Con sông quê tôi chẳng có một cái tên mỹ miều. Người ta cứ gọi nó là sông Cái, bởi nó là dòng chảy chính, là mạch nguồn sự sống của cả một vùng quê nghèo ven bãi. Sông Cái hiền hòa bốn mùa, nước lững lờ trôi, chở nặng phù sa bồi đắp cho những nương dâu, bãi mía xanh ngút ngàn hai bên bờ.
Làng tôi nằm sát con sông này, nổi tiếng khắp chín quận mười tám huyện không phải vì nem chả trứ danh hay bánh trái ngọt lành, mà là nhờ một "đặc sản" vô cùng độc đáo đó là tiếng hét thất tình.
Vâng, bạn không nghe lầm đâu. Ở cái xứ sở bé bằng bàn tay này, con sông Cái hiền hòa không chỉ là nơi để các cặp đôi thề non hẹn biển, nó còn là nơi giải bày cho những tâm hồn tan vỡ, những trái tim rạn nứt, và là nơi sản sinh ra những "nghệ sĩ" gào thét bất đắc dĩ.
Tôi, một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, quyết định không bám trụ thành phố mà về quê "khởi nghiệp" với quán cà phê nhỏ. Và chính quyết định này đã cho tôi cơ hội được thưởng thức trọn vẹn cái đặc sản có một không hai của quê nhà.
Cái "sân khấu" chính là một mỏm đất nhô ra sông, được dân làng ưu ái đặt cho cái tên vô cùng mỹ miều: Mỏm Than Thở. Bất cứ ai, từ già trẻ lớn bé, hễ gặp trục trặc trong chuyện tình cảm, là y như rằng sẽ lẳng lặng tiến ra Mỏm Than Thở, hít một hơi thật sâu, rồi trút hết nỗi lòng vào một tiếng hét vang vọng cả đôi bờ.
Dân làng tôi không ai thấy chuyện đó là lạ. Trái lại, họ còn xem đó là một hoạt động cộng đồng. Tiếng hét vừa cất lên, người đang cuốc đất thì dừng tay, bà đang lặt rau thì ngẩng đầu, mấy ông đang đánh cờ thì ngừng đi nước. Tất cả đều lắng nghe, rồi bắt đầu bình phẩm.
"À, giọng này là của thằng Tèo con bà Bảy. Chắc lại bị con Tí bên xóm Đình cho ăn bơ rồi."
"Hét yếu quá! Nội lực không thâm hậu. Nghe là biết tình cảm hời hợt."
"Không có điểm nhấn. Đoạn cuối phải phải gục xuống, ôm mặt và lăn lộn như bị chích điện thì mới đúng bài!"
Thật, ở làng tôi, thất tình không chỉ là nỗi đau cá nhân, nó còn là đặc sản, là nét văn hoá đặc trưng của làng.
_______
Mọi chuyện bắt đầu trở nên thú vị khi quán cà phê muối của tôi khai trương, nằm ở một vị trí đắc địa có thể nhìn thẳng ra Mỏm Than Thở. Quán tôi nghiễm nhiên trở thành hàng ghế VIP cho những buổi "công diễn" bất thường này.
Khỏi cần loa đài hay live stream, mỗi chiều hoàng hôn là có show miễn phí, âm thanh sống động, cảm xúc chân thật, thậm chí còn có khói sương bay lãng đãng (nhờ mấy bà hàng xóm hay đốt rác, đốt cỏ).
Và tôi nhanh chóng nhận ra, việc la hét ở Mỏm Than Thở có những quy tắc ngầm mà không phải ai cũng biết. Tôi được khai sáng những điều này từ "chuyên gia phân tích tình ái học" của làng - Bà Năm, khách hàng ruột nhất của quán tôi.
Một buổi chiều, khi cu Mít, một cậu trai mới lớn của làng bên, thất tình lần đầu, chạy ra mỏm đất và rú lên một tràng dài lúc 1 giờ trưa, Bà Năm đã nhấp một ngụm trà, tặc lưỡi và giảng giải cho tôi:
"Sai hoàn toàn về mặt học thuật và phong thuỷ! Mít ơi là Mít, con hét giờ đó, tổ tiên ba đời nhà con không phù hộ nổi!”
Theo Bà Năm, có ít nhất ba luật bất thành văn khi "biểu diễn" tại Mỏm Than Thở:
Thứ nhất là luật về thời gian: Tuyệt đối không được hét vào giờ nghỉ trưa (12h-14h) và sau 10 giờ tối. Giờ nghỉ trưa là giờ thiêng liêng, ai hét giờ đó là vô duyên, không tôn trọng giấc nghỉ của dân làng. Còn sau 10 giờ tối thì chó sủa inh ỏi, làm phiền giấc ngủ của người già và trẻ nhỏ. Thời điểm vàng là lúc hoàng hôn, vừa thơ mộng, vừa đủ khán giả hóng chuyện.
Thứ hai là luật về nội dung: Đừng hét những câu cụt lủn như "Trời ơi!" hay "Tại sao?". Phải có tên riêng của đối tượng. Ví dụ: "LAN ƠIIII! SAO EM NỠ BỎ ANH THEO THẰNG BÁN PHÂN BÓN HẢ LANNNN?". Nội dung càng chi tiết, càng bi đát, càng thể hiện mình là người sâu sắc và đáng thương, điểm cộng càng cao.
Thứ ba là luật về kỹ thuật: Đây là phần quan trọng nhất. Tiếng hét phải có trường độ, cao độ, có đoạn nhấn nhá, có đoạn gằn xuống. Phải thể hiện được sự chuyển biến tâm lý từ uất nghẹn, sang đau đớn, rồi đến tột cùng tuyệt vọng. Đặc biệt, sau khi kết thúc màn trình diễn âm thanh, phải có màn "vũ đạo" đi kèm: hoặc là ôm đầu quỵ xuống, hoặc là vung tay đấm thùm thụp vào ngực, hoặc cao cấp hơn là lảo đảo bước đi như kẻ mất hồn. Cu Mít chỉ hét xong rồi phủi đít đi về là quá thiếu chuyên nghiệp.
___________
Để tôi hiểu rõ hơn, Bà Năm đã kể về huyền thoại của Mỏm Than Thở - Lão Hùng. Lão là một tượng đài, một cây đa cây đề trong làng nghệ thuật thất tình.
"Màn trình diễn đỉnh cao của lão," Bà Năm lim dim mắt hồi tưởng, "là vào mùa thu năm 2005. Lão thất tình với một cô gái thành phố về quê chơi có mười lăm phút."
Theo lời kể, Lão Hùng đã có một sự chuẩn bị không thể hoàn hảo hơn. Lão mặc một chiếc áo sơ mi trắng, nhưng cố tình không cài hai cúc trên cùng để lộ vẻ phong trần, lãng tử. Lão canh đúng lúc mặt trời đỏ như lòng trứng gà, bắt đầu lặn xuống sau rặng tre.
Lão không hét ngay. Lão đi ra mỏm đất, đứng lặng im chừng năm phút, để cho khán giả có thời gian ổn định chỗ ngồi và nín thở chờ đợi. Rồi lão từ từ đưa tay lên ôm ngực, mắt nhìn xa xăm về phía thành phố.
"HƯƠNGGGGGG ƠIIII!" - Tiếng hét đầu tiên của lão trầm và vang, như tiếng còi tàu buổi xế chiều.
Một khoảng lặng.
"MƯỜI LĂM PHÚT GẶP GỠ... SAO ĐỦ ĐỂ QUÊN MỘT ĐỜI HẢ EM?" - Tiếng thứ hai cao hơn, có chút nức nở, thể hiện sự đau đớn đang dâng trào.
Lão bắt đầu lảo đảo…..
"EM ĐI RỒI... BỎ LẠI ANH VỚI CẢ CÙ LAO HOANG VẮNG NÀY SAOOOOO?" - Tiếng hét cuối cùng vút lên rồi vỡ tan, như một sợi dây đàn bị đứt.
Dứt lời, lão Hùng không quỵ xuống ngay. Lão từ từ xoay người, nhìn về phía dân làng đang hóng chuyện, nở một nụ cười bi tráng như các hiệp khách trong phim kiếm hiệp, rồi mới từ từ ngã vật ra cỏ.
Bà Năm kể, hôm đó cả làng đã vỗ tay. Có người còn rơm rớm nước mắt vì quá xúc động. Màn trình diễn đó đã được ghi vào "sử sách" của làng, trở thành một barem để chấm điểm cho các thế hệ sau.
__________
Nghe xong chuyện, tôi vừa buồn cười vừa thấy cái làng mình thật dị thường.
Tôi cứ nghĩ mình sẽ mãi là một khán giả trung thành. Nào ngờ, định mệnh đã réo tên tôi.
Chuyện là, tôi có thầm thương trộm nhớ bé Mai, con gái ông Ba bán tạp hóa, người chuyên cung cấp đá viên cho quán tôi.
Sau nhiều lần "tỏ tình" bất thành, tôi quyết định tỏ tình bằng một hành động lãng mạn đó là xếp 99 viên đá lạnh thành hình trái tim trước cửa nhà nàng.
Ai ngờ, tôi vừa xếp xong, mẹ nàng đi đổ nước vo gạo, trượt chân ngã sóng soài. Trái tim tan nát, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông Ba cầm chổi xể đuổi tôi chạy tới tận bờ sông. Bé Mai thì vừa đỡ mẹ vừa lườm tôi cháy mặt.
Thất tình. Cay đắng.
Tối đó, sau khi đóng cửa quán, lòng tôi nặng trĩu. Tôi nhìn ra Mỏm Than Thở, ánh trăng bàng bạc chiếu xuống mỏm đất cô liêu. Một ý nghĩ điên rồ lóe lên trong đầu. "Hay là... mình cũng thử một lần?"
Tôi hít một hơi thật sâu, đi ra mỏm đất. Lòng bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi. Cả làng hình như đã ngủ, nhưng tôi biết, luôn có những đôi tai vểnh lên hóng chuyện.
Tôi cố nhớ lại bài học của Bà Năm. Phải có nội dung, phải có kỹ thuật.
"MAIIIIII ƠIIIIII!" - Tôi bắt đầu, giọng hơi run.
"TRÁI TIM BĂNG CỦA ANH... ĐÃ TAN VỠ VÌ MỘT GÁO NƯỚC VO GẠO RỒI, EM CÓ BIẾT KHÔNGGGGG?"
Tôi gằn giọng, cố nặn ra vẻ đau khổ.
"GIÁ NHƯ HÔM ĐÓ... MẸ EM... ĐỪNG ĐỖ NƯỚC.... THÌ CÓ LẼ ĐỜI TA ĐÃ KHÔNG TRÁI NGANG THẾ NÀYYYYY!"
Dứt lời, tôi thực hiện động tác khó nhất: quỵ xuống và ôm mặt. Nhưng do không quen, tôi quỵ hơi mạnh, đầu gối đập vào một hòn đá.
"Aaaa!"
Tiếng kêu đau đớn "thật" của tôi vô tình trở thành một cái kết hoàn hảo cho màn trình diễn. Nó chân thật đến không thể thật hơn.
Sáng hôm sau, tôi ra mở quán với một bên đầu gối bầm tím. Bà Năm là người khách đầu tiên. Bà nhìn tôi rồi nhìn cái đầu gối, gật gù.
"Khá đấy cháu ạ. Giọng còn non, nhưng cái kết á một tiếng rất đột phá, rất chân thật. Có triển vọng. Bà chấm 7.5/10."
Tôi khóc không ra nước mắt với lời nhận xét của bà….
Bé Mai hôm đó mang đá qua, không lườm tôi nữa. Nàng đỏ mặt nhìn tôi, rồi lí nhí:
"Qua anh làm gì mà khó coi vậy, em đã từ chối đâu?"
Tôi ngớ người.
Và thế đấy, tôi không chỉ mở được quán cà phê đông khách mà còn mở ra một chương mới của đời mình, nhờ tiếng hét nơi Mỏm Than Thở ấy….