Hóa Ra Bản Vương Mới Là Thế Thân

Chương 73: Đại án phủ Võ An công

Người chết là tân khoa học sĩ hai mươi năm trước, họ Lục, lúc đỗ đạt chỉ mới 17 tuổi, có thể nói anh tài ngút trời, không chỉ thơ văn như gấm, nghe nói còn tú cốt thiên thành, thanh tuấn thoát tục. Sau khi đăng khoa đề bảng sẽ bắt rể, có không ít đại quan quý nhân muốn bắt hắn về làm hiền tế.

Đáng tiếc sau tiệc Khúc Giang Trì ở rừng hạnh và đề danh ở Nhạn Tháp, học sĩ họ Lục này liền mất tung tích, mấy ngày sau có người vớt được xác hắn ở Khúc Giang Trì, đã trở thành xác chết trôi mặt mũi bất phân rồi.

Dù sao người chết cũng là một học sĩ, Kinh Triệu Phủ và Hình Bộ cũng bỏ công tra xét một phen, nhưng cuối cùng chẳng được gì, qua loa kết án, nói là học sĩ kia ban đêm du ngoạn ở Khúc Giang, vì say rượu mà ngã xuống nước chết đuối.

Lúc đó vụ án cũng coi như chấn động một thời, rất nhiều người suy đoán trong đó có nội tình khác, nhưng nếu phủ nha nhận định là ngoài ý muốn, nghị luận một lúc cũng phai nhạt đi.

Đến nay đã hai mươi năm, người nhớ rõ việc này không còn nhiều, chỉ có mấy bài thơ hắn làm vẫn được lưu truyền, đa phần mọi người nhắc đến khi đọc những câu thơ của hắn, đều than một tiếng "Người này bạc mệnh".

Nhưng vẫn có người cả đời này cũng không quên, mẫu thân già của hắn hơn bảy mươi đánh vang trống Đăng Văn, khiến án cũ hai mươi năm trước này chấn động triều dã.

Nhà bà lão ở thành Nam, từ sau khi nhi tử đuối nước liền điên điên khùng khùng, hễ gặp người là nói nhi tử mình không phải chết đuối, mà là đến phủ quyền quý nào đó dự tiệc, sau đó không trở về nhà. Mới đầu có người nghe bà nói chuẩn xác, trong lòng nửa tin nửa ngờ, nhưng bà không nói được rốt cuộc nhi tử đến phủ của ai, lúc thì nói là nhà Phùng Tể tướng, lúc thì nói là phủ Ninh Viễn Hầu, lúc lại nói là phủ Dụ Vương, tóm lại không xác định rõ ràng, dần dần cũng không còn ai tin.

Hiện giờ bà đánh trống Đăng Văn, khăng khăng cáo buộc là Võ An công.

Võ An công đang trong tình thế mất quyền lực rất dễ công kích, lợn chết không sợ nước sôi, Hoàng đế lệnh Hình Bộ và Đại Lý Tự tra tỉ mỉ, vừa tra vụ án hai mươi năm trước, vừa tìm nhân chứng thẩm tra đối chiếu, Lục học sĩ kia quả nhiên đã mất tích sau khi dự tiệc ở phủ Võ An công.

Không lâu, quản sự trong phủ cuối cùng đã khai cung sự thật, Võ An công coi trọng tài mạo song toàn của Lục học sĩ, nhốt hắn ở hậu viện, thuần hóa hắn như thuần đại bàng, học sĩ kia không chịu nổi sỉ nhục, cuối cùng dùng thắt lưng tự thắt cổ trên xà nhà.

Chân tướng thông cáo thiên hạ, trên dưới triều đình xôn xao.

Căm phẫn dâng trào nhất thuộc về Đại công chúa.

Tin tức truyền tới phủ Đại công chúa, nàng tức giận vỗ lên án thư "Bụp bụp", nói với thị nữ: "Lão súc sinh tiếng xấu muôn đời này, lão mị đáng chết, thiên đao vạn quả, ngũ mã phanh thây cũng không đền bù được nghiệp của lão, tiếc thay Lục công tử kinh tài tuyệt diễm kia..."

Thị nữ kia nặng nề hắng giọng.

Đại công chúa nói: "Cổ họng của ngươi không thoải mái à? Hôm qua bảo ngươi đừng tham uống trà lạnh, nhiễm phong hàn rồi đúng không..."

Thị nữ kia nhẹ nhàng lắc đầu, ra sức chớp mắt với nàng.

Đại công chúa hoài nghi nói: "Trong mắt có cát à?"

Dừng một chút nói: "Vừa nãy nói đến đâu nhỉ, đúng rồi, Lục công tử kinh tài tuyệt diễm..."

Nàng nắm tay lại, đập thật mạnh lên kỷ án: "Chỉ hận ta không thể sinh sớm hai mươi năm!"

Tiếng vừa nói ra, liền nghe phía sau truyền đến một tiếng cười lạnh: "Nếu sinh ra sớm hai mươi năm, công chúa sẽ thế nào?"

Đại công chúa toàn thân cứng đờ, trừng mắt với thị nữ kia.

Thị nữ hết cách, thi lễ với phò mã, nhanh chóng lui ra ngoài bình phong.

Đại công chúa chậm rãi xoay người: "Lang quân hôm nay trở về sớm thế, trong đài không có việc gì sao?"

Nàng ngày thường đều xưng tên tự, hoặc trực tiếp gọi hắn là phò mã, chỉ có khi bị bắt tại trận mới nũng nịu gọi lang quân.

Khuôn mặt tuấn tú của Thôi phò mã như kết sương: "Nếu Công chúa sinh sớm hai mươi năm, chắc là không có chuyện của tại hạ rồi."

Đại công chúa biết hắn lại ăn dấm, vội đứng lên, tiến lên ôm eo hắn dỗ dành: "Lang quân nói gì thế, chẳng qua ta tiếc hận Lục công tử kia tài cao..."

Thôi phò mã hất cằm nói: "Quý chủ luôn yêu tài như mạng, cầu hiền như khát."

Đại công chúa liền biết mình lại nói sai rồi, sửa lại lời: "Ta cũng không phải tiếc tài, là thương nghèo xót yếu, thấy lão mẫu của Lục học sĩ kia đáng thương, lúc nãy mới than thở một trận."

Thôi phò mã chỉ hừ lạnh một tiếng, quay mặt qua chỗ khác.

Đại công chúa kéo mặt hắn lại, nhẹ nhàng hôn một chút lên cánh môi hồng tươi bóng của hắn: "Sinh sớm hai mươi năm chẳng lẽ ta sẽ bỏ chàng sao? Nếu ta sinh ra sớm hai mươi năm, đương nhiên chàng cũng phải sinh sớm hai mươi năm, đề bảng bắt rể ta vẫn sẽ bắt chàng về."

Thôi phò mã ghét nhất bộ dạng không biết xấu hổ này của nàng, đỏ mặt tới vành tai, xấu hổ giận dữ nói: "Xảo ngôn lệnh sắc*!"

(Ji: *巧言令色 - nói khoa trương, vờ tử tế để lấy lòng người)

Đại công chúa nói: "Ôi ta cũng hết cách rồi, ai bảo Thôi lang của ta tài hoa như Tống Ngọc, dung mạo như Phan An chứ. Không đúng, Tống Ngọc Phan An làm gì bằng nổi chàng, ta thấy chàng nhất định là tiên quan hạ phàm..."

Nàng vừa nói vừa chọc vào chỗ mẫn cảm sau eo hắn.

Thôi phò mã nghiêm nghị không khuất phục, thần sắc vẫn lãnh ngạnh, bên eo lại bất tri bất giác mềm xuống.

Đại công chúa chọc hắn một lát, thu hồi tay: "Kể ra thì, lão mị đáng chết Triệu Tuấn kia tội ác chồng chất, lang quân không được tha cho lão."

Phụ trách án Võ An công là trung thừa Ngự Sử, nhưng chủ lực tra án lại là Thôi phò mã.

Phò mã liếc nàng một cái nói: "Nàng yên tâm, lần này lão đã đắc tội người đọc sách toàn thiên hạ, chạy trời không khỏi nắng đâu."

Dừng một chút nói: "Tam đệ kia của nàng thật sự không đơn giản, bản án cũ hai mươi năm trước, Hình Bộ và Đại Lý Tự đều đổi một nhóm người, người biết nội tình năm đó ít ỏi không có mấy, thế mà hắn cũng có thể điều tra ra."

Đại công chúa nhớ tới Hoàn Huyên, thở thật dài: "Chẳng bằng nói Hoàn gia bọn ta toàn sinh ra kẻ si tình, Triệu gia đây là chạm vào vảy ngược của Tam Lang.".

||||| Truyện đề cử: Tuyệt Phẩm Thiên Y |||||

Nàng chợt nheo mắt: "Người Hoàn gia bọn ta đều thâm tình như vậy, lang quân cũng nên yên tâm nhỉ?"

Thôi phò mã hừ lạnh một tiếng: "Tự dát vàng lên mặt."

......

Thôi phò mã nói không sai chút nào, vốn dĩ văn thần võ tướng trong triều nước sông không phạm nước giếng, Võ An công nhận hối lộ, tham gia tư đúc, phần lớn văn thần đều bàng quan, ngoại trừ Ngự Sử Đài trực tiếp tra án, chẳng ai rảnh bỏ đá xuống giếng. Nhưng chuyện bức gian học sĩ không bằng ngủ với thân nhi tử, đã chọc giận người đọc sách khắp thiên hạ.

Các triều thần lòng đầy căm phẫn, mấy trăm sinh đồ của Quốc Tử Giám và Thái Học liên danh đề thư thỉnh cầu nghiêm trị Võ An công.

Ồn ào huyên náo đến cuối năm, Ngự Sử đến Giang Nam kiểm chứng án trộm đúc cũng đưa tin về, Võ An công đích xác cấu kết tặc phỉ, tham gia tư đúc, chứng cứ phạm tội chồng chất như núi.

Đến thế này, cái đầu này của Triệu Tuấn ngay cả thiên tử cũng không giữ nổi.

Võ An công phải chết hẳn không thể nghi ngờ, nhưng những người trong phủ đi đâu về đâu lại không biết được.

Nếu xét tội danh của Triệu Tuấn, tịch biên hủy tộc cũng không quá, nhưng lão có một tổ phụ chiến công hiển hách, khoan hồng xử trí cũng chưa biết chừng.

Nguyễn phu nhân sứt đầu mẻ trán, không rảnh ôm nhi tử tàn phế khóc lóc, lau nước mắt chạy khắp nơi cầu tình. Võ An công phu nhân vốn dĩ đi đến đâu cũng là thượng khách chúng tinh phủng nguyệt, nhưng trước khác nay khác, hiện giờ phủ Võ An công xem ra sắp sụp đổ, gương mặt vốn dĩ tươi cười đón chào hiện giờ đều tránh bà như rắn rết, ngay cả mẫu gia phủ Ninh Viễn Hầu cũng không muốn đưa tay giúp đỡ.

Bà đã biết toàn bộ tai họa này đều do nhi tử thay Thái Tử phi xuất đầu, cũng biết Thái Tử Phi sau khi xong việc thuận nước đẩy thuyền muốn diệt khẩu, nhưng vào lúc cùng đường bí lối, bà vẫn chỉ có thể nhẫn nhục đến Đông Cung cầu kiến Thái Tử Phi.

Ai ngờ đã đệ thư vào, đợi trong gió lạnh ngoài cửa nửa ngày, không đợi được triệu kiến của Thái Tử phi, lại có một nội thị ra đến, trong tay ôm một hộp tráp vuông khoảng bảy tám tấc, hành lễ nói: "Phu nhân thứ lỗi, thân thể Thái Tử Phi nương nương có bệnh nhẹ, không tiện gặp khách."

Nói rồi đưa tráp qua: "Đây là chút tâm ý của nương nương, thỉnh phu nhân vui lòng nhận cho."

Nguyễn phu nhân cũng không thể khóc nháo trước Đông Cung, chỉ có thể cảm tạ tiếp nhận, ngậm nước mắt bước lên xe ngựa.

Hộp tráp nặng trĩu, bà vừa lên xe mở ra xem thử, lại là một tráp đầy nén bạc.

Nguyễn phu nhân cười lạnh một tiếng, nói với tỳ nữ: "Nàng ta tống cổ cô mẫu là ta như ăn mày đây mà!"

Dừng một chút, nghiến răng nghiến lợi nói: "Trái lại ta muốn xem nàng có thể phong quang đến lúc nào!"

back top