Nam Quốc Sơn Hà

Chương 4: Oan này dẫu có kêu trời cũng xa -(Ðoạn-trường tân thanh) -

Minh-Ðệ đinh ninh rằng Trương-tuần Huy đã nhận ra nàng, nên nàng không nói, không rằng, theo anh ta cùng đám đệ tử Trung-nghĩa về dinh hầu tước. Ðám Hợp, Phúc, Ðức, Ðạt vênh váo dắt trâu đi. Bà Ðinh lẽo đẽo theo sau. Năm đứa trẻ theo bén gót.
Khoảng hơn nửa giờ thì tới nơi. Trong sân dinh, đệ tử chia làm nhiều toán đang tập võ. Toán thì đánh côn, múa kiếm, toán thì đấu quyền. Khi thấy Trương-tuần Huy dẫn Minh-Ðệ cùng trâu trở về, họ đều ngừng tay, trố mắt nhìn nàng. Một trung niên nam tử tuổi trên bốn mươi cầm dùi đánh ba tiếng trống, lập tức đám môn sinh ngừng tậy, im lặng vào đại sảnh đường, theo thứ tự ngồi.
Ghi chú:
Bấy giờ làng Sủi thuộc tổng Dương-quang, lộ Kinh-Bắc. Sau đổi là Siêu-loại. Nay là xã Phú-thị huyện Gia-lâm, Hà-nội. Xã Phú-thị phía Tây-Bắc giáp xã Phù-đổng, Dương-xá, Ðặng-xá. Ðông giáp xã Dương-quang. Trước năm 1945 xã thuộc huyện Giia-lâm, tỉnh Bắc-ninh. Xã Phú-thị là đất văn học có tiếng: Nguyễn Huy-Cận (1728-1780) trong khoa thi 1780, đáng lẽ ông đỗ trạng nguyên, nhưng vì bài làm thất cách, phải giáng xuống đồng tiến sĩ; ông là nhà thơ, nhà văn có tiếng. Nguyễn Huy-Lượng đỗ hương cống thời Lê, đã có thời làm quan với Trịnh. Sau ông làm quan cho nhà Tây-sơn. Tác phẩm của ông được truyền tụng nhiều nhất là bài «Tụng Tây-hồ phú. Giòng họ Cao ở Phú-thị cũng lắm người nổi danh: Cao Huy-Diệu, đỗ đầu thi hương năm 1807. Cao Bá-Ðạt (?-1854), Cao Bá-Quát (1808-1854), con Bá-Ðạt là Cao Bá-Nhạ. Hồi ấy các xã Phú-thị (Sủi, Siêu-loại), Dương-xá, Ðặng-xá, Dương-quang là ấp phong của Siêu-loại hầu. Theo quan chế triều Lý, khi một vùng được phong cho ai, thì ấp ấy coi như một nước nhỏ, hoàn toàn là sở hữu chủ của người được thụ phong. Những chánh tổng, lý trưởng đều do hầu tước chỉ định để thu thuế cho ông ta. Vì vậy Minh-Ðệ bị tội, thì giải về dinh hầu tước,rồi để cho lý dịch xử, sau đó đệ lên cho hầu xử chung thẩm.
Một đứa bạn của Minh-Can chỉ Minh-Ðệ nói nhỏ:
– Minh-Can này. Trông cô nàng đẹp đấy chứ, nhưng sao tướng hơi giống con chị ngẫn ngờ của của Minh-Can quá. Hay là y thị?
– Anh nói lạ.
Minh-Can trả lời: Mới sáu tháng qua, bộ y thị tu tiên lột da hay sao mà đang đen thủi đen thui, dáng đi lạch bạch như con vịt, béo ị như lợn, nay người thon, da trắng, môi hồng, tư thái ôn nhu văn nhã thế kia? Vả lại mấy tháng trước, chúng mình thường gọi thị là cái bị thịt, mỗi khi buồn thường đem ra đấm đá cho vui, thị chỉ biết khóc, sao thị có thể đả bại thập bát thái bảo trường Trung-nghĩa là sư huynh Trịnh Phúc?
Minh-Ðệ thấy tình hình người người vào đại sảnh, nàng nghĩ thầm:
– Họ tập hợp làm gì đây? Thôi hẳn là để xem ta bị hành tội chắc? Nghiệp quả, nghiệp quả, ta cũng đành nhắm mắt đưa chân, đến đâu hay đến đó.
Lát sau, nàng thấy các chức sắc, tiên chỉ, thứ chỉ, kỳ mục, lý trưởng, phó lý, khán thủ, lục tục kéo đến, ngồi ở dẫy ghế đầu của đám môn sinh Trung-nghĩa.
Trung niên nam tử đánh trống ban nãy cung tay chào khách rồi nói:
– Thưa các cụ chức sắc, các cụ tiên thứ chỉ cùng các vị chức dịch trong làng. Hiện sư phụ chúng tôi trẩy Thăng-long chưa về. Tôi là Ðoàn Quang-Minh, trưởng tràng, xin có lời kính trình các cụ. Hôm nay là ngày mừng thượng thọ của sư phụ chúng tôi. Anh em chúng tôi định hạ trâu mừng. Không ngờ con trâu bỏ chạy, rồi bị người ta bắt trộm. Ðệ thập bát sư đệ của tôi là Trịnh Phúc, dẫn các sư đệ Vũ Ðức, Vũ Ðạt cùng ông bà Ðào Hợp đuổi theo bắt trâu về, thì bị người trộm trâu đả thương. Tôi phải nhờ trương tuần dẫn mười đệ tử mới tróc nã được thủ phạm về cho làng xử. Vậy xin trao thủ phạm cho các cụ.
Anh ta chỉ vào Minh-Ðệ:
– Kẻ trộm trâu, đánh người là cô này.
Cụ tiên chỉ nguyên là một quan văn về hưu. Cụ vuốt râu hỏi:
– Phạm trường ở đâu?
– Thưa là sân chùa Từ-quang.
– Chùa Từ-quang ư? Chùa này nổi tiếng đạo đức khắp vùng, sao lại có trộm ẩn náu trong chùa. Tại sao không trình sư cụ giải quyết có phải êm đẹp không?
Quang-Minh đáp:
– Thưa cụ, sư trưởng vân du xa, ở nhà mọi việc do bà Ðinh trông coi. Chúng tôi có mời bà đến làm chứng đây. Xin cụ hỏi bà.
Cụ tiên chỉ quay sang bà Ðinh:
– Cô này làm gì ở trong chùa?
– Thưa cụ, cô ấy làm công quả cho chùa từ lâu rồi. Khi thầy chúng tôi đi kiết hạ, có giao cho cô với tôi trông coi chùa.
– Bà thuật cho tôi nghe từ đầu đến cuối sự việc xẩy ra.
Bà Ðinh thuật từng ly từng tý, từ khi con trâu chạy vào chùa cho đến khi bà cùng Minh-Ðệ bị bắt về đây. Nhưng bà không biết võ, nên khi thuật tới chỗ hai bên động thủ bà lướt qua.
Cụ tiên chỉ hỏi đám trẻ:
– Chúng bay là học trò, khi ta hỏi phải khai thực. Thế sự việc xẩy ra như thế nào?
Trần Ninh nhanh nhảu thuật lại từng chi tiết một.
Cụ tiên chỉ hỏi cung Trịnh Phúc, cùng anh em Vũ Ðức, Vũ Ðạt. Sau khi nghe xong, cụ phán:
– Trong vụ này có hai sự việc. Sự việc thứ nhất là cô gái kia bị cáo trộm trâu, sự việc thứ nhì là thị cùng đệ tử trường Trung-nghĩa đánh nhau. Việc thứ nhất, thì xã chịu trách nhiệm phân xử. Còn việc thứ nhì nằm trong luật lệ võ lâm, xin để Siêu-loại hầu chủ trì.
Ông hỏi:
– Con kia, họ gì? Quê ở đâu? Bố mẹ là ai?
Minh-Ðệ thấy em mình, cùng bạn chúng thường đánh đập nàng mà cũng không nhận ra nàng, nên nàng nghĩ thầm:
– Sự việc đã như thế này, thì mình phải nói dối, để tránh tai vạ cho bố mẹ.
Nghĩ vậy nàng nói:
– Thưa cụ cháu mồ côi từ nhỏ, không biết bố mẹ là ai, chẳng biết họ gì. Cháu bị người dì bán cháu làm nô bộc cho người ta ở trấn Thanh-hóa, chủ đặt tên cho cháu là Yến-Loan. Nhân vì chủ ác độc, cháu bỏ trốn lên chùa xin làm công quả, để chuộc tội cho bẩy kiếp phụ mẫu.
Ông chỉ vào mặt Minh-Ðệ:
– Thì ra quân trốn chúa lộn chồng đây.
Ông hỏi lại:
– Những lời cáo buộc của bên nguyên là Trịnh Phúc có chỗ nào sai không?
Minh-Ðệ lắc đầu:
– Không.
– Thế là được rồi.
Cụ đứng lên chỉ tay vào mặt Minh-Ðệ:
– Thấy trâu của người ta chạy, đáng lý mi không được mở cổng chùa cho nó cho vào. Khi mi mở cổng cho nó vào hẳn có ý định bắt lấy, thế là tà tâm muốn chiếm đoạt, tức tội trộm. Rồi khi người ta đòi trâu, mi muốn giữ lại, không cho đem trâu về giết, lại một lần nữa có gian ý công khai chiếm đoạt, thế là mang tội cướp. Sau đó mi ỷ võ công cao, đánh ba người đến bị thương. Người ta bỏ chạy, đáng lẽ mi phải đem trâu giao cho xã để trả lại cho chủ mới phải. Ðây mi lại giữ trong bãi cỏ của chùa, thế là có ý cưỡng đoạt công khai. Trước sau, mi phạm một lần tội trộm, hai lần tội cướp. Theo bộ Hình-thư của bản triều, thì tội trộm trâu bị lao dịch trong quân một năm. Hai lần tội cướp, bị đầy đi xa nghìn dặm. Vậy phải đợi quân hầu về xử.
Ghi chú:
Các nhà làm luật triều Lê, triều Nguyễn thường bị ảnh hưởng của luật Trung-quốc. Như bộ luật Hồng-Ðức bị ảnh hưởng rất lớn của bộ luật triều Minh. Bộ Hoàng-Việt luật lệ của triều Nguyễn không những bị ảnh hưởng luật triều Thanh, mà đôi khi còn chép nguyên văn những điều vô lý trong luật Trung-quốc đã lỗi thời, không còn xử dụng tới. Luật triều Lý được soạn thảo bởi các vị vua Phật-tử, nên đặt nặng vấn đề nhân trị, các hình phạt thường rất nhẹ. Tuy nhiên, vì đương thời triều đình rất quan tâm đến canh nông, do đó phạt nặng những kẻ trộm trâu. Sau này Minh-Ðệ lên làm Linh-Nhân hoàng thái hậu, bà đã nghiêm cấm, cùng ra lệnh phạt những kẻ giết trâu rất nặng. Hậu thế không ai hiểu tại sao cả. Chỉ độc giả Nam-quốc sơn-hà mới rõ ngọn nguồn mà thôi.
Bà Ðinh nói:
– Bẩm cụ tiên chỉ, thực oan uổng. Cô cháu đây làm công quả ở chùa, nên thâm nhiễm Phật pháp, vì vậy thấy trâu bị đuổi cùng đường, nên nảy từ tâm mở cửa cho nó vào. Thưa cụ, con trâu này có linh tính lắm, nó nằm phục trước thềm chùa khóc rống lên thảm thiết, nên cô cháu xin mua lại con trâu, nhưng các cậu này không chịu, ba người cùng ông bà hương Hợp xúm vào đánh cô ấy, chứ cô ấy đâu đó đánh trước?
Ðám trẻ nhao nhao lên:
– Thưa cụ tự mấy anh ấy cậy có võ đánh người trước, rồi chị cháu mới phải đánh lại đấy chứ? Thưa cụ như vậy là tự vệ. Tự vệ là không có tội.
Cụ thứ chỉ vẫy tay cho đám trẻ im lặng:
– Ta chỉ xử tội cướp trâu thôi. Còn chuyện đánh nhau để quân hầu xử.
Cụ hỏi Minh-Ðệ:
– Mi định hỏi mua trâu, thế mi có tiền không?
Minh-Ðệ gật đầu:
– Bẩm cụ có ạ.
Trịnh Phúc cười nhạt:
– Thưa các cụ, cháu nhìn cái ngữ cô này, thì e đến một đồng dính túi cũng không có, thế mà thị đòi mua trâu. Vì vậy cháu mới đoán ra rằng y thị muốn trộm trâu, cho nên sư đệ Vũ Ðạt mới giằng lấy trâu, rồi bị y thị đánh. Bẩm các cụ, nếu tính rẻ ra, thì con trâu mộng này đáng giá đến hai lạng bạc đấy ạ. Y thị làm gì có.
Cụ tiên chỉ hỏi Minh-Ðệ:
– Mi có hai lạng bạc để trả tiền mua trâu không? Nếu mi trình ra được hai lạng bạc, thì ta cải tội danh trộm cướp ra tội cưỡng mại, thì mi chỉ bị đánh đòn thôi.
Minh-Ðệ móc cái túi nhỏ, may phía dưới nách, trong vạt áo trước lấy ra một nén bạc. Nén bạc này ở trong số ba nén vàng và mười nén bạc, mà ông bà họ Trần cho nàng hôm trước. Nàng trao cho Trịnh Phúc:
– Ðây, nén bạc này nặng tới mười lạng. Tôi trả anh hai lạng để mua trâu, còn tám lạng, xin anh hoàn cho tôi.
Mọi người mở to mắt ra ngạc nhiên, ngay bà Ðinh cũng ngơ ngẩn cả người. Ông tiên chỉ nhìn ông thứ chỉ, ông thứ chỉ nhìn lý trưởng, cả ba không biết giải quyết sao. Nếu vẫn cứ bắt tội người con gái này, thì ra già đầu, làm quan mà nuốt lời với dân gian sao? Còn như tha tội cho y thị thì thực trái với luật lệ.
Cuối cùng ba cụ đành phải giữ lời hứa. Cụ tiên chỉ nói:
– Như vậy thị Yến-Loan được tha tội trộm, tội cướp, mà chỉ bị tội dùng lực cưỡng bức mua hàng mà thôi. Tội này thì phạt đánh hai mươi trượng.
Trịnh Phúc nói với Minh-Ðệ:
– Mua, hay bán là sự thỏa thuận giữa kẻ bản, người mua. Ta đâu có đồng ý bán trâu cho mi. Ta trả bạc cho mi đây.
Nói rồi y đưa bạc cho Minh-Ðệ.
Cụ tiên chỉ vẫy tay cho trương tuần Huy:
– Nọc cổ Yến-Loan ra đánh đủ hai mươi trượng.
Trương tuần Huy dạ, rồi chỉ chỗ trống phía trước:
– Yến-Loan nằm xuống thụ hình.
Ðám trẻ nhao nhao lên phản đối, thằng Quang nói:
– Thưa cụ hai mươi trượng đó, cụ để cho năm đứa cháu chị thay cho chị cháu được không ạ? Mỗi đứa chúng cháu chịu năm trượng, như vậy là đủ rồi. Xin cụ bằng lòng cho chúng cháu lĩnh đòn thay chị chúng cháu.
Nói rồi năm đứa nằm dài ra.
Minh-Ðệ vẫy tay:
– Chị cảm ơn em. Em cứ để cho chị chịu đòn.
Minh-Ðệ thấy thoát được trọng tội, lại không liên quan đến bố mẹ thì vui mừng chi siết kể. Nàng nằm dài xuống đất, hai tay buông xuôi. Chợt nhớ đến lời dạy của vợ chồng quý nhân:
"Can chủ cân. Tỳ chủ cơ nhục, khi bị trúng đòn dù bằng quyền, bằng chưởng hay bàng côn, bằng roi, thì gân thịt tổn thương đầu tiên. Vì vậy cần hít một làn khí, rồi dẫn lực về can kinh, tỳ kinh, thì có thể chống lại đau đớn".
Ghi chú:
Lý thuyết y khoa "Ngũ tạng sở chủ" này, ngày nay vẫn còn giá trị. Ngũ tạng sở chủ là: Can (gan) chủ cân (gân), tỳ chủ nhục (thịt), thận chủ cốt (xương), tâm (tim) chủ mạch, phế (phổi) chủ bì (da) mao (lông).
Bây giờ Minh-Ðệ sắp bị đòn, nàng vội vận khí về can kinh, tỳ kinh rồi chuyển qua mông, trong khi nàng bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn, Lục-tặc, không tâm theo Bát-nhã.
Ghi chú:
Ngũ-uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Lục-tặc là sáu kẻ cướp, lời tỷ dụ để chỉ Lục-trần từ ngoài nhập vào gồm Sắc, Thanh, Hương, Vị, Súc, Pháp, do Lục-căn tiếp thụ là Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý. Ðây là những danh từ trong kinh Phật, đã giảng giải rõ trong bộ Anh-hùng Tiêu-sơn và Thuận-thiên di sử của Yên-tử cư-sĩ.
Một tên tuần đinh cầm côn dơ lên cao đánh thẳng xuống. Mọi người im lặng theo dõi. Bộp một tiếng, tiếp theo tiếng rắc, cây côn bằng gỗ lim gẫy làm đôi, cả hai khúc đều bay bổng lên cao. Viên tuần đinh ôm tay nhăn nhó tỏ ra đau đớn vô cùng.
Ðại sảnh đều kêu lên những tiếng kinh ngạc.
Trương tuần Huy hỏi:
– Sao vậy?
– Không hiểu nữa.
Trương tuần Huy gọi viên tuần đinh khác. Anh này lực lưỡng hơn anh trước. Anh ta cầm côn dơ thực cao rồi nện xuống. Chát một tiếng, cả cây côn vượt khỏi tay anh ta bay lên trúng xà nhà đánh bốp. Còn anh ta ngã ngồi ra sau, hai tay đau đớn vô cùng.
Cả đại sảnh la lớn kinh hoàng.
Bỗng một người học trò vào cung tay nói với cụ tiên chỉ:
– Thưa cụ, sư phụ cháu đã về.
Cụ tiên chỉ vẫy tay cho trương tuần Huy:
– Cho ả đứng dậy, tạm ngưng hành hình.
Từ cụ Tiên-chỉ cho đến chư đệ tử đều đứng dậy cung tay hành lễ. Siêu-loại hầu bước vào đại sảnh đường, đáp lễ mọi người. Sau khi mọi người an tọa, ông nói lớn:
– Tôi xin loan báo cho các vị biết hai tin mừng. Tin thứ nhất liên quan đến Bắc-cương, đó là vụ Tống chuẩn bị binh lương, vũ khí, đe dọa ta ở biên giới. Triều đình gửi mười đạo Thiên-tử binh của chúng ta, do ngài Thái-tử thiếu bảo, tả kiêu vệ thượng tướng quân, Thái-hà hầu Lý Thường-Kiệt dẫn từ Thăng-long lên tiếp viện cho vua bà Bình-Dương. Quân ta vượt biên làm rung động giang sơn Ðại-Tống, khiến Tống phải nhượng bộ.
Ông ngừng lại, chỉ lên bản đồ biên giới Hoa-Việt:
– Theo tin tức của của ngài Ðại-tư-mã Bắc-biên Thân Thiệu-Cực, thì bọn biên thần Tống như Dư Tĩnh, Lý Sư-Trung, Tiêu Cố, Tiêu Chú vâng mật chỉ của triều đình Tống chuẩn bị xâm lấn ta. Kế hoạch của chúng rất độc. Trước hết làm sao chiếm dần 207 trang động Bắc-biên, tức hàng rào bảo vệ biên giới Hoa-Việt. Khi các trang động này thuộc Tống hết rồi, thì chúng như con hổ ngồi nhìn thẳng vào Thăng-long. Bấy giờ dù ta có binh hùng, tướng mạnh cũng không giữ nổi. Chúng không dấu diếm, nào mộ quân, luyện quân, đóng chiến thuyền, rèn vũ khí làm áp lực; nào mua chuộc các trang chủ, động chủ theo chúng. Ðã có nhiều trang động phải theo Tống. Vì vậy ta phải đánh tan âm mưu này.
Hội trường im phăng phắc. Hầu tiếp:
– Quốc-công Thân Thiệu-Cực bàn mưu: Ta phải làm cách nào nhử cho bọn biên quan Tống vượt biên đánh sang mình, mình phá tan đạo quân ấy trên đất Việt, rồi thừa thế đánh tràn sang chiếm lại các vùng đã mất. Như vậy mình mới có cớ nói với triều Tống. Long-thành ẩn-sĩ Tôn Ðản hiến kế rằng hiện quân Tống đóng ở vùng Ung-châu. Vậy ta không vượt biên đánh sang châu Ung. Ta nên dùng hư binh vượt biên đánh sang Khâm-châu. Tất nhiên Tống triều lệnh cho biên thần Quảng-Tây nghinh chiến. Bọn này nghĩ rằng đem quân từ Ung tiếp viện Khâm thì xa quá, chi bằng vượt biên ồ ạt đánh sang Lạng-châu, tất quân ta phải rút về giữ nhà. Vì vậy khi chúng vào đất Việt, ta dùng chính binh bao vây diệt chúng. Sau khi diệt chúng rồi, ta ồ ạt vượt biên đánh sang. Như thế ta mới có chính nghĩa.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
– Sau khi nghị kế, thì quân ta chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất đánh sang Tống là hư binh. Cánh thứ hai chờ quân Tống nhập địa rồi phản công mới là thực.
Ông lại chỉ lên bản đồ:
– Cánh thứ nhất do Long-thành ẩn sĩ Tôn Ðản, cùng phu nhân là công chúa Ngô Cẩm-Thi chỉ huy. Cánh này có Tả-kiêu vệ thượng tướng quân Lý Thường-Kiệt; trấn Bắc đại tướng quân Tôn Mạnh, Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên; bình Nam đại tướng quân Tôn Trọng, công chúa Vạn-Hoa Ðào Phương-Hồng; Trấn-vũ thượng tướng quân Tôn Quý, Khâm-Minh quận chúa Phùng Kim-Thanh; Bình-tây thượng tướng quân Trần Anh, Quận chúa Tĩnh-Ninh. Cánh này đánh Khâm-châu. Bọn Nam thần Tống cố thủ không dám nghênh chiến. Quân ta vây phủ bên ngoài, đóng dài từ châu Vĩnh-an tới Khâm-châu; từ châu Tô-mậu tới châu Cổ-vạn (5). Chỉ hai ngày Cổ-vạn thất thủ, tướng trấn thủ là Lý Duy-Tân bị giết. Ba ngày sau châu Tư-lẫm lại bị chiếm. Quân ta vây Khâm-châu. Nhưng đêm đó, tất cả mười tám viên quan trấn thủ Nam biên Tống, chủ trương việc lấn chiếm lãnh thổ Ðại-Việt đều bị giết chết. Cả bố mẹ, vợ con, anh em, tôi tớ, cho đến lừa ngựa, chó mèo, gà vịt của chúng cũng bị giết. Quân Tống không người chỉ huy, mở cửa thành đầu hàng. Long-thành ẩn-sĩ ra nghiêm lệnh: tuyệt đối cấm đánh, cấm hành hạ thể xác tù binh, dân chúng. Bất cứ binh sĩ nào phạm vào tài sản của dân chúng, dù chỉ một con gà, một mớ rau thì cấp chỉ huy trực tiếp từ sư trưởng trở xuống đều bị cách chức, kẻ phạm tội sẽ bị chém đầu... Quả nhiên cánh quân này làm rung động triều Tống. Triều Tống ban chỉ cho An-vũ-sứ Quảng-Tây đem quân đánh sang Ðại-Việt để tra thù, như vậy bắt buộc đạo binh thứ nhất phải rút về.
Ghi chú:
Biến cố này xẩy ra năm 1059-1060, sử Việt không thấy chép, nên tôi thuật theo sử của Trung-quốc. Mà Lý Ðào, trong TTTTGTB, quyển 188, quyển 190 thuật sơ lược. Còn bộ QTNC và TTCTGCK lại thuật rất chi tiết. Tôi viết theo ba bộ này.
Mọi người suýt xoa vỗ tay, rồi nhao nhao lên:
– Xin quân hầu tiếp cho.
– Ừ, thì tiếp. Cánh thứ nhì đích thân vua bà Bình-Dương với Phò-mã Thân Thiệu-Thái chỉ huy, đóng ở động Giáp; quân sư là Ðại-tư-mã Bắc-biên, Hữu kim-ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc công Thân Thiệu-Cực. Chư tướng gồm: Thái-tử thiếu phó, Phong-châu tiết độ sứ, Long-nhượng đại tướng quân, Thuần-nghĩa quốc công Lê Thuận-Tông, công chúa Kim-Thành ẩn ở trong rừng, đợi gặc vào nước, thì đánh chặn phía sau, cắt đường tiếp tế lương thảo; Thái-tử thiếu sư, Thượng-oai tiết độ sứ, Hổ-uy đại tướng quân, Thuần-tín quốc công Hà Thiện-Lãm với Công chúa Trường-Ninh; đợi quân Tống vượt biên thì đánh tràn sang, phá hậu cứ chúng. Quả nhiên khi cánh thứ nhất của Long-thành ẩn-sĩ làm rung động triều Tống. Triều đình ban chỉ cho An-vũ-sứ Quảng-Tây đem quân nghinh chiến. Tướng Tống là Ðô-giám tuần kiểm Tống Sĩ-Nghiêu đem quân vượt biên đánh vào Lạng-châu. Khi chúng vào sâu rồi thì gặp cánh quân của vua Bà. Trận chiến diễn ra trong hai ngày. Sang ngày thứ ba thì có tin báo cho Tống Sĩ-Nghiêu biết đạo quân của Thượng-oai đã vượt biên chiếm huyện Như-ngao thuộc Ung-châu. Ðạo quân của Phong-châu chặn mất đường về, lương thảo bị cướp hết.
Tiếng mọi người ào ào:
– Cho bọn chó Ngô cướp nước chết.
Siêu-loại hầu dơ tay vẫy vẫy ra hiệu im lặng:
– Quân Tống náo loạn tan vỡ, Sĩ-Nghiêu bỏ ngựa theo đường rừng trốn về Ung-châu cùng vài tùy tòng thân tín. Bây giờ hai đạo quân Lạng-châu, Thượng-oai mới quay lại vượt biên đánh sang Tống. Tống đem đại binh nghênh nghiến, nhưng đương thế nào nổi quân ta? Các đại tướng Tống là Tả-thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Lý Ðức-Dụng, Bát-tác-sứ Tả Minh, Hữu-lãnh-vệ đại tướng quân Hà Nhuận, Thiên-ưng đại tướng quân Trần Bật, Ðô-giám tuần kiểm Tống Sĩ-Nghiêu đều tử trận (TTTTGTB, q 194). Thuận thế ta đánh chiếm châu Tây-bình, chiếm trại Vinh-bình (TTTTGTB, q 192). An-vũ-sứ Quảng-Tây phải xin đem quân từ Bắc Kinh-hồ tiếp cứu. Nhưng viện quân chỉ nghinh chiến được một trận lại bị phá tan. Tướng chỉ huy là Dương Lữ-Tài bị bắt sống. Tổng trấn Nam-thùy Tống là Dư Tĩnh xin Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai tiếp cứu. Vương tâu về triều rằng mình không đủ quân đánh Ðại-Việt; xin ban chỉ cho Tĩnh phải nghị hòa với Ðại-Việt để xin lui quân.
Ông ngừng lại uống nước, làm mọi người muốn ngừng thở. Ông tiếp:
– Triều đình Ðại-Việt không hề muốn chiếm đất Tống, nên khi thấy Tống xin nghị hòa, vua Bà đưa ra ba điều kiện: một là phải cách chức hết bọn biên thần Tống gây hấn gồm tổng trấn thủ Quế-châu là Tiêu Cố, Ung-châu là Tiêu Chú. Hai là phải trả ta ba khê động mà động chủ bị Tiêu Cố ép theo Tống. Ba là tự hậu quân Tống không được đi tuần tiễu như đe dọa ta ở biên gới. Tống thuận điều một và ba, còn điều hai thì Dư Tĩnh không chịu, bởi Dư coi như việc bức khê động rời Việt theo Tống là đường lối của triều đình. Rõ ràng Tống sai Tiêu Chú chuẩn bị đánh Ðại-Việt, mà bây giờ triều đình đành ban chỉ kể tội hai viên quan này rằng "Ðã không có tài, lại còn tự chuyên gây hấn. Khi gây hấn rồi, không đủ tài chống đỡ" (TTTTGTB, q 192). Nhưng Phò mã Thân Thiệu-Thái viện lẽ "Tướng ngoài trận không nhất thiết nghe lệnh vua" chưa chịu rút lui. Vua Bà còn đem thêm quân Việt sang, để tỏ ý cương quyết (TTTTGTB, q 192). Ðứng trước việc này hai viên tổng trấn Nam-thùy là Dư Tĩnh, Lý Sư-Trung bàn nhau đánh lớn (TS, q 320).
Hầu mỉm cười:
– Binh lực, tướng sĩ Tống không đủ đánh với ta, Dư Tĩnh gửi sứ xui Chiêm-thành đánh phía sau ta (TS, q 488), nhưng Chiêm-thành không dám khởi binh. Cùng đường Dư Tĩnh đành chịu cả ba điều, và xin nghị hòa. Vì Tĩnh ra lệnh cho Tiêu Cố, Tiêu Chú, nên y không thể hài tội hai tên này. Y nhận lệnh trực tiếp từ Tống triều, nên y cũng không thể nói ra. Y đành để cho Lý Sư-Trung dâng biểu kể tội Tiêu Chú "Hà hiếp man dân, bắt dân tìm vàng, đến nỗi mất lòng dân" còn việc chuẩn bị binh lực đánh Ðại-Việt thì Dư Tĩnh tâu rằng "Các viên tướng Nam-biên ham lập công". Triều đình Ðại-Việt gửi quan Tham-tri bộ Lễ (ngày nay là thứ trưởng ngoại giao) tên Phí Gia-Hữu lên biên giới nghị hòa với Dư Tĩnh. Dư hối lộ Gia-Hữu rất nhiều vàng bạc để xin thả tướng Lữ-Tài. Gia-Hữu nhận vàng bạc, đem về dâng triều đình. Hoàng-thượng chuẩn cho hòa, thả Lữ-Tài (ÐVSKTT,Lý kỷ, Thánh-tông kỷ, VSL) nhưng đem năm tên người Việt dâng đất cho Tống lên biên giới chém đầu. Bấy giờ Hoàng-thượng mới ban chỉ cho quân Ðại-Việt rút về.
Ghi chú:
Tất cả các biến cố này ÐVSKTT chép rất sơ sài như chú giải 6
Ông tiên chỉ hỏi:
– Thưa quân hầu, ban nãy hầu nói khi quân Ðại-Việt vừa vượt biên thì các tướng Tống cùng gia đình, chó mèo, gà vịt đều bị giết. Thế ai là người giết cả nhà những biên thần Tống đến khủng khiếp như vậy?
Siêu-loại hầu ngồi nghiêm chỉnh lại:
– Ðó là hai người, mà từ Gia-Hựu hoàng-đế nhà Tống (Nhân-Tông) cho đến Thông-Thụy (Lý Thánh-Tông) hoàng-đế bên Ðại-Việt nghe tên cũng phát lạnh gáy. Hai vị có cái tên chung là Ưng-sơn song hiệp.
Ghi chú:
Ưng-sơn song hiệp, tên hiệu của Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và Vương-phi là công chúa Huệ-Nhu. Sự tích hai nhân vật huyền sử này xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt, của Yên-tử cư-sĩ do Xuân-thu Hoa-kỳ ấn hành 1994.
Cả đại sảnh đều bật lên tiếng « ồ », rồi im bặt. Ðại sảnh có đến hơn ba trăm người, mà không một tiếng động. Minh-Ðệ kinh ngạc tự hỏi:
– Ưng-sơn song hiệp là ai mà vua Tầu, vua Việt đều sợ hãi như vậy?
Nhưng nàng không phải chờ lâu, trương tuần Huy hỏi:
– Thưa quân hầu lý lịch hai vị đó ra sao vậy?
– Hai vị là vợ chồng. Ngài họ Trần, húy là Tự-Mai, là con trai út của đại hiệp Trần Tự-An phái Ðông-a. Ngài kết hôn với Công chúa Huệ-Nhu, con vua Chân-tông nhà Tống. Vì hai ngài có đại công với Tống trong việc trấn Tây thùy đánh nước Hạ, trấn Bắc thùy chống Liêu, nên ngài được phong là Thái-sư thượng trụ, Tả-kim-ngô đại tướng quân Kinh-Nam vương. Vương-phi được phong là Trưởng-đại công chúa. Nhưng từ lâu, hai ngài ít ở trong nước, ngao du Nam thùy Tống, trong vùng Lưỡng-Quảng, Ðại-lý, Ðại-Việt, để tru diệt bọn tham quan, bọn cường hào ác bá, nhất là biên quan Tống-Việt chủ trương gây sự ở biên giới.
Cụ lý cung tay:
– Thưa cụ, ban nãy cụ nói có hai việc mừng. Việc thứ nhất là binh biến ở Bắc thùy có lợi cho ta. Thế còn việc thứ nhì?
– Việc thứ nhì là tháng ba năm ngoái (1059), Thông-thụy hoàng-đế cải nguyên là Chương-thánh Gia-khánh. Vậy kể từ tháng ba là Chương-thánh Gia-khánh thứ nhất. Sau chiến thắng vừa rồi ngài ban chỉ ân xá thuế cho toàn quốc một năm, và truyền đại xá thiên hạ, ngoài trừ tội thập ác.
Hầu quay sang hỏi trưởng tràng Ðoàn Quang-Minh:
– Có việc gì trọng đại mà họp cả trường, cùng mời các cụ chức sắc trong xã tới vậy?
Quang-Minh tóm lược câu chuyện kể cho hầu nghe. Hầu vẫy tay gọi Trịnh Phúc lại bên cạnh:
– Vị tiểu cô nương đây luận đúng. Ngày sinh nhật của ta không làm phúc thì thôi, còn giết trâu chi cho tổn âm đức? Vả lại nước ta đang thiếu trâu, giết trâu thì mất đi nguồn lực canh nông. Thôi thì ăn cá, ăn chim, ăn gà vịt cũng được. Còn con trâu, tiểu cô nương muốn mua lại, thì ta bán cho cô với giá rẻ một chút.
Quang-Minh trình đến việc ba đệ tử bị Minh-Ðệ đánh bị thương. Hầu đưa mắt nhìn Minh-Ðệ rồi cau mày:
– Vô lý. Một cô gái ẻo lả thế kia nếu có thắng Vũ Ðạt, Vũ Hiếu thì còn có lý, chứ thắng Trịnh Phúc thì sao tin được.
Hầu hướng Minh-Ðệ:
– Tiểu cô nương? Cô nương thuộc môn phái nào? Sư thừa là ai?
– Thưa cụ, cháu chưa từng học võ, nên không có sư thừa, bởi vậy cũng không thuộc môn phái nào.
– Cô muốn dấu thân phận hẳn? Ðược, ta sẽ tìm ra sư phụ cô là ai cho cô xem.
Hầu vẫy Phúc, Ðức, Ðạt ra đứng trước mặt, rồi hỏi:
– Ba người theo thứ tự thuật lại cuộc đấu cho ta coi nào?
Trịnh Phúc chỉ Vũ Ðạt:
– Sư đệ nắm tay trái y thị giật mạnh. Y thị co tay lại, trong khi chân xoạc thành trung-bình tấn. Thế là sư đệ bị bay tung lên cao, rồi ngã sấp xuống.
Trịnh Phúc chỉ Vũ Ðạt:
– Sư đệ nắm tay trái y thị giật mạnh. Y thị co tay lại, trong khi chân xoạc thành trung-bình tấn. Thế là sư đệ bị bay tung lên cao, rồi ngã sấp xuống.
Hầu cười:
– Ðây là chiêu Kình-ngư thăng thiên của phái Mê-linh, không có gì lạ cả.
– Sư đệ tung cước theo thế Tản-viên quyền pháp thứ 9, đá vào hông thị. Thị trầm người, dùng tay đẩy chân sư đệ, chân trái quét chân trái sư đệ.
- À, chiêu phản đòn chân của phái Tiêu-sơn. Có điều nội công cô cao nên cô thắng dễ dàng.
Rồi Trịnh Phúc trình bầy những chiêu Minh-Ðệ đấu với Vũ Ðức. Hầu đáp:
– Mấy chiêu này của phái Ðông-a chính tông đây. Muốn xử dụng những chiêu này, thì nội công phải cao thâm lắm.
Ðến đây mặt hầu trở thành đăm chiêu, chứ không cười nữa.
Trịnh Phúc diễn lại chiêu thức Minh-Ðệ đấu với y cùng đấu cả bọn khi loạn đả cho đến khi con trâu xông vào trận. Mặt hầu tái nhợt:
- À, đây là võ công phái Hoa-sơn bên Trung-quốc.
Cuối cùng y trình tiếp về hai viên tuần đinh đánh Minh-Ðệ bị văng côn lên cao. Mặt hầu càng nhợt nhạt:
– Phải chăng tiểu cô nương là đệ tử của Ưng-sơn song hiệp?
– Thưa cụ cháu đã nói, cháu chưa từng học võ, dĩ nhiên là chưa có sư phụ.
Hầu tần ngần một lúc, rồi vẫy tay cho Minh-Can:
– Minh-Can, con là gái, con ra lĩnh giáo mấy cao chiêu của Yến-Loan cô nương đi.
Từ nãy đến giờ, Minh-Can đã nhận ra Yến-Loan là chị mình. Y thị ngồi xem mọi biến chuyển mà trong lòng lo sợ Minh-Ðệ tố giác việc thị dùng võ đánh nàng hồi trước. Bây giờ được sư phụ gọi ra đấu với Minh-Ðệ, thị nghĩ:
Hồi xưa mình hơi ra tay là nó đau đớn khổ sở vô cùng. Năm gần đây, mình thấy người nó thon lại, da đẹp ra, rồi mình đánh, nó không biết đau. Sáu tháng trước, mình đánh nó, nó không đau, mà tay mình thấy ê ê, thì ra nó được cao nhân nào đó bí mật truyền thụ võ công. Bây giờ sư phụ sai mình đấu với nó, mình phải đánh cho nó tàn tật, để nó không luyện võ được nữa, hy vọng mới không bị nó báo thù.
Nghĩ vậy thị bái tổ, rồi phát một quyền đánh vào thái dương Minh-Ðệ. Minh-Ðệ nghĩ thầm: dù sao nó cũng là em mình, mình chẳng nên hại nó làm gì. Nếu nó có thế nào ắt bố mẹ đánh mình chết. Vì vậy nàng dùng thế phản đòn tay, ngửa chưởng phải lên bắt lấy quyền Minh-Can, rồi vặn tréo.
Minh-Can đau quá nghiêng người đi, nàng lên đầu gối trúng ngực y thị. Nhưng gối vừa chạm da thịt thị thì nàng ngừng lại. Minh-Can co chân phóng vào ngực Minh-Ðệ một hoành cước với tất cả sức lực. Minh-Ðệ không phản ứng kịp, binh một tiếng, người nàng chỉ hơi rung động, nhưng Minh-Can thì bị bay ngược trở lại ngã sóng xoài trên mặt đất. Thị uốn con người vọt lên như con cá chép, dùng hai tay đấm vào thái dương Minh-Ðệ theo thế Chung cổ tề minh. Minh-Ðệ chắp hai tay lại theo thức lên chùa lễ Phật, rồi gạt ngang, lập tức Minh-Can loạng choạng ngã ngửa người ra.
Vừa đau vừa thẹn, y thị rút trong bọc ra một con dao trủy thủ ngắn, rồi giả làm quyền đánh vào giữa ngực Minh-Ðệ. Khi tay y thị sắp tới ngực nàng, Minh-Ðệ mới khám phá ra. Nàng kinh hãi vội vung tay trái gạt mạnh. Thanh thủy thủ rời khởi tay Minh-Can bay lên cắm vào kèo nhà đến chát một cái, còn người thị thì bị trúng quyền đến bùng một tiếng, y thị ngã úp sấp xuống đất, không bò dậy được nữa.
Mặt Siêu-loại hầu tái mét. Ông nhảy đến vung tay tát vào mặt Minh-Can hai cái:
– Ðồ vô luân, dùng thủ đoạn đê hèn ám toán người.
Minh-Can ôm mặt đứng lui lại. Siêu-loại hầu nói với Minh-Ðệ:
– Tôi đã tìm ra môn hộ của cô nương rồi. Cô nương học với hai hay ba sư phụ một lúc. Cô nương học khí công thượng thừa âm nhu của phái Mê-linh, rồi lại được truyền Vô-ngã tướng Thiền-công. Cô nương còn được đả thông Kỳ-kinh bát mạch, luyện vòng Ðại-chu-thiên, Tiểu-chu-thiên của phái Ðông-a. Còn những chiêu ngoại công thì cô nương được học của ba phái là Ðông-a, Tiêu-sơn và Hoa-sơn, có đúng không?
Minh-Ðệ lắc đầu:
– Thưa cụ cháu chưa từng học võ.
Hầu gọi Trịnh Phúc, Vũ Ðức, Vũ Ðạt, đến trước mặt, rồi mắng:
– Ba đứa bay đã biết tội chưa?
– Thưa thầy chưa.
– Bay học võ để diệt bạo, trừ tà, cùng hộ quốc, chứ có phải học để đi gây sự đâu? Bay tới chùa, dùng võ tấn công người ngay trước bảo điện là một tội. Ðánh thua người rồi, còn về cáo gian rằng người ta ăn trộm trâu là hai tội. Cậy thế đem theo người đến bắt kẻ đã thắng mình là ba tội. Nay ta phạt mỗi đứa 20 côn cho chừa thói xấu.
Lập tức ba người bị nọc cổ ra đánh đủ mỗi người hai chục côn. Sau khi bị đòn, ba người ngồi dậy không được, đồng môn phải khiêng vào nhà trong rịt thuốc. Hầu vẫy tay gọi Minh-Can:
– Ta sai mi đấu với cô nương, để tìm hiểu môn hộ của người. Cô nương đây đã nhường nhịn, không muốn làm ngươi đau khổ, thế mà mi lại ám toán cô nương.
Ông vẫy tay cho đệ tử nọc Minh-Can xuống đánh hai mươi roi, rồi nói:
– Trịnh Phúc, Vũ Ðức, Vũ Ðạt, Minh-Can, mỗi đứa phải quỳ gối lạy cô nương đây mười lạy tạ tội.
Minh-Ðệ vẫy tay:
– Thưa cụ cháu không dám đâu.
– Nếu cô nương không để chúng lạy, thì cái thân già của lão phải lạy cô nương. Cô nương ơi, nếu cô nương không để cho trường Trung-nghĩa tạ tội, thì e rằng chỉ trong ba ngày Ưng-sơn song hiệp sẽ giết hết người trong trường này, cả đến con chó, con mèo cũng không sống sót.
Minh-Ðệ đành đứng cho bốn đứa lạy.
Năm trẻ đứng sau Minh-Ðệ, chúng khoái chí nhìn mấy đứa thì thụp lạy. Mỗi lần như vậy, chúng lại gật đầu, làm như chúng được lạy vậy.
Siêu-loại hầu thở dài nói với Minh-Ðệ:
– Cô nương đã muốn dấu thân phận thì thôi. Nhưng thưa cô nương, không biết cơ duyên nào mà cô nương lại được gặp Ưng-sơn song hiệp. Già này cũng không rõ cô nương đã làm gì cho hai vị đệ nhất danh nhân đương thời này vui lòng, rồi truyền thụ võ công cho cô nương, mà chính cô nương cũng không biết? Cô nương thử xét xem, nếu không phải Ưng-sơn song hiệp truyền thụ võ công cho cô nương, thì sao cô nương lại có bản lĩnh cao đến như thế? Kìa, xá đồ Trịnh Phúc luyện võ với lão đã trên mười năm, thế mà không chịu nổi hai chiêu của cô nương.
Ông nhìn thẳng vào mặt Minh-Ðệ:
– Cái vụ làng xử cô nương bị đánh côn, già này cũng bỏ qua, và kính cẩn mời cô nương trở về chùa Từ-quang. Nếu cô nương gặp lại sư phụ, xin nói dùm: già này có lời vấn an, và khấu đầu trăm lạy để tạ tội về vụ không quản chế học trò, thành ra chúng vô lễ với cô nương.
Ông nói với Ðoàn Quang-Minh:
– Người mau đem con trâu mộng ra biếu tiểu cô nương, để tạ tội cho các sư đệ.

Minh-Ðệ lắc đầu:
– Thưa cụ cháu không dám đâu. Cụ bán trâu thì cháu xin mua, chứ cụ cho thì cháu không dám nhận đâu.
– Thôi được. Bay đâu, lấy tám lạng bạc trả lại cô nương, rồi nhận nén bạc.
Minh-Ðệ cứu được con trâu thì mừng vô kể. Nàng cùng bà Ðinh rời đại sảnh, rồi cùng đám trẻ dắt trâu thư thả về chùa.
Minh-Ðệ với bà Ðinh về tới chùa, thì thấy trong sân người tụ họp khá đông. Nguyên sau khi bà Ðinh với Minh-Ðệ bị bắt đi rồi, thì những người làm công quả trong chùa vội thông báo cho thiện nam tín nữ. Họ kéo nhau lên chùa, để hỏi cho ra lẽ nguyên ủy sự việc. Vừa lúc đó thì đại sư Viên-Chiếu cùng chư đệ tử trở về. Nghe mỗi người nói một đằng, đại sư không hiểu cái gì đã xẩy ra. Ông định truyền cho đệ tử lên bảo điện nhập thiền, rồi ông sẽ cùng mấy đệ tử đến dinh Trung-nghĩa để hỏi thăm tin tức. Mọi việc vừa xong thì Minh-Ðệ cùng bà Ðinh với năm trẻ dắt trâu về trong dáng an nhàn.
Ðám Phật tử kinh ngạc hỏi:
– Sao, cụ Trung-nghĩa xử sao?
Bà Ðinh tường thuật chi tiết cho mọi người nghe. Ðám Phật tử chùa Từ-quang bàn tán không ít về Minh-Ðệ. Họ đều biết nàng tới chùa làm công quả lâu rồi, nhưng họ không biết rõ chân tướng nàng. Bây giờ nghe bà Ðinh kể, họ đều tin rằng nàng phải đi ở, và quê mãi trong Thanh-hóa.
Sư ông Thiện-Căn vẫy Minh-Ðệ:
– Sư phụ truyền cháu lên bảo điện gặp người.
Minh-Ðệ bước lên bảo điện, liếc mắt qua, nàng thấy đầy đủ tăng chúng trong chùa, cùng đông đảo Phật tử, tất cả đang nhập thiền. Nàng đảnh lễ với đại sư Viên-Chiếu, rồi quỳ gối chờ đợi.
Một lát sau Viên-Chiếu mở mắt ra, ông hỏi:
– Con hãy tường thuật chi tiết về vụ hai quý nhân đến cư ngụ trong chùa hơn tháng cho thầy nghe.
Minh-Ðệ thuật lại, không dấu diếm một điều gì, rồi nàng hỏi:
– Bạch thầy, ông bà này xưng là sư đệ của thầy, vậy ông bà tên thực là gì?
Viên-Chiếu lắc đầu:
– Ta không hề quen biết hai người này. Họ cũng chưa từng đến chùa Từ-quang bao giờ, thế mới lạ chứ. Ta độ chừng họ biết ta đi vắng, nên đến đây với một chủ tâm khác hơn là lễ Phật. Hà, không biết họ là ai?
Minh-Ðệ kinh hãi hỏi:
– Trời ơi. Không lẽ ông bà ấy đói quá, nói dối vậy để kiếm ăn?
Nói đến đây nàng biết không phải, vì ông bà cho nàng số vàng bạc, mà nếu dùng để ăn uống, thì nàng ăn cả đời cũng không hết.
Viên-Chiếu hỏi:
– Trong những ngày ở đây, ông bà ấy có lên bảo điện lục lọi gì không?
– Bạch thầy, thường vào lúc chuông thu không, ông bà đều lên bảo điện ngồi thiền cho đến khuya, có khi tới sáng. Những lúc đó, ông bà bảo con với bà Ðinh cứ đi ngủ, không phải ứng hầu.
Viên-Chiếu cau mặt lại, tỏ vẻ khó hiểu, lát sau nói:
– Cái người đánh xe cho ông bà ấy, con cho anh ta ở đâu?
– Bạch thầy sau khi đến chùa, thì anh ta đánh xe đi mất. Tới ngày ông bà lên đường, anh ta mới trở lại.
Nàng đem số vàng, bạc ông bà quý nhân tặng, trình cho Viên-Chiếu:
– Bạch thầy, lúc ra đi, ông bà có cho con ba nén vàng, mười nén bạc. Con đã mua con trâu mất hai lạng, còn lại con xin gửi trả chùa.
Viên-Chiếu vẫy tay:
– Ông bà ấy cho con, chứ không phải cúng dàng cho chùa. Con cầm lấy mà chi dùng.
Minh-Ðệ cung tay:
– Bạch thầy, duyên khởi của đám vàng bạc này là ở điểm ông bà ấy đến sống ở trong chùa hơn tháng. Con lại sống dưới hào quang Tam-bảo, vì vậy con xin cúng dàng Tam-bảo.
– Không, thầy không nhận đâu.
Nét mặt ông trở thành từ ái, nhìn Minh-Ðệ:
– Thôi, việc xong rồi, con có thể lui.
Minh-Ðệ hành lễ, rồi lui ra ngoài làm việc.
Viên-Chiếu gọi năm trẻ lại. Ông cật vấn chúng về những gì xẩy ra khi ông vắng chùa. Chúng nhất nhất thuật lại không thiếu chi tiết nào.
Minh-Ðệ hoang mang vô hạn. Nàng nghĩ thầm: rõ ràng hai ông bà ấy là người tử tế. Ông bà dạy nội công, dạy võ công cho nàng, rồi còn cho nàng vàng bạc quá nhiều, như vậy ông bà là người tốt, chứ đâu phải người xấu? Nhưng tại sao ông bà lại đánh lừa nàng?
Suốt đêm đó nàng trằn trọc không ngủ được, tự nghĩ:
– Vàng bạc trong người ta không phải do ta mà có. Vàng bạc này do ông bà ấy đến chùa, ở trong chùa, ăn uống của chùa rồi cho ta, tức là ông bà ấy cúng dường. Nhưng thầy không nhận, thôi thì ta đem bỏ vào trong phúc-sương, như vậy sau này các thầy mở thùng ra, thì cho là của thập phương.
Nghĩ là làm, nàng rón rén lên bảo điện, móc vàng bỏ vào phúc-sương. Nhưng miệng phúc-sương nhỏ quá, bỏ vào không lọt. Nàng nghĩ:
– Làm sao bây giờ? À hôm trước ta lau tượng ngài Quan-Thế-Âm, thấy tượng rỗng bên trong. Vậy ta gói tất cả lại, rồi bỏ vào bụng tượng, như vậy là êm đẹp.
Nàng khẽ vận sức cho tượng Quan-Thế-Âm nghiêng đi, rồi bỏ vàng, bạc vào đấy. Xong việc, nàng về phòng, rồi thiu thiu ngủ. Không biết nàng ngủ trong bao nhiêu lâu, bỗng nàng giật mình thức giấc vì có nhiều tiếng động, tiếng người nói, tiếng kim khí chạm nhau. Hé cửa nhìn ra sân, bất giác nàng giật mình, vì trong sân đầy binh lính, đèn đuốc sáng chưng. Một người lính đập cửa phòng nàng, miệng hô lớn:
– Mở cửa mau.
Minh-Ðệ vội mở cửa, một người lính la lớn:
– Trong phòng này có con gái.
Một người mặc quân phục đội trưởng chạy lại hỏi nàng:
– Cô ở trong phòng này à? Trong phòng còn ai nữa không?
– Thưa không.
Tất cả tăng chúng đều bị lùa vào một chỗ. Minh-Ðệ cũng bị lùa đến phía trước tăng chúng. Nàng đưa mắt nhìn: quanh chùa binh lính gươm đao sáng choang bao vây chùa cực kỳ nghiêm mật. Một viên quan nói với Viên-Chiếu:
– Thưa đại sư, bản chức là Phạm Anh, lĩnh Kinh-lược an-phủ sứ lộ Kinh-Bắc này. Vì có người cáo giác rằng trong chùa Từ-quang tăng chúng không giữ giới luật, nào là chứa phụ nữ làm điều trên bộc trong dâu, nào là làm chuyện đạo thiết, nào là ăn mặn; cho nên bản chức phải đem quân đến khám xét, điều tra thực hư. Ở đây bản chức có năm thư lại, cùng năm tốt trưởng sẽ đi khám khắp chùa. Xin sư trưởng cho năm vị tăng đi theo năm toán, để hướng dẫn họ làm việc.
Viên-Chiếu lên tiếng gọi:
– Viên-Căn, Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp, Viên-Hoa, các con hướng dẫn quan quân làm việc.
Ðó là năm tăng trẻ, khoảng 25-30 ra, theo năm toán.
Phạm Anh ra lệnh:
– Chúng ta có năm toán, mỗi toán phụ trách khám xét một khu, với sự chứng kiến của một vị tăng. Tuy nhiên nếu có gì phạm pháp trầm trọng, thì các người phải gọi ta để thỉnh hoà thượng trị sự trưởng cùng chứng kiến.
Năm toán chia nhiệm vụ làm việc. Một toán lên bảo điện; một toán khám các tăng phòng; một toán khám nhà bếp, kho chứa lúa, chuồng trâu; một toán khám ngoài vườn; một toán khám sân chùa.
Ðến đó, năm trẻ cắp sách vào chùa. Chúng lấm lét nhìn quan quân, nhưng không dám hỏi han.
Sân chùa tuy rộng, nhưng ngoài tượng Quan-Thế-Âm đứng trên đài, với những chậu cảnh ra, không có gì khác lạ. Khi khám đến dưới gốc dàn thiên lý, thì quân sĩ tìm thấy một ít lông gà, cùng lông chó. Viên thư lại nói với sư ông Viên-Hoa:
– Lông gà, lông chó này còn mới, như vậy chứng tỏ trong quý tự có người làm thịt chó, làm thịt gà. Xin đại sư cho biết ai đã làm chuyện đó?
Nhà sư Viên-Hoa lắc đầu:
– Lông gà, lông chó này dường như có người cố ý bỏ vào đây, chứ trong bản tự giới luật rất nghiêm, đời nào lại để cho người ta sát sinh trong khuôn viên này nhỉ?
– Ðại sư nói thế, thì tôi biết vậy. Nhưng đại sư ơi, tôi không có quyền gì cả, đợi quan trên phân xử. Tang chứng này tôi xin giữ.
Lý Ðoan chạy lại cầm đám lông gà, lông chó lên xem, rồi nó nói:
– Nhất định là có ai bỏ vào đây. Bởi từ mấy hôm nay trời không mưa. Nếu như lông gà do người trong chùa vứt ra thì phải khô rồi chứ? Có đâu ướt nhèm thế này? Nhất định là ai bỏ vào rồi.
Phạm Anh quát:
– Ranh con im mồm, lý của mi không vững.
Toán khám vườn đã tìm ra được bốn hố rác, trong đó chôn đầy lông gà, xương gà, lông xương chó, xương lợn, xương trâu. Họ đào lên, cho tất cả vào một cái túi. Viên thư lại chỉ huy toán này chế diễu sư Viên-Mộc:
– Tất cả có 5 cái xương sọ chó, thế thì ít ra trong quý tự đã giết đến năm con chó. Tôi tìm được mười tám cái mỏ gà, thế thì ít nhất quý tự đã giết mười tám con gà. Tôi lại tìm được trước sau mấy chục cái xương gối lợn, năm cái xương gối trâu. Hà, cái này tội nặng quá. Nam-mô thịt chó, Nam-mô thịt gà, Nam-mô-thịt trâu, Nam-mô thịt lợn. Tu với hành. Như vậy chùa này là chùa của Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng rồi.
An-phủ-sứ nghe đến tiếng Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng thì mặt tái xanh, y quát:
– Im cái mõm đi. Việc mình mình lo, đừng có nói bậy nói bạ mà chết cả nhà bây giờ!
Ðây là lần thứ nhì Minh-Ðệ nghe đến danh tự Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng. Không biết Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng là ai, mà từ Lý-trưởng cho đến An-vũ-sứ nghe đến tên mà đã kinh hoảng?
Nhà sư Viên-Mộc là người thực thà, ông nói:
– Chùa chúng tôi giữ giới rất nghiêm, nhất định có ai hại chúng tôi, đem những thứ dơ bẩn này chôn vào đây, rồi đi báo quan mà thôi. A-Di-Ðà Phật.
Viên thư lại cười nhạt:
– Chứng cớ rành rành ra thế này, mà đại sư còn biện luận ư?
Hai biến cố động trời như vậy xẩy ra, mà đại sư Viên-Chiếu vẫn thản nhiên, không nói không rằng. Một lát viên thư lại khám nhà bếp chạy ra trình:
– Trong bếp còn một nồi lớn rựa mận thịt chó, hai con gà luộc, ba cái đùi chó luộc.
Tang vật được để tất cả trước mặt Phạm Anh với đại sư Viên-Chiếu. Ðến đó viên quan khám tăng phòng cùng nhà sư Viên-Chi ra sân. Viên quan trình cho Phạm Anh những phạm vật:
– Bẩm An-phủ-sứ. Trong phòng của sư Viên-Căn có cái yếm dấu dưới gối. Phòng của sư Viên-Mộc có hai cái quần nái đen. Phòng của sư Viên-Chi có một cái áo cánh, một cái yếm, một cái quần lụa đen đàn bà. Phòng của Viên-Diệp có cái khăn vuông, cái áo tứ thân. Phòng của Viên-Hoa có hai chai rượu đã uống đở, với hai cái quần thâm. Ðặc biệt phía sau, có một phòng của con gái ở.
Y chỉ vào Minh-Ðệ:
– Có phải phòng kia của cô không?
– Vâng.
Minh-Ðệ nhìn đám quần áo tang vật, bất giác nàng rùng mình kinh hãi. Vì đó đều là quần áo của nàng hồi còn ở với bố mẹ. Khi nàng rời nhà ra đi, thì trên người chỉ mặc có cái áo cánh nâu, với cái quần nái đen. Tất cả quần áo đều còn để ở nhà nàng, mà sao bây giờ lại ở trong phòng mấy vị sư kia?
Lát sau, sư Viên-Căn với viên quan khám bảo điện đi ra. Viên quan cung tay nói:
– Trình với An-vũ-sứ, trên bảo điện thì không có gì, nhưng dưới đế tượng Quan-Thế-Âm thì có ba nén vàng, tổng cộng 30 lạng; chín nén bạc, mỗi nén 10 lạng, thêm tám lạng lẻ, như vậy cộng chung thành 97 lạng bạc. Bẩy lạng bạc lẻ là bạc Ðại-Việt, còn lại vàng, bạc đều là vàng bạc của Tống.
Kinh-lược-sứ hất hàm ra lệnh:
– Phong tỏa chùa, niêm phong tài sản, sau đó giao cho hàng xã trông coi. Còn vàng, bạc, tang vật đem về về dinh của ta để điều tra thêm. Tất cả tăng trong chùa đều đóng gông. Riêng đứa con gái này thì chỉ trói lại giải đi mà thôi.
Các sư cùng Minh-Ðệ đều biện luận, nhưng đại sư Viên-Chiếu phất tay:
– Khi nghiệp quả đã đến, thì phải thản nhiên đón nhận, đừng có cưỡng. Nếu cưỡng chống, thì nó sẽ đeo bên mình mà đòi nữa.
Ông thản nhiên để cho lính đóng gông, cùng chư đệ tử ra khỏi chùa. Dân làng đứng chen nhau ngoài cổng, kẻ khóc kêu oan, người niệm Phật. Năm đứa trẻ khóc rống lên. Chúng chửi đổng:
– Ðịt mẹ... đứa nào hại các thầy.
Trong đám dân chúng, Minh-Ðệ thấy có cả bọn Phúc, Ðức, Ðạt, cùng Minh-Can, chúng cười cười, nói nói nét mặt hân hoan không thể tưởng tượng được. Ðoàn quân giải đại sư Viên-Chiếu cùng năm đệ tử, mười đồ tôn, với Minh-Ðệ đi hết buổi hôm đó mới đến dinh kinh-lược-sứ. Minh-Ðệ bị tống giam chung với ba người đàn bà khác. Nàng không bị đóng gông. Vì đi đường xa mệt mỏi, nàng nằm lăn ra ngủ, không để ý đến ba người đàn bà bị giam cùng. Trong giấc ngủ, tiềm thức làm việc, nàng vẫn luyện nội công.
Chiều hôm đó Minh-Ðệ thức giấc, nàng để ý đến ba người đàn bà. Một người tuổi khoảng năm mươi, bà này ngồi thu hình trong góc không nói gì. Người thứ hai là một trung niên thiếu phụ, bà ta nằm ngửa mặt lên trời, mắt mở thao láo. Người thứ tư là một thiếu nữ tuổi khoảng mười hai, mười ba, khá xinh đẹp. Cô ngồi ôm gối không nói không rằng. Thấy Minh-Ðệ thức giấc, cô hỏi:
– Này bà chị mới vào. Bà chị tên gì, tại sao bị tù vậy?
– Tôi tên Yến-Loan, tôi không hiểu tại sao mà bị tù. Có lẽ kiếp trước tôi làm tội, nên kiếp ngày phải trả. Tên em là gì?
– Em họ Chu, tên là Thúy-Phượng, năm nay mới mười ba tuổi. Nhà em nghèo, nên bố mẹ bán em cho nhà giầu làm con ở. Sau chủ bán em cho người khách phú thương làm lẽ. Em trốn đi. Chủ trình quan, quan bắt được, giam em ở đây, rồi sẽ trả về cho chủ.
Thúy-Phượng chỉ vào người đàn bà ngồi thu hình:
– Vì em trốn đi, nên mẹ em cũng bị bắt vào đây. Không biết rồi sẽ ra sao? Mẹ em tên Thúy-Hoàng.
Nó chỉ vào thiếu phụ trung niên:
– Bà kia tên là Phạm Thị-Nương, cũng nhà nghèo, có con gái bán cho người ta. Nhưng được hai năm, con gái trốn đi mất, chủ đem đơn kiện lên quan, nên quan bắt bà bồi thường. Bà không có tiền, nên bị bắt giam.
Minh-Ðệ tường thuật qua biến cố của chùa Từ-quang cho mẹ con Thúy-Phượng với bà Nương nghe. Bà Thúy-Hoàng tỏ vẻ thương hại Minh-Ðệ:
– Ta nói cho cháu biết. Trong trấn này thì Kinh-lược-sứ phu nhân là người nắm quyền chứ không phải chồng bà. Bà là cháu gọi Thượng-Dương hoàng hậu bằng cô ruột. Kinh-lược-sứ trước kia chỉ là một đô thống xuất thân. Từ sau khi hết hôn với bà, thì công danh lên như diều. Ông được thăng lên làm Vũ-kị đại tướng quân, chỉ huy hai đạo quân Thiên-tử binh. Năm sau chẳng công trạng gì, lại được cất nhắc lên làm Kinh-lược an-phủ-sứ. Còn quan coi về án ở đây gọi là đề điểm hình ngực có tên là Hoàng Khắc-Dụng, ông xuất thân từ quan văn, tính tình cương trực. Hai hình quan cũng là người ngay thẳng tên Tô Sơn-Lâm, Vương Ðình-Thụ. Nếu cháu có phạm tội, thì phải khai thực, để ông ấy xử nhẹ cho.
– Cháu có nghe rằng mỗi án đều do vua xử kia mà?
– Cháu chưa hiểu gì về tổ chức tư pháp cả. Trước tiên những việc nhỏ, tội nhẹ thì do hương lý xử. Nếu phạm nhân kháng án, thì đưa lên châu-quận xử. Còn những tội nặng thì do quan Ðề-điểm hình ngục cùng với hai hình-quan xử. Xử xong, tư lên quan Kinh-lược an-phủ-sứ duyệt xét. Quan Kinh-lược có quyền giảm án, hay tăng án. Nếu giữa quan Ðề-điểm hình ngục với quan Kinh-lược an-phủ-sứ bất đồng ý kiến thì sẽ đưa về bộ hình phúc thẩm. Tuy nhiên đương kim Hoàng-thượng là người nhân từ, nên ngài định rằng tất cả các án tử hình đều phải để chính ngài xử.
Chuyện vừa hết, thì cai ngục gọi:
– Yến-Loan đâu, lên hầu quan.
Minh-Ðệ vội vàng đứng dậy theo cai ngục lên công đường. Tại công đường, một viên quan ngồi trên cái sập, sau cái án thư. Nàng biết đó là viên Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng. Hai bên viên Ðề điểm hình ngục là hai viên hình quan Tô Sơn-Lâm, Vương Ðình-Thụ chuyên hỏi cung và hơn mười người lính đứng hầu, mỗi người cầm một hình cụ, đó là hình-binh, chuyên việc tra khảo phạm nhân. Nàng từng nghe nói, những viên quan, binh này gan bằng sắt, tim bằng gỗ lim, tra khảo người không nương tay.
Hình quan Tô Sơn-Lâm hô:
– Yến-Loan quỳ xuống.
Minh-Ðệ quỳ gối.
Hình quan Vương Ðình-Thụ hỏi:
– Con kia, họ tên là gì? Quê quán ở đâu? Bố mẹ là ai, năm nay bao nhiêu tuổi?
Minh-Ðệ đã có chủ tâm, nàng khai láo như đã khai ở chùa:
– Bẩm con mồ côi từ nhỏ, không biết bố, mẹ là ai. Con ở với dì. Dì con chết rồi, thì người ta bắt con bán cho nhà giầu. Nhân chủ nhân ác độc đánh đập tàn nhẫn, con trốn đi, được sư cụ chùa Từ-quang thương tình, cho con tá túc, làm công quả.
– Thế mi đến chùa từ bao giờ?
– Bẩm tháng hai vừa rồi, đến nay là 6 tháng.
– Trong khi ở chùa, mi đã ăn nằm với bao nhiêu nhà sư?
– Bẩm con còn là trinh nữ. Con ở chùa làm công quả. Các thầy thương con là trẻ mồ côi, coi con như đệ tử, có đâu làm chuyện trên bộc trong dâu.
– Những quần áo trong phòng các nhà sư đều một khổ người với mi. Phải chăng đó là quần áo của mi?
– Bẩm vâng. Quả là quần áo của con.
Viên Ðề điểm hình ngục Hoàng-khắc-Dụng đập tay xuống sập:
– Nói láo. Mi bảo mi không ăn nằm với sư. Thế sao quần áo của mi lại để rải rác ở phòng năm nhà sư?
– Con cũng không biết tại sao nữa.
– Khảo.
Hai tên quân nọc cổ Minh-Ðệ nằm xuống nền nhà, rồi dùng roi mây quất túi bụi. Minh-Ðệ vội vận công chống đau. Vì vậy roi đánh xuống, mà nàng không cảm thấy đau đớn gì. Nàng nằm yên cho tên quân đánh. Sau khi tên quân đánh đủ 20 roi, mà nàng không dãy dụa, cũng chẳng kêu khóc.
Hai tên quân nọc cổ Minh-Ðệ nằm xuống nền nhà, rồi dùng roi mây quất túi bụi. Minh-Ðệ vội vận công chống đau. Vì vậy roi đánh xuống, mà nàng không cảm thấy đau đớn gì. Nàng nằm yên cho tên quân đánh. Sau khi tên quân đánh đủ 20 roi, mà nàng không dãy dụa, cũng chẳng kêu khóc.
Tô Sơn-Lâm lại hỏi:
– Mi gan đấy. Hai mươi roi mà mi không kêu khóc, mi có chịu khai hay không?
– Bẩm quan khai gì cơ ạ?
– Khai đã ngủ với những nhà sư nào? Ngủ bao nhiêu lần? Ngoài mi ra, còn có đứa nào ngủ với các nhà sư nữa?
– Bẩm quan lớn là đèn trời soi xét cho con. Con vẫn còn là con gái chưa vẩn bụi đời, thì sao có thể có việc làm chuyện kia được?
Hoàng Khắc-Dụng bảo Tô Sơn-Lâm, Vương Ðình-Thụ:
– Ðược rồi, việc này dễ. Ðể ta sai bà mụ khám xem nó còn đồng trinh không thì biết ngay chứ khó gì đâu. Hỏi sang vụ ăn mặn.
Tô Sơn-Lâm hỏi:
– Mi làm bếp trong chùa, mà trong chùa có thịt chó, thịt gà, rồi xương lợn, xương trâu, lại có cả mấy chai rượu nữa. Như vậy chính mi nấu thịt cho các nhà sư ăn hẳn?
– Bẩm từ khi con đến chùa, con cũng ăn chay theo sư cụ với các sư ông, sư bác. Chùa rất thanh tịnh. Ðến người ta còn say rượu mà lên chùa, các thầy cũng không cho vào, huống hồ ăn thịt chó?
Tô Sơn-Lâm lắc đầu:
– Tang chứng rành rành ra thế kia, mà mi còn dẻo miệng chối ư? Mi không chịu khai ra, ta sẽ cho kẹp tay mi. Kẹp tay đau lắm chứ không như đánh roi đâu.
– Bẩm quan dù quan có đánh chết con cũng chịu, chứ khai láo cho các thầy, sau này xuống âm phủ sẽ bị quỷ sứ rút lưỡi ra.
Viên Ðề điểm hình ngục chỉ vào hai thanh tre trên tay một tên quân:
– Dù cho mi gan đến mấy, nếu mi không khai thực, ta sẽ cho kẹp tay mi.
– Bẩm quan, xương thịt ai mà chẳng đau, nhưng điều quan hỏi, thực không hề có, mà quan bắt con nhận, thì sao con nhận được?
Viên Ðề điểm hình ngục Vương Ðình-Thụ vẫy tay:
– Kẹp nó!
Một tên quân nắm tay Minh-Ðệ đưa ra. Tên khác dùng hai thanh tre lớn kẹp năm đầu ngón tay nàng. Y nghiến răng bóp hai thanh tre. Minh-Ðệ vội hít hơi, vận khí ra mười đầu ngón tay. Rắc một tiếng, hai thanh tre bị gẫy.
Vương Ðình-Thụ mắng tên quân:
– Tại sao mi lại dùng hai thanh tre mục mà kẹp nó. Mau lấy hai thanh khác.
Tên quân lấy hai thanh tre khác. Lần này y cầm từng thanh một bẻ thử, rồi gõ vào nhau, chứng tỏ còn tốt. Y lại kẹp tay Minh-Ðệ, nàng vội hít hơi vận khí chịu đòn. Tên quân nghiến răng kẹp, nhưng Minh-Ðệ chỉ cảm thấy hơi khó chịu, chứ không đau đớn gì. Hai thanh tre gặp ngón tay đầy chân khí của Minh-Ðệ cứng ngắt, nên cong lại. Thấy Minh-Ðệ im lặng dường như không đau đớn gì, mà tên quân mỏi tay quá, phải ngừng lại.
Vương Ðình-Thụ cau mặt:
– À, con này nó có nghề đây. Nó luyện thân thể thành mình đồng da sắt chắc. Thôi được, gọi nhà sư Viên-Căn lên.
Một lát nhà sư Viên-Căn được giải lên. Viên đề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng nói:
– Sư ông có phải là đệ tử lớn nhất của chùa Từ-Quang không?
– Bẩm quan vâng.
– Tang chứng rành rành, rõ ràng tăng chúng trong chùa phạm giới sát; giết chó, giết gà ăn thịt. Trong tăng phòng có quần áo của đàn bà, như vậy thì chắc là phạm giới dâm rồi. Quân lại tìm thấy mấy chai rượu, trong đó có những chai uống dở, như vậy là phạm giới tửu. Dưới tượng Quan-Âm còn dấu vàng của công khố nhà Tống. Vàng đó ở đâu ra? Việc này không giản dị đâu, chắc là các người làm gian tế cho Tống phải không? Sự việc đã như vậy, thì cứ nhận tội đi, đức hoàng-đế là bậc chí nhân như vua Hùng, vua Trưng sẽ ân giảm tội cho, bằng không thì tất cả thầy trò đều phải tội lăng trì.
Viên-Căn lắc đầu:
– Bần tăng chắc ai đó thù oán nhà chùa, nên trong đêm tìm cách bỏ thịt, bỏ xương thú vật vào để vu vạ cho thiểm tự. Xin quan trên xét lại.
Vương Ðình-Thụ quát:
– Khảo.
Hình quan vẫy tay, một tên lính cầm hai thanh tre kẹp bàn tay Viên-Căn. Nhà sư nghiến răng, uốn cong người lại chịu đòn. Chỉ lát sau không chịu nổi đau đớn, nhà sư ngã lăn ra, nhưng bàn tay vẫn bị kẹp cứng. Hai chân nhà sư đạp loạn xạ để chống với cái đau. Tô Sơn-Lâm vẫy tay cho quân dừng lại:
– Này, thầy Viên-Căn. Tôi nghĩ mình làm tội thì mình chịu, bất quá thì bị xung quân, đồ làm lính là cùng. Cớ sao thầy không nhận tội, để đến nỗi phải chịu đau đớn thân xác như thế.
Viên-Căn từ từ lắc đầu:
– Bần tăng có làm thì có chịu, đây bần tăng không hề thấy, không hề biết thì sao mà khai được? Cái việc quần áo của Phật-tử Yến-Loan ở trong tăng phòng lại càng lạ lùng hơn nữa. Ðúng là tiền oan nghiệp chướng, hẳn vì thù oán chi đây, nên người ta hại thiểm tự. Thôi thì bần tăng đành mang cái xác này ra để giải nghiệp vậy.
Viên-Căn từ từ lắc đầu:
– Bần tăng có làm thì có chịu, đây bần tăng không hề thấy, không hề biết thì sao mà khai được? Cái việc quần áo của Phật-tử Yến-Loan ở trong tăng phòng lại càng lạ lùng hơn nữa. Ðúng là tiền oan nghiệp chướng, hẳn vì thù oán chi đây, nên người ta hại thiểm tự. Thôi thì bần tăng đành mang cái xác này ra để giải nghiệp vậy.
Tiếp theo bốn nhà sư Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp, Viên-Hoa đều bị gọi lên khảo đả, nhưng không ai chịu nhận tội cả. Khi gọi đến sư cụ Viên-Chiếu, thì ông chỉ nhắm mắt nhập thiền. Hình quan định ra lệnh khảo đả Viên-Chiếu thì nhà sư Viên-Hoa nói:
– Thưa thượng quan, với những tang vật, cùng chứng cớ rành rành ra như vậy, thì thượng quan không cần anh em bần tăng nhận tội, cũng có thể làm án được rồi. Thượng quan khỏi phải khảo đả nữa. Bần tăng xin thưa với thượng quan rằng, những quần áo đàn bà trong tăng phòng, cũng như xương chó, lông thú vật... nhất định có bàn tay nào đó hại tăng chúng thiểm tự. Bần tăng xin thượng quan cho bần tăng chịu hình phạt thay cho sư phụ cùng chư huynh đệ, chư đệ tử.
Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng nói:
– Cái tội phạm giới dâm, giới tửu, giới sát sinh thì chỉ đưa đến đánh đòn, đuổi về trần tục mà thôi. Nhưng còn vàng, bạc của Tống triều, thì ngoài thẩm quyền của bản chức. Bản chức phải giải các người về triều để quan Hình-bộ cùng đức Kim-thượng xử về tội làm gian tế cho Tống.
Minh-Ðệ quỳ tâu:
– Thưa đại nhân, về việc vàng bạc này hoàn toàn do con, tội ở con, chứ không do các thầy. Con xin chịu tội thay cho các thầy.
Rồi nàng thuật lại chi tiết việc quý nhân tới chùa cư ngụ trong hơn tháng. Ðúng ra nàng phải kể rằng trước khi đi, ông bà cho nàng vàng bạc, thì nàng nói là ông bà cúng dàng tam bảo, rồi nàng nộp vàng cho sư cụ Viên-Chiếu, mà sư cụ không nhận. Vì vậy nàng mới đem cất vào tượng Quan-Âm. Việc ông bà dạy võ cho nàng cho nàng, nàng cũng bỏ qua luôn.
Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng truyền lấy giấy bút cho thư lại để viết tờ cung.
Thời bấy giờ chữ Khoa-đẩu của người Việt bị mai một đi, thành ra mọi công văn; từ chiếu, chế, biểu của triều đình cho tới văn tự trong dân gian đều dùng chữ Nho hay còn gọi là chữ Hán. Triều Lý khuyến khích, mở rộng học đường, nhưng dân chúng biết chữ rất ít, thường họ chỉ học để đọc thông văn tự mà thôi. Còn phụ nữ, tuy ảnh hưởng của Vua bà Bình-Dương, cùng các công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Côi-Sơn, Ôn-Thuận còn vang dội, nhưng con gái được cho đi học không làm bao. Vì vậy viên Ðề điểm hình ngục mới bảo viên thư lại Quách Ðồng viết tờ cung khai.
Quách Ðồng viết xong, y sao làm hai bản rồi truyền lệnh cho Minh-Ðệ:
– Mi ký vào đây.
Minh-Ðệ cầm tờ khai lên đọc. Nàng thấy rõ ràng lời khai hai tờ khác nhau. Ðọc xong nàng nói với viên thư lại Quách Ðồng:
– Tại sao chú lại viết như thế này?
Viên thư lại tái mặt:
– Ta viết đúng như lời mi khai, chứ có gì khác đâu?
Minh-Ðệ chỉ vào tờ khai thứ nhì:
– Tờ thứ nhất, chú viết đúng. Tờ thứ nhì chú viết sai hoàn toàn. Chú viết rằng đại sư Viên-Chiếu không phải là chân tu, mà là gian tế của Tống đem vào tiềm ẩn ở Ðại-Việt, rằng chùa Từ-quang là chỗ cho gian tế Tống lưu ngụ, chúng thường ăn thịt chó, bắt lương gia phụ nữ hành dâm. Tôi là con gái giả đến chùa làm công quả, chứ thực ra là gian dâm với các nhà sư. Chính Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với Vương phi là trưởng đại công chúa Huệ-Nhu điều động vụ này. Vương tới lưu ngụ ở chùa truyền võ công cho tôi. Vàng bạc mà vương cúng dàng đó để giao cho đại sư Viên-Chiếu hối lộ, mua chuộc tướng sĩ, võ lâm Ðại-Việt theo Tống, làm gian tế cho Tống, khi quân Tống sang đánh. Sao... sao... chú lại ác vậy?
Viên Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng nghe Minh-Ðệ nói, vội cầm hai tờ khai lên đọc. Khi đọc xong tờ thứ nhì, ông ta vỗ bàn chỉ vào mặt tên Quách Ðồng quát:
– Mi thực là tên gian xảo. Mi định làm hai tờ khai khác nhau, đưa cho tội nhân ký, rồi ta kiềm thự. Bản thứ nhất mi sẽ dấu đi. Còn bản thứ nhì trình lên ngài An-phủ-sứ. Như vậy là mi gắp lửa bỏ bàn tay người ta rồi. Bay đâu, gông cổ nó lại, đem biệt giam để chờ điều tra.
Hình-quân lập tức đóng gông viên thư lại Quách Ðồng, đem đi.
Viên Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng hỏi Minh-Ðệ:
– Mi có thể tự viết tờ cung khai được không?
– Bẩm quan được ạ.
Minh-Ðệ mài mực, rồi cầm bút viết. Nàng viết liên tiếp một lúc mười trang giấy, cung khai từ đầu đến cuối vụ qúy nhân đến chùa, rồi nàng còn chép cả chuyện viên thư lại làm tờ cung khai hại nàng với chùa Từ-quang. Nàng đưa cho viên Ðề điểm hình ngục. Viên này thấy Minh-Ðệ cầm bút viết dễ dàng, y đã kinh ngạc không ít. Nay cầm tờ khai, nét chữ nàng như rồng bay phượng múa, khiến y kinh hãi vô cùng. Y càng kinh hãi hơn, vì tuy bị tra khảo, bị hành hạ, mà văn phong của Minh-Ðệ vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát, mỗi lời, mỗi ý đều sâu sắc. Y liếc nhìn nàng, mà trong lòng cảm phục. Ðọc xong y hỏi:
– Mi nói quý nhân cúng dàng ba nén vàng, mười nén bạc, sao bây giờ chỉ có ba nén vàng, chín nén tám lạng bạc. Còn hai lạng nữa đâu?
Minh-Ðệ lại khai chi tiết việc học trò trường Trung-nghĩa giết trâu mừng sinh nhật Siêu-loại hầu, rồi nàng bị bắt ra sao, cuối cùng nàng dùng bạc mua lại con trâu như thế nào.
Viên Ðề điểm hình ngục nhăn mặt tỏ vẻ đăm chiêu, nhưng giọng nói đã có đôi phần khách khí, không coi Minh-Ðệ là thứ trốn chúa lộn chồng nữa:
– Không ngờ vụ án chùa Từ-quang lại trở thành to lớn, liên quan đến trường Trung-nghĩa. Tại sao Quách Ðồng lại cố ý viết tờ khai cho giống với lời tố giác của đám đệ tử trường Trung-nghĩa, làm hại Kinh-Nam vương? Thôi thì đành để Kinh-lược-sứ định liệu, chứ thẩm quyền của bản chức, không thể hỏi cung tước hầu như Trung-nghĩa đại tướng quân. Có điều cặp vợ chồng quý nhân kia là ai mà lại cúng dàng số vàng quá lớn. Không lẽ ông bà là Kinh-Nam vương thực? Nhưng với giọng nói ngọng của bà vợ, thì rõ ràng bà là người Hán rồi. Chỉ có người Hán mới nói tiếng chết thành chiết, rồi thành dồi, được thành lược.
Y nhìn năm nhà sư mình mẩy đầy thương tích, bàn tay tím bầm vì bị kìm kẹp, rồi tiếp:
– Hiện có đến ba chục viên võ quan trong vùng Kinh-Bắc này xuất thân ở trường Trung-nghĩa. Mà cái việc cáo giác chùa Từ-quang lại do mấy võ quan gốc Trung-nghĩa trình lên ngài Kinh-lược-sứ. Vụ án này coi ra nhiêu khê đây.

back top