Tướng Cướp Liêu Đông

Chương 6: Hỏi chuyện ngày xưa

 

Thấy Cổ Mù làm thinh, Vương Què gằn giọng :

 

- Lão Mù, anh nên nhớ nếu Phí gia muốn vượt ngục thì cái đề lao của Phụng Thiên phủ không khi nào giữ người được một ngày, chớ đừng nói giam đến tám năm.

 

Cổ Mù lựng khựng :

 

- Như thế... thì làm sao Phí gia lại ra khỏi ngục?

 

Vương Què cũng lựng khựng luôn :

 

- Điều đó có lẽ chúng ta...

 

Cổ Mù chận nói :

 

- Đừng có nói đến chúng ta, những bộ mặt to nhỏ ở Phụng Thiên phủ mình đều đã biết quá rồi, chúng ta chỉ dám lén lút hối lộ để kéo dài vụ án, họ chỉ làm được tới mức đó thôi, làm được và dám làm đến mức đó thôi, chuyện trợ tù vượt ngục, nhứt là vượt ngục lại có giết quân canh thì nhứt định chúng không khi nào làm được, mình thừa biết không khi nào chúng dám.

 

Như không muốn cho Vương Què cãi lẽ, Cổ Mù bồi thêm :

 

- Lão què, anh nên biết bọn chúng là như thế đó, chúng có thể ăn của mình, nhưng chúng vẫn xem mình là kẻ thù, xem mình là tội phạm không thể nào tha được.

 

Vương Què gặn lại :

 

- Cứ theo anh nói thì chính Phí gia đã giết người vượt ngục?

 

Cổ Mù đáp :

 

- Cái tên Đội trưởng “chó săn” hồi nãy nói rất rõ ràng mà tôi nghĩ cũng có lý, con người chớ đâu phải là sắt đá, tâm tình ai lại không có lúc biến đổi, tám năm về trước khác, tám năm về sau đâu có thể giống y? Nhứt là tám năm giam hãm trong tù ngục.

 

Vương Què lắc đầu :

 

- Không, tôi không tin như thế, cho dầu kề đao vào cổ tôi cũng nhứt định không tin, tôi nghĩ rằng vấn đề còn có nhiều ẩn khúc.

 

Cổ Mù mím môi :

 

- Tôi nói như thế không phải với một ý xấu.

 

Vương Què gật đầu :

 

- Tôi biết, anh không có ý xấu và anh nói cũng đúng, con người không mấy ai lại không có sự thay đổi tánh tình, trong nhiều năm bị giam hãm, con người càng dễ thay đổi tâm lý hơn nữa, thế nhưng đối với Phí gia thì khác, nhứt định không thể có chuyện thay đổi, người không thể làm chuyện vượt ngục, càng không thể làm chuyện sát nhân, trừ phi họ bằng lòng thả, bởi vì nếu không như thế thì năm đó không khi nào lại chịu vào trong ngục.

 

Cổ Mù gặn lại :

 

- Như vậy thì anh nghĩ câu chuyện làm sao?

 

Vương Què chưa kịp nói thì cô gái họ Nghiêm vụt khoát tay :

 

- Tôi thấy nhị vị cũng không nên mất thì giờ về câu chuyện đó, vì cho dầu bằng cách nào, Phí gia bây giờ cũng đã thoát ra rồi, vượt ngục hay không vượt ngục cũng chỉ thế thôi...

 

Vương Què nghiêm mặt :

 

- Không, cô nương đã hiểu lầm, có phải vượt ngục hay không đối với bất cứ ai thì cũng thế thôi, nhưng riêng đối với Phí gia trái lại là một vấn đề quan trọng, tôi nói thế chắc cô nương đã hiểu.

 

Cô gái họ Nghiêm gật gù :

 

- Tôi biết, nhưng bây giờ thật tình tôi mới nhận rõ sự kính trọng và tin tưởng Phí gia của Vương lão ca như thế...

 

Vương Què nói bằng một giọng xúc động :

 

- Cô nương, tôi phải hư mất một chân, phải vùi đầu trong cái quán tồi tàn quanh năm hứng lấy gió bão, tôi phải bao nhiêu năm trời chịu đựng như thế là vì chuyện chi?

 

Tôi nghĩ cô nương rất dễ dàng thông cảm.

 

Trầm ngâm một lúc, cô gái họ Nghiêm vùng ngẩng mặt, giọng nói có nhiều thay đổi :

 

- Thật không dám dấu chi Vương lão ca, năm xưa, cha tôi vì người đó mà bị cất chức, tôi vẫn cho là chuyện không xứng đáng phải làm như thế, từ ý nghĩ đó, tôi cảm thấy người ấy mang một món nợ khá lớn đối với gia đình tôi, mới tìm kiếm bao nhiêu năm, có ý định buộc người ấy phải vì món nợ đó mà báo cừu tuyết hận cho gia đình tôi.

 

Nhưng bây giờ...

 

Nàng ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp :

 

- Vương lão ca, bây giờ thì tôi thấy cha tôi làm đúng và người ấy không thiếu nợ nhà họ Nghiêm một món nợ nào cả, cho dầu đó chỉ là món nợ tinh thần. Vì thế cho nên tôi cũng không nên đi tìm người ấy. Về mối thù bất cộng đái thiên, về món nợ máu mà thiên hạ đã gây ra cho gia đình tôi, từ nay về sau sẽ tự tay tôi báo phục, võ nghệ không đủ, tôi sẽ cố học, trong đời không có chuyện gì khó cả, chỉ sợ thiếu quyết tâm.

 

Tôi nhứt định sẽ tìm ra hung thủ, nhứt định sẽ báo được thù, bây giờ xin cảm ơn nhị vị và tôi xin cáo biệt!

 

Tiếng sau cùng của nàng một lượt với bàn tay siết mạnh dây cương, con tuấn mã cất đầu lên và sải nhanh về phía trước.

 

Vương Què khựng lại nhìn theo sửng sốt.

 

Thật hắn không làm sao ngờ được, chỉ qua câu chuyện về Phí Mộ Thư, chỉ qua thái độ của hắn mà vị tiểu thư nhà họ Nghiêm lại thay đổi quyết định hằng mấy năm trời như thế!

 

Cho đến khi hắn nghĩ sực ra chuyện phải làm thì bóng ngựa của nàng đã tới ngoài ngách núi.

 

Hắn vừa định nhảy lên ngựa đuổi theo thì Cổ Mù đã đưa ngang cây côn cản lại :

 

- Hãy để cho cô ta đi, lão què. Cô ta nói đúng, bất cứ chuyện gì cũng cần phải dựa vào chính mình chớ không nên ỷ lại vào người khác. Phí gia đã không thiếu nợ của nhà họ Nghiêm thì nàng cũng không thể vay nợ của Phí gia, nếu nàng lại phải thiếu nợ thì làm sao nàng trả được?

 

Vương Què dậm chân :

 

- Thế nhưng... lão mù, võ học của nàng kém lắm, thân gái cô đơn...

 

Cổ Mù nói :

 

- Không phải nàng cứ mãi mãi yếu kém như thế đâu, võ công có kém thì cứ học, vấn đề quan trọng là có nghị lực hay không. Nàng là một con người có nhiều nghị lực, bọn ta cũng không nên làm cho nàng không có dịp phát huy, chính như bọn mình cũng đâu phải sinh ra là giỏi. Chưa biết chừng khi gặp lại, bọn mình không phải là đối thủ của nàng. Giang hồ cố nhiên hiểm ác, nhưng chính cái đó nó dạy cho con người lịch lãm, có phải thế không?

 

Vương Què đứng khựng làm thinh.

 

Cổ Mù chút cây côn xuống và nói tiếp :

 

- Đi nè, lão què, kẻ thi ân không cần người báo, chuyện báo đáp của mình lại càng không cần phải cho người biết làm chi. Bao nhiêu năm nay lặn lội, tôi thấy có một vài nơi có thể làm chỗ nghỉ chân khỏe lắm, trong khi bây giờ cả hai đứa mình cũng đều uể oải quá nhiều cũng cần phải có chỗ nghỉ ngơi.

 

Mặc dầu biết hắn... không thấy được, nhưng bằng vào thói quen, Vương Què cũng vẫn lắc đầu lia :

 

- Không, lão mù, muốn nghỉ thì anh cứ đi tìm chỗ nghỉ một mình, tôi không nghỉ, trừ khi tôi đã biết căn nguyên mà Phí gia thoát ngục.

 

Cổ Mù nhăn mặt :

 

- Cái gì kỳ cục vậy, lão què? Bao nhiêu năm nay, hai đứa làm như thế là để báo ân, là để cho Phí gia thoát ngục, bây giờ người đã ra khỏi ngục rồi, món nợ ân nghĩa coi như mình đã báo, có phải giết người vượt ngục hay không, đâu có quan hệ đến mình?

 

Vương Què quay phắt lại, giọng nói có hơi lớn hơn mức bình thường :

 

- Nói như thế là nghĩa lý làm sao? Lão Mù, năm xưa anh đâu phải có ý nghĩ như thế? Nếu chỉ vì chuyện báo ân, chỉ vì một chuyện làm cho Phí gia vượt ngục thì mình đã có thể cướp ngục được rồi, chuyện chi phải gian khổ đến tám năm? Nhưng tôi cũng không ép anh, muốn nghỉ, anh cứ tự do đi tìm chỗ nghỉ, chúng ta bây giờ có thể chia tay...

 

Đã nói riết một hơi mà vẫn còn chưa nguôi cơn giận, Vương Què cũng không thèm kể đến ngựa, hắn tung mình nhảy lên sau khi chống mạnh cây gậy vào phiến đá kế bên và chỉ mấy cái chạm chân xuống đất, bóng hắn mất hút ra phía ngoài con đường hẹp.

 

Cổ Mù vừa hé miệng muốn kêu, nhưng thính giác đã báo cho biết Vương Què đã lướt đi ra rồi, hắn thở ra và chắc lưỡi :

 

- Chuyện chi phải như thế, cái lão què này thật thì thôi! Tâm tình của ta, bao nhiêu năm dài ở bên nhau, hắn làm sao lại không biết? Huống chi mình cũng không hề có ý xấu, cũng đâu có cái sai nào?...

 

Hắn lầm bầm nói một mình, hình như hắn muốn nói ra, hắn không muốn để cái gì trong bụng, mặc dầu hắn biết lão Vương Què đã đi xa.

 

Cổ Mù bảo rằng mình đúng, nhưng Vương Què nhứt định cũng không thể chịu mình sai.

 

Vậy thì ai sai?

 

Không có ai sai, chỉ có điều quan niệm mỗi người mỗi khác về một vấn đề thế thôi.

 

Bao nhiêu năm nay, cả hai đều phải đối phó không biết bao nhiêu việc cam go, mục tiêu cũng hãy còn trước mắt, vì thế nếu không có chuyện bất đồng ý kiến.

 

Nhưng bây giờ thì khác, bây giờ chuyện thoát ngục của Phí Mộ Thư, bất cứ bằng cách nào họ cũng đều cảm thấy... thở phào.

 

Chính vì không có chuyện nặng trĩu trong lòng nên lại đâm ra có nhiều... ý kiến.

 

Nhưng bây giờ có muốn nói gì nữa cũng phải làm thinh, vì Vương Què đã mất dạng rồi.

 

Cổ Mù buồn buồn thúc ngựa đi chầm chậm, hắn không quên kéo theo con ngựa của Vương Què.

 

“Hồ Lô Cấu” lại chìm trong im lặng.

 

* * * * *

 

Ngôi mộ.

 

Đối điện với ngõ hẹp đi vào Hồ Lô Cấu là một đám rừng khá rậm.

 

Trong khu rừng rậm có một nấm mộ.

 

Từ ven rừng dẫn vào ngôi mộ có một con đường mòn ngoằn ngoèo lẩn khuất trong bụi rậm.

 

Trước mộ có một tấm đá, trên mặt có khắc chữ, nhưng bóng cây a tòng với bóng đêm làm cho tấm mộ bia không làm sao đọc được.

 

Rừng rậm không đèn, bóng tối càng đậm màu hơn trong thung lũng Hồ Lô Cấu.

 

Trên núi không có gì che cản, so với bên trong Hồ Lô Cấu gió mạnh hơn nhiều.

 

Trước ngôi mộ thâm thấp đó, có hai người đứng.

 

Một người cao cao vận áo đen, một người có tầm vóc trung bình mặc áo xám.

 

Hai người đứng trước mồ im lặng, không nghe họ nói tiếng nào, gió lớn về khuya thổi tốc hai tà áo nghe phần phật.

 

Thật lâu người áo đen lên tiếng, giọng nói trầm trầm thống thiết :

 

- Tiến Phúc, anh cho tôi biết lão nhân gia quá thế bao giờ?

 

Người áo xám đáp :

 

- Sau khi anh lâm nạn không bao lâu, tôi nhớ kỹ lão nhân gia ngọa bịnh vào ngày mùng năm, thuốc thang gần mươi ngày không chút nào thuyên giảm và lão nhân gia không qua khỏi được ngày rằm...

 

Người áo đen cúi mặt.

 

Người áo xám ngần ngừ một chút rồi lại nói :

 

- Từ ngày anh gặp người con gái đó, lão nhân gia vừa buồn vừa giận, kịp đến khi nghe anh lâm nạn, sự buồn rầu lo sợ càng làm cho đôi vai già không gượng nổi!

 

Người áo đen thấp giọng :

 

- Lão nhân gia đã hiểu lầm...

 

Người áo xám nói :

 

- Bất luận hiểu lầm hay không, chuyện anh thuê nhà ở chung với người con gái đó vẫn là sự thật. Chắc có lẽ anh cũng biết lão nhân gia đã xem anh như con đẻ, có bận anh đi suốt mấy năm, khi anh về, lão nhân gia chỉ mừng chờ dài có nói một tiếng nào?

 

Thế nhưng khi anh ở chung với người con gái đó thì lại khác, vì lúc đó, ngoài tình thương sẵn có lão nhân gia lại còn xem anh như một đứa con rể, cả Tú Cô cũng bằng lòng. Cho nên, sau khi anh ở chung với người con gái đó, chẳng những lão nhân gia buồn phiền mà cả những nhà lối xóm cũng nguyền rủa anh không tiếc một lời...

 

Người áo đen thở ra :

 

- Tiến Phúc, tôi không thể nói gì được nữa, xin anh cho tôi biết Tú Cô đi từ dạo nào?

 

Người áo xám đáp :

 

- Tôi nhớ đó là ngày mùng hai tháng hai, trong lòng Hồ Lô Cấu của mình tuyết hãy chưa tan, lúc đó không ai có thể giữ cô ta được nữa, ban đầu khi nghe tin dữ về anh, nàng đã không chịu nổi nhưng còn gắn gượng, đến lúc lão nhân gia qua đời thì nàng không làm sao gắn gượng, nàng khoc cho đến không còn nước mắt, đôi mắt ráo khô mà ngơ ngơ ngáo ngáo, nhìn người quen gần như không muốn nhận ra, may là có người này người kia hộ trợ, nếu không thì chắc cũng không còn...

 

Người áo đen chắc lưỡi :

 

- Thôi, anh đừng nói nữa, anh làm ơn cho tôi biết hoặc có ai biết nàng đi về đâu không?

 

Người áo xám lắc đầu :

 

- Không ai biết cả, ai hỏi, nàng cũng nhứt định không chịu nói, thật ra thì ngoài Hồ Lô Cấu, nàng đâu có quen biết một ai, chỉ sau khi đi ra rồi...

 

Người áo xám ngưng lại và hỏi gặn :

 

- Nhưng anh hỏi để làm gì?

 

Người áo đen đáp :

 

- Tôi muốn kiếm nàng.

 

Người áo xám quay lại :

 

- Anh vẫn còn kiếm nàng nữa hay sao? Nếu anh quyết kiếm nàng hồi trước kia...

 

Nhưng thấy mình hơi quá lời, người áo xám vội nín ngang...

 

Người áo đen cúi mặt làm thinh.

 

Lặng im một lúc người áo xám nói :

 

- Đêm đã quá khuya rồi, tôi phải đi về. Có lẽ anh nên vòng theo sườn núi, vì anh đã vượt ngục ra đây, tốt hơn hết là đừng nên cho người ta thấy mặt...

 

Hắn lại ngập ngừng một chút rồi nói tiếp :

 

- Anh cũng phải biết, có nhiều người đã vì sự thương tâm của lão nhân gia mà khó chịu, có nhiều người đã vì sự đau khổ của Tú Cô mà bất bình, bây giờ nếu họ thấy mặt anh có thể họ vì giận quá mà báo quan...

 

Người áo đen gật đầu :

 

- Tôi biết, xin cám ơn anh đã có lòng đưa tôi đến đây, anh cứ về và tôi cũng sẽ đi ngay.

 

Người áo xám do dự một chút rồi quay bước bỏ đi, vừa bước được hai bước, hắn quay trở lại :

 

- Anh biết hàng năm có một đoàn lạc đà đến mua bán và nhân tiện nghỉ chân tại đi, chính Tú Cô đi theo đoàn thương buôn đó.

 

Người áo đen hơi sửng sốt, nhưng cũng nói thật nhanh :

 

- Cám ơn anh, Tiên Phúc.

 

Người áo xám lắc đầu :

 

- Đừng cám ơn gì cả, anh hãy đi nhanh đi, đừng để cho ai ngó thấy.

 

Hắn quay mình bước thẳng về hướng ngõ vào thung lũng.

 

Người áo đen quay lại quì thụp xuống trước nấm mồ, trời tối lắm nhưng vẫn thấy được trên mặt hắn lấp lánh, không biết đó là nước mắt hay những giọt sương khuya.

 

* * * * *

 

Thừa Đức phủ.

 

Tuy cách xa Kinh sư, nhưng Thừa Đức phủ là một địa phương rộng lớn, thêm vào đó lại vốn là “Hành Cung” cố định của nhà vua mỗi khi di giá, cho nên thị trấn rất phồn hoa náo nhiệt.

 

Ngoài Hành Cung của nhà vua, Thừa Đức phủ còn là nơi thiết lập nhiều ngôi nhà nghỉ mát cho Hoàng Thất, chính vì có Hành Cung, có Biệt Phủ, nên việc làm ăn buôn bán phát đạt.

 

Phía mặt thành có một quán rượu lấy tên “Tửu quán Thập Lý Hương”.

 

“Đến mười dặm vẫn còn nghe mùi thơm”, quả thật, quán rượu “Thập Lý Hương” này đã được coi số nhứt của Thừa Đức phủ.

 

Vào khoảng gần giờ ngọ, trước quán ra vào khá đông người, nhưng đặc biệt có một người “dễ nhìn” hơn hết. Đó là một người bận áo đen, cỡi một con ngựa đen, tuy người ngựa thảy đều bám đầy bụi, chứng tỏ đến đây bởi khoảng đường xa, nhưng không vì thế mà giảm mất phong độ ngang tàng.

 

Người đó tầm vóc cao lớn, nhưng không thô lổ, ngựa quả là tuấn mã nhưng dáng cách rất thuần.

 

Người áo đen nhảy xuống yên, con tuấn mã được cột ở cổng, người đó cầm chiếc roi ngựa đi thẳng vào trong quán.

 

Tiểu nhị bước ra cúi đầu :

 

- Xin thỉnh...

 

Người áo đen khoát tay :

 

- Không, ta đến để tìm người họ Lạc, vị Hàng Chủ Dục Ký Thương Hàng.

 

Tên tiểu nhị gật lia :

 

- Có có... Lạc hàng chủ vừa mới tới và đang ngồi...

 

Vừa nói hắn vừa quay vào, nhưng người áo đen đã đưa chiếc roi ngựa ngăn lại :

 

- Không cần, cứ để ta vào gặp mặt.

 

Hắn đi thẳng vào trong.

 

Một bàn lớn dựa cửa sổ, ở đó có một người ngồi.

 

Đó là một trung niên khoảng ngoài bốn mươi, người mập mạp và nước da thật trắng.

 

Người áo đen bước ngay lại hỏi :

 

- Xin lỗi, chẳng hay tôn giá có phải là Hàng Chủ của Dục Ký Thương Hàng?

 

Người ngồi trong bàn vội đứng lên :

 

- Vâng, tại hạ họ Lạc, chẳng hay các hạ...

 

Người áo đen chận đáp :

 

- Tại hạ họ Phí, từ Liêu Đông đến đây.

 

Bằng tất cả dáng cách lịch lãm thương trường, Lạc hàng chủ kéo ghế ra vồn vã :

 

- A à... thì ra đây là Phí bằng hữu, chẳng hay bằng hữu định chuyên chở...

 

Người áo đen lắc đầu :

 

- Không, tôi không phải là người mua bán, tôi chỉ đến hỏi thăm một việc.

 

Lạc hàng chủ vẫn tươi cười :

 

- Vâng, vâng, xin Phí bằng hữu cứ tự nhiên. Nhưng chẳng hay bằng hữu muốn hỏi chuyện chi?

 

Người áo đen hỏi :

 

- Chẳng hay cách đây khoản sáu bảy năm về trước, vào đầu tháng hai, đội Lạc đà của Lạc hàng chủ có đến Hồ Lô Cấu ở Liêu Đông?

 

Lạc hàng chủ cau mặt :

 

- Đầu tháng hai... sáu bảy năm về trước?

 

Người áo đen gật đầu :

 

- Vâng, sáu bảy năm về trước.

 

Lạc hàng chủ lắc đầu cười :

 

- Lâu quá, không thể nào nhớ kỹ, chỉ có điều mấy mươi năm nay, Thương Hàng chúng tôi có thông lệ là nhân viên nghỉ tết dài hạn, đầu tháng hai không khi nào tụ về đông đủ, vì thế nhứt định không có năm nào khởi hành vào đầu tháng hai cả, bất cứ ai có gấp cũng không làm sao đi được.

 

Người áo đen nghiêng mình :

 

- Xin lỗi, đã làm phiền Lạc hàng chủ, tại hạ xin cáo từ.

 

Hắn chụp lấy cái nón rộng vành vừa đặt trên bàn định quay bước trở ra thì vị Hàng Chủ họ Lạc đã đưa tay ngăn lại :

 

- Phí bằng hữu, thường lai vãng việt Liêu Đông hãy còn mấy đội Lạc Đà khác nữa, những đội ấy tôi đều quen biết, chẳng hay bằng hữu định hỏi về chuyện chi?

 

Người áo đen đáp :

 

- Tôi có một người thân thích, tháp tùng theo đội Lạc Đà tại Hồ Lô Cấu hồi sáu bảy năm về trước, nhưng từ ngày ra đi đến bây giờ lại bặt tin luôn cho nên tôi muốn tìm để hỏi thăm.

 

Lạc hàng chủ gật đầu :

 

- A à... Như vậy thì Phí bằng hữu đi tìm thân thích.

 

Người áo đen gật đầu :

 

- Vâng, tại hạ muốn hỏi thăm tin.

 

Lạc hàng chủ cau mày trầm ngâm :

 

- Để tôi nhớ lại xem... Coi nà, phải rồi, thường qua lại con đường đó thì ở đây có ba Thương Hàng, nhưng cứ theo tôi biết thì hai đội kia cũng không bao giờ khởi hành khoảng tháng giêng tháng hai, chỉ có những người chủ trương làm ăn từng chuyến một, họ kết đội vầy đoàn, mua bán xong một chuyến hàng nhất định rồi thì giải tán, nhưng người chuyên làm ăn như thế ở vùng Trương Gia Khẩu nhiều hơn...

 

Người áo đen gặn lại :

 

- Trương Gia Khẩu nhiều hơn, nghĩa là ở Thừa Đức này cũng có?

 

Lạc hàng chủ gật đầu :

 

- Có thì có nhưng chỉ đôi ba người...

 

Ngay lúc đó, chợt có một thiếu niên từ ngoài chạy vào dòm quanh và thẳng lại bàn Lạc hàng chủ vòng tay :

 

- Bẩm chủ nhân, đội Lạc Đà của Hà Cửu Gia đã nhập thành. Ba quản sự sai tiểu nhân đến báo.

 

Lạc hàng chủ khoát tay :

 

- Ngươi về bảo Ba quản sự sắp xếp công việc rồi ta sẽ về ngay.

 

Tên thiếu niên quay ra. Lạc hàng chủ nói với người áo đen :

 

- Phí bằng hữu, vị Hà Cửu Gia đó từ Trương Gia Khẩu đến đây, vị đó giao du rộng rãi, chúng ta có thể đến hỏi thăm, may ra ông ta có biết được tin mà bằng hữu đang tìm.

 

Thái độ sẵn sàng giúp người của Lạc hàng chủ làm cho người áo đen cảm động nói :

 

- Đa tạ Hàng Chủ, nhưng tôi thấy quấy rầy nhiều quá...

 

Lạc hàng chủ khoát tay :

 

- Đâu có chuyện như thế. Tứ hải giai huynh đệ mà. Huống chi, công việc làm ăn của chúng tôi toàn nhờ vào bằng hữu giang hồ, giúp người nhưng thật sự là giúp cho chính mình đấy, xin Phí bằng hữu đừng ngại gì cả. Chúng ta đi.

 

Hắn gọi tiểu nhị tính tiền rồi đưa tay mời người áo đen đi ra khỏi quán.

 

Vừa thấy ngựa của người áo đen, Lạc hàng chủ đã vỗ tay khen :

 

- Tốt quá, đúng là giống “Đại Uyển”, giống ngựa này khó kiếm lắm...

 

Người áo đen cười :

 

- Lạc hàng chủ cũng sành về ngựa quá.

 

Lạc hàng chủ cũng cười :

 

- Không hẳn là sành đâu, Phí bằng hữu nên nhớ Trương Gia Khẩu vốn là “Mã Thị”, bằng hữu của tôi ở đó đông lắm, cứ nghe họ nói về ngựa mãi rồi không thạo cũng trở thành ra thạo, vả lại cứ nghe bôn ba xuôi ngược đường dài, mỗi ngày nghe một tí, không học mà vẫn thuộc.

 

Người áo đen dẫn ngựa đi song song với Lạc hàng chủ, hai người vừa đi thong dong vừa nói chuyện.

 

Ngoặc qua một khúc quanh, Lạc hàng chủ hỏi :

 

- Chẳng hay Phí bằng hữu lập nghiệp ở đâu?

 

Người áo đen đáp :

 

- Cám ơn Lạc hàng chủ có lời hỏi thăm, tôi chỉ là rày đây mai đó trong chốn giang hồ.

 

Lạc hàng chủ gật gật :

 

- Thảo nào, chỉ nhìn qua là thấy ngay khí độ bất phàm.

 

Người áo đen cười :

 

- Lạc hàng chủ nói khéo quá, tại hạ vốn là con người phàm phu thô lổ...

 

Lạc hàng chủ lắc đầu :

 

- Có người cũng cho giang hồ là như thế, nhưng riêng tôi, trên đường làm ăn, tôi đã gặp khá nhiều bằng hữu giang hồ, họ là những con người thẳng thắn, hào khí và cũng nhiều văn nhã, những người khác, cho dầu có muốn bắt chước theo phong độ hào hùng đó cũng không làm sao học được.

 

Người áo đen cười :

 

- Đó chẳng qua là Lạc hàng chủ thương mà nói thế thôi.

 

Lạc hàng chủ gật đầu :

 

- Nói thương thì tôi cũng không phủ nhận, người giang hồ tánh tình quả là dễ mến, nhứt là chuyện giao hảo với nhau, không phải giới giang hồ nhứt định không làm sao có được, bây giờ, nói đến nghĩa khí, nói đến thủy chung thì chắc chỉ kể được những nhân vật giang hồ.

 

Người áo đen đáp :

 

- Điều đó quả cũng có, nhưng chắc Lạc hàng chủ cũng có thấy sự hiểm ác của lòng người, trong giang hồ đâu đâu cũng có.

 

Lạc hàng chủ gật đầu :

 

- Tự nhiên, nhưng nếu nói về thâm độc, tàn nhẫn thì đâu phải riêng trong giới giang hồ, mà phải thấy đây đâu cũng thế, trái lại muốn tìm hào khí, tìm nhân nghĩa kim bằng là gần như chỉ tìm được trong giới giang hồ chớ không đâu ra cả.

 

Người áo đen cười :

 

- Lạc hàng chủ coi chừng đấy, nếu tại hạ làm ăn như Lạc hàng chủ thì chắc chắn sẽ căm thù bọn giang hồ nhiều lắm.

 

Lạc hàng chủ cũng cười :

 

- Phí bằng hữu khéo nói lắm, thật ra thì chuyện đó cũng có, nhưng còn phải tùy người.

 

Người áo đen nói :

 

- Trên mặt người ta không có viết chữ, nếu chờ cho chuyện xảy ra thì không làm sao đỡ kịp, tại hạ xin nói một câu thành thật, sau này khi có dịp giao tiếp với nhân vật giang hồ, mong Lạc hàng chủ nên thận trọng.

 

Lạc hàng chủ cười :

 

- Chỉ bằng vào một câu nói đó thôi, Lạc mỗ nếu không được kết giao với Phí bằng hữu thì quả là điều hối tiếc...

 

Ngưng một chút, ông lại hỏi tiếp :

 

- Chẳng hay tại hạ có thể được biết quí danh?

 

Người áo đen đáp :

 

- Không dám tại hạ tên Phí Độc Hành...

 

Lạc hàng chủ lập lại nho nhỏ :

 

- Phí Độc Hành...

 

Và hắn ngẩng mặt bật cười :

 

- Cứ theo danh mà xét thì chắc Phí bằng hữu thường chỉ một mình trong giang hồ có tính “độc lai độc vãng”!

 

Phí Độc Hành làm thinh, hắn nhếch môi nhưng không cười, hình như câu nói đùa của Lạc hàng chủ khiến cho hắn nghĩ đến hoàn cảnh của mình, hắn nghĩ đến bước đường đã qua và con đường trước mặt...

back top