Tranh Bá Thiên Hạ

Chương 383-2: Trước khi lên đường ((2))


Đám binh lính tản ra tiếp tục huấn luyện. Trần Bàn Sơn nhìn sắc mặt của Phương Giải, thật cẩn thận hỏi:

- Tướng quân, có phải hơi nghiêm khắc rồi không? Tuy đám binh lính rất tôn kính ngài, nhưng nhiều nhân từ ít nghiêm khắc vẫn tốt hơn. Dù sao ngài mới tới Sơn Tự Doanh hơn một tháng…

- Ta hiểu ý của ngươi.

Phương Giải khoát tay ngăn Trần Bàn Sơn nói tiếp:

- Ta chưa bao giờ cảm thấy mình phải lấy lòng binh lính. Không cho rằng chiều chuộng bọn họ mới là một tướng quân đủ tư cách. Nếu ta đã nắm giữ Sơn Tự Doanh, thì ta phải phụ trách mạng sống của một nghìn năm trăm người này. Người Mông Nguyên có sinh lòng nhân từ bởi vì bọn họ không biết cưỡi ngựa không? Sẽ không! Bọn chúng vẫn sẽ giết không chừa một ai. Chiến đấu với Mông Nguyên không giống với chiến đấu với phản quân và người tộc Hột. Đám binh lính phải đối mặt với những binh lính có tố chất hơn cả bọn họ, chứ không phải là những người dân cầm gậy gỗ lên để phản kháng.

Trần Bàn Sơn đỏ mặt, không dám nói gì nữa.

- Ta muốn binh lính Sơn Tự Doanh dùng một ngày để làm quen với ngựa. Ngày mai đại quân xuất phát, ta muốn bọn họ có thể ngủ trên lưng ngựa mà không ngã xuống. Chờ tới Hoàng Dương Đạo, ta muốn bọn họ biến chiến mã thành một bộ phận cơ thể của bọn họ! Chỉ như vậy, bọn họ mới có nhiều cơ hội sống sót hơn.

- Thân là quân nhân, da ngựa bọc thân cũng không hối hận. Nhưng ta yêu cầu giết được địch nhân thì mạng cũng phải giữ được. Mỗi một lần sống sót qua một trận chiến, người đó sẽ càng thêm mạnh mẽ. Ta muốn là một đội quân thiện chiến có thể đánh thắng, chứ không phải là một đội quân sẵn sàng chịu chết vì quốc gia!

Trong lòng Trần Bàn Sơn chấn động, phát hiện mình càng ngày càng kính nể vị tướng quân mới mười bảy tuổi này.

Bình thường trước khi lên chiến trường, các tướng quân sẽ nói với binh lính của mình rằng nên chuẩn bị hy sinh vì nước bất cứ lúc nào. Mà Phương Giải lại yêu cầu các binh lính dùng hết sức mình để đánh thắng, sau đó là sống sót.

- Ngươi để ý tới bọn họ, ta có việc phải tới phủ Đại tướng quân.

Phương Giải phân phó một tiếng, xoay người rời đi.

Trần Bàn Sơn nhìn bóng lưng của Phương Giải, hít sâu một hơi, sau đó nhìn sang đám binh lính, hô lớn:


- Không muốn chết thì cố gắng thêm cho lão tử. Dũng khí lúc đầu của các ngươi đâu hết rồi? Ai đã nói đao còn nghịch được, nói gì tới ngưa? Ai đã nói có thể ngồi trên lưng ngựa ngày đi ngàn dặm? Phương tướng quân mới tới đây hơn một tháng, nhưng đã xin được hơn một nghìn chiến mã cho các ngươi, các ngươi nên biết khó khăn thế nào! Các ngươi đặt tay lên ngực tự hỏi mình xem, tướng quân không để các ngươi phải thất vọng, còn các ngươi thì sao?

Lúc rời khỏi giáo trường, Phương Giải nghe thấy tiếng la hét của Trần Bàn Sơn. Hắn không tới phủ Đại tướng quân mà trở về chỗ ở của mình.

Hôm nay, tất cả tướng quân từ Ngũ Phẩm trở lên đều tới phủ Đại tướng quân nghị sự, ngày mai là đại quân xuất phát rồi, La Diệu chắc đang chỉ bảo bọn họ chuẩn bị. Tuy La Diệu cũng bảo hắn tới, nhưng hắn không có ý định tới góp vui. Đám tướng lĩnh đều đang nghị luận chuyện La Diệu phân phối cho Sơn Tự Doanh hơn một nghìn con chiến mã, cho nên Phương Giải chẳng muốn tới đó để bị người khác chỉ trỏ.

Sau khi trở về, Phương Giải gọi Trác Bố Y tới.

- Ngày mai tiên sinh đi theo quân đội lên phía bắc hay là trở về Trường An?

Phương Giải hỏi.

Trác Bố Y cười nói:

- Mấy ngày trước ta đã phái người trở về Trường An báo tin cho bệ hạ rồi, bệ hạ bảo ta đi theo ngươi. Tới giờ vẫn chưa ai nhìn thấu được tâm tư của La Diệu, Tả Tiền Vệ không đợi ý chỉ của Hoàng Đế tới mà đã xuất phát, vốn là kỳ quái rồi, nếu ta đang ở đây, thì có lý gì trở về.

- Nếu…

Phương Giải ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu La Diệu dẫn binh lên phía bắc căn bản không phải là bình định, thì chúng ta sẽ gặp nguy hiểm!

Trác Bố Y lắc đầu:


- Không sao cả. Cuộc đời ta vốn không có mục tiêu. Bất kỳ trải nghiệm nào đều là cuộc sống của ta.

- Tiên sinh có suy nghĩ thật thoáng.

Phương Giải uống một ngụm trà nói:

- Tả Tiền Vệ có bốn mươi vạn quân, trong đó có ba vạn kỵ binh và mười vạn lưu lại trấn thủ Ung Châu…Người lưu lại để chỉ huy là Chiêm Diệu, người thân tín nhất của La Diệu. Ta không biết người này, nhưng biết y là phụ tá đắc lực của La Diệu. La Diệu đã hạ lệnh, về sau mọi việc ở Ung Châu đều giao cho Chiêm Diệu, mà không phải là con y La Văn…Chuyện này có chút khác thường.

- Y không tin tưởng con mình?

Trác Bố Y hỏi.

- Có chuyện ta chưa nói với tiên sinh.

Phương Giải nói:

- La Văn không phải là con của y.

Hắn kể lại chuyện lên núi gặp Bác Xích, Trác Bố Y nhíu mày hỏi:

- Vì sao không nói với ta?

Phương Giải đáp:


- Chỉ có ta và Trầm Khuynh Phiến ra khỏi thành, mục tiêu sẽ nhỏ hơn.

- Ý của ngươi là, La Diệu biết La Văn không phải là con mình.

- Cho dù không biết thì cũng sẽ hoài nghi.

Phương Giải nói:

- Cho nên, nếu La Văn không đi theo quân đội bắc thượng mà ở lại Ung Châu, thì đó là một cơ hội với chúng ta. Cha của y không tín tưởng y, trong lòng y khẳng định có oán khí. Tiên sinh chọn mấy người thích hợp lưu lại, tìm cơ hội tiếp cận bằng hữu của La Văn…Nếu La Văn và Chiêm Diệu xảy ra mâu thuẫn…thì nội bộ mâu thuẫn. Bất kể La Diệu làm gì ở phương bắc, thì trong lòng đều sẽ có sự lo lắng.

- Ngươi quá âm hiểm.

Trác Bố Y nói từ đáy lòng.

- Cảm ơn.

Phương Giải cười ngại ngùng:

- Kỳ thực ta vẫn còn tiến bộ nữa.

- Phì…

…..

…..

Vài ngày trước, hai mươi vạn quân ở nam đại doạnh Ung Châu đã xuất phát, đóng ở ngoài thành Ung Châu năm dặm. Mười vạn đại quân bố trí ở Nam Cương đã điều động một nửa, năm vạn tới Ung Châu tụ hợp, bốn vạn trú đóng ở phía bắc Nam Yến, cùng với biên quân, binh lực tổng cộng không ít hơn sáu vạn. Sự uy hiếp của Nam Yến lên Đại Tùy gần như là bằng không. Tiểu quốc chỉ kéo dài hơn tàn này có thể tự bảo vệ bản thân đã là không tồi rồi.

Chiêm Diệu phụng mệnh ở lại Ung Châu trấn giữ, giao mười vạn quân Tả Tiền Vệ cho y quản lý. Nhưng số quân lính trấn giữ chỗ này không chỉ có vậy. Tính cả quận binh các thành thuộc Bình Thương Đạo, tổng cộng không ít hơn mười lăm vạn. Nếu tính về binh lực, thì Bình Thương Đạo có số lượng binh lính nhiều nhất trong các đạo. Số lượng nhân khẩu và quân đội tới một mức kinh người.



Gần ba mươi vạn đại quân, tính cả phụ binh, tạp dịch là gần bốn mươi vạn.

Đây là lần đầu tiên trong vòng mười mấy năm qua Tả Tiền Vệ điều động binh mã với số lượng lớn như vậy. Toàn bộ dân chúng Ung Châu đều sôi trào. Trước khi xuất chinh, La Diệu sai người dán bố cáo, tuyên bố Tả Tiền Vệ bắc thượng vì quốc bình phản tặc. Nghe thấy La Diệu sắp phải rời đi, dân chúng đều kích động muốn đốt pháo ăn mừng.

Những năm qua bọn họ sống trong cái bóng của La Diệu.

Mấy chục vạn đại quân kéo dài hơn mười dặm ở ngoài thành, nhìn không thấy điểm đầu và điểm cuối.

Đại quân xuất chinh vào giờ lành. Trước khi xuất phát, La Diệu chém đầu mấy phản quân để tế cờ. Lúc Phương Giải nhìn thấy cảnh này, theo bản năng sờ sờ cổ mình, nhớ lại lúc mới tới Ung Châu, mình lo lắng nhất chính là bị La Diệu chém đầu tế cờ như vậy. Hiện tại nhìn người khác bị chặt, trong lòng có một cảm giác rất quái dị.

Hắn nhìn phản quân bị chém đầu với ánh mắt quái dị, thì có hai ánh mắt nhìn hắn với vẻ quái dị. Một là của La Văn, con của La Diệu, một là của Văn Tiểu Đao, một trong La Môn Thập Kiệt. Hiện giờ La Văn nhìn Phương Giải như nhìn kẻ thù giết cha, mà Văn Tiểu Đao nhìn Phương Giải như một đối thủ cùng lên lôi đài.

Lần xuất chinh này La Diệu không mang theo La Văn. Phải biết rằng đây là một cơ hội cực tốt để con của mình tích lũy quân công. Tới lúc đó chỉ cần chia một phần công lao của Tả Tiền Vệ cho La Văn, triều đình không thể không ban thưởng, ít nhất phải được cái chức Tứ Phẩm tướng quân.

Cho dù không dẫn theo La Văn, để y trấn thủ Ung Châu cũng được. Nhưng quyền lực không nằm trong tay y mà ở Chiêm Diệu. Điều này khiến người ta không thể không suy nghĩ.

Nhưng ngược lại, La Diệu thiên vị Phương Giải khiến người ta phải giật mình. Phương Giải bất quả chỉ là một người trẻ tuổi mới tới Ung Châu mà thôi. Cho dù có thân phận khâm sai đại thần đi nữa, nhưng La Diệu coi trọng hắn như vậy có hơi quá. Đầu tiên là dâng tấu mong triều đình lưu lại người này. Sau đó giao một chiết xung doanh cho hắn. Điều này cũng thôi, nhưng vào ngày hôm qua điều hơn một nghìn chiến mã, biến Sơn Tự Doanh thành một đội kỵ binh thuần túy.

Mặc dù Tả Tiền Vệ không thiếu chiến mã, nhưng hành động này rất khác thường.

Không biết từ lúc nào, các tướng quân Tả Tiền Vệ bắt đầu đoán mò đoán non mối quan hệ giữa Phương Giải và La Diệu. Có người khẳng định rằng Phương Giải là đứa con thứ từ mười mấy năm trước của Đại tướng quân, nhưng không biết lý do gì mà thất lạc. Lời đồn đãi này vừa xuất hiện, lập tức lan tràn như vỡ đê.

Phương Giải cũng nghe được một ít, nhưng hắn chỉ cười lạnh với mấy lời đồn đãi này.

Chắc chắn là La Diệu bày mưu đặt kế. Bằng không tin tức đó làm sao truyền ra ngoài được?

Hắn không có hứng thú để ý tới mấy cái này. Thậm chí vui vẻ khi nhìn thấy vậy.



back top