Nam Quốc Sơn Hà

Chương 5: Cánh bèo trôi nổi

Minh-Ðệ cùng với năm vị đệ tử của đại-sư Viên-Chiếu bị gọi lên từng người một thẩm cung liền mười lăm ngày. Mỗi ngày một người chấp cung khác nhau. Nhưng những lần thẩm cung sau, thì không ai bị tra tấn nữa. Hình quan chỉ đặt câu hỏi, bắt trả lời. Họ thay nhau, người này vặn đi, người kia vặn lại, rồi họ bắt viết tay lời cung vào tờ giấy. Sau lần thứ mười lăm, thì quan Ðề-điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng gọi Viên Chiếu, chư tăng, cùng Minh-Ðệ lên công dường, với sự hiện diện của các quan chấp cung, hai hình quan Tô Sơn-Lâm, Vương Ðình-Thụ, rồi tuyên án:
– Ðúng ra với tội phạm giới tại chùa Từ-quang, thì bản chức sẽ xử. Tội nhẹ thì đánh đòn, đuổi về dân dã. Tội nặng thì xung quân. Bản án được chuyển qua quan Kinh-lược để ngài tăng hay giảm chút ít rồi cho thi hành. Nhưng vụ này lại kèm thêm tội làm gian tế cho Tống, quan Kinh-lược-sứ muốn bỏ qua vụ này. Bản chức không thể đồng ý, vì đây là một trong thập ác, nên nội vụ sẽ đưa về bộ Hình phúc thẩm. Các người chịu tạm giam để chờ án trong kinh ra.
Hoàng Khắc-Dụng hỏi Vương Ðình-Thụ:
– Viên đội trưởng bị giết hôm qua, đã tìm được manh mối gì chưa?
– Thưa chưa. Cứ như việc trong miệng y có cái chân chó nhét vào, thì rõ ràng y bị Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng giết chết.
– Từ xưa đến giờ Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng có giết oan bao giờ đâu? Thế viên đội trưởng phạm tội gì vậy?
– Theo An-vũ-sứ, thì trong lúc khám chùa Từ-quang, y buột miệng nói: "Chư tăng ăn thịt chó, thịt trâu, như vậy chùa này là chùa của Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng rồi". Chắc vì thế nên Mộc-Tồn hà thượng mới giết y.
– Chết như vậy là đáng. Ai bảo ngứa miệng?
Ðây là lần thứ ba Minh-Ðệ được nghe nói đến Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa-thượng. Theo tiếng bình dân thì mộc là cây. Tồn là còn. Cây còn là con cầy. Tức con chó. Tại sao lại có một hòa thượng tên là thịt chó? Tại sao ai nghe đến tên ông cũng kinh hoàng? Tại sao tên đội trưởng chỉ vô lễ một chút mà bị ông giết chết?
Vương Ðình-Thụ hỏi Khắc-Dụng:
– Ðại nhân có biết tại sao khi Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng ra tay hạ sát ai lại nhét chân chó hoặc thịt chó vào miệng không?
– Tôi cũng không rõ nữa. Khắp Ðại-Việt này có hai ông Hình-bộ thượng thư tư là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng. Kinh-Nam vương thì xử tội những kẻ chủ gây chia rẽ Hoa-Việt, những bọn tham quan, những phường bán nước trong suốt 35 năm nay. Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng chỉ mới xuất hiện trong vòng mười năm trở lại đây, ông chuyên xử bọn cường hào ác bá, bọn trộm cướp, bọn gian xảo. Nghĩa là một người lo bảo vệ đất nước, một người lo bảo vệ phong hóa, luật pháp.
Minh-Ðệ được đưa khỏi nhà tù, đem giam lỏng riêng vào một phòng cùng với con bé Thúy-Phượng trong dinh An-phủ-sứ. Phòng có dường chiếu, có chỗ tắm, phía sau có cầu tiêu sạch sẽ. Nàng được ra vào thư thả, cửa nhà giam không bị khóa. Hàng ngày nàng cùng con bé Phượng phải quét dọn công đường cùng tư thất của An-phủ-sứ. Khi làm việc, thấy trên giá của ông có nhiều sách, nàng lấy ra đọc. Một lần An-phủ-sứ thấy vậy thì nói:
– Ta có coi cung từ của mi, thấy chữ mi viết rất tốt. Vậy ta cho phép mi, sau lúc làm việc được lấy những sách này đem về nhà giam mà đọc.
Từ đấy Minh-Ðệ lại có sách đọc. Nhớ lời thầy đồ Thái hướng dẫn, nàng chú ý đọc sử nhiều hơn. Vì vậy những ngày ở tù, ban ngày thì Minh-Ðệ đọc sách. Ban đêm nàng luyện công. Nàng thấy tuy ở tù, nhưng nhàn nhã, sướng hơn những ngày ở với cha mẹ. Lắm lúc nghĩ đến thời gian ở với cha mẹ, nàng lại rùng mình. Nàng rùng mình không phải vì làm quần quật suốt ngày, mà vì không biết phải làm gì, nói gì để khỏi phải nghe chửi, khỏi phải ăn đòn. Nàng nghĩ thầm:
– Nếu ta bị giam như thế một thời gian nữa, thì ta sẽ thuộc hết đám sách này, công lực ta cũng sẽ cao thâm hơn.
Lắm lúc nàng lại tự hỏi:
– Siêu-loại hầu bảo rằng vợ chồng quý nhân dạy võ công cho ta là Ưng-sơn song hiệp. Nếu quả như vậy thì cuộc đời ta sung sướng biết bao. Con Minh-Can dựa vào bố mẹ hành hạ ta đủ điều, thế mà thầy nó nghe đến Ưng-sơn song hiệp là phát run lên... Hỏi trên đời này ai dám đối xử tàn tệ với ta nữa? Nhưng không biết bây giờ ông bà ở đâu?
Trong dinh An-phủ-sứ có năm con hầu tên là Huyền, Thanh, Hồng, Hoàng, Bạch. Năm con hầu này tuổi từ mười ba tới mười sáu, khá xinh đẹp. Chúng là những đứa hầu cạnh phu nhân và các tiểu thư, công tử con An-phủ-sứ. Chúng mặc quần áo bằng lụa mầu theo tên chúng mang. Vì nàng là tù nhân, quần áo xốc xếch, chuyên lau chùi cùng quét dọn, nên chúng coi nàng bằng nửa con mắt. Con đành hanh nhất là con Huyền, vì An-phủ-sứ hứa gả nó cho viên võ quan tên Ðặng Vinh. Tên Vinh xuất thân là đệ tử trường Trung-nghĩa. Y biết Minh-Ðệ đã từng dùng võ công thắng sư đệ của y là Trịnh Phúc, nên y không dám coi nàng như những tên tù khác. Thường ngày, nàng được gọi vào bếp để ăn cơm với bọn chăn ngựa, bọn khuân vác trong dinh.
Một hôm con bé Thúy-Phượng nói nhỏ với nàng:
– Mẹ em, cũng như mấy bà trong tù nhận thấy những ngày gần đây, da chị ngày càng trắng hồng ra, mắt sáng óng ánh, lưng thon thêm. Nhan sắc chị trở thành hiếm có. Thế nhưng... thế nhưng... chị lại ở tù, thì e khó giữ nổi tuyết sạch giá trong đấy.
Minh-Ðệ biết nàng luyện nội công âm nhu, nên nhan sắc ngày càng xinh đẹp. Nàng lo sợ hỏi:
– Vậy chị phải làm sao bây giờ?
– Mẹ em bảo chị nên để đầu bù tóc rối, rồi bôi than, bôi đất đi cho thành lọ lem mới được.
Từ đấy nàng để đầu bù tóc rối, mặt bôi lọ lem luốc. Nhưng nàng để ý thấy những quan của lộ Kinh-bắc thường nhìn nàng với con mắt gian tà, khiến nàng càng lo sợ. Nàng chỉ mong sao cho án sớm làm xong, để nàng có thể rời khỏi đây.
Hôm ấy con Huyền, một con hầu của An-phủ-sứ, thấy nàng xuống bếp ăn cơm xong, thì vẫy tay:
– Phu nhân khen chị chăm chỉ bón hoa, hoa nở tươi đẹp, nên ban thưởng cho chị bát sâm thang này. Vậy chị uống đi.
Minh-Ðệ vọi bưng chén sâm thang uống, rồi nói:
– Xin chị thưa với phu nhân rằng con tù Yến-Loan gửi lời đa tạ phu nhân.
Sau bữa cơm chiều, nàng trở về phòng giam, thì thấy con bé Thúy-Phượng đang nằm ngủ trên dường của nàng. Nàng lay gọi, mà nó cứ mơ mơ tỉnh tỉnh. Còn nàng thì tự nhiên mắt dí lại buồn ngủ kỳ lạ, cái buồn ngủ mà trọn đời nàng chưa hề thấy qua. Nàng muốn nằm xuống ngủ một giấc, nhưng đêm nay là đêm rằm, trăng sáng, nàng phải luyện một thức nội công dưới trăng để hấp âm-khí, vì vậy nàng không thể ngủ được. Nàng vội vàng ngồi chỉnh đốn vận công để chống với giấc ngủ, nhưng hơi của bát sâm thang mà phu nhân An-phủ-sứ tặng nàng vẫn bốc lên. Kinh hãi, nàng vội móc họng mửa ra, mửa hết, nàng tỉnh táo dần. Trong đầu óc nàng loé lên một tia sáng:
– Hay ta bị đánh thuốc độc giống như ngài Thái-bảo Lý Thường-Kiệt khi xưa?
Hôm cùng chị em vét lạch, nàng đã được nghe cụ phó lý kể chuyện cũ về quan Thái-bảo Lý Thường-Kiệt hồi còn niên thiếu bị đánh thuốc cho mê đi, rồi bị tĩnh thân. Nàng rùng mình:
– Ðúng rồi, mình bị đánh thuốc mê rồi.
Ghi chú:
(1) Ðọc sử thời Lý, người sau thường có hai thái độ đối với Lý Thường-Kiệt. Một là thái độ khinh khiến của Nho-gia, tuy có công nhận công nghiệp của ông, nhưng vẫn khinh rẻ ông, vì ông là một hoạn quan. Nguyên do, trong lịch sử Hoa-Việt có không biết bao nhiêu bọn hèn hạ bất tài, chỉ vì muốn có chút công danh, cam tâm chịu tĩnh thân làm thái-giám hầu hạ vua cùng những bà phi, bà hậu, rồi nhờ gian xảo mà lên nắm quyền, làm hại dân hại nước. Thái độ thứ nhì thì chỉ căn cứ vào huân công của ông đối với xã tắc, kính trọng ông như những anh hùng khác. Nhưng sự thực ông bị ám hại mà thành thái giám. Xin đọc Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ.
Nàng vội ngồi xuống vận khí theo vòng Tiểu-chu-thiên bốn năm lần liền, thì thấy người tỉnh táo lạ thường. Nàng kinh hãi:
– Họ đánh thuốc mê ta để làm gì đây?
Trời sang canh hai, nàng bỏ phòng giam, ra ngoài luyện công. Nhưng vì ám ảnh bởi nguy cơ bị đánh thuốc mê, nàng không luyện công được. Thấy mùi dạ-hương thơm ngát từ phía Bắc đưa lại, nàng rảo bước đến đó để hái mấy cành đem về phòng. Khi nàng qua bụi mẫu-đơn, thì có một bóng đen núp ở ngay chân tường. Nàng vội vàng ẩn thân xem ai định làm gì. Bóng đen huýt sáo một tiếng, lập tức bên ngoài có khúc củi bay vào trong. Khúc củi có sợi thừng lớn buộc. Bóng đen cầm khúc củi với sợi dây đột vào gốc cam, rồi huýt sáo nữa. Bên ngoài có một, rồi hai, người bám dây leo vào trong. Ðó là hai người đàn ông. Một người Minh-Ðệ nhận ra y là Trịnh Phúc, một người nữa nàng cũng nhận ra y là Vũ Ðức. Bóng đen đứng dậy, Minh-Ðệ nhận ra y là viên võ quan hiện làm lữ-trưởng chỉ huy một lữ thuộc đạo binh Kinh-bắc tên là Ðặng Vinh, chồng chưa cưới của con Huyền. Ðặng Vinh có một tốt canh phòng dinh An-phủ-sứ, vì vậy y ra vào dinh dễ dàng.
Tên Trịnh Phúc lên tiếng hỏi:
– Thế nào?
– Kết quả tốt.
– Cho biết chi tiết được không?
– Huyền đã đem thuốc cho hai con ấy uống. Chúng không nghi ngờ uống luôn. Hiện cả hai ngủ say như chết. Bây giờ chỉ cần hành động thôi.
Nghe chúng nói, Minh-Ðệ phát rùng mình:
– Thì ra tên Ðặng Vinh này định đánh thuốc mê mình với con Thúy-Phượng để làm điều gì ám muội đây. May mà mình thoát được. Không biết vụ này chúng làm với nhau, hay do phu nhân An-phủ-sứ chủ trương? Nếu do chúng tư tình làm, mình tri hô lên thì chúng sẽ mất đầu. Còn như vụ này do phu nhân chủ trương, mà mình tri hô lên, thì chính mình sẽ lĩnh tai vạ không nhỏ.
Cả ba tên đi về phía phòng giam nàng. Minh-Ðệ theo bén gót.
Dường như chúng đã quen hành động với nhau. Nên tên Vinh gác phía ngoài, còn tên Phúc, Ðức chuồn vào trong. Bỗng có một bóng đen di chuyển nhanh không thể tưởng tượng được, bước chân nhẹ như chiếc lá. Bóng này phóng tới điểm một ngón tay vào cổ tên Vinh, lập tức y ngã lăn xuong đất. Bóng đen bóp miệng hú lên hai tiếng nho nhỏ. Hai tên Phúc, Ðức từ trong chạy ra hỏi:
– Cái gì vậy?
Bóng đen điểm tay hai cái, đến lượt hai tên này lại mê man. Nhanh nhẹn bóng đen trói ba tên lại thành một chùm, rồi cầm sợi dây, leo lên cây, y truyền ra đầu một cành cây, rồi kéo mạnh. Lập tức ba tên bị rút lủng lẳng lên cao. Sau khi treo ba tên, bóng đen cầm một mảnh vải trắng cuốn vào cổ một tên rồi thả từ trên cao xuống. Mảnh vải trắng bay phất phới trước gió.
Làm xong công việc, bóng đen buông mình từ trên cây xuống như chiếc lá, rồi di chuyển đến cạnh Minh-Ðệ. Kinh hãi nàng vung tay phát quyền tấn công bóng đen. Bóng đen điểm ngón tay một cái vào huyệt Ðại-trùy của nàng, lập tức toàn thân nàng bị tê liệt. Bóng đen ghé miệng vào tai nàng nói nhỏ:
– Ðừng la lớn, ta đến cứu mi chứ không phải đến hại mi đâu. Mi có tin ta không?
Minh-Ðệ gật đầu. Bóng đen nói:
– Mi hãy theo ta.
Bóng đen vuốt nhẹ lên đầu nàng một cái, huyệt đạo được giải. Bóng đen đi trước, vẫy tay cho nàng theo sau. Tới bức tường, bóng đen khẽ nắm lấy tay nàng nâng nhẹ, người nàng cùng bóng đen đã vượt qua bức tường ra ngoài. Bóng đen để nàng xuống rồi vẫy tay cho nàng chạy theo. Khi đến bên bờ sông, bóng đen nhảy xuống chiếc thuyền lớn. Minh-Ðệ cũng nhảy theo. Bóng đen vào trong khoang thuyền, trong khoang có đèn thắp sáng. Bóng đen lên tiếng:
– Vào đây!
Minh-Ðệ bước vào. Bấy giờ nàng mới nhìn rõ, đó là một ông già râu, tóc bạc như cước, da mặt dăn deo coi mà phát khiếp. Nàng vội vàng cung tay hành lễ:
– Cháu cung kính ra mắt tiên sinh, đa tạ tiên sinh đã cứu mệnh cho cháu. Xin tiên sinh cho cháu được biết cao danh quý tính?
Lão trượng không trả lời Minh-Ðệ, ông lẩm bẩm, nói một mình:
– Vừa rồi cháu ra chiêu Ðông-hải lưu-phong trong Ðông-a quyền pháp khá vững. Nhưng nội lực của cháu dường như là Mê-linh. Lạ thực.
Ông hỏi Minh-Ðệ:
– Ba tên đại đạo định hại cháu là ai vậy?
– Thưa tiên sinh không những cháu biết tên chúng, mà còn rõ cả sư môn của chúng nữa.
Rồi nàng thuật chi tiết về ba tên Trịnh Phúc, Ðặng Minh, Vũ Ðức cho lão nghe. Lão hỏi:
– Cháu có biết ba tên này định làm hại cuộc đời cháu không?
– Thưa tiên sinh, cháu hoàn toàn không biết.
– Vụ án chùa Từ-quang hiện còn trong bóng tối, chưa ra manh mối. An-phủ sứ tấu về triều. Quan Hình-bộ cũng phân vân không quyết định. Cái mấu chốt của vụ án là cháu có còn trinh hay không? Nếu cháu mất trinh rồi, thì các sư chùa Từ-quang sẽ bị kết tội phạm giới, làm gian tế cho Tống. Ví bằng cháu còn trinh, thì mọi nghi vấn được giải toả, các sư sẽ được tha ra. Mấy hôm nữa người ta sẽ giải cháu về kinh để quan Hình-bộ xử tội. Hình bộ cho người khám nghiệm xem cháu có còn đồng trinh không? Vì vậy bọn này định đánh thuốc mê cho cháu ngủ, rồi chúng lẻn vào hiếp dâm cháu. Trong cơn mê cháu đâu biết gì? Khi bị giải về kinh, bà mụ khám thấy cháu mất trinh, thì Hình-bộ sẽ kết tội nặng chư tăng chùa Từ-quang.
– Thưa tiên-sinh, như vậy vụ án này do trường Trung-nghĩa vu cáo để hại chư tăng chừa Từ-quang hay sao?
– Dĩ nhiên!
Minh-Ðệ nghe xong, nàng phát rùng mình.
Lão bảo Minh-Ðệ:
– Trước đây đã có ba người dạy võ công cho cháu. Một người là đàn bà, dạy cháu chút ít tâm pháp của phái Mê-linh, mà cháu tưởng bà ta là Phật bà Quan-Âm phải không? Với thứ tâm pháp này, cháu luyện thì thân thể khỏe mạnh, da dẻ tươi mịn, hồng hào, người thon lại. Hơn nữa có thể chịu đòn mà không biết đau đớn. Sau cháu lại gặp hai người nữa dạy cho cháu ít thức quyền pháp, nội công tâm pháp. Vì vậy cháu thắng mấy cái bị thịt, mà người ta gọi là thái bảo trường Trung-nghĩa. Nhưng cháu chưa có sư phụ chính thức. Có phải thế không?
– Thưa tiên sinh đúng vậy.
– Cháu có biết cặp vợ chồng dạy võ, cho cháu vàng bạc là ai không?
– Cháu không biết, vì ông bà không chịu xưng tên. Nhưng Siêu-loại hầu bảo ông bà là Ưng-sơn song hiệp.
– Ðúng vậy. Chỉ hai đứa đó mới có hành vi như thế.
– Tiên sinh cũng biết ông bà Ưng-sơn ư?
– Không những biết, mà còn rất thân nữa. Thân vô cùng.
– Thưa tiên sinh, thân đến trình độ nào?
– Thằng lỏi đó là con trai út của ta.
Minh-Ðệ kinh hoàng đến ngẩn người ra, vì nàng đẽ nghe nói: Ưng-sơn nam hiệp có tên là Trần Tự-Mai, con trai út của Thiên-trường đại hiệp Trần Tự-An, chưởng môn phái Ðông-a. Ông là người có võ công cao siêu không biết đâu mà kể. Nhưng từ sau khi Nùng Trí-Cao khởi binh, xưng là Nhân-Huệ hoàng-đế, bị Ðịch Thanh đem đánh bại, ông yêu cầu triều đình Ðại-Việt đem quân tiếp viện. Nhưng vua Lý Thái-tông trì nghi, vì vậy Trí-Cao thất bại. Từ đấy ông bỏ đi ngao du thắng cảnh biệt tăm. Không ngờ hôm nay nàng lại gặp ông ở đây.
Minh-Ðệ vội quỳ gối rập đầu binh binh:
– Cháu xin kính cẩn ra mắt tiên sinh. Ða tạ tiên sinh đã cứu cháu.
– Bây giờ ta thu cháu làm đệ tử, rồi đêm đêm ta sẽ tìm đến dạy cháu, vậy cháu nghĩ sao?
Minh-Ðệ mừng quá, vội quỳ gối rập đầu tám lạy, miệng hô:
– Sư phụ!
Nàng mừng quá, nước mắt chảy xuống gò má, chân tay run run.
– Con biết rằng đệ tử lớn của ta năm nay cũng đi vào tuổi sáu mươi rồi, nghĩa là đáng tuổi ông nội, ông ngoại con. Ta thu con làm đệ tử là một trường hợp ngoại lệ. Vì vậy tuyệt đối con không được nói với ai. Tuy nhiên từ nay, mỗi khi con xử dụng võ công, nhất định có đứa nhận ra con là đệ tử của ta, tất chúng hành lễ với con thì con không được chối, mà cứ thản nhiên cho chúng lạy.
– Con nhớ lời sư phụ.
Ông quay mặt vào trong khoang thuyền gọi:
– Sư mẫu đâu, ra đây cho đệ tử nó hành lễ.
Một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, tuổi còn rất trẻ mở màn bước ra. Minh-Ðệ vội hành đại lễ:
– Ðệ tử tham kiến sư mẫu.
Bà nắm tay nàng nâng dậy, để nàng ngồi cạnh, rồi nói:
– Tiên sinh tuổi gần tám mươi mà còn nhận đệ tử trẻ thế này đây. Lỡ sau đây nó gặp đám đồ tôn của ông, thì đám đồ tôn sẽ xưng hô sao kia chứ?
– Sao với chả sao, cứ lấy lễ mà đối xử.
– Này, ông có cho tôi dạy nó không?
– Bà muốn dạy âm nhạc cho nó hả? Ðược chứ. Ðược chứ. Chúng ta cứ dốc túi truyền hết cho nó, biết đâu sau này ta không gả nó cho một thằng vua nào đó, nó nghiễm nhiên thành Hoàng-hậu. Làm Hoàng-hậu thì phải biết ca hát chứ?
Trước đây Minh-Ðệ từng nghe huyền thoại nói về vợ của Trần Tự-An tên là Ðào Hà-Thanh, nổi tiếng hoa khôi đất đế-đô, trước nàng đã ước hẹn với một võ lâm cao thủ phải Mê-linh tên Ðinh Kiếm-Thương. Nhưng rồi trong lần chơi sông Hồng-hà, nàng bị bang Hồng-hà toan bắt cóc, thì được đại hiệp Trần Tự-An cứu thoát. Cảm vì tài, trọng vì ơn, nàng nguyện dâng cuộc đời cho đại hiệp. Sau đó, nàng được tuyển cung, trở thành Khai-Quốc vương phi. Giữa lúc tuyệt vọng, thì Khai-Quốc vương khám phá ra mối ẩn tình của nàng. Vương cho nàng vàng bạc, rồi trả nàng về với Tự-An. Ðó chính là một trong những nguyên ủy đưa đến phái Ðông-a trợ giúp triều đình. Cũng chính vì vậy mà phá tan âm mưu Nam chinh của Tống. Còn cao thủ phái Mê-linh, ông ta thất tình, hóa điên, hóa khùng, bỏ theo bang Nhật-Hồ, trở thành một đại ma đầu. Hiện ông ta là một trong ba đại ma đầu của Hồng-thiết giáo còn sống sót, và vẫn đi tác quái trong một giải Chiêm-thành, Ðại-Việt.
Bất giác nàng đưa mắt nhìn người đàn bà nổi danh nghiêng nước này: tuổi tuy trên năm mươi, mà nét thu vẫn còn tuyệt thế.
Ðến đó ông vẫy Minh-Ðệ theo ông lên bờ. Bà cũng đi theo. Ông mói:
– Võ học bản môn hiện đứng đầu thiên hạ. Trước hết ta dạy con những võ công căn bản đã. Ðầu tiên là bộ Ðông-a chưởng pháp.
Thế rồi ông dạy nàng cách vận khí, cùng phát chiêu. Vốn thông minh tuyệt đỉnh, nên ông dạy đến đâu nàng thu nhận đến đó. Lúc trời gần sáng, ông bảo nàng:
– Bây giờ con hãy về dinh Kinh-lược, thản nhiên vào nhà tù nằm ngủ. Lúc nãy con vượt tường, thì cần phải có thầy giúp. Bây giờ con cứ hít hơi, vận khí vào hai chân như thầy dạy con ban nãy, là con có thể vượt tường vào trong. Thôi con về. Mọi sự đã có thầy xếp đặt.
Minh-Ðệ quỳ gối rập đầu:
– Con xin bái biệt sư phụ, sư mẫu.
Minh-Ðệ vận khí xuống hai chân, rồi chạy về hướng dinh An-phủ-sứ. Lạ lùng thay, nàng chạy mau vô cùng. Tới chân tường, nàng vận khí xuống chân, rồi tung mình lên cao, thân thể nàng tà tà đáp vào trong vườn. Nàng chạy về nhà tù. Vừa mở cửa bước vào, Minh-Ðệ thấy có luồng gió chụp lên đầu, rõ ràng nàng bị đánh trộm, nàng vội vung tay đỡ. Binh một tiếng, cánh tay nàng ê ẩm, trong khi ngươi kia kêu lên một tiếng ủa đầy vẻ kinh ngạc, rồi mở cửa phóng ra ngoài. Nhớ lời thuật của sư phụ, nàng kinh hoàng:
– Không chừng kẻ nào đó đột nhập vào đây làm hại Thúy-Phượng cũng nên.
Nàng vội dùng đá đánh lửa, đốt nến lên, thì thấy quần áo Thúy-Phượng vẫn còn tươm tất, chứng tỏ nó chưa bị hại.
Trống điểm sang canh tư, buồn ngủ quá, Minh-Ðệ nằm xuống là ngủ say ngay.
Nàng đang say giấc thì có ai lay gọi, rồi tiếng con Hồng nói:
– Dậy ngay đi Yến-Loan. Dậy.
Minh-Ðệ vội ngồi dậy. Nàng dụi mắt hỏi:
– Cái gì vậy? Tại sao tôi lại ngủ trưa thế này.
Con Hồng chỉ ra sân:
– Ra mà coi.
Minh-Ðệ theo con Hồng ra sân. Ngoài sân gần như đủ cả các quan của trấn Kinh-bắc. Mọi người đều ngước mắt nhìn lên cành cây, nơi treo ba tên Phúc, Vinh, Ðức. Mảnh vải trắng dài bay trước gió có mấy chữ:
Ông Siêu-loại hầu,
Mở trường Trung-nghĩa,
Tiếng tăm biết bao,
Thế mà đệ tử,
Bẻ hoa đêm thâu.
Hỡi ôi, trung, nghĩa
Ðạo đức để đâu?
Ðêm nay ta vi hành qua đây, tạm treo chúng lên cành cây. Nếu như sư phụ không xử chúng, thì nên trả cái ấn Trung-nghĩa đại tướng quân cho triều đình.
Các quan bàn cách đem ba người xuống. Vì ba người bị treo lên một cành cây hơi nhỏ, nếu nay cho một người leo lên, tháo dây hạ xuống, thì với sức nặng bốn người, e cành cây sẽ gẫy, mạng bốn người khó toàn. Cành cây lại quá cao, không có chiếc thang nào tới cả.
Viên An-phủ-sứ nói:
– Người treo ba nạn nhân này, e võ công có một không hai trên đời. Ông ta bắt sống ba người êm thắm đến nỗi trong dinh này đông người thế mà không ai biết. Rồi ông ta túm ba người nặng thế kia, nhảy lên tới cành cây để treo, thì khinh công đến trình độ có thể bay lên được ư?
Một văn quan đề nghị đem rơm ra trải xuống dưới chân ba người. Sau đó sai lính lên cưa cành cây. Ba người sẽ rơi xuống đống rơm.
Lính đang đi lấy rơm, thì Siêu-loại hầu đã tới. Trên từ An-phủ-sứ, xuống tới các quan đều cung tay hành lễ. Hầu đọc thấy mấy chữ viết trên tấm vải trắng, thì mặt tái đi. Ông rút trong bọc ra một thanh trủy thủ, rồi phóng lên cành cây. Dây treo ba người bị cắt đứt. Ba người rơi xuống như trái mít rụng. Ðợi ba người còn cách mặt đất hơn tượng, ông tiến tới tà tà phóng ra một chưởng, chưởng phong đẩy ba người bật ngang đến bốn trượng rồi rơi xuống, thành ra ba người không đau đớn gì cả. Ông vung tay móc một cái, dây trói đứt hết, ba người lồm cồm bò dậy, mặt hiện ra nét e thẹn.
Siêu-loại hầu nói với An-phủ-sứ:
– Ðây là dinh Kinh-lược an-phủ-sứ, mà ba người bị treo, thì phải do An-phủ-sứ phát lạc.
An-phủ-sứ vẫy tay cho mọi người giải tán, rồi mời Siêu-loại hầu, Ðề điểm hình ngục, cùng ba nạn nhân vào công đường. Minh-Ðệ, Thúy-Phượng cũng bị gọi làm nhân chứng, vì căn cứ vào những lời ghi trên tấm vải, thì có thể ba người này định nhập nhà tù hái hoa.
Mọi người an tọa xong, Kinh-lược-sứ hỏi Ðặng Vinh:
– Ðặng tướng quân, tướng quân là đệ tử thứ chín của trường Trung-nghĩa, chính tôi đã thấy võ công của tướng quân không tầm thường. Thế mà sao tướng quân lại bị bắt sống, bị treo lên cây. Nhân có tôn sư ở đây, xin tướng quân thuật lại để tôn sư thẩm định trình độ võ công của thủ phạm.
Ðặng Vinh định thuật lại, thì Siêu-loại hầu vẫy tay ra lệnh im lặng. Hầu nói với ba đệ tử:
– Cái người treo bọn mi ấy, ta e võ công cao tới trình độ không thể tưởng tượng nổi. Chắc bọn mi có làm điều gì bất chính, nhưng vì thân phận của người này quá cao nên chỉ để ít chữ lại mắng vốn ta. Vậy ta phải xử cho đúng. Vụ này thực không nhỏ. Cần điều tra cho minh bạch.
Ông nói với các quan:
– Trước hết tôi xin quan đề điểm hình ngục thẩm cung Vũ Ðức. Hình-quan Tô thẩm cung Trịnh Phúc. Hình quan Vương thẩm cung Ðặng Vinh.
Ông chỉ mặt ba đệ tử:
– Ta nói để các người biết, nếu như ba người cung khai khác nhau, thì ta sẽ cho tra tấn các người, cho đến khi các người cung khai giống nhau thì thôi. Trường Trung-nghĩa nổi danh không phải ta giỏi, ta tài, mà vì có nhiều đệ tử trong quân đã tạo được huân công với xã tắc. Ta quyết không thể để cho ba đứa mi làm cho bại hoại trong một sớm, một tối.
Kinh-lược-sứ hỏi Minh-Ðệ:
– Yến-Loan. Trong đêm qua, ba người bị treo ngay trước nhà giam mi, vậy mi có thấy gì khác lạ không?
Minh-Ðệ định khai rằng mình ngủ say không biết gì. Song nàng nghĩ khai như vậy thì vô lý quá. Vì thế nàng nói:
– Kính trình thượng quan, đêm qua lúc giờ tí, con đang ngồi đọc kinh Phật, thì thấy ba người tiến tới cửa phòng giam. Hai người núp ngoài cửa, một người đột nhập vào phòng. Con định la lên, thì một bóng đen xẹt tới, bóng đen điểm huyệt ba người, rồi cột dây treo lên. Xong việc, bóng đen đểm huyệt con với Thúy-Phượng, vì vậy cả hai ngủ như chết, đến nỗi chị Hồng đánh thức mới tỉnh.
– Cái lúc bóng đen trói ba người đem treo, tại sao mi không hô hoán lên?
– Bẩm con kinh hãi quá nên ngồi chết lặng, mở miệng không ra lời.
– Thôi, mi ra tưới hoa đi.
Minh-Ðệ cúi đầu ra vườn. Nàng vừa gánh nước tưới hoa, vừa suy nghĩ:
– Vụ án chùa Từ-quang bị vu vạ nhất định do bàn tay của trường Trung-nghĩa gây ra để báo thù cái vụ ta đánh bại chúng đây. Nhà ta có dính vào vụ này rồi. Người dính vào vụ này là Minh-Can, nó đem quần áo của ta cho bọn sư huynh, sư đệ, để bọn chúng lén đột nhập tăng phòng bỏ vào đó hầu vu cáo cho chư tăng. Cái vụ lông chó, xương chó, thịt chó, thịt gà trong chùa chắc cũng do chúng ám toán đây. Cái tên thư lại Quách Ðồng viết lời cung khai hại chùa, ắt cũng có liên quan. Ta e trong dinh Kinh-lược còn nhiều người dính vào, bởi công văn nói sẽ giải ta về kinh cho khám nghiệm, ít người biết, thế mà tên Ðặng Vinh lại hay được, y mới tổ chức cho tên Trịnh Phúc, Vũ Ðức định ra tay trước, hại ta. Ta cứ im lặng xem sao. Bề gì cũng có sư phụ.
Ðêm đó, Minh-Ðệ dùng khinh công vượt tường ra bờ sông, tới con thuyền để gặp sư phụ. Ông lại dạy võ cho nàng. Còn bà thì dạy nàng về âm nhạc. Khác với mọi lần, hôm nay bà nấu một nồi thang dược, bốc hơi nghi ngút. Ông chỉ vào nồi nói với Minh-Ðệ:
– Bây giờ con vận tâm pháp mà ta dạy con. Sau đó con nhúng tay vào nồi thuốc này, hút hết thuốc vào bàn tay. Như vậy, tay con sẽ thấm thuốc, rồi chuyển khắp người. Sau đây, mỗi khi con giao đấu với ai, mà bị chúng dùng độc dược hại con, thì con không sợ bị nguy hiểm nữa.

Minh-Ðệ ngồi xếp chân vận công, khi nàng vận xong, thì nồi thang dược đã nguội. Nàng nhúng hai tay vào, rồi dẫn khí từ sáu tĩnh huyệt ở tay, theo lục kinh, đưa khắp cơ thể. Lúc thuốc mới nhập tới vai, người nàng cảm thấy cực kỳ khó chịu. Nhưng sau đó, nàng vận khí theo vòng Tiểu-chu-thiên mấy lượt, lập tức cảm giác khó chịu hết. Cứ như vậy, nàng luyện công với thuốc liền một tháng, thì sư phụ bảo nàng:
– Thế là dược chất trong người con đủ rồi. Từ nay không độc chất nào có thể hại con được nữa.
Cứ như vậy, thời gian lặng lẽ trôi qua. Võ công, âm nhạc của Minh-Ðệ ngày càng tiến thêm.
Hôm ấy, trời vừa đứng bóng, thì một tên hình-binh tới gọi nàng lên công đường nghe tuyên án, vì án từ trong kinh đã chuyển ra. Minh-Ðệ đến công đường, đã thấy đại sư Viên-Chiếu cùng chư tăng đầy đủ. Kinh-lược-sứ với các quan tại lộ Kinh-Bắc mũ cao, áo rộng đứng làm hai hàng văn võ hai bên kinh-lược-sứ. Viên Ðề điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng bước ra nói:
– Lộ Kinh-Bắc đã nhận được bản án chùa Từ-quang do quan Hình-bộ xét xử gửi về. Hôm nay ta tuyên đọc.
Một hình quan hô:
– Các tội nhân chùa Từ-quang quỳ xuống nghe án.
Từ sư trưởng Viên-Chiếu cho tới Minh-Ðệ đều quỳ gối. Ðề điểm hình ngục cầm tờ giấy đọc lớn:
"... Hình-bộ thượng thư, tại triều Chương-thánh Gia-khánh, chiểu chi đơn tố giác của các võ quan là Ðặng Vinh lữ trưởng; Lê– Kim-Cương lữ phó; Phạm Trung thiên tướng; tất cả đều tùng sự tại lộ Kinh-Bắc. Ba võ quan đệ văn thư lên kinh-lược-sứ rằng chư tăng chùa Từ-quang phạm giới sát, giới tửu, và giới dâm. Chiểu chi bản phúc thẩm của đề điểm hình ngục lộ Kinh-Bắc rằng sau khi khám xét chùa Từ-quang, quả có nhiều lông xương chó, gà, trâu; lại có cả ba con là luộc, một nồi rựa mận thịt chó với mấy chai rượu. Quan quân đã tìm thấy trong phòng của chư tăng có quần áo, yếm đàn bà. Quan quân cũng tìm thấy mấy chai rượu. Khi khám bảo điện, còn thấy có ba nén vàng, chín nén tám lượng bạc. Trong chùa quả có chứa con gái mười sáu tuổi không rõ họ, tên là Yến-Loan.
Sau khi đã thẩm cung, chịu tra khảo đầy đủ, nhưng chư tăng cũng như Yến-Loan không chịu nhận tội hành dâm. Do tang vật, chứng cớ, không thể chối cãi, nay tuyên án:
– Bởi nguyên cớ trì nghi, nên tha cho tội phạm giới dâm. Nhưng phạt về tội chứa gái trong chùa.
– Phạt tội phạm giới sát, giới tửu.
– Phạt thực nặng tội nhận vàng của ngoại bang để làm gian tế.
Tuyên phạt:
– Thu tất cả tăng-điệp của chư tăng chùa Từ-quang, đuổi về dân dã, không được tu hành nữa. Vàng bạc bị xung công.
– Sư trưởng Viên-Chiếu đáng tội lăng trì, nay ân giảm vì tuổi tác cao, cũng đáng thương, chỉ phạt phải xung quân nghìn dặm trong năm năm.
– Năm đệ tử là Viên-Căn, Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp, Viên-Hoa bị đánh hai mươi côn lớn, xung quân mười năm.
– Mười lăm tiểu sa-di, tuổi còn nhỏ, không chủ trương được, ân giảm hai bậc, chỉ bị đánh hai mươi roi mây, xung quân một năm.
– Còn thị Yến-Loan vì lý lịch chưa rõ, đợi Tuyên-vũ-sứ trấn Thanh-hóa điều tra xem là tôi tớ nhà nào, sẽ tuyên án sau. Tạm giao cho huyện Thọ-xương để làm lao dịch.
Nay truyền cho kinh-lược-sứ lộ Kinh-bắc chiếu chi thi hành.
Pháp-thiên, Ứng-vận, Sùng-nhân, Chí-đức, Anh-văn, Duệ-võ, Khánh-cảm, Long-tường, Hiếu-đạo hoàng đế, niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ nhì, tháng năm, ngày Giáp-Tý.
Thái-tử thiếu-sư, đồng tri Khu-mật-viện, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, lĩnh Hình-bộ thượng thư, tước Cổ-am hầu, Nguyễn Quý-Thuyết.
Khán, kiểm thự:
Kiểm hiệu thái phó, Long-thành tiết độ sứ, Ðồng bình chương sự, Khu-mật-viện sứ, lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử, tước Gia-viễn quốc-công, Dương Ðạo-Gia.
Quan đề điểm hình ngục hỏi:
– Các tội phạm có nghe rõ không?
– Nghe rõ.
Hình quân nọc các tội phạm xuống đánh đòn tại chỗ, rồi cho đóng gông giải di. Minh-Ðệ quỳ gối đỉnh lễ chư tăng:
– Bạch các thầy, chỉ vì các thầy thương xót con bị đau đớn, bị đưa vào đường cùng, phát tâm Bồ-đề cứu vớt con, mà ra nông nỗi. Con xin đức Phật hộ trì cho các thấy.
Ðại sư Viên-Chiếu phóng cặp mắt từ bi nhìn Minh-Ðệ:
– Con không nên khóc lóc làm gì. Con ơi, dù con không đến trú ngụ tại chùa Từ-quang, dù thầy có ở chùa khác, thì cái nghiệp nó cũng theo đuổi đến cùng. Thầy biết, vụ án này sau sẽ được bạch hóa, bấy giờ không biết thầy có còn tại thế không? Thầy chỉ dặn con một điều rằng đừng vì chuyện hôm nay mà xuống tay quá nặng với kẻ đã gây ra vụ này.
Nói xong, ông thản nhiên để quân sĩ giải đi, mặc Minh-Ðệ khóc nức nở nhìn theo.
Ngay chiều hôm đó, Minh-Ðệ được Ðề điểm hình ngục gọi lên. Nhân không có ai bên cạnh, ông nói nhỏ với Minh-Ðệ:
– Ta điều tra vụ án này, biết rất rõ các thầy với con bị hàm oan, bị vu cáo. Ta đã đề nghị tha bổng. Nhưng quan Kinh-lược sứ muốn phạt nặng, kết tội chư tăng phạm giới dâm. Vì vậy ta phải tấu về triều, để bộ Hình phúc thẩm. Không ngờ bộ Hình lại không dám quyết đoán, chuyển sang Tể-tướng. Tể tướng đã xử oan ức như vậy. Ta biết làm sao bây giờ. Cái tên thư lại viết tờ cung khai vu cáo đó tên là Quách Ðồng, bị ta tra khảo, nó khai rằng nó tuân lệnh của quan Kinh-lược-sứ Phạm Anh bảo làm. Ta sai giải nó về kinh, đáng lẽ nó phải tội chém đầu, thì Tể tướng Dương Ðạo-Gia lại tha cho nó, cất nhắc nó lên ba bậc, cho làm quan ngay ở huyện Thọ-xương. Còn ba viên võ quan toan cưỡng dâm con, rõ ràng bị biệt giam để điều tra, thì con hầu của phu nhân Kinh-lược an phủ-sứ tên Thanh đem cơm cho chúng, rồi chỉ cho chúng khai giống nhau rằng: hai tên Trịnh Phúc, Vũ Ðức vốn là sư đệ của tên Ðặng Vinh. Nhân đêm trăng sáng, Vinh mời hai đứa đến trại của y uống rượu. Không hiểu ai đó đã bỏ thuốc vào rượu khiến cho ba đứa mê man, rồi đem treo chúng lên cành cây. Siêu-loại hầu với Kinh-lược sứ thấy ba đứa biệt giam ba nơi, mà đồng khai giống nhau, bèn khiến ta làm án rằng chúng vì công vụ mà bị hại. Chúng được tha ra. Chức phận của ta quá nhỏ, ta không làm gì hơn được.
Ông nói nhỏ:
– Kinh-lược-sứ là con rể của Tể tướng Dương Ðạo-Gia. Dương tể tướng là anh trai của Thượng-Dương hoàng-hậu.
Minh-Ðệ hỏi:
– Bẩm quan có phải Thượng-Dương hoàng hậu có nhũ danh là Hồng-Hạc không?
– Kiến thức mi cũng khá đấy nhỉ. Mi biết gì về gốc tích họ Dương không?
– Dạ con đọc trong bộ Khâm-định Ðại-Việt hội điển cương-yếu (2). Chuyện này xẩy ra từ thời Thuận-thiên kia. Bấy giờ vua Thái-tông còn là Khai-thiên vương. Vương có ba vương phi là Triệu phi (3), Mai phi, Ðinh phi. Triệu phi sinh ra hoàng thượng cùng vua bà Binh-Dương, các công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh. Sau Triệu phi, Ðinh phi tuẫn quốc trong thời chư vương làm lọan. Hồi vua Thái-tông lên ngôi (1028) phong cho Mai phi làm Hoàng-hậu. Ðến năm Ất-Hợi (1035) lại phong cho Dương phi làm Thiên-Cảm hoàng hậu.
Ghi chú:
(2) Bộ sách này rất lớn, rất dài, ghi chép tất cả những văn kiện, thủ tục, luật lệ của triều Lý, viết bằng Hán-văn. Tiếc rằng thất truyền. Triều Nguyễn cũng có bộ sách tương tự tên là Khâm-định Ðại-Nam hội điển sự lệ.
(3) Sử chép bà họ Vương. Sự thực bà họ Triệu, nhưng Khai-Thiên vương phong bà làm chính phi, nên chép là vương phi để chỉ chức tước. Người sau lầm rằng bà họ Vương.
– Ðúng đấy. Thế sao người ta nói hoàng thượng xuất ra tự Mai phi chứ không phải Triệu phi?
– Dạ sách chép, Mai phi nuôi hoàng-thượng từ thời thơ ấu. Nên khi hoàng thượng lên ngôi, mới phong bà làm Linh-Cảm hoàng thái hậu. Chính vì Dương phi được phong là Thiên-Cảm hoàng hậu, nên phụ thân của Hoàng-hậu là Dương Ðức-Thành được đưa lên làm Tể tướng. Chức tước như sau: Kiểm hiệu thái-phó, tả bộc xạ, Ðồng trung thư môn hạ bình chương sự, chiêu-văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc sử. Như vậy là quan cao cực phẩm, chỉ thua có Quốc-phụ Khai-Quốc vương và Thái-sư Dương Bình mà thôi.
– Ta nghe nói, sau vì họ Dương được trọng dụng, tác oai tác quái, nên anh hoàng hậu là Dương Ðức-Uy với con trai là Dương Ðức-Thao bị võ lâm giết chết thì phải.
– Vâng đúng thế đấy ạ. Bấy giờ hai anh trai của Thiên-Cảm hoàng hậu đều được trọng dụng. Anh cả là Dương Ðức-Minh đang lĩnh chức Tiết-độ-sứ vùng Kinh-bắc. Anh thứ là Dương Ðức-Uy lĩnh Lại bộ thị lang. Sau đó con trai của Dương Ðức-Uy là Dương Ðức-Thao với con gái là Dương Hồng-Hạc vì bang bạnh sao đó với Thái-tử Nhật-Tông cùng Thế tử Thường-Kiệt, nên Ðức-Uy với Ðức-Thao bị Ưng-sơn song hiệp giết chết. Nhờ thế lực của cô là Thiên-Cảm hoàng-hậu nên sau đó Hồng-Hạc thành vương phi của Thái tử. Rồi khi Thái tử lên ngôi được phong làm Thượng-Dương hoàng hậu. Như vậy họ Dương hai đời làm Hoàng-hậu liên tiếp.
– Trí nhớ mi tốt đấy. Thái-tử Nhật-Tông lên ngôi (1054), tức đương kim thiên tử. Người là học trò của tiên cô Bảo-Hòa cùng quan Thái-phó Dương Bình, nên người chuyên dùng các quan văn võ kiêm toàn như Quách Thịnh, Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu. Khai-Quốc vương khuyên Hoàng-thượng phải trọng văn. Người mới dùng thêm thầy dạy văn là Lý Ðạo-Thành, Bùi Hựu; còn Dương Ðức-Thành ngài cho về hưu. Thượng-Dương hoàng-hậu khẩn khoản tiến cử anh là Dương Ðức-Minh. Hoàng-thượng truyền đổi tên Ðức-Minh là Ðạo-Gia, cho làm tham-tri chính sự, tức Phó tể-tướng; dần dà nay leo tới Chiêu-văn-quan đại-học-sĩ tức Tể-tướng.
Ông ngừng lại suy nghĩ rồi hỏi:
– Theo như mi đoán, thì vụ án chùa Từ-quang do ai khởi xướng?
– Chắc là đám đệ tử trường Trung-nghĩa.
– Mi lầm rồi. Bọn đệ tử Trung-nghĩa chỉ là thiên lôi mà thôi. Mi có biết Trung-nghĩa đại tướng quân Siêu-loại hầu xuất thân ra sao không? Tên thực ông là gì?
– Con thực không rõ.
– Ông ta tên thực là Trịnh Quang-Thạch, em vợ của Tể tướng Dương Ðức-Thành. Khi Thiên-Cảm hoàng-hậu được tuyển cung, ông ta tự thiến để làm thái giám, rất được vua Thái-tông trọng dụng. Bấy giờ ông ta leo lên tới Nội-điện chỉ huy sứ, Bắc-ban chỉ hậu. Ông ta cũng biết võ, nhưng không thuộc đại môn phái nào của Ðại-Việt. Lúc về hưu, ông được tặng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu. Tuy là hoạn quan xuất thân, nhưng ông ta có chí lớn, về hưu rồi, mở trường tuyển thầy dạy võ, dạy văn, nên trong quân cũng như chính trường có rất nhiều người xuất từ cửa ông ta. Có điều, văn cũng như võ của ông không đủ đào tạo những nhân vật siêu việt, nên đệ tử của ông ta về võ cao nhất là sư trưởng, về văn thì chỉ làm những chức lại cấp huyện mà thôi.
Hoàng Khắc-Dụng thở dài:
– Ta nói cho mi biết, vụ này rất lớn, nếu vỡ lở ra những việc làm trái luật của Tể-tướng, của Kinh-lược-sứ, thì ta phải đem cả nhà lên Lạng-châu sống nhờ vua bà Bình-Dương, hay lên Phong-châu, Thượng-oai sống nhờ công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh mới khỏi mang vạ sát thân. Ta chỉ tiết lộ cho mi biết một chút ít chi tiết: Linh-Cảm thái hậu họ Mai mới băng hà năm trước. Sư cụ Viên-Chiếu là cháu gọi hậu bằng cô ruột. Trong triều, thế lực họ Mai với họ Dương đều thịnh cả, nên hai họ đang tranh quyền nhau quyết liệt đến một mất, một còn.
– Như vậy vụ án này là do ngoại thích tranh quyền. Ðúng là trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Cái mệnh nhỏ xíu của cháu e khó thoát khỏi tai kiếp.
Hoàng Khắc-Dụng xua tay:
– Thôi mi lui, chiều nay họ sẽ giải mi về Thăng-long đấy. Phải liệu mà giữ thân. Mi đã không cha, không mẹ, thì gặp lúc thuận tiện nên trốn đi. Ba nơi có thể cho mi an thân, một là trang Thiên-trường của phái Ðông-a, trại Long-thành của ông bà Long-thành ẩn-sĩ, và núi Tản-viên của tiên cô Bảo-Hòa.
Nghe ông ta nói, Minh-Ðệ mừng thầm trong lòng:
– Thì ra trang Thiên-trường của sư phụ mình là nơi mà ngay thế lực của triều đình cũng phải dừng lại. Vậy mình còn sợ gì bọn Trung-nghĩa nữa?
Hoàng Khắc-Dụng móc túi đưa cho nàng một nén bạc:
– Ta làm quan thanh liêm, nên trong nhà thiếu thốn. Phu nhân của ta chỉ dành dụm được một nén bạc. Ta cho mi, để mi có tiền làm lộ phí mà trốn đi. Thôi mi lui.
Minh-Ðệ lau nước mắt, lạy ông ba lạy, rồi cầm bạc, ra vườn tưới cây.
Nhưng đến chiều vẫn không thấy binh lính tới giải nàng đi. Ðêm, Minh-Ðệ lại vượt tường ra bờ sông gặp sư phụ. Nàng thuật chi tiết bản án cho ông nghe. Ông nổi cáu:
– Trong vụ này, thì tên Trung-nghĩa vô tội. Y bị vợ chồng gã Kinh-lược an-phủ-sứ qua mặt. Ðược, nếu bị giải về Thọ-xương, con cứ ẩn nhẫn thụ hình. Chỉ nội hai ngày sư phụ sẽ đến tìm con, đưa con ra chỗ sư phụ ở để dạy võ cho con.
Thế rồi ông lại luyện võ cho nàng, trời gần sáng nàng vượt tường về nhà giam. Vừa bước vào, nàng thấy một người tung mình chạy ra. Võ công Minh-Ðệ đã tới trình độ cao, nàng vung tay xuất một chiêu cầm nã chụp người kia. Người kia trầm người xuống tránh. Minh-Ðệ phóng theo một chưởng. Người kia kêu lên tiếng kinh ngạc, rồi trả lại một chưởng. Hai chưởng chạm nhau đến bùng một tiếng. Người kia lảo đảo ngã ngồi xuống. Minh-Ðệ nhận ra đối phương là người đã đột nhập nhà tù lần trước, và nàng đã đối chưởng với y.
Tiếng chưởng chạm nhau làm Thúy-Phượng thức giấc, nó la lớn:
– Cướp, có ăn cướp. Ối quan quân ôi!
Người kia kinh hãi đánh liền ba chưởng để thoát thân, Minh-Ðệ trả lại bằng ba chiêu. Cứ mỗi chiêu nàng đánh ra, người kia lại phải lui liền mấy bước.
Quan quân đã tới, đèn đuốc sáng lòa. Người kia tung mình chạy ra ngoài, lập tức bị Ðặng Vinh vung đao chặn lại. Người kia rút kiếm ở bên hông ra đỡ đao của Ðặng Vinh. Ðao kiếm chạm nhau kêu loảng xoảng. Bây giờ Minh-Ðệ mới nhận ra, đó là một người đàn ông, đầu trùm kín bằng vải đen, chỉ để hở hai con mắt.
Các quan của lộ Kinh-Bắc đã có mặt đầy đủ.
Ðấu được trên năm mươi hiệp, thì Ðặng Vinh bắt đầu luống cuống. Y cứ phải lùi dần. Xung quanh quân sĩ tay cầm tên nạp vào cung dương lên, chỉ chờ lệnh là hàng trăm mũi tên sẽ hướng vào thích khách.
Thình lình, thích khách nhảy lùi liền ba bước đến bên Kinh-lược-sứ, chỉ một chiêu, y chụp Phạm Anh, kẹp vào nách, tay để lên đỉnh đầu y:
– Tất cả ngừng tay, bằng không ta chỉ sẽ vỗ một cái thì đầu y vỡ làm hai mảnh liền.
Kinh-lược-sứ la lớn:
– Hãy mở vòng vây, và không được vọng động!
Quân tướng vội lùi cả lại, mở vòng vây cho thích khách. Thích khách cặp Phạm Anh, mắt lườm lườm nhìn mọi người, rồi hướng về phía góc Tây-Bắc dinh. Vô tình y đi qua chỗ Minh-Ðệ. Nàng cúi xuống nhặt hai viên sỏi, rồi vận khí vào tay búng ra véo, véo hai tiếng. Hai viên sỏi trúng huyệt Khúc-trì thích khách. Cánh tay y bị tê chồn, Kinh-lược-sứ vuột khỏi tay y rơi xuống. Minh-Ðệ phát liền hai chiêu chưởng, chiêu nọ chồng lên chiêu kia. Thích khách kinh hoảng vội nhảy lùi liền ba bước để tránh thể chưởng. Minh-Ðệ tiến lên ra chiêu cầm long công, vòng tay một cái, Phạm Anh đang rơi xuống đất lại bay bổng lên. Nàng chụp lấy ông, rồi liệng cho Ðặng Vinh.
Tay thích khách còn tê chồn chưa cử động được, thì Minh-Ðệ đã phát một chưởng hướng người y. Kinh hoàng y lăn tròn dưới đất để tránh. Chiêu chưởng trúng xuống sân đến bùng một tiếng, bụi bay mờ mịt. Minh-Ðệ phát chiêu thứ nhì, tay thích khách đã cử động được, y vội đẩy ra một chiêu đỡ.
Ðúng ra khi thích khách mất căn bản, Minh-Ðệ đánh liền hai chiêu, thì đối phương đã mất mạng. Nhưng một là lần đầu tiên giao chiến, Minh-Ðệ chưa có kinh nghiệm, hơn nữa lòng dạ nàng vốn nhân từ, không muốn sát hại thích khách, nên nàng chỉ vận có năm thành công lực.
Các võ quan, cùng vệ sĩ trong dinh kinh-lược-sứ đã nghe nói đại khái rằng Minh-Ðệ biết võ nghệ, nay chúng thấy người có võ công cao nhất trong các đạo quân Kinh-Bắc là Ðặng Vinh bị bại dưới tay thích khách, mà Minh-Ðệ lại thắng y, thì hẳn võ công nàng cao thâm hơn Ðặng Vinh rất nhiều.
Sau ít hiệp, Minh-Ðệ nhận thấy một điều lạ là, rõ ràng lúc đầu công lực thích khách cao hơn nàng. Nhưng càng về sau, công lực y càng giảm thực mau lẹ.
Thình lình Minh-Ðệ đánh liền ba chiêu, thích khách đỡ được hai chiêu, đến chiêu thứ ba thì y loạng choạng muốn ngã. Minh-Ðệ tiến lên đánh một chỉ vào ngực y. Lập tức y ngã ngồi xuống.
Mấy viên vệ sĩ nhảy tới trói y lại. Ðặng Vinh giật chiếc khăn che mặt của y ra, mọi người đều bật lên tiếng kêu kinh hãi. Vì y chính là Ðoàn Quang-Minh, đại đệ tử của trường Trung-nghĩa.
Năm trước đây, lộ Kinh-Bắc tổ chức cuộc thi để tuyển võ quan, Ðoàn Quang-Minh đỗ đầu, nhưng y nhất quyết không ra làm quan. Y nói: chí của y là tiêu dao mây nước, xin ở hương đảng để giúp sư phụ huấn luyện đàn em. Vì trong lộ Kinh-bắc có đến mấy chục võ quan xuất từ trường Trung-nghĩa, nên y thường ra vào trong quân, mà không ai nghi ngờ gì cả.
Phạm Anh vẫy tay cho quân sĩ giải tán. Ông bảo Ðặng Vinh:
– Tướng quân đưa đại sư huynh vào công đường để lấy cung.
Trong công đường chỉ có vợ chồng Phạm Anh cùng Ðoàn Quang-Minh, Ðặng Vinh và Minh-Ðệ. Ðoàn Quang-Minh tỏ ra không sợ hãi. Y nói với Phạm Anh:
– Xin Kinh-lược-sứ cho mọi người ra ngoài, chỉ để mình Yến-Loan cô nương ở lại mà thôi.
Phạm Vinh cùng phu nhân kinh-lược sứ với đám vệ sĩ ra ngoài. Ðoàn Quang-Minh bảo Minh-Ðệ:
– Cô nương. Ta tuy bại dưới tay cô nương, nhưng ta không phục. Cô nương thử bình tâm mà xét xem có đúng thế không? Rõ ràng lúc mới đấu, công lực ta cao hơn cô nương, nhưng về sau, dường như ta bị trúng độc, nên chân khí bị hao tổn, mới bị cô nương bắt.
Y nhìn Minh-Ðệ mỉm cười:
– Cô nương, xin cô nương hãy móc trong túi áo ta, lấy tấm thẻ bài của ta đưa cho Kinh-lược-sứ coi.
Minh-Ðệ lần túi Ðoàn Quang-Minh, nàng lôi ra cái thẻ bài bằng bạc, rồi trình cho Phạm Anh. Phạm Anh cầm lên đọc:
"Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, tước Hoài-đức hầu Ðoàn Quang-Minh thuộc Khu-mật-viện Ðại-Việt".
Ðính kèm một tờ giấy có in con rồng uốn khúc và con chim âu, quốc huy của Ðại-Việt. Bên dưới có hàng chữ:
"Nay đặc sai tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Hoài-đức hầu Ðoàn-quang-Minh đi kinh lý một giải từ Kinh-Bắc tới Thanh-hóa. Bách quan văn võ từ cấp Kinh-lược sứ phải tuân lệnh điều động".
Dưới có đóng ấn của Khu-mật-viện.
Thời bấy giờ vào lúc cực thịnh của triều Lý. Vua Thái-tổ, Thái-tông đã xây xựng nền móng cai trị bằng từ bi bác ái của đức Thế-tôn, bằng nhân-nghĩa của Khổng-Mạnh. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế (tức Lý Thánh-tông) vì mồ côi mẹ từ nhỏ, được mẹ kế là Mai hậu nuôi dưỡng, được chú là Khai-Quốc vương phụ chính; thầy dạy văn là Dương Bình, Lý Ðạo-Thành, thay nhau huấn luyện. Ngài lại ảnh hưởng của chị gái là vua bà Bình-Dương, chị họ là tiên cô Bảo-Hòa... Nghĩa là bao nhiêu nhân vật đạo đức nhất, tài hoa nhất đương thời hết sức dạy dỗ, hết sức yêu thương. Nên từ khi tiếp ngôi trời (3-11-1054) đã lấy niên hiệu là Long-thụy Thái-bình. Sau khi đăng cực, chiếu chỉ đầu tiên mà ngài ký là đại xá cho tất cả tù nhân dù thành án hay chưa, bỏ các hình chặt chân, chặt tay; bỏ luôn hình phạt dìm tội nhân xuống sông hay đốt chết. Những hình phạt này còn sót lại từ thời Ðinh. Ðối với việc tra khảo, ngài cấm dùng cực hình nung sắt đỏ, nung đá đỏ rồi dí vào tội nhân.
Theo lễ giáo của Nho-gia, thì khi vua Thái-tông băng hà, một đại thần được cử để lo việc tang chế, xây lăng. Các bà vợ từ Hoàng-hậu, thứ phi cho đến các cung nữ phải cư tang cho đến hết đời trong cung cấm. Một số các bà phi, cũng như cung nữ phải ra ở trong những gian nhà tại lăng vua để ngày đêm tế lễ. Thế nhưng chiếu chỉ thứ nhì của ngài là đem toàn thể cung nữ ở cung Thúy-hoa gả cho các văn quan, võ tướng chưa vợ, hoặc góa vợ. Ðiều này làm nhiều Nho-gia phê phán rằng không đúng đạo lý của Khổng-Mạnh.
Ngài lại trọng dụng các quan võ giỏi văn học. Dương Bình, được phong là Thái-phó kiêm Thị-trung, Thượng-thư tả bộc xạ, Môn-hạ thị lang (Tả tể tướng). Lý Nhân-Nghĩa làm Tư-không, Thượng-thư hữu bộc xạ, Trung-thư thị lang (Hữu tể tướng), Khu-mật viện sứ. Quách Kim-Nhật được phong Thái-úy, Tham-tri chính sự (phó Tể-tướng)... với ý muốn xây dựng Ðại-Việt thành một nước phú cường, với đội quân thực mạnh. Nhưng sau nghe lời chú là Khai-Quốc vương, ngài trọng dụng thêm các văn quan như Bùi Hựu làm Trung-thư thị lang, Ðồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Văn-minh điện đại học sĩ. Dương Ðạo-Gia làm Khu-mật-viện phó sứ, Tham tri chính sự. Tất cả các đại thần đều là những người văn mô, vũ lược.
Ngài là một nhân quân bậc nhất trong lịch sử Việt-Nam. Năm sau, Ất-Mùi (1055), tháng mười, gặp rét dữ dội, ngài ban chỉ: ”Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu-ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.(4)
Ghi chú:
(4) ÐVSKTT, Lý kỷ, Thánh-tông hoàng đế kỷ.
Vì biên thần Tống muốn gây sự, đem quân xâm phạm lãnh thổ, lập tức ngài dồn quân đánh Khâm-châu, biểu dương lực lượng rồi rút về. Quả nhiên từ đấy các biên thần Tống kinh sợ, việc này đã thuật ở ba hồi trên. Cũng năm đó ngài cho tổ chức lại quân đội. Trước kia đã có mười hiệu Thiên-tử binh. Nay tổ chức thêm các hiệu Ngự-long, Vũ-thắng, Long-dực, Thần-điện, Bổng-thánh, Bảo-thắng, Hùng-lược, Vạn-tiệp. Mỗi hiệu chia làm tả đạo, hữu đạo.
Ðể thống nhất chỉ huy, tạo bộ máy quốc phòng hữu hiệu trấn Bắc, bình Nam, ngài cho lập lại Khu-mật-viện, gồm tả hữu tể-tướng (tức đồng-bình chương sự), tả hữu phó tể-tướng (tức tham-tri chính sự), Binh-bộ thượng thư, Lại-bộ thượng thư, Ðô-đốc thủy binh, các tướng chỉ huy các đạo Thiên-tử binh, Kị-binh, Khu-mật-viện sứ. Những Khu-mật-viện sứ không thường trực. Khi có sự thì bất cứ vị quan nào cũng có thể được cử đi bằng một mật lệnh. Khu-mật-viện sứ quyền hành rất lớn.
Hôm nay, Phạm Anh tuy là rể của tể thần, nhưng thấy Khu-mật-viện sứ thì líu ríu tuân lệnh. Y hoảng hốt vội cởi trói cho Ðoàn Quang-Minh, rồi hỏi:
– Quân hầu đi kinh lý, sao lại đột nhập vào thiểm dinh, để đến nỗi bị ngộ nhận như thế này, thực mất uy phong đi.
– Tôi thi hành chỉ dụ mật, thì sao lại có thể công khai đi ban ngày được. Mục đích của tôi là điều tra vụ án chùa Từ-quang cho minh bạch. Bây giờ sự thể đã thế này, xin Kinh-lược sứ để cho tôi hỏi cung Yến-Loan cô nương mấy câu.
Luật lệ thời bấy giờ, khi viên quan cao cấp Khu-mật-viện hỏi cung ai, thì dù là Tể-tướng cũng không được dự thính, nên Phạm Anh vội lùi ra ngoài. Y nói vọng vào:
– Xin tướng quân cứ tự tiện.
Ðoàn Quang-Minh hỏi Minh-Ðệ:
– Tôi theo dõi cô nương từ lâu. Thường đêm cô nương ra bãi sông luyện võ, học âm nhạc. Nhưng cô nương có biết hai vị sư phụ của cô nương là ai không?
– Tôi không biết.
– Tôi biết rất rõ. Chính lão già là người trói Ðặng Vinh, Trịnh Phúc với Vũ Ðức treo lên cây, rồi sau đó y dạy võ công cho cô nương. Võ công mà cô nương đấu với tôi là võ công phái Ðông-a, nhưng bị sai lạc quá nhiều. Tôi nói thế để cô nương hiểu rằng tôi biết rất rõ những gì cô nương đã làm.
Y chỉ bút mực:
– Kia, bút mực kia. Cô nương hãy cung khai hết về việc cô học võ từ một người đàn bà mà cô tưởng là Quan-Âm cho tới cặp vợ chồng quý nhân. Cuối cùng là lão già ở bờ sông.
Minh-Ðệ biết sự việc không dấu diếm được nữa, nàng đành ngồi khai hết sự thực. Khai xong nàng đưa cho Quang-Minh. Quang-Minh đọc lướt qua một lượt, rồi lên tiếng gọi Phạm Anh. Y nói với Phạm:
– Bây giờ tôi có việc phải đi. Xin Kinh-lược-sứ giải cô này về trao cho Khu-mật-viện càng sớm càng tốt.
Chiều hôm đó, Minh-Ðệ bị gông cổ, rồi đưa lên một chiếc xe có thùng đóng kín. Chiếc xe do một đội quân trăm người, chính Ðặng Vinh thân áp giải về Thăng-long. Ðường từ Kinh-Bắc đi Thăng-long mất khoảng hơn hai giờ. Xe đi vào cửa Bắc, rồi quẹo sang cung Uy-viễn, nơi đặt Khu-mật-viện. Quân canh cửa đánh ba tiếng chiêng, thì có người đội trưởng từ trong ra. Y thấy Ðặng Vinh mang quân hiệu lữ trưởng, vội hành lễ quân cách, rồi hỏi:
– Không biết tướng quân giải trọng phạm nào về vậy?
– Trọng phạm là một phụ nữ, võ công rất cao siêu, làm gian tế cho Tống.
Ðội trưởng ký nhận tù, cùng một bao thư lớn đựng hồ sơ của Minh-Ðệ, rồi cung tay:
– Việc xong, tướng quân có thể về được rồi.
Một thanh niên tuổi khoảng trên hai mươi, dáng người thanh nhã, trang phục theo lối quý phái đi tới. Anh ta hỏi viên đội trưởng:
– Tù nào vậy?
– Trình Thế tử, một nữ gian tế của Tống, do lộ Kinh-bắc gửi về.
Thiếu niên nhìn Minh-Ðệ rồi lắc đầu:
– Trông cô này hiền lành, mặt mũi xinh đẹp thế kia thì sao có thể là gian tế. Ðem vào trong này để thẩm cung xem sao.
Thiếu niên trao bao thư cho một viên quan:
– Tướng quân thử xét xem cô ấy phạm tội gì.
Viên quan cầm bao thư đi rồi, thiếu niên lên tiếng gọi:
– Biểu muội, em ra mà xem này.
Từ trong, một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần xuất hiện. Thoạt trông, Minh-Ðệ thấy dáng người nàng rất thân ái, rất quen thuộc, nhưng không nhớ rằng đã gặp nàng ở đâu. Chợt trí nhớ nàng lóe sáng: thiếu nữ giống Quan-thế-Âm như hai giọt nước. Chỉ khác một điều, nàng thì còn trẻ, trong khi Quan-âm thì đã trọng tuổi. Viên đội trưởng thấy thiếu nữ thì cung tay hành lễ:
– Tiểu nhân xin tham kiến Công chúa điện hạ.
Thiếu nữ xua tay:
– Miễn lễ.
Minh-Ðệ nghĩ thầm:
– Thì ra công chúa Thiên-Thành đây. Ta nghe nói đương kim thiên tử chưa có con trai, mà có đến ba công chúa. Công chúa lớn nhất là Thiên-Thành, nhũ danh An-Hải, đệ tử đắc ý của vua bà Bình-Dương, đã gả cho thế tử Thân Cảnh-Long là con trai vua bà Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái. Có lẽ là cặp này chăng? Còn Công chúa thứ nhì là Ðộng-Thiên, nhũ danh An-Dân, đệ tử của Quốc-mẫu Thanh-Mai tức Vương phi Khai-Quốc vương, đã gả cho Hoàng Kiện, đệ tử của Long-thành ẩn-sĩ. Hoàng Kiện hiện là Ðô-đốc thủy-quân Ðại-Việt. Công-chúa thứ ba là Ðộng-Thiên, nhũ danh An-Quốc, đệ tử đắc ý của công chúa Bảo-Hòa, dường như chưa gả cho ai, bởi công chúa muốn đi tu để cầu phúc cho tộc Việt.
Công chúa bảo đội trưởng:
– Người mở gông cho cô gái này đi. Ðối với một thiếu nữ yếu đuối mà gông như gông trâu, gông bò coi sao được, như vậy là mất cái đức nhân của phụ hoàng ta.
Ðội trưởng vội sai mở gông cho Minh-Ðệ. Công chúa nhìn qua Minh-Ðệ, rồi chỉ ghế:
– Người ngồi đó đi!
Nàng gọi thiếu niên:
– Anh Cảnh-Long, cô này đẹp đấy nhỉ?
– Ừ, cô xinh đẹp thực, đâu kém gì biểu muội.
Minh-Ðệ nhủ thầm:
– Thì ra Thế tử Thân Cảnh-Long với Công chúa Thiên-Thành thực. Mình đoán không sai.
Một viên đô thống cầm bao thư đọc xong, ông ta cung tay nói với Công chúa Thiên-Thành:
– Khải tấu công chúa. Có một sự kiện rất lạ, là Kinh-lược-sứ lộ Kinh-Bắc gửi thư nói rằng tuân lệnh của Khu-mật-viện sứ lĩnh Tả-thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Cổ-am hầu tên Ðoàn Quang-Minh, truyền giải tội nhân về cho Khu-mật-viện. Nhưng trong Khu-mật-viện đâu có vị tướng nào tên Ðoàn Quang-Minh?

back top