Trước mắt, Trần Khác không có đáp án. Hắn đồng ý tiếp tục qua lại với bọn họ, cho đến khi …. không còn cách gì có thể qua lại nữa mới thôi.
- Phương Trọng huynh, Phương Trọng huynh.
Vài tiếng gọi, mới có thể gọi Trần Khác định thần lại, hắn cười xin lỗi với mọi người, nói:
-Thật ngại quá, vừa nãy mới xuất thần đi dạo một vòng.
- Trọng Phương không phải là người phàm tục.
Chương Đôn cũng vô cùng yêu thích Trần Khác, y chính là thích một nam tử hán dám nghĩ dám làm, hào khí ngất trời như vậy, cười nói:
- Tử Thuần huynh vừa nói huynh ấy là từ Tướng Quốc Tự đến. Huynh ấy nói kẻ thuyết giảng nơi đó là mọt sách, kẻ nghe giảng là tên khờ, nghe lâu, làm cho người bình thường cũng biến thành đầu gỗ.
- Ồ, tên cháu trai lớn tuổi của ngươi không phải ở đó nghe giảng sao?
Trần Khác cười nói:
- Ngươi không lo y cũng biến thành đầu gỗ?
Chương Đôn là cùng cháu trai y – Chương Hành cùng đến dự thi. Nhưng người làm thúc thúc như y lại nhỏ hơn cháu mình hơn mười tuổi. Mặc dù, điều này trong gia đình là vô cùng bình thường, nhưng bước ra khỏi cửa thì lại là trò cười. Cho nên hai người dứt khoát chia ra, một người ở Đại Tướng Quốc Tự nghe nhị Trình giảng “dịch kinh”, một người ở đây cùng đám người Trần Khác.
- Mặc kệ nó.
Chương Đôn chán ngấy tên cháu trai lớn tuổi đó, bĩu môi nói:
- Huống hồ nó vốn là con mọt sách.
- Ầy.
Trần Khác thở dài nói:
- Một người bình thường, tại sao lại muốn đi chịu nhị Trình đầu độc chứ?
- Sao, Phương Trọng huynh cũng nghe qua bọn họ thuyết giảng?
Vương Thiều nghe thấy, hỏi.
- Đương nhiên, vả lại nghe liên tục bảy ngày.
- Vậy ngươi đủ lợi hại rồi. Ta nghe ba ngày thì chịu không nổi.
Vương Thiều khen ngợi.
- Cái gì chứ, ta cũng là gồng mình lên nghe đấy chứ.
Trần Khác cười khổ nói:
- Danh tiếng của Nhị Trình và Hoành Cừ tiên sinh không nhỏ, nên muốn nghe thử xem có gì?
- Ngươi nghe ra được những gì?
Vương Thiều truy vấn.
- Nói thế nào đây.
Trần Khác nghĩ một chút, cười nói:
- Cách này của nhị Trình, dùng để tu thân dưỡng tính, tự mình rèn luyện, quả thật không tệ. Nhưng bọn họ muốn 'Vi sinh dân lập mệnh, vi vạn thế khai thái bình!' thì là mơ mộng hão huyền giữa ban ngày.
- Sao lại nói thế?
Vương Thiều cười hỏi.
Nhị Trình ở hậu thế rất nổi danh, nhưng bây giờ vẫn không tính là gì cả. Trần Khác cho dù mắng bọn họ đến thành kẻ mất trí, ngu ngốc, cũng không sao cả. Hắn cười nói:
- Hai người này là phái đạo học, cũng gọi là lý học. Sư phụ của bọn họ cũng là sư tổ khai sáng ra lý học, gọi là Chu Đôn Thực.
Chu Đôn Thực chính là Chu Đôn Di, sau này vì để tránh tên húy của Anh Tông, mới đổi thành Chu Đôn Di mà mọi người quen thuộc. Bây giờ, Nhân Tông vẫn còn sống, không cần phải tránh tên húy của Triệu Tông Thực, đương nhiên không cần phải sửa tên.
Mọi người lắc đầu, bọn họ không nghe nói đến vị Đôn Thực huynh này là thần thánh phương nào.
- Vị Đôn Thực huynh này làm một chức quan nhỏ ở phủ Hợp Châu. Các ngươi không biết cũng không lấy gì làm lạ.
Trần Khác giải thích:
- Lý học mà nhị Trình hiện tại đang truyền bá, chính là do vị lão huynh này nghĩ ra, còn được xưng là học thuyết thuần nho! Nhưng nói đến thì thật nực cười, căn cơ của lý luận này lại đến từ “Vô cực đồ” của Trần Đoàn lão tổ. Nguồn gốc của việc chủ chương nghiên cứu đến sự cảm ứng giữa người và trời, cách vật trí tri (nghiên cứu quy luật nguyên lí của sự vật để tổng kết thành tri thức lí tính), tồn tại thiên lý, diệt đi dục vọng của con người..vv.. đều là của đạo gia. Cũng không biết là ‘thuần nho’ ở điểm nào?
- Nhưng, rất nhiều chủ trương của bọn họ, có vẻ cũng không tệ.
Vương Thiều lại không đồng ý cách nhìn nhận này:
- Ta nhớ bọn họ nói: “đọc sách để hiểu rõ nguồn căn, và để ứng dụng, không phải mang theo trong lòng để hành câu, làm văn. Kẻ làm như thế chính là đại họa của người học chữ”. Ta cảm thấy lời này khiến mọi người tỉnh ngộ.
- Bọn họ còn nói: “Cái học của con người vô cùng to lớn, phải biết trước sau, cội nguồn, kết thúc. ‘Trí tri tại cách vật’ là cái gọi là khởi nguồn, căn cơ; ‘trị quốc gia thiên hạ’ là cái gọi là kết luận, điểm cuối cùng.
Lúc này, Vương Thiều chậm rãi nói, cùng với hình tượng của kẻ giết người vận đồ trắng, quả thật tưởng như là hai người khác biệt:
- Đây là nói, vì khát vọng thực hiện trị quốc bình thiên hạ, phải bắt đầu từ cách vật trí tri, mới có thể tu thân đúng đắn, gánh vác trọng trách trị quốc bình thiên hạ!
Nói dứt, có chút hưng phấn:
- Ta cảm thấy bọn họ nói đúng, ít nhất đúng hơn so với tất cả những kẻ khác!
- Vậy huynh sao chỉ nghe có ba ngày?
Trần Khác cười hỏi.
- Ha hả…
Vương Thiều nghe thấy, cười khan nói:
- Bộ dạng thật già nua, hai kẻ nhỏ tuổi như thế, lại ở đó giảng giải đạo lý to lớn ‘tồn tại thiên lý, diệt đi dục vọng của con người’. Khổng Phu Tử có nói ‘Thực sắc tính dã’ (ăn uống, sắc dục là bản tính). Ta còn trẻ, không muốn ngay cả chút dục vọng của con người cũng không còn nữa.
- Ha ha ha…
Lời này làm cho cả đám người cười lớn.
- Đừng có đi nghe lý học nữa, cái lý luận đó sai từ gốc rồi.
Đợi cười dứt, Trần Khác nghiêm mặt với Vương Thiều nói:
- Cũng không phải là cái sai của bọn họ, thậm chí không phải là cái sai của những người học Hán nho, mà vốn là bản thân nho học có vấn đề.
- Lời này cũng quá ngông cuồng rồi.
Vương Thiều ngại ngùng nói gì đó, Chương Đôn lại mở miệng nói:
- Tam Lang, chẳng lẽ học vấn chúng ta học mười mấy năm lại sai?
- Cũng không phải là sai hoàn toàn, chỉ là có chỗ thiếu sót. Nếu không, nếu nho học thật sự hoàn mĩ, tại sao những triều đại lấy nho học để trị quốc đó đều không thoát khỏi vận mệnh diệt vong?
Trần Khác thầm nghĩ, xem bộ gần đây lão tử mở nhiều hội văn rồi, lại thích mấy cái lý luận siêu hình rồi. Liền nghiêm mặt nói:
- Nho học mà chúng ta học mười năm không sai, nhưng bất cứ lúc nào cũng không thể mất đi phán đoán của bản thân.
Dừng một lát, Trần Khác nói tiếp:
- Cái học của thánh nhân, nói đến là cách vật trí tri, chúng ta không ngại trước tiên xem xét lại bản thân cái học của thánh nhân, giống như tìm bệnh căn vậy, tìm thấy được nơi có vấn đề, mới có thể làm cho cái học vấn này tỏa sáng một lần nữa.
Trong thời đại mà Trần Khác đang sống này, là thời kỳ mấu chốt trong quá trình phát triển của nền Nho học. Nói có liên quan đến sự tồn vong hưng suy của Nho học cũng không quá.
Học thuyết do Khổng Mạnh sáng lập, được kế thừa và thay thế bởi hệ tư tưởng Hán nho này, sau Lưỡng Hán, thì bắt đầu xuống dốc. Giai đoạn này, tư tưởng của phật giáo và đạo giáo bắt đầu có sự phát triển và trở nên thịnh hành, mà Nho giáo lại không có sự xuất hiện của vị học giả hay học thuyết nào để có thể vãn cứu lại nguy cơ trước mặt của Nho học.
Bước ngoặt xuất hiện ở triều đại này, triều đình dùng Nho học để quyết định và quản lý chế độ giáo dục. Thi cử chỉ nhận nho sinh, điều này làm cho lượng nho sinh trở nên nhiều vô cùng, cuối cùng, nền nho học được phục hưng. Nhưng cũng đồng thời bài xích học tử của phật giáo, các nho sinh cũng bị những chỗ thiếu sót trong lý luận của bản thân nền nho học vây khốn, đề ra yêu cầu ‘tu kì bản’ (tu tâm, vì mọi thứ xuất phát từ tâm). Từ đó, xây dựng, đổi mới hệ thống nho học là xu thế tất yếu.
Bởi thế, bắt đầu từ khoảng thời gian những năm Khánh Lịch, các nhà nho học đều chủ yếu xoay quanh chủ đề phục hưng Nho học, ra sức thoát khỏi những hạn chế của gia pháp, sư pháp chiếu theo kinh sách thời Hán – Đường; chú trọng vào phương thức nghiên cứu cắt nghĩa, khảo chứng; mạnh dạn đặt ra sự ngờ vực đối với cái cũ, dám đưa ra những chủ trương mới lạ, kỳ dị, hình thành nên một thời đại của trào lưu tư tưởng nghi hoặc kinh sách, cổ thư.
Trên cơ sở này, nhiều học phái đều như đang đâm chồi nảy lộc, nhưng đại đa số các học thuyết đều vẫn đang ở giai đoạn đầu, muốn khai tông lập phái, còn phải đợi thêm vài năm, thậm chí mười mấy năm nữa.
Ít nhất, cho đến trước mắt, cái tư tưởng này vẫn còn là một mớ hỗn độn, không có bất cứ học thuyết nào là rõ ràng, thành thục. Nhưng sẽ nhanh chóng nghênh đón giai đoạn liên tục mở rộng, chiếm lấy vị trí đứng đầu của các học thuyết, trường phái trong truyền thuyết.
Sống tại thời khắc quan trọng này, Trần Khác có một loại cảm giác… hi vọng ở thời kỳ mấu chốt này, có thể làm chút gì đó cho dân tộc mình. Dẫu sao, giai đoạn cuối của trào lưu lý học, đã hại quốc dân thảm vô cùng.
Hắn đương nhiên có nghĩ đến, trực tiếp xử lý Chu Đôn Di, nhị Trình, không cho bọn họ bỏ độc ngàn năm, gieo hại Hoa Hạ. Nhưng tư tưởng lý học của bọn họ đã được mọi người biết đến, vả lại, lúc bọn họ còn sống, lý học cũng không phải là nền học thuyết nổi tiếng, cho đến khi Chu Hi của Nam Tống mới mang nó truyền bá sâu rộng, phát dương quang đại.
Càng huống hồ, Trần Khác biết mình nặng bao nhiêu cân, bao nhiêu lượng, làm sao dám thay cả một dân tộc lựa chọn con đường tương lai chứ? Lỡ như đi sai đường, thì tính với ai đây?
Cái hắn muốn làm là cũng chiếm được một tông phái, để biểu đạt cái nhìn của mình về nho học, xem thử có thể thu hút được bao nhiêu người, thay đổi được chút gì không.
Hắn biết như vậy rất mệt, nhưng trong giai đoạn trăm ngàn thứ bị loại bỏ để trở nên hưng thịnh, có thể làm chút việc cho dân tộc mình thì nghĩa bất dung từ.
- Vậy ngươi nói sai từ gốc là sai ở đâu?
Mọi người cùng nhìn về phía Trần Khác, chờ đợi hắn có thể tiếp tục thốt ra những lời kinh thế hãi tục.
- Nho học là sự ngưng tụ giữa căn cơ của nền văn minh, cùng với dân tộc Hoa Hạ chúng ta, ràng buộc không thể tách rời. Điểm này không gì có thể nghi ngờ.
Chỉ nghe Trần Khác trầm giọng nói:
- Nhưng có một chỗ thiếu sót vô cùng lớn vây khốn bản thân nó, cũng cản trở sự phát triển của dân tộc chúng ta. Đó chính là chủ trương nhập thế, yêu cầu chúng ta trị quốc bình thiên hạ!
- Nhưng trị quốc thì phải giải quyết vấn đề cụ thể sản sinh trong nước chứ? Vấn đề ở mọi mặt như: quân sự, chính trị, nông nghiệp, thủy lợi..vv…đều sẽ xuất hiện, vả lại còn biến đổi theo từng thời đại, rất nhiều vấn đề đều sẽ xuất hiện các khó khăn mới… Ví dụ như vấn đề tam nhũng của Đại Tống, trước đây, các triều đại không gặp phải. Lấy suy nghĩ của người bình thường để phân tích, nhất định là sẽ phân tích cụ thể để cụ thể hóa vấn đề, nhằm đưa ra cách thức giải quyết hợp lý.
- Nhưng dưới sự thống trị của nho học, cách thức giải quyết vấn đề không phải là phân tích cụ thể để cụ thể hóa vấn đề. Mà là tìm các chú giải trong các pho sách của cổ nhân để tìm ra đáp án.
Vẻ mặt Trần Khác tỏ ra xót xa, nói:
- Chuyện gì cũng phải nghe theo lời cổ nhân nói, xem cổ nhân lão tổ tông giải quyết vấn đề thế nào, sau đó chúng ta cứ chiếu theo mà làm. Nhưng cổ nhân có gặp phải vấn đề tam nhũng không? Gặp phải cường địch như nước Liêu không? Gặp phải việc Hoàng Hà thường xuyên vỡ đê không? Không có, hoàn toàn không gặp phải. Vậy chúng ta làm sao có thể yêu cầu họ đưa ra cách giải quyết vấn đề chứ?
- Chỗ tiến bộ của lý học so với nho học trước đó chính là ngoài việc phải hỏi cổ nhân còn phải hỏi chính mình!
Lại dừng trong chốc lát, Trần Khác lớn tiếng trào phúng nói:
- Nhưng người học nho ngoài lời của thánh nhân, cái gì cũng không hiểu, lại rỗng tuếch nói cái gì cách vật trí tri. Để bọn họ nghĩ cả đời, bọn họ cũng không tìm được đáp án!
- Vậy Trọng Phương huynh nói.
Vương Thiều thần sắc trở nên trịnh trọng, nói:
- Chúng ta thế nào mới có thể làm được…trị quốc bình thiên hạ chứ?
Lúc y nói lời này, vài người khác cũng nín thở ngưng thần, nghe cao kiến của y.
- Không có con đường nào khác, chỉ có cách vật trí tri.
Trần Khác nhấp một ngụm trà nói.
- Hầy…
Mọi người đồng loạt thất vọng nói:
- Cái này không phải cũng giống với nhị Trình sao?
- Cách vật trí tri của ta không giống.