nam chính là cảm nhận được điều này?

Ngọc Doãn gật đầu.

- Thật ra không chỉ có ta cảm nhận được, mà cũng có những nhân sĩ cảm nhận được.

Cửu Nhi tỷ cũng biết ta quen biết với Đại Lang Lý gia và Thiếu Dương, bọn họ đều là những nhân sĩ có nhận thức, trong lời nói của bọn họ luôn biểu hiện lo lắng. Mà lần này ta tới Mạc Bắc, cũng thấy quá nhiều sự việc, nên càng tin tưởng lời của bọn họ.

Đại trượng phu nên kiến lập công lao sự nghiệp.

Lúc này Dương Tái Hưng đã hiểu:

- Ý Tiểu Ất là ta đầu quân?

- Không!

Ngọc Doãn phủ định:

- Tòng quần, đương nhiên có thể lập nhiều công lao sự nghiệp, nhưng một khi đã bước vào đó thì cả đời ngươi coi như xong rồi....ngươi cũng đã biết câu chuyện về Địch võ tướng công rồi chứ?

Dương Tái Hưng nói:

- Là Tiểu Ất nói Địch gia gia?

Cách xưng hô “gia gia” thật sự không phải là chỉ quan hệ thân thuộc gì, mà xuất phát từ sự tôn kính.

Tựa như đời sau người ta gọi Nhạc Phi là “Nhạc gia gia”. Ngọc Doãn nhắc đến chính là danh tướng Địch Thanh thời Bắc Tống. Người này nổi lên trong quân, gia cảnh bần hàn, cả đời cống hiến chỉ lên được chứ Phó Sứ Xu Mật Viện, có thể nói là cực hạn rồi.

Một người cả đời hai mươi lăm năm chinh chiến, bách chiến bách thắng.

Nhưng khi ông ta còn sống lại chịu đủ mọi nghi kỵ, cuối cùng uất ức mà chết.

Tuy nay mọi người nhắc tới Địch Thanh đều vô cùng ngưỡng mộ và tôn sùng, thật ra cũng chỉ là một mặt mà thôi. Còn trong xương cốt Đại Tống nếu đã nghi kỵ đối với võ tướng thì đã định trước võ tướng đó khó có thể sống yên trên triều đình. Như Địch Thanh, có thể nói chiến công hiển hách, lại vô cùng trung thành với Đại Tống, nhưng khi ông còn sống cũng nhiều lần bị kẻ khác buộc tội, thậm chí còn vu cáo hãm hại...

Mà trong những người buộc tội, vu cáo hãm hại ông chẳng thiếu những danh thần trong đó.

Ví dụ như Văn Ngạn Bác, như Phạm Trọng Yêm...

Văn Ngạn Bác từng chủ trương bãi miễn Địch Thanh, nhưng không thừa nhận cũng không được, Địch Thanh là “Trung cẩn hữu tố”; Âu Dương Tu vào tháng bảy nguyên niên Gia Hữu đã thượng tấu bãi miễn Địch Thanh nhưng lại không đưa ra được một chứng cứ phạm tội có hiệu lực, cuối cùng không thể không mượn cớ dùng thuyết ngũ hành đem tai họa lũ lụt năm xưa giá họa trên người Địch Thanh, có thể nói là một câu chuyện bịa đặt thêu dệt tội danh điển hình.

- Dù là Đại Lang có lập được công lớn như Địch gia, kết quả cũng khó có thể trở nên nổi bật.

- Vậy phải làm sao bây giờ?

Ngọc Doãn đứng lên, quay người đi vào trong phòng ngủ.

Lát sau thấy hắn cầm một quyển sách đi ra, đặt xuống trước mặt Dương Tái Hưng:

- Đại Lang lúc này cần phải đọc sách biết chữ.

Ta sẽ nghĩ cách để Đại Lang đi thư viện, không phải cầu công danh gì, chỉ cầu một tên tuổi.

Nay việc Đại Lang phải làm là thoát khỏi thân phận người thị tỉnh, không như thế, dù là lập nhiều công lao lớn cũng khó mà làm nên việc lớn. Về việc này, ta sẽ tìm Thiếu Dương để nhờ giúp. Hắn ta quen nhiều thư viện hàn môn, nghĩ chắc vào đó không khó.

- Phải đọc sách biết chữ?

Dương Tái Hưng nhìn bản “Bách gia tính” trước mắt, lập tức đau hết cả đầu, hàng lông mày xoắn lại.

- Đây chính là thân phận!

Ngọc Doãn hạ giọng nói:

- Đại Lang phải thay đổi thân phận mới có thể khiến người ta tiếp nhận. Nếu thật sự có tai họa, Đại Lang lấy thân phận là học sinh thư viện đi tòng quân, được gọi là xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, là một câu chuyện được người người ta tụng, nhưng nếu hiện tại đi đầu quân....hả hả, thật sự là quá tầm thường, không quá có tác dụng. Ngươi cho là hai con đường này, con đường nào thỏa đáng hơn?

- Cái này..

Dương Tái Hưng có chút chần chờ.

Ngọc Doãn cũng không thúc giục, chỉ ở bên bắt chéo chân lên.

Nhưng Yến Nô lại không kìm được hỏi:

- Đại Lang, nay nô cũng vừa mới học biết chữ, ngươi cần gì phải mặt nhăn mày nhó?

Hãy nghĩ đến Từ cô nương, nếu muốn Từ cô nương có được cuộc sống tốt lành, muốn Từ cô nương có hy ọng, chủ ý này của Tiểu Ất ca là tốt nhất.

Dương Tái Hưng làm sao không biết chủ ý này của Ngọc Doãn là tốt nhất?

Chỉ có điều nghĩ đến việc mình phải mặc áo học sinh lên lớp học bài, vào học đường đọc sách biết chữ là trong lòng y không ngừng kêu khổ.

Từ nhỏ đến lớn, Dương Tái Hưng thích học thương bổng, không hề thích đọc sách biết chữ. Dù là lão đạo sĩ dạy y võ nghệ đã từng nhiều lần khuyên bảo y đi đọc sách, nhưng Dương Tái Hưng mỗi lần đọc sách là thấy đau đầu rối rắm.

Nhưng hiện tại lại liên quan đến hạnh phúc cả đời mình!

Dương Tái Hưng cắn răng, sau một lúc lâu nhún chân:

- Học một lần thì có làm sao, chỉ cần Bà Tích vui là được....

Ngọc Doãn nghe vậy lập tức mỉm cười.

***

Sau khi tiễn Dương Tái Hưng thì trời đã tối.

Yến Nô đã làm xong bữa cơm bưng lên, ngồi xuống bên cạnh Ngọc Doãn.

- Tiểu Ất ca, huynh đã gặp Ký Du thúc phụ chưa?

Ngọc Doãn đang thưởng thức thanh Hổ Xuất bảo đao, nghe Yến Nô hỏi, liền cẩn thận đặt bảo đao vào hộp, ha hả cười nói:

- Nhắc tới cũng thật khéo, từ chợ lừa ngựa đi ra, đi ngang qua cửa hàng sắt vừa đúng lúc cửa hàng sắt mở cửa, liền đi vào xem. Không ngờ còn gặp được một vị bề trên. Nhưng sao ta không có ấn tượng về Chu thúc phụ này?

Chu Ký Du và Chu Đồng là bạn tốt, vô cùng thân thiết.

Hai người tuổi mặc dù có chút chênh lệch nhưng cũng là bạn vong niên.

Chu Ký Du là một trong số ít đại gia đúc kiếm thành danh tại thành Khai Phong này, tài nghệ vô cùng cao siêu. Bởi vì thích sưu tập các loại tài liệu nên hàng năm không ở tại thành Khai Phong. Hơn nữa Chu Ký Du và Ngọc Phi có chút mâu thuẫn, cho nên rất ít đi lại.Thậm chí có thời gian ngắn, nơi nào có Ngọc Phi thì nơi đó không có Chu Ký Du; nơi nào xuất hiện Chu Ký Du thì sẽ không có Ngọc Phi. Hai người mâu thuẫn cực kỳ sâu sắc khiến cho Chu Đồng ở giữa cũng thường xuyên ở vào thế khó xử.

Cho nên Chu Ký Du biết Ngọc Doãn mà Ngọc Doãn lại không biết Chu Ký Du.

- Chu thúc phụ nói, người đã chế tạo cho muội đôi âm dương côn? Vì sao ta chưa từng thấy nhỉ?

Yến Nô bật cười khúc khích:

- Sao huynh chưa từng thấy chứ?

-Có sao?

Ngọc Doãn kinh ngạc nhìn Yến Nô, thấy Yến Nô đứng dậy đi vào nhà bếp, lát sau cầm theo hai cây can diện trượng dài ngắn đi ra.

Nàng đặt lên bàn:

- Đây là âm dương côn do Chu thúc phụ chế tạo ra.

Can diện trượng, Âm dương côn?

Ngọc Doãn bối rối!

Can diện trượng này một cây dài ước chừng một mét, cây ngắn 60cm.

Ngọc Doãn thường xuyên thấy Yến Nô sử dụng cây dài để làm mỳ Lãnh Đào, cây ngắn để làm bánh. Có đôi khi, Ngọc Doãn thậm chí thấy Yến Nô cầm hai cây Can diện trượng nghiền nguyên liệu nấu ăn làm nhân bánh, nhưng hắn lại chưa từng nghĩ đây là binh khí.

Yến Nô cười hì hì, cầm lấy Can diện trượng.

Hai cây can diện trượng khớp lại rắc một cái, lập tức trở thành một trường côn dài 1,5m.

Sau đó thấy Yến Nô lại khẽ di chuyển ở nơi đầu côn, từ một đoạn côn ngắn lại lộ ra một lưỡi thương dài chừng 10cm.

Yến Nô cầm thương đứng vững chãi trong đình viện.

- Tiểu Ất ca, không ngại chúng ta thử một chút, xem Hổ Xuất của huynh lợi hại hay là thanh Trúc thương này của nô lợi hại?

Hóa ra, Âm dương côn này là theo cách nói của Chu Du Ký, nhưng Yến Nô lại gọi nó là Thanh trúc.

Cái gọi là Thanh trúc miệng xà, lưỡi thương kia chẳng phải giống lưỡi rắn sao? Ngọc Doãn do dự một chút, đi qua tiếp nhận Thanh trúc trong tay Yến Nô, múa một vòng, lập tức khen miệng không dứt. Thanh trúc này có thể cận chiến, có thể viễn chiến, có thể làm côn, có thể làm thương, thay đổi liên tục. Cầm trên tay không quá nhẹ, ước chừng cũng phải trên dưới ba mươi cân.

Nhìn dáng vẻ hứng trí của Yến Nô, Ngọc Doãn thật không thể tưởng tượng nàng làm thế nào dùng can diện trượng nặng như thế để nấu cơm.

Chẳng trách rất ít khi thấy nàng luyện công, chỉ sợ ngay cả lúc nấu cơm cũng là lúc nàng luyện công rồi.

- Thương tốt, thật đúng là thương tốt!

Ngọc Doãn lên tiếng khen, trả lại thanh trúc cho Yến Nô:

- Tuy nhiên, thương này của Cửu Nhi tỷ dù tinh xảo nhưng vẫn không sánh bằng Hổ Xuất.

Ta cảm thấy, thương của Cửu nhi tỷ dùng để giao đấu với nhân sĩ giang hồ còn được, nhưng nếu ở trên chiến trường thì Hổ Xuất vẫn uy mãnh hơn.

- Ha ha ha, lâu rồi không nghe Tiểu Ất nói chuyện...Cái gì mà chiến trường? Cái gì mà Hổ Xuất uy mãnh? Không phải là Tiểu Ất muốn tòng quân đấy chứ?

Đúng lúc này, bên ngoài cửa truyền đến tiếng cười sang sảng.

Ngọc Doãn hơi sửng sốt, xoay người nhìn lại.

Trong lòng càng thấy kỳ lạ hơn: Sao hôm nay nhà mình lại náo nhiệt đến thế, khách cứ lần lượt theo nhau mà đến!

back top